Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Sống Cởi Mở

  

Thư của em P. Saigon:

HỎI: ... Em là phái mạnh, nhưng mỗi khi làm việc vặt ở nhà, như: lau nhà, nấu cơm v.v... em thường hát nho nhỏ những bài mà em thuộc trong lúc đi cắm trại: "Nối vòng tay lớn" "Hát cho dân tôi nghe" "Dậy mà đi" v.v...

Thế mà bà hàng xóm nhà đối diện, qua nhà em mách với má em rằng "Xướng ca vô loại, con tôi mà ca hát hay đọc sách truyện gì, tôi trừng trị thẳng tay". Từ đó, má em bắt đầu rầy em mỗi khi nghe em hát. Chị ơi, em chỉ ca hát và đọc những sách lành mạnh. Tại sao lại bị gán cho tiếng xấu là "vô loại". Em đúng hay sai?

Trả lời: Có nhiều vấn đề hai quan niệm của người xưa và người nay vẫn giống nhau. Nhưng cũng có những điều hai quan niệm trái ngược hẳn nhau. Thí dụ quan niệm các cụ xưa là "Nam nữ thụ thụ bất thân", phái nam và phái nữ không hề được đụng chạm vào nhau. Thậm chí khi hoàng hậu đau, quan ngự y (thầy lang của triều đình) cũng không được cầm tay bắt mạch, mà cung nữ phải buộc một sợi chỉ vào cổ tay hoàng hậu, quan ngự y ngồi ở xa, cầm sợi chỉ mà nghe nhịp mau chậm mà thôi. Nếu ngày nay còn giữ nếp sống ấy thì sinh hoạt của dân chúng lắm cái rắc rối, ví dụ phải có riêng xe lam chở đàn bà, nữ bác sĩ và nhà thương chữa nữ bệnh nhân riêng v.v... Cho nên không nhất thiết rằng cứ quan niệm của cổ nhân là cái gì cũng hay, cũng đúng cả. Bắt chước các cụ một cách cứng ngắc, chính các cụ cũng gọi những người đó là hủ nho đấy em ạ.

Câu "Xướng ca vô loại" có nghĩa chê rằng giới xướng ca không trật tự thứ bậc gì cả, các cụ không xếp họ vào các thành phần trong xã hội. Tại vì khi xưa giới xướng ca chỉ chung tất cả những người làm nghề hát xướng, rong chơi, đóng kịch, đóng tuồng để mua vui cho thiên hạ. Gánh hát có một số đào kép, có khi là gia đình: cha mẹ vợ con tụ lại với nhau. Tới khi diễn xuất thì cứ theo nhu cầu của tuồng tích mà chia nhau các vai, thành ra lắm khi ông bố lại đóng vai lão bộc, cậu con vai Công tử con chủ nhà, bà mẹ làm Hoàng Hậu, cậu bé út thủ vai Ấu Chúa, cứ lộn bậy cả lên. Buổi hát sau cũng lại bấy nhiêu diễn viên, lại thủ các vai khác nhau, nhu cầu cần gì thì diễn viên phải đóng vai đó, đâu có chọn lựa theo tôn ti gia tộc ngoài đời được. Thành ra chẳng còn có thể thống gì cả.

Các cụ không thể chịu được cảnh ông bố ruột lại quì trước mặt cậu con trai nhỏ mà thưa:

- "Dám thưa công tử..."

Mặc dù trước lúc sắm vai công tử cậu con trai mới bị bố tát cho một cái về tội ăn vụng (thí dụ).

Quan niệm của các cụ xưa về phương diện này cũng đúng. Nhưng nay ta phóng khoáng hơn. Đời sống rộng rãi không gò bó, người diễn viên được tôn trọng, và đời nghệ thuật tách riêng ra khỏi đời sống riêng tư rồi.

Quan niệm mới cởi mở hơn, mọi người được tự do bộc lộ tình cảm vui buồn, và còn được khuyến khích cười đùa vui vẻ để làm cho mọi người được vui lây. (Ngày xưa các cụ không cho bộc lộ tình cảm. Vui buồn đều để trong lòng. Thái độ phải rất ôn hòa và bình thản mới là người có giáo dục).

Bà hàng xóm nhà em có tính lạnh lùng khó khăn như vậy, gia đình bà chắc là buồn tẻ lắm. Sao bà còn muốn cho gia đình người khác phải buồn lây?

Vậy chị đề nghị thế này:

1) Em đưa cho ba má coi các sách báo của em và nói rõ điều lợi của sự đọc sách báo hay.

2) Em cứ hát nhưng hát nhỏ thôi, để cho nhà khỏi bị ồn ào (có lẽ em hát hơi lớn nên bà hàng xóm nghe thấy và khó chịu).

3) Thì giờ rảnh rỗi em đọc những bài báo hay, chuyện lạ bốn phương, truyện tình cảm, vui cười cho má nghe, chị tin rằng chỉ một thời gian ngắn là má sẽ thành đồng minh của em liền.

Chúc em được như ý.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 41, ra ngày 4-6-1972)


Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>