CHƯƠNG IV
Khôi lắng nghe tiếng chân bước ở ngoài xa hẳn, bốn bề lô cốt im lặng hoàn toàn mới nhỏm người dậy, tụt xuống đất. Anh bảo Việt :
- Bật đèn lên Việt. Chúng mình bị kẹt trong này thật rồi. Cậu có nghe tiếng khoá cửa đấy chứ ?
- Có. Không hiểu gã đàn ông kia lấy đâu được chìa khoá cửa lô cốt này ?
- Hắn có thể tạo ra một chìa khoá giả…
Việt thở dài lo lắng :
- Thế là chúng mình bị cầm tù ở đây. Làm cách nào ra được bây giờ ?
Giọng nói của Việt rền rĩ như muốn khóc. Khôi cố gắng trấn tĩnh bạn tuy anh cũng lo bấn cả người:
-
Tớ không ngờ tụi mình bị mắc kẹt. Đúng ra mình không nên dính líu vào
vụ này như khi nãy cậu đã can ngăn. Dù sao phải tìm cách ra khỏi đây nội
đêm nay không có thì nguy…!
Suy nghĩ giây lát Khôi tiếp :
- Điều cần nhất là tụi mình phải bình tĩnh… Bây giờ ta hãy ra phòng ngoài xem có cách nào thoát khỏi đây không…
Đôi
bạn rọi đèn tiến ra phòng ngoài. Căn phòng vuông vắn, chật hẹp chỉ có
một cánh cửa sắt làm lối ra vào duy nhất. Khôi huých người vào cánh cửa
thấy không nhúc nhích, anh mở lưỡi dao luồn thử vào ổ khoá. Lưỡi dao
quằn đi, muốn gãy.
Việt ngăn bạn lại :
- Vô ích, không được đâu ! Cánh cửa sắt này đến lựu đạn cũng không phá nổi. Lưỡi dao nhỏ này ăn thua gì !...
Bỏ
cánh cửa, cả hai lùi lại giữa phòng, nơi xảy ra cuộc xung đột đẫm máu
của hai con chó, và có lẽ cũng là chỗ người đội thương chánh bị đánh
quỵ. Vách tường phía trước có trổ mấy lỗ châu mai. Nhưng không đủ rộng
để hai anh em chui ra được. Trở vào trong hầm bọn buôn lậu dùng làm chỗ
dấu hàng, Khôi tìm ra được một cửa sổ nhỏ. Cánh cửa bằng sắt đóng phía
bên trong. Khôi mừng rỡ bảo bạn :
- Đây rồi, Việt ơi, nếu cậu muốn sớm hít không khí trong mát bên ngoài, thì hãy tấn công vào chỗ này.
Việt
chiếu thẳng đèn vào khuôn cửa sổ hình chữ nhật. Cánh cửa có bản lề chôn
sâu vào vách tường và được gài chặt bằng hai chốt sắt, lâu ngày đã rỉ
sét.
Việt hỏi :
- Liệu có thể phá nổi cánh cửa này không ?...
-
Nhất định phải phá… Khôi đáp. Chúng mình bắt tay vào việc đi thôi kẻo
đèn sắp hết “pin” rồi ! Làm mò trong tối càng khó thêm nữa.
Khôi
mở lưỡi dao, nạo những rỉ sét đóng ở bản lề và chốt cửa. Lưỡi dao mỏng
chỉ gại ra được những mảnh vụn của lớp rỉ bên ngoài. Biết rằng lưỡi dao
nhỏ của mình không đạt đến kết quả nào, Khôi lắc đầu lẩm bẩm :
- Phải có cái rũa sắt mới có hy vọng…
Việt
nhìn bạn ảo não và thất vọng. Anh thấy cả hai đều ngu dại, đang thảnh
thơi cắm trại thì tự dưng dấn thân vào đây để lâm phải cái tình thế khó
gỡ này.
Khôi bàn :
- Thử dùng sức xem sao. Tụi mình hợp lực lại, may ra…
- Nhưng sợ gây tiếng động.
- Khỏi lo. Gã đàn ông giờ này đã đi xa rồi. Vả lại, đành phải liều chứ biết sao bây giờ.
Khôi
trở ra tìm chiếc gậy của gã đàn ông để quên ở phòng ngoài. Anh dùng
chiếc gậy ấy làm đòn bẩy, lùa đầu gậy vào khe cửa và thử ấn mạnh. Đầu
gậy kêu răng rắc… Một chốt cửa chuyển động…
Thấy
có hy vọng, cả hai hùa nhau cố bẩy. Chiếc đèn bấm lúc này chỉ còn phát
ra một thứ ánh sáng vàng vọt yếu ớt. Không biết nó còn chiếu sáng được
bao lâu nữa ?
Đôi bạn gắng sức thêm, hơi thở hổn hển, mồ hôi ướt đẫm áo. Cánh cửa lỏng dần… và xệ hẳn một đầu xuống…
Khôi bảo :
- Cẩn thận, đứng lui lại kẻo nó rơi vào chân !
Bốn cánh tay gồng lên thu hết sức lực vào cố gắng cuối cùng. Cánh cửa bật khỏi lề, rớt xuống đất… Khôi thở phào, hoan hỉ :
- Thoát rồi !
Nhưng
Việt lắc đầu. Vì anh thấy sau cánh cửa, còn một hàng song sắt chôn sâu
vào lớp tường dày. Đôi bạn thất vọng nhìn nhau. Từ nãy tới giờ họ đã
uổng công vô ích. Bên ngoài đêm trăng lồ lộ… đẹp như chưa từng thấy.
Hàng song sắt kiên cố ở khuôn cửa hẹp ngăn chặn, chia cách họ với thế
giới phóng khoáng bên ngoài.
Khôi vẫn chưa nản :
- Tụi mình có thể ra được…
Vừa
nói anh vừa cởi áo ngoài và nghiêng mình lách đầu qua song. Thái dương
của anh bị kẹt cứng giữa hai gióng sắt. Thử lại nhiều cách khôi thấy đều
vô hiệu. Đầu anh tê buốt, chân tay bị sây sát mà vẫn không sao lách
mình ra được. Khoảng cách giữa hai gióng sắt hẹp quá. Anh bỗng cảm thấy
bải hoải, vô cùng chán nản…
Khôi
ngồi xệp xuống đất, úp mặt vào hai bàn tay. Việt thẫn thờ nhìn hàng
song sắt. Anh hít những hơi dài không khí lạnh mát bên ngoài, muốn nắm
lấy hàng song đáng ghét kia mà vặn cho gãy đi. Nhưng anh làm gì có sức
khoẻ như Hercule, như Hạng Võ !
Anh buồn rầu hỏi bạn :
- Làm sao bây giờ, khôi ?
Khôi mệt mỏi đáp :
- Chờ xem, tụi mình còn biết làm gì hơn bây giờ !
Việt
ngồi xuống cạnh bạn. Cả hai đều im lặng, không còn can đảm để bàn bạc
với nhau nữa. Gió lạnh ban đêm lọt qua khuôn cửa sổ thấm nhập vào người
họ. Những xúc động vừa qua, cùng với những vất vả trong ngày làm họ mệt
nhoài. Mắt họ dính lại, muốn thiếp ngủ. Tuy vậy, họ không ngủ hẳn, tâm
trí vẫn chập chờn tìm cách ứng đối với hoàn cảnh.
Cả
hai ngồi lơ mơ như thế khá lâu. Khôi ân hận không biết lúc này là mấy
giờ ? Chiếc đồng hồ của anh đã được tháo ra cất vào ba lô để lại trong
lều trước khi anh ngủ. Nhưng sao Khôi vẫn nghe như có tiếng kim đồng hồ
nhảy… tách… tách… văng vẳng đâu đây. Anh lẩm bẩm :
- Mình mê chăng ?
Và
rờ vào cổ tay trái, xem có thật mình không đeo đồng hồ, Khôi thấy cổ
tay mình trơn nhẵn… Anh ngồi ngay lại, véo thử vào má. Ồ, Khôi đâu có mê
! Vết véo ở má cảm thấy đau rõ ràng ! Vậy có cái gì đây ?
Khôi khẽ gọi :
- Việt ! Việt !
Việt
có lẽ quá mệt đã thiếp hẳn đi. Không nghe bạn trả lời, Khôi để yên cho
bạn nghỉ. Hơn nữa anh cũng muốn tự mình dò xét xem tiếng động kia ở đâu
mà ra.
Lắng tai, Khôi nhận ra đó là tiếng nước nhỏ giọt đều đều. Anh vùng dậy, bấm đèn. Chiếc đèn loé vàng yếu ớt.
- Lạy trời cho nó sáng thêm ít phút nữa.
Khôi
thầm mong như vậy, và anh vội vã rọi đèn chung quanh đống hàng lậu.
Không thấy gì, anh lần ra phòng ngoài. Ở đây, hồi nãy gã đàn ông đã hắt
một sô nước để rửa sạch vết máu của con chó bị đánh chết. Sàn lô cốt
láng bằng xi măng nên không thấm nước. Chỗ còn đọng lại, lan theo chiều
dốc thành một đường nước mỏng chảy trở vào trong kho chứa hàng.
Khôi
lần theo giòng nước thấy nó mất hút dưới mấy bao hàng. Ngoài bao vẫn
còn khô nguyên. Như vậy giòng nước chảy vào đây, nhưng nó đã thoát theo
lỗ hổng nào đó. Khôi áp tai nghe. Tiếng nước nhỏ giọt, rơi xuống chiều
sâu, nghe tách… tách… rõ rệt, đều đều…
Anh
luồn tay sờ dưới bao hàng, đụng nhằm vào một vật gì không phải bằng xi
măng. Kéo thử bao hàng ra Khôi thấy một tấm gỗ. Giòng nước đã lọt qua
tấm gỗ ghép ấy nhỏ giọt xuống dưới…
- Một cửa hầm ! Mình thoát rồi !
Mừng quá, Khôi reo gọi :
- Việt !
Việt giật mình, hoảng hốt :
- Hả, gì thế ?
- Lại đây mau.
Việt bật dậy đến sát bên bạn. Vẻ hứng khởi của Khôi làm Việt thấy hy vọng trở lại. Anh hỏi lại :
- Gì thế ?
-
Tớ vừa tìm ra cái nắp hầm này, nhờ có giòng nước chảy ở ngoài kia vào.
Bây giờ chúng mình chỉ cần khiêng mấy bao hàng này ra chỗ khác, giở cái
nắp gỗ này lên là tụi mình có lối thoát ra ngoài rồi !
Việt sững người nhìn bạn, rồi lại nhìn tấm ván gỗ có những bao hàng đè phủ lên trên, anh mừng rỡ kêu :
- Hay quá. Cậu giỏi thật đấy Khôi ạ. Thế mà tớ ngủ chẳng giúp cậu được gì cả !
Rồi
Việt hăng hái sắn tay áo cùng bạn khiêng những bao hàng rời đi chỗ
khác. Công việc khá vất vả, nhưng rồi nắp hầm lộ ra, vuông vức vừa một
người xuống lọt. Từ miệng hầm xuống có những nấc bằng sắt gắn sâu vào xi
măng dùng làm thang.
Khôi đặt chân xuống nấc thang ấy trước tiên, và mất hút dưới miệng hầm. Việt thỉnh thoảng hú lên để liên lạc với bạn :
- Hú… hú !...
Tiếng hú của anh dội xuống hầm nghe âm âm, kéo dài thành “ú u u ú u u” ghê rợn.
Khá lâu có tiếng của Khôi đáp vọng lên :
- Ê… được rồi ! Có hai mươi bốn bậc tất cả. Tớ tới đất rồi…
Việt thong thả lần xuống từng bậc. Vừa đặt chân trên các gióng sắt anh vừa đếm :
- … Mười… mười lăm… mười bảy… mười chín.
- Cẩn thận đấy nhé, có tớ đứng dưới này…
- Ừ.
- Coi chừng lúc xuống, đất bị trơn đấy.
- Được rồi… Tớ xuống đây.
Hai anh em đứng sát bên nhau, dưới đáy hầm, Khôi nói :
-
Cậu thấy cái lỗ sáng ở đầu kia không ? Cửa ra đấy ! Đây chắc là lối rút
lui bí mật đã được dự phòng khi lô cốt bị địch quân áp đảo. Ra tới đó
là tụi mình được tự do rồi…
Cả
hai cúi gập mình men đi. Chừng năm phút sau họ chui ra, đứng giữa bụi
cây rậm. Ánh trăng chiếu chan hoà trên mặt họ, và gió lạnh thổi bung mái
tóc.
Đôi bạn ôm chầm lấy nhau mừng rỡ :
- Thoát rồi, chúng mình thoát rồi !
Xa xa phía dưới lòng thung có tiếng gà gáy báo hiệu trời sắp sáng.
_____________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V