Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Bước Thời Gian


Bác Cả Lý nhìn vào gương lần chót. Chiếc khăn đóng xếp cẩn thận theo hình chữ nhất ngay ngắn trên đầu. Những sợi tóc ngày thưởng lởm chởm, dựng đứng vì cắt vụng nay đã được vuốt nước lã nằm bẹp. Chiếc áo the đen còn nguyên lằn xếp kỹ. Và trên cánh tay phải cong cong, một chiếc dù đen cán bóng móc ngược. Bác Cả Lý trông thấy mình trịnh trọng hẳn lên. Một năm chỉ một lần nầy thôi, Tết nhất mà, áo rách phải giữ lấy lề chứ. Bác nghĩ vậy nên tỏ vẻ bằng lòng mình lắm. Bác tằng hắng một tiếng nhỏ, sửa giọng thật vui vẻ, nói vói vào bên trong:

- Bà nó trông nhà nhé, tôi đi mở hàng đầu năm cho kịp giờ tốt đây.

Tiếng bác Cả Lý gái vọng ra:

- Vâng, ông nó cứ đi đi, còn sớm chán, nhớ ngắt ít cành lộc về lấy hên nhé.

Bác Cả Lý cười nhẹ, bước ra khỏi cửa. Bác hoàn toàn vui vẻ, chỉ hơi khó chịu vì đôi guốc quai da mới nguyên làm bác đau chân. Nhưng cũng chỉ một tí thôi, lúc nãy, bác đã cẩn thận rửa guốc bằng nước lã nên chắc không đến nỗi nào. Bác Cả Lý vén nhẹ thân áo trước bước ra cổng. Vài tiếng chó sủa vu vơ. Trời vẫn chưa sáng hẳn. Hơi lạnh phủ trong màn sương lam đục phả qua lần áo lương mỏng lành lạnh. Những cành lá đẫm ướt cọ quẹt theo bước chân. Bác Cả Lý nghe rõ tiếng dẫm chân trên cỏ của mình đến nỗi nhiều lúc bác cứ ngỡ chung quanh xóm chỉ có một mình bác thức dậy đi đạp đất đầu năm. Nhưng không đầy một phút sau, bác đã nghe những tiếng pháo tống rời rạc đàng xa mở đầu cho nhiều tràng pháo khác dài không ngớt. Thôn xóm như bừng thức dậy. Ngày mồng một bây giờ mới thực sự bắt đầu. Sương tan dần, lũy tre xa đã hiện rõ hình dáng dịu nhiểu của mình. Những tấm liếp được đẩy dạt hoặc chống cao hẳn lên. Thấp thoáng hương trầm và đèn nến. Đã có tiếng trẻ reo cười. Bên bờ ruộng đối diện, con đường mòn cuối xóm, sau hàng rào tre thưa, bóng người, bước chân đi nghe rộn rã.

Bác Cả Lý bước mau hơn chút nữa. Bác không muốn mình là kẻ đến đình làng sau mọi người. Năm nào bác cũng là người thắp nén hương đầu năm vào chiếc đỉnh lư bằng đồng bóng loáng. Và chỉ khi tuần hương thứ nhất vừa hết, các hương chức trong làng mới lục tục kéo đến. Lúc đó, bác Cả Lý lại xách ô ra về. Ghé một chút sau đình hái một nhánh lộc non xanh. Vòng qua phía xóm dưới đạp đất nhà đứa cháu họ. Đứa cháu họ chỉ thích chính bác Cả Lý đạp đất nhà nó thôi. Khoảng 29 Tết, nó đã lễ mễ bưng qua một chục trứng khẩn khoản mời bác đến nhà mở hàng nhà nó trước. Chả vì năm nào bác Cả Lý đạp đất thì nhà nó đều buôn may bán đắt. Nhưng bác Cả Lý thì qua đạp đất nhà nó không phải vì chục trứng gà tươi ngon hôm 29 Tết. Cũng không phải bác thích thú hoặc nể nang gì đứa cháu họ. Tính bác hiền thì hiền, nhưng không phải ai cũng dễ dàng xỏ mũi bác lôi đi. Bác chỉ qua nhà đứa cháu vì những thằng con dễ thương của nó. Bác chưa có cháu nội ngoại gì nên thương những đứa trẻ ấy quá. Những đứa trẻ mới thông minh, liếng thoắng làm sao. Tuy học lớp nhì, lớp ba trường làng mà chúng thông hiểu rành rẽ nhiều chuyện quá. Chuyện khoa học, chuyện vệ sinh, địa lý. Từ thuở thiếu thời, bác Cả Lý chỉ toàn đọc sách thánh hiền. Văn chương bác tạm gọi là hách nhất nhì làng, nhưng cái điều nước nôi khó hiểu như những bài học của tụi nhỏ thì quả bác chịu thua. Tụi nhỏ hỏi bác nhiều chuyện thì cũng tình cờ cho bác thông hiểu nhiều chuyện. Bác thích là vì vậy.

Cái đỉnh dù nhọn lập cập theo bước chân. Bác Cả Lý ngần ngại không hiểu mình có nên giương dù lên không. Bác nhìn chung quanh. Một chút ráng đỏ hơi ửng hồng ở đằng Đông. Sương la đà trên mặt ruộng. Vài tà áo mới lấp ló trong vườn. cả bầu trời và cả mọi người như đã sẵn sàng chào đón buổi bình minh đầu tiên của một năm mới. Bác chắc lưỡi trở dù cầm ngang. Theo bác thì không được lịch sự cho lắm với kiểu cầm dù nầy, nhưng đỡ tránh được nạn bị đầu dù nhọn đánh vào chân. Đình làng lấp ló đầu xa ẩn sau tàn cây đa to rậm lá. Mái cong cong xuôi xuống rồi nẩy ngược ngạo nghễ tương phản cái ngọn cong yểu điệu của cây nêu Tết mà chú Mõ đã trồng trước sân đình từ mấy hôm trước. Đường dẫn đến đình lát gạch sạch bóng. Tiếng guốc nện trên nền gạch nghe vui lạ. Bác Cả Lý mỉm cười, đi chậm lại nhìn đình. Ngôi đình thân thuộc với bác quá đỗi. Bác Cả tưởng chừng như mình đã ăn, ở, ngủ trong đó. Mà bác nghĩ vậy cũng phải. Có xó xỉnh nào trong đình mà bác không biết, lằn gạch vỡ, hòn đá lệch, tượng thần làng, chiếc đỉnh đồng, bát chân nhang to tướng bị sứt một góc miệng, hai chân đèn hình con cò đứng một chân do chính bác tự tay mua về bày biện, tất cả ghi dấu trong lòng bác, in đậm nét. Bác yêu cái đình cũ kỹ ấy như bác thương mến ngọn lúa, bông cau, tấc đất vàng rỡ phù sa. Cả quê hương, cả tấm lòng yêu nước cao xa nào đó có trong lòng bác thì cũng chỉ lớn bằng tấm lòng bác yêu ngôi đình làng bác là cùng. Bởi đó là quê hương hiện hữu thật nhất, gần nhất, tượng trưng nhất. Bác còn nhớ hai năm về trước, tỉnh đã phó người về cho tiền bạc để làng tu bổ lại đình. Các hương chức trong làng muốn phá ngôi đình ấy để xây lại ngôi đình mới, theo kiểu mới. Bác là người độc nhất phản đối đến kỳ cùng. Bác nói hăng say và hùng hổ vì tức giận, vì lo sợ. Bác làm dữ đến nỗi sau rốt mọi người đều đồng ý là chỉ tu bổ lại thôi. Về đến nhà, trong niềm vui sướng, hân hoan, bình tĩnh lại bác mới lấy làm lạ là tại sao mọi người lại nghe một cựu xã lý già nua như bác. Bác tự tìm lấy cho mình một lý luận chặt chẽ là chắc ai ai cũng mến ngôi đình nhưng không nói ra, nên khi bác nói thì ai cũng đồng ý cả. Lý luận mơ hồ ấy khiến bác tự thấy mình có trách nhiệm hẳn lên với ngôi đình làng.

Bác Cả Lý bước hẳn vào đình. Chiếc lư đồng lấp loáng trong ánh sáng đã nhạt của hai cây đèn cầy sắp lụn vì thắp suốt đêm. Lư trầm chưa được đốt lại nhưng hương thơm vẫn vướng vít, lẫn mùi thơm của hoa quả chất thành đồi trên chiếc mâm đồng có ba chân. Bác Cả Lý vòng đằng sau bàn thờ lấy bó nhang và hai cây đèn cầy lớn. Bác thắp đèn cầy lên, đốt nhang cắm vào bát hương. Hai cây đèn cầy màu đỏ sáng rực lên lung linh rực rỡ. Khói nhang, khói trầm bay nghi ngút. Những đóa vạn thọ vàng, hoa trang trắng, lá xanh, cắm trong cái độc bình men xanh có chạm hình hai con rồng đang múa trên mây. Cạnh đó là một chồng bánh chưng gói lá dong vuông vức đối diện với cơi mứt ngũ sắc. Tất cả khí oai linh như tích tụ lại trong gian đình làng nhỏ. Bác Cả Lý trang trọng cầm lấy cái dùi trống bọc nỉ khẽ đánh nhẹ lên mặt chiếc trống làng to tướng treo ở góc trong. Tiếng trống lúc đầu lơi nhẹ rồi dập dồn lên như thúc giục. Trong tiếng trống vang vang, bác Cả Lý nghe có tiếng lao xao trước sân đình. Các hương chức bô lão đã đến rồi. Bác Cả Lý lơi tay dần để rồi chấm dứt bằng ba tiếng trống ngắn gọn. Bác để dùi trống vào chỗ cũ vừa vặn đón những người đến đình lễ đầu năm.

- Chào bác Cả Lý năm mới. Chào… Chào… Chào… Chúc bác Cả Lý năm nay được mọi điều như ý. Chà, năm nay bác Cả đến sớm hơn mọi năm. Bác Cả đã phát tài gì chưa…

Bác Cả Lý chắp hai tay trả lễ trước những câu chào hỏi rộn rịp. Bác quay lại định xách cái ô rời đình để đi đạp đất nhà đứa cháu họ như đã hứa. Nhưng cụ lão Nghinh, già nhất làng, đã nắm tay bác kéo lại cười nói:

- Năm nay, bác Cả không được về sớm đâu nhé. Lễ thần xong, bác phải nhắm với tôi chút rượu đầu năm đấy.

Bác Cả cười thật tươi:

- Năm mới năm me, cụ tha cho nhà cháu. Lại còn phải mở hàng để cầu tài nữa chứ. Hẹn cụ tí nữa, tôi sẽ đến tận nhà chúc Tết.

- Nếu vậy thì thôi. Nhưng bác Cả cũng phải đốt giúp tôi phong pháo mừng này.

Bác Cả nhanh nhẩu:

- Vâng, tôi vui lòng lắm. Chà, pháo cụ mua ở đâu mà tốt thế nhỉ?

Ông Lý Bằng đỡ lời:

- Ấy, của thầy giáo Thơ tặng làng đấy. Nghe đâu thầy mua tận trên tỉnh mới được loại pháo tốt. Chắc kêu lắm.

Bác Cả Lý đem phong pháo cột vào cành cây mai trắng nở đầy hoa trước sân đền, trong lúc mọi người lần lượt vào lễ. Những người trong làng cũng lần lần kéo đến. Câu chúc tụng, tiếng cười đùa râm ran khắp nơi. Bác Cả châm ngòi pháo và né sang một bên. Tạch, đùng, tạch, đùng… Pháo nổ kêu to vang động. Xác pháo đỏ tươi lẫn trong làn khói và tia chớp vàng rực. Vài cánh mai trắng lả tả bay theo. Trẻ con vỗ tay vui cười. Các cụ tụ tập cả ra sân đền. Trời xanh ngát, và gió thì lành lạnh. Những tia nắng đầu năm tràn lan khắp nơi. Bác Cả Lý nhẹ nhàng len ra cổng đình. Lòng bác vui sướng nhẹ nhàng. Bác hái vội một cành lộc đầy mầm lá xanh non mướt rượt. Đôi guốc không còn làm bác khó chịu nữa. Bác giương chiếc dù đen che nắng.

Trên khắp đường làng đều nườm nượp người đi. Thôi thì quần là, áo lụa, đủ màu. Tiếng chúc Tết trong nhà, tiếng chào mời ngoài sân. Trẻ con tụm năm, tụm ba đánh đáo, đánh xóc. Pháo dây thì ngoại trừ vài nhà đốt hồi giao thừa và sáng sớm, còn thì toàn là pháo lẻ. Tì tà tì tạch đốt mãi. Thỉnh thoảng, bác Cả Lý lại phải dừng lại đứng nép bên đường để tránh những chiếc lon giả pháo bắn tung từ trên cao rớt xuống. Nếu đúng vào ngày thường thời lũ trẻ chết với bác, bác xách gậy đuổi chạy nhầu. Nhưng ngày Tết nhứt, bác Cả thấy lòng mình dễ dãi quá. Lâu lâu bác chỉ nói với lũ trẻ bằng một giọng như khuyến khích:

- Ấy ấy, để bác đi đã tụi bây. Thư đã nhé… rồi, đốt đi.

Mỗi lần như thế, bác Cả lại nhận được một tràng cười nắc nẻ, chen lẫn lời chào của những đứa hay đến nhà bác xin ổi, xin na.

Đến cuối làng, bác Cả rẽ sang tay phải. Cái ngõ hẹp trông chừng sạch sẽ hơn ngày thường. Hàng cây rào cũng được cắt xén cẩn thận. Bác Cả Lý nghĩ thầm:

- Chà, thằng nầy coi bộ phát tài dữ sao mà sửa soạn ăn Tết đàng hoàng thế nầy?

Bác dừng lại trước cổng căn nhà ngay đầu ngõ. Cửa vào còn đóng chặt. ý chừng còn đợi bác đây mà. Bác Cả Lý gập chiếc dù lại máng vào tay. Một tay cầm nhành lộc sai lá, một tay tì vào cái then gỗ mở cổng. Con Vện nghe động chạy ra, gừ gừ ngoắt đuôi mừng rỡ. Theo sau là đứa cháu họ chỉnh tề trong bộ bà ba mới tinh, vừa đi vừa cất giọng vồn vã:

- Chào bác năm mới ạ. Mời bác vào nhà. Để cháu mở cổng.

- Thế nào, đã đi mở hàng đâu chưa?

Hai cánh cửa bằng tre được mở rộng. Bác Cả đi vào đĩnh đạc.

- Dạ cháu chưa dám đi đâu cả. Vả lại còn phải chờ bác đến đạp đất nữa.

Rồi anh đi vào nhà kêu to lên:

- U nó ơi, có bác cả đến đấy. Lên mà chào bác năm mới lấy may đi.

Đứa cháu dâu từ dưới nhà đi lên tay bưng một khay đầy bánh chưng bóc sẵn có dưa hành, thịt mỡ.

- Chào bác năm mới, chúng cháu chúc bác sang năm được vạn sự như ý, sức khỏe dồi dào.

Bác Cả Lý cười cười:

- Ừ, tao cũng chúc tụi bây được may mắn đủ điều, thêm con thêm của.

Chị Ba, (đứa cháu dâu) dẫy nẩy:

- Ấy, thêm của thì cháu nhận chứ thêm con thì bác cho khoan đã. Năm đứa ở nhà nuôi cũng đủ mệt rồi.

Bác Cả xoa tay cười xòa:

- Lo gì, trời sanh voi, sanh cỏ chứ. Thế mấy đứa nhỏ đâu rồi, lên cả đây ông mừng tuổi cho nào!

- Mời bác ngồi chơi xơi rượu đã. Bác đưa cành lộc cháu cất hộ, tí nữa thằng Liễn nó mang qua nhà cho bác… Tụi nhỏ nó chơi ngoài sân sau, để u nó kêu lên.

Không đầy một giây sau, trước mặt bác Cả lố nhố năm đứa trẻ quần áo giống nhau, mới tinh. Chúng thấy bác đã reo lên mừng rỡ:

- Lạy ông ạ. Lạy ông năm mới ạ. Ông mừng tuổi cháu.

Bác Cả bế đứa nhỏ nhất lên lòng. Một tay vén áo lấy ra mấy tờ giấy bạc mới.

- Ông mừng tuổi mấy đứa nghe. Liễn, đem chia đều cho các em.

Anh Ba đỡ lời con:

- Cám ơn ông đi mấy đứa. Thôi xuống nhà chơi để ông uống rượu với bố tí nào.

Bác Cả xua tay:

- Ấy, cứ để mấy đứa nó đứng đấy. Tao nói chuyện với bố cháu rồi sẽ kể chuyện năm mới cho mà nghe.

Bác Cả nhấm một hớp rượu nếp, chăm chắp miệng thích thú:

- Bụng đói mà cứ dùng của nầy thì tha hồ say tít cung thang nhé.

Anh Ba mỉm cười:

- Tết nhất mà bác. Bác về nhà đóng cửa nằm khèo ra ngủ một giấc hai ba ngày cũng được mà.

Bác Cả ngẩng đầu lên. Miếng bánh chưng đang ngậm được nuốt vội vàng.

- A, thằng nầy nói lạ. Tết nhất đâu phải là lúc mình nằm nhà ngủ vùi, không biết đến bà con, làng xóm. Thế thì Tết để làm gì? Tết để cho nhà nhà sum họp, con cháu vui vẻ, làng xóm láng giềng cởi mở thân thiết nhau, chứ nói như tụi bây thì chỉ làm uổng cái Tết.

- Bác Cả nói vậy, chứ đời bây giờ mà, mình vui khỏe cho mình đã rồi mới lo chung quanh. Cháu thấy người xưa bày đặt nhiều chuyện đâm ra Tết đến là lo lắng mệt mỏi không đâu.

Bác Cả Lý im lặng một giây. Bác nói, giọng hơi buồn:

- Tụi bây thường nghĩ vậy nên càng qua năm tao càng thấy cái Tết mất đi phần nào thi vị. Nhiều cổ tục đẹp đẽ cứ mai một lần lần. Tụi bây ham theo mới, thích chuyện vui mà quên hết ý nghĩa của ngày Tết. làng này, không khéo lúc tụi già già như tao chết đi thì chắc cũng như làng bên quá. Đình làng không ai chăm sóc. Thăm viếng nhau cũng hạn chế. Tất cả chỉ lo vui cho mình, cho riêng mình mà quên hết cái phong vị đặc sắc của nước mình.

- Bác nói vậy chớ đến nỗi nào.

Bác Cả lắc đầu:

- Đó là tại mầy chưa biết đó thôi chớ tao đã gần 60 tuổi đầu rồi, tao đã chứng kiến từng bước đổi thay. Tết bây giờ không bằng một phần mười cái Tết ngày tao còn bé. Ấm cúng biết bao và thanh bình biết bao. Càng nói tao càng nhớ đến xót xa cả dạ.

Anh Ba ngồi yên lặng. Ngẫm nghĩ anh cũng thấy đúng. Anh nhớ lại hồi còn nhỏ. Nội việc sửa soạn cho nồi bánh chưng ngày Tết cũng là niềm vui bất tận rồi. Bây giờ anh không tìm được cái thú vị cũ mà anh không hề để ý.

Lũ trẻ nhà anh chắc không bao giờ còn được hưởng cái thú ngày hội, các cuộc thi đua tưng bừng đặc biệt ngày Tết. Chiến tranh mấp mé ở đâu đó. Anh chỉ mới nghe mà chưa thấy. Ảnh hưởng của ai đó đô hộ thì cũng chỉ ở những làng quan viên dốt nát, kênh kiệu nịnh nọt quan tỉnh. Còn làng anh đã từng nổi tiếng văn học một thời nên trên làng dưới nước đều thuận hòa. Thế mà các cuộc vui cũng biến mất lần lần, lặng lẽ mà không ai để ý, khêu lại. Vài cổ tục đẹp đẽ tuy dềnh dàng cũng lui gót. Lui gót từ từng nhà, từng xóm.

Anh nhìn lên, gượng vui lại:

- Thôi bác à. Bác nói đúng lắm. Ngày Tết bác cũng nên dùng qua với cháu tí mứt gừng cho ấm bụng. Có trà sen nữa, cháu mua tận chợ huyện nhân chuyến hàng cuối năm đó.

Bác Cả Lý cũng đổi giọng tươi cười:

- Ừ tốt lắm, nhưng tao phải ăn xong cái bánh chưng đã chứ. Ủa, mầy không có bánh giầy à? Tết sang năm nếu có làm bánh chưng thì phải có bánh giầy nữa nghe. Có đất mà chẳng có trời thì tội lắm.

Tiếng chó sủa ngoài sân. Tiếng lao xao chào khách của chị Ba. Bác Cả nhìn ra ngoài. Có khách tới. Bác Cả đứng dậy nói với cháu:

- Tao ở đây chơi với mấy đứa nhỏ tí nữa. Cháu cứ tiếp khách đi. Thằng Liễn đâu rồi đi với ông ra thăm vườn thử nào.

Anh Ba gọi vói thằng Liễn. Hai ba đứa chạy vội ra dắt tay bác Cả ra sau nhà. Chút rượu nếp uống lúc nãy làm căng mạch máu. Hơi ấm tỏa khắp người. Bác Cả không còn thấy lạnh. Bác cởi chiếc áo the đen máng lên cây đinh trên cột.

Vườn cây xanh lơ rực rỡ dưới ánh nắng trong như lọc. Những đóa cúc vàng lao xao trong gió. Vườn cải đã trổ hoa, thân vươn cao. Càng cao, cành lá càng choắt lại để tận cùng bởi các ché hoa nhỏ li ti vàng mướt. Vài chậu thược dược cũng không chịu kém phần, hoa nặng chĩu những cánh, phù to, cánh hoa mướt rượt như tấm áo nhung đỏ tuyệt đẹp. Mấy ông cháu dẫn nhau chen vào vườn. 


Hàng chục chú bướm nhớn nhác rời chỗ ẩn rập rờn bay tung. Bác Cả dừng bước trước một chậu kiểng uốn theo hình con Rồng. Đó là công trình của bác hồi mùa hạ năm ngoái. Bác đã đánh lưng trần, loay hoay từ sáng đến tối mịt để uốn thân cây ngâu non thành hình con Rồng. Con Rồng đến hôm nay đã lớn và cũng theo khuôn phép lắm rồi. Vài nhánh non mới đâm ra nhưng cũng không làm hại gì đến hình dáng cố định của nó cả. Thằng Liễn đứng bên cạnh bỗng chợt níu áo bác Cả hỏi:

- Ông ơi, tại sao ông không uốn thành hình người ta hoặc con chó con mèo mà lại uốn hình con gì gì ấy?

- Ờ, ông uốn hình con Rồng. Con Rồng tượng trưng cho tổ tiên của mình đó. Dân Việt Nam là con Rồng cháu Tiên mà.

- Con của Lạc Long Quân và Âu Cơ chớ ông.

Bác Cả xoa đầu cháu rồi nói:

- Thì cũng như nhau mà cháu. Tục truyền Lạc Long Quân là con Rồng. Âu Cơ là cháu Tiên. Nhưng thật ra đó giống như chuyện cổ tích mà thôi, còn sự thật mà nói thì dân tộc ta bản tính quật cường, mạnh mẽ như Rồng, dịu dàng, thuần hậu, đẹp đẽ như Tiên, nên mới có chuyện ví von đó.

Thằng Liễn nghĩ ngợi giây lâu rồi nói:

- Con học trong sách thấy nói người Việt có nguồn gốc của giống dân In-đô-nê-diên, theo sông Hồng lan tràn đến phương nam, lập quốc mà thành. Có phải vậy không ông?

Bác Cả gật gù:

- Điều đó mới quá, ông không rõ, nhưng ông nghĩ là thật ra chưa có gì là chắc chắn cả.

Mấy ông cháu lại tiếp tục đến thăm vườn cúc ở tận đằng sau nhà, nơi mà những cây đậu đũa đang quấn quít theo hai vòng tre chạc chân làm thành hình tháp. Lá xanh mơn mởn phô những hoa nhỏ, cánh tinh khiết trắng ngần.

Nơi ấy giáp mí với khu vườn nhà cụ Đồ. Tiếng cụ Đồ oang oang cười nói làm mấy ông cháu ngẩn người nhìn sang. Liễn đã thấy được sự lạ, nó hỏi bác Cả:

- Ông ơi, nhà cụ Đồ có vẽ bùa nữa.

Bác Cả Lý bật cười:

- Đâu nào, cái cụ Đồ năm nay lẩm cẩm thật.

Bác ghé sát người vào hàng rào thưa nhìn sang:

- Không phải đâu cháu ơi, mầy nhìn lộn rồi, câu đối Tết của cụ Đồ đấy.

Liễn ngạc nhiên nhìn bác Cả. Nó không hiểu câu đối là thế nào.

- Ông ơi, câu đối là gì hả ông? Sao thầy giáo cháu chưa lần nào dạy cho chúng cháu.

- Hồi ông còn nhỏ như tụi cháu, học xong Tứ Thư Ngũ Kinh là đã rành rẽ đặt câu đối lắm. Thật ra câu đối không có gì là khó khăn. Đó chỉ là hai câu gọi là vế. Hai câu này thường đối nhau ở từng chữ một, hoặc là đối nghĩa với nhau. Ông lấy ví dụ cho dễ hiểu, như là câu:

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh.”

Liễn ngẫm nghĩ:

- Nhưng cháu vẫn chưa hiểu rõ lắm.

Bác Cả cười tươi như hoa. Bác đang thú vị khi kể lại những thú vui thanh nhã trong làng nho. Bác chẫm rãi nói tiếp:

- Nôm na là hai câu đó, câu dưới phải đối với câu trên. Câu trên dùng chữ theo thứ tự là danh từ, động từ chẳng hạn thì câu dưới cũng phải là những tiếng danh từ, động từ theo đúng thứ tự đó. Danh từ chỉ sự vật ở câu trên, thì câu dưới cũng phải là danh từ chỉ sự vật. Tĩnh từ chỉ màu sắc thì ở dưới cũng vậy. Còn muốn hay hơn nữa thì vừa đối chữ lại vừa đối nghĩa, ví dụ như chữ Hắc nghĩa là đen, thì đối lại là Bạch có nghĩa là trắng.

Liễn reo lên:

- Cháu hiểu rồi. Hay thật. Cháu thích làm được câu đối, để nếu Tết cháu sẽ viết treo khắp nhà.

Bác Cả nhìn cháu thấy lòng ấm lại. Bác nghĩ : giống dân Việt thật trữ tình, ngay cả đến những đứa trẻ.

- Ông ơi, thế có câu đối nào vui vui không?

- Nhiều lắm, những giai thoại về câu đối thì kể cũng không hết. Vừa vui, vừa tế nhị, vừa sâu sắc. Để ông kể cho các cháu nghe một giai thoại vui về câu đối của cụ Nguyễn Khuyến. Cháu biết cụ Nguyễn Khuyến chứ?

- Dạ cháu có học một bài học thuộc lòng của cụ ấy. Thầy có giảng là cụ học giỏi lắm, đỗ đến ba giải nguyên lận phải không ông?

- Cháu giỏi lắm. Đúng vậy nên mọi người mới gọi cụ là Tam Nguyên Yên Đổ đấy. Tương truyền là lúc sinh thời cụ làm câu đối rất giỏi nên thường được các người cùng làng sang nhờ làm giúp năm ba câu đối mỗi khi nhà có việc hoặc vui mừng, hoặc bối rối. Một hôm, anh hàng xóm làm nghề đồ tể chẳng may qua đời, vợ anh ta đem quà sang biếu cụ và nhân tiện xin một câu đối về để thờ chồng. Lễ vật gồm có một bát tiết canh và một đôi bồ giục. Cụ Nguyễn Khuyến đã làm  ngay một câu đối thật hay rằng:

Tứ thời bát tiết canh chung thủy,
Ngọn liễu đôi bồ giục điểm trang

Bác Cả mới đọc đến đó thì Liễn đã cười phá lên. Bác Cả cũng cười to trong lúc mấy đứa bé chả biết gì giương mắt ngạc nhiên rồi cũng cười theo.

- Vui quá ông à. Bát tiết canh, đôi bồ giục. Vui quá, cháu phải kể chuyện nầy với bố đã… Nhưng mà bà đồ tể ấy có đem câu đối về thờ không hở ông?

- Có chứ, vì thật ra đó là cách ghép chữ thật ý vị. Chứ nếu đọc bình thường thì hai câu trên có nghĩa là : Cả bốn mùa tám tiết đều chung thủy, hàng liễu, hai bờ cỏ bồ muốn trang điểm. Một câu tả lòng chung thủy của bà vợ, một câu tả cảnh vật bên ngoài.

- Nhưng nếu mỗi lần muốn có câu đối thì phải tìm người giỏi, mà làm sao biết để tìm hở ông?

- Ngày trước, hầu như tất cả những ai có học chữ nghĩa thánh hiền thì đều biết làm câu đối, ăn thua là làm có hay hay không. Nhất là về ngày Tết, nhà nào cũng muốn có dăm câu đối, hoặc để đem biếu cho người ơn, người thân nhưng thường là để treo ở cổng nhà mình, ở hai bên bàn thờ tổ tiên.

Liễn quay người nhìn sang nhà cụ Đồ. Hai câu đối viết bằng chữ đen nổi bật trên vải điều. Chữ sắc sảo.

Tiếng cụ Đồ vang vang, tự hào:

- Đấy cụ xem, tôi thảo những chữ nầy có được không. Câu đối chỉnh lắm chứ. Tôi cảm hứng lúc giao thừa và viết ngay.

Ông khách của cụ Đồ tấm tắc khen:

- Đẹp thật, nét chữ như rồng bay phượng múa. Cụ vẫn nổi tiếng là người viết chữ đẹp mà.

Bác Cả Lý nói với cháu:

- Cụ Đồ ngày xưa đã có lần viết thuê những câu đối cho khách đấy. Dạo đó cụ viết chữ hay có tiếng nên người các làng bên, ở cả trên huyện cũng phải tìm đến thuê viết.

Liễn sáng lên một chút ranh mãnh, nó trả lời bác Cả bằng cách đọc một bài học thuộc lòng:

- Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy ông Đồ già.
Bày mực tàu, giấy đỏ,
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.

Bác Cả nhìn cháu đùa:

- Chà, mầy dám trêu cụ Đồ đấy nhá.

Liễn rụt cổ:

- Cháu đâu dám, cháu đọc bài học thuộc lòng đấy chứ. Còn đoạn cuối nữa ông à.

Lòng bác Cả chợt buồn hẳn lại. Phải, còn đoạn cuối nữa, nhưng đọc mà làm gì hở cháu. Thời gian qua, thời gian đi từng bước, từng bước liên tục và móc nối. Vậy mà cớ sao những hình ảnh đẹp đẽ ấy lại mất dần. Không còn giữ lại được cái gì, ngoại trừ ở tâm hồn của những cụ già gần đất xa trời như bác. Mỗi năm một vắng, người xưa thoáng qua như bóng nắng chiều. Giấy đỏ buồn không thắm và mực thì đọng trong nghiên sầu. Lòng hoài niệm vẫn còn kia, bất di bất dịch nhưng không ai hay, không ai biết. Mưa bụi dài ra châm chích lòng hoài cổ. Những cánh hoa đào cũng buồn lòng rơi rụng. Rồi cái gì đến sẽ đến. Thế hệ nầy qua, thế hệ sau đến. Chỉ buồn một điều là cái tinh anh dân tộc đã mất dần, biến dần. Bác Cả thờ thẫn nói như nói một mình:

- Đọc làm gì cho thêm buồn. Hết thật rồi.

- Hết gì vậy ông? Tại sao ông nói là ông buồn?

Bác Cả giật mình, gượng cười bảo cháu:

- Ừ, đọc thì đọc. Nhưng đã trễ rồi đấy. Để ông về đón khách chào Tết cho bà cháu đi thăm họ hàng. Vào lấy cho ông cái ô, cái áo dài.

- Dạ, nhưng ông cho cháu qua nhà ông chơi với.

- Ừ, vào xin phép thầy u cháu đi, nhớ lấy cho ông cành lộc ông gởi nhé.

*

Con đường về nhà đã đầy ánh nắng. Trẻ con, người lớn đi lại như hội. Vài sòng bạc nhỏ tụ tập ngay ven gốc cây, trong sân nhà. Pháo đã bớt đốt, nhưng bù vào đó thỉnh thoảng vài tiếng trống vọng từ đình đưa lại. Hai ông cháu nép vào nhau dưới cây dù rộng tán. Bác Cả Lý vừa đi vừa nghĩ chuyện đâu đâu. Thằng Liễn thì cứ mê mẩn với túi mứt được thủ riêng trước khi ra đi nhân lúc u nó bận tiếp khách. Đi qua đình làng, bác Cả nhìn vào trong. Người đi lễ đông đen. Các bô lão xúng xính trong bộ áo rộng qua lại rộn rã. Lễ vật của người làng đem tới cúng đình được chất đầy một cái bàn đặt giữa sân. Bác Cả nhác trông thấy ông phó Lý đang đứng chỉ chỏ, kiểm điểm đồ vật. Bác chợt bật cười khi nhớ lại mấy câu thơ châm biếm cổ : Mặc áo the thâm, đứng dựa cột đình. Xướng rằng : củ soát tế vật…

Thằng Liễn ngừng nhai nhìn bác, ngơ ngác hỏi:

- Ông cười gì thế ông?


KIM HÀI    
(Sóng Vàng)


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa xuân Canh Tuất,1970)



oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>