CHƯƠNG VI
Cả
buổi chiều hôm ấy Khôi Việt nằm dài trên bãi cỏ trước lều mải miết bàn
tính với nhau. Cả hai đều đồng ý rằng hoàn cảnh của viên đội Thương
chánh rất đáng lo ngại, phải làm sao giải cứu được ông ta trước khi bọn
buôn lậu “chạy hàng”. Điều làm hai anh em thắc mắc là tại sao, tới giờ
phút này, các bạn đồng đội của viên đội Thương chánh kia vẫn chưa có
phản ứng gì về sự vắng mặt của ông ta ?
Việt thắc mắc :
-
Tại sao họ không tìm ông ta nhỉ. Nếu bọn buôn lậu chuyển hàng đi đêm
nay tất họ cũng sẽ định đoạt luôn về số mạng ông ta. Tớ chắc rằng Tư
Muôn xuống quận hôm nay chính là để báo động cho đồng bọn biết.
Khôi nhai nát một cọng cỏ gà gật đầu nói :
-
Tình cảnh cũng nguy cấp thật. Tụi mình không thể ngồi yên cho sự việc
buông xuôi như thế được, vì vụ này không còn là một trò chơi mạo hiểm
chỉ để làm thoả mãn óc tò mò của chúng ta, mà buộc chúng ta phải thi
hành một nghĩa cử : tìm cách cứu thoát một mạng người. Bởi vậy, tớ đề
nghị với cậu…
Hai
mái đầu chụm lại gần nhau. Khôi phác hoạ một chương trình hành động và
Việt lắng nghe, chăm chú bổ khuyết những sơ hở của bạn. Khôi nói :
-
Bây giờ chúng ta cứ đặt giả thuyết rằng chính Tư Muôn đã bất thần tấn
công viên đội thương chánh đêm qua, và đem dấu ông ta trong sào huyệt
của hắn… Cậu đồng ý thế không ?
- Đồng ý !
- Vậy chúng mình phải lọt vào sào huyệt hắn đêm nay, trước khi bọn hắn tới.
- Bằng cách nào ? Với lại tớ còn ngại Tư Muôn có thể khám phá ra tụi mình đã vào lô cốt…
- Có thể. Nhưng làm sao hắn biết được là chúng mình đã vào ? Tụi mình có ký tên vào vách lô cốt đâu mà sợ ?
- Nhưng còn những con chó, chúng có thể đánh hơi…
- Từ đêm qua đến giờ, hơi hướng của hai đứa mình trong đó bay đi hết rồi. Bọn chó dù có thính mũi cũng không biết được.
Suy nghĩ giây lát, Khôi tiếp :
-
Tối nay chúng mình không cần ra ngoài lô cốt làm gì, ngoài đó chỉ có
toàn hàng lậu thôi. Trọng tâm của chúng mình là đi tìm gặp viên đội
thương chánh xem ông ta có bị nhốt ở nhà Tư Muôn không.
- … Có lẽ ở dưới hầm … chứa khoai ?...
-
Ừ ! Muốn vào hầm khoai nhà Tư Muôn – như cậu đã biết đó chỉ có hai cách
: Bằng lối Thanh đã dẫn chúng ta xuống, hoặc bằng lối ở ngoài triền núi
vào. Chúng ta phải tìm ra một hốc nào đó mở cửa vào con đường hầm. Điều
khó là ở ngoài triền núi, hang hốc vô số, phải làm sao tìm cho trúng.
Cậu không có ý kiến gì sao ?
Việt đáp :
-
Không, nhưng tớ đang tính đây. Nghĩa là tớ đang ước lượng xem lối vào
đường hầm đó ở mức độ nào của triền núi. Đáng lẽ chúng mình phải hỏi
ngay Thanh xem lối vào ấy ở khoảng nào.
- Đời nào Thanh nói cho tụi mình biết. Cô ta sợ ông cha nuôi lắm…
- Vậy thì ta cứ tính xem từ nhà Tư Muôn ra tới triền núi vào khoảng bao xa và từ trên nhà hắn xuống hầm sâu độ bao nhiêu thước ?
-
Xem nào, lúc tụi mình theo Thanh xuống lấy khoai, tớ có đếm nhẩm chừng
40 bậc. Cứ cho mỗi bậc cao độ 30 phân thì hầm phải ở dưới mặt đất khoảng
12 thước. Như vậy ta tìm lối vào ở ngoài triền núi thấp hơn nhà Tư Muôn
độ 15 thước.
- Nghĩa là vào khoảng giữa triền núi ?
- Ừ, tớ ước lượng như vậy đó.
Việt lắc đầu :
-
Không chắc lắm đâu… Nếu đường hầm đi dốc xuống và chia làm từng đợt,
theo khoảng dài 200 thước thì lối vào phải ở ngay chân núi, ngay gần bãi
trồng khoai, bắp của Tư Muôn. Tớ tưởng tụi mình tìm ngay từ chân núi và
cứ theo chiều ngang tiến ngược dần lên. Như vậy mình không bỏ sót một
khoảng nào. Cậu hiểu ý định của tớ chứ ?
Khôi gật đầu :
- Hiểu ! Chúng mình sửa soạn là vừa…
Hai
anh em trở vào trong lều. Khôi sỏ đôi giày vải vào chân trong lúc Việt
cắm cúi lắp cục “pin” mới vào đèn bấm. Lần này Việt cảm thấy yên tâm và
hăng hái, vì ý kiến của anh đưa ra.
Khôi chậm chạp buộc cẩn thận dây giày. Anh nghiền ngẫm một ý nghĩ chợt hiện lên trong đầu : Chưa có gì sáng tỏ trong vụ này cả.
Ngoài
trời, hoàng hôn đã nhuộm tím chân mây. Không gian chìm trong vắng lặng.
Không một tiếng động nhỏ, kể cả tiếng gió rì rào trong rừng cây.
Khôi đứng lên khi ánh trăng vừa hiện, bảo bạn :
- Nào đi, thử cầu may xem !
*
Sau
một hồi tìm kiếm khá lâu và vất vả, Khôi Việt tìm ra được cửa hầm dẫn
vào nhà Tư Muôn. Cửa hầm là một hốc đá phủ đầy gai góc, nếu vô tình
không ai có thể ngờ đó là một đường hầm được đục ngầm vào lòng núi. Khi
tìm đến quãng đó, Việt vô ý trượt chân ngã vào bụi gai. Và trong khi
Khôi tìm cách gỡ cho bạn đứng dậy, đã khám phá ra cửa vào kín đáo đó.
Đường
hầm dốc thoai thoải, hai anh em hồi hộp chui vào, lần mò từng bước. Độ
hơn trăm bước Việt ngửi thấy phảng phất có mùi thực phẩm. Anh đánh bạo
ấn nút đèn bấm. Trước mặt anh hiện ra một khoảng lõm khá rộng chất đầy
củi khô, và hai thùng lớn không rõ chứa gì bên trong… cạnh đó có một
thang gỗ dựng lên tới sát trần. Việt đưa ngược ngọn đèn chiếu lên. Đầu
cây thang có một ván đậy. Anh đoán trên đó còn một hầm nữa. Hầm trên có
thể là chỗ hồi sáng Thanh đã dẫn hai anh em xuống lấy khoai và bắp. Còn
cái hầm phía dưới này có lẽ Thanh không biết, hoặc có biết mà không dám
nói.
Khôi khẽ rỉ vào tai bạn :
- Chúng mình đang ở dưới nhà Tư Muôn đấy. Cẩn thận nhé !
Việt
tắt đèn, cố gắng đè nén hơi thở bỗng nhiên nổi mạnh. Cả hai đứng sát
nhau nghe ngóng, và chợt giật thót người khi nghe có tiếng rên rỉ gần
đâu đây. Định thần lại họ nghe rõ tiếng ấy nói :
- Nước… cho xin ngụm nước… khát quá !
Việt nắm chặt tay bạn run giọng nói :
- Có người ở đây !
Khôi rón rén đi về phía đống củi…
Tiếng rên im bặt…
Việt cầm đèn theo sát bạn. Khuất đống củi, một thân người nằm co quắp lưng tựa vào vách hầm.
Việt
nuốt nước bọt trước khi cúi xem thân hình đó. Anh chiếu đèn soi mặt
người lạ. Đó là một người đàn ông còn trẻ, thân hình cao lớn nên hầu như
nằm choán gần một góc hầm. Dưới ánh đèn người đàn ông chấp chới đôi mắt
như không chịu nổi.
Khôi nhận ra ngay người đó mặc quần áo kaki vàng. Anh lẩm bẩm :
- Viên đội thương chánh !
Việt quay đèn ra chỗ khác cho ánh sáng khỏi làm chói mắt ông ta.
- Cho tôi uống… khát lắm !
Người đội thương chánh nhắc lại. Khôi quì sát nạn nhân.
- Chúng tôi tiếc không đem nước theo, nhưng có thể giúp ông thoát khỏi nơi này.
Viên đội tỏ vẻ ngạc nhiên :
- Nhưng các cậu là ai thế ?
- Chúng tôi là hai hướng đạo sinh cắm trại ở gần đây…
-
Trời !... Thế mà tôi tưởng các cậu là con lão già đã nhốt tôi ở đây…
Chính hắn hạ tôi một gậy sau ót, làm tôi ngất đi. Nhưng giờ khá rồi… Tôi
vờ rên rỉ như thế để các cậu để ý thôi… Bây giờ là mấy giờ rồi ?
- Hơn 10 giờ đêm…
- Thế ra tôi bị nhốt ở đây hơn một ngày rồi.
Vừa
nói viên đội thương chánh vừa cố gắng đứng lên, nhưng lại chúi mình ngã
xuống. Hai chân ông ta bị xiềng vào nhau và cột liền với một khoen sắt
chôn ở vách hầm. Khôi cố gắng mở thử, nhưng viên đội nói :
- Không được đâu… Tôi đã mở thử rồi. Lão già này tinh quái lắm.
Khôi lo lắng :
- Làm thế nào bây giờ ?
- Đợi các bạn đồng đội của tôi đến giải cứu…
- Vâng, nhưng chúng tôi chưa thấy bóng họ đâu cả. Không hiểu tại sao họ lại chưa đến tìm ở vùng này ?
-
Bởi vì, theo thường lệ, tôi được chỉ định đi tuần ở vùng trên. Tôi mới
đổi về đây được chừng ít tháng nên chưa rõ hết thung thổ vùng này. Chiều
qua tôi đi lạc xuống đây, với một con chó… Bỗng nghe có tiếng súng nổ…
Con chó của tôi lôi tôi đi đến một khúc đường mòn thì nó xông vào một
chiếc lô cốt bỏ không,và bị một con chó khác tấn công. Tôi chưa kịp rút
súng ra đã bị đánh quỵ. Tỉnh dậy tôi thấy bị nhốt trong hầm tối này.
Trong ngày có một lão già khệnh khạng, càu nhàu soi đèn đem xuống cho
vài củ khoai luộc, với một ít cơm…
- Ông có thấy cô gái nào theo sau hắn không ?
-
Không. Lão chỉ xuống có một mình, sặc sụa hơi rượu… Các bạn đồng đội
của tôi, giờ này chắc đang tìm kiếm ở khu trên, nơi tôi có phận sự đi
tuần. Điều cốt yếu là bây giờ phải làm sao liên lạc được với họ.
Việt gật đầu :
-Vâng tôi cũng nghĩ thế.
- Cũng may mà tôi gặp được các cậu.
Và chỉ vào Việt, viên đội thương chánh tiếp :
- Cậu có biết một đồn thương chánh nào gần đây nhất không ?
- Không, nhưng tôi sẽ tìm được…
- Nếu vậy, cậu đi ngay hộ cho. Cậu báo cho ông Trưởng đồn biết và dẫn ông ta lại đây !
Việt gật và quay sang Khôi dặn :
- Cậu ở lại đây nhé.
Khôi xiết chặt tay bạn. Chưa bao giờ đôi bạn thấy thương mến nhau bằng lúc này.
Việt đi rồi, Khôi quay lại nhìn viên đội thương chánh nằm nhăn nhó ở góc hầm. Anh hỏi :
- Ông làm sao thế ? Đau à ?
- Chỗ vết thương sau gáy tôi nhức quá, buốt lên tận óc. Nghĩ giận lão già bất lương kia quá, tôi chỉ muốn chửi vang lên cho hả.
Khôi vội can :
- Ấy chớ… Ông mà làm họ xuống đây thì nguy cả. Ông cần tôi giúp ông điều gì không ?
- Không !
- Tôi trở về lều lấy thuốc đến băng bó vết thương cho ông nhé ?
- Chắc ở đây một mình với tôi cậu sợ chứ gì ?
- Không phải thế, nhưng tôi có thuốc “mercurochrome” và “vaseline”… Tôi sẽ rịt vết thương cho ông đỡ đau…
- Hai thứ thuốc đó chưa chắc có hiệu nghiệm gì, nhưng nếu tiện thì cậu mang cho ít nước uống. Tôi khát khô cả cổ rồi.
- Ông cứ yên trí, tôi sẽ trở lại ngay.
*
Việt rất hãnh diện về trọng trách mà viên đội thương chánh vừa giao cho. Chuyến này anh giữ vai quan trọng mà !
Mò mẫm trong đường hầm đưa ra ngoài triền núi, Việt đã thấy trước cuộc vây bắt của nhân viên công lực tóm cổ trọn ổ buôn lậu…
Để
đánh lừa mệt nhọc anh tưởng tượng ra những lời khen ngợi của các nhân
viên thương chánh tặng hai anh em. Và nét mặt hân hoan của ba má khi đọc
tin trên nhật báo với chi tiết : “Khôi Việt đã giải cứu được viên đội
thương chánh, nạn nhân của bọn buôn lậu, và nhờ đó cơ quan hữu trách còn
tịch thu được một số hàng đáng kể” !
Rồi
bọn Bạch Liên hẳn phải “lác mắt” về cuộc mạo hiểm này của anh ! Nhất
định các tờ báo Thiếu Nhi sẽ tranh nhau chụp hình hai anh em và phỏng
vấn lu bù…
Việt
vừa sống trong giấc mộng vinh quang đó vừa rảo bước. Anh đã ra khỏi
triền núi. Bầu trời le lói ánh sao, và mảnh trăng lưỡi liềm lơ lửng trên
không nhuộm vàng núi đồi một màu lung linh huyền ảo. Việt hít một hơi
dài. Không khí mát lạnh của đêm khuya làm anh khoan khoái. Nhìn xuống
chân núi anh thầm nghĩ :
Đồn thương chánh chắc ở dưới lòng thung lũng kia. Mình hãy trở về lều rồi định hướng đi tắt cho chóng.
Nghĩ
thế, Việt cắm cổ chạy miết, anh nhảy từng bước dài… Bỗng Việt trượt
chân, ngã lộn người đi. Trong vòng hai phút, Việt nghe tiếng đất sỏi rơi
ào ào quanh mình và người anh lăn nhào xuống dốc.
Rồi tất cả ý nghĩ của Việt mờ đi. Anh rơi vào khoảng trống, nằm ngất lịm dưới chân núi.
*
Không
biết bao lâu sau Việt mới tỉnh. Nhưng tỉnh lại, Việt nhận ra mình đang
nằm trên một vũng đất ẩm ướt, sặc sụa mùi cỏ, và mùi lá mục. Quanh Việt
không một tiếng động, trừ hơi gió thổi sào sạc đám cỏ lau. Anh thử sờ
nắn khắp mình, sờ thử xuống đất nhớp nháp những bùn.
Ái ! Cái chân… Việt muốn nhích chân trái đi mà không được. Anh thầm bảo :
- Chết rồi, không biết chân mình làm sao đây. Đen đủi quá !
Chờ
đợi một lát, Việt thử cố gắng đứng dậy. Nhưng chỗ bắp vế trái buốt nhói
làm anh lại phải nằm vật xuống. Anh đưa tay sờ lại vào chỗ đau không
hiểu chỗ đó dính bết máu hay bùn…
Và
Việt, người anh hùng của câu truyện “Bên đường Biên giới” nhân vật quan
trọng được các báo chụp hình phỏng vấn, bỗng khóc lên rưng rức, và cảm
thấy tuyệt vọng chua cay…
Bỗng
nhiên Việt cố nén cơn thổn thức. Anh vừa nghe có tiếng động đâu đây. Có
kẻ nào đang tới… Anh với tay tìm một hòn đá để phòng nếu phải tự vệ.
Anh không chắc sẽ được ai cứu, mà chỉ lo bọn buôn lậu có thể đuổi theo.
Việt
thấy lạnh sống lưng vì sợ. Không tự chủ được nữa, Việt gào lên và nghẹn
ngào như tất cả mọi người lâm cơn thất vọng. Anh gọi :
- Má ơi ! Má…
____________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII