Thứ Ba, 9 tháng 2, 2016

Hột Xúc Xắc


Thủy dốc hết tiền ra giường đếm lại:

- Cô Mai một trăm nè, dì Út năm chục, bác Quản hai chục, thím Khải hai trăm…

Cộng tất cả lại Thủy vừa chẵn bốn trăm. Tiền “lì xì” của Thủy năm nay ít hơn năm ngoái. Tại Thủy lớn, thường thì mấy đứa bé được “lì xì” nhiều hơn. Chẳng hạn như thằng Tường, bé Yến. Vậy mà anh Thương lớn hơn Thủy nhiều, lại không được theo mẹ đi Tết họ hàng bao giờ, nếu so sánh thì năm nào anh cũng được nhiều tiền lì xì nhất. Chả phải anh dụ tiền bé Yến mà bố cũng chả lì xì cho anh nữa.

Nhờ mồm mép dẻo dai mà anh được như vậy đó. Ngay từ sáng mồng một Tết, anh đứng sẵn sàng ở cửa ; hễ có ông khách nào là anh giở hết tài nghệ ra.

- Ối giời ơi! Sang năm mới trông thấy bác đẹp giai ra phết.

- Đầu năm coi bộ bác phát tài rồi hè!

Nghe xong, ông khách cứ nở mũi ra rồi chẳng nói chẳng rằng, móc túi “lì xì” ngay tức khắc.

Còn Thủy, theo mẹ đi tết họ hàng bực ghê lắm, không phải tại đi bộ mỏi chân. Vào nhà nào Thủy cũng hơi nhức đầu lên vì nghe:

- Gớm! Cháu Thủy mau lớn như thổi, chừng nào…

Thủy chả hiểu chừng nào là sao mà mẹ với người nói câu đó, nhìn nhau cười khúc khích. Chỉ có thằng Tường với bé Yến được lì xì ngay tại chỗ, còn Thủy thì bị khất:

- Còn cháu Thủy lớn thì… thôi nhá. Bác để dành năm sau vậy.

Năm sau! Năm sau! Thủy bực ghê đi.

Năm sau Thủy lại lớn, họ lại khất năm sau nữa. Biết thế Thủy thèm vào đi tết với mẹ nữa, ở nhà với anh Thương có phải ngon lành không.

- Hai con gà! Ha ha! Anh Thương giam tiền mau lên!

Tiếng thằng Tường reo lên thích chí. Rồi tiếp đến giọng cằn nhằn của anh Thương:

- Thằng ranh này, to mồm vừa vừa chứ… làm gì dữ vậy?...

À, thì ra anh em nhà chúng chơi bầu cua với nhau ở nhà ngoài. Mẹ, bố với bé Yến đi lễ Chùa hồi chiều, nhà vắng, anh em chúng tha hồ làm giặc.

Thủy thường gọi anh Thương, thằng Tường là “anh em chúng”. Ngược lại anh Thương cũng gọi Thủy với bé Yến là “chị em nó”. Tiếng cãi nhau chí chóe của anh em chúng lại vang lên.

- Không biết! Không biết!... Anh Thương ăn gian… hai con bầu mà anh giam có một.

- Tại hột xúc xắc nó kênh thì kể như là một.

Vừa thấy Thủy chạy ra xem, anh Thương đã gọi lại phân trần:

- Thủy coi này, hột nghiêng đâu có tính phải không?

Thủy chưa kịp trả lời thì thằng Tường đã láu táu:

- Anh Thương phải lắc lại ; Tường cho huề ván này đó.

- Rồi!... Đó thấy chưa? Ăn gian nữa đi! Ba con nai!

Thế là cu Tường bị thua.

- Thủy chơi đi, đặt nai!... Thế nào cũng có nai nữa cho xem.

- Thôi, nhỡ thua…

- May rủi mà!

Ờ há, nhỡ may ra được nhiều tiền, rồi không chừng lại ăn hết tiền của anh Thương cho xem. Thế là Thủy ngồi xuống. Hai ván đầu Thủy trúng, rồi cứ thua mấy ván liền. Chỉ một lát sau túi tiền của Thủy vơi hẳn đi, Thủy ngưng lại không chơi nữa. Anh Thương hớn hở ra mặt. Cái túi của anh phồng ra. Thằng Tường luôn mồm kêu xui xẻo, cho đến khi hết sạch không còn một đồng trong túi thì nó bật khóc:

- Anh Thương trả tiền em đi… hu hu…

- Còn lâu! Thua rồi khỏi có đòi lại!

Tiếc tiền, thằng Tường cãi lý:

- Chơi giả vờ mà!

- Không có giả vờ đâu nhé. Thua ráng chịu chứ!

Rồi anh thong thả đứng lên. Tường cố níu lại:

- Trả tiền em… không em méc bố cho coi.

Mặc cho Tường níu kéo, anh Thương lạnh lùng bước lên gác. Thủy cảm thấy uất ức và ghét anh Thương thậm tệ. Bao giờ anh ấy cũng khôn thật là khôn. Thế là trọn số tiền của thằng Tường nằm gọn trong túi áo anh Thương, rất may là Thủy ngưng đánh, nếu không cũng sẽ bị chung số phận với Tường cho xem. Rõ ràng là anh Thương lường gạt tiền của em một cách khéo léo đấy mà, Thủy còn lạ gì nữa. Tài dụ khi của anh ấy ai mà bì kịp được.

Thủy bỗng nghĩ ra một mưu kế vừa lấy lại được số tiền thua vừa trả thù anh Thương cho bõ ghét. Thế rồi Thủy quay sang an ủi Tường:

- Tường đừng lo… Chị sẽ có cách đòi lại đủ tiền cho em và cho chị.

Tường tươi tỉnh hỏi:

- Thật không hở chị Thủy?

- Thật. Bây giờ Tường lấy cho chị tí keo dán, nhanh lên!

- Để chi vậy?

- Đừng hỏi lôi thôi, mau lên!

Thằng Tường đem cả lọ keo đến. Thủy lấy hột súc sắc lật ngửa mặt bầu lên, rồi dán chặt xuống mặt dĩa. Thủy giải thích:

- Như vậy, ta cứ bầu mà đặt. Chẳng mấy chốc anh Thương phải giam hết tiền cho mình. Vì ván nào cũng có bầu lên hết.

Tường chợt hiểu, vỗ tay reo:

- Phục tài chị Thủy luôn. Không chừng anh Thương cứ tưởng mình ảo thuật cho xem!

Sợ anh Thương nghe thấy, hỏng chuyện Thủy lườm em:

- Có im đi không? Bây giờ Tường lên gác kêu anh Thương xuống, bảo là đánh tiếp theo để chị em mình gỡ vốn.

Tường chạy lên gác lôi anh Thương xuống dọa nạt:

- Anh Thương phải chơi nữa cho tụi em gỡ chứ. Ăn rồi bỏ chạy đâu có được.

- Ừ thì chơi chứ sao! Nhưng coi chừng thua rồi lại đòi tui không chịu đâu nhé.

Rồi anh cẩn thận hỏi lại:

- Xin “quí vị” cho biết chơi giả vờ hay chơi thật đấy ạ?

- Chơi thật, anh vẫn làm cái như trước.

- Được rồi! Nhưng thua ráng chịu đấy.

- Chả biết ai thua Thủy cười thầm.

Anh Thương úp cái tô lên dĩa rồi lắc ba lượt, mồm dẻo như kẹo kéo:

- Nào đặt vô!... Hên xui…!

Thủy và Tường xúm vào, cứ vòng bầu mà đặt. Tội nghiệp anh Thương, cứ phải móc tiền ra giam mãi. Nét mặt anh Thương không còn hí hửng như trước nữa. Bầu cứ nhảy lên mãi, ván nào cũng có bầu và Thủy, thằng Tường cứ đặt bầu mãi. Mồ hôi anh Thương toát ra, miệng lắp bắp:

- Quái lạ! Sao cứ lên bầu mãi là làm sao?

Thủy và thằng Tường nhìn gương mặt nhăn nhó của anh Thương rồi bấm nhau cười khúc khích. Nhưng chợt anh Thương cúi xuống, dí sát cặp kính cận thị vào lòng dĩa quan sát. Nét mặt anh biến đổi rồi cầm từng hột xúc xắc lên xem. Thủy hồi hộp theo dõi, cho đến khi anh Thương quắc mắt nhìn lên thì nhanh như cắt, thằng Tường chụp lấy cặp kính cận của anh giấu vội đi. Anh Thương tức lồng lộn, quơ tay tìm kiếm chung quanh.

- Tao mà bắt được chúng mày thì cứ chết mí tao…

Thủy và Tường nấp sau kẹt cửa cười khúc khích:

- Anh Thương học vũ điệu “khỉ” hay quá ta, dẻo như vũ nữ nhà nghề! Hi hi…

Tiếng còi xe vang ngoài cổng. Biết bố mẹ về, thằng Tường bèn trả lại anh Thương cặp mắt kiếng rồi chạy ra mở cổng. Còn Thủy sợ anh Thương đánh nên chạy vội lên gác trốn.


CHÂU HÀ  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Mậu Thân, 1968)

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>