Thỉnh thoảng chúng ta có dịp thưởng thức món thờn bơn chiên - một giống cá mỏng dính như tờ giấy, ít thịt nhiều xương dăm, nhưng rất ngon mặc dù giá bán khá đắt vì hiếm - tuy nhiên, chắc chắn không mấy ai biết được cuộc đời của chúng lại phải trải qua vài giai đoạn biến thể quan trọng để sinh tồn như thế nào.
Theo các khoa học gia thì thờn bơn chỉ là một trong tổng số năm trăm con thuộc loài cá Dẹt (Hetorosomata) hình bầu dục, đầu bé so với thân mình, mắt nhỏ, mõm lệch, vẩy ngắn, vây và đuôi dính liền với nhau, chuyên sống tận dưới đáy biển khơi. Thức ăn của chúng bao gồm những con vi khuẩn ở lẫn lộn trong các đống cát hay vũng bùn và loài cá nhỏ. Vì hoạt động tại mức độ sâu nầy nên thân hình chúng rất mỏng manh, hay nói cho rõ hơn, bề dầy chỉ đo được chừng một phân trở lại. Người ta đã từng gặp cá Dẹt trong suốt như thủy tinh vì quá mỏng. Phần trên là lưng mang nhiều mầu sắc khác nhau: vàng, xám, xám kèm theo các chấm đỏ da cam hay đen, xanh tuyền v.v... tùy theo giống, phần dưới là bụng luôn luôn trắng. Chúng không bơi đứng như các loại cá khác, mà lại bơi ngang nên ít chịu di chuyển và chỉ nằm yên một chỗ. Điều đáng chú ý là hai mắt của chúng tập trung về một bên, trong khi mõm nghiêng sang phía đối diện.
Qua nhiều cuộc theo dõi, tìm hiểu, các nhà sinh vật học cho biết: Đây là giống cá dị thường, vì tùy thuộc vào thời gian cùng địa điểm trú ngụ, chúng phải thay hình đổi dạng ngõ hầu thích hợp với từng giai đoạn và hoàn cảnh.
Ngay sau khi cá mẹ đẻ trứng, những trứng này lập tức nổi lên lềnh bềnh trôi khắp nơi trên mặt nước, để rồi chỉ trong vài ngày kế đó, nhờ sức nóng của mặt trời ấp ủ, trứng nở thành cá con. Những con này không có gì khác lạ cả, bởi lẽ chúng cũng bơi thẳng đứng gần mặt nước và đều có hai mắt ở hai bên như cá thường.
Tung tăng bơi lội đó đây mãi tới ngày thứ tư, theo một định luật tự nhiên, chúng nhất loạt lật nghiêng về trái hoặc phải, rồi lẳng lặng chìm sâu xuống đáy nước nằm nghỉ. Từ đây, phần nào áp vào cát hay bùn sẽ là bụng nên con mắt ở phía này tự động thay đổi vị trí bằng cách di chuyển từ dưới, qua mõm để leo lên phía trên lúc này trở thành lưng, đoạn dừng lại, gần sát hoặc xa với mắt kia. Đồng thời, xương đầu dần dần mở rộng chiều ngang nên mõm chúng lệch theo rồi khoằm xuống phần dưới bụng, nhưng vẫn còn đầy đủ hai hàm răng sắc bén.
Chu kỳ biến thể này tiến hành chầm chậm kể từ giai đoạn sơ sinh, cho tới lúc trưởng thành mới chấm dứt và chính thức trở thành cá dẹt. Loài này tăng trưởng rất lâu, trong suốt hai mươi năm, chúng chỉ dài có sáu tấc, mặc dù người ta vẫn bắt gặp những con cá dẹt đo được ba, bốn thước hơn, nặng tới bẩy, tám trăm cân Anh.
Để tự vệ, cá dẹt thường thay đổi màu sắc chẳng khác gì kỳ nhông. Khi bơi, chúng có mầu xanh nước biển, nhưng khi chìm xuống đáy nước thì lại ngả sang màu xám, xám xanh hay vàng hoặc trắng nhợt tùy từng vùng, rồi dùng vây và đuôi bám chặt vào đất.
Loài cá dẹt có mặt tại hầu hết khắp đại dương, nhất là các vùng biển tối tăm ở gần xích đạo và nơi nào có nhiệt độ ấm.
Muốn bắt cá dẹt không phải chuyện dễ, vì chúng ít chịu rời chỗ ở, nên ngư phủ phải dùng lưới thả ngầm xuống sâu, chỉ có con nào di chuyển tìm mồi lớ ngớ mới bị bẩy, ngoài ra rất hiếm trường hợp câu được chúng. Do đó cá Dẹt đắt giá. Tại các khách sạn ở Âu, Mỹ thực khách phải đặt trước nếu muốn dùng loại cá này.
ĐẶNG HOÀNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 84, ra ngày 8-4-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.