Khi
tôi vừa thi tú tài bán phần xong, chú Oanh đến nhà hỏi có ai muốn về
Sài Gòn chơi thì chú cho quá giang. Tôi rủ hai cô bạn học cùng đi cho
vui. Dẫu sao có bạn đồng hành tôi cảm thấy yên lòng hơn, vì đây là lần
đầu tiên đến thăm thủ đô và cũng là lần đầu được phép đi chơi xa một
mình. Sáng sớm hôm sau mấy đứa con gái ngồi trên những kiện hàng chất
cao nghều nghệu trong khoang xe vận tải. Suốt cuộc hành trình chúng tôi
mãi huyên thuyên trò chuyện mà quên cả đường dài.
Cô
bạn thân thiết nhất ở lại Sài Gòn luôn với mẹ. Chặng đường về lẻ bạn,
trong lòng tôi thoảng một nỗi buồn. Tư lự ngắm nhìn những đám mây trắng
trôi lãng đãng trong bầu trời mùa hạ, tôi thầm nghĩ đến niên học tới sẽ
phải đương đầu với môn Triết học - con quái vật khổng lồ đang nhe hàm
răng lởm chởm chực nuốt chửng những kẻ lơ mơ rắp ranh mạo hiểm vào hang
động thần bí của nghìn năm cổ tích.
Biết
thân phận mình, vừa về tới nhà là tôi lo đến trường tư thục Việt Anh
ghi danh ngay cho kịp học khóa hè. Lớp Triết học mỗi ngày từ sáng tới
chiều. Thầy Đào Thái Nguyên kiêm cả ba môn Tâm Lý Học, Luận Lý Học và
Đạo Đức Học. Ngày khai giảng, với nét mặt nghiêm nghị, thầy bảo, “Ban C
môn Triết hệ số 5. Các anh các chị liệu hồn đó!”
Lớp
học trên dưới vỏn vẹn chừng mười mấy người. Các anh nam sinh nhường dãy
bàn phía trước cho các bạn nữ, riết rồi thành thông lệ, ai nấy có chỗ
ngồi cố định của riêng mình. Tôi ngồi giữa hai người bạn mới quen: Trần
thị Bạch Cúc bên trái và Hồ thị Tường Vi bên phải.
Tường
Vi với tôi dễ thân với nhau có lẽ một phần vì hai đứa ngẫu nhiên đã
từng là bạn của Hoàng Thị Mỹ Ngọc. Tường Vi và Mỹ Ngọc là đôi bạn thân
và là dân Sài Gòn. Niên khóa vừa qua Mỹ Ngọc lên Đà Lạt trọ học ở gần
nhà và chơi khá thân với tôi. Nay Tường Vi và tôi gặp nhau trong lớp hè.
Trong
đám nữ sinh đếm trên đầu ngón tay ấy, Tường Vi nổi bật với nét đẹp kiêu
sa, dáng mảnh mai, mái tóc demi-garçon và đôi môi cong dường như lúc
nào cũng đang phụng phịu dỗi hờn với ai. Đi học cô thường mặc áo dài
trắng, khoác áo len mầu tím và đeo kính mát to bản đúng mốt đương thời,
và đặc biệt dáng đi nhún nhảy trong mỗi bước chân. Tường Vi hơi có vẻ
ương ngạnh điệu đàng thì Bạch Cúc hiền lành như bụt, tánh tình nhu mì,
giọng nói ríu rít, và viết chữ rất đẹp (cô là chị đôi con dì của ca sĩ
Hoàng Oanh). Dáng dấp nhỏ nhắn như chim sẻ, chân đi khập khiễng nên Bạch
Cúc có thói quen níu cánh tay bạn khi đi bên cạnh. Giờ ra chơi ba chúng
tôi thường tản bộ trong sân trường, thảng hoặc rủ nhau ra thăm mấy gánh
hàng rong ngoài cổng trường. Tường Vi hào sảng có khi mua quà vặt chiêu
đãi mấy bạn khác nữa.
Buổi
trưa thầy đứng trên bục giảng, giọng thầy thao thao liên tu bất tận như
hòa nhịp với tiếng ve sầu râm ran ngoài kia. Bỗng dưng có tiếng ngáp
dài đâu đây, rồi lây lan kết thành một chuỗi thở dài miên man ai oán.
Thực vậy sao? Khoái lạc và đau khổ chỉ là hai trạng thái của một bản
thể? Khúc nhạc hòa tấu ve sầu cứ rền rĩ âm vang. Hai mi mắt tôi chĩu
nặng, thôi đành chào thua cơn buồn ngủ đang choáng ngợp ùa đến vây
quanh.
Trong
lớp tôi tỉnh táo nhất khi thầy phát trả bài thi. Bài luận của tôi
thường chằng chịt những đường gạch đỏ ngang dọc của thầy – kiểu lý luận
vừa ngây ngô vừa dổm của tôi thường bị thầy phê ấu trĩ thì chẳng có gì
gọi là quá đáng.
Sáng
nọ vào lớp nghe có tiếng thì thào của lũ con trai phía sau. Tường Vi
ghé tai tôi nói nhỏ, “Tụi nó đang xầm xì về tao đó. Đợi chút nữa tao kể
cho nghe.”
Đến
giờ ra chơi ba cái đầu chụm lại. Tường Vi dõng dạc tuyên bố, “Tao mới
đi chơi với thầy Nguyên chiều hôm qua!” Bạch Cúc và tôi sững sờ nín thở
trố mắt nhìn, “Thiệt hông? Sao mầy bạo gan quá vậy?” ”Thì để thủng thẳng
tao kể cho nghe. Có gì đâu, bữa trước thầy trả bài luận, thầy viết mấy
chữ hẹn hò với tao. Bữa qua Chủ Nhật thầy dẫn tao đi ciné ở rạp Ngọc Lan
xong rồi thầy dẫn tao đi dạo loanh quanh bờ hồ. Dọc đường gặp mấy đứa
con trai trong lớp, quê ghê mầy ơi!”
Trời! Chuyện kinh thiên động địa vậy mà nó phớt tỉnh làm như đang kể truyện đời xưa. Con nhỏ gan cùng mình thiệt!
Từ
đó về sau vào lớp tôi không dám ngước nhìn thầy nữa. Nét đạo mạo trầm
ngâm thường ngày của thầy dường như đang phôi phai. Tiếng thầy giảng vẫn
một giọng đều đều, tiếng ve sầu vẫn nỉ non ngoài cửa lớp, nhưng âm
thanh giờ đây nhuốm chút gì vụn vỡ tang thương.
Rất
hiếm khi thầy kể chuyện tầm phào trong lớp. Có lần thầy nhắc đến tác
phẩm “Một Chủ Nhật Khác” của Thanh Tâm Tuyền (thầy và nhà văn là bạn
đồng nghiệp ở Trường Võ Bị). Ngày cuối khóa học thầy đọc thơ Đoàn Phú Tứ
cho cả lớp nghe. Phải chăng thầy muốn gởi gấm một nỗi niềm?
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh
Mùa
hè qua nhanh. Chẳng mấy chốc mùa tựu trường đã lừng lững tới. Bạch Cúc
rủ tôi xin vào học trường nữ công lập Bùi thị Xuân. Niên học kế tiếp
thỉnh thoảng tôi đi học về gặp Tường Vi ở dọc đường, hai đứa dừng lại
chuyện vãn dăm ba câu rồi chia tay.
Mấy
chục năm sau tôi gặp lại Tường Vi ở nhà Mỹ Ngọc ở hải ngoại. Người đẹp
năm xưa trông vẫn duyên dáng như thuở nào, tuy dung mạo giờ đây thoáng
nét sầu muộn u uẩn. Trưa hôm đó chúng tôi ngồi bên nhau khơi lại chuyện
cũ. Tường Vi kể lúc mới qua tình cờ gặp thầy Nguyên khi đến văn phòng sở
di trú làm giấy tờ. Thầy trò nhận ra nhau nhưng không ai nói gì. “Sao
kỳ vậy?” ”Tao đi cùng với ông xã dắt theo bầy con đùm đề, còn biết nói
gì đây?”
Ít
lâu sau tôi nhận được tin Tường Vi đã qua đời sau cuộc giải phẫu bướu
não. Mỹ Ngọc kể, “Sắp Tết, nó thèm ăn mứt hạt sen. Trưa đó vào bệnh viện
thăm nó tao dấu trong bọc một hộp mứt. Nó than nhức đầu kinh khủng suốt
đêm không ngủ được và mấy bữa liền không thiết ăn uống gì. Tao dỗ nó
ráng húp vài muỗng súp rồi tao đút cho nó mấy hạt mứt sen. Nó còn thòm
thèm đòi ăn nữa nhưng tao sợ lỡ có chuyện gì, tao nói thôi để dành lần
sau vậy. Nó hứa bữa nào lành bệnh về nhà sẽ nấu canh mướp hương mồng tơi
rau đay với riêu cua cho tao ăn.” Sáng hôm sau Mỹ Ngọc trở lại thăm thì
nghe tin bạn mình vừa mới mất hồi đêm.
Mỗi
khi nghe Hoàng Oanh hát bài Những Ngày Thơ Mộng, tôi lại mường tượng
dáng dấp mảnh khảnh của Tường Vi thơ thẩn trong sân trường. Ngày ấy bạn
tôi thường nghêu ngao hát…
Tìm đâu những ngày thơ ấu qua
Tìm đâu những ngày xinh như mộng
Tìm đâu những ngày thơ
Tìm đâu những chiều mơ
Tìm đâu, biết tìm đâu, đâu giờ?
Người đẹp năm xưa biết tìm đâu bây giờ?
Yên Nhiên
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.