Thứ Năm, 18 tháng 5, 2023

Em Tôi, Em Tôi

 

Truyện ngắn sau đây của Norah Burke, một văn sĩ Anh, được giải nhất về truyện ngắn quốc tế năm 1954-1955 đồng hạng với truyện "MẸ VÀ CON" của văn sĩ Nhật Jiran Hisao.

Truyện tả một cảnh nghèo khó của một gia đình ở một xứ hậu tiến, nền y học mới chưa thấm nhuần đến các vùng thôn dã rừng núi, ở đây ốm đau thường chỉ chữa bằng những phương pháp sơ sài, cổ lỗ. Trong truyện ngắn EM TÔI, EM TÔI, Norah  Burke làm nổi bật lòng can đảm, sự yêu thương đứa em nhỏ của một thằng bé 12 tuổi, vượt núi băng rừng, tranh đấu với tử thần từng giây phút để cứu em.

Em thằng Sinh nằm trong lều. Nó đau bụng và cơn đau mỗi lúc mỗi tăng. Thằng Sinh cũng còn nhỏ, chưa đầy 12 tuổi. Màu da nâu nâu, tính tình thì thật vui. Nó quả là một thằng bé tiêu biểu cho bọn trẻ sống trong rừng rậm. Em nó kém nó nhiều tuổi. Giữa hai chúng nó, cố nhiên còn những đứa khác nữa, nhưng chúng đều chết cả, đứa chết vì bệnh tả, đứa chết vì bệnh cúm, và trăm ngàn thứ bệnh tương tự, hoặc chết vì các tai nạn trong rừng sâu. Cha mẹ nó chỉ còn nó và em nó, thằng Công-hoa.

Mẹ hai đứa trẻ nói:

- Để tao thấm nước giẻ rách, chườm bụng cho Công-hoa.

Nàng không cười, không khóc, Những việc này vẫn thưởng xảy ra luôn...

Sinh hỏi mẹ, cảm thấy mình cũng ốm lây vì lo sợ em ốm:

- Con phải làm gì bây giờ? Con đi tìm củi đốt lửa nhé? Con đi lấy phân bò hay xách nước? Mẹ để con xé giẻ.

Nó cuống cuồng chạy tìm mọi thứ.

Nó ném nhiều củi vào lò cho nước chóng sôi. Nó chườm bụng thằng em bằng những giẻ, hơi nóng bốc nghi ngút. Nhưng một lúc sau, mẹ nó bảo:

- Thôi, phải đem em mày đi nhà thương Ka-la-gát.

Thằng Sinh hiểu ngay rằng em nó sắp chết. Khi mẹ nó nói hai chữ "nhà thương", nó hiểu ngay, vì tất cả những người sống trong rừng rậm đều biết rằng nhà thương là hy vọng cuối cùng cho những kẻ gần đất xa trời. Có vật gì làm nó nghẹn ngào không nói được. Sau nó kêu lên:

- Con đi tìm bố nhé!

- Mày sẽ mất hàng mấy ngày mới tìm được.

Cha thằng Sinh nổi tiếng trong vùng là người can đảm. Hai chữ can đảm người ta thường gọi liền với tên chàng chứng tỏ những thành tích của chàng. Chàng sinh sống ở đây, trong làng La-hoa-ni, chăn nuôi mục súc, cầy cấy khoảng đất của mình, nhưng mỗi khi có cuộc thám hiểm trong rừng rậm, săn thú dữ, bắn giết hay chụp con ác thú nào, người ta lại tìm đến chàng.

Ở rừng núi nào không có hổ, chàng cũng tìm ra hổ. Chàng nhìn đám cỏ khô và chỉ dẫn rõ ràng cho biết đã có những con thú nào qua đây. Chàng lắng nghe tiếng thú gọi nhau và nói: "Một con báo vừa ăn một con hoẵng và bọn này còn trông thấy kẻ thù với mồi của nó".

Một cái sẹo dài chạy suốt từ đầu, cổ đến vai chàng. Đó là vết cào của một con hổ, cào đến tận xương, trong một buổi chàng vật lộn với mãnh thú để cứu bạn. Ở chân chàng có một vết đốt còn sẫm đen, đó là vết rắn cắn, chàng đã khoét vết thương và đốt. Một bàn tay chàng thiếu hai ngón và mặt thì chằng chịt những sẹo. Có một ngày kia, chàng đã vượt rừng rậm, đi liền tám cây số, lấy khố buộc chặt bụng để ruột khỏi sổ ra ngoài vì vết thương sâu ở bụng. Chàng thật xứng đáng là người can đảm. Và nay, chàng đang ở xa, trong rừng thẳm với một đoàn thám hiểm đi chụp hình. Những bọn đàn ông và trai tráng trong làng cũng đều vào rừng sâu làm nghề lùa thú cho đoàn người săn bắn.

Trong túp lều cỏ, tường đất, thằng Công-hoa nằm trên một đệm cỏ giải trên mặt đất. Nó khóc, thỉnh thoảng lại bật ho vì khói bếp, nhưng vẫn không cựa quậy, người giá lạnh. 

Thằng Sinh cũng can đảm như bố, nhìn em mà như trông thấy tử thần ở trong cặp mắt em.

Nó nói:

- Ở làng, trai tráng không còn ai, vậy con dẫn nó đi.

Mẹ nó phải ở nhà chăn nuôi súc vật, cầy cấy, nếu không cả nhà sẽ chết đói và cả hai đều hiểu thế, không cần phải nói ra. Nhưng nàng là một người sinh trưởng ở rừng núi, nàng hiểu đeo một gánh nặng khó nhọc thế nào. Nàng sinh sống ở trên đỉnh núi cao, ở phía bên kia, ở mãi trên cao, cao hơn hẳn những dãy đồi thấp bao bọc làng La-hoa-ni và nàng hiểu hơn ai hết cách buộc một tấm vải qua trán để đeo một vật nặng, buộc thế nào để tất cả các bắp thịt cổ và vai có thể làm việc một cách đắc lực, làm cho người ta có thể mang nặng mà băng rừng vượt núi hàng ngày không than phiền khó nhọc.

Nàng lấy một trong hai chiếc dây lưng của nàng, chằng qua trán và cổ thằng Sinh, rồi đỡ thằng Công-hoa, lúc này đau đớn quá, người gập làm hai, đặt vào chiếc dây lưng.

Thằng Sinh cảm thấy ngay sức nóng thiêu đốt của em thấm qua chiếc dây lưng vải. Nó cảm thấy nặng và tự hỏi không biết sẽ xoay sở ra sao để đến nơi được.

Mẹ nó nói:

- Con cõng em nặng lắm sao?

Nàng nói khẽ, vẻ thất vọng:

- Con sẽ không thể đến nơi được.

Thằng Sinh không nói gì và bắt đầu lên đường.

*

Lúc đó là buổi chiều. Những lều tranh trong làng La-hoa-ni đều nhuộm một màu vàng đỏ. Chung quanh làng giải dài những thửa đất cầy cấy, những cánh đồng cỏ người làng thả mục súc ra ăn, những hàng rào gai và khu đất rào nhốt mục súc. Rồi cạnh đấy, có một cánh đồng cỏ rộng, người ta đã đốt cháy để bảo vệ cho làng khỏi bị cháy lây vì những cuộc đốt rừng. Xa xa là rừng rậm.

Thoạt đầu là rừng hoang, cỏ cứng rắn và gai, rồi đến rừng cây "sên" cao lớn, người ta vẫn lấy gỗ làm tà-vẹt đường rầy con đường xe lửa Ka-la-gát. Con đường xe lửa cách đây ít nhất gần tám mươi cây số ngàn và thằng Sinh hy vọng vượt khu rừng rậm và hai con sông để sau đó đến đoạn cuối có thể đi xe bò hoặc một chiếc xe cam-nhông cũ kỹ nào.

Nhưng nó chưa đến khúc đường đó. Ở đây, con đường chi chít những vết bánh xe bò và chân nó đi bám đầy bụi cát. Nó đi, một mình trong đêm tối trên con đường mòn xuyên qua rừng sâu. Nhưng thật ra cũng không phải có một mình nó. Vốn quen sống trong rừng, nó cảm thấy mỗi bước một ngại ngùng. Giữa lúc ấy, một con rắn hổ mang sưởi mình dưới ánh nắng cuối ngày ở trên con đường mòn nhỏ, cuộn mình lại và vươn đầu lên, rít lên một tiếng mạnh. Thằng Sinh sợ lạnh cả người. Nó đứng dừng lại, rồi dần dần nó lùi. Con rắn đưa đầu đi đưa đầu lại chăm chú nhìn nó, lưỡi thè ra thụt vào. Nhưng con rắn vẩy đẹp kia với hàm răng chứa toàn chất độc, cũng chỉ muốn rời nơi này như thằng bé vậy. Và thoắt một cái, con vật đã biến vào bụi cỏ rậm.

Thằng Sinh thở nhẹ nhàng. Sự sợ hãi trói buộc hai chân nó lại, nay đã cởi mở cho nó đi. Em nó, thằng Công-hoa cựa quậy và rên rỉ trên lưng nó, nay nó cảm thấy đeo nặng quá. Nếu được nghỉ, để cho bắp thịt được thoải mái một chút sau khi cố gắng quá nhiều, còn gì sung sướng bằng! Nhưng nghỉ bây giờ thì sớm quá, nó lại gắng gượng đi.

Xung quanh nó là rừng già, ở đây giữa cây cối và vạn vật, cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn không ngừng từ thủa khai thiên lập địa. Những bụi tre xanh tốt tua tủa đâm những cành non, những cụm xương rồng gai góc gắng tìm không khí. Đâu đâu cũng là cây cối, bụi rậm, dây leo và cỏ hoang.

Rừng còn là nơi trú ẩn của súc vật và chim muông: vượn và khỉ giọng khàn khàn kêu inh ỏi, hổ, báo, gấu, voi gầm vang động. Hươu nai vì bị săn bắn và đánh bẫy nhiều nay thưa vắng, nên các loài ác thú nay săn bắt cả người và gia súc.

Màn đêm dần dần bao phủ núi rừng. Trời ngả màu tím và đen sẫm. Trên nền trời, sao bắt đầu mọc. Thằng Sinh có cặp mắt tinh sáng, nên vẫn trông rõ đường đi. Sau mặt trăng ló lên. Những vết chân gấu, bàn chân trước vuông, bàn chân sau dài, còn in trên cát bụi, với những vết móng chằng chị, làm nó sợ hãi vô ngần. Có bận nó đã trông thấy một người bị gấu vồ, mặt bị cào sứt hết.

Nó vội vã đi.

Nó đến một mỏm núi cao, dưới có con sông nhỏ chẩy. Nó thấy không sao bước được nữa. Mồ hôi đổ ướt thấm hết áo quần làm nó run lẩy bẩy. Nó cởi chiếc băng vải trên trán và khẽ đặt em nó xuống một gốc cây.

- Ôi! Ôi! Ôi! - Công-hoa khẽ rên.

Sinh khóc và bảo em:

- Anh còn biết làm thế nào? 

Nhưng ngay lúc đó, Công-hoa lại mê man, nói lảm nhàm. Bỗng Sinh thấy người đau đớn vô hạn, vì nghỉ chân các bắp thịt mới tê buốt lạ lùng. Ngay ở chỗ thắt buộc băng vải, máu nay lại chẩy đều hòa làm nó nhức buốt quá. Nó nằm ngủ dưới gốc cây, mắt nhắm lại để lấy sức.

Ngay lúc đó, nó lại nghe thấy tiếng voi rít trong rừng sâu vang động lại. Voi ít khi qua rừng không gầm thét và đàn voi nay ngược giòng con sông Nu-lát để tìm các cánh đồng cỏ mới. Thằng Sinh khoan khoái vì biết mình xa lạch nước và ở trên đỉnh núi.

Dưới chân nó, con sông lóng lánh như bạc dưới ánh trăng. Ở hai bờ sông, những bãi cát lẫn đá sỏi giải dài. Còn những giải cát dài chạy theo con sông và trên giải cát đó, đàn voi đi, để lại những vết chân xáo trộn, vết này với vết khác, lúc voi đi tưởng như cả một khu rừng di chuyển.

Thằng Sinh nhìn thấy những con voi cái và voi con và một con voi đực già, bọt mép màu xám như dầu chẩy trên gò má, báo hiệu rằng lúc này nó sẵn sàng săn đuổi người để quật chết ngay. Tai chúng đập mạnh, đuôi ve vẩy, bóng chúng in hình đen trên bãi cát trắng. Chúng đi gần thằng Sinh quá, thằng bé ngửi thấy cả mùi hôi của đàn voi, nghe thấy rõ ràng tiếng chân voi dẫm trên cát và tiếng chúng đi cọ vào nhau.

Nó nhìn thấy cả đàn voi lắc lư, những cái đầu to kếch sù đưa đi đưa lại, và những cái lưng lớn đen. Con voi đực nghếch vòi lên để hít gió xem gió có đưa lại mùi gì khác lạ không. Rồi nó bỗng ngập ngừng đứng lại. Cái vòi lớn gần đụng vào hai đứa trẻ. Thằng Sinh run lật bật. Đeo thằng Công-hoa lên lưng, nó cũng không thể chạy mà cũng không sao leo cây được. Nếu nó thét lên, chỉ làm cho xẩy ra tai họa ngay. Nó cầu khẩn, cầu khẩn mãi, nhưng chẳng khác gì đàn chim, những bài kinh đều bay ở đầu óc hãi hùng của nó đi mất cả.

Con voi đực rống lên, vòi đảo lộn, lắc lư đầu. Rồi bỗng như tức giận, nó chạy và cả đàn voi đều chạy theo biến mất trong bóng tối.

Thằng Sinh vẫn lẩm bẩm cầu kinh, nhưng lần này cầu bài kinh giải tội và nó sửa soạn lên đường ngay. Nó buộc giải vải và đỡ em nó lên, nhưng không sao đứng lên được. Nó cố hết sức nhưng vô ích. Bỗng nó lại nghe tiếng voi rống ở xa vọng lại, một sức mạnh ở đâu làm nó chệnh choạng đứng dậy và bước đi. Nó ngả nghiêng đi đến bờ sông.

Trước kia, nó thường đến đây và biết rằng về mùa này, trước khi tuyết tan ở đỉnh đồi, trước khi nước ở trên mỏm cao chẩy xiết xuống vực, lội qua sông thật dễ dàng. Lòng sông rộng nhưng nông. Lắng nghe nước chẩy trên đá sỏi cũng biết mực nước sâu nông. Nó nhìn thấy một con cá hương từ cao trôi tuột xuống vực, lóng lánh như bạc dưới ánh trăng.

Thằng Sinh lội xuống giòng sông. Nước lạnh hơn thường nhật, trên mặt nước có phủ một màng nước lạnh buốt như đá và giữa giòng mực nước cao hơn mọi khi. Nó phải lội từ từ vì mắc bùn lầy và đá sỏi. Nó phải dò dẫm vì sợ ngã. Nước ngập đến ngực nó, có lẽ tuyết đã tan và nước chẩy từ trên cao xuống chăng?

May mắn có một chiếc cầu trên con sông thứ hai, nó nghĩ thế và tưởng như nhìn thấy vì trí tưởng tượng của nó tiến nhanh hơn là nó đi. Đó là một chiếc cầu bắc sơ sài, nhưng vẫn là một chiếc cầu. Những vòng bằng tre đan, trong có đá đường chằng buộc kỹ thay thế những cột cầu. Giữa những cột đó, có bắc những cây tre buộc khít với nhau bằng những sợi cỏ dầy, rồi trên sàn tre có giải đá sỏi vớt ở lòng sông lên.

*

Khi thằng Sinh lội tới bờ, những giọt nước còn lóng lánh trên vết chân của nó trước khi bị cát hút. Từ phía sông lại, còn thấy hiện ra những vết chân khác, vết chân hổ, những vết này cũng lóng lánh nước và chỉ nhìn thoáng qua là những giọt nước đã bị cát hút khô.

Nó tiếp tục đi. Đi vào khoảng được một giờ nó lại nghỉ và lúc khởi hành càng khó khăn, mặc dầu nay nó đã tự mình đeo lấy được em nó lên lưng. Nó thở hổn hển và không ngăn được giọt lệ... Khoảng nửa đêm, nó nghe thấy tiếng nước réo chẩy ở con sông thứ hai. Nó nghe thấy tiếng nước réo từ xa và tiếng nước réo chẩy đều đều đó  là tiếng nước lụt. Khi nó đến gần sông quả là nước lụt thật.

Một tảng băng lớn có lẽ đã tan ngày qua. Nước sông tưởng như sôi nổi bọt lên. Nó tìm chiếc cầu, nhưng cầu đã biến mất. Nơi cuộn nước cao lên là chỗ cầu bị chìm ngập. Xác một con dê còn mắc vào lan can cầu. Cành cây dựng ngược lên như cánh tay người chết trong cơn giông tố, bám chặt vào cầu trông chẳng khác gì những chụm lông. Phía dưới cầu, những tảng đá rung chuyển vì sức nước chảy xiết. Thằng Sinh tưởng như nghe thấy giòng nước nghiến răng. Rồi một thân cây lớn nhô hiện trên giòng sông, cứ thế theo đà nước trôi, mỗi lúc mỗi nhanh và sau cùng xô mạnh vào thành cầu bị sập. Trong lúc sấm sét vang động, người ta nghe thấy một tiếng động lớn như xé bầu không khí. Chiếc cầu rung chuyển như một con ác thú, gẫy tan, tung lên trời cả khung cầu bằng tre như một chiếc quạt tan gẫy. Nước lại chẩy xiết và làm chìm đắm hẳn cầu.

Còn biết qua sông bằng cách nào? Không thể bơi được, dù có một mình. Thằng Sinh thất vọng quá. Nhưng biết đâu trong mảnh cầu tan vỡ kia, nếu nó may mắn tìm được một đường đi?

Nó đặt thằng Công-hoa xuống đất và vốc nước sông cho em uống.

- Này em!

Nó gọi thằng bé cho uống nước, rồi nó nhặt cỏ, bện thành sợi dây thừng thiệt chắc. Cỏ sắc làm đứt cả tay nó. Nó buộc em nó bằng sợi dây mới này, buộc hết sức chặt để em nó không thể tuột được. Xong đâu đó nó lội xuống nước ngay chỗ cầu cũ. Nước sông như giữ chặt hai anh em và dìm chúng xuống chiếc cầu gẫy. Thoạt đầu, nó không cựa quậy gì được, sau dần dần nó lần đi, cố bám lấy bất cứ cái gì, dò dẫm trong trận thủy tai tìm một vật gì có thể níu lấy, dù là những cọc tre nhọn hoắt sơ ý một chút là đâm thủng bụng.

Nước chẩy réo ầm ầm, những mảnh gỗ va đụng vào người nó làm xây xát cả da thịt. Nó rét run khó đứng vững. Đứng giữa giòng nước chẩy xiết nó không sao nghĩ được. Nước chẩy réo xung quanh nó, chùm cả lên đầu cổ thằng bé, như giòng thác lạnh. Nó không còn biết em nó còn sống hay chết nữa, nhưng luôn luôn cố giữ sao cho đầu thằng em ở trên mặt nước và cứ lần lần nó tiến. Nó như câm, điếc, mù, cóng lạnh, bị chìm ngập, nhưng cứ đi, cứ đi...

Hai anh em trượt chân rồi lại đứng dậy. Chúng bám lấy thành cầu, hổn hển trong trận tử chiến. Rồi con sông như mất mãnh lực. Hai anh em nó vượt qua giòng nước.

Rồi thằng Sinh chẳng còn biết gì hơn nữa. Nó bị cóng lạnh như băng tuyết, muốn vắt quần áo cho khô nước mà tay không cử động được nữa. Áo quần bám chặt lấy người thằng bé làm nó rét run lẩy bẩy. Mũi nó nghẹt thở vì nước. Nó đi loạng choạng, nhưng vẫn đi. Chân nó run và như muốn gập xuống, không bước được. Nó đành bò. Đường đi hiện ra ở phía trước mặt và dễ đi hơn nhiều.

Ở xa xa, như ở một thế giới khác, vọng lại tiếng chó sủa báo tin gần đến một thôn xóm.

Rồi bỗng, không hiểu sao, có người... và tất cả cái gì nó còn biết là một chiếc xe bò, rồi một chiếc xe vận tải lớn...

- Mày từ đâu đến?

- Từ La-hoa-ni đến.

- Mày một mình cõng em mày à? Mày vượt giòng nước lũ đang tràn ngập sao?

Chúng nó đã đến bệnh viện.

Thằng Sinh bao giờ cũng ngượng ngập khi vào nhà xa lạ. Nó không dám vào. Vì không có tiền nên buổi sáng nó ra đường xe lửa tìm việc khuân vác than. Nó làm việc suốt ngày, trong cảnh ồn ào, để kiếm vài xu mua bột hẩm, dầu mù-tạt và ớt, bắc ba viên đá để làm lò nấu cơm. Nó tìm được một xó ở sân bệnh viện, chỗ những thân nhân của con bệnh tụ tập. Suốt ngày nó làm việc quên cả lo âu, nhưng lúc nào thư thả, nghĩ đến em nó mới e ngại.

Vị bác sĩ gọi nó, tự người đi tìm thằng bé:

- Sơ-sinh Ba-la-huy có đây không?

Nó vội bước lên thềm trả lời:

- Cha con không có đây - nó vừa nói vừa e thẹn vì run sợ, vì những giòng nước mắt chẩy trên khuôn mặt lọ lem bụi than - Nhưng thưa ông, tên con là Sơ-sinh.

- Có phải con là thằng bé cõng thằng Công-hoa từ La-hoa-ni đến đây không?

- Thưa vâng.

Một nụ cười nở trên khuôn mặt hiền từ của vị bác sĩ:

- Sơ-sinh Ba-la-huy - ông nói rõ ràng - em con qua khỏi rồi. Con có thể đến thăm được.


Nguyên tác của NORAH BURKE     
Bản dịch của VŨ MINH THIỀU      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 40, ra ngày 28-5-1972)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>