Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

Dưới Mái Yên Sơn

Trời đã về chiều, ánh triều dương vừa khuất sau núi để lại một vừng sáng màu vàng ối. Ánh sáng tha thướt dạo trên cánh đồng ruộng dẫn tới làng Giao Cù. Trên con đê dọc theo làng, một cụ già thơ thẩn dạo quanh vừa nhìn sóng nước trầm ngâm, vừa vuốt nhẹ chòm râu bạc. Ông ta thường được dân chúng gọi là cụ Nghè Giao Cù... Thuở trước ông thi cử đỗ đạt nhưng không ra làm quan. Phía cuối bờ đê một thiếu nữ mảnh dẻ, đôi mắt đen láy tròn tròn như hai hạt nhãn, đôi má đỏ hồng dưới nắng chiều, miệng mỉm cười duyên dáng. Nàng quảy gánh trên vai nhẹ nhàng đều bước. Nàng trông thấy cụ già liền lễ phép hỏi:

- Ủa, cha ra đây làm gì vậy? Ở nhà có hơn không.

Cụ nghè Giao Cù cười khà:

- Con tưởng cha dại lắm ư? Thỉnh thoảng cũng phải ra đồng ngắm cảnh một chút chứ, ở nhà ngâm thơ mãi cũng chán.

Nàng con gái biết mình lo lắng hơi thừa bẽn lẽn nói:

- Thưa cha, trời chiều rồi, thôi cha con mình về, còn ăn cơm tối.

Cụ nghè gật đầu, theo chân con gái. Đến đầu xóm chợt có tiếng gọi:

- Nhị Nương! Nhị Nương!

Nàng quay lại, hai chàng thanh niên vận đồ nho sinh mặt mày thanh tú đủng đỉnh bước tới. Hai người cúi đầu thi lễ với cụ già:

- Chúng con xin chào thầy và chúc thầy mạnh khỏe.

Cụ nghè Giao Cù đáp lại:

- Tốt, hai con còn tưởng nhớ tới ta.

Hai chàng thanh niên là Đặng Như Mai và Trần Tấn, nguyên là môn đệ của cụ nghè.

Nhị Nương hỏi:

- Thế một năm nay các anh ở đâu? Ra làm quan hả?

Nàng nói câu sau cùng với dáng điệu diễu cợt. Đặng Như Mai liền chống chế:

- Ấy, ấy, cô nói gì thế? Bọn tôi đâu dám bôi nhọ ý chí của thầy.

Trần Tấn tươi cười:

- Còn tôi thì làm quan, song chưa chính thức...

Nhị Nương nóng nảy:

- Chưa chính thức là sao?

- Nghĩa là... nghĩa là nếu người An Nam giành lại độc lập.

Nghe đến đây Nhị Nương cười lên như nắc nẻ. Cụ Nghè thấy bọn trẻ đừng ngoài ngõ nói chuyện ồn ào bèn bảo:

- Thôi vào nhà mà nói chuyện, ở ngoài mất cả lý thú.

Nhị Nương nói:

- Hai anh vô nhà đã. Cha tôi mong hai anh lắm. Tối nay mời hai anh ở lại dùng cơm.

Dứt lời, nàng thoăn thoắt ra nhà bếp.

- Cách một năm nay hai con làm gì? - Cụ nghè hỏi.

Trần Tấn cung kính:

- Thưa thầy, con với Đặng huynh phong trần học võ, nghe đâu quanh vùng ta mấy đảng văn thân mọc lên như nấm...

Đặng Như Mai tiếp lời:

- Con có nghe hình như tên Trần Thượng Báo được bổ làm tri phủ Nam Định này.

Cụ nghè Giao Cù nheo con mắt, suy nghĩ. Giây lát cụ nói:

- Thằng Trần Thượng Báo tâm địa nhỏ nhen, tham lợi, lúc trước nó cùng học một thầy với ta. Hai bên có ít nhiều xích mích. Thằng ấy làm tri phủ ở đây chắc làm khó ta lắm. Tuy nhiên ta chỉ cho hai con chỗ này có thể nương thân làm việc lớn.

Ngưng một lát cụ tiếp:

- Lên chùa Yên Sơn, tiếp xúc với vị hòa thượng và nói rằng ta giới thiệu...

*

... Hai ngày sau, cụ Nghè bị niêm phong nhà cửa. Riêng cụ được lính của Thượng Báo còng tay mời về phủ.

Tối hôm đó trong màn đêm dày đặc, nền trời không trăng sao, ngôi Yên Sơn Tự vẫn im lìm bất động và đầy đen tối. Chợt một ánh đèn cầy le lói chiếu qua khe cửa trai phòng, một bóng người mảnh khảnh lách mình vào phòng. Trong phòng, hai người đang bàn luận liền ngửng đầu lên thảng thốt:

- Nhị Nương!

Bóng người chính là nàng con gái con cụ nghè Giao Cù.

Nàng nói:

- Đặng, Trần hai anh! Cha tôi bị Thượng Báo bắt rồi.

Đặng Như Mai khẽ bảo:

- Tin ấy chúng tôi rõ rồi song chưa có cách gì cứu giải. Trần đệ hãy mời hòa thượng lên thỉnh kế.

Trần Tấn vâng lời bước ra. Vị hòa thượng vừa cầu kinh xong. Nghe qua ý kiến họ Trần, hòa thượng mỉm cười:

- Cái đó tùy tráng sĩ, bần tăng đã già rồi, tâm bình lòng sạch, không thể bàn gì được xin tráng sĩ tha lỗi.

Trần Tấn đành trở về trai phòng. Ba người bàn luận khá lâu bên ngọn đèn cầy và sau đó, trai phòng bị bao trùm bởi màn đen dày đặc.

*

Chiều hôm ấy, nơi của phủ xuất hiện một cô hàng bán rượu xinh vô cùng. Lính trong phủ ra nhậu, chọc ghẹo cô hàng ỏm tỏi. Đám lính uống bất kể trời đất, uống nhiều trả ít cũng được, cô hàng cũng chả hỏi han đến. Bỗng một đứa kêu lên:

- Trời ơi! Thầy đội đến.

Thầy đội thấy lính tụ họp đông đảo liền ra oai quát hỏi:

- Ai cho bây ra đây uống rượu không phòng gian bảo mật hả? Bọn bây thằng nào ra uống trước hử? Nói mau.
 
Bọn lính khép nép sợ hãi, ma men bay hết, anh nào anh nấy mặt tái xanh hết. Thầy đội trợn dọc con mắt lên, rồi bỗng nhiên dịu xuống. Cô hàng xinh đẹp với nụ cười khả ái đã được thầy đội để mắt tới. Thầy đội cười khà:

- Nể tình cô em đây ta tha cho bọn bây. Đi chỗ khác.

Bọn lính lo sợ tản mác hết.

Thầy đội ngồi xuống cạnh nàng bán rượu tán:

- Chà, cô em đẹp vậy có muốn làm bà đội không?

Cô hàng duyên dáng vừa rót rượu vừa đáp:

- Dạ thưa thầy đội em đâu dám mơ cao. Dám hỏi thầy đội có bà nhà chưa?

Thầy đội cười hềnh hệch:

- Ờ có thì... thì cũng vậy, song nếu cô em về với ta, ta sẽ cho nàng làm chính thê... hề... hề.

Thầy đội xích lại gần, vòng tay mở rộng định ôm lấy cô hàng. Cô hàng khẽ lách mình, khúc khích nói:

- Khoan đã thầy đội, làm gì gấp dữ vậy. Để thủng thỉnh. Xin thầy đội cho lính phủ tới uống mừng.

Thầy đội ha hả cười:

- Được được! Chiều ý cô em. Bớ bọn bây, ta nể lời nàng cho bây uống rượu, uống đã thôi, mừng cho ta sắp đem cô hàng về nhà thờ phụng...

Bọn lính a lại. Thầy đội uống ừng ực. Cô hàng lấm lét nhìn, mỉm cười tinh quái. Uống thôi ngã ngửa, ngã nghiêng, đến khi trời tối thì nào lính, nào thầy đội đều bị rượu mê của cô hàng say như chết. Cô hàng không ai ngoài Nhị Nương cải dạng.

Màn đêm buông xuống, ba bóng người lướt nhẹ vào phủ. Đó là Đặng Như Mai, Trần Tấn và Nhị Nương. Ba người lẹ làng vào ngục thất. Lính phủ giữ ngục đã say mèm. Ba người cầm xâu chìa khóa trong mình thầy đội, mở cửa và cõng một thây người rồi biến mình vào đêm tối...

*

Làm như vô ý, một tên dân rách rưới, cực khổ ăn mặc theo lối nhà quê đi lui đi tới rồi quăng miếng vỏ bưởi vào ngực tên canh cổng. Tên lính canh nổi nóng quát:

- Thằng chó má quê mùa dám chọc đến ông hả?

Người nọ vẫn yên lặng quắc đôi mắt bướng bỉnh nhìn tên lính canh rồi mỉm cười khiêu khích... Tên lính canh tức ói gan hét lên:

- À, thằng này ưa đau đòn không thèm trả lời ông.

Tên lính canh giáng roi lên định quất người ấy, thì năm ba tên lính khác nghe ồn ồn chạy tới hỏi:

- Cái gì mà dữ vậy? Có đội Chánh đến nơi kìa.

Người ấy vẫn nụ cười ngạo mạn đầy khiêu khích:

- Tao đâu thèm nói chuyện với bọn bây. Chỉ khi nào đối diện với thượng quan tao mới nói... Bọn bây đừng hòng hỏi.

Đội Chánh thấy người ấy nói cứng liền bảo:

- Thôi, bọn bây trói nó lại cho kỹ rồi đem vào trình với thượng quan.

Bọn lính y lời và đem người ấy vào phủ. Thượng Báo nghe tin vội vã thăng đường, ngồi trước án thư vỗ bàn hét:

- Thằng kia, chỗ này để mày giỡn hả? Ai sai mày tới vuốt râu cọp? Khai mau kẻo chết.

Người ấy vẫn bình tĩnh:

- Bẩm quan, con thấy tấm bảng văn bảo rằng ai biết được chỗ ẩn của đảng Văn Thân thì thưởng tiền bạc. Tình cờ con biết được. Con liền vào báo quan. Song nói với tên canh cổng nhỡ nó xì xào thì mất hết bí mật nên con mới dùng kế, mạo hiểm cho giáp mặt thượng quan.

Ngồi trên án thư, Thượng Báo vuốt râu hể hả:

- Thế ngươi thấy bọn nó ở đâu?

Dạ bẩm thượng quan. Bọn nó thường qua lại chùa Vôi vào khoảng giờ Tý canh ba. Con không dám chắc nơi đó là sào huyệt hay không song con thấy chúng hay hội họp, bàn luận và đồn... đồn rằng...

- Rằng sao? Chúng nó nói gì?

- Dạ bẩm thượng quan tha tội con mới dám nói.

- Được, nói mau kẻo mang tội.

- Dạ, chúng bảo rằng là... là dẫu cho tên chó săn Thượng Báo ấy có làm chi nữa nó cũng lấy mạng.

Thượng báo tức uất lồng lộn lên. Một lệnh truyền ra, quản Dương, đội Chánh liền kéo rốc hết lính phủ theo tên điểm báo hướng chùa Vôi thẳng tiến.

Ngôi chùa vôi vẫn yên lặng, đoàn quân tiến vào trong, bên trong trống trơn chẳng có gì ngoài bệ thờ và cây đèn dầu leo lét. Bọn lính đi lục xét lung tung. Bỗng một mũi tên lửa không biết từ đâu bay đến cắm vào mái đã tẩm dầu từ trước. Lửa bắt cháy cả một vùng đỏ ối. Quản Dương và đội Chánh cùng ba quân chen lấn, đạp nhau chạy. Nhìn lại thì tên quân đã mất dạng...

Khi ấy tại tư dinh, Thượng Báo một mình mỉm cười khoái lạc. Lão ta nghĩ thầm: tiếng là mình bắt giặc, nhưng mình chả cần dấn thân vào đầu giáo mũi tên. Thành công mình hưởng trọn. Tên tay sai bán nước nghĩ đến ngày mai khi dẹp được đảng Văn Thân ở đây sẽ được thăng quan... Lão ta miên man với giấc mộng công hầu thì cánh cửa sổ bật mở, một bóng người nhảy vào kề lưỡi kiếm vào cổ Thượng Báo đanh thép nói:

- Mau nói bọn lính vệ bỏ khí giới xuống kẻo uổng mạng.

Hơi lạnh từ lưỡi kiếm toát ra làm lão rợn người. Người ấy vẫy tay ra ngoài cửa sổ gọi:

- Trần hiền đệ!

Một người khác cầm trường kiếm nhảy vào:

- Đặng huynh gọi đệ?

- Hiền đệ hãy trói bọn lính vệ lại cho ta.

Quay qua Thượng Báo, Đặng Như Mai lạnh lùng nói:

- Tạm thời cụ Thượng theo chúng tôi, khi nào rửa hận đất nước, trả thù tôn sư xong cụ sẽ được thả về.

Dứt lời, Đặng Như Mai xốc Thượng Báo lên vai.

- Bắt lấy thích khách!

Đặng Như Mai quay lại.

Trần văn Xuân con của lão Thượng Báo xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Đặng Như Mai hạ Thượng Báo xuống, nhảy đến tống một ngọn cước vào bụng... Bịch. Trần văn Xuân ngã gục. Đặng Như Mai ôm Thượng Báo ra cửa:

- Nhị đệ! Cản hậu cho ta.

Hai người biến ra cửa... bọn lính canh đuổi theo... Một lằn kiếm lướt qua... hàng loạt người gục ngã. Quân canh chỉ còn rất ít. Ba lằn kiếm bay... Hai chàng tráng sĩ phóng mình lên hai con tuấn mã nhắm hướng Yên Sơn Tự...
 
*
 
Đêm ấy là đêm 17 vào tháng 4 năm giáp tuất (1874) niên hiệu Tự Đức 27.

Người ta đồn rằng Thượng Báo bị quấn giẻ, làm đuốc người trước bàn thờ tổ quốc và cụ nghè Giao Cù.


Tuấn-Khanh          

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 66, ra ngày 1-4-1967)



Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>