Nghe bác hỏi : cháu có chồng chưa? Dạ thưa bác cháu chưa có chồng. Chưa có chồng cô lấy gì ăn? Dạ thưa bác cháu ăn cứt mèo. Ăn cứt mèo nó có chua không? Dạ thưa bác nó chua quá trời. Chua quá trời sao vẫn còn ăn? Dạ thưa bác cháu ăn quen rồi.
Bọn trẻ xóm tôi thường tụ họp lại, nghêu ngao bài ca trên một cách thích thú. Cái bài ca thật dị hợm! Thoạt đầu, tôi tưởng chúng bịa đặt hoặc bắt chước ở đâu đó. Sau này, lân la dọ hỏi tôi được biết bài ca trên do vài cô giáo dạy các em ở lớp. Thật không ngờ! Hơi khó tin đấy! Nhưng không lẽ các em nói dối? Các em có sợ gì tôi đâu mà phải dối với trá kia chứ?
Không riêng ở xóm tôi, mà cả những khu vực xa gần khác cũng vậy. Có vài lần đi ngang qua, tôi lại được thưởng thức bài ca ấy. Cũng dọ hỏi, cũng được biết do cô giáo dạy! Không còn gì để nghi ngờ nữa. Buồn thay!
Tuổi thơ V.N. bây giờ, bị ảnh hưởng rất nhiều những điều không tốt vì chiến cuộc. Gia đình khó có thể ngăn chận kỹ lưỡng các em hát được. Học đường là nơi duy nhất mọi người tin cậy sẽ giáo dục tuổi thơ một cách hữu hiệu. Thế mà, chính nơi giáo dục các em, lại đi nhồi vào óc các em những bài ca dị hợm như thế. Còn nỗi buồn nào hơn nữa!
Những bài ca lành mạnh, vui tươi dành cho tuổi thơ đâu có khan hiếm quá trong rừng nhạc hiện nay? Không dạy các em hát, lại còn đem những bài ca dị hợm cho các em nghêu ngao.
Không có một ông bác nào mà đi hỏi cháu những lời lẽ lố bịch như thế. Và cũng không có một người cháu nào mà trả lời bác một cách lếu láo như vậy. Tuổi thơ nào đã biết chi chuyện chồng vợ, mà đem vào lời ca cho các em hát. Thật là điều tối kỵ. Đã thế còn thêm: Chưa có chồng cô lấy gì ăn? Dạ thưa bác cháu ăn cứt mèo, thì thật là hết nói nổi. Chưa có chồng lấy gì ăn? Tại sao không thể trả lời là còn sống nhờ cha mẹ, thế cũng còn đường được. Đi đem cái món vô lý, lố bịch "phân mèo" vào! Thật khôi hài quá trớn và tai hại! Hơn nữa lại đem phân tích hương vị của nó, rồi lại cho là ăn quen rồi. Với tuổi thơ mà nói ăn quen cái món kỳ hợm đó rồi, thì càng khả ố hơn nữa!
Nhìn các em hát bài ấy với gương mặt thích thú và nụ cười khoái trá trên môi, tôi không khỏi phát thẹn và buồn. Tôi đã có hỏi một vài em sao lại hát các bài kỳ cục thế, các em đều trả lời: "Đâu có kỳ cục! Cô giáo dạy mà anh. Tôi phân tích cái "kỳ cục" cho các em nghe, các em cười toe: "nhưng mà vui lắm anh ơi! Cô giáo dạy bài này cả lớp cười liền. Nhộn lắm, vui lắm". Tôi thoáng thấy chua xót trong lòng, và cảm thấy buồn bã lạ. Tự dưng, tôi không muốn nói thêm câu nào cả, để mặc các em đứng tôi lững thững bỏ về.
Tâm hồn, trí não tuổi thơ còn hồn nhiên và non nớt lắm. Các em rất dễ bị tiêm nhiễm ảnh hưởng những cái các em gặp và được dạy. Các em cần phải được ca những bài ca hào hùng nhưng vui tươi, lành mạnh, có thế tâm hồn các em mới giữ mãi được vẻ trong sáng, vui tươi. Những bài ca với kiểu "kỳ hợm" trên ảnh hưởng đến tâm hồn các em rất nhiều. Tụ họp lại ca hát bài trên đã đời, các em hứng thú chọc ghẹo nhau, em này gán cho em kia ăn cái món ghê tởm đó ; em kia gán lại em này. Thế là sinh ra ẩu đả, thế là cả gia đình các em đều bị gán dùng cái món đó. Tôi đã gặp trường hợp này nhiều rồi. Buồn thay!
Càng buồn thêm, khi tôi nhớ đến một số cô giáo dạy tiểu học bây giờ mà có vài lần tôi đã gặp và đã nghe kể lể nhiều. Vào lớp một cái là kêu các em lên viết bài cho các em dưới chép ; cho toán thì bắt các em làm đã, rồi kêu 1 em lên sửa ; khảo bài thì các em đọc cứ đọc, cô giáo cứ ngồi mà tô móng tay, đánh phấn.
Tội nghiệp! Các em nhỏ chăm, ngồi ngây người trước những bài toán chưa một lần nghe giảng kỹ, trong khi các bạn lười cứ tha hồ mà đùa giỡn, ngồi chơi. Các em đâu dám ho he, đâu dám "có thắc mắc gì cứ việc hỏi". Vì hễ hỏi là bị la ngốc và bợp tai liền. Những giờ học của các em chỉ kéo dài trong ồn ào, chẳng học thêm được cái gì mới mẻ, bổ ích cả. Có đôi lần, trong giờ chơi các em tiểu học nhờ tôi giải cho bài toán đố (trong những dịp tình cờ). Tôi giảng kỹ cho các em nghe để các em làm. Nhưng các em cứ đớ ra. Tôi hỏi tại sao, thì được biết các em... chưa biết làm tính nhân! Các em đã học tới lớp nhì rồi (lớp bốn bây giờ) và do cô giáo dạy. Tôi biết rõ trường tôi, tiểu học chỉ do toàn cô giáo dạy (rất ít thầy giáo) từ lâu. Thế mà vẫn không khỏi kinh ngạc để rồi chua xót.
Ôi! Tuổi thơ V.N. Các em đã chịu nhiều thiệt thòi vì chiến cuộc. Tìm về nơi học đường để nghe dạy dỗ các em chỉ gặp thêm thiệt thòi hay sao?
Buồn bã nhiều, ngao ngán nhiều. Nhưng tâm tôi vẫn tràn trề hy vọng. Vì tôi biết đó chỉ là thiểu số trong thời loạn lạc này mà thôi. Chung quanh tuổi trẻ chúng tôi và tuổi thơ các em, vẫn còn những vị Thầy, Cô đáng kính, tận tâm với nghề nghiệp.
Mong rằng, hy vọng rằng, mai sau, học đường được cải tiến hơn. Để không còn những thiệt thòi đáng buồn và xót xa cho tuổi trẻ và tuổi thơ. Lúc ấy tuổi thơ sẽ cất cao những lời ca vui tươi, sẽ long lanh ánh mắt tin yêu, sẽ thốt ra những lời lành mạnh và sẽ cười, một nụ cười thần thánh. Ôi! đáng yêu biết bao.
Và mong rằng các bậc cha mẹ, các anh chị lớn của các em, sẽ ngăn chận các em, khi nghe các em ca những bài ca kỳ hợm (mà một vài cô giáo trong lúc rảnh rỗi đã đặt ra). Và sẽ dạy các em ca những bài ca lành mạnh vui tươi...
Tuổi thơ VN cần được nuôi dưỡng bằng những dòng sữa ngọt. Như vậy, mai sau Việt Nam mới huy hoàng bất diệt...
TRẦN QUÁT
18/5/73
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 94, ra ngày 17-6-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.