Coi những thư của các em gửi cho chị, chị biết các em thương yêu và tin cậy chị, nên không ngần ngại viết rõ ràng cả những chuyện riêng tư, chuyện gia đình, học đường, bè bạn vân vân ra để hỏi chị và thường kết: Chị ơi, em nên xử thế nào cho phải, em mong tin chị từng ngày.
Chị như thấy từng đôi mắt nai tơ mở lớn tìm tòi từng trang hộp thư, chờ đợi giải đáp của chị. Liệu chị có làm các em thất vọng không?
Chính chị, chị thắc mắc.
Các em ơi! Các em tin yêu chị, hỏi chị, chị cũng lấy cái lòng yêu quí mà đáp lại các em, với thiện chí và nhiệt thành. Đấy là tấm lòng của chị. Chị cũng xin các em hiểu chị bằng tấm lòng của các em. Chị chỉ đem tới các em lời khuyên một cách khái quát, chứ không thể hoàn toàn xác đáng. Vì mỗi vấn đề rắc rối, đường lối giải quyết lại có những sự tế nhị khác nhau, mà chỉ người trong cuộc mới thấu đáo. Chị chỉ coi qua lá thư cũng không thể hiểu rõ được. Vả lại, có nhiều sự việc ở đời, mới thấy tưởng là đúng, lại hóa ra sai. Có một người rất nghĩa hiệp, một hôm thấy 1 người đàn ông rượt đứa bé và tát nó. Ông này bèn xông tới giằng nó ra khỏi tay người đàn ông to lớn. Thằng bé vụt chạy. Chừng đó người đàn ông to lớn mới ú ớ ra hiệu và ông nghĩa hiệp mới vỡ lẽ là ông vừa cứu một thằng ăn cắp và ông to lớn bị câm kia đành mất hết giấy tờ vì chưa kịp đòi lại cái bóp mà thằng bé đã lấy.
Cuộc đời có nhiều khó khăn, rất phức tạp, các em nên thận trọng để tránh rắc rối. Nhớ hồi nhỏ, anh chị chị không cho uốn tóc, cháu gái chị cứ nài nỉ nhờ chị xin dùm. Chị nể quá năn nỉ anh chị xin dùm cháu. Ít lâu sau cháu tiếc bộ tóc cháu trách chị: "Tại cô mà cháu mất bộ tóc đẹp". Các em ơi! Không phải chỉ khi còn nhỏ, người ta mới có cái tính dễ quên đó đâu. Cho nên, chị sợ rằng sự chỉ dẫn các em, liệu chị có làm cho một ngày kia, các em trở nên hiểu lầm chị, và chính trong ý nghĩ đó, chị khuyên các em nên rất thận trọng khi đưa ý kiến ra để trách móc, để khuyên can, hoặc nhiều khi với mục đích thật tốt đẹp là để giúp đỡ người khác nữa các em ạ.
Chị Đ.P.K.
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 35, ra ngày 23-4-1972)