Cây thước kẻ của Thảo gõ mạnh ba tiếng, đám học trò đang chuyện trò bỗng im. Thảo nhìn một vài đứa còn tranh nhau quyển tập. Rồi cũng đâu vào đấy. Chúng im lặng. Tất cả đều im lặng. Tiếng chấm mực nghe rõ mồn một. Tiếng ngòi viết siết mạnh trên trang giấy nghe thật ngọt ngào. Giờ tập làm văn của Thảo bao giờ cũng được học trò thích nhất. Hơn nữa, hôm nay gần bãi trường, Thảo đã ra đề bài: "Tả cây phượng ở trường em và nói cảm tưởng", các cô bé tha hồ thêu hoa dệt gấm cho hai cây phượng ở cổng vào. Một vài cặp mắt mơ mộng bỏ bút nhìn trời, chúng ước mong sao trời hơi giăng thu, nắng hơi lụa để tâm hồn thi sĩ của chúng thêm phong phú. Vài mái đầu xanh chăm chú viết, viết thật say sưa, chẳng biết viết gì mà viết lắm thế. Bất giác Thảo mỉm cười, những bềnh bồng dĩ vãng chợt đến đầy ắp trong nỗi nhớ.
... Như hình dung lại một sáng nắng lụa nhạt nhòa, thứ nắng lụa của thu vàng yên ổn còn rơi sót những đợt nắng quái xế chiều đổ nghiêng. Chiếc xe đò dừng lại, người con gái bước xuống hai tay trĩu nặng hành lý. Con dốc lên cao, cỏ bồng chắn lối, mỗi bước đi là những đợt hổ ngai rạp mình. Theo tay chỉ của bác tài xế, khó nhọc lắm, người con gái mới nhìn ra ngôi trường ba lớp tiều tụy, mái thấp lè tè, những đống rác cao. Khẽ thở dài. Phải bắt đầu tất cả, từ nơi ăn chốn ở, đến trường ốc đìu hiu. Bước chân vào đời là thế này sao? Tưởng rồi thất bại, chất ngất những lo ngại, lo ngại cả những khuôn mặt, áo quần học trò lấm lem bẩn thỉu, có ra đây mới biết quê hương mình còn đồng khô cỏ cháy, có những đứa bé hơn mười tuổi còn cởi trần trùng trục, một chiếc xe chạy qua, đám trẻ bu quanh tò mò. Quê hương qua sách vở chỉ là những cánh diều lên cao trong bầu trời xanh và cao vòi vọi. Quê hương qua trí óc như những đài hoa mới nở bừng bừng sinh khí. Ở đây là trái ngược, như dòng sông đó sao không trong xanh lặng lờ uốn khúc như trên tấm họa đồ trước mặt bảng đen.
Hình dung lại một buổi sáng nhạt nhòa. Chiếc xe hàng cuối cùng đã bỏ đi. Tỉnh lỵ vắng hoe nỗi buồn dềnh lên. Người con gái đứng đó, áo dài kiểu cách này thôi hãy xếp lại, giày cao xin thay bằng đôi guốc mộc đơn sơ. Sống là hòa mình, sống là xây dựng. Một ngày, rồi hai, những buổi sáng thôi rồi không còn ngại ngùng với giọng mục đồng gọi nghé. Những buổi chiều thân yêu trong tiếng hà-ơi của mẹ hiền ru con. Quê hương đã bắt nhịp, máu đã luân lưu. Giấc ngủ trưa mùa hạ không có tiếng ve sầu ca hát là khó ngủ. Hoài vọng tiếng gà gáy sáng, tiếng mõ chuông chiều từ lũng xa vọng về không còn là dấu hiệu của thời gian. Thôi xin hãy lãng quên đời, đời hãy lãng quên tôi. Tôi chỉ muốn mình mãi mãi là một thung lũng bình yên, một sa mạc lạnh, một dòng sông trầm buồn. Thôi xin hãy lãng quên đời, đời hãy lãng quên tôi. Tôi du mình vào một thế giới trẻ thơ măng sữa. Chất ngất những hy vọng, những đài hoa vừa kết nụ, những hạt lúa non vàng diệp lấp lánh trong nắng sớm. Tôi muốn mình chỉ là một tàng cây cổ thụ có nhiều bóng dâm cho kẻ bộ hành. Những bài học thuộc lòng khởi đầu cho những buổi học làm quen. Người bộ hành làm quen bóng dâm. Tôi mãi mãi chỉ muốn mình là một cơn gió mát của buổi trưa hè nóng bức.
Hình dung lại một buổi sáng nhạt nhòa. Chuyến xe cuối cùng của tỉnh lỵ đã bỏ đi. Đã nhiều ngày nhiều tháng nhiều năm, những chuyến xe dừng lại rồi bỏ đi. Bóng dâm im mát vẫn được ấp ủ bởi tàng cây cổ thụ. Lớp học mỗi ngày một đông, buổi sáng cũng mắt mở lớn nhìn lên lá quốc kỳ, các em thấy gì không, quê hương mình đó, dòng giống Việt mình đó, các em hãy nhìn kỹ và yêu thương tổ quốc mình. Một ngày bắt đầu bằng những bài cửu chương, rồi toán, rồi luận. Một ngày bắt đầu như bắt đầu một hành trình khổ nhọc, như một kẻ bộ hành nương theo bóng dâm, một chút gió giữa trưa hè oi bức. Tôi là thế đó, bình yên, dung dị, quê hương ơi, quê hương ơi.
Những tiếng ồn ào chung quanh làm Thảo chợt tỉnh, lớp học đã trở lại cảnh náo nhiệt ban đầu, chiếc thước kẻ lại đập liên hồi.
- Thưa cô, trò Hà bôi mực dơ tập con.
- Ai mượn trò Lý thúc cùi chỏ làm hư chữ con.
Thảo được dịp ra oai làm chánh án:
- Hai trò lên đây, quì vào góc, xây mặt vào tường, tay vòng trước ngực.
Kỷ luật của Thảo. Không bao giờ Thảo phạt lâu, giỏi lắm là mười phút. Cũng như mỗi lần bắt buộc phải đánh, Thảo vung chiếc thước lên cao, nhưng lại hạ xuống thật khẽ trên bàn tay bé xíu của con bé, trước con mắt van xin của nó. Thảo quý học trò mình như quý ấu thơ của mình, ấu thơ của Thảo bị lãng quên ở một quận lỵ nghèo nàn, nên giờ Thảo phải ghi đậm và ươm những tuổi mộng này cho thật chóng xanh tốt.
- Các trò góp vở vào đầu bàn, các đội trưởng đem nạp.
Công việc rất nhanh chóng và thành thạo. Lúc hai chồng vở cao xếp ngay ngắn trước mặt Thảo, kiểng trường cũng vừa điểm.
*
Đêm mùa hạ nóng bức, cố dỗ giấc ngủ mãi mà chẳng được, Thảo tung chăn ngồi dậy rửa mặt và đem bài tập làm văn chấm. Những khuôn mặt văn sĩ phút chốc bừng lên, từng đứa một, có đứa vẽ hai cây phượng cao lêu nghêu, những chấm bút chì đỏ làm hoa nở thắm bầu trời và đỏ rực trang vở, không cần nhìn lên Thảo cũng dư biết đây là bài của Cúc, con bé có nét vẽ thật bay bướm. Thảo bắt tả cái gì là nó dành ngay trang nhất để vẽ, và sau trang viết, giọng văn Cúc thật ngây ngô "Hai cây phượng cao có bông hoa đỏ như hai tàn lọng đám cưới của chị em. Mỗi lần nhìn hai cây phượng nở em có cảm giác mình sắp lớn, rồi cũng có hai cái lọng đám cưới mình, nghĩ mà buồn cho tuổi ấu thơ chóng mất."
Thảo không khỏi nhịn cười, cho 6 điểm trên 10 với lời phê, vẽ đẹp, ý vững và giàu óc tưởng tượng. Đọc thêm vài bài, mỗi bài là một thế giới riêng tư nho nhỏ, nửa hời hợt ngây ngô, nửa thiệt thà măng sữa. Đến lúc Thảo muốn ngủ trở lại, Thảo bắt gặp một bài với nét chữ quen quen, nhỏ li ti và thật nắn nót.
... "Mùa hạ đến rồi, cổng trường được tô thắm bằng những màu hoa đỏ rực, có ai biết đâu màu hoa thân yêu đó sở dĩ hôm nay có là nhờ có cô giáo em đã ươm trong những ngày cô mới đến, và mỗi chiều chúng em thay phiên nhau tưới nước nên cây mới tươi tốt, và có hoa đẹp như bây giờ, cây lớn dần theo thời gian và tình thương yêu đã nẩy nở giữa em và cô. Cô cũng thường âu sầu mỗi bận nhìn chúng em đón bắt những cánh hoa đỏ ép vào trang sách. Cô bảo đó là màu hoa ly biệt, hoa nhớ thương, hoa học trò. Em yêu màu hoa đỏ như yêu cô giáo, yêu ngay từ thuở mới đến ngỡ ngàng với va ly cầm tay. Lúc bước vào nha em trọ, câu đầu tiên cô nói với em mà em còn nhớ là: nhà đẹp thế này mà sao không bảo mẹ trồng hoa phượng, và lần hồi cô bảo em thế nào là màu hoa ly biệt, hoa nhớ thương. Em đoán chừng cô giáo có tâm sự gì buồn về loài hoa này lắm nên cố mới nhìn những cánh hoa phượng đỏ là cô thở dài. Em mong sao em mãi mãi yêu cô như yêu màu hoa phượng đỏ ở cổng trường em."
Thảo ngưng đọc, nhìn lên bầu trời vừa mới bắt đầu đổ mưa. Gió thổi mạnh, những hạt mưa đầu tiên đổ trên mái lá. Thảo vói tay mở cửa sổ. Trong đêm Thảo bắt gặp Phương đang cúi mình hứng những hạt nước mưa nhỏ xuống mái lá.
Thảo gọi khẽ:
- Phương, em chưa ngủ sao?
- Dạ trời nóng quá em không ngủ được, bỗng thấy mưa, em hứng nước để cô giáo tắm cho mát.
Chớp mắt, Thảo cảm động thật sự. Đứa họ trò bé nhất lớp và học giỏi nầy quả là nó yêu cô giáo nhiều lắm, yêu hơn cả bài luận nó giãi bày tâm sự. Khuôn mặt bụ bẫm với hai con mắt nai tơ mở lớn lần đầu tiên đến lớp đã làm Thảo chú ý và mến. Chú ý vì học giỏi, mến vì nét mặt dễ yêu cộng thêm đức tính nhu mì. Thời gian ở gần nhau - Thảo trọ nhà Phương - Thảo xem cô học trò nhỏ như đứa em út của mình, chỉ vẽ nhiều cái hay mới, Thảo thổi vào tâm hồn Phương những nét hiền dịu ngọt ngào của miền thôn dã, sinh khí quê hương mến yêu...
*
Hôm sau,
Phương nhanh nhẹn ôm chồng vở cao nối gót sau lưng cô giáo đến trường, niềm vui rộn rã trong lòng con bé. Nó đã lén xem trộm bài tập làm văn cô giáo chấm hồi hôm, nó không khỏi cảm động lúc bắt gặp nét bút chì cô ghi kín đáo ở trang sau.
"Cô sẽ kể cho em nghe chuyện màu hoa thương nhớ này". Con bé phập phồng hồi hộp mãi như sắp biết được những điều bí mật của cô giáo. Nó không tiết lộ cho ai. Nó cố gắng chờ đợi như chờ đợi một cái gì mới mẻ sắp đến.
Nhưng rồi nó vẫn mãi mãi chờ đợi. Và cô giáo vẫn chưa kể riêng cho nó nghe chuyện màu hoa nhớ thương, cô vẫn thở dài những lúc nhìn hoa đỏ tung bay trong gió mát. Thời gian trôi nhanh, những sáng nắng mùa hạ chói chang thôi không còn nữa. Những chị ve sầu cũng vỗ cánh về nẻo xa. Thu đến vội vàng, dò dẫm bằng từng đợt heo may lành lạnh, hao may của nhung the và thu vàng rất yên ổn ở vùng quê yên tịnh. Những dáng chiều xanh thẫm buông lơi, con đường đến trường đã ngập đầy lá úa, và 2 cây phượng bắt đầu rụng bông xơ xác cuối cùng. Cuối mùa thu năm đó, cô giáo không còn trọ nhà Phương, cô được giấy đổi đi một tỉnh khác. Hôm chia tay, Thảo đứng giữa vòng đai thân yêu. Cô giáo đứng giữa những vòng tay thân ái của học trò mà nghe tâm hồn mình mọc cánh thênh thang buồn. Giọng nói như một lời ru nước mắt:
- Các em ở lại học giỏi, mạnh khỏe, chóng ngoan, cho cô gởi lời thăm hỏi đến thân quyến, cô không có thì giờ thăm từng nhà được.
Cô giáo nói thật nhiều. Học trò không khóc nhưng mắt đứa nào cũng đỏ hoe. Phương đại diện cho đám học trò nhỏ nói vài lời từ giã:
- Thưa cô, chúng em không có gì tặng cô kỷ niệm lúc chia tay này, chỉ biết mong cô đi đường bình an và gặp nhiều may mắn ở trường mới, riêng...
Nói đến đây Phương bật khóc. Thảo ôm chầm lấy con bé, ấp đầu vào ngực mình, vỗ nhẹ:
- Cô biết em muốn nói gì, về nhà, chúng mình còn dịp nói chuyện mà, nín đi.
Thảo nói Phương nín đi nhưng bây giờ Thảo đã khóc thật, những hạt nước mắt rơi trên tóc Phương nghe buồn làm sao.
Đêm đó, Phương được ngủ với cô giáo, cô giáo nói nhiều, toàn là lời khuyên nhủ, nhưng tuyệt nhiên cô không nói gì đến câu chuyện màu hoa phượng nhớ thương mà cô hứa sẽ kể cho Phương nghe, như cô đã ghi nét bút chì dạo nào.
Chuyến xe đò buổi sáng tinh sương sắp chuyển bánh, cô giáo ôm chầm Phương vào lòng, lau nước mắt cho Phương. Tiếng còi dục dã, cô giáo dúi vào tay Phương một chiếc hộp nhỏ đã cũ. Thế rồi thôi. Xe đi. Phương nhìn theo hút mắt. Trên tay cầm chiếc hộp nhỏ, Phương trở vào nhà, mở nắp hộp: chỉ có một cánh hoa đỏ ép đã cũ.
Cô Thảo ơi,
Đứa bé Phương trong truyện là hình ảnh em của những năm tháng ấu thơ. Cô đọc và chắc cô đã hình dung lại ngôi trường cũ với hai tàng phượng vỹ thắm đỏ. Em đã tự hứa với chính mình là không bao giờ em nhắc lại tên cô và màu hoa thương nhớ một lần nào nữa, em ích kỷ, chỉ thích kỷ niệm đó ở riêng với chính mình, viết ra, kẻ khác đọc, và thế là trôi hết nhớ nhung về dĩ vãng xa xưa. Nhưng chiều nay em đã mâu thuẫn lấy chính mình, cũng mùa phượng năm xưa trở về, những cánh hoa đỏ sao mà giống hệt khung cảnh năm xưa, tâm hồn em, biển nhớ tưởng trầm lặng nay lại vỗ sóng dạt dào, những bềnh bồng ký ức chợt bắt nhịp lúc em thấy chân dung một con bé tóc thắt bím níu tay chị nó (em đoán vậy) đòi nhặt cho được một cánh hoa phượng vừa rơi rụng. Em chú mục nhìn xem, nó đã nhặt được không cần bàn tay thân yêu của chị nó. Và em, con nhỏ Phương của cô giáo Thảo, ôm hận mãi về câu chuyện màu hoa nhớ thương cô hứa kể, mà chẳng bao giờ được nghe.
Cô Thảo ơi,
Ngày cô đi rồi, em buồn và cô đơn quá, không còn ai chỉ em xem những sáng những chiều, những nắng những mưa. Sáng chiều nắng mưa là của thiên nhiên, nhưng với em là hình ảnh thân yêu không còn thời gian không gian nữa, chỉ còn cô Thảo là sống mãi với những bềnh bồng trí nhớ ấu thơ. Thời gian ngắn, em theo gia đình lên tỉnh, xa ngôi trường tuổi nhỏ, những ước mơ bé bỏng cũng vượt khỏi tầm tay níu với, em ra đi, mang theo hình ảnh cô, ngôi trường và tàng cây phượng đỏ làm hành trang cho bước chân non yếu vào đời.
Hình dung lại những tháng ngày xưa cũ, nắng chiếu nhạt nhòa, nắng lụa lên cao, nắng nhảy múa vui tươi trên những thước nhựa đường ngập đầy xác hoa đỏ, ngôi trường đã bỏ lại sau lưng cùng tuổi nhỏ. Không biết giờ có còn gì không, hay theo thời gian mà tàn lụi dần rồi hở cô Thảo? Thời gian đánh mất tâm hồn mình những ấu thơ vụn vặt ngây ngô, nhưng là quý, là hạt sương mai, em yêu những ngày xưa thân ái đó. Có người thường trách em sao hay viết về huyền thoại tuổi thơ, về quê hương hoang đường, hiện tại không có gì sao? Em không trả lời vội, chỉ biết viết những lúc mình thấy cần diễn tả những cái gì gợi cho mình những ray rứt khôn nguôi. Những đài hoa chớm nhụy, những hạt sương sớm ngọt ngào. Tuổi nhỏ là thế. Tại sao không viết, không nhắc gợi những huyền thoại tuổi thơ hở cô Thảo, hở Vân, hở Thủy, hở những người tôi yêu mến.
Hình dung lại những dáng nắng cũ nhạt nhòa, hai chị em con bé đã nhặt đầy hoa đỏ rồi, vui vẻ bước đi, em dõi mắt nhìn theo mất hút. Em bước đi, bước trong nỗi nhớ bềnh bồng lên cao chót vót buồn. Em gọi thầm những biển nhớ khôn nguôi, những điệp khúc vang lên như lời tình tự : cô Thảo ơi, cô Thảo ơi.
HƯƠNG KIM LONG
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 70, ra ngày 1-6-1967)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.