Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Phần Thưởng Quý


Năm nay thì Thu ở vào tuổi “trăng tròn”. Năm tới : “trăng tròn lẻ” nghĩa là 16 đó. Mỗi năm mỗi tuổi, lớn lên một chút thì mẹ càng có vẻ nghiêm khắc với Thu hơn lên.

Thu có nhận xét buồn cười này, là : hễ tuổi tác tăng lên thì sự vui chơi của Thu bị giảm xuống đều đều, tuần tự.

Nom bề ngoài mẹ cũng chẳng có vẻ là một bà già xưa chi lắm, ấy thế mà mẹ lại cổ hơn lọ cổ, có kỳ không? Trong khi ba Thu nhìn Thu đi đứng, nói năng bằng đôi mắt bao dung, thích thú thì mẹ trái lại, trong âu yếm có nhiều nghiêm nghị chen vào. Mẹ thường lập lại một câu:

- Con gái lớn phải tập tành để sau này…

Chẳng biết “sau này” làm gì mẹ không bao giờ nói rõ, nhưng mà những công việc Thu phải tập tành thì thật rõ ràng và nhiều không kể xiết. Ba có vẻ sốt ruột thấy con gái phải làm việc nhiều, nên nói:

- Úi chào! Mẹ mày vẽ chuyện. Miễn con học giỏi là được rồi. Đời bây giờ văn minh, máy móc sản xuất hàng loạt, cần gì ra phố, tội gì mỗi mỗi phải cặm cụi làm hoài cho mệt chứ?

Có khi ba phàn nàn vì nỗi mẹ không cho Thu thong thả vui chơi, đã lâu rồi Thu không được đi với ba và các em ra phố ăn kem nữa. Trong lúc cả bọn lăng xăng mang giày thay áo thì mẹ từ chối lời mời của ba và… từ chối thay Thu luôn:

- Thôi, anh đi với tụi nhỏ, mẹ con tôi ở nhà… còn khối công việc ra…

- Ơ hay! (ba phản đối liền) Mợ từ chối thì tôi còn nghe được, sao mợ lại làm phát ngôn viên thay con Thu, mợ biết nó muốn đi hay ở nhà mà mợ…

- Con gái lớn rồi… để nó ở nhà tập tành công việc, rong rong ngoài phố làm gì?

Ấy thế là sau cùng tuy mẹ nhượng bộ ba, Thu không còn thích đi nữa. Thu không muốn bị mang tiếng là “con gái lớn rồi mà cứ ưa rong rong ngoài phố” mặc dù Thu quả có buồn. Bây giờ phải xử sự ra người lớn cho xứng đáng với lòng tin của mẹ.

Thế nhưng mà Thu không khỏi ưng ức trong lòng khi thấy thằng Hà – kém Thu có một tuổi – mà vẫn chưa chịu trách nhiệm gì trong nhà cả. Thậm chí áo nó đứt cái cúc, bung cái khuy, hay là vướng cái đinh lủng đi một lỗ nó cũng réo : “Chị Thu… chị Thu!” Cho đến cái máy may nó cũng không biết sử dụng cách nào kia, trời ạ! Ấy thế mà mồm thì luôn thao thao bất tuyệt về Vệ tinh, Hỏa tiễn, phi đạn, không gian, nghĩ có buồn cười không? Nó thuộc lầu mấy phi công đi trên phi thuyền tên gì, vòng quanh quĩ đạo mấy vòng, bao nhiêu giờ, máy móc trục trặc ra sao, họ ăn uống cách nào, ra ngoài không gian mấy phút… nó có vẻ kiêu hãnh về những điều nó biết và thỉnh thoảng còn dám trêu tức Thu rằng:

- Mấy người con gái chẳng biết gì hết, “quê” quá đi thôi!

A! Thằng này bắt chước nói tiếng lóng, phải dọa nó mới được. Thu nghĩ vậy nên nói liền:

- Hà, liệu hồn, tao mách mẹ bây giờ.

- Sức mấy mà mách mẹ? Cái gì cũng dọa người ta! Chị quê lắm, không “chì”.

Hừ! Nghe thật ngứa cả tai : “quê”, “sức mấy”, “chì” toàn là những tiếng… vậy mà khi mẹ nghe được, nó bị la thì ít còn Thu thì bị rầy nhiều, về cái tội “mày tao” với nó. Chết chửa! Từ bấy giờ Thu mới để ý đến cách xưng hô giữa hai chị em. Số là Thu với Hà cứ gọi tên nhau mà thôi. Bởi vì nó to xác hơn Thu cho nên không chịu làm em. Năm ngoái bị ba lên tiếng rầy một trận kịch liệt, nó mới chịu xuống nước gọi Thu bằng tiếng “chị”. Thoạt tiên, Thu mát ruột lắm, nhưng bây giờ thì quen rồi, nghe cũng chẳng thú vị chi. Trong lúc đó Thu cứ tiếp tục mày tao với em không ngượng miệng. Mẹ có hơi phật ý song ba thì nói:

- Mặc chúng, như thế mới thân tình. Trịnh trọng như người lớn, chúng sớm già đi, ích gì, mợ chớ bắt bẻ con cho lắm.

Mẹ ghét nói những tiếng lóng, nhưng mà mẹ lại tỏ vẻ khoan thứ những tiếng trên, vì mẹ nói nó không “quá” như vài tiếng khác. Vì lẽ đó, khi rầy Hà mẹ lôi chuyện Thu không “chị em” với Hà rầy luôn:

- Con gái lớn rồi (luôn luôn mẹ mở đầu bằng bốn tiếng đó) nói năng nên lựa lời, mày tao như vậy khó nghe mà em nó cũng lờn, không nể sợ con. Con phải làm sao để khi nào mẹ vắng nhà, con có thể thay mẹ điều khiển…

Điều khiển? Ui chao! Mới nghe Thu mới thích thú làm sao! Nhưng hai tiếng đó là viên thuốc đắng bọc đường, lớp áo ngòn ngọt đó lại mỏng quá, mà viên thuốc thì to, khó nuốt, cho nên khi bỏ vào miệng, chiêu ngụm nước chưa trôi qua cổ nó đã bài chất đắng ra…

Thu đã nếm hương vị “điều khiển” rồi, trời ạ! Nhắc lại còn thấy sợ:

Bữa đó mẹ có việc về quê mất năm hôm. Thu phải làm một trăm linh tám việc. Vậy mà còn có cả việc phải cuốn màn, xếp chăn cho Hà, việc canh chừng kẻo lũ nhóc con nhảy lên giường nệm của ba in từng dấu bàn chân lên nệm như in lên mặt cát, lựa chọn thực đơn, may thêm cho ba một cái túi áo ngủ (có mẹ ở nhà không đòi may liền, để mẹ đi rồi đòi may thêm vô sau khi mặc mấy lần rồi), cắt tóc cho em Bé nữa… Nhưng nói cho công bình, những việc đó Thu cũng làm được và không kêu ca chi, vì Thu quen việc rồi, Thu chỉ tức thằng Hà : Thu phải quay như một cái vụ vì công việc mình trước khi đi học và sau khi đi học về mà còn phải làm việc của nó nữa, trong lúc đó nó nằm ềnh ra giường đọc trinh thám! Bây giờ nó hết mê kiếm hiệp rồi, nó không có tranh tờ Tuổi Hoa với Thu nữa, nó không vồ như mèo vồ chuột nhắt mỗi khi thấy người đưa báo mang đến như năm ngoái nữa. Nó xoay qua đọc Z 12, X 07 chi đó. Nó nói bằng giọng kênh kiệu mỗi khi Thu đá động đến chuyện nó mê đọc đó:

- Trời ơi! Tổng thống Kennedy còn mê nữa là…

- Tổng thống Kennedy mê thì mặc ông ấy chứ, tao không bao giờ thèm mê một cuốn sách vì thấy, nghe một người có tên tuổi mê rồi bắt chước… người ta khác loài khỉ ở chỗ đó, biết không?

- À! Chị mắng em khỉ phải không? Chị cứ mày tao với em phải không? Được rồi, mẹ về sẽ biết!

- Như vậy là không “chì”! Mày có giỏi thì…

Thu còn định lựa vài câu “đau đau” tặng nó, nhưng nó đã quay vào phía trong, mê mải đọc. Thu biết rằng có nói gì nó cũng không nghe nữa, nên thôi.

Một lần, Thu vá xong cái áo cho nó, kêu hời kêu hỡi chẳng nghe nó lên tiếng, đến chừng Thu sấp ngửa chạy xuống thì bắt gặp nó đang “nghiền” cuốn Tuổi Hoa. Thu nhớ có lần nó thấy Thu đọc, bĩu môi chê:

- Ối! Lớn rồi mà mê thứ sách dành cho con nít hoài.

Nên Thu trả đũa ngay vào dịp này:

- Hà! Tao thấy mày nói Tuổi Hoa là của con nít mà, sao còn đọc?

- Thì con nít chớ sao, mà vì không có gì, đọc đỡ cũng được chớ chị cấm nữa sao?

Nó lập lại hai tiếng “con nít” một cách tự nhiên như nó đã là người lớn vậy.

Thu càng thêm ghét, Thu nói, dằn từng tiếng:

- Này, không có chuyện đọc đỡ, nghe chưa! Từ nay mày phải lo vá áo, kết nút, sửa khuy lại mà mặc, đứng hòng ngồi đó mà sai tao, tao không làm cho đâu.

- Hơ, chị nói gì lạ vậy? Chị em mà nhờ chút cũng không được sao?

- Chị em thì chị em, mà mày lớn rồi, phải lo thân, tao còn lo cho tụi nhỏ nữa, tao không ngu dại gì mà làm công chuyện cho mày để mày Z 13 với X 24, hiểu chưa?

Hà nhăn nhó:

- Sao chị không tử tế với em một chút? Chị cứ mày tao như vậy, không sợ mẹ la sao? Mẹ nói con gái phải dịu dàng, mà chị không khi nào dịu dàng với em hết.

Quả thật Thu cũng tự ngượng với mình về thái độ đó, cô sửa chưa được, nhưng nghe Hà chỉ trích Thu lại bất bình:

- À! Mày dạy tao phỏng? Mày lớn hơn tao phỏng? Lên mặt… cái gì cũng “chị Thu, chị Thu” mà…

Hà đổ quạu lên:

- Còn chị, chị không khi nào nhờ em, sai em hết hay sao mà kể?

- Tao không bao giờ thèm nhờ mày…

- Chắc không? Vậy chớ bữa chị làm bánh thiếu đường ai đi mua giùm chị đó?

- Rồi mày có ăn bánh không?

- Chớ chị làm để chi?

- Vậy thì đừng kể công đi mua đường.

- Không phải em kể, nhưng vì chị cứ nhớ những gì chị làm cho em mà không nhớ cái gì em làm giúp chị…

- Giúp cóc khô!

- Sao không giúp, vì chuyện thiếu đường là chuyện của chị mà. Mẹ nói mỗi lần sắp làm gì, chị phải chuẩn bị đủ thứ nhưng chị thì luôn luôn quên trước, quên sau, phải kêu em. Đồng hồ chị hư ai đi sửa? Em! Mấy hôm chị đau ai đi xin phép? Em! Chị viết thư mà quên mua tem? Lại em đi mua giúp. Đi bỏ thư? Lại cũng em!

Thu chống chế:

- Như vậy càng có dịp xách xe chạy rông ngoài phố, không sướng sao?

- Trời ơi! Rông gì đâu? Nếu chị nói vậy, từ nay em sẽ không xách xe rông giùm chị, để chị rông cho sướng, nghe không? Em sẽ…

Thu hơi chột dạ, mắng át em:

- Hỗn lần đi!

- Ỷ lớn…

*

Khi mẹ về, chuyện đến tai mẹ, mẹ liền gọi cả hai lại, lần này mẹ nhẹ nhàng khuyên hai chị em nên hòa thuận nhau, thương nhau hơn và mẹ viện đến “năm mới” mà rằng:

- Thu sắp lên 16 rồi đó. Ngày xưa vào tuổi con, người ta đã có gia đình rồi. Các con bây giờ ngần ấy tuổi mà hơn thua nhau từng chút, không sợ người ta cười cho.

Lập tức, Thu mang chuyện đọc trinh thám ra kể ráo và thêm:

- Sao mẹ cứ bắt con trách nhiệm đủ chuyện mà không bảo nó trách nhiệm chuyện gì hết? Ngay chuyện nó, nó cũng buông xuôi… Mẹ coi, áo nó thay nó không bỏ ngâm ngoài thau nữa chớ đừng nói đến chuyện giặt. Nó cứ bắt con xếp dọn trong ngăn tủ của nó hoài. Đó mẹ coi nó lớn đại rồi chớ nhỏ nhít gì, con hơn nó một tuổi mà con…

- Ừ nhỉ?

- Mẹ cấm con đọc đủ thứ, còn nó thì cái gì cũng đọc…

- Trời ơi! Người ta đọc trinh thám mà cũng kể, trinh thám làm người ta mở trí ra, chớ có hại chi đâu? Chính ba còn… mê trinh thám nữa là…

- Hà, đừng ngắt lời chị con, để mẹ nghe coi… con xưng hô người ta với ai vậy?

Thu được thể, tiếp liền:

- Cái khăn lau mặt mà cũng để cho “chị Thu giặt”, lấy chút thuốc đánh răng cũng làm vương vãi ra cùng sàn, thuốc đánh răng thì đắt, mẹ cứ la con để cho tụi nhỏ phá, thật ra đâu có đứa nào phá, thằng Hà đó mẹ ơi!

Hà “xùy” một tiếng:

- Tụi nó làm đổ chị không thấy làm sao biết? Chỉ có tài bắt ne bắt nét em…

- Sao không? Tụi nó có lấy thuốc đâu, chỉ mình chị lấy cho tụi nó thôi… làm sao chị…

Thu bỗng dừng bặt : nhận ra mình đã bỏ thói quen “mày tao”, nên đâm lúng túng. Còn Hà, toan mách mẹ về tội chị Thu mày tao với mình nhưng đành im, vì trước mặt mẹ chị vừa “chị em”, như vậy tỏ ra chị phục thiện rồi, nhắc đến làm chi!

- Con nói đúng, em con lớn rồi, phải tập làm việc cho quen. Mẹ vừa nghe dì Minh kể chuyện rằng những nam học sinh nước ngoài giỏi lắm, cái gì cũng biết. Mùa hè, chúng tự làm việc kiếm tiền để đi nghỉ hè, chúng tự lập rất sớm, không phải mỗi chút mỗi mẹ cha, anh chị.

Hà xịu mặt xuống trong khi Thu được thể giọng cao lên:

- Chắc là không có cậu nào dậy để mùng màn bừa bãi chờ chị nó, phải không, thưa mẹ?

- Nhất định như vậy rồi, (với Hà) từ nay mẹ muốn con nên tự lo lấy những việc lặt vặt của mình, đừng ỷ vào chị Thu, chị còn bận nhiều việc khác, con nghe chưa?

Hà cúi đầu xuống, giọng hơi phụng phịu một chút (một chút thôi, nhưng cũng đủ cho mẹ và Thu nhận thấy) trong một tiếng “dạ” có nghĩa trái lại. Đợi Hà đi khuất, mẹ mới xoay qua phía Thu, cười khúc khích:

- Lúc nãy con nói có cái sai nhưng mà trước mặt em con mẹ không nói…

Đến lượt Thu muốn phụng phịu, mẹ lại cười:

- Bởi vì bên xứ họ không có muỗi, nên mấy người chị không phải xếp dọn mùng…

Thu bật cười theo mẹ, vui vẻ.

Thấm thoát mà Noel qua, tết đến. Người ta nói “tết đến bên lưng, con trẻ thì mừng, cha mẹ thì lo” nhưng theo lời mẹ, Thu không còn là con trẻ nữa, nên Thu không có quyền vô tư như tụi nó. Thu bắt đầu phải “lo” phụ với mẹ : lo làm bánh mứt, lo may áo quần, lo làm dưa món, dự bị những thức ăn trong ngày tết. Tháo các màn cửa giặt giũ, cái nào cũ thì lo may cái mới thay vào. Đi học về là bù đầu bù cổ. Ấy thế mà luôn luôn Hà vẫn cứ nhởn nhơ y như còn nhỏ lắm. Nào nó nhỏ nhít gì? Nó chỉ thua Thu có một tuổi thôi mà! Cái thằng hư quá là hư : lỡ Thu bận tay mẹ sai nó dội cho miếng nước rửa tay thì nó làm ướt luôn cả áo mẹ, múc một ca nước trong hồ ra còn có nửa ca. Quạt lò than thì tro tung ngập đầu, vô đầy soong nước đường. Vặn lò ga cho nhỏ ngọn thì làm tắt ngúm luôn. Bưng bát canh từ bếp lên nhà đổ sóng sánh tràn ra đất. Xới cơm vãi trắng cả bàn. Hà chỉ có tài nếm là nhất. Nhân bánh, miếng mứt, thịt bông, tôm chấy cái gì nó cũng sẵn sàng…

Thu đôi khi khó chịu vì nó, nhưng nhiều bận lại kết luận : tụi con trai thế, không nên để ý làm chi. Vả lại, theo mẹ thì con trai đàn ông vốn… thế. Bởi thế nên mới có đàn bà để giúp đỡ, lo lắng cho họ.

“Đàn bà là nàng tiên” Mẹ nói. Thu nhiều lần nghĩ : “thôi, con chẳng thiết làm tiên”.

Có khi cáu vì nóng bực, Thu nói thành lời, nhưng mẹ vẫn kiên nhẫn dịu dàng phủ dụ Thu, nào là phụ nữ vốn tìm thấy hạnh phúc, sung sướng trong sự săn sóc gia đình, nào là mẹ thương con nên tập cho con quen gánh vác để sau này… nào phụ nữ tìm thấy vui vẻ trong bổn phận, trong sự hy sinh…

Giọng mẹ êm ái như lời ru, du Thu vào ý nghĩ đó hồi nào không biết, tuy trong thâm tâm Thu muốn chống lại nhiều lần. Ba há không nói đó hay  sao? Miễn học giỏi, cần gì thì ra hiệu…

Cho đến chiều nay. Chiều ba mươi tết. Mọi việc đâu đó đã xong xuôi. Ba một hai rủ mẹ đi phố một vòng. Lũ trẻ nhao nhao lên hưởng ứng. Mẹ nhìn Thu, do dự một lát, giọng mẹ âu yếm:

- Thôi, anh chở các con đi chơi, để tôi ở nhà. Cho Thu đi với.

- Không! Mẹ đi với ba, với tụi nó, con trông nhà một hôm, mẹ cứ làm việc hoài. Mai mốt con đi chơi bù, lo gì.

Ban đầu, mẹ không bằng lòng, nhưng sau Thu nằn nì quá nên mẹ đành nghe theo.

Xe ra khỏi ngõ, tiếng động cơ êm ái vang lại tai Thu, rồi xa dần. Thu quay vào nhà, đóng cửa, lặng lẽ ngồi vào xa lông ngắm nghía quanh nhà.

Cảm tưởng đầu tiên đến với Thu là sự im vắng đến nỗi Thu nghe gờn gợn sợ.

Chưa bao giờ nhà vắng thế, lúc nào cũng có tiếng cười, tiếng khóc, tiếng cãi nhau của các em hay tiếng trò chuyện của mẹ cha, hoặc tiếng Thu và Hà cãi nhau.

Chưa bao giờ Thu yên tĩnh một mình để mà ngẫm nghĩ, suy xét.

Chiều nay, căn nhà vắng bỗng làm Thu thấy rưng rưng trong lòng một tình cảm sâu xa, thắm thiết : Thu được bao bọc trong những thứ đó, mà Thu không bao giờ nhận thấy, nhìn ra?

Mọi cái đều xếp đặt ngăn nắp gọn gàng ngày thường, nay càng được mẹ trang hoàng chu đáo hơn cùng với sự hợp sức của Thu. Buổi chiều cuối năm, Thu như ngợp trong niềm vui phơi phới vừa chớm nở, căn nhà như sáng lên, rộng ra nhờ sự khéo léo của mẹ, và của mình nữa chứ! Thu nghĩ tiếp.

Những nụ mai còn ngậm kín như đợi xuân sang mới mở miệng ra, chiếc lọ cao mầu gụ, bóng như gương soi, ẩn hiện một đôi chim phượng đang vỗ cánh, trên vành lọ một lằn vàng ánh viền quanh, miệng lọ nở ra như một chiếc loa kèn ; làm Thu liên tưởng đến đôi bàn tay xinh đẹp của mẹ nâng cánh mai ban sáng.

Ba đóa hồng thơm ngát trong một chiếc lọ nhỏ hơn, đứng lùi quá vào một góc làm góc đó quang đãng hẳn lên, mấy ngọn liễu xung quanh càng làm cho những đóa hồng tăng phần thanh tú. Chiếc hộp đựng hạt dưa mẹ mua bên Nhật, ngoài sơn hình một cô bé mặc kimônô xanh mầu da trời, mặt tròn vành vạnh như mặt trăng, tóc đen nhánh, mắt như hai hạt dưa cũng đen nhánh, lông mày như hai vành trăng lưỡi liềm sát gần chân tóc, mũi như một dấu á (ă), miệng như một… à quên, như hai điểm son, trông mới ngộ nghĩnh làm sao chứ.

Cốc, tách, và mấy chai rượu mầu ngay ngắn, bóng lộn trong cái buýt phê đối diện với xa lông. Trên tường, hai cuốn lịch mới như tranh nhau nói với Thu rằng “tôi đẹp hơn anh bạn” làm Thu không biết khen cuốn nào.

Diêm, thuốc trong một cái hộp bằng sơn mài như sẵn sàng mời khách. Cạnh đó, cái đựng tàn thuốc cũng như vươn cái cổ cao lên, chờ đợi. Mấy hộp mứt có nhũ kim lóng lánh bên trên nắp đậy kín mít như chưa muốn ai thấy tài của mẹ con Thu trước ngày mồng một.

Gớm! Cái gì cũng như đậm đà lên, thêm hương vị trong buổi chiều cuối năm này! Cái gì cũng làm Thu lao đao, ngây ngất như vừa uống một cốc bia lạnh vào ngày sinh nhật năm rồi! Thu thấy mình như được nhấc bổng lên bởi một bàn tay kỳ diệu. Cái gì thế nhỉ? Kỳ lạ làm sao…

Thật ra, đó là sự khoan khoái hài lòng của cô gái sắp lên 16, khi cô nhìn ngắm những công trình mình vừa thực hiện. Những người thân của cô sẽ thưởng thức miếng mứt cô làm, đóa hoa cô cắm, chiếc cốc cô lau, tấm lịch cô treo… Cô sung sướng vì vừa nhận thấy điều quan trọng này : mình là người quan trọng, đóng một vai quan trọng chỉ kem kém mẹ! Nào cô muốn gì hơn? A! Hạnh phúc : cô chợt thấy thương em trai hết sức. Hà có bao giờ được hưởng một buổi chiều đáng giá như cô đâu? Nó có làm ra được cái gì đâu? Nó tiêu đi thì có. Cô là tác giả, là người sáng tạo, Hà chỉ là độc giả, chờ người ta dọn cỗ cho ăn!

Thốt nhiên, Thu thấy mình có quyền hãnh diện, và có hơi kiêu ngạo một chút, chút xíu xiu thôi (kiêu ngạo nhiều mới phải tội, ít không sao, Thu tự nhủ thế) về những điều mình cảm thấy chiều nay. Hình như Thu có vẻ vững mạnh hơn một chút khi nghĩ đến ngày mai : ngày năm mới. Hình như Thu vừa nhận một phần thưởng quý nặng chĩu tay?!

Từ nay, Thu tự hứa, mình sẽ sẵn sàng tha thứ và làm những việc riêng cho thằng Hà không thèm kể lể, nhăn nhó nữa. Nó là con trai, chấp nó làm chi.

Lòng lâng lâng, thoải mái, Thu lại bên cửa sổ nhìn trời. Trời trong vắt không một gợn mây và Thu thấy mình như cũng cao và trong không kém.


Minh Quân      


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Đinh Mùi, 1967)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>