Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Tuổi Thơ Với Nỗi Tủi Buồn

Nghe bác hỏi : cháu có chồng chưa? Dạ thưa bác cháu chưa có chồng. Chưa có chồng cô lấy gì ăn? Dạ thưa bác cháu ăn cứt mèo. Ăn cứt mèo nó có chua không? Dạ thưa bác nó chua quá trời. Chua quá trời sao vẫn còn ăn? Dạ thưa bác cháu ăn quen rồi.

Bọn trẻ xóm tôi thường tụ họp lại, nghêu ngao bài ca trên một cách thích thú. Cái bài ca thật dị hợm! Thoạt đầu, tôi tưởng chúng bịa đặt hoặc bắt chước ở đâu đó. Sau này, lân la dọ hỏi tôi được biết bài ca trên do vài cô giáo dạy các em ở lớp. Thật không ngờ! Hơi khó tin đấy! Nhưng không lẽ các em nói dối? Các em có sợ gì tôi đâu mà phải dối với trá kia chứ?

Không riêng ở xóm tôi, mà cả những khu vực xa gần khác cũng vậy. Có vài lần đi ngang qua, tôi lại được thưởng thức bài ca ấy. Cũng dọ hỏi, cũng được biết do cô giáo dạy! Không còn gì để nghi ngờ nữa. Buồn thay!

Tuổi thơ V.N. bây giờ, bị ảnh hưởng rất nhiều những điều không tốt vì chiến cuộc. Gia đình khó có thể ngăn chận kỹ lưỡng các em hát được. Học đường là nơi duy nhất mọi người tin cậy sẽ giáo dục tuổi thơ một cách hữu hiệu. Thế mà, chính nơi giáo dục các em, lại đi nhồi vào óc các em những bài ca dị hợm như thế. Còn nỗi buồn nào hơn nữa!

Những bài ca lành mạnh, vui tươi dành cho tuổi thơ đâu có khan hiếm quá trong rừng nhạc hiện nay? Không dạy các em hát, lại còn đem những bài ca dị hợm cho các em nghêu ngao.

Không có một ông bác nào mà đi hỏi cháu những lời lẽ lố bịch như thế. Và cũng không có một người cháu nào mà trả lời bác một cách lếu láo như vậy. Tuổi thơ nào đã biết chi chuyện chồng vợ, mà đem vào lời ca cho các em hát. Thật là điều tối kỵ. Đã thế còn thêm: Chưa có chồng cô lấy gì ăn? Dạ thưa bác cháu ăn cứt mèo, thì thật là hết nói nổi. Chưa có chồng lấy gì ăn? Tại sao không thể trả lời là còn sống nhờ cha mẹ, thế cũng còn đường được. Đi đem cái món vô lý, lố bịch "phân mèo" vào! Thật khôi hài quá trớn và tai hại! Hơn nữa lại đem phân tích hương vị của nó, rồi lại cho là ăn quen rồi. Với tuổi thơ mà nói ăn quen cái món kỳ hợm đó rồi, thì càng khả ố hơn nữa!

Nhìn các em hát bài ấy với gương mặt thích thú và nụ cười khoái trá trên môi, tôi không khỏi phát thẹn và buồn. Tôi đã có hỏi một vài em sao lại hát các bài kỳ cục thế, các em đều trả lời: "Đâu có kỳ cục! Cô giáo dạy mà anh. Tôi phân tích cái "kỳ cục" cho các em nghe, các em cười toe: "nhưng mà vui lắm anh ơi! Cô giáo dạy bài này cả lớp cười liền. Nhộn lắm, vui lắm". Tôi thoáng thấy chua xót trong lòng, và cảm thấy buồn bã lạ. Tự dưng, tôi không muốn nói thêm câu nào cả, để mặc các em đứng tôi lững thững bỏ về.

Tâm hồn, trí não tuổi thơ còn hồn nhiên và non nớt lắm. Các em rất dễ bị tiêm nhiễm ảnh hưởng những cái các em gặp và được dạy. Các em cần phải được ca những bài ca hào hùng nhưng vui tươi, lành mạnh, có thế tâm hồn các em mới giữ mãi được vẻ trong sáng, vui tươi. Những bài ca với kiểu "kỳ hợm" trên ảnh hưởng đến tâm hồn các em rất nhiều. Tụ họp lại ca hát bài trên đã đời, các em hứng thú chọc ghẹo nhau, em này gán cho em kia ăn cái món ghê tởm đó ; em kia gán lại em này. Thế là sinh ra ẩu đả, thế là cả gia đình các em đều bị gán dùng cái món đó. Tôi đã gặp trường hợp này nhiều rồi. Buồn thay!

Càng buồn thêm, khi tôi nhớ đến một số cô giáo dạy tiểu học bây giờ mà có vài lần tôi đã gặp và đã nghe kể lể nhiều. Vào lớp một cái là kêu các em lên viết bài cho các em dưới chép ; cho toán thì bắt các em làm đã, rồi kêu 1 em lên sửa ; khảo bài thì các em đọc cứ đọc, cô giáo cứ ngồi mà tô móng tay, đánh phấn.

Tội nghiệp! Các em nhỏ chăm, ngồi ngây người trước những bài toán chưa một lần nghe giảng kỹ, trong khi các bạn lười cứ tha hồ mà đùa giỡn, ngồi chơi. Các em đâu dám ho he, đâu dám "có thắc mắc gì cứ việc hỏi". Vì hễ hỏi là bị la ngốc và bợp tai liền. Những giờ học của các em chỉ kéo dài trong ồn ào, chẳng học thêm được cái gì mới mẻ, bổ ích cả. Có đôi lần, trong giờ chơi các em tiểu học nhờ tôi giải cho bài toán đố (trong những dịp tình cờ). Tôi giảng kỹ cho các em nghe để các em làm. Nhưng các em cứ đớ ra. Tôi hỏi tại sao, thì được biết các em... chưa biết làm tính nhân! Các em đã học tới lớp nhì rồi (lớp bốn bây giờ) và do cô giáo dạy. Tôi biết rõ trường tôi, tiểu học chỉ do toàn cô giáo dạy (rất ít thầy giáo) từ lâu. Thế mà vẫn không khỏi kinh ngạc để rồi chua xót.

Ôi! Tuổi thơ V.N. Các em đã chịu nhiều thiệt thòi vì chiến cuộc. Tìm về nơi học đường để nghe dạy dỗ các em chỉ gặp thêm thiệt thòi hay sao?

Buồn bã nhiều, ngao ngán nhiều. Nhưng tâm tôi vẫn tràn trề hy vọng. Vì tôi biết đó chỉ là thiểu số trong thời loạn lạc này mà thôi. Chung quanh tuổi trẻ chúng tôi và tuổi thơ các em, vẫn còn những vị Thầy, Cô đáng kính, tận tâm với nghề nghiệp.

Mong rằng, hy vọng rằng, mai sau, học đường được cải tiến hơn. Để không còn những thiệt thòi đáng buồn và xót xa cho tuổi trẻ và tuổi thơ. Lúc ấy tuổi thơ sẽ cất cao những lời ca vui tươi, sẽ long lanh ánh mắt tin yêu, sẽ thốt ra những lời lành mạnh và sẽ cười, một nụ cười thần thánh. Ôi! đáng yêu biết bao.

Và mong rằng các bậc cha mẹ, các anh chị lớn của các em, sẽ ngăn chận các em, khi nghe các em ca những bài ca kỳ hợm (mà một vài cô giáo trong lúc rảnh rỗi đã đặt ra). Và sẽ dạy các em ca những bài ca lành mạnh vui tươi...

Tuổi thơ VN cần được nuôi dưỡng bằng những dòng sữa ngọt. Như vậy, mai sau Việt Nam mới huy hoàng bất diệt...


TRẦN QUÁT      
18/5/73           

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 94, ra ngày 17-6-1973)

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

Hoa Học Trò

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Mình nhặt lá phượng buồn rơi phố cũ
Ôm vào lòng nghe những chuyến hè đi
Tóc buông vai cài hoa sầu phượng đỏ
Trong âm thầm ngỡ người đẹp Tây Thi

Thủa học trò dệt niềm tin thơ mộng
Vương vương màu áo trắng buổi chiều nghiêng
Cánh chim sẻ trong khoảng trời cao rộng
Đời gấm hoa lòng chẳng chút ưu phiền

Từ phượng nở rơi tàn trong sắc thắm
Áo học trò vẫn trắng thuở trinh nguyên
Rồi 14 vươn mình lên đôi tám
Đẹp một đời hoa tuổi dại nữ sinh

Phượng ngày nao cũng sắc màu máu đỏ
Mình nghẹn ngào ôm tuổi dại ra đi
Biệt trường yêu, xa bạn, thầy muôn thủa
Nghe âm thầm rưng giòng lệ cuối mi.

                                                    VŨ HOÀI LÊ

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 88, ra ngày 6-5-1973)
 

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2023

Mùa Phượng Vỹ

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Chín tháng trời đã cùng bạn chung trường

Từng ngày qua chuyên chở những yêu thương

Mà giờ đây lại chia lối rẽ đường

Mùa phượng vỹ cũng là mùa cách biệt


Hay cười đùa nên buồn phiền rất ít 

Như vành khuyên nhảy nhót giữa trời mây

Chuyện tầm phào làm bao đứa vui lây

Là bạn gái nên dễ dàng kết nối


Rồi tới ngày mình không còn chung lối

Kẻ lên non người xuống biển xa xôi

Biết đâu chừng có người bạn lại thôi

Không học nữa là chia tay vĩnh viễn


Nên gắng gượng trong phút giây đưa tiễn

Nắm chặt tay ôm xiết lấy một lần

Rồi  ngày mai trong một phút nghỉ chân

Mình nhớ mãi phút giây thần tiên đó


                                                                      Nhã Uyên
 

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2023

Bài Thơ Của Tụi Mình

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
có một mùa hè không đến 
tụi mình bỏ trường mà đi 
có trăm ngàn lời thương mến 
chưa trao đã vội phân kỳ
 
tụi mình tứ phương xiêu dạt 
lận đận suốt thời thanh xuân 
dòng đời bon chen được mất 
một ngày chợt thấy rưng rưng
 
là lúc cuộc đời chua chát
trả về một thoáng tinh khôi 
mùa hè vô tình vỡ nát
trường xưa mây khói tan rồi
 
nhớ sao một thời áo trắng
lung linh ánh nắng sân trường 
tụi mình giờ thành dĩ vãng 
nhìn màu áo trắng mà thương! 
 
                                       Đằng Linh  
                                        (thôn Diễm)
 

Thứ Năm, 25 tháng 5, 2023

Xôn Xao Màu Hoa Nắng

 












Chưa chi đã tháng năm!
Cánh chim nhỏ âm thầm
Ngỡ ngàng nhìn bóng nắng
Rớt trên thềm lặng câm

Tháng năm hè thức giấc
Rộn rã khúc nhạc ve
Phượng trên cành rực lửa
Nhỏ yêu sao mùa hè

Hạ tự tình lãng đãng
Tuổi học trò lang thang
Qua đầu ghềnh cuối bãi
Ngắm mây trời mênh mang

Ôm hành trang vào đời
Bao thương nhớ nào nguôi
Đâu phút giây từ giã
Ôn kỷ niệm đầy vơi
 
Vẫy tay chào tuổi nhỏ
Nghèn nghẹn hồi trống trường
Chưa xa lòng xao xuyến
Bao mùa thi vấn vương

Dang tay đón tương lai
Dấu đi tiếng thở dài
Hoa nắng vờn trên tóc
Niềm ước vọng  ngày mai....

                                        Thơ Thơ
                            (Bút nhóm Hoa Nắng)
 

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

Trong Giấc Ngủ... Lạc Loài

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
ba sẽ kể con nghe ngày còn bé
ba băng đồng làng đi học trường xưa
trưa ở lại dưới tàng cây cổ thụ
ngồi ôn bài trong cơn gió giao mùa

những buổi chiều nắng hanh vàng mái tóc
bên lưng trâu dong ruổi ướt mồ hôi
mấy lần trâu nghịch kiếm tìm mệt nhọc
tối về bên bà nghe điệu à ơi

những ngày nghỉ học bên bờ rau muống
hái đem về nhà, lo buổi ăn trưa
khi xuôi dòng sông réo vang cuồn cuộn
mơ làm Hưng Đạo, mỉm cười vu vơ

ngày nắng cháy tưới nước giàn bầu héo
ngày mưa dầm - nhìn mưa trắng dòng sông
tiếng đò máy chìm trong cơn giông réo
ba chợt buồn - mây xám khắp trên không

ba sẽ kể khu vườn xanh nhà nội
có chim chuyền trên ngọn mía trước sân
có hoa trắng, mùa xưa, đầy nụ bưởi
bà ướp trà thơm ngát vô cùng

những đêm mưa gõ nhẹ đều mái lá
tiếng dế buồn bên lu nước ngoài hiên
ba tưởng chừng cung đàn nào êm ả
du hồn người vào giấc ngủ thần tiên

bé đã ngủ hàng mi dài khép kín
ngón tay hồng còn mút mãi không thôi
bé đang mơ - giấc mơ hồng ngọt lịm
mà ba còn đi đi mãi thiên thu.

                                          THÔNG XANH

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 91, ra ngày 27-5-1973)


Thứ Hai, 22 tháng 5, 2023

Khúc Buồn Đầu Hạ

 

 CHO NGÔI TRƯỜNG THÂN ÁI

- Ôi! Mái trường yêu dấu! Mái trường mang nhiều kỷ niệm nhất của đời em. Ngôi trường có khoảng sân rộng bao la, này chỗ để xe, này chỗ có hàng cây Phượng vĩ mà em vẫn cùng bạn ra ngồi dưới gốc cây nói chuyện vui đùa.

Phượng bây chừ đang trổ hoa nhiều ghê. Những cánh hoa Phượng đỏ tía một khung trời. Mỗi ngày, bác nắng quái trải vàng chen nhau ngập trên đường dẫn em tới trường. Để em nghe thoáng động, bồi hồi nhìn xác hoa Phượng rơi và em sẽ nhặt lên ép vào trong sách cùng những cánh hoa Điệp màu vàng úa.

Khi vào lớp em sẽ gặp mặt bạn, nhìn thấy bạn và nói chuyện cùng bạn. Chỗ em ngồi ở đây, bên cạnh cửa sổ, bác gió vẫn thường lùa vào trong tóc, cho tà áo tung bay và bác mưa, vẫn làm em bực mình vì áo dài em phải bị lấm tấm những cánh... hoa mưa.

Trong phòng học thật ấm cúng, có bạn ngồi cạnh, cùng chơi, cùng học. Em sẽ ngước nhìn lên, tấm bảng đen với những nét chữ, cái bàn và ghế để giáo sư ngồi. Em sợ lắm khi thầy mắng những lúc em mơ mộng vẩn vơ. Ngồi gần cửa sổ cũng thích mà cũng ghét ghê. Thích vì nắng vẫn trải trên triền tóc xanh, ưa vì bác gió thì thầm bên tai nhưng ghét vì nó cứ bắt em phải nhìn ra, phải chia trí quên nghe lời thầy giảng...

Chao ơi! Ngôi trường và lớp học nhỏ, em sẽ không quên đâu từng kỷ niệm dù nhỏ nhặt.

 
CHO THẦY VÀ BÈ BẠN

Mỗi niên học là mỗi lần phải gặp những ông thầy khó tính, nghiêm khắc đáo để. 

Thầy Việt văn dạy cao lắm, đại học cơ mà. Bởi vậy vào dạy lớp này có vẻ "cao đẳng" ghê.

Thầy toàn cho những bài thật khó. Mà lại "kẹo" điểm quá trời. Nhưng học trò lại thích cơ, thầy hay kể chuyện vui và chỉ phạt khi lớp nói chuyện hơi nhiều.

Thầy Anh văn, Hình học, Đại số, Lý Hóa cũng vui tính. Học trò thường sợ toán, sợ luôn cả thầy toán. Em tưởng rằng thầy cũng khô khan như môn toán ai ngờ mấy thầy ấy cũng "thi sĩ" chi lạ.

Còn thầy Vạn vật, Công dân, Nhạc... nghiêm chi lạ. Hơi một tí là trừ điểm, cho zéro hà. Bởi vậy học trò ngán ghê. Có ghét trong năm nhưng khi hè đến lại thấy tiếc nuối. Lúc đó mới thấy thương thầy vì đã khổ công dạy bảo, giáo dục cho học trò nên người.

Với bạn bè, em nghe buồn dâng lên ngập lối. Nhớ Loan, Bình, Nguyệt, Nga..., nhất là chị Tuyết, chị Giang. Gớm chỉ có hai chị là lớn nhất trong lớp, đồng thời cũng học giỏi nữa. Hai chị em thấy thương ghê. Đang học nửa chừng chị Giang nghỉ và em nghe chị Tuyết bảo chị Giang... "sang sông". Ghê nhỉ?

Chị Giang đi không một lời giã từ để em nghe nuối tiếc vì không còn gặp lại nữa. Buồn mất chị để chừ lại ngổn ngang những nỗi quắt quay trong ngày tháng cuối... Hè đến rồi, chóng ghê...

Em nhớ những ngày đầu làm quen chị và những buổi học, hai chị đến rủ em đi chung. Em hay giận để hai chị phải đền ô mai, để nhỏ Loan ghen ghét em và cũng bắt chước tính của em, giận hai chị vì hai chị không "hối lộ" ô mai cho con nhỏ...

Em nhớ tính con Vân hay nhè, không nhè hai chị bao giờ, nhưng bạn bè chọc một tí là giận là khóc hà, ghét ghê, và lại còn hay nhõng nhẽo hai chị nữa, quá trời nhỉ?

Em nhớ tính tình từng đứa bạn một. Nhỏ Đào mang tiếng điệu, như bà cụ non ấy. Nhỏ Thu như Poupée vậy, trẻ con lắm cơ. Và nhớ nhất những lúc cả bọn cùng ăn vụng trong lớp để thầy bắt gặp và bị quỳ cùng cả đám. Nhỏ Phương ấy lúc nào cũng phải có gói muối ớt trong hộc bàn, nhỏ Liên có quả xoài hay cóc để cả bọn cùng ăn. Tụi bây nhớ không nhỉ? Vui ghê...

Và giờ đây, bao nhiêu quyển Lưu Bút mình trao nhau. Những tấm hình xinh xinh tặng cho nhau làm kỷ niệm. Ảnh nhỏ Đào trông già dặn như bà lão vậy. Hình con Nga thật ngây thơ. Mắt nó to, đen láy. Tụi bạn cứ gọi Nga là mắt bi hay mắt nai ấy. Hay chi lạ.

Trong bọn có mỗi nhỏ Hòa là hay... thơ thẩn... thẩn thơ. "Hắn" hay mơ mộng lắm cơ. Nhỏ Vân hay chọc là thi "sỡi" đang tìm vần thơ, người thơ hay mơ mộng...

Cả bọn còn trêu hắn bằng cách ngâm nga mấy câu thơ mà nhỏ ta chép Lưu Bút cho con nhà Đào:

"Mi ơi ạ : Ngoài kia phượng đang nở
Tiếng ve kêu báo hiệu hè lại sang
Buồn quá thôi, viết cho mi vài hàng
Làm kỷ niệm, mi đừng quên ta nhé!..."

Còn ở gần bạn bè là vui chơi, ngày cuối cùng để rồi mới thấy buồn chia xa. Thầy thương học trò lắm cơ. Cho chơi ngày cuối cùng để chia tay nhau. Học trò cho nhau, tặng nhau những gì cần thiết, gửi cho nhau từng nét chữ, từng khuôn mặt.

Ngày cuối cũng để cho em nghe sầu, buồn vu vơ khi nghe nhỏ Vân cất tiếng hát:

"Cung đàn nào thương bằng tiếng ve sầu, còn gì buồn hai lứa đôi lìa nhau..."

Ơi! Sao lớp học buồn ghê là. Để khi nghe tiếng chuông reo báo hiệu giờ ra về, em không đủ can đảm nghe lời chúc của bạn bè, em không đủ lời để nói với bạn, với thầy lần cuối, hay em không dám nói dám nhìn ai hết.

Em về trên đường trải nắng. Ôi! Một lần cuối cùng nhìn mái trường yêu mến. Không biết em còn gặp lại nữa không, có còn được ngồi trong lớp với bạn, có thầy, có tiếng cười vui nữa không?...


NGÔ THỊ THANH KHUÊ     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 42, ra ngày 11-6-1972)

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2023

Mênh Mang Hạ Về

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Hôm nào hạ lẻn về đây
Bâng khuâng mây lững lờ bay cuối trời
 
Nắng lên tô thắm bờ môi
Hồn nhiên ánh mắt nụ cười ngây thơ
 
Hôm nay lối cũ ngẩn ngơ
Dáng xuân xa khuất hững hờ phai mau
 
Triền đê nắng quái nhạt màu
Mục đồng vắt vẻo mình trâu thả diều
 
Khóm dừa nghiêng ngả tịch liêu
Dư âm văng vẳng tiếng tiêu buồn buồn
 
Bóng chiều rơi khắp lối mòn
Lũ ve thổn thức, gió vờn tóc mây
 
Cuối thôn cánh phượng nhẹ bay
Chợt nghe dĩ vãng đâu đây tìm về
 
Phượng rơi còn đỏ lối quê
Bé thơ còn mãi niềm mê hạ hồng...

                                                  Thơ Thơ 
                                      (Bút nhóm Hoa Nắng)
 

Thứ Sáu, 19 tháng 5, 2023

Bé và Mùa Hạ

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 Bé có một mùa để nhớ nhung
Một mùa thả lá khắp rừng thông
Theo trăng mở cửa đời thơ ấu
Vạt nắng phai mờ những khóm bông.

Bé để mùa sương đọng mắt nai
Mùa hoa phượng thắm lối chim bay
Cho vuông cỏ biếc ngời gương nắng
Môi bé ướp hồng trong sớm mai.

Bé giữ riêng đời một lối đi
Nơi đây hoa nắng giải vào hè
Những con chim ghé trong mùa gió
Tắm mát màu xanh những ngõ về.

Bé biết rằng mai khắp bóng chim
Nhìn nhau giây phút rất thân quen
Và đi mưa nắng buồn lên mắt
Giữ lại cho gì kỷ niệm êm.

Bé hát cho đời những khúc ca
Lời như sương thắm đọng vườn hoa
Tiếng trong ly biệt tình lưu luyến
Đời dạt thềm rêu tuổi ngọc ngà.

Bé lặng nhìn khuôn mặt người quen
Hạ đem thương nhớ chảy qua thềm
Chở mưa xao xác trong chiều vắng
Chờ một người đi thoáng ngập ngừng.

Bé ngỡ ngày xanh vợi mắt hồng
Chiều phai mây trải nhẹ qua lòng
Trên dòng tóc ngập hồn phượng đỏ
Dẫu có buồn dưng đến bâng khuâng.

Bé có một mùa để nhớ mong
Một mùa phượng vĩ để hoài trông
Mùa ve hát những sầu ca khúc
Đời ngát xanh mùa hoa hướng dương.

                               NGUYỄN TRƯỜNG ANH

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 90, ra ngày 20-5-1973)


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>