Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

Hươu Cao Cổ



Hươu cao cổ con vật hiền lành, loài người bảo thế, nhưng thực ra, đây là một trong những kẻ hiếu chiến nhất nơi rừng rậm Phi châu. Khí cụ chiến đấu được sử dụng nhiều hơn cả chính là đôi gạc rắn chắc.

Võ đài, một thảm cỏ xanh mát, mang 2 võ sĩ hươu hoặc cạnh bên hoặc đối chọi nhau. Loài thú này không hề dùng miếng võ cắn, nhưng trái lại, rất thích đá. Thay vì đứng tại chỗ rồi xoay chiếc cổ trong một tầm rộng lớn thì cả hai lại dùng miếng võ đập sừng vào đầu, cổ, thân mình hoặc chân địch thủ...

Đời là một trường tranh đấu. Chính vì lẽ ấy, con số loài thú này đang lần hồi giảm sút. Thực sự, không chỉ mới đây, đã hàng ngàn năm nay. Khi những sự thay đổi khí hậu thành hình tại sa mạc Sahara, hươu cao cổ thường chịu đựng không nổi mà chết. Những chú còn sống sót nơi những vùng xa lạ cũng khó tránh các mũi tên hay viên đạn hoặc cạm bẫy oan nghiệt của các thợ săn.

Ngày nay, bóng dáng hươu cao cổ trở nên hiếm hoi ở rừng Bắc Phi. Họa may chỉ còn những bức họa tuyệt mỹ trên các mặt đá ở sa mạc Sahara làm nhân chứng cuối cùng cho loài hươu cao cổ vào những ngày đầu tiên xuất hiện.

Những hình vẽ trên các ngôi mộ cổ Ai Cập họa lại những tên nô lệ người Nubie đang khuân vác hàng bó đuôi hươu cao cổ. Và chua xót làm sao khi mục đích của nó chỉ để tranh thưởng! Để rồi những sợi lông đuôi dài được con người dùng vào việc khâu vá hoặc xâu vật châu báu hay đồ nữ trang.

Người Pháp ở Phi châu, thế kỷ 19, săn hươu cao cổ để lấy thịt và da. Thịt hươu cao cổ, có lẽ các tay thợ nhậu chẳng chê vào đâu được. Còn da được dùng làm yên ngựa hoặc chế roi da. (thứ này không hợp "gu" với ta rồi!) Người Phi châu cũng khoái thịt hươu cao cổ không kém ai, mà lại còn có vẻ sành điệu hơn họ khoái nhất là chất tủy trong ống xương chân lớn.

Không phải con người chỉ biết có thịt và da, những sợi dây gân chắc và dẻo được dùng làm dây cung lẫn dây đàn. Đuôi hươu lại không phải là của rẻ. Xương hươu dùng làm phân bón rất tốt. Khoảng cuối năm 1870, những chuyến hàng mang da và xương hươu cao cổ là cảnh quá quen thuộc đối với người dân bản xứ.

Ấy chính vì thế mà có những kẻ dám mạo hiểm vào các lâm viên quốc gia để bắt cắp bằng được các chú hươu cao cổ. Họ dùng mánh khóe đi bằng giầy vuông để đánh lạc sự điều tra của nhân viên kiểm lâm. Nhưng không phải tất cả mọi chuyện ở đời đều được nhìn qua lăng kính màu hồng. Đã có những kẻ bị tóm cổ...

Có thể vì muốn trả thù loài người đã hại nó hay vì nhàn-cư-vi-bất-thiện mà hươu cao cổ đã chọc tức lại cho bỏ ghét. Một trường hợp xảy ra ở Nam Phi, chú hươu dẫm chân lên một chiếc xe hơi coi như một món đồ chơi của trẻ nít rồi tiến tới đá vào thùng nước xe hơi. Ở Uganda, một chú hươu khác, dùng 2 chân trước, đập tan đèn pha cùng kính che gió rồi luôn tiện, bẻ cong bánh lái xe hơi.

Không phải chỉ với loài người, mà với các loài thú khác, hươu cao cổ cũng muốn tác oai tác quái. Đã có lần du khách tới xem lâm viên quốc gia Kruger trông thấy một chú hươu cao cổ hạ đo ván một con bò mộng, khiến bò mộng bất tỉnh mất 20 phút.

Một lần khác cũng tại lâm viên Kruger, du khách hoảng sợ tột độ khi chú hươu ra tay hóa kiếp một con bò mộng to con khác. Khám nghiệm thi hài nạn nhân, người ta tìm thấy một lỗ sâu hoắm sau tai con vật đốt xương sống thứ nhất vỡ vụn, mảnh xương vỡ đã cắm sâu vào tủy xương sống!

Bốn cái cẳng chân cao dang ra trong một thế đứng vững vàng trên bãi chiến, và một cái đầu "bung" ra trên chiếc cổ xoay tròn..., đứng xa ngót 90 thước người ta vẫn còn nghe tiếng gió! Thế mới biết hươu cao cổ lợi hại thế nào!

Mặc dầu cổ và mình được bao phủ bởi một lớp da dày cỡ 2,5cm, nhưng mình lẫn cổ hươu vẫn thường sưng vù lên sau mỗi lần giáp chiến.

Nhắm vào điểm yếu ấy, sư tử tấn công hươu cao cổ dù địch thủ đang sung sức. Nhẩy chồm mình lên rồi bấu chặt lấy cổ con vật bằng những chiếc răng và những móng vuốt bén nhọn, sư tử đã làm con vật té quỵ. Nhưng vì không muốn chết trong cô đơn (?!), hươu kiếm bạn đồng hành sang thế giới bên kia: Nhiều mẩu chuyện vụn vặt ở Đông Phi ghi lại một chú hươu quằn quại rên xiết với vết thương rồi ngã quỵ, đồng thời... đè nát chú sư tử trên mình!

Một dịp khác, ở Nam Phi, một ông sư tử rượt đuổi một chú hươu cao cổ khiến con vật chạy tóe khói nhưng rồi cũng bị bắt kịp. Sư tử nhảy vút lên mông chú hươu, bất thình lình trượt chân té nhào xuống, nhận ngay một cú đá hậu từ 2 chân sau của chú hươu. Ngực sự tử vỡ tung, xương sườn bể vụn.

Gieo gió gặt bão. Mới đây, một tốp du khách đi thăm lâm viên Csavo ở Kenya chợ nổi da gà khi thấy 5 ông sư tử tranh nhau cấu xé một bé hươu cao cổ vừa chào đời được mấy phút!

Beo gấm (leopard) cũng là một kẻ thù đáng sợ của giòng họ hươu cao cổ. Tại một nơi gần Nairobi, một chú hươu cao cổ đang lang thang kiếm cái ăn, bất chợt dừng lại định hái những đọt lá non trên một ngọn cây. Không ngờ rằng một con beo gấm đang ngủ trên ấy. Beo ta nghe thấy động, mở choàng mắt và phóng nhào xuống ôm cứng lấy cổ hươu đến khi con mồi chết hẳn.

Có ít nhất 3 mẩu chuyện xuất phát từ Kenya thuật lại chuyện cá sấu kéo phăng một chú hươu sung sức xuống giòng sông, nhận nước nó. Hươu chết chìm là cái chắc!

Loài mãng xà cũng thích bắt chẹt hươu. Mãng xà dùng cả khúc mình dài ngoẳng của mình để quấn chặt lấy cổ hươu, xiết chặt, đợi giờ hươu ngưng thở. Nhưng không ngờ rằng sức nặng ngàn cân của hươu ta đã đè bẹp đối thủ trong khoảnh khắc dù ấy chỉ là một cử động té quỵ tự nhiên khi hươu chết...

Hươu cao cổ thường trông cậy vào vận tốc phi thường của mình để đối phó với địch thủ nặng cân. Bốn mươi lăm đến năm mươi mốt cây số một giờ là con số lý tưởng của giống hươu cao cổ trên nhiều dặm đường. Nhưng năm mươi sáu cây số mới là con số tối đa khi hươu phi nước đại. Với vận tốc này hươu ta cong đuôi lên lưng theo hình trôn ốc mà chạy. Chúng có thể vượt qua mặt ngựa, nhưng vì hươu cao cổ tuy... cao cổ nhưng lại ngắn hơi nên ngựa vượt lại là chuyện thường. Dung lượng buồng phổi của hươu chỉ cỡ 12 lít, đem so sánh với loài ngựa có dung tích 31 lít thì làm thế nào để hươu thắng được ngựa trong cuộc đua marathon?

Ngụy trang là bản năng thiên phú của hươu hầu bảo toàn tính mạng. Đã hơn một lần, một người quan sát trong đám bụi rậm một chú hươu cao cổ trong hàng chục phút mới nhận ra rằng ông ta đã và đang quan sát không phải chỉ một mà cả bầy hươu cao cổ lận!

Loài hươu này thường kết thành từng đàn từ 3 đến 15 con, nhưng đàn hươu với 100 con đã có người tận mắt trông thấy. Hươu bé sống với mẹ được 3 tuổi thì nhập vào đàn, hươu chưa vợ cho đến khi trưởng thành nghĩa là tròn 7 tuổi.

Muốn uống nước, hươu dang chân ra 2 bên hoặc gập chân trước rồi đưa đầu xuống cho tới khi chạm mặt nước. Mỗi lần uống nước kéo dài 20 giây ; uống xong, chúng lập tức đứng thẳng người lại, có lẽ vì sợ kẻ gian ẩn nấp đâu đây.

Ở Nam Phi, hươu cao cổ đực được ghi nhận cao tới 5,7 thước và cân nặng đến 1177 kg (2600 cân Anh). Ở Đông Phi, hươu cao cỡ 5,1 thước. Khi đường xe lửa lần đầu tiên đặt tại Kenya và Uganda, hươu cao cổ nhiều lần tới phá đường dây thép. Giải pháp cuối cùng là nâng cao đường dây thép lên cho hươu đi khỏi... vướng!

Mang thai được 15 tháng thì hươu mẹ cho ra đời bé hươu cao gần 1m,8 và cân nặng 51kg. Sức nặng, chiều cao hươu tăng dần theo thời gian. Cổ hươu cao lên. Tại sao? Loài hươu nguyên thủy cao cổ vì muốn thích nghi với môi trường xung quanh hay vì trời sinh ra thế? Đó là câu hỏi mà các khoa học gia còn đang đặt trong vòng nghi vấn.


ÁNH MINH     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 222, ra ngày 1-5-1974)
 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>