Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Tháng Giêng Chim Hót


An, con nhóm cho me bếp lửa đi.

Em buông con dao nhỏ trên tay xuống quay nhìn me đang rửa những miếng bí trắng trong chậu. Me không nhìn em, nói thêm:

– Con nhóm bếp lửa ấy, và mang ra ngoài cho sáng, đừng để trong góc nữa.

Em vừa lúi húi bưng chiếc lò ra ngoài vừa hỏi me:

– Tối nay me rim mứt hả me?

– Ừ.

– Nhóm nhiều than không me?

– Ít thôi, và đổ vừa dầu đấy nhé, đừng có làm bùng lên như hôm trước đấy. Cháy cả mặt mũi tóc tai thì cứ gọi là ăn Tết trong nhà thương.

Em cười, nhớ đến lần nhóm bếp vừa qua, em vụng quá nên mãi không hừng lửa. Tức mình, em dốc cả nửa chai đầu vào. Lò lửa vừa bén được tí than hồng gặp dầu phụt lên thật cao làm em hoảng hồn thét lớn. May mà không việc gì, ấy là vì em đã bím tóc cẩn thận trong lúc làm việc, nếu không, có lẽ giờ này em dám thành tiểu ni cô rồi lắm.

Em cho than vào lò, cẩn thận chế dầu và quẹt diêm. Ngọn lửa đỏ cháy sáng ấm áp căn bếp nhỏ hẳn lên, em đi rửa những vết nhọ than dính lem luốc trên đôi tay. Me kêu:

– Khéo kẻo xà phòng giây vào bí của me.

– Không có đâu me.

– Thì cô cứ bảo thế, đến lúc giây rồi lại cười trừ.

– Giây, con rửa lại cho me.

– Cô rửa để bao nhiêu bí gẫy nát ra cả ấy à.

– Me hạ giá con quá rồi đấy.

Me cười:

– Hạ gì, ai chả biết cô thì vụng khê vụng nát ra.

– Vụng, khỏi cực me ạ. Me chẳng bảo biết càng nhiều càng khổ hay sao.

– Cô giỏi ngụy biện lắm.

– Tại me nói mà.

Những miếng bí đã được vớt ra khỏi chậu nằm trong chiếc rổ thật ngon mắt. Em nói:

– Mứt bí này gọi là mứt gì me?

– Mứt bí tăm.

– Sao lại là mứt bí tăm?

– Vì nó dài, mà nhỏ như tăm.

– Nó mập hơn tăm nhiều mà me.

– Thì gọi thế, nó cũng chỉ gấp bốn gấp năm que tăm chứ mấy. Thế cũng khó mà rim đừng gẫy rồi. Mỏng như que tăm thật, rim xong thành mớ bí băm mất.

Em nhón một mẩu bí dài, trong suốt ngắm nghía:

– Sao me không làm mứt bí tròn, me cũng không làm mứt con sò như mọi năm nữa.

– Mứt bí tròn ăn ngán, còn mứt con sò làm mệt, me phải nặn lúc còn trong thau đầy nước đường nóng, cực lắm mà ăn cũng chẳng ngon. Mứt bí tăm nhỏ, ăn dòn như mứt dừa, trông thanh lịch hơn.

– Làm mứt bí tăm cực không me?

– Thứ nào cũng mệt cả. Con xem lửa đỏ chưa đặt cho me nồi nước.

– Nồi lớn hay nhỏ me?

– Nồi lớn ấy.

Em đặt nước cho me, toan hỏi nữa nhưng me đã kêu lên:

– Chết, me quên mua vanille rồi, con lấy mười đồng đi mua cho me mấy gói.

– Để cho mứt thơm phải không me?

– Ừ, cô hỏi lắm thế, thôi đi đi.

– Me cho con thêm hai chục nữa.

– Để làm gì?

– Con mua bánh tráng.

Me nhìn em hơi ngạc nhiên rồi như chợt hiểu ra me bật cười:

– Cô lại muốn ăn bánh tráng rưới nước đường mứt phải không?

Em cười nhỏ, gật đầu thú nhận:

– Me tài quá, con phục me đấy.

– Không mượn cô nịnh, thôi đi đi nào không trời tối người ta dọn hàng hết cả..

– Vâng.

Em cầm tiền rảo bước ra chợ, trời sẫm tối, mưa lất phất bay. Mùa đông năm nay dai dẳng mưa và lạnh dễ sợ. Ở trong nhà gần bếp ấm áp em không mặc thêm áo len, bây giờ ra đến ngoài em mới thấy lạnh run. Mưa đan phơi phới trên đầu, con đường đất nhỏ trơn tuột dưới chân, vắng hiu hắt. Em cố đi nhanh cho bớt lạnh và để khỏi phải trở về tay không vì đã muộn lắm rồi. Em có cái cảm giác lạnh vào tận xương, những ngón tay em tím lại, héo hắt dưới cái lạnh. Em nghĩ chắc mặt em, môi em cũng thâm tím không kém. Chợ chiều đã tàn, rác rưởi vương khắp chỗ trộn với đất bùn. Những dãy sập trống lổng khu chợ cá không điện tối tăm phát sợ. Em đi quanh tìm các tiệm tạp hóa của người Tầu. Vanille mua dễ dàng nhưng còn bánh tráng em phải vất vả đi tìm gần một chục nơi mới có. Em ôm hai chiếc bánh cùng mấy gói vanille hối hả trở về. trời mỗi lúc một tối, em run rẩy cả người vì mưa. Mưa rất nhẹ, rất đều, rất thơ mộng cho các nhà thi sĩ làm thơ nhưng với em thì mưa chỉ làm hại em. Ướt tóc, ướt áo không hề gì, về hong lửa sẽ khô. Em chỉ lo ngay ngáy hai chiếc bánh tráng thấm ướt sẽ mềm nhũn, khó coi lắm. Thật là cái miệng làm hại cái thân. Mưa nhỏ, nhưng rơi đều trên người em, em cắn môi cho đỡ lạnh, bước chân đi khó khăn trên đường đất. Sao em tệ thế, chỉ mải đi mà quên cả việc mặc áo đội mũ vào.

Còn hai ngã tư nữa là đến nhà, em nghĩ đến bếp lửa ấm, đến thau mứt bí trắng sôi khe khẽ trong bếp, nước đường me thắng bao giờ cũng thật sánh, thật thơm. Em nuốt nước bọt khi nghĩ đến miếng bánh tráng nướng phồng, rưới thêm những muỗng nước đường đặc như mật ong, ngon phải biết. Năm nay me làm mứt muộn quá, nhà chẳng có gì. Mứt mua ngoài chợ thì đắt me không dám tiêu tiền phung phí. Em biết, nhà dạo này túng nhiều, me với ba lo đến gầy người. Tết đến sau lưng, con trẻ thì mừng cha mẹ thì lo em vẫn nghe me nói thế. Em mười bốn tuổi, em vẫn còn cái háo hức mong ba ngày Tết. Năm nay chỉ có em với Vũ là có quần áo mới. Me cố may cho em chiếc áo dài xanh, mầu xanh vì mặc Tết xong em sẽ mặc đi học luôn, đồng phục của nhà trường đấy. Em cũng chẳng đòi gì, cả năm không đi đến đâu, may áo dài mầu khác phí đi, xếp trong tủ chứ làm gì. Vũ cũng thế, một bộ chemise xanh nhạt và quần xanh đậm. Hai chị em học cùng trường. May là hai đứa đều thi đỗ vào trường công, nếu không thì ba me còn vất vả đến đâu nữa. Chị Mơ suốt ngày cắm cúi bên chiếc máy đan áo cho mọi người. Mùa lạnh, Tết sắp đến người ta đặt áo khá nhiều, chị bận rộn với búp len, đôi kim chẳng hở tay. Hai ngày nữa hết năm mà chị vẫn chưa có chiếc áo mới nào, kể như là năm nay chị phải mặc áo cũ rồi. Còn hàng quán may nào nhận áo giờ này nữa. Em thương chị Mơ quá chừng, chị giống me, đảm đang và khổ cực hoài.

Hôm qua, một bà bạn biếu me nửa quả bí già, tấm tắc khen bí tốt, làm mứt ngon. Me thêm tiền mua đường, cặm cụi cắt xén cả buổi để hôm nay rim. Đón Tết gì mà có mỗi món mứt bí. Chưa có hạt dưa, chưa có hoa quả. Em thầm mong me có tiền làm thêm món khác. Me khéo tay lắm cơ. Mứt dừa me làm trắng nõn, quấn thật đẹp, thật dài. Mứt gừng thì mỏng, cay bỏng mồm, mứt khoai óng ánh đường, mứt me ngọt ngọt chua chua quấn trong lớp giấy bóng kính trông chẩy nước bọt. Em nhớ những cái Tết năm nào me làm đủ thứ, chỉ có mứt sen là phải mua. Buổi tối, me ngồi đổ bánh kẹp bằng hai chiếc khuôn nhỏ, quấn lại bằng đũa cho tròn xếp đầy hộp. Bánh kẹp thơm, dòn, ngon không tưởng. Mỗi lần đổ bánh em tranh với me, nhưng chỉ được mươi cái là em chán, me kiên nhẫn đổ bánh đến một hai giờ sáng trong lúc em lăn ra ngủ. Sáng thức dậy, mở hộp bánh nhìn, suýt soa khen me và điểm tâm luôn vài cái cho me la, nói cô ăn thế thì chưa Tết đã hết bánh, lấy gì đãi khách. Những cái Tết ngày gia đình còn khá giả vui biết chừng nào. Em thở dài tiếc rẻ, không biết bao giờ em mới ăn được một cái Tết như thế. Nhà mỗi ngày một nghèo đi, lương ba không kịp với vật giá. Chiến tranh bắc thang cho tất cả mọi thứ. Me phải tằn tiện hơn, ba lo âu suy nghĩ cho già trước tuổi. Chị Mơ cặm cụi bên chiếc máy đan chỉ kiếm thêm chút ít đủ thêm tiền thức ăn. Bữa cơm đạm bạc không mấy khi có thịt. Nhà chỉ ăn rặt cá và rau. Ngồi vào bàn me thở dài ái ngại lo ba đi làm ăn uống cực khổ không đủ sức, thương các con kham khổ không bằng nhà người, gạo đang là gạo thơm tuột dần xuống gạo thường. Me không ăn gạo Mỹ, thức ăn không có rán ăn nước mắm còn hơn. Gạo Mỹ ăn cứng còng, thà ăn gạo ruộng còn hơn, ăn gạo Mỹ tốn thức ăn gấp bội mà cả nhà đều không nuốt nổi.

Gần Tết, đám cưới đám ma nối nhau đến, ba me lo tiền ngất ngư, không có không được. Lương ba như hạt muối bỏ bể với những chi tiêu. Em không dám hỏi me sao không sắm sửa này kia, đến mấy món mứt thường lệ mọi năm giờ này là xong cả rồi mà năm nay chẳng có gì cả. Me lo, lo lắm, em thấy me thở dài hoài, mắt me như sâu thêm, da me như trắng xanh lại. Me ít nói, ít cười hơn trước. Nhà buồn tênh không thấy mùi Tết ở đâu cả. Em bảo thầm, thôi, chiến tranh mà, vui sướng gì ăn Tết nữa, thời buổi này ai cũng thế. Em muốn nói với me thôi me đừng lo nữa nhưng em không nói được. Nhìn vẻ mặt thầm lặng của me nhiều khi em muốn sà vào lòng me kêu lên con thương me lắm.

Em đẩy cánh cổng rào bước vào sân, tưởng tượng giờ này me đang ngồi bên bếp lửa đỏ cạnh thau mứt bí đường đang sôi nhè nhẹ. Chắc má me hồng lắm, ừ, mấy bước nữa thôi là em đã đến cạnh me, sưởi đôi tay lạnh giá vào bếp lửa, nũng nịu kể cho me biết em đã đi ngoài mưa “khổ” như thế nào. Chưa chi mà em đã thấy ấm áp cả người, em nhẩy chân sáo vào nhà mồm líu lo hát Xuân về trong gió, hoa bay lững lờ. Xuân về lòng đất

Tiếng nói the thé, chua và cao của người nào đó bỗng lọt vào tai làm em ngừng lại, giọng nói ra chiều nghiến ngầm:

– Bây giờ bà tính sao với tôi thì nói chứ. Năm hết Tết đến, ai người ta cũng cần tiền. Bà khất mãi sao được. Tôi bảo cho mà biết chứ bà không lôi thôi được với tôi đâu. Nợ nần phải thanh toán cho xong, dây dưa mãi chừng nào bà mới chịu trả. Bà vay tiền bà ăn cho sung sướng rồi ì ra đấy à, sao mà sung sướng thế.

Giọng me nhỏ và van lơn:

– Em xin bác, em cũng túng quá nên không có trả bác ngay được. Tiền của bác vay bao nhiêu em xin trả không dám để bác phiền. Nhưng bác thư thư cho đã. Cuối năm, ai người ta cũng giữ tiền giữ bạc không cho vay, em chạy không nổi, có em gửi bác ngay đâu để bác phải trách như thế.

Giọng người đàn bà cao lên, đầy chua ngoa:

– Bà đã biết thế sao không lo sớm, tiền tôi làm mồ hôi nước mắt, tôi có ăn cắp ăn trộm của ai đâu. Bây giờ tính sao, trả hay không thì bảo. Con mẹ Nhân này không phải tay vừa, bà biết đấy. Tôi không có nhiều lời.

– Bác hiểu giùm em, em không có gì gửi bác. Nợ bác em phải trả, em không phải như người ta…

– Không như người ta thì sao, tôi bảo thật cho bà biết, tôi cho vay đã bao nhiêu năm, không đứa nào giật được của tôi đồng xu cắc bạc nào cả. Cứ gì như người ta với không như người ta mà bà nói, nợ là nợ…

Giọng me nghẹn ngào:

– Em biết, nhưng bao lâu nay em trả tiền lời cho bác cũng khá nhiều. Tiền vay mười phân với hai mươi phân lãi cũng gần bằng vốn. Nếu không túng thiếu em không dám phiền bác, với số tiền lãi bác lấy em cũng vất vả lắm mới đưa đủ.

Người đàn bà rít lên, the thé:

– À, bây giờ bà lý sự. Tiền của tôi, bà năn nỉ lạy lục tôi mới cho vay. Có phải tự nhiên tôi đưa cho bà ép bà vay đâu. Bà không vay thì có khối đứa khác lạy tôi mà vay. Vay thì phải trả, tôi cho vay mười phân, hai mươi phân đấy, bà muốn vay thì nhận, kêu gì. Bây giờ lại tính nuốt trôi à, sao lúc vay thì dễ thế?

Không có tiếng me trả lời, em lặng người, nỗi tủi nhục và đau đớn chạy tràn cơ thể. Me em, trời ơi, me em đang bị người ta sỉ nhục. Cái mụ đàn bà đanh đá bỉ ổi nào lại mắng chửi me em thế. Em thấy nghẹn thở, me yêu quí của em. Em cắm đầu chạy xuống bếp, em tưởng chừng em muốn đập vỡ mặt mụ đàn bà đó. Me đang đứng cạnh bếp lửa, mắt me long lanh rớm lệ. Người đàn bà vừa sỉ nhục me giương mắt đanh đá nhìn. Mặt bà ta khô đét, sâu hiểm. Hai vành môi mỏng dính tái nhợt, bà ta cười mai mỉa:

– Sướng nhỉ, nợ thì không trả, lo ăn uống với nhau. Làm mứt đầy thau (bà ta quay sang em), con cái thì quà bánh. Không có mà thế à? Bà không trả thì tôi bảo cho mà biết đừng hòng có Tết với tôi.

Em trừng trừng nhìn bà ta, môi nghiến giữa răng. Em chỉ muốn thét lên, đuổi bà ta ra khỏi nhà lập tức. Sự tức giận làm em lặng người, em nhìn bà ta ghê tởm. Tay nắm lấy bàn tay mềm của me, em cảm thấy thương me vô cùng. Me, tội nghiệp quá me ơi.

Người đàn bà chống nạnh, quắc mắt:

– Sao, bà tính quịt thì bảo?

Me thở dài:

– Bác không thương em cũng chẳng biết làm gì. Nhà ăn còn chưa đủ, Tết nhất không có lấy manh áo mới. Em cũng khổ tâm lắm chứ phải không đâu. Bác dư dả, món nợ của em không cần thiết đòi được bác cũng thừa. Em vẫn gửi tiền lãi hàng tháng cho bác, bác để em khất qua năm.

– Bà tính khất đến bao giờ? Để lâu cứt trâu hóa bùn. Bà, tôi nể mới cho vay tiền đứng. Người khác là tôi đến nhà lấy tiền góp hàng ngày, không thiếu một xu. Bà thấy tôi dễ nên làm lơ à, hay nhỉ?

Dễ, trời ơi, em gớm tởm nhìn mụ đàn bà đó. Cho vay ăn lời hai mươi phân còn nhân nghĩa gì. Sống bằng nghề vô nhân đạo đó mà còn quai mồm ra. Em nghĩ đúng mụ ta là một con đỉa, một con đỉa hút máu người.
Me nín lặng trước sự xỉa xói của mụ ta, dáng me nhẫn nhục quá. Em run lên vì giận, nỗi căm tức nghẹn ngào dâng đầy ứ. Mụ đàn bà vẫn lải nhải nói, em cắn môi tiến lên một bước toan đuổi bà ta ra khỏi nhà rồi ra sao thì ra. Môi em mấp máy, em sửa soạn hét lên thì ba bước vào. Mụ đàn bà quay ngoắt sang địch thủ mới, dài giọng:

– Chào ông chủ, thế nào, mấy món nợ của tôi còn để đến bao giờ nữa. Thật dễ dãi quá chó liếm mặt có khác.

Mặt ba đanh lại, em thấy rõ cơn giận đang muốn nổ tung trong ba. Mắt ba lạnh ngắt nhìn mụ ta:

– Bà ăn nói đàng hoàng một chút, bà nói ai là chó?

Mụ đàn bà lùi lại một chút, hơi gờm trước vẻ dữ dội của ba, mụ ta lấp liếm sang chuyện khác:

– Thật tôi không có công đâu mà đòi mãi như thế. Nợ thì phải trả, có đâu mà ì mãi ra thế. Tiền cho vay, đứng mãi một chỗ làm sao có lời…

Giọng nói ra vẻ hòa hoãn hơn trước, ba lạnh nhạt trả lời:

– Bà đừng lo, nợ thì phải trả. Chúng tôi không quịt ai bao giờ. Bà đòi nhưng không có thì lấy gì mà đưa. Tôi cũng muốn trả bà cho xong, ở đời ai mong giữ nợ hoài, bà có la lối cũng thế. Từ từ, chúng tôi mới lo nổi chứ. Bà cho vay ăn lời, vốn lãi gần bằng nhau, còn gì nữa.

– Phải, nhưng có vay thì có trả, tôi không lạy ai vay tiền tôi. Nể ông bà là người đàng hoàng tôi mới để đến bây giờ. Thời buổi này tiền bạc đau xót mới kiếm ra.

Ba lắc đầu, mỏi mệt:

– Tôi biết, tiền bạc bỏ ra ai không xót, nhưng cái việc nó thế. Bà để thong thả rồi tôi sẽ lo đủ.

Ba nói ít, ngắn, nhưng mụ đàn bà không còn ngo ngoe như với me. Mụ có vẻ nể ba rõ rệt. Mụ đứng đó, lải nhải, than thở, lên giọng nhân nghĩa vài câu nữa rồi rút lui. Em nhìn theo mụ chỉ muốn tát cho mụ vài cái. Đúng là đỉa, đỉa người. Lẩm bẩm, em rủa mấy câu trong mồm, cái thứ đó thế nào chả sinh ra vài thằng con trời đánh để chúng phá tan của phi nghĩa cho mà xem. Me thở dài mỏi mệt ngồi xuống cạnh bếp lửa, mặt me tái xanh. Ba yên lặng nhìn hai mẹ con một lúc rồi chậm chạp quay lưng lên nhà trên. Em nhìn mái tóc bạc lấm tấm của ba lòng se thắt. Đến chừng nào mới có một ngày yên vui cho ba me yên hưởng tuổi già.

Thau mứt bí sôi khe khẽ, me thừ người nhìn. Em lấy đôi đũa trộn nhè nhẹ những cọng bí mềm. Mùi nước đường thơm thơm bốc lên, em phổng mũi hít. Ánh lửa hắt ra hồng hồng trên mặt, ấm áp, dễ chịu quá. Em quên hết mọi chuyện xẩy ra gọi me:

– Me ơi, xếp bí vòng quanh thau để rưới nước đường chưa hở me?

Me dịu dàng đáp:

– Còn nhiều nước lắm, đun cho cạn một chút đã, con.

Đôi mắt me u tối nhìn, ánh lửa soi vào mắt me không đủ ấm. Em nắm tay me, nhỏ nhẹ:

– Me còn buồn phải không?

– Me không buồn.

– Con biết me buồn, me nói dối. Con ghét cái mụ nặc nô hồi nãy.

Me im lặng một chút rồi thở dài:

– Tại mình vay mượn người ta, biết sao.

– Từ nay me đừng vay nữa.

Me cười gượng:

– Bà ấy thèm cho mình vay nữa.

– Mụ ta gớm ghiếc như đỉa.

– Thôi con.

– Con ghét mụ ấy lắm.

Me lắc đầu nhè nhẹ, giọng me buồn tênh:

– Con lên bảo chị Mơ đưa cho me búp len với đôi kim, me đan nốt mấy chiếc gấu áo để chị kéo cho xong.

– Me vừa đan vừa rim mứt hả me?

– Ừ, chờ mứt cạn lâu lắm, ngồi không phí đi.

Em dạ, ngoan ngoãn đi lên nhà trên tìm chị Mơ. Chị đang yên lặng ngồi trước máy đan. Sợi len im lìm mắc trên chiếc cần dài. Thiếu vắng tiếng loạt xoạt của máy, căn phòng bỗng vắng hẳn lại, em đến gần chị se sẽ gọi:

– Chị Mơ.

Chị ngước mắt nhìn em, đôi mắt chị còn long lanh ngấn nước, đầu mũi chị bóng láng, chị hỏi khẽ:

– Bà ấy về rồi phải không?

Em nhìn chị, ngạc nhiên:

– Vâng, em tưởng chị không biết.

Chị mỉm cười buồn bã:

– Làm gì mà chẳng biết, bà ấy la lớn như thế… tội nghiệp me.

– Em ghét mụ ấy lắm.

Chị thở dài:

– Ghét cũng chả làm gì, mình còn phải cầu cạnh họ.

Em nói bằng sự bực tức của mình:

– Em chẳng thèm, chết đói còn hơn.

Chị nhìn em bằng đôi mắt bao dung, chị nói se sẽ:

– Nhưng me thì không nhìn các em đói khổ được, me không chịu các con me lạnh lẽo được, thế nên me phải vay nợ bà ấy.

– Em đâu có sợ khổ, em ghét con đỉa ấy.

– Em còn nhỏ, em chưa hiểu gì cả.

– Em hiểu mà, em hiểu.

Chị Mơ không cãi với em nữa, chị trầm ngâm nhìn mớ len hỗn độn trong chiếc giỏ tròn một lúc chị gọi em:

– An.

– Dạ.

– Me làm gì dưới bếp thế?

Em chợt nhớ ra lời me bảo vội vã nói với chị:

– Me rim bí, me bảo chị đưa me kim đan và len để me đan gấu áo.

– Thôi, chị đan gần xong, me bận tay đan gì được. Còn hai chiếc nữa thôi. Mai là chị rảnh rỗi rồi đấy.

– Thế để em bảo lại với me không me chờ.

Em quay lưng lại nhưng chị Mơ lại gọi em, chị hỏi bằng giọng yêu thương:

– Em này, áo len của em còn mặc vừa không?

Em nghĩ đến chiếc áo mầu rêu đậm đã ngắn hẳn lên và hơi chật. Bạn bè thường chề diễu chiếc áo cũ của em, gọi đùa là áo Hippy 1973. Em mặc kệ, không mặc thì lạnh chết. Thực ra em hơi buồn, em mong một chiếc áo len mới lắm. Nhưng gia đình túng quẫn, em không dám đòi hỏi gì thêm. Chị Mơ nhìn em chăm chú, môi phớt một nét cười:

– Ngắn rồi phải không?

Em ngần ngừ một chút rồi gật đầu thú nhận:

– Dạ.

Chị Mơ bắt đầu nối sợi len vào thân áo đan dở trong máy, chị nói không nhìn em:

– Mai giao hết áo cho người ta, chị đan cho An một chiếc.

Em đứng lặng người, câu nói của chị Mơ bất ngờ quá, câu nói em không dám nghĩ đến. Em lắp bắp:

– Rồi… len đâu chị đan? Me làm gì có tiền?

– Tiền chị để dành. Hôm trước chị đan một chiếc áo kiểu người ta trả công khá cao. Chị định may một chiếc áo dài, nhưng thôi, chị chẳng đi đến đâu, An cần áo đi học hơn.

Nước mắt em muốn rơi khỏi mi, cổ em nghẹn ngào, em lắc đầu:

– Em mặc áo cũ được, gần hết mùa đông rồi. Hai ngày nữa Tết, trời nắng ấm. Em lại sắp nghỉ hè, chị để tiền mà sắm sửa cho nhà đi.

Chị Mơ ngừng tay kéo máy, giọng chị dịu dàng:

– Mùa Xuân, trời vẫn còn lạnh lâu lắm. An cần có áo mới. Chị mua sẵn len rồi. Mầu bleue marine áo xanh của An mặc với mầu đó hợp lắm. Tết, chị lì xì áo mới cho An mà, An không thích sao?

– Thích, em thích…

Em nói được chừng đó thì những giọt nước mắt thi nhau chẩy tràn xuống má. Em bật khóc thút thít. Chị Mơ nhìn em, chị cười lúc mắt chị như cũng nhòa lệ:

– Gì mà khóc, cô này hay chưa?

Em nói, giọng nghẹn lại:

– Nhưng mặc áo mới em nghĩ đến ba me và chị, nhà thì nợ nần…

Chị Mơ hơi nhíu mày, chị nói bằng giọng cứng rắn:

– Thế nợ nần thì phải rách rưới và hạ thấp con người sao? Bà ấy lấy lãi của me chất chồng bằng vốn. Nhà mình không giật nợ ai bao giờ. Trả dần cũng hết. Nợ, phải đủ ăn mới trả được. Còn đói còn lo, sao trả bây giờ. Em chỉ nghĩ vớ vẩn.

Rồi nhìn thấy vẻ mặt buồn xo của em, chị thêm với vẻ an ủi:

– An đừng lo, mẹ nợ không bao nhiêu, tại bà ấy làm to chuyện. Qua năm, chị gắng tìm thêm việc thế nào chẳng trả xong. Trời lạnh, An phải có áo mặc đi học là chuyện dĩ nhiên, có phải là việc tiêu dùng hoang phí đâu mà sợ.

Em không biết phải trả lời thế nào cứ ngẩn ngơ đứng, chị Mơ dịu giọng nói nhẹ:

– An xuống với me đi, cho chị đan nốt chiếc áo. Lau nước mắt đừng để me thấy đấy.

Me đang xếp bí thành vòng tròn để rưới nước đường, nước đã sánh lại, vành trên của thau lấm tấm điểm trắng. Me hỏi trong khi tay vẫn không ngừng làm việc:

– Sao con lên lâu thế, len đâu?

– Chị Mơ nói để me rim mứt, chị đan gần xong rồi me ạ.

Me chép miệng, lắc đầu:

– Con bé chỉ giành hết việc về phần mình, cả ngày căm cụi đan. Con làm gì trên ấy lâu thế?

– Con nói chuyện với chị Mơ. Me để con rưới nước đường cho.

Me trao chiếc giá lớn cho em:

– Khéo kẻo gẫy hết của me.

Nước đường sôi nổ lộp bộp thật vui tai, em chăm chỉ múc từng giá rưới đều vòng quanh, mùi đường thơm ngọt làm em nuốt nước bọt thèm thuồng:

– Chắc ngon lắm, me ạ.

Me cười xa xôi:

– Nghèo, gì mà không quý, không ngon.

Em không để ý câu nói của me, chăm chú vào thau mứt, em bảo:

– Me, con đói bụng quá.

– Sắp có bánh tráng với nước đường rồi còn gì, mới ăn cơm xong, sao con háu đói thế?

Em chu môi cười:

– Lạnh mà me, ăn vào như chẳng ăn gì cả.

– Năm nay lạnh dai dẳng quá, me nhớ hồi còn ở ngoài Bắc.

Em ngừng tay thích thú nhìn me:

– Ngoài Bắc chắc vui lắm hở me, hồi đó chắc me nhỏ như con. Me kể chuyện Tết ngoài đó đi me. Chắc mồng một thì có mưa nho nhỏ đẹp lắm me nhỉ?

Me bật cười:

– Ai bảo cô thế? Ừ, hồi ấy me nhỏ lắm. Ngoài Bắc, ăn Tết ở làng có nhiều cổ tục chứ không như trong Nam. Năm nào nhà cũng nấu bánh chưng, dựng nêu. Thịt thì kho, nấu đông. Me thích nhất món chè kho của bà ngoại, để cả tuần ăn vẫn ngon.

– Chè nấu bằng đậu xanh phải không me?

– Ừ, nấu bằng đậu xanh, cũng gần như món chè đậu xanh đánh nhưng nấu kỹ hơn với đường thắng sánh lại. Chè gần đặc đổ ra đĩa, rắc mè rang chín lên kín mặt để cả tuần cắt ra vẫn mềm, ngon ghê lắm.

Em nuốt nước bọt, cái tật em háu ăn quá đi ; em nói như reo lên:

– Hay quá, mai me nấu chè kho me nhé, nấu để dành ăn Tết, lâu quá me chẳng làm bánh trái gì cả.

Nói xong em giật mình nghĩ ra việc me làm gì có tiền để nấu nướng hay làm bánh trái gì. Em cúi xuống mắt hơi cay cay, nói chữa:

– Mà thôi, nấu làm gì me nhỉ, ngày Tết thiếu gì thức ăn.

Em lại phạm một lỗi ngu ngốc nữa. Me nén một tiếng thở dài, cười gượng gạo, mắt me mờ lại:

– Làm gì mà nhiều, có mỗi thau mứt chưa xong, có phải như ngày xưa đâu con.

Em im lặng, sao em ăn nói thiếu suy nghĩ thế không biết. Giọng me cố tỏ ra vui vẻ:

– Tết này, me chỉ muối được mỗi vại dưa hành là to như năm ngoái. Tha hồ mà ăn cơm với dưa nhé.

– Ngày Tết, có ăn gì được me, lúc nào cũng thấy no ấm ách trong bụng cả.

Me lắc đầu nhè nhẹ, hình như me định nói gì đó rồi lại thôi. Mắt me đăm chiêu nghĩ ngợi. Em cảm thấy xa xót trong lòng. Năm ngoái, me còn gói được ít bánh chưng, mua được đôi gà. Năm nay thực đúng là chẳng có gì cả. Không biết còn ngày mai, ngày mốt nữa ba me có chạy được tí tiền để mua thêm các thức không. Ngày kia đã Tết rồi. Em cúi đầu se sẽ cắn môi. Tết nào me làm từng hũ hành tím thật đẹp, củ kiệu trắng muốt nằm chung với những con tôm lớn, đỏ tươi. Hũ dưa muối, đu đủ, củ cải trắng tỉa hoa khéo léo nằm xếp thành hàng. Tết nào me làm cả chạn mứt khoai, mứt bí, mứt sầu riêng, mứt cà chua. Tết nào me gói giò thủ, giò chay, thịt đông nấu đầy nồi. Tết nào hoa quả đầy bàn, me nấu cỗ cúng có xôi vò, có chè đường có miến nấu lòng gà thơm ngát, có bóng xào với xu hào, có mực xắt sợi với ca rốt, bao nhiêu là thứ chỉ nhìn cũng đã no. Năm nào me cũng sắm cho được mâm ngũ quả có đu đủ, có trái sung. Cuối năm me nhớ mua vôi, đầu năm mua muối để đúng cổ lệ làm ăn may mắn thế mà nhà cứ mỗi ngày một sa sút dần. Lạ thật, em tự nhủ sao me kiêng thế mà vẫn không giầu, hay tại me đầu năm quét nhà, nên quét luôn cả thần tài ra ngõ thành thử nhà nghèo mãi.

– An – Me kêu lên – con đưa me làm thôi, gẫy hết bí của me rồi còn gì. Nhà có mỗi món mứt này thôi đấy nhé.

Em giật mình, mãi mơ đến ngày xưa em làm lộn xộn hết cả thau bí rim của me. Đường đã cạn gần hết, me rưới đường vào bánh nướng cho em. Đường dính vào mặt bánh kéo dài, lóng lánh dưới ánh đèn, em thấy nước bọt ứ ra đầy mồm. Món ăn thật tầm thường cũng làm em sung sướng.

– Chừng nào me mới cho vanille vào hở me?

Me vừa trộn mứt nhè nhẹ vừa đáp:

– Chờ mứt gần khô đã con, bỏ trước, mứt không thơm.

Em ngồi gậm bánh tráng nhìn me làm, lửa để thật nhỏ, me kiên nhẫn chờ cho mứt đóng bột trắng. Mặt me trầm ngâm như đang suy nghĩ điều gì. Em bó gối bên cạnh me, bỗng nhiên me nói, giọng êm ả:

– Ngày mai, me cố làm sao nấu được món chè kho ăn Tết. Lâu lắm me không nấu, nhớ quá.

Em nhìn me, trong ánh mắt me long lanh những tia sáng, me đang mơ về ngày xưa của me, me nói mơ màng:

– Ừ, con làm me nhớ ngày me còn bé quá. Hồi me còn sống với ông bà ngoại Tết nào me cũng được dẫn đi lễ giao thừa nửa đêm, bà ngoại hay hái lộc về lấy may mắn đầu năm. Sáng mồng một pháo nổ đỏ sân, me mặc áo hồng đi ra đi vào chờ lấy tiền mừng tuổi. Nhà ông ngoại có vườn rộng me tha hồ chạy nhẩy. Tiền bạc đầy túi rơi cả xuống đất, me lấy phong bao đỏ đựng tiền bỏ hạt dưa, mứt vào đấy lê la ăn suốt ngày. Tết, bà ngoại kiêng đủ thứ, me làm nũng tha hồ chả sợ phải đòn.

Me hơi ngừng lại, vẻ mặt me đắm chìm trong mơ mộng, em xen vào một câu:

– Hồi đó me sung sướng lắm me nhỉ?

Me lơ đãng trả lời:

– Ừ, me nhớ nhất cây bưởi trong vườn nhà. Năm nào ông ngoại cũng treo lên đó một phong pháo thật dài để đốt. Pháo nổ, xác bay đầy quanh gốc, me tha thẩn nhặt những chiếc pháo chưa nổ đem châm lại.

Me cười xa xôi:

– Ông bà ngoại vẫn nói me nghịch như con trai, chắc tại nhà chỉ có me là gái nên me ảnh hưởng nặng các anh em trai trong nhà.

– Thú me nhỉ, Tết bây giờ làm gì có pháo, buồn chết. Mà nhà mình ở đây cũng chả có vườn. Có vườn cây thơ mộng me nhỉ, cây nhiều thì chắc chim hay đến, con ưa chim hót ghê đi, tưởng tượng những con chim sẻ nhẩy nhót kêu líu ríu trên cành con đã mê rồi. Thế cây bưởi của me có nhiều chim đến không me?

Me yên lặng như hồi tưởng lại một hình ảnh xa xôi nào, mặt me buồn buồn, me đáp nhỏ:

– Có, con ạ, những con chim sẻ làm tổ trong khắp vườn cây của ông ngoại. Buổi sáng nghe chúng hót ríu rít vui tai lắm. Tháng giêng, ăn Tết xong, lá cây xanh hẳn ra. Năm nào hoa bưởi nở sớm, cuối tháng giêng là có hoa rồi.; Chim sẻ hót trên cành bưởi, chuyền đuổi nhau dễ thương vô cùng. Me nhớ…

Giọng me nhỏ lại rồi me bỗng im lặng, em không dám hỏi nữa. Me đang trở về với thế giới bé nhỏ của me ngày xưa. Em mơ đến một ngôi nhà nhỏ, một mảnh vườn nhiều cây xanh. Em tưởng tượng me mặc áo hồng tung tăng chạy nhẩy. Tháng giêng, cây lá xanh với xác pháo hồng. Tháng giêng, những con chim nhỏ ríu rít hát ca. Tháng giêng, cỏ cây với lòng người cùng mở hội. Tháng giêng nào thanh bình, tháng giêng nào xa lắc. Tháng giêng nào vời vợi cả một giấc mơ.

Em nhìn lên khung trời tối qua cửa, lấm tấm một vài vì sao long lanh sáng trên nền trời. Những tháng giêng nào đã lần lượt đi qua trong đời. Chiến tranh hạ thấp con người. Súng thay pháo, hỏa châu mờ cả sao đêm, giao thừa vắng người lễ chùa hái lộc. Bỗng dưng em thấy mắt cay cay muốn khóc. Bao giờ mới có lại một tháng giêng như ngày nào. Tháng giêng đúng nghĩa: Tháng giêng là tháng ăn chơi. Những con chim sẻ nhỏ ở thành phố thiếu bóng cây xanh để nhẩy nhót đuổi chuyền. Sáng mồng một không có xác pháo đỏ vương đầy gốc cây, mặt đất thiếu cỏ mịn mùa Xuân. Tháng giêng, mà sáng đầu năm vẫn bình lặng như một ngày nào khác. Em cắn mạnh môi mình nghe mắt rướm lệ, mùa xuân nào đi qua cho tóc cha thêm bạc, cho mắt mẹ thêm sâu, cho nỗi lo âu mỗi ngày một thêm chồng chất.

Em chớp mạnh đôi mi để ngăn một giọt nước mắt rơi xuống. Này hỡi những con chim nhỏ mang mùa xuân trở lại với cuộc đời, đã mỏi cánh chưa cùng với tháng giêng, bao giờ lá mới xanh cho chim về hót trên cành bưởi ngày nào, đợi những đóa hoa trắng đầu mùa rụng đầy ngát thơm trên lối nhớ?


Thụy Đỗ    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 195, ra ngày 15-2-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>