Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

CHƯƠNG VII_NGÔI SAO NHỎ


CHƯƠNG VII


Nụ cười của Ly Ly như hoa hồng nhiều cánh nở khắp đường phố, từ những con đường nhỏ vắng người đến những đường phố lớn đông người. Những tấm bích chương quảng cáo được in nhiều màu tuyệt đẹp dán cùng khắp trên bờ tường, trên gốc cây. Tên của Ly Ly được kẻ thật lớn nổi bật hơn những cái tên khác cùng in trên tấm bích chương như: ông đạo diễn, thằng Hoàng Phi, cô bé Thu Oanh... Đôi mắt Ly Ly trong tấm bích chương tròn xoe, đen nhánh như hai hột nhãn, hàng lông mi cong vút. Nụ cười vừa đủ để hở chiếc răng khểnh trông thật dễ thương. Bên dưới một tấm hình khác: Ly Ly đang đi trên một đồi cát, tóc phất phới theo gió, dấu chân dài hằn lên từng lõm nhỏ. Đang tần ngần đứng nhìn tấm bích chương, nhìn kỹ một chút, Tâm bỗng chợt kêu nhỏ trong miệng. Tâm nhớ tấm hình bên dưới mình đã chụp cho Ly Ly ở bãi sau hôm đi chơi biển. Không hiểu sao người ta lại lấy in vào tấm bích chương quảng cáo này?! Tâm thấy vui vui và phục mình hết sức. Tình cờ mà Tâm chụp được một tấm hình thiệt là hay.

Kéo lại túi xách cho ngay ngắn trên vai, Tâm lững thững đi dọc vỉa hè đường, đôi mắt không rời những tấm bích chương quảng cáo có bóng của Ly Ly. Ngang một rạp hát lớn của thành phố, Tâm dừng lại. Hình của Ly Ly được vẽ thật lớn phía bên ngoài như chào mừng tất cả mọi người đến xem phim. Tâm có cảm tưởng đôi mắt Ly Ly đang nhìn mình chăm chăm và nụ cười hình như chỉ cười cho mỗi mình Tâm mà thôi.

Người ta sắp hàng dài để mua cho được vé hát, hầu hết họ đi chung cả gia đình. Từ gia đình này đến gia đình khác đứng bàn tán đủ thứ chuyện về cuốn phim. Khuôn mặt ai ai cũng có vẻ hài lòng. Tâm nghĩ: Nếu Ly Ly được đứng như mình ở đây giờ phút này sẽ thấy bao nhiêu công trình của Ly đóng góp vào cuốn phim không uổng. Mặc dù cuốn phim Tâm đã biết từ đầu đến cuối, nhưng Tâm muốn bước vào mua một vé như bao đứa trẻ khác. Ngồi khoan khái tĩnh mịch trong bóng tối để thưởng thức tài nghệ và vui theo một Ly Ly khác trên màn ảnh.

Tâm say sưa nhìn những tấm ảnh của cuốn phim được ghim vào một cái khung trên chỗ bán vé. Bỗng một bàn tay vỗ nhẹ vào vai Tâm. Quay lại, Tâm buột miệng kêu:

- A!... Chú mập.

Chú Bảy mập phục phịch trong bộ đồ lớn, đôi mắt chú mở tròn khi nhìn thấy Tâm mang cái túi xách ở vai, nói:

- Mấy tuần nay mày đi đâu vậy nhỏ? Làm tao đi kiếm mày muốn chết!

Tâm cảm động khi nghe chú mập nói như vậy. Chỉ có chú mập thương và nhớ đến nó thôi. Còn ngoài ra không một ai thèm biết đến thằng nhỏ sai vặt ở phim trường, có nó hay không cũng không cần thiết. Bỏ cái xách xuống đất, Tâm hỏi:

- Chú kiếm tôi làm chi? Ông quản lý không cho tôi làm ở phim trường nữa! Hôm nay tôi định đi kiếm chú xem có việc gì làm nhờ chú dẫn tôi đi với.

- Ông quản lý đuổi mày tao biết rồi! Mày khỏi lo thất nghiệp đi. Ông quản lý là cái thớ gì mà lối quá vậy. Chứ bộ người ta làm cho ổng, ổng muốn đuổi giờ nào thời đuổi sao. Ông ấy tối ngày chỉ biết đếm tiền và hò hét không hà, chớ ông đâu biết thiện chí và công việc của mày nhỏ.

Tâm mừng rỡ:

- Vậy có chỗ nào làm mới, chú chỉ tôi làm với chú?

- Hỏng có chỗ nào mới để làm hết á. Ông đạo diễn và bà chủ sai tao đi kiếm mày mấy ngày nay mệt ứ người luôn. Đi... đi, mày về nhà bà chủ xem có chuyện gì mà họ cần tìm mày quá vậy?!

Tâm chưa kịp hỏi câu nào, chú mập đã cúi xuống lấy cái túi xách của Tâm, một tay nắm lấy tay Tâm lôi bước ra đường. Chiếc xe của hãng phim đậu trước cửa rạp hát. Mở cửa chú quăng cái xách nhỏ vào và đẩy Tâm lên. Tâm mỉm cười khi nghĩ đến trong phim có một cảnh chú mập bắt cóc con nhỏ Ly Ly. Chú mập cũng diễn ra một pha bắt cóc với mình. Trong phim, chú mập có một bộ mặt dữ như Trương Phi, còn ở đây, bộ mặt của chú hiền ơi là hiền, có một chút gì thương yêu lẫn bên trong. Ngả lưng vào nệm xe, Tâm nhìn chú mập bên tay lái:

- Chuyện gì mà chú kéo tôi đi gấp quá vậy?

- Hỏng gấp sao được nhỏ? Mấy hôm nay tao đi kiếm chỗ này, chỗ kia tùm lum. Mỏi chân, mỏi mắt, mỏi miệng. Xe hao xăng, bảo sao tao không nắm mày về liền?!

Tâm cười như nắc nẻ sau câu nói tếu tếu của chú mập. Một lát sau xe qua nhiều đường phố, Tâm làm bộ mặt tỉnh rót:

- Chú làm tôi hỏng hiểu gì hết trơn hà!

- Tao cũng đâu hiểu gì? ông đạo diễn và bà chủ bảo sao thời tao làm vậy, cũng như mày chứ có gì hơn đâu!

Không thèm hỏi nữa, Tâm ngó ra ngoài đường xe chạy. Bà chủ và ông đạo diễn kêu Tâm đến làm chi vậy? Có thể vì tấm hình Tâm chụp Ly Ly trên bãi cát. Tấm hình tuyệt đẹp giống như thiệt ở bên ngoài? Chưa chắc! Có thể họ kêu Tâm vì thằng Phi, hôm quay phim ở Vũng Tàu, Tâm đã đánh nó. Tâm không bằng nó về giàu sang, Tâm không hơn nó về sức học; nhưng Tâm tin rằng mình không hèn, mình có đủ can đảm đánh những người khinh thường mình chỉ vì nghèo. Nghèo không phải là một cái tội như đi nói xấu kẻ khác, không phải cái tội như đi ăn cắp. Thắc mắc trong đầu Tâm không chờ lâu. Chiếc xe của chú mập dừng lại trước ngôi biệt thự của bà Sương Nguyệt. Mở cửa xe, Tâm bước xuống nhìn quanh quất. Ngôi biệt thự này Tâm nhớ có lần đến kêu Ly Ly đến phim trường. Tâm bước theo chú mập qua dãy sân cỏ dưới tàng cây vú sữa rộng. Bóng mát phủ đầy trải rộng những hoa nắng lung linh theo từng chiếc lá cây. Những bông hoa trồng dọc theo hai bên dãy tường, màu hồng màu trắng rực lên giữa đám lá xanh. Tất cả đều chao động, như trái tim nhỏ Tâm chao động nghe rõ mồn một, chao động như bước chân mạnh bạo, nhưng không kém phần lúng túng.

Bước vào phòng khách, Tâm bắt gặp ngay ông đạo diễn đang ngồi nói chuyện với bà chủ hãng phim. Ly Ly ngồi giữa bộ ghế salon, đang dí mắt vào một tuần báo về điện ảnh. Con nhỏ thoải mái trong bộ đồ mặc nhà màu xanh mềm. Mái tóc dài được chẽ làm hai cột lại với hai cái nơ bươm bướm thắt cùng màu. Tâm ngại ngần đi chậm lại, trong khi chú mập bước vào đã oang oang:

- Kiếm được thằng nhỏ rồi nè!

Mọi người nhìn về phía Tâm. Ly Ly buông tờ báo xuống ghế đứng phắt dậy đưa đôi mắt mừng rỡ nhìn. Bà chủ hãng phim cười thật hiền nói:

- Lại đây cháu.

Bà chỉ Tâm ngồi xuống chiếc ghế cạnh chỗ Ly Ly. Phòng khách và những người chung quanh sang trọng quá làm Tâm mất tự nhiên. Đang e dè chưa biết phải làm sao, bà chủ phải nói lần thứ hai, Tâm mới ngồi xuống được chiếc ghế nệm êm ái. Tay chân Tâm thừa thãi và vô duyên làm sao!

Ngồi một bên, tiếng Ly Ly nhỏ và trong:

- Mấy tuần nay anh đi đâu?

- Về thăm người chú và mấy em.

- Anh có mua quà cho mấy em không?

- Có, đứa nào cũng mừng hết đó Ly Ly.

Tâm hồn nhiên làm cho bà chủ và chú mập ngồi gần đó cũng phì cười. Chỉ riêng ông đạo diễn không nói, nhưng đôi mắt ông không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào nơi Tâm. Khuôn mặt đó, một khuôn mặt thật đáng nói nếu cuốn phim sau được quay. Nếu khai thác đúng mức, cậu bé sẽ không thua gì cậu bé Hoàng Phi, có thể trội hơn nữa đằng khác. Với dáng người mảnh khảnh như một đứa con gái, nhưng thật đầy đủ ý chí, công việc giao phó cho cậu bé trong cuốn phim sau sẽ không mấy khó khăn.

Ông đạo diễn nhìn bà chủ hãng phim, gật gù nói:

- Cậu bé này sẽ thay thế Hoàng Phi trong cuốn phim sau.

Đang nói chuyện với Ly Ly, Tâm nghe ông đạo diễn nói về mình như thế. Tâm có cảm tưởng như mình không còn ngồi trong phòng khách này nữa! Tâm như được đưa bay bổng lên cao bằng quả bong bóng màu xanh tuyệt đẹp. Quả bong bóng đưa mãi Tâm lên những vầng mây ngũ sắc và rong chơi trên đó. Tâm thấy mình như một chú bé trong những truyện cổ tích thơ mộng, chú bé đang sống trong rừng đói no từng bữa, bỗng dưng lạc vào lâu đài thần tiên thơ mộng. Tâm vẫn chưa tin lời ông đạo diễn nói ra là điều thật, sợ Ông ta nói lộn với ai chăng? Không lý, vì chỉ ở đây mỗi mình Tâm thôi. Xoay lại, Tâm đưa mắt chăm chú nhìn ông đạo diễn, xem ông có để ý thực đến Tâm không?

Tiếng ông đạo diễn trầm ấm:

- Chú bé có thích đóng phim không?

Tâm ngập ngừng vì sung sướng:

- Dạ, thích... Nhưng từ trước đến giờ, tôi chỉ biết đến ba tấm phông và mấy cây đèn thôi.

- Không có gì, miễn em thích và hăng say trong công việc. Anh biết chú bé có thừa điều này, vì qua những tấm hình chụp Ly Ly trên đồi cát ở bãi sau, đã cho thấy một phần nào sự say mê của chú bé.

Tâm muốn buột miệng "à..." lên một tiếng. Nhưng Tâm đã ngăn kịp. Tâm thấy chú mập đang nhìn Tâm với khuôn mặt hớn hở. Khuôn mặt của chú đã phị, càng phị ra thêm. Nhất là Ly Ly có vẻ hài lòng hơn ai hết! Đôi mắt con nhỏ hàng lông mi chớp chớp và nụ cười mím mím che khuất chiếc răng khểnh đáng yêu. Cười với Tâm, Ly Ly xoay qua ông đạo diễn:

- Chứ bộ anh Tâm này thế Phi, vai chánh cho cuốn phim sắp sửa quay hở chú?

- Mẫu người của chú bé này thực hơn Phi.

ông đạo diễn kể cho mọi người nghe đại ý của cốt truyện phóng tác theo cuốn truyện dài của tuổi thợ Câu chuyện của những đứa bé không may sống lây lất bên những vỉa hè, trong những ngõ hẹp tối tăm. Nỗi buồn của chúng là nỗi buồn chung của tuổi thơ hôm nay mà những người có trách nhiệm đã quên. Ông tự tin cuốn phim này sẽ vượt xa hơn cuốn phim đã quay. Một mẫu người và khuôn mặt như Tâm, sẽ làm cho cuốn phim sống động, thực hơn. Ông sẽ dành mỗi chiều một vài giờ để chỉ dẫn Tâm ở bước đầu.

Đưa mắt nhìn lên bức vách ở phòng khách, đôi mắt Tâm dán chặt vào một khung ảnh lớn: Ly Ly đang cúi xuống, mái tóc phủ che một bên, môi đang mím mím như đang giận dỗi điều gì. Cũng tấm hình này Tâm chụp cho Ly Ly trên đồi cát, bức hình đẹp và dễ thương như thế, vậy mà hôm đó Ly Ly bảo chụp gì kỳ, lúc người ta cười không chụp, đợi cái mặt xí méo xẹo lại chụp, Tâm muốn hỏi Ly Ly sao lúc trước bảo kỳ, bây giờ lại đem chưng lớn ở giữa phòng khách, nhưng nó dị làm sao đó. Trước mặt Tâm còn có những người lớn, chắc họ phải khó chịu vì những chuyện vặt vụn không đâu của con nít.

Ông đạo diễn trước khi ra về,  mỉm cười nói với Tâm:

- Nghề nào cũng cao quý hết. Không có sự phân biệt nghề nào xấu, nghề nào tốt. Muốn cho nghề mình tốt, trước tiên phải đủ can đảm chịu nhiều tủi nhục để học hỏi. Thường muốn được kinh nghiệm quý báo thời phải đổi với một giá rất đắt. Anh mong chú bé đừng nản chí trong công việc mới khó khăn này.

Tiếng dạ của Tâm lí nhí trong miệng. Tâm cúi gầm mặt xuống đất, khi ngẩng đầu lên thời ông đạo diễn đã khuất ngoài cánh cửa chính.

Chú mập nãy giờ ngồi yên, ông đạo diễn vừa bước ra ngoài, chú đã chồm người sang bên cạnh Tâm cười hề hề:

- Nhỏ ơi, như thế là mày đã trở thành một tài tử tí hon rồi đó. Mơ ước đã được phân nửa rồi, bây giờ ráng cố gắng mà đi.

Tâm cười:

- Đó là tôi cũng nhờ chú hết.

- Mày nhờ tao cái gì đâu? Có nhờ cô bé Ly Ly thời có.

Tâm nhìn sang Ly Ly. Con nhỏ sửa lại mái tóc:

- Ông đạo diễn ổng chọn anh chứ Ly Ly mắc mớ gì trong đó. Hôm trước ông đạo diễn cầm mấy tấm hình của anh chụp mà Ly rửa đem về, ông đạo diễn hỏi ông thợ chụp hình nào chụp tự nhiên và dễ thương quá vậy. Ly nói anh, ổng chả biết. Sau nói đến thằng nhỏ sai vặt ở phim trường, ổng mới chợt à lên một tiếng. Không biết nghĩ sao, ổng kêu anh đóng phim đó chứ.

Ly Ly nói làm Tâm nghe vui vui và mát rượi như đang ngồi trong một rạp hát có máy lạnh. Tâm lan man nghĩ đến cuốn phim sắp tới có mặt Tâm. Khi cuốn phim hoàn thành, mấy ngàn người ngồi trong bóng tối yên lặng thưởng thức tài diễn xuất của Tâm trên màn ảnh. Tâm sẽ mời chú thiếm và mấy em đi xem. Con nhỏ Loan, thằng Hạo sẽ thấy anh nó hách không chê được. Chú thiếm sẽ không bảo Tâm ngu đần, chả làm được tích sự gì! Biết đâu chú thiếm sẽ thương Tâm hơn những ngày trước. Nếu làm được công việc mới này, người ta sẽ trả cho Tâm một số tiền khá lớn, hơn số tiền trả cho thằng sai vặt Tâm lúc trước. Với số tiền kiếm được Tâm sẽ đem về cho chú một ít, giúp đỡ chú cơn túng bấn hiện thời. Ừ, còn Tâm nữa chứ! Tâm sẽ sắm sửa và dành một số giờ rảnh trong việc làm, đến trường ngồi học lại. Thầy cô và bạn bè, bảng đen và phấn trắng, ngôi trường đồ sộ và những con đường ngập bóng mát hiền hòa. Bước chân Tâm sẽ vui đùa hằng ngày trên những con đường thân ái đó. Mới nghĩ đến điều này thôi, Tâm tưởng như mình đã có tất cả những ước mơ trong tay, lòng rộn vui khôn tả, miệng cứ chúm chím cười hoài.

Ngồi nhìn thằng nhỏ khuôn mặt đầy dẫy niềm vui, chú mập vui theo nói:

- Gì mà cười hoài vậy nhỏ?

Tâm rộn rã:

- Mai mốt tôi sẽ xin đi học lại chú.

- Ừ, để bữa nào rảnh, tao sẽ đưa mày đến trường xin học.

Ly Ly chen vào:

- Đầu niên học xin vào không khó.

Tâm chợt nhớ tấm hình đang treo trên tường, cũng nhờ khuôn mặt hờn dỗi của Ly Ly, làm cho ông đạo diễn chú ý đến Tâm. Trong tấm hình đó, Tâm thấy Ly Ly dễ thương hơn bên ngoài nhiều. Nhìn theo đôi mắt của Tâm, Ly Ly cười trong veo:

- Nhìn gì mà nhìn dữ vậy?

- Nhìn Ly đang khóc!

- Người ta chỉ mới mếu thôi hà, nhưng bây giờ thời vui và cười rồi!

Tâm hiểu Ly Ly muốn nói gì. Niềm vui đến bất ngờ với Tâm cũng là niềm vui chung của Ly Ly và chú mập. Họ thật tình giúp đỡ Tâm trong những ngày khốn đốn, những ngày lủi thủi một mình. Bây giờ Tâm mới thấy được chung quanh mình, không phải là ai cũng có tấm lòng sâu độc, mà còn có những người thực tốt như chú mập, Ly Ly chẳng hạn.

Ngày trước Tâm cứ nghĩ Ly Ly là một ngôi sao nhỏ rạng rỡ, người ta chỉ có thể nhìn thấy thôi, chứ không bước đến ánh sáng rạng rỡ đó được. Nhưng bây giờ, Tâm nghĩ khác. Mình cũng có thể là một trong những vì sao rạng rỡ đó nếu thật thà và đầy đủ niềm tin trong bất cứ công việc gì của mình.


NGỌC PHƯƠNG

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>