Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2016

Đòn Cuối Năm

Nói cho đúng chuyện đó xảy ra ngoài ý muốn của ba, khi người lớn nổi giận lên, làm sao tự kiềm chế được? Huống chi người lớn đó lại là ba: một người mà quyền hạn lớn hơn hết trong nhà? Nào có ai lớn hơn ba để ngăn ba lại? Để kiềm giữ cho cơn giận ba khỏi nổ bùng ra? Vì thế, câu chuyện đó đã xảy ra dễ dàng y như khi ba cho tay vào túi áo lấy bao thuốc, châm lửa đốt một điếu lên, phà khói ra đằng mũi vậy!

Công bình mà nói thì ba rất chuộng sự công bình, ba luôn luôn nhắc đến hai tiếng công bình. Ba chúa ghét chuyện người lớn đánh trẻ con. Có một hôm, ba dắt Thu đi chơi, tình cờ gặp một bà nọ đánh con giữa phố, ba hết sức bất bình. Ba biểu lộ bất bình đó bằng cách nắm chặt tay Thu, chặt hơn thường lệ, nét mặt cau có, và ba bước thật mau, như thể là ba không thể chịu nổi cảnh tượng trước mắt.

Thu cảm thấy mình thật là có diễm phúc vì được Chúa ban cho một ông cha hiền tốt như ba và Thu ái ngại, thương xót cho đứa bé bị đòn không biết bao nhiêu. Thu cố nén mà tự dưng nước mắt mọng lên mi, Thu phải chớp mau một cái rồi hai cái cho những giọt nước ấy rụng xuống để theo kịp ba phía trước.

Ba làm dạy học. Đó là Thu giản lược nghề nghiệp của ba như vậy cho dễ nhớ, chứ thật ra – theo lời anh Xuân, anh ruột của Thu, nghe lóm được và kể cho Thu biết, thì nghề nghiệp ba có cái tên dài ngoằng, mà Thu chỉ mang máng nhớ đâu như là “Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý trẻ em trực thuộc Bộ Giáo Dục”. Ba có vẻ hăng say với công việc đó lắm, chả thế mà ba vẫn nói với mẹ bằng giọng hãnh diện:

– Rồi mợ xem! Tôi sẽ thành công! Cái gì lại phải đánh đập trẻ con khi dạy nó? Như vậy là dã man, là chạm tới nhân

Vốn thích nhân bánh nên vừa thoạt nghe tiếng nhân là Thu không còn chú ý nổi đến câu ba nói dở, dù rằng Thu rất muốn nghe rõ, bởi chuyện có vẻ liên quan đến Thu: Chuyện không đánh trẻ con! Nhưng khốn: tiếng nhân lại làm Thu liên tưởng đến những cái bánh ít nhân dừa, nhân đậu thơm lừng, ngọt lịm, ngon lành! Ấy thế là trong một nhoáng, cô bé không còn muốn biết đánh trẻ con là chạm tới nhân gì nữa… Thu thèm rỏ dãi ra!
Dù sao, mỗi lần nhớ đến lời ba, Thu lại thấy yên ổn trong lòng, thấy mình quá diễm phúc và muốn quỳ xuống tức thì – dù đang đứng đâu hay ngồi đâu, dù đang giữa ngày hay ban tối, dù đang bận chơi hay rảnh rang – để cảm tạ Chúa cao cả, rộng lượng đã ban cho Thu một người cha hết sức yêu con.


Mấy hôm nay, cứ sau bữa cơm là ba bảo mẹ mang vào phòng ba cốc nước trà và cái gạt tàn thuốc rồi ba rút êm vào làm việc. Thu rất ngạc nhiên: có bao giờ ba làm việc ở nhà đâu? Theo lời ba thì thì giờ ở nhà là dành cho anh em Thu hay là để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, luật lệ của người lớn đặt ra rất có thể co giãn, thay đổi, không có gì là lạ hết. Thu biết thế. Nhưng rồi có một bận, buồn buồn, Thu mon men lại gần ba, tò mò hỏi:

– Sao ba không chơi với con, hở ba? Sao ba lại làm việc buổi trưa, hở ba?

– Đi ra chỗ khác chơi! Để yên ba làm việc, coi nào!

Giọng ba sắc lạnh, mất hết vẻ âu yếm thường ngày. Thu lủi nhanh ra khỏi đó, nghe tủi thân thấm thía.

Tìm đến mẹ thì mẹ đang lau lá gói bánh chưng. Đến anh Xuân mà cũng tỏ ra bận việc, cả nhà chẳng một ai rảnh rỗi. Thu được biết là gần Tết rồi. A Tết! Thảo nào mà có nhiều xáo trộn trong nhà quá! Anh Xuân đang làm việc bằng tay còn miệng thì không – nên anh tha hồ kháo chuyện với Thu về Tết: theo lời anh thì ngày Tết quan trọng lắm và vui lắm, vui hơn cả Lễ Noël!

Thu cãi liền:

– Vui hơn sao được? Ngày Tết có Ông già Noël không mà anh nói vui hơn?

– Nhưng mà ngày Tết là sắp qua năm mới, tụi mình được tiền mừng tuổi, được ăn bánh suốt ngày khỏi phải bắt buộc ăn cơm, được đi chơi… được… còn Noël thì chỉ có quà sơ sơ… bên Tây Noël lớn hơn vì họ ăn Tết luôn chớ bên mình…

À, anh này coi vậy mà nói chuyện nghe cũng hay. Thu nghĩ thầm trong bụng trong lúc anh Xuân nói thao thao:

– Ngày Tết được mặc áo mới nữa à, tao nghe ba nói Tết trong Sở ba tổ chức một bữa tiệc lớn lắm, không thấy ba lo làm thuyết trình gì đó sao?

– Thuyết trình là cái gì? Ba làm việc dạy học mà…

– Mày ngu quá, thôi tao không thể nói chuyện được, mày không hiểu gì hết, cái gì cũng hỏi, hỏi hoài trả lời phát mệt.

– Tại em còn nhỏ chưa đi học, chớ chừng em đi học em cũng biết hết, anh đừng làm bộ.

– Tao đâu có làm bộ, mà thôi, nữa mày lớn mày muốn làm gì hả Thu?

– Em làm “dạy học”…

– Tao thì tao “nghiên cứu” như ba…

– “Nghiên cứu” là cái gì anh Xuân?

– Là nghiêng xuống mà cứu vớt…

– Ai nói với anh vậy?

Thu hỏi, có vẻ nghi ngờ. Xuân trả lời liền:

– U già nói vậy. Ba làm cái “nghiên cứu” đó, công việc của ba to lắm, lớn lắm, việc tông đồ đó, tao nói cho mày biết.

– Tông đồ là cái gì, anh Xuân?

– Tông đồ là tông đồ, trời ơi! Sao mày ngu quá Thu ơi!

– Cái gì anh cũng mắng em ngu hết, mà sao anh cứ “mày, tao” với em vậy? Mẹ la đó à! Mà ai rớt xuống nước đâu, mà ba nghiêng mình xuống vớt, anh Xuân?

– Thôi dẹp mày lại, tao không nói chuyện với mày được.

Anh Xuân chẳng thể cắt nghĩa cho em nên làm bộ giận, còn Thu cũng tức vì lối xưng hô của anh nên bỏ mặc anh, thơ thẩn đi chỗ khác.

Sau 3 ngày “làm việc” liên tiếp như thế rồi – Thu nhớ rất rõ ràng – ba từ trong phòng cao giọng gọi mẹ. Mẹ đang làm bếp, đầu tóc bụi bám trắng xóa và tay đầy những lọ song ba nhất định gọi mẹ lên cho kỳ được. Mẹ phải nghe theo, chỉ rửa tay và lau qua loa vào cái tạp dề mang trước ngực rồi lên nhà. Ba cầm xấp giấy dầy cộm trong tay lại ngồi ở xa-lông nét mặt hớn hở, đằng hắng lấy giọng rồi đọc cho mẹ nghe, trong lúc Thu vuốt ve con mèo tam thể dưới gầm bàn. Thu vội vàng ngừng chơi với con vật, lại bên ba lắng tai nghe theo.

Chao! Ba đọc chi mà dài ngoằng, dài ngoẵng nghe phát ngán, Thu chẳng hiểu chi cả, nhiều tiếng đôi thật lạ tai được ba đọc đi đọc lại nhiều lần, như : “hướng dẫn” “phát huy” “di truyền” “bản chất” rồi thì “tâm lý” “giáo dục”, hai tiếng sau này Thu quen với chúng lắm. Đâu như ba có đọc đến chữ “nghiên cứu” nữa! Lại nghiên cứu! Chẳng biết có đúng như anh Xuân nói, à không, như u già nói với anh Xuân “nghiên cứu” là nghiêng xuống mà cứu vớt không, Thu nghi lắm…

Mẹ có vẻ rất thán phục ba, trông cách mẹ nhìn chăm chăm ba thì đủ biết. Ba như được tán thưởng nên càng lên giọng thao thao bất tuyệt, như vòi nước chảy không ai khóa. Sau cùng ba xếp giấy lại, thở phào một cái:

– Gớm! Soạn cho xong bài thuyết trình mệt bở hơi tai. Thôi, giờ chỉ còn đánh máy lại là xong.


Sáng nay, theo lời mọi người, là ngày cuối cùng trong năm, gọi là 30 Tết. Mẹ càng làm việc túi bụi : lau quét, dọn dẹp, ủi áo quần lớn cho ba, lại còn chạy lên chạy xuống nhà bếp canh chừng thức ăn. U già đã xin về quê từ hôm qua. Anh Xuân đi dự buổi trình diễn văn nghệ văn gừng gì đó. Ba vẫn còn đi làm bữa chót.

Thu thơ thẩn mãi đâm sốt ruột, cái gì trong nhà cũng khác, cũng đổi mới từ lọ hoa đến bức tranh, cuốn lịch. Mấy chân bàn và ghế xa-lông đã được anh Xuân phụ với u già chùi bóng nhoáng sáng ngời.

Thu vào phòng ba. À! Tại đây vẫn như thường lệ, chưa có gì mới cả. Thu bỗng chú ý đến những tờ giấy vương vãi khắp sàn gạch bông (nguyên là bọn anh em nhà Gió vốn tò mò, nên thỉnh thoảng lại lục tung giấy tờ của ba ra xem chơi. Gió cũng cần giải trí mà Thu không biết. Chúng lại còn thói xấu là không ngăn nắp, thứ tự bao giờ, chúng chỉ ưa xáo trộn mà thôi. Ba vốn cẩn thận và biết rõ như thế nên luôn luôn những giấy tờ trên bàn giấy của ba, ba cho vào cặp, vào ngăn kéo hoặc còn cần xem lại thì ba chận một “Ông voi đá” lên trên. Nhưng lần này quá hài lòng và đắc chí vì bài thuyết trình đọc trong dịp tất niên nên ba trở thành sơ suất: ba quên chặn voi lên, ấy thế là anh em nhà gió tha hồ nghịch phá, chẳng nể kiêng chi, nhất là không có mặt ba ở nhà).

Thoạt tiên Thu cũng đầy thiện chí: Thu nhặt lên định bụng “lập công” với ba, thế nào ba cũng xoa đầu khen “con tôi ngoan thật”. Nhưng nhặt xong trông thấy tờ nào cũng nguệch ngoạc, cũng ngoằng ngoèo, cũng chi chít những chữ, những gạch ngang, gạch xéo thì Thu nghĩ rằng chắc những tờ này ba bỏ. Bởi thường thường Thu thấy những tờ giấy ba đọc, cất, toàn ngay hàng thẳng lối trông được mắt lắm kia, có đâu y như những tờ giấy lộn ba vò nát cho vào cái giỏ đồng đựng rác bên chân bàn giấy như vậy chớ! Chắc những tờ giấy này ba bỏ. Thu lại tự nghĩ thầm và trả lời ngay tức khắc. “Nhất định rồi! Ba bỏ, nhưng ba chưa kịp vò nát cho vào giỏ rác đây mà. May quá: mình có thể lấy chơi, anh Xuân anh ấy có bao giờ cho mình một tờ giấy như thế này đâu? Anh bôi xóa cả hai mặt trông gớm chết, còn những tờ ba vò nát thì vuốt mỏi cả tay cũng không thẳng được. May quá, dịp tốt đây mà!

Nghĩ sao làm vậy, Thu dùng những tờ giấy đó vào rất nhiều mục đích: trước hết Thu định xếp thuyền và tàu thủy nhưng Thu loay hoay mãi không được. Thu liền đổi ý, vả lại tàu thủy hay thuyền mà trời không mưa thì thả ở đâu? Ngoài hiên không có nước, còn đem xuống thả vào hồ nước thì mẹ rầy chết. Thôi thì làm cái tàu bay vậy.

Tàu bay trông thì dễ mà chẳng dễ dàng chi, Thu không thể hoàn thành một chiếc tàu bay như anh Xuân được. Vừa làm, Thu vừa nhớ đến anh Xuân trong sự thán phục: anh ấy làm những cái tàu bay nho nhỏ mà có những cái đuôi dài dài, rồi anh cũng mang lên lầu đứng, khác cái là anh rướn người lên phóng tới một cái làm chiếc tàu bay lao tới một chút rồi liệng qua liệng lại… trông hay ra phết. Vì Thu không làm nên hình cái tàu bay thành ra Thu chỉ đứng một chỗ cúi xuống thả cho rơi từ từ từng tấm giấy một, thế mà cũng vui đáo để: chúng thi nhau bay tản mát xuống, có tờ đáp trên sân gạch, có tờ chao lượn rồi đậu trên cành cây y như một con bướm khổng lồ, có tờ bay tuốt qua hàng rào nhà bên cạnh, rung rinh, rung rinh như cái hoa rơi trước gió… Thu mê mải với trò chơi do mình phát kiến quên cả thì giờ. Bỗng Thu giật mình vì có tiếng kêu lên:

– Thu, ba bảo đây!

Giọng ba có vẻ khác thường lắm.

Thu vội vàng chạy vào, ba nghiêm trang cật vấn:

– Thu, con có…

Nhưng không cần nói tiếp ba hiểu cả rồi: trên tay Thu còn mấy tờ giấy vụn. Ba hét lên:

– Thu, hết chuyện chơi rồi phỏng?

Thu sững sờ, sợ rúm cả người lại, trong khi giọng ba to hơn, giận dữ hơn, mắt ba long lên sòng sọc:

– Hết chuyện rồi! Tao phải trị mày mới được! Thu! Ai cho phép mày? Ai cho phép?

Y như con nhái bén bị rắn thôi miên, Thu đứng chết lặng không nói gì cả, mà Thu có muốn cũng không trả lời được câu hỏi của ba. Nào Thu có làm gì… bậy bạ đâu? Thu cuống lên trước thái độ hung hãn của ba, cúi đầu, nín lặng.

Ba Thu xăm xăm lại góc phòng giật mạnh cây chổi lông gà, hét nữa:

– Thu! Lại đây!

Và ba không cần đợi Thu mà ba sấn tới, đét mạnh vào mông Thu, một cái, hai cái tiếp, ban đầu Thu còn chưa kịp nhận ra việc trừng phạt của ba, song rồi Thu hiểu là ba đánh mình, òa ra khóc, vừa đau vừa sợ…

Ba nghiến răng kêu lên mỗi lần ba đét vào mông con:

– Này nghịch phá, này nghịch…

Làm Thu càng kinh hoảng, mình đã làm tội gì? Xưa nay có bao giờ ba đánh Thu đâu? Chừng ba sắp quất cái thứ ba song không hiểu sao ba giơ lên nửa chừng rồi chùn tay lại, ba buông chổi, vào phòng, ngồi xuống ghế ôm đầu… Thu càng hãi. Tội to lắm đây! Lúc nãy thì Thu thót cả ruột gan vì sợ đau, bây giờ thì hết sợ đau nhưng mà hối hận vì đã làm ba phiền bực, giá Thu biết được Thu đã làm gì?

– Mất mấy ngày trời…

Ba lẩm bẩm một mình. Mẹ cũng vừa lên, giọng mẹ từ tốn:

– Cái gì vậy anh (quay lại Thu), ba mà đến đánh con thì chắc là chuyện không vừa rồi, con làm ba giận, ba buồn… con đã xin lỗi ba chưa? Con nghịch cái gì vậy, hở?

Thu ngơ ngác, tức tưởi vì lời mẹ, nói:

 – Con không biết, mẹ tha lỗi cho con (và Thu đến trước ba khoanh hai tay lại) con xin lỗi ba! (dù Thu không biết mình phạm lỗi gì?)

Nhưng lạ chưa, ba không tỏ vẻ vui lòng tha lỗi cho con gái chút nào, vẫn ôm đầu nín lặng làm Thu càng khổ sở.

Mẹ đã biết Thu phạm lỗi gì rồi, mẹ biến sắc:

– Chết rồi, sao con dám lấy bài thuyết trình cắt vụn chơi, con không thấy…

Thu run lên. Trời ơi! Hóa ra những tờ giấy bôi xóa bẩn thỉu rơi dưới đất đó không phải là ba bỏ mà là bài thuyết trình? Cái xấp giấy mà ba đọc cho mẹ nghe đó? Có những tiếng đôi là lạ dài ngoằng đó? Chết rồi! Thảo nào ba giận, làm sao ba nhớ nổi những gì ba chép ra?

Bậy quá! Tội to như vậy… Thu vội vàng lại bên ba, lần này giọng Thu rõ ràng hơn:

– Xin lỗi ba, từ nay con không nhặt giấy tờ ba rớt dưới đất cắt chơi nữa, con nhặt để trên bàn cho ba, con…

Ba bỗng nhảy nhổm lên làm Thu hốt hoảng tưởng ba lại nổi giận, nép vào mẹ, nhưng lạ chưa ba không giận dữ chút nào nữa, ba hỏi dồn dập:

– Hả? Thu, con nói sao? Con không lấy những tờ giấy này trên bàn sao?

– Dạ thưa ba, không! Con nhặt dưới đất…

– Con nhớ rằng những đồ vật trong phòng ba…

– Thôi! (ba gạt phắt lời mẹ đi) không phải lỗi nó, mình đừng hành hạ nó nữa, đủ rồi, tại tôi quên…

– Không! Không phải lỗi ba đâu, đó là tại gió, và tại con nữa, thưa ba!

– Tội nghiệp con tôi…

Mẹ nói và dắt Thu xuống nhà. Thu ngẩng lên thì thấy mẹ vừa chớp mắt một cái, hai giọt nước mắt rụng mau…

Dù sao, Thu thấy nhẹ nhõm, yên tâm lắm, ngày cuối năm có những chuyện xui xẻo không hay là một điềm tốt, chớ để đến đầu năm thì nguy to. U già nói vậy. Chỉ thương ba phải vất vả moi óc lần nữa để làm bài thuyết trình có nhiều tiếng hay ho cho kịp chiều nay.

Minh Quân   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Nhâm Tý, 1972)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>