Thứ Ba, 23 tháng 4, 2024

Gieo Mạ


Phương nhìn đàn bé tung tăng trên đồi. Tuổi thơ của lũ trẻ thật ngoan hiền, như cỏ cây màu xanh, như nắng nhàn nhạt chiều lại chiều trở về trên xóm lá. Phương thương nhiều đến những tuổi nhỏ ở xóm làng hiện tại. Tuổi ngây khờ thỉnh thoảng trở về trong đêm trăng say sưa trong lòng nội nghe kể chuyện đời xưa hay trong những đêm, buổi sáng, buổi chiều, chúng vui say như quên đi những đêm đen dài có tiếng súng nổ, có ảnh hình hỏa châu len lén qua những khe vách hở.

Thằng Phong là người quản trò trong những buổi sinh hoạt bởi nó có khiếu về ca hát, lại thêm có tài khôi hài và tánh nhanh nhẹn hoạt bát! Thằng Phong đang dạy cho chúng bài "nhảy lửa". Điệu bộ nó thật dễ cười. Miệng nói tía lia, tay cử động lên xuống như phụ họa cho lời nói. Tiếng hát của lũ trẻ thật trong và cao. Những đám mây đủ màu chừng như ngừng lại. Cỏ cây dường như im lặng nghe tiếng hát tuổi thơ trên xóm làng, trên quê hương chinh chiến...

Phương nhớ lại lúc chàng vừa được đổi về đây. Những ngày đầu tiên khuôn mặt của thằng Thanh, thằng Phong, Hùng, Dũng, sao xa lạ. Trên khuôn mặt nám đen và đầy muối sự ngạc nhiên của chúng trở thành hững hờ chừng như đã quen đi sự thay đổi thầy, cô mới. Phương đã kêu trả bài và điều làm cho Phương thoáng hiện nét sâu xa khi gần hết lớp đều đưa tay xin trả bài. Sổ ghi điểm không có đến một con số không. Chính điều đặc biệt nầy, chính sự siêng năng, sự bình thản của chúng ở ngày đầu học thầy giáo mới. Phương thấy vui vui và nghĩ ra đến ý định cho những đứa học trò ngoài giờ học, cho chúng sống một đời sống tập thể, một đời sống mà ở học đường, mà ở gia đình (dầu rằng có những đứa phần đông sau giờ học lại phải phụ giúp cha mẹ những việc nặng nhọc như chài lưới, như đi biển... vân vân...) ít ai nghĩ tới. Ý chí của chàng đã được thỏa mãn, lũ học trò miền quê nước mặn nầy đã ham thích, thật khoái chí. Khi chàng dạy cho chúng những bài ca sinh hoạt cộng đồng, phương pháp đo bóng cây, đo sông ngòi, dạy cho chúng biết tự giác trước những sự lầm lỗi và chàng chắc rằng trong thời gian từ ngày chàng được đổi về đây đến nay, chúng đã làm cho gia đình, cha mẹ vui mừng không ít.

Những đứa học trò dễ yêu dễ mến của Phương có nhiều lần thố lộ với chàng về hoàn cảnh, về gia đình, về ngôi trường, những ông thầy trước. Điều làm cho chàng phải suy nghĩ nhiều hơn, suy nghĩ những ba bốn ngày đêm khi một ngày kia thằng Hùng nói nhỏ với chàng:

- "Thầy ạ! Hình như ông hiệu trưởng không ưa thầy khi thấy thầy dạy cho chúng em về đời sống tập thể. Và những ông thầy nào mà ổng không thích là không sớm thì muộn cũng bị ổng đưa đi mất".

Phương không sợ ông hiệu trưởng phải đưa chàng đi vì phương pháp giáo dục quá mới đối với đám học trò của chàng. Chàng sẽ rất vui mừng khi hay tin đó (được xa rời ngôi trường làng xiêu vẹo và quê nghèo nầy là sướng rồi) nếu chàng không sống chung với đám học trò trong những ngày vừa qua. Chàng hiểu ra rằng tại sao sự ham thích học bài, sự siêng năng của đám học trò, thì ra sự khao khát được học, cùng với sự mất an ninh của xóm làng nầy khiến cho những ông thầy trước đây dạy quơ quào rồi lại ra đi, ra đi như cơm bữa... Và Phương lại thương lũ trẻ thật nhiều trong những ngày còn ở nơi đây...

*

Lửa cháy từ đầu xóm. Đạn bay như mưa. Tiếng khóc la thảm thiết. Lửa nuốt dần những căn nhà tranh làm tỉnh những giấc ngủ quên thôi của dân trong xóm. Tiếng đại bác ngoài tỉnh dội về nghe ầm ì. Dân chúng lao xao. Mãi cho đến khi phi cơ bay vần vần. Tiếng đạn bớt đi. Phương lao mình cầm bó đuốc cháy sáng chạy về phía đầu làng. Dân chúng đang chữa lửa. Thằng Bé, đứa học trò của chàng nằm thở thoi thóp trên manh chiếu ngoài sân. Vết thương hơi sâu, máu chảy nhiều, chàng xé nhanh chiếc áo mặc trên người rồi băng cầm máu lại cho đứa nhỏ. Chàng áp dụng những điều đã học hồi còn đi trong phong trào Hướng Đạo. Sự đau đớn đến quặn thắt của chàng khi nhìn thằng Bé nhắm mắt lại, thở mệt nhọc và bặm môi nín đau. Chàng vỗ về:

 
- "Rán chịu đau chút đi Bé. Thầy đây nè, rán chịu đựng đi. Thầy kêu xe chở Bé lên bệnh viện trên tỉnh ngay".

Đôi môi thằng bé mấp máy muốn nói điều gì nhưng không nói nổi. Máu ngừng chảy ra ngoài. Phương nín lặng lo âu mãi đến khi chiếc xe lôi, bó đuốc sáng rực chạy nhanh trên đường lên tỉnh... Phương quay lại, những đứa học trò của chàng đang tạt từng thùng nước vào ngọn lửa đang cháy. Yếu ớt dần rồi tàn lụn ; khói bốc lên nghi ngút. Trời dần sáng. Phương trở về nhà với sự mệt mỏi trong người.

Sáng hôm nay Phương đi dạy không nổi nữa. Chàng ngã bịnh luôn. Nằm trên giường Phương nghĩ tới thằng Bé không biết có bớt hay không. Chàng nhớ đến đêm kinh hoàng vừa qua. Phương lo sợ khi mình không đi dạy được. Không phải chàng sợ ông Hiệu trưởng mà bởi vì sự lo âu của chàng đối với những đứa học trò. Người dạy trước đã không chịu dạy cho kịp, chàng theo sau, chàng phải dạy gấp rút, dầu cuối năm nay phần đông không thi vào Đệ Thất trên tỉnh được vì lớn tuổi, vì hoàn cảnh gia đình. Chàng muốn mình phải làm tròn bổn phận, để đến khi ra đi khỏi phải ân hận. Phương nghĩ đến lúc phải rời khỏi nơi đây, với niềm luyến tiếc, với những kỷ niệm thật miên man. Chàng sẽ cố gắng áp dụng phương pháp đó vào những nơi tương lai chàng sẽ được đổi đến. Những mầm non sẽ là sự vinh quang cho quốc gia sau nầy. Sự mệt mỏi đến dần dần với Phương trong giấc ngủ...

..................


Ánh nắng xuyên qua cửa sổ. Căn nhà nóng nực quá. Phương không trọn được giấc ngủ. Chàng uể oải ngồi dậy đi rửa mặt. Bỗng chàng thấy trên bàn học, một gói bự bằng giấy nhựt trình. Phương tháo ra xem, thì ra là của học trò chàng gửi. Sao chúng nó biết chàng bệnh mà lại thăm? lại bày đặt gửi quà nữa. Dưới chục cam đầu mùa, chàng thấy một cái bao thơ:

"Kính gởi Thầy"

Phương xé ra xem. Chàng đọc:

"Thưa Thầy

Hay tin thầy bệnh , chúng em vội đem lại cho thầy vài trái cam ; cho thầy hay tin là chúng em đã rành rẽ về bài hát, về cách thức cắm trại, về nghi thức lửa trại cũng như về những trò chơi, bài hát sinh hoạt. Cho nên vào ngày... tức là Chúa Nhựt tới, chúng em mời thầy đến chung vui với chúng em. À thầy hiệu trưởng sáng này mặt hầm hầm có nhờ chúng em mời thầy lại cho ông ta nói chuyện đấy.

Trước khi dừng bút, chúc thầy mau mạnh để sớm sinh hoạt và lo liệu phụ với chúng em ở kỳ trại tới.

Chào thầy
Toàn thể lớp Nhất 1".

Hàng chữ mực tím viết nắn nót cẩn thận dễ yêu. Phương nghĩ đến lời mời của ông hiệu trưởng và "sáng này mặt hầm hầm" nên vội vã thay đồ lại đằng trường...

Bước vào văn phòng. Dưới cặp kính cận, dầu Phương đã lễ phép thưa:

- "Ông đòi tôi đến có việc chi vậy?"

Ông vẫn lặng yên không nói gì, làm như không nghe lời của Phương. Phương bảo thầm trong bụng: "Hắn ta khi người quá. Mình về cho rồi". Nhưng ông ta đã kêu Phương lại và hỏi giọng gay gắt:

- "Sáng nay sao anh không đi dạy?"

Phương cố gắng ôn tồn:

- "Dạ tại tôi thấy mệt mỏi trong mình".

Ông hiệu trưởng đập bàn thét:

- "Anh mệt sao anh nghe tôi mời đã vội chạy lại ngay được vậy? Anh tính bợ đỡ tôi để tôi tha cho tội làm biếng dạy học của anh ư?".

Sự tức giận đến nóng nảy, Phương uất ức:

- "Tôi không bợ đỡ ai hết, tôi lo cho học trò tôi mà thôi. Còn sự mệt nhọc là tại đêm rồi, tôi có đi phụ chữa cháy nhà cho dân trong làng rồi tôi về ngã bệnh luôn, còn sự mà tôi cố gắng lại đây sợ ông mích lòng mà hậu quả là tôi sẽ..."

- "Sẽ bị đổi đi phải không. Tôi sẽ làm giấy ngay bây giờ để anh không còn dạy đây nữa. Kể từ giờ phút này anh nghe chưa".

Phương phun bãi nước bọt ngay lên bàn bureau của ông hiệu trưởng rồi ra đi. Tiếng vọng lại: "Tôi sẽ ra đi ngay chiều nay. Ông nghe chưa".

Buổi chiều hôm đó, Phương ra đi, để lại cho những học trò thân yêu hàng chữ:

"Thầy ra đi nhưng không phải là không nhớ mấy em. Tương lai của tuổi các em đã được thầy nghĩ thật nhiều, qua những ngày sống tại đây. Thầy ra đi với sự hối hận đã không nhìn được ngày ngày các em vui chơi ca hát ở trên đồi, ở bãi bể hay siêng năng trong lớp học. Những kỷ niệm, những kinh nghiệm trong cuộc sống, trong phong trào Hướng Đạo hay ở ngoài đời, thầy đã chỉ bảo lại cho các em rồi. Các em tinh thần là người Hướng Đạo rồi đó vì các em đã thuộc luật, sống theo luật, thầy mang theo thật nhiều hình ảnh trong tâm tư rồi, cho nên thầy không muốn phải ghi nhận thêm hình ảnh của sự chia ly. Điều mà thầy nhớ nhứt là trong đêm vừa qua, học trò thầy đã hiện diện đầy đủ, không sợ hiểm nguy giúp đồng bào trong xóm. Các em đừng buồn khi những người lớn tuổi hơn mình trong đêm vừa qua vẫn đắm chìm trong giấc ngủ rồi lại còn rầy la những kẻ hết lòng.

Sau chót thầy khuyên các em hãy tiếp tục phát huy mãi cuộc sống tập thể cho thôn xóm. Còn thầy, thầy "NHƯ NGƯỜI GIEO MẠ" gieo rắc sự vui tươi cho tuổi thơ hôm nay. Thầy sẽ áp dụng cho bất cứ những già mà thầy sẽ gặp, áp dụng cho bất cứ tuổi học trò nào mà thầy sẽ được chỉ điểm ngày mai dầu ở thôn quê xa xôi, hay ở miền thị thành vương giả. Các em đừng buồn.


PHAN TUYẾT HẠNH      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 134, ra ngày 1-8-1970)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>