Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Ngã Ba Đường

 

Cậu bé lấm lét trước một nhà khách trú. Cậu về nhà, lại trở lại. Nãy giờ mấy lần rồi. Trong nhà có một bức tranh con hổ vằn khá lớn. Hình như con hổ đang thôi miên cậu bé. Cậu cố ghi trong trí đôi mắt trừng trừng và sắc. Bận sau, bàn chân đặt trên lá rừng, cậu đếm những vuốt nhọn sẵn sàng vươn ra vun vút...

Thím Ba nhìn đứa bé như lúc cậu nhìn bức tranh hổ của thím.

- Ê! Làm gì mà "dùm" nhà người ta dữ vậy?

Cậu bé giựt mình, bỏ chạy...

- Chị Phương! Coi nè...

Cậu bé khoe tác phẩm vẽ bằng bút chì trên giấy trắng học trò của mình. Ảnh một con hổ đang khoan thai trên lá rừng. Không biết cậu bé vẽ làm sao mà chúa sơn lâm trông ngơ ngác như con nai vàng của Lưu-Trọng-Lư. Nhưng chị Phương khen mãi và gọi em mình là họa sĩ. Cậu bé hân hoan hứa vẽ mái tóc thề đen mướt và tà áo trắng nuột của chị Phương.

Cậu bé bây giờ lớn rồi, không còn lấm lét nhìn những tranh đẹp như ngày xưa, lúc cậu mới biết cầm viết chì và phấn. Viết chì cậu vẽ trên giấy tập. Phấn cậu nguệch  ngoạc đầy bàn học, đầy sân gạch, đầy những nơi nào cậu có thể vẽ được.

Cậu nhắc đến hai tiếng họa sĩ bằng giọng êm đềm mơ tưởng như lúc nhắc đến người cha đã bỏ cậu từ lúc mới lên ba. Má nói ba đến một miền người ta rộng rãi tình thương như biển cả mênh mang nước mát. Cậu bé muốn đến với cha nhưng không được. Buồn bã, cậu tìm đến cha bằng những hình ảnh phúc hậu mà cậu vẽ theo bức ảnh thờ.

Bây giờ cậu bé tiếc những say mê và năng khiếu ngày xưa bị bỏ quên, nên đã vơi đi mơ ước làm họa sĩ, đã héo đi hoa tay khi nó vẫn còn là nụ tầm xuân. Cậu không chăm sóc đến bao giờ nở ra hoa trọn vẹn được. Là vì, khi cậu bắt đầu bước chân vào trường trung học, cậu đã sớm mơ và đã lỡ "đắm say" thần tượng khác, bỏ quên đi say đắm ngày nào. Sau những năm đầu si mê cái mới, cậu bé giật mình, nghĩ uổng công cho thuở nhỏ cố gắng của mình. Và tội nghiệp cho "cô bé" quen thân cậu từ lúc cậu mới biết cầm bút chì. Trở lại với "cô bé Đan Thanh" ngày xưa, không phải cậu lại bỏ rơi thần tượng mới, mà khổ thay, cậu lại yêu thích cả hai. Cả hai phá rối cậu thật nhiều. Khoan nói đến thần tượng mới của cậu vì nàng Đan Thanh xinh đẹp tuyệt vời vẫn còn nhiều chuyện đáng kể chung quanh cậu.

Cậu bé cắm cúi nhưng thỉnh thoảng lấm lét nhìn thày. Cậu vẽ hai bà Trưng cỡi voi trên một tờ giấy lớn bằng chiếc áo cậu mặc, theo trong quyển quốc sử cậu đang học. Lời giảng của thày không đi vào óc cậu dễ dàng như những hình ảnh xinh làm sao trong sách, mặc dầu cậu thích môn quốc sử thật là thích. Những buổi học của những năm ở tiểu học có tiếng trống trường cậu thích thường là như vậy. Cậu vẫn thường bị thày bắt gặp và nhẫn tâm xé nát tác phẩm mới tinh, chưa khoe với chị Phương. Cậu còn bị quỳ hay bị khẻ. Dầu bị quỳ suốt buổi, hay bị khẻ đến sưng tay, cậu vẫn không thèm khóc và không bao giờ bỏ được việc vẽ trong giờ học khi cái thèm muốn vẽ nổi dậy trên mấy ngón tay. (Thế mà cậu đã bỏ mấy năm rồi, từ lúc học đệ thất). Bây giờ cậu gọi cái thèm muốn đó là cảm hứng.

Ai cũng gọi cậu là họa sĩ. Cậu thích chí nhận danh hiệu đó và tự hào nói với mẹ, với chị Phương:

- Ba hồi đó là họa sĩ phải không má? Nữa con làm nghề của ba.

Má không thích cậu làm nghề đó. Má sợ con má nghèo khổ. Con má nghèo khổ từ nhỏ rồi. Má vội nói:

- Ba không phải là họa sĩ. Ba vẽ họa đồ cho người ta cất lầu. Con hiểu không? Thế mà không bao giờ ba vẽ lầu cho ba, cho mẹ con ta.

Có khi má nói xong rướm nước mắt. Bây giờ nhiều lúc cậu bé thường nhủ: "Má! Chính má vỡ lòng cho con tình thương. Vỡ lòng cho con sự đa cảm sầu mộng. Vỡ lòng cho con những gì cao quí nhất của con người. Thế mà má không muốn con là một nghệ sĩ. Bữa nào con hỏi má". Nhưng cậu bé không cần hỏi. Tại má thương cậu, chứ còn tại sao gì nữa.

Ở gần nhà cậu có cô bạn vẫn thường nhờ cậu vẽ dùm những hình ảnh con con vào quyển vở ám đọc hay viết chữ kiểu: "Linh Huyền, nhì 12, trường Bàn Cờ". Mấy lúc đó cậu vui thích lắm và vẽ hết sức cẩn thận để khoe tài. Cậu nhớ mãi những lời khen của cô bạn. Hồi đó cậu chưa biết mộng mơ, không biết thơ mộng nỗi vui, buồn của tuổi ngọc ngày hoa. Chớ như bây giờ cậu đã làm một bài thơ thật đẹp rồi. Hồi đó cậu chỉ biết vẽ. Hí hoáy chân dung cô bé cả ngày lại bị cô bé chê là: "Xí quá! Giống con trai chớ đâu giống Huyền." Cậu mắc cỡ xé tờ giấy học trò và hăm sẽ vẽ Huyền có răng nanh như ác quỷ trong cổ tích chị Phương kể. Nhưng rồi cậu lên trung học, bỏ vẽ nên tác phẩm Huyền có răng nanh không biết bao giờ cậu mới thực hiện. Mà thôi! Cậu không vẽ đâu. Cậu tha Huyền ngay sau khi dọa cô bạn bé nhỏ. Cô sợ hãi yêu cầu cậu đừng vẽ, khiếp lắm! Từ đó Huyền không dám chê một tiếng nào nữa.

Mộng mơ chợt đến với cậu. (Đến thật sớm, sớm hơn các bạn đồng lứa nhiều. Tại vì cậu đa cảm và lãng mạn từ nhỏ. Từ lúc cậu biết buồn đến khóc trong lời ru của mẹ từ ái. Từ lúc cậu biết dệt ước nguyện trong khung cổ tích của chị Phương kể đêm đêm). Thế là cậu làm thơ. Những bài thơ vụng về đầu tiên, ngập ngừng trước ngưỡng cửa trung học không có tiếng trống cậu yêu. Tiếng trống đã xa rồi như say đắm vẽ vời ngày xưa đã xa rồi. Cô bé thơ đến với cậu thật là đẹp gấm hoa. Đến với cậu trong những giây phút ngẩn ngơ. Đến với cậu trong những giấc chiêm bao dang dở.

Cậu quên nàng Đan Thanh. Cậu đa cảm, đa tình, mà còn bạc tình nữa. Nhưng thôi! Đừng trách cậu nữa. Cậu đã hối hận lại rồi. Bây giờ cậu không bỏ rơi ai hết.

Chừ cậu lại mơ ước làm thi sĩ ca ngợi tình thương. Tình thương của mẹ hiền, của chị Phương buồn ủ rũ, tình thương của cậu. Cậu rộng rãi như cha cậu. Cậu yêu sông núi, yêu tất cả vạn vật, yêu đời sống mặc dù đời đang bạc đãi đứa trẻ mồ côi như cậu, mặc dù đời đang keo kiệt tình thương nhưng hoang phí hận thù.

Cậu sống nhiều với nội tâm. Cậu sống trong tháp ngà. Và nhiều khi trong những không tưởng kỳ quặc. Mặc người ta cười chê bai. Biết làm sao khi cậu không sẽ là một nhà xã hội hay chính trị để tạo lại cuộc đời. Nhưng cậu có thể làm nên cuộc đời lý tưởng. Vì vậy cậu mong mình sau này là thi sĩ.

Giờ học cậu không còn cắm cúi hý hoáy vẽ mà ngẩn ngơ qua khung cửa có những con chim chuyền trên cành lá, có ánh nắng nằm nghỉ, có tất cả những cái mà những con số những công thức không có được. Những định lý cũng không làm cậu thuộc dễ dàng như thơ Nguyễn Bính êm đềm.

Khi tuổi cậu bắt đầu chơi thân với nàng Trăng tròn thì mộng mơ thương nhớ vẩn vơ kéo về đến rưng rức trong tim làm cậu không học hành gì được.

Cậu làm báo, những tờ nội san cậu làm bằng những ngày bỏ học, chạy tất tả khắp nhà in, bằng những đêm thức trắng, trước những thờ ơ của người chung quanh, đã không giúp ích gì cho cậu, không một lời khuyến khích mà còn có những ngăn cản vô lý. Nhưng những tờ báo ấy vẫn thành hình với nhiều hình thức. Tất cả đều làm bằng say sưa mà cậu cố gắng để giữ nó lại. Cậu sợ qua một thời nhiệt huyết, hăng say của tuổi là những chán chường uể oải. Nhưng biết đến bao giờ cậu mới chán lý tưởng của cậu, mặc dù nhiều khi cậu muốn chán nó đi. Nhiều khi nó như là người chủ nợ ác độc nhất thế gian. Thế mà cậu lại yêu người chủ ấy vô cùng.

Cậu vẽ. Cậu làm thơ. Để làm gì? Chưa một lần cậu trả lời dứt khoát. Có những vô lý lại có lý hơn cả.

Có những khi cậu ngắm mái tóc của cô giáo quên cả nghe giảng bài.

Cậu dùng thơ để vẽ lại tất cả những cái đáng yêu. Và nhiều khi dùng sắc màu tô trên giấy trắng hình ảnh nàng Thơ mơ tưởng có mắt nhung mắt biếc, có "đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc". (1) Đẹp làm sao mái tóc thề mà con gái Sàigòn cắt gần hết để cho tà áo nhớ thương. Nhưng mà tá áo lụa Hà Đông cũng không còn bào nhiêu.

Đó là những lẩn thẩn của cậu bé. Tâm hồn cậu bé lại càng nhiêu khê phức tạp hơn khi những lời ca tiếng nhạc đi vào tim vào hồn nao nức hoang mang. Cậu càng đa đoan hơn khi bắt đầu mua cây đàn thứ nhứt. Thật ra cậu cũng đã yêu nàng Cung thương từ mấy năm trước. Nhưng nhà nghèo, cây đàn trở thành một xa xí phẩm. Mẹ cậu không định mua đàn cho cậu mà muốn mua một chiếc xe đạp để mỗi ngày cậu khỏi phải lội bộ dưới ánh nắng tàn ác hay đỡ lạnh lâu dưới những cơn mưa xối xả của những tuần đầu niên học. Cậu nói rất là tha thiết:

- Con đi bộ quen rồi và coi nó là cái thú, má cho con xin tiền mua xe để con mua một cây đàn.

Má ngẩn ngơ cho cậu là gàn bướng hay hơn nữa là điên. Nhưng cuối cùng bà vẫn phải chìu con vì hồi đó má có hứa thưởng cho cậu một phần thưởng cậu thích nếu cậu đậu vào đệ thất trường công. Rồi cậu đậu trong những ngày long đong khốn khổ nhất. Má phải hẹn lại phần thưởng vì không có tiền. Mãi mấy năm qua, má mới thực hiện lời hứa được.

Một cây măng cầm, rồi tây ban cầm. Và rồi cậu bé muốn học trở lại tất cả những cây đàn dân tộc. Cậu đã mê mệt sau khi nghe một nhạc sư biểu diễn những đàn tranh, độc huyền... Cây độc huyền độc đáo đứng đầu thế giới, âm thanh phong phú ngân dài những bản dân ca đã thu hút tâm hồn cậu. Cậu bắt đầu yêu nàng nghệ thuật thứ ba như cậu đã yêu đắm say hai lần rồi. Nàng Cung thương đến với cậu nhiều tươi vui hơn hết. Nàng ngọt ngào, nàng làm phong phú hơn cho tâm hồn cậu đã phong phú từ lâu. Nàng làm giàu tình cảm hơn cho trái tim cậu đã giàu tình cảm từ lâu.

Cậu bị mang tiếng là gạo. Trớ trêu! Là vì cậu ngồi bàn học suốt ngày. Nhưng cậu có học đâu. Vẫn cầm viết, vẫn giấy trắng. Tập sách trước mặt. Nhưng cậu vẽ, làm thơ, chép bài ca. Và đôi khi sáng tác nhạc một cách táo bạo không có luật nữa.

Nàng Đan Thanh, nàng Thơ, nàng Cung Thương có bao giờ để yên cho cậu đâu. Cả trong giấc chiêm bao nữa.

Kết quả của năm học là cậu sụt như trên dốc núi. Tuy thế chả bao giờ cậu hối hận mà chỉ ước mong rồi mình sẽ yêu thích học toán như yêu thích đọc thơ Nguyễn Bính, thích học sinh ngữ như thích vẽ hình Hai bà Trưng. Để cho thày giáo, cô giáo khỏi rầy hoài.

- Thằng này lo văn nghệ riết rồi...

Bây giờ nếu má cậu hỏi: "sau này con làm gì?" Cậu sẽ không trả lời như hồi đó: "Họa sĩ!" hay "Thi sĩ!" vì cậu không biết trả lời gì hết. 

"Phải ta xẻ làm ba được nhỉ! Một ta theo nàng Đan Thanh. Một ta theo nàng Thơ. Và một ta theo nàng Cung thương. Nếu không ta biết làm sao? Ừ! Phải ta xẻ làm ba được" Cậu thường nghĩ như vậy.

*

Đó là chuyện dang dở của một cậu bé.

Cậu bé đó là Chiêu cũng được. Hay có thể cậu bé đó là các bạn. Những người trót say mê nhiều nghệ thuật.

Ừ! Phải ta xẻ làm ba được.

Nếu không được, mỗi người chúng ta là một đoạn kết của câu chuyện trên vậy.

 
Phan-Nhựt-Chiêu    
______________ 
(1) Thơ Bích Khê
 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 71, ra ngày 15-6-1967)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>