Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

Hoa Nở Trong Tim

 An đẩy cửa thò đầu vào nhà, bên trong tối om. Chỉ có một vệt sáng duy nhất chui qua cánh cửa đang hé mở ngã dài trên nền đất. Gian nhà nóng hầm, nồng nặc mùi rượu lẫn mùi đất ẩm.

Trên tấm phản thấp lè tè đầy vết mọt loang lổ, lão Nhượng nằm co quắp. Mặt lão xây về phía An, nó trông rõ vệt nước dãi chảy dài bên khóe miệng, thấm ướt nhẹp cả vạt áo kaki cũ mèm. Đầu tóc lão rối bù, mặt đẫm cả mồ hôi. Cạnh lão, trên chiếc ghế con, chai "ba xi đế" nằm lăn lóc, chỉ còn trơ cái vỏ. Bóng tối lan tràn trên khắp người lão, nô đùa, nhảy múa!

An lay mạnh vai lão Nhượng, léo nhéo gọi:

- Bác Nhượng ơi! Dậy! Dậy! Nhanh đi bác.

Lão Nhượng ú ớ vài tiếng rồi tiếp tục ngủ, say như chết. An chồm người tới, nó hét vào tai lão:

- Dậy mau! Bác.

Lần này, lão Nhượng tỉnh hẳn, lão hấp háy đôi mắt đầy ghèn. An nom rõ đôi mắt sâu hoắm, đỏ kè những tia máu của người say. Lão Nhượng lè nhè quát, giọng sặc mùi rượu:

- Thằng khốn nào đấy, phá giấc ngủ ông hả? Muốn chết phải không?

- Thưa bác, cháu đây ạ.

Chợt nhận ra thằng An, con lão Bá xích lô, lão Nhượng ngồi bật dậy, đưa tay dụi mắt, hỏi nó:

- Có chuyện gì đấy?

An hấp tấp:

- Cháu tìm ra chỗ thằng Việt đánh bài cùng tụi bạn nó rồi! Bác theo cháu mau.

Lão Nhượng nghe xong giật bắn người, lão tụt xuống phản, hấp tấp xỏ chân vào đôi guốc, xong lão móc túi lấy ra mấy đồng bạc dúi vào tay thằng An, đoạn theo nó đi.

Mấy bữa nay lão Nhượng mất ăn mất ngủ khi nghe tin tụi bạn cùng lớp thằng Việt - con lão - bảo nó bỏ học để theo tụi bạn hư đốn tụ năm, tụ bẩy, đánh bạc, phá phách xóm làng. Lão Nhượng giận tím gan, lão không ngờ thằng con hiền lành ngoan ngoãn thuở nào lại trở thành hư đốn như thế, ôn lại dĩ vãng, từ ngày vợ mất, lão cảm thấy buồn thấm thía, mang nặng một vết thương đau trong lòng, lão đâm ra rượu chè be bét, suốt ngày bầu bạn với rượu. Có khi say khướt, lão lết thết ra ngồi trước cổng nhà chửi bới thiên hạ. Lũ trẻ trong xóm gán cho lão một biệt hiệu là "Lão ma-men". Thấy bóng lão đâu là chúng chạy theo rần rần, để chọc, để cười bằng thích.

Tuy thế, nhưng lão lại thương thằng con hơn hết. Lão chỉ độc có nó. Hai cha con sống hẩm hiu trong gian nhà nhỏ lụp xụp, lão cố gắng nuôi nó ăn học cho xứng với lời trăn trối của vợ lúc lâm chung. Mỗi buổi tối sau một ngày trời cong lưng trên chiếc xích lô đạp vất vả - cơm nước xong lão bắc ghế ra giữa sân ngồi hóng mát, vừa khề khà nhấp rượu, vừa nghe thằng con đọc truyện Tam Quốc. Đó, những giây phút sung sướng mà lão mong sẽ không bao giờ mất, đã mất đi theo thằng con lão. Lão Nhượng giận thằng con ngỗ nghịch, nhưng lão chỉ để trong lòng vì lão chưa tìm ra sự thực, chưa bắt được quả tang. Bữa nào cũng như bữa nào, đến tối mịt nó mới dẫn xác về. Lão có gặng hỏi thì nó đáp là phải ghé nhà thằng bạn để chép bài. Lão Nhượng buồn trong thâm tâm đến mất ăn mất ngủ. Cuối cùng, lão nghĩ ra một biện pháp rất hay là nhờ thằng An - con lão Bá hàng xóm - An học cùng trường với thằng Việt con lão. Lão nhờ nó tìm chỗ mà thằng Việt đánh bạc, lão hứa rằng sẽ cho nó tiền nếu nó tìm được. Và giờ đây lão đã toại nguyện. Một già, một trẻ bước nhanh trên con đường đất băng ra lộ.

*

Đám bạc quây quần dưới mái hiên lớp học. Bọn nhãi hôm nay chơi "catê". Những con bạc nhãi ranh sát phạt nhau ra mặt. Bọn chúng có 6 thằng, tuổi xấp xỉ ngang nhau. Thằng nào, thằng nấy ngồi vắt chân chữ ngũ, miệng phì phèo điếu thuốc lá thơm. Vừa đánh chúng vừa cãi nhau ỏm tỏi.

Một thằng chưng, hai thằng tiêu tùng, ba thằng còn lại hồi hộp đợi thằng chưng chìa con dưới. Thằng nhãi kia kéo lẹ ngón cái để lộ con bài, ba thằng nhãi thất vọng, vất bài, một thằng chắc lưỡi hít hà:

- Ngu quá, giá biết thế tao để 9 cơ ở dưới thì ăn ngon ơ...

- Thằng Việt hôm nay đỏ quá há tụi bây?

Một trong 2 thằng tiêu tùng nuốt nước bọt xuýt xoa:

- Tiền tao bán cuốn sách hôm qua, bữa nay cúng nó hết.

Năm thằng nhãi thèm thuồng nhìn Việt lùa bạc vào túi. Một thằng có lẽ thua đậm sôi tiết dục:

- Ăn chia bài mau lên mày.

Thằng khác nhổ nước bọt dọa:

- Ê chơi không nghỉ nửa chừng như ngày hôm qua nghe mày, chơi gian ông "uýnh" mày chết.

Việt thản nhiên bỏ bạc vào túi, nó cười khẩy:

- Tao muốn nghỉ chơi thì tao nghỉ ai cấm tao. Mày muốn uýnh thì vào đây uýnh ông đi.

Bọn nhãi nén giận, chúng nó sợ thằng Việt nghỉ thật nên không cãi nữa. Một thằng búng mẩu thuốc lá thừa vào góc tưởng, giọng cay cú:

- Chia mau đi mày.

Việt thản nhiên chia bài trước những cặp mắt hậm hực của bạn nó. Ván kế tiếp, Việt lại ăn. Nó vét tiền đầy túi. Có tiếng đồng hồ quả lắc trong văn phòng buông 6 tiếng, Việt buông bài, nó thu bạc lại thành một đống, đoạn nói:

- Sáu giờ rồi, tao phải về, mai tụi mình chơi tiếp.

Cả bọn buông bài, một thằng kéo áo Việt lại:

- Ê, đâu có về được mày, ăn gian hả?

Việt gạt tay thằng nhãi, nó mỉa mai:

- Mày chơi kiểu gì vậy, thua bạc cáu hả?

Nói xong, Việt hốt nhanh tiền nhét túi, thằng nhãi tức giận, nó phóng một trái đấm vào ngực Việt. Việt ngã chúi xuống đất, nó ôm ngực đau đớn. Thằng nhãi tiến tới, Việt lồm cồm dậy, nhưng nó chưa kịp đứng lên thì 1 cú đá thứ 2 tống vào chân nó, Việt lại ngã xuống đất như cũ. Bọn nhãi nhào tới, chúng đè thằng Việt xuống, móc hết tiền trong túi nó. Thằng đánh nó hồi nãy tát Việt hai tát tai nổ đom đóm ; nó cười:

- Còn chơi kiểu này nữa thôi hở con. Lần sau ông lắt mũi mày con ạ!

Việt phẫn uất, nó mím môi không khóc, người nó nóng ran lên, sự uất ức làm mờ mắt nó. Việt chỗi dậy thực nhanh, nó túm lấy ngực thằng nhãi hồi nãy, nghiến răng ken két nó phóng 1 quả đấm vào mặt thằng ấy. Tất cả phẫn uất đều rồn vào quả đấm, thằng nhãi kêu thét ngã ngửa. Nó chỗi dậy, một giòng máu đỏ lòm từ lỗ mũi bò ra nom hệt như 1 con rắn ban đêm rời khỏi hang đi kiếm mồi. Việt xông tới, nó tống một quả thứ hai vào bụng kẻ địch, ông nhãi đo đất lần nữa. Bọn nhãi hầm hè định xông vào chợt chạy tán loạn ra sân sau. Việt ngạc nhiên, nó định chạy khi nó vừa nhận ra bóng người từ ngoài cổng trường chạy vào : Lão Nhượng - ba của nó.

Lão Nhượng túm lấy cổ áo nó lôi xềnh xệch ra cổng, lão giận dữ đến run cả người. Việt co rúm, y như con cừu non bị cạo lông giữa trời đông lạnh. Lão Nhượng rít qua hai hàm răng:

- Mày... mày, về nhà tao giết mày, thằng hư đốn.

Việt sợ hãi, nước mắt nó cơ hồ trào ra, nó lết thết theo cha nó. "Về nhà nó sẽ chết". Nó mong thời gian dài ra, nhưng thời gian sao mà ngắn thế!

Quãng đường từ trường về nhà mọi khi dài lê thê mà bây giờ chỉ thoáng chốc đã bị nó nuốt chửng.

Nhà nó kia rồi...

*

Một cơn gió lạnh thổi xoáy ào ào trong không gian. Những cành cây chụm đầu vào nhau tâm sự.

Việt gục đầu xuống đầu gối, run bần bật, tay chân nó rã rời như không còn biết đến cảm giác nữa. Toàn thân nó đau như dần. Đau đến nỗi muốn khóc nhưng cơ hồ không khóc được. Chỉ 1 cái nhích người cũng đủ làm cho khơi lại cái đau. Việt ngả đầu vào chuồng heo, nó thút thít khóc. Tiếng khóc của nó vang lên nho nhỏ giữa đêm khuya. Lũ heo trong chuồng bị động kêu ụt ịt. Quanh nhà tiếng côn trùng rả rích một điệu nhạc buồn tênh.

Ngoài kia, trăng đã lên cao, rọi ánh sáng hiền dịu chảy chan hòa trên mặt đất. Việt thiếp dần trong tiếng nhạc ru ngủ của côn trùng, người nó rủ xuống như tàu lá héo. Nãy giờ Việt đâu có hay cha nó đang ghé mắt qua tấm ván nhìn nò, lão nhìn đứa con sau trận đòn hồi chiều bị lão bỏ đói ở chuồng heo, lão khẽ thở dài, lòng đau như xé.

*

Việt đã lành hơn ngót tuần nay. Nó điều tra ra thằng chỉ điểm cho ba nó không ai khác hơn là thằng An. Việt giận thằng An quá. Nó quyết đánh cho thằng khốn nạn ấy một trận nhừ tử. Nhưng nó không sao thực hành được, vì thằng An biết thế nên nó lánh mặt Việt. Việt quyết không tha, nó kiên nhẫn đợi cơ hội và cơ hội đã đến. Chiều nay Việt về sớm, nó đứng bên đường đợi thằng An bãi học về.

An không ngờ bữa nay Việt về sớm hơn mọi ngày, nên vừa ra khỏi trường, nó tách hàng ù té về nhà. Việt chận đường, An tái mặt, nó lùi định chạy, nhưng thằng Việt đã đi guốc trong tim nó, nên nhào tới không nói không rằng đấm đá thằng An một trận tơi bời. An khóc thét, đến khi Việt ngưng tay thì nó đã sưng húp mặt mày. Việt phủi áo quần, nó cung tay hăm:

- Tao cảnh cáo lần này, lần sau chừa đi nghe mày. Về mét lại với ba mày tao đánh lọi cẳng. Liệu hồn đấy.

An lượm cặp lên, khóc tức tưởi, nó lủi thủi vào xóm. Còn Việt, nó chưa về nhà, nó định đợi tới tối nếu không có gì xảy ra thì về cũng không muộn. Nhưng Việt không ngờ khi thằng An về đến nhà, lão Bá thấy mặt mũi thằng con sưng húp, tèm nhem đất cát, lão giận quá hỏi:

- Đứa nào đánh mày thế?

An ấp úng chối, nó nói bị ngã. Nhưng ba nó không tin, quát bảo:

- Mày dối tao hả An, đứa nào đánh mày thế? Nói tao nghe!

An sợ hãi, nó thút thít vừa kể cho lão Bá nghe đầu đuôi câu chuyện. Lão Bá nghe xong nghiến răng giận dữ, lão lôi thằng con xềnh xệch sang nhà thằng Việt.

Lão đẩy cửa vào nhà, vào bên trong thấy lão Nhượng đang ôm đầu suy tư trên ghế, lão không cần chào hỏi, lớn tiếng:

- Anh Nhượng, anh nhìn đây này.

Lão Nhượng giật mình ngẩng lên, hai con mắt của lão đỏ kè, vẻ mặt ngơ ngác đáng thương. Hình như lão không nghe lão Bá hàng xóm đã nói gì, nên kêu lên:

- A! Anh! Mới đến hả? Có chuyện gì đây?

- Anh nhìn con tôi hẳn biết.

Lão Nhượng ngạc nhiên đưa mắt nhìn thằng An. Lão hiểu phần nào. Tiếng lão Bá gay gắt:

- Đó, anh thấy chưa, hãy ngắm "tác phẩm" của thằng con anh đi.

Bị lão Bá xổ văn chương ra mỉa mai, nhưng lão Nhượng không cãi. Lão biết lỗi về mình nên nhẫn nhục, giọng thấp xuống:

- Thật tôi không ngờ nó quá quắt như thế. Nó lén đi hồi nào tôi đâu có hay.

- Hừ, anh nên biết nó là thằng...

Lão Bá chợt im bặt ngay câu nói sau khi thấy lão Nhượng hằn học nhìn mình.

- Thôi, tôi mong anh bỏ qua cho. Nó còn con nít mà.

Lão Bá xẵng giọng:

- Hừ, còn nhỏ nhít gì nữa, nhỏ mà biết hút thuốc, biết đánh bạc à.

Lão Nhượng uất cả người, máu nóng dồn lên tận mặt, lão hất hàm:

- Anh nên nhỏ nhẹ một chút, anh thấy tôi nhịn, anh làm tới hả?

- Tôi làm tới gì đâu? Tôi chỉ nói thằng con anh thôi. Nó là một thằng mất dạy.

- Còn anh? Anh cũng là 1 thằng khốn kiếp.

- À, mày chửi tao hả thằng côn đồ.

Lão Bá xắn tay áo nghiến răng hầm hừ.

Lão Nhượng đứng bật dậy, vung tay:

- Ê, đừng làm trời trong nhà này nghe mày.

- Tao không làm trời, tao chỉ hỏi mày rằng con mày đánh con tao như thế mà mày binh nó hả?

- Lão Nhượng cười gằn bướng bỉnh:

- Không bênh con thì bênh ai?

- Mày nói sao?

Lão Nhượng vung tay quát to:

- Tao không có thì giờ để cãi với mày. Cút ra khỏi nhà tao. Cút ra khỏi nhà tao. Cút!

Lão Bá giận xanh mặt, nhưng lão không muốn to tiếng để hàng xóm chú ý, nên kéo thằng An ra khỏi nhà và không quên cung tay hăm dọa:

- Thằng "ma men", ông mà gặp con mày thì ông giết nó.

Lão Nhượng không cãi, lão thẫn thờ gieo người xuống phản. Lão nằm đấy, hai mắt mở thao láo nhìn lên trần nhà. Trong đầu óc lão, hình ảnh thằng Việt hiện ra. Một lúc sau, lão thiếp dần đi trong sự mệt mỏi, tiếng ngáy của lão vang lên đều đều.

*

Việt không trở về nhà, nó đã biết được tin ba nó cãi nhau cùng lão Bá. Nó sợ, sợ về nhà ba nó sẽ giết nó không tha. Nó nghĩ rằng giờ đây chắc ba nó đang tức giận điên cuồng đi tìm nó. Nếu không đi một nơi nào khác để trốn, để ba nó mà vớ được thì... Nó không dám nghĩ đến nữa, nó đi lần theo vỉa hè xuống chợ. Đầu óc nó bây giờ hoang mang không biết đi hướng nào nhất định. Vỉa hè lớn, người vắng. Nó cơ hồ như cánh chim bay lạc vào một vùng hoang vu. Chiều xuống, thành phố đã lên đèn.

*

Việt bỏ nhà đi hơn tuần lễ. Trong thời gian ấy nó theo nghề bán báo để sống. Suốt ngày ôm xấp báo nặng chình chịch chạy rong khắp vỉa hè dưới bầu trời nắng như thiêu như đốt.

Tối đến, nó ngủ dưới gầm cầu hoặc dưới mái hiên các nhà bên hè phố. Nó vẫn chưa dám trở về nhà, vẫn còn sợ ba nó. Sợ ngọn roi to tướng của ba nó mỗi lần quất vào mông. Tất cả hình ảnh đó vẫn còn ám ảnh trong đầu óc Việt. Nhưng nó biết đâu giờ này ba nó đang dài cổ đợi nó về. Việt chỉ chịu đựng có hạn và đến bây giờ thì nó hết chịu nổi nỗi nhớ nhà. Nó nhớ ba nó, nhớ trường học, nhớ bạn bè. Nhớ tất cả. Nó tự mắng nó rằng khi được sung sướng ở bên cha, được ngồi trên ghế nhà trường sung sướng học tập, sao nó lại bỏ theo lũ bạn hư đốn để rong chơi hoang đàng làm gì nhỉ? Giờ đây Việt quyết định trở về nhà, quì dưới chân ba nó để nói lên niềm hoán cải đang sôi động trong lòng. Việt thực hành liền ý định, chiều hôm ấy, bán xong xấp báo nó ba chân, bốn cẳng chạy một mạch về nhà.

*

Việt hồi hộp đẩy cửa bước vào nhà. Trời đã tối tự bao giờ. Tiếng ve sầu mùa hạ rỉ rả đều đều. Việt cảm thấy lòng dạ nó nao nao. Bên trong nhà vắng lặng và im như tờ. Việt đứng yên một chỗ, nó nghe rõ tiếng muỗi vo ve trong xó tối.

Nó nhủ thầm:

- Chắc ba ở sau vườn, mình ra tìm xem.

Việt lần xuống nhà bếp, nó đẩy cửa bước ra vườn. Tim Việt đập mạnh, hồi hộp khi nó nhác trông thấy cái bóng gầy gầy của ba nó đang lúi húi tưới mấy luống rau. Việt sợ hãi thật sự, chân nó ríu lại, nó mất hết can đảm để bước tới, trong lòng nó, một niềm cảm xúc mãnh liệt dâng trào, nó thương ba nó, thương cuộc đời vất vả cơ cực của ba.

Lão Nhượng ngẩng lên khi nghe tiếng cửa rít lên kẽo kẹt. Lão sững sờ khi nhìn rõ cái bóng nhỏ nhắn của thằng con đứng sững nơi ngưỡng cửa bếp. Lão buông rơi cái gáo nước bước lại phía thằng Việt như một kẻ mất hồn. Lão không ngờ thằng con yêu của lão lại có thể trở về, lão cảm động muốn trào nước mắt nhưng nước mắt của lão không trào ra được vì hình như nó đã cạn từ lâu. Lão run run hỏi nó:

- Mày về đó hả? Mày về làm gì nữa, sao không chết dấp ở đâu cho rồi?

Câu hỏi tuy nghiêm khắc, nhưng nó bao hàm một tình thương bao la. Tuy hỏi thế nhưng trong thâm tâm, lão chỉ muốn ôm nó vào lòng để nói cho nó những nỗi niềm thương nhớ của lão trong thòi gian nó bỏ nhà đi.

Thằng Việt sà vào lòng lão, hai bàn tay non nớt của nó ôm choàng lấy cổ lão, giọng nó nức nở khàn khàn nhưng lão nghe thương mến làm sao:

- Ba... ba tha lỗi cho con. Con xin hứa với ba từ nay con sẽ vâng theo lời chỉ bảo của ba. Con muốn đi học lại.

Lão Nhượng cũng không ngăn được cảm xúc, lão ôm choàng lấy nó, giọng lão trầm trầm hiền dịu:

- Ba sẵn lòng tha lỗi cho con, ngày mai, ba sẽ dẫn con tới trường xin thầy giáo cho con vào học lại. Ba rất mừng khi thấy con trở về.

Việt gục đầu vào lòng cha sung sướng, tình phụ tử dâng trào trong huyết quản. Chợt nhớ ra điều gì, nó thọc tay vào túi, lấy ra một xấp bạc lên khoe:

- Ba ơi, con có tiền nè ba.

Lão Nhượng nhìn xấp bạc trên tay thằng con, mặt lão thoáng buồn, lão hỏi:

- Tiền đâu con có? Con đã đánh bạc?

- Dạ không. Tiền này con kiếm bằng mồ hôi nước mắt. Con kiếm nó bằng cách con đi bán báo đó.

Lão Nhượng sung sướng vuốt tóc con, Việt tiếp:

- Con đi mua đồ nhậu cho ba nhá!

Lão Nhượng xua tay:

- Thôi con, ba đã quyết bỏ rượu chè rồi. Tiền này để dành cho con mua sách vở.

Việt sung sướng, nước mắt nó trào ra. Trong đầu óc nó hiện lên một hình ảnh đẹp tuyệt vời:

Ngày mai... ngày mai bằng một ngày trong tất cả ngày khác. Đó là một ngày vàng trong cuộc đời thơ ấu của thằng Việt.


HÀ THÚC KHÁNH      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 42, ra ngày 1-4-1966)


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>