Thứ Ba, 22 tháng 4, 2025

Em Tôi Có Tội?


1
 
Reng... Reng... Reng... Giờ vào học đã điểm. Thầy bước vào lớp, một lớp học con trai nổi tiếng phá phách. Toàn thể học trò đứng dậy chào. Thầy mỉm cười:
 
- Các em ngồi xuống!... Lấy tập bài học ra! Thầy khảo bài...
 
Hai tiếng "khảo bài" có tác dụng thật mãnh liệt. Học trò im thin thít. Tiếng giấy sột soạt... Hơi thở phì phò... Liếc sơ qua cả lớp, thầy biết ngay là em nào không thuộc bài... Chỉ nhìn cặp mắt các em là đủ rõ rồi!...
 
Vừa giở sổ điểm, bỗng nhớ ra điều gì, thầy hỏi cả lớp:
 
- Em Đông đi học chưa?
 
Cả lớp nhao nhao:
 
- Chưa thầy! Chưa thầy! Nó trốn học hơn tuần rồi.
 
Vừa nghe xong thầy bèn đứng dậy đi xuống cuối lớp, đến bàn chỗ em Đông ngồi. Thầy hỏi:
 
- Các em có biết tại sao Đông nghỉ không?
 
Một em trả lời:
 
- Thưa thầy nó trốn học và bỏ nhà đi mấy ngày nay rồi!
 
Một em thêm:
 
- Thưa thầy! Thằng Đông nó hút cần sa đó thầy.
 
Thầy ngạc nhiên:
 
- Sao? Em biết chắc không? Đông đâu có tệ quá vậy?
 
- Thưa thầy! Em ở gần nhà nó mà! Em biết rõ lắm...
 
- Làm sao em biết?
 
- Nhà nó trên lầu cho Mỹ mướn. Một bữa người Mỹ đi vắng, nó lén lên lầu và lấy cắp một bao thuốc Pall Mall đem hút với một thằng bạn cùng xóm. Những điếu thuốc trong đó có tẩm cần sa. Hút xong bao đó, nó và thằng bạn nó ghiền luôn.
 
Nghe học trò thuật xong, thầy hỏi gặng thêm:
 
- Em biết chắc không? Đừng nói bậy nghe!
 
Em học trò trả lời chắc nịch:
 
- Chắc chứ thầy! Cả xóm đều biết, em đâu có dám nói láo!
 
Thầy không nói gì thêm, lẳng lặng trở về bàn, kêu học trò lên khảo bài.
 
Ngó ra sân trường, cái sân trường khá rộng bằng đất mộc mạc dễ thương với bốn cây phượng khá to ở bốn góc có tàn lá xanh xòe ra như chiếc dù nhỏ những giọt mát xuống mái đầu xanh học trò, không đủ làm thầy thấy vui và nên thơ như mọi ngày.
 
Thầy bỗng nhớ lại hai câu thơ của thi sĩ Huỳnh Tấn mà thầy được biết nhờ một dịp tình cờ:
 
Trước mặt ta nỗi nhục
Sau lưng ta nỗi buồn...
 
Nhục... Buồn... Thầy có bi quan lắm không? Thầy không bi quan nhưng thầy lo sợ cho tương lai em Đông, những đứa con thơ của bà mẹ Việt Nam khốn khổ này. Em Đông! Em Đông! Trong lúc các bạn em đang học hành, hiện giờ em ở đâu? Em đang làm gì? Em hãy về mau cho thầy biết, thầy sẽ tha thứ, thầy không trừng phạt đâu miễn là em biết hối hận và sửa chữa lỗi lầm...
 
2
 
- Thưa thầy! Xin thầy cho cháu Đông học lại...
 
Má em Đông vừa nói xong, thầy giám thị trả lời ngay:
 
- Không! Chúng tôi buộc lòng phải đuổi em vĩnh viễn vì em ấy đã trốn học nhiều lần làm gương xấu cho cả lớp. Chắc bà nhớ? Chúng tôi đã cảnh cáo em nhiều lần rồi.
 
Thầy giám thị vừa nói xong, má em Đông òa khóc nức nở:
 
- Xin thầy thương chúng tôi... cho cháu vào học lại... Nếu thầy quyết đuổi luôn, chúng tôi chả biết làm sao nữa! Thầy biết không? Lúc cháu bỏ nhà đi mấy ngày rồi trở về, ba cháu trói cháu để trừng phạt cháu thì cháu rút con dao giấu trong mình lúc nào không biết đem ra dọa: "Đứa nào không cởi trói, tao giết hết, tao giết hết!" Ba cháu chán quá bỏ mặc cháu muốn làm gì thì làm. Ba cháu nói coi nó như chết rồi. Nếu thầy không cho cháu vào học, thì gia đình tôi biết bám víu vào đâu để sửa đổi cho cháu bây giờ!?
 
Trước những giọt lệ đáng thương của một bà mẹ có đưa con hư hỏng, thầy giám thị cảm động và phân vân... Nếu cho em Đông vào học lại thì còn đâu là kỷ luật nhà trường!
 
Nhưng nếu không cho em Đông học lại, thì... tội nghiệp má em Đông... Mẹ thương con như biển Thái Bình mà con nào có biết... Đông đúng là đứa con bất hiếu... Sau vài phút do dự, thầy giám thị quắc mắt ngó Đông:
 
- Đông! Em thấy chưa? Má em thương em và khổ vì em như vậy đó... Lần này, thầy tha! Cho vào học lại, một lần cuối cùng đấy nhé, nếu còn tái phạm thì thầy không tha nữa đâu!
 
Người mẹ mừng rỡ cám ơn rối rít. Người con mặt vẫn lầm lầm lì lì.
 
3
 
- Thưa thầy! Thưa thầy! Thằng Đông đi học rồi.
 
Thầy vừa bước vào lớp, hàng chục cái miệng nhao nhao như ong vỡ tổ.
 
- Đông đâu! Lên đây thầy hỏi!
 
Đông từ từ đi lên, dáng điệu khép nép sợ sệt... Thầy nói:
 
- Sao em hư quá vậy? Thầy đã biết tất cả chuyện của em rồi. Thầy giám thị vừa cho thầy biết!
 
Đông đứng mất hồn trước mặt thầy.
 
Thầy quát:
 
- Sao em hỗn quá vậy, dám dối cha dối mẹ?
 
Đông nói lắp bắp:
 
- Thưa thầy! Con không dám dối cha dối mẹ nữa... Con trốn học là vì biết trước sau rồi cũng đi lính... học vô ích...
 
Thầy muốn la nữa nhưng thầy cố dằn lại vì những lời nói cuối của Đông:
 
- Từ giờ em học đàng hoàng chưa?
 
- Dạ! Thưa thầy em học đàng hoàng rồi.
 
- Chắc không?
 
- Thưa thầy chắc!
 
- Thầy sẽ kiểm soát em mỗi bữa đó nghe!
 
Chợt nhớ ra điều gì, thầy hỏi:
 
- Thầy nghe nói em hút cần sa phải không? Em có biết đó là chất độc vô cùng độc không?
 
Nghe thầy hỏi, mặt Đông bỗng tái xanh:
 
- Thưa thầy! Em không có hút cần sa, mà có hút Salem chút chút thôi. Em có lấy được gói thuốc đó nhưng khi biết có cần sa, em quăng ngay.
 
- Thầy tin lời em! Em về chỗ!
 
Chờ em Đông về chỗ rồi, thầy đứng dậy, nói một mạch cho cả lớp nghe, tiếng nói của thầy càng ngày càng to, to hơn cả bao giờ:
 
- Các em thân mến! Nhân trường hợp em Đông, thầy muốn nói với các em vài lời trước khi chúng ta bắt đầu học bài mới. Hiện tại, thầy nhận thấy có một số các em lười quá, các em ấy chả học hành gì hết. Vô lớp thì nói chuyện, hỗn láo, hút thuốc... Các em có thương ba má không? Nhất định các em trả lời thương phải không? Nhưng thương ba má mà các em học hành như thế thì đâu có phải là thương, mà đó là bất hiếu. Trong tuổi học trò, các em chỉ cần học hành chăm, ngoan là đủ báo hiếu cha mẹ rồi. Ba má các em đâu có đòi hỏi gì các em, chỉ muốn các em chăm học để nên người...
 
Các em nào lười thử nghe lời thầy coi! Bắt đầu đêm nay, khoảng 8 giờ, ăn cơm xong, các em tự động ngồi vào bàn học lấy bài ra học, lấy toán ra làm... Các em cứ học như thế suốt một tuần lễ rồi xem lời thầy nói có đúng không? Ba má các em mặt mày sẽ tươi rói, mập thêm mấy ký lô (vì các em đã cho ông bà uống thuốc bổ tinh thần) và đi đâu cũng khoe với bà con, lối xóm con trai cưng của tôi chăm học lắm. Như thế là các em đã báo hiếu rồi. Thương ba, thương má thì các em về thực hành ngay lời khuyên của thầy đi!
 
Ngoài ra, như các em biết, đây là trường tư, mà trường tư là các em phải đóng học phí... Các em cứ tưởng tượng các em mà có nhiều anh chị em thì số tiền đóng học phí khổng lồ đến dường nào! Thầy biết đa số gia đình các em đây không là triệu phú, toàn là tay làm hàm nhai. Như thế ba má các em phải nhịn ăn nhịn mặc để dành tiền cho các em đi học. Thế mà nỡ nào các em lại lười biếng, phá phách, trốn học làm khổ cha khổ mẹ, khổ các thầy... Đây là một chuyện có thật, các em đừng cười cho là thầy nói đùa, có một bà mẹ đi chợ (có thể là má các em đấy), bà muốn ăn một tô bún riêu hay một tô phở nhưng bà lại thôi, và bà nghĩ mình nhịn ăn thì để dành được mấy chục đồng để mua tập vở cho con. Nếu các em lười, không chịu học thì các em có thấy thương má các em không, nếu má các em đã nhịn ăn để lấy tiền mua tập cho con?
 
Xã hội bây giờ loạn, tuổi thơ và tuổi trẻ chúng ta đang bị quay tròn trong bão loạn đó... Nhưng tại sao chúng ta lại không tự cứu lấy chúng ta bằng cách tìm cho chúng ta những cánh hoa màu xanh hy vọng và những cánh hoa màu hồng vươn lên. Chúng ta hãy tìm cho nhau những lý tưởng đẹp và cùng nhau cố gằng tiến đến lý tưởng đó. Xã hội bây giờ tuy loạn nhưng trong tương lai rất gần, là của chúng ta, của thầy trò chúng ta. Vậy bậy giờ mình phải chuẩn bị để đón nhận trách nhiệm vĩ đại đó chứ. Chuẩn bị bằng cách cố gắng học, cố gắng trau giồi tư cách, liêm sỉ và các đức tính yêu nước, vị tha, thương yêu tất cả mọi người.
 
 
HOÀNG ĐĂNG CẤP    
 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 104, ra ngày 15-4-1969)
 

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>