Đã gần hai ngàn năm nay, dân Việt Nam ta đều biết đến lễ Vu Lan và hành lễ Vu Lan. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày rằm tháng bảy âm lịch (15-7 âl), không ai bảo ai cả, mọi người đều tự nhiên tưởng nhớ đến Tổ Tiên, đến Cha Mẹ, đến những người đã khuất. Những kẻ ly hương, xa gia đình, xa cha mẹ lại cảm thấy lòng tưởng nhớ ấy tăng lên gấp bội phần. Các hành động thờ cúng Tổ Tiên, tưởng nhớ cha mẹ có lẽ đã biến thành một đạo : Đó là đạo Hiếu Nghĩa.
Ngày lễ Vu Lan đến, người ly hương cũng như kẻ vẫn còn an sống nơi
quê Cha đất Tổ đều có lòng tưởng nhớ. Tháng bảy là tháng nhớ ơn, là mùa báo
hiếu, là nguồn đạo hạnh…
Ngày lễ Vu Lan, rằm tháng bảy, là ngày báo hiếu, ngày Phật hoan
hỷ, ngày Tăng tự tứ và cũng gọi là ngày xá tội vong nhân. Theo trong đạo Phật
thì đến ngày này, tất cả những ai là đạo Phật đều quy tụ trước bàn Phật thật
trang nghiêm, cầu an cho cha mẹ hiện tiền và cầu siêu cho thân bằng quyến thuộc
đã thoát trần.
Sau đây là phần trình bày quan niệm chữ Hiếu trong đạo Phật và ý
nghĩa thiết thực nhất của ngày lễ Vu Lan:
Trong kinh Phật có nói rằng:
“Hiếu vi vạn hạnh chi tiên”.
Nghĩa là trong muôn đức hạnh của con người thì hiếu đứng đầu. Và
kinh Phật còn dạy rằng: “Ra đời không gặp Phật, theo thờ Cha Mẹ tức là thờ
Phật”.
Sự thật, Cha Mẹ đối với con vô cùng cao cả, hy sinh tất cả đời
sống của mình để nuôi con, và con là nguồn hạnh phúc của cha mẹ. Nhất là mẹ,
một người suốt đời khổ sở vì con. Như : chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm
chẳng rời.
Và chính vì thế mà người ta thường ví : “Đặt con vào dạ là mạ phải
đi tu” quả không sai vậy. Biết bao nhiêu khổ cực trong lúc con còn trong bào
thai, nâng niu, không làm việc nặng, không ăn loại thức ăn sợ ảnh hưởng đến bào
thai. Cũng như lúc sinh ra, bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn những khi trở trời
trái gió, con cái nhát chơi biếng ăn, thì mẹ lại lo rầu bối rối, ngồi đứng
không yên, nghỉ cả ăn chơi làm lụng để săn sóc thuốc thang, chăm nom cho con
mau lành bệnh. Mỗi một tiếng rên của con là một mũi tên nhọn đâm sâu vào tim
cha mẹ, và ngược lại, một tiếng cười của con biến thành liều thuốc bổ của cha
mẹ. Lúc còn nhỏ thì tập ăn tập nói, tập ngồi tập đi. Khi lớn khôn cho vào
trường ăn học, bao nhiêu ước ao, kỳ vọng đều ký thác nơi con tất cả. Cho đến
khi trưởng thành cũng vẫn còn lo. Nào là : Tạo nghề nghiệp, lập gia đình. Hơn
thế nữa, mỗi khi người con đi làm ăn xa, thì cha mẹ ngày thường ngóng trông tin
tức. Bởi thế, một ngày con lớn lên thì một ngày cha mẹ già yếu thêm. Già yếu
với chuỗi ngày đầy lo, buồn, vui, sợ. Chỉ đến khi nào tắt thở thì mới không còn
lo cho con nữa.
Việt Nam có câu:
“Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ.”
Là một câu ca dao rất đầy ý vị, để cho tất cả mọi người đời đều
biết công ơn cha mẹ trong lúc đang nhọc nhằn săn sóc con cái mình.
“Cha mẹ nuôi con như biển hồ lai láng,
Công ơn cha mẹ như biển rộng trời cao.”
“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.”
Lấy gì báo đáp cho vừa? Bởi vậy, đạo làm con phải lo đền đáp công
ơn cha mẹ.
Việt Nam là dân tộc Hiếu Nghĩa làm đầu. Nên có câu:
“Điều thiện cùng tột không gì hơn Hiếu. Điều ác cùng tột không gì
hơn Bất Hiếu”.
Vì vậy, đã làm người mà không biết đem lòng hiếu để đền đáp ơn
sinh dưỡng thì không những mất cả nhân cách con người mà còn phản lại tinh thần
dân tộc, là tinh thần hiếu nghĩa thảo thuận.
“Thờ Trời Đất Quỉ Thần không bằng có hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là
vị thần minh cao hơn tất cả các vị thần minh”
Thật công đức hiếu hạnh không thể nghĩ tận cùng được.
Và muốn thành tựu tốt đẹp nhân cách của con người trên đời thì
không thể không nghĩ đến “Báo hiếu”.
Câu chuyện xưa dẫn chứng sau đây sẽ nói lên lòng hiếu thuận là quý
trọng hơn hết. Không những loài người mà loài vật cũng vậy.
*
CON VOI HIẾU NGHĨA
Ngày xưa, Vua xứ Ba-la-Nại, một hôm cùng đoàn tùy tùng vào rừng
săn thú. Đang lúc đi lùng bắt, bỗng nhà vua bắt gặp một con voi trắng như
tuyết, có sáu ngà, trông đẹp vô cùng. Vua truyền bắt sống, rồi đem về triều phú
thác cho tên Quản Tượng trông coi. Từ khi bị bắt, con voi rất buồn rầu, ngày
này sang ngày khác, không ăn, không uống, chỉ đầm đìa nước mắt. Tên Quản Tượng
sợ voi chết nên vào tâu mọi sự cho vua hay. Vua liền tự mình đến chuồng hỏi
rằng:
- Tại sao ngươi nhịn ăn, nhịn uống, khóc lóc cả ngày thế?
Voi lễ phép quỳ xuống tâu bằng tiếng người (thuở đó, loài vật cũng
nói được tiếng người) rằng:
- Tâu Đại vương tôi còn cha mẹ già ở tại rừng xanh, sức lực yếu
kém rồi không thể đi tìm thức ăn được, chỉ cậy có mình tôi nuôi dưỡng. Nay tôi
bị bắt, cha mẹ tôi không ai nuôi dưỡng, chắc chết mất! Tôi sầu khổ vô cùng, thà
chết còn hơn là sống mà không trọn phần hiếu đạo. Vậy, xin Đại vương mở lòng từ
bi tha cho tôi trở về nuôi dưỡng mẹ cha đến ngày nào cha mẹ tôi qua đời rồi,
tôi sẽ xin trở lại để hầu cận, đền đáp ơn Đại vương.
Nhà vua nghe nói bùi ngùi cảm động mà phán rằng:
- Ngươi là loài muôn thú mà biết thương yêu cha mẹ, lo tròn bổn
phận làm con, thì ta đây sao nỡ hẹp lòng mà chẳng cho ngươi về.
Nói rồi, ngài truyền thả voi ra. Voi được thả, mừng rỡ đến trước
mặt vua, từ tạ rồi chạy thẳng vào rừng cũ nơi cha mẹ ở.
Mười hai năm sau, một bữa vua đang ngủ tại triều, bỗng thấy con
voi lúc trước chạy về, mình mẩy gầy ốm hơn xưa. Nó đến quỳ lạy nhà vua và tâu
rằng:
- Tâu Đại vương, cha mẹ tôi bây giờ đã quá vãng cả, công cuộc
phụng dưỡng cha mẹ tôi nay đã xong, tôi nhớ lời hứa cũ, xin nguyện từ đây hầu
hạ Đại vương.
Vua mừng rỡ, khen voi có hiếu nghĩa và biết giữ lời hứa. Rồi sai
người trông nom rất chu đáo con voi này cho đến khi già chết.
Ấy! Chúng ta thấy rằng : Loài vật mà còn biết hiếu nghĩa với cha
mẹ huống chi là loài người.
Với tinh thần trên, Thiếu Nhi chúng ta cần xác nhận rằng : “Hiếu
thuận báo ân, là một tinh thần căn bản”.
THẢO ĐIỀU
(Bảo Lộc)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 102, ra ngày 10-8-1973)