Thứ Năm, 27 tháng 2, 2025

Thằng Bư

 
Quả đúng như cái tên của hắn, thằng Bư có vẻ "bư bư" thế nào ấy. Tôi dám quả quyết mí lại các bạn rằng : con người của hắn chỉ lộ cái "bư bư" mỗi khi gặp bạn hắn mà thôi, còn như bây giờ bắt tôi "diễn tả" cho hết cái "bư bư" của hắn, tôi xin chịu, chẳng có đủ lời lẽ nào diễn tả nổi.
 
Cái đầu của thằng Bư quá khổ với cái mình, nghĩa là cái đầu của chàng ta rất bự. Hai con mắt hắn thật to, người ta thường gọi là mắt ốc bươu, ốc nhồi - Nhưng tôi thì lại khác, tôi nghĩ mắt hắn ta giống cái đèn ô tô!
 
Hai tay hai chưn của hắn ngắn ngủn, ủn ỉn như mấy củ khoai tây - Đã vậy hắn còn hay ở trần mặc quần xà lỏn, khoe cái "tứ chi" thiếu chiều dài của hắn.
 
Mấy đứa con nít đặt cho hắn cái biệt hiệu là Người Hùng Cô Đơn, bởi hắn chẳng chơi với ai cả, suốt ngày lủi thủi một mình.
 
Nhà của hắn ở ga xóm thơm, núp trong hàng rào dâm bụt. Suốt ngày hắn chỉ quanh quẩn trong hàng rào nầy, ít khi nào thấy hắn ra ngoài.
 
Chàng bư dường như rất yêu dấu mấy cây dâm bụt đó, hắn cứ săm soi mấy cái hoa ấy luôn.
 
Một buổi chiều, chàng Bư thấy hàng rào dâm bụt của mình động đậy, hắn ta chắc mẻm có kẻ đến hái trộm hoa của mình.
 
Hắn ta đi rón rén đến để tìm bắt kẻ cắp. Trước mặt hắn hiện ra một cô bé áo đỏ, đang với tay hái hoa. Hằn giận lắm, nhưng chỉ tằng hắng thật lớn.
 
Cô bé giật thót mình, quay lại thấy cái dáng "dị kỳ" của chàng Bư nên khóc ré lên!
 
Chàng Bư tự dưng thấy tội nghiệp, hắn làm thinh một lúc rồi chậm rãi nói:
 
- Muốn hái cái hoa nầy phải không?

Cô bé áo đỏ đã nín khóc, nhưng hãy còn sợ, lấm lét nhìn chàng Bư trong lúc hắn với cái tay ngắn ngủn hái hoa.
 
Ngắt được cái hoa, chàng Bư đưa cho cô bé, nhưng cô bé đứng làm thinh không dám lấy. Một lát, không biết nghĩ sao, chàng Bư cài hoa dâm bụt đỏ lên tóc cô bé rồi mỉm cười.
 
Cô bé vừa mắc cỡ vừa xấu hổ, cắm đầu chạy một mạch về nhà.
 
Chàng Bư đứng nhìn theo cô bé chạy tọt vào một căn nhà lớn có rào sắt hẳn hoi. Đứng lặng thinh một đỗi, chàng Bư rầu rầu ngồi bệt xuống đất, mắt nhìn hoa dâm bụt đỏ cành lá xanh. Hắn thấy mình phải cần có một cái gì đó mà nghĩ hoài vẫn không biết mình cần gì.
 
Ba ngày sau, chàng Bư mới hay mình thiếu một tình bạn. Từ nhỏ tới lớn hắn không có một người bạn nào, một phần hắn thích cô độc, một phần tại hắn xấu xí quá, không ai thèm chơi.
 
Chàng Bư thấy nhớ quay nhớ quắt cô bé áo đỏ. Hắn ao ước được làm bạn với cô bé, được dẫn cô bé chạy giỡn trên cánh đồng xanh, hắn sẽ cài lên tóc cô bé thật nhiều hoa dâm bụt, hoa dâm bụt đỏ trên má cô bé hồng - Hắn nghĩ vậy và cười một mình.
 
*
 
Mấy ngày sau, chàng Bư hái thật nhiều hoa dâm bụt đỏ đầy một giỏ, xách đến nhà cô bé đứng chờ đợi trước cổng rào.
 
Cô bé đã nhìn thấy hắn, ngỡ ngàng trước ánh mắt thân thiện của chàng Bư. Một lát cô bé rón rén chạy ra cổng, chàng Bư tươi cười trao giỏ hoa. Nhưng giữa lúc đó có tiếng quát tháo thật lớn:
 
- Hồng! Con không được phép thân thiện với thằng quái vật đó! Vào nhà mau!
 
Cô bé lấm lét nhìn hắn rồi buồn bã bước vào nhà.
 
Chàng Bư đứng một mình, hắn ứa nước mắt, cái đầu to của hắn như cúi gầm xuống, một lát hắn treo giỏ hoa trước cổng nhà cô bé.
 
Buồn bã hắn bỏ đi. Buổi chiều nắng tắt, thấm thía, bóng hắn xiêu xiêu in xuống cỏ khô, quay lại nhìn giỏ hoa, hắm lẩm bẩm:
 
- Giỏ hoa đó xin tặng, hỡi người bạn chưa quen mà phải quên rồi!
 
 
MẶC TUYỀN      
 
(Trích tuần báo Thằng Bờm số 18 (bộ mới), tuần lễ từ 11-12 đến 18-12-1972)
 

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2025

Vũ Khúc Khoai Lang

 

 CÁC VAI:
 
1) Bé Lan (bé gái 8 tuổi)
2) Má Lan (vui vẻ, hiền lành, thương con)
 
Má Lan : - Lan! Lan ơi... ơ ơ ơ.
 
Lan : Dạ... ạ ạ ạ.
 
Lan dành bỏ dở cuộc chơi đang tiếp diễn với các bạn cùng hàng xóm, chạy về hớt ha hớt hải thở hồng hộc lại gần mẹ chống hai tay lên đầu gối mẹ.
 
Lan : Má bảo con chi?
 
Má Lan : - Bữa nay ngày sinh nhật ba con và cũng là bữa mừng con đứng nhất bảng danh dự về kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt.
 
Rồi bà hạ giọng ôn tồn nói với Lan:
 
Con coi chừng nhà, má ra chợ mua ít thịt cá và mớ khoai lang về làm bánh nghe con.
 
Lan : - Dạ! Mà má mua nhiều ngeh má. Nhất là khoai lang!
 
Bà tát yêu con gái.
 
Má Lan : - Rõ là cái con bé tham ăn, xuống bếp xách cái giỏ mây lên đây cho má!
 
Bà vừa khuất bóng Lan đã reo lên :
 
Lan : - A! Bữa nay nhà mua khoai, sướng quá! Cả năm mình ít khi được hưởng củ khoai lang luộc. Sáng nào ăn lót dạ cũng chỉ xôi, cháo, rồi lại bánh mì ba tê v.v... Chán phát ngấy lên.
 
Lan đi đi lại lại trong phòng khách tay giơ lên nhịp xuống làm ra vẻ bí mật. Đi chán Lan lại tủ sách lôi một cuốn sách mở ra, ê a đọc chưa đầy hai trang thì má đã về. Lan vội gấp sách lại liến thoắng chạy ra, hai tay vồ lấy giỏ mây đày nhóc khoai, miệng láu táu.
 
Lan : - Úi chà! Nhiều khoai quá. Má đưa con xách cho.
 
Má mua khoai chi má? Khoai Đà Lạt hay khoai Mỹ Tho?
 
Má Lan : - Khoai Đà Lạt.
 
Lan : - Khoai Đà Lạt ngon lắm phải hông má. Luộc hay làm bánh má...
 
Má Lan : Làm bánh.
 
Lan : - Làm bánh gì má? Mà bánh chắc ngon lắm hả má...
 
Má Lan (Bực mình) Hỏi gì lắm thế? Có lên nhà không?
 
Lan tiu nghỉu miễn cưỡng phải lên nhà trên nhưng cặp mắt không rời nổi khoai đang sôi ùng ục trong bếp, thỉnh thoảng lại chạy xuống ngó trộm rồi lại chạy lên, như gà mắc đẻ. Xong xuôi, nồi khoai được cất cản thận trong lồng đựng thức ăn. Má lên dặn Lan:
 
Má Lan : - Con canh chừng nhà, má sang bác Hai mượn cái khuôn làm bánh nghe con.
 
Lan : - Dạ! Má đi đi, con coi nhà cho, má đi lâu lâu nghe má, con coi nhà cẩn thận lắm, con đóng cửa lại.
 
Một lát sau Lan mon men xuống bếp đến chỗ cất nồi khoai, mở lồng ra, đôi mắt Lan tròn xoe.
 
Lan : - Trời ơi! Khoai Đà Lạt ruột đỏ như bí ngô chín, chắc ngon lắm. Một, hai, ba, bốn... Nhiều lắm đầy nồi ta "làm" một củ chắc má chả biết!
 
Lan thò tay lựa một củ bự nhất, vì khoai mới luộc nên nóng, Lan chuyền hết tay này sang tay kia, miệng luôn luôn thổi...
 
(Có tiếng gõ cửa) Cốc! Cốc! Cốc... c... ố... c Lan ơi mở cửa cho má!
 
Lan : - (Cuống quít) Khoan khoan nghe má. Con mắc bận chút việc.
 
Má Lan : - Con làm gì mà lâu thế? Mở mau má làm trễ rồi...
 
Cốc! Cốc...
 
Cực chẳng đã Lan vội bỏ củ khoai vào trong áo rồi ra mở cửa.
 
Củ khoai trong vạt áo nóng quá, không biết làm cách nào, Lan nhảy cà tưng cà tưng đi tới đi lui y như vũ điệu tuýt.
 
Má Lan : - Con làm cái gì mà nhảy lên như điên vậy?
 
Lan : (nhanh trí đáp) - Dạ con tập lại vở vũ (múa) cô giáo dạy chiều qua để góp vào chương trình đêm Đại nhạc hội "Tình thương".
 
Má Lan : - Vũ gì mà kỳ vậy? Sao lại ôm mặt và bụng thế kia?
 
(Vì củ khoai cọ vào da bụng làm Lan nóng quá chịu hết nổi phải ôm bụng).
 
Lan : - Dạ cô giáo bảo phải nhăn mặt và ôm bụng làm ra vẻ đau khổ đói rét để đồng bào thương mà giúp đỡ.
 
Đoạn Lan lại nhảy lên, vừa nhảy vừa ôm bụng mỗi lúc một hăng. Mồ hôi chảy ra đầm đìa trông thật tức cười và đáng thương.
 
Má thấy Lan nhảy hoài nghiêm nét mặt bảo.
 
Má Lan : - Thôi con nghỉ đến chiều tập lại kẻo mệt.
 
Nhưng Lan cứ tiếp tục nhảy, lần này quay tít thò lò như con lật đật và giẫy đành đạch như trẻ bị đỉa bám chân. Thấy vậy má quát lớn.
 
Má Lan : - Tao bảo sao mầy không nghe tao hả? Hay con bị gió đau bụng mà ôm bụng hoài vậy. Cái gì ở trong vạt áo nổi lên như bắp ngô kia? Lại đây mau!
 
Lan dùng dằng không dám lại, mặt thộn ra. Bà hiểu ý truyền lệnh.
 
Má Lan : Mày mở vạt áo cho tao xem nào. Cái gì ở trỏng?
 
Biết bị bại lộ Lan ta đành rút vạt áo ra, một củ "khoai lang" tổ chảng rớt xuống đất gãy làm đôi, hơi nóng còn bay lên. Vì sợ mẹ đánh Lan co giò chạy.
 
Tiện cây chổi lông gà cầm ở tay, má Lan vừa rượt vừa nói to.
 
Má Lan : - Này vũ! Thì ra mày vũ kiểu "khoai lang".
 
 
VÕ VĂN VINH       
 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 26, ra ngày 25 - 2-1965)
 

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2025

Xuân Miền Đất Mới

 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đón lấy mùa xuân trên đất mới

Tháng Giêng giá lạnh vẫn mùa đông

Xuân chẳng thấy đâu, tháng hai tới

Lặng lẽ giấc mơ kỷ niệm hồng


Ánh nắng mai mờ không đủ ấm

Nghe gió buông lời tiếng thở than

Hoa đã héo tàn khi sương thấm

Mưa nhẹ rơi đều buốt không gian


Người người rủ nhau đi lễ hội

Tiệc đón tân xuân bao khách ngồi

Tiếng nhạc tiếng kèn cho phấn khởi

Xua buồn len lỏi trái tim côi


 Bạn cũ người xưa đều đi vắng

 Mới hiểu xuân này đã đổi thay

 Mùa xuân đất mới vui rất ngắn 

 Rồi chỉ mình ta với tháng ngày...


                           Nhã Uyên


Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2025

Những Thứ Bám Ngoài

 

Liễu Trân, một đại thần của Trung quốc là một người tài trí cao rộng, hiềm nỗi ông có cái vóc dáng mảnh mai, yếu đuối cho nên thường bị các bạn đồng liêu chế diễu, nhất là trong những cuộc đo tài, thử sức nào cần vận dụng đến bắp thịt.
 
Chẳng những thế, họ còn chơi xỏ hơn: tự tiện đổi hai chữ Liễu Trân ra Liễu Mai nghĩa là có ý muốn nói ông ta yếu đuối chẳng khác gì cành liễu cành mai, oằn cong trước luồng gió mạnh. Và họ thích thú kêu lên hai tiếng đó mỗi lần vào triều:
 
- Kính chào Liễu Mai tiểu thơ, người sao mà yêu kiều quá!
 
- Kính chào Liễu Mai, đêm qua gió quá, chẳng hay nàng có cong lưng...?
 
Liễu Trân căm lắm, lập tâm tìm cách trả thù cho hả. Không chỉ trả thù bọn đồng liêu mà trả thù ngay cả nhà vua.
 
Một hôm kia trong lúc lâm triều, nhà vua ngáp dài, kêu:
 
- Buồn quá, chẳng có trò gì tiêu khiển cả.
 
- Tâu bệ hạ, mở cuộc đấu võ chắc vui...
 
- Tâu, hay là thi chạy mau?
 
- Tâu, thần đề nghị...
 
Sân rồng nhao nhao lời phát biểu y như chợ cá... Liễu trân đứng yên, ông thừa biết các bạn và nhà vua đang tìm cách trêu mình. Ông dõng dạc:
 
- Tâu bệ hạ, thần thấy những trò chạy mau, nhảy cao, đấu võ đều nhàm, cũ quá. Thần đề nghị trò mới hơn...
 
Ái chà chà! Đời thuở nhà ai, con người yếu đuối như sên kia mà lại dám giở trò đề nghị nọ kia? Chắc là say hẳn? Lại một dịp chết cười đây. Mọi người chắc mẫm. Vua nghiêm giọng, phán"
 
- Tốt lắm, khanh cứ thử nói xem.
 
- Muôn tâu, trước nay thần mang tiếng là yếu đuối như liễu, như mai, nay thần muốn ra sức cứu vãn cái danh dự Nam nhi lại. Thần đề nghị: ai cõng nổi bệ hạ từ đây ra Ngự viên và cõng trở vào thì...
 
- Tuyệt! Nhưng trước hết người đề nghị phải làm gương, chứ?
 
Một vị quan võ, thường tỏ ra sức lực hơn người và thường chế diễu Liễu Trân nhiều nhất. Mọi người hồi hộp chờ câu trả lời của Liễu Trân, những tưởng phen này họ lại được một trận cười thích thú.
 
Liễu Trân ung dung đáp:
 
- Lẽ dĩ nhiên, kẻ hèn này đã liệu sức rồi.
 
Thằng cha điên. Mọi người cố nén kêu lên như vậy. Liễu Trân bình tĩnh:
 
- Trước hết, thần xin cõng Bệ Hạ chạy - chạy chứ không phải đi - từ sân rồng ra đến ngự viên và trở lại...
 
- Chắc không?
 
- Như đinh đóng cột lim. Nhưng mà, phải có cuộc kia.
 
- Cuộc gì?
 
- 30 lạng vàng ròng. Nếu nửa đường mà thần buông bệ hạ xuống, thần xin trả cho bệ hạ 30 lạng vàng ròng, còn nếu đi về suông, thì bệ hạ phải cho thần 60 lạng.
 
- Tốt lắm. Trẫm nhận cuộc. 

Nhà vua tươi tỉnh nhận lời, vì tin rằng Liễu Trân không thể nào làm một cuộc "hành trình" như vậy được, bộ tướng gió thổi muốn xiêu...
 
- Nhưng còn các bạn? (Liễu Trân hỏi) Có cuộc không? Ít nhất cũng nên tham dự cho cuộc vui sôi nổi chứ? 30 lạng mỗi người, nếu tôi không làm xong thì xin bán nhà trả mỗi người đúng 30 lạng.
 
Ai nấy đều bằng lòng, vì không ai tin rằng Liễu Trân thắng cuộc.
 
Mỗi người đều mang 30 lạng vàng nén để lên khay. Riêng nhà vua thì 60. Phần Liễu Trân, ông ta ký giấy làm tin, vì ông làm gì có đủ một số vàng ròng nhiều thế. Thật là một cuộc đánh cá nhiều hào hứng và phần thắng không ở Liễu trân lấy một ly con.
 
- Đây, trẫm sẳn vàng rồi, Liễu Trân!
 
- Tâu bệ hạ, chưa. Bệ hạ phải cởi áo ra.
 
- Được lắm, đây, ta cởi áo.
 
Nhà vua nói và làm theo lời Liễu Trân. Ông ta lại nói:
 
- Bây giờ, xin bệ hạ cởi giày, bỏ mũ miện ra.
 
Vua hơi phật ý song không cãi lại cười mỉm.
 
- Muôn tâu, chưa đâu, thần cuộc cõng bệ hạ chứ không cõng những thứ bám ngoài bệ hạ , những thứ đó không phải là sức nặng thật của bệ hạ, xin bệ hạ cảm phiền, trút bỏ chúng ra, kẻo các quan sốt ruột.
 
Bất đắc dĩ, nhà vua cởi áo ngắn, áo lót, áo ấm, quần dài, quần vừa, sau rốt, giữa trăm quan, nhà vua chỉ còn có chiếc quần đùi và cái áo mỏng ten.
 
- Nhà ngươi bằng lòng nhé. Thôi, khởi sự đi, trẫm rét thế này này.
 
- Muôn tâu. Không được. Thần chỉ cõng bệ hạ thôi, bệ hạ phải vứt bỏ hết mới xong. Một tí teo thôi, bệ hạ, tiếc làm chi.
 
Và ông ta nhắm mắt lại, cúi đầu chờ vua cởi tuốt.
 
"Ối trời ơi! 600 lạng vàng trẫm cũng không thèm chứ kể gì 60 lạng mà hành hạ thân già của Trẫm".
 
Nhà vua than thầm và kêu lên:
 
- Thôi, Liễu Trân, trẫm chịu thua ngươi!
 
 
MINH QUÂN        
 
(Trích tuần báo Thằng Bờm số 18 (bộ mới), tuần lễ từ 11-12 đến 18-12-1972)
 

 

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2025

Niềm Vui Tuổi Trẻ

 

Nắng ban mai nhẹ nhàng lan dần lên bờ cỏ bên kia hồ, xa hơn nữa, những lưng ngựa nhấp nhô khi ẩn khi hiện trên những ngọn đồi trùng điệp. Trên vườn su cạnh hồ, hai anh em Tuệ và Phương đã ngồi sẵn từ sáng sớm, khi Đàlạt còn vùi mình trong lớp sương mù dày đặc. Vườn của Tuệ là một mảnh đất nhỏ hẹp chỉ có một giàn su và ít cây dâu tây, do anh em Tuệ chăm bón. Chúng rất yêu cây. Không sáng nào là Tuệ, Phương vắng bóng trong khoảnh đất. Sáng nay cũng như mọi khi, Phương xách chiếc gàu con xuống hồ múc nước tưới. Bỗng Phương reo lên:
 
- Anh Tuệ ơi! Một con chim! Con chim bị té này!
 
Tuệ chạy xuống xem trên cành thông, một con chim non đang tập bay chập chững, lượn là là xuống mặt nước rồi lại gượng bay lên. Tuệ bảo em:
 
- Không té đâu. Nó tập bay đấy.
 
Nhưng đột nhiên, có lẽ vì thấy động, chim vụt bay một thôi dài rồi rơi tõm xuống nước ở đằng xa, phía trên đồi thông. Anh em Phương chạy lại nhưng đã quá muộn. Một lũ trẻ đang vây quanh và vớt chim lên. Tuệ lo ngại cho số phận con chim trong tay chúng. Chúng không bao giờ trả lại tự do cho bất cứ một con vật gì và chỉ bằng lòng kết thúc cuộc chơi với sự giết chóc hoặc vô tình, hoặc cố ý. Nghĩ thế nên Tuệ đã quyết định giành lại chim cho bằng được để phóng thích. Tuệ đề nghị với thằng bé bắt được chim - Tuyết này, mày về nhà tao, tao cho mày xem đồ chơi của tao nhiều lắm cơ và nhiều tranh ảnh nữa. Mày thích bức nào, tao sẽ đổi cho mày lấy con chim, chịu không?
 
Tuyết nhe răng cười gật đầu.
 
Thế là lũ trẻ kéo nhau đến xem đồ chơi của Tuệ. Tuệ trình bày bộ máy xe lửa và nhiều thứ khác mà ba chúng đã mua cho hai anh em.
 
- Những cái này thì tao không đổi được vì là của ba tao cho. Nhưng tao có thể đổi những bức vẽ của tao.
 
Tuyết ngắm nghía tất cả họa phẩm của Tuệ, nhưng nó không bằng lòng bức nào cả mà chỉ thích chiếc xe hỏa chạy. Tuệ nói:
 
- Hay là thế này: mày cho tao con chim, tao sẽ vặn xe lửa cho mày xem mười lần, lúc nào tao đi học về nhé.
 
Tuyết có vẻ ưng thuận nhưng còn mặc cả:
 
- Mười lăm lần.
 
- Ừ được.
 
*
 
Con chim không còn trong tay Tuệ nữa, nhưng một niềm vui sướng còn vương vấn trong tâm hồn nó, mỗi lúc nó hình dung ra thấy đôi cánh nhỏ vụt tung ra từ bàn tay nhỏ bé và bay lên đậu trên cành thông xa tít, hót những bài ca tuổi trẻ.
 
 
NGUYỄN VĂN SƠN       
   
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Xanh số 31, ra ngày 15-11-1966)
 

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2025

Một Chuyến Phiêu Lưu


Buổi tối hôm nay cũng như bao nhiêu buổi tối khác nhưng sao Thoại đâm ra hồi hộp lạ thường. Đêm không trăng. Trời tối đen ghê gớm. Ừ nhỉ! Người ta thường nói "Tối như đêm ba mươi" cũng phải đấy chứ. Thoại có nhận thấy gì ngoài vườn đâu, dù khoảng vườn hoa xinh xắn phía bên kia cửa sổ không lấy gì xa lắm. Thoang thoảng trong hơi gió miên man Thoại nhận ra hương thơm nhè nhẹ của những bông sứ trinh nguyên.
 
Thoại nôn nao ghê! Phải rồi, đêm nay là đêm giao thừa. Giao Thừa. Eo ơi! Sao âm vang của hai tiếng đó lại khiến Thoại rộn rã, cuống quít gớm ghê! Giờ nầy chắc ba má Thoại đang bận rộn kê lại cái bàn ở phòng khách hoặc trịnh trọng bày hoa quả trên cái bệ thờ cao, nghi ngút khói hương. Lễ vật đã sẵn, và họ chỉ còn chờ phút giao mùa. Sự tương hợp của một năm cũ và một năm mới mang một ý nghĩa thiêng liêng. Đó là giây phút khởi đầu cho một năm mới an vui và thịnh vượng như họ thường chúc nhau. Đó là giây phút người ta hướng tâm hồn về nguồn cội. Đón rước linh hồn ông bà về ăn tết là phong tục Việt, không ai quên được.
 
Ừa, mà sao tết đến nhanh ghê há! Tết đến hoài. Mới đấy, nhìn lại : đời đã chất chồng thêm một tuổi. Tự nhiên Thoại bật cười, chợt nghĩ mình cũng bày đặt suy tư vớ vẩn đấy nhỉ. Thoại bỗng ngồi thừ ra, đăm chiêu lạ. Thoại đang gợi nhớ những kỷ niệm quá khứ reo vui. Hồi nhỏ sao mà sướng thế, sao mà hồn nhiên thế. (Thật ra Thoại có lớn chi lắm đâu, năm nay mới lên lớp tám đó). Thoại như miên man trong cơn hồi tưởng. Những ngày tháng hạ chia ly, những ngày tựu trường sun họp. Chia ly nhưng vui vẻ, sum họp nhưng mỏi mệt (vì sắp phải chui đầu vào bốn bức tường ngăn chận sự tự do... chơi đùa).
 
Với Thoại, ngày khai trường sao giống ngày tết ghê nơi! Giống ở điểm Thoại được mặc áo quần mới để mang một cảm giác lạ, xốn xang, tưởng chừng như có hàng trăm cặp mắt đổ dồn về Thoại. Thoại mặc đồ mới, le ác. Và, Thoại không thể nào quên được đôi tai lùng bùng và đỏ rực lên. Chao ơi! Cái dáng điệu lúng túng một cách quê kệch, mà vui.
 
Đồng hồ thong thả gióng mười tiếng. Thoại chợt có ý nghĩ không biết đồng hồ có chạy sai không. Gì đâu mà lâu ghê gớm.
 
Thoại nảy ý định dạo vườn hoa một  vòng nhưng vì "nhân chi sơ tính bản... lười", nên thôi. Mới có mười giờ mà buồn ngủ ghê gớm. Thoại cố chống chọi với cơn buồn ngủ. Thoại cố mở to mắt ra. Cố gắng và cố gắng, vì mí mắt đang trĩu nặng. Thoại muốn thức trọn đêm giao thừa. Nhưng Thoại buồn ngủ quá đi thôi. Ngủ thật đấy.
 
*
 
Một con vật mềm, nhớp nhúa nhảy lên chân khiến Thoại giật mình tỉnh giấc. Một con cóc gớm ghiếc làm sao! Thoại bực dọc co chân đá một cái thật mạnh. Con cóc văng đi, lộn một vòng rồi gượng dậy được ngay.
 
Con cóc nhìn Thoại trừng trừng. Sóng mắt thật kinh khiếp. Con cóc rít lên... Thoại tưởng chừng như đang nghe một mụ ác tiên trút cơn thịnh nộ trong những lời nguyền.
 
Thoại như mê man trước trạng thái kỳ quái này. Không đời nào lại có thể xảy ra chuyện hoang đường như vậy. Thoại muốn bật cười nhưng giấc ngủ đã kéo đến. Đột nhiên Thoại sợ hãi bâng quơ tưởng như mình đang ngất đi.
 
*
 
Mặt đất đột nhiên rung chuyển như thể đang bị một nguồn chấn động dữ dội nào. Thoại mở mắt, choàng tỉnh. Chung quanh, mọi vật đều xa lạ. Thoại ngơ ngác nhìn quanh, lo sợ, rồi khóc. Thoại không hiểu gì cả. Thật kỳ quái! Đang ngồi ở nhà đón giao thừa, đột nhiên sao mình lại ở đây. Tĩnh vật vắng lặng đến rợn người.
 
Và, trong tột cùng của sự sợ hãi Thoại bỗng thấy bình tĩnh lạ thường. Trời hãy còn tối nhưng Thoại cũng nhận ra được trước mặt mình là một dãy núi hùng vĩ. Dãy núi có hình dạng một con mèo khổng lồ. Thoại sửng sốt, vì dãy núi chợt cao lần, cao lần và lừng lững tiến về hướng Thoại. Trời đất! Núi biết đi. Nhưng Thoại không kịp suy nghĩ gì cả. Mặt đất đang rền rĩ rung chuyển. Thoại kinh hãi thối lui, chạy trốn. "Núi" cứ bình thản đuổi theo. Thoại chạy trối chết. Đột nhiên một tiếng gầm gừ vang dội như sấm sét. Gió trào tới như một cơn lốc xoáy cuốn tung người Thoại lên. Thoại điếng hồn ngất xỉu.
 
Khi tỉnh dậy trời đã hừng sáng. Nắng ban mai nồng ấm mơn man da thịt Thoại. Theo thói quen nó cử động vài cái, co chân múa tay rồi mới đứng dậy. Vai nó ê ẩm. Bây giờ thì Thoại không muốn thắc mắc gì hết ngay cả sự có mặt của nó ở đây, không ai giải thích được cả. Thoại đã cố móc moi trí óc để tìm một giải đáp nhưng đành chịu. Gọi ký ức nó chỉ loáng thoáng nhớ được vài hiện  tượng kỳ quái : "núi" biết đi, động đất, giông bão... và sau cùng, những tiếng rú kỳ dị như tiếng chuột rít.
 
Thoại chệnh choạng đứng dậy, bụng đói meo, nó cố gượng đi tìm thức ăn. Nhưng Thoại té xuống vì vấp phải một cái gì đó, hình như một sợi dây. Đúng rồi! Đó là một sợi dây... và rất nhiều sợi dây chằng chịt cao trên đầu Thoại. Trời đất! Một lưới nhện khổng lồ. Thoại hoảng hồn lồm cồm ngồi dậy, chạy ngay.
 
Thoại chạy như bay về phía chiếc xe lửa đang đậu sẵn đằng xa. Nó bám đại vào "đuôi xe". Phải nói là đuôi xe mới đúng. Thoại rợn người. Đó là một "lão" thằn lằn vĩ đại. Thoại muốn nhảy xuống nhưng thôi : "xe" bắt đầu "chuyển bánh". Thoại vừa sợ vừa thích thú vì lần đầu tiên nó đi "xe lửa" chạy trên thiết "lộ" thẳng đứng. "Xe" chạy đến một khoảng đất phẳng thì ngừng lại. Chỉ đợi có thế Thoại nhảy xuống rồi co giò chạy một mạch. Rủi mà bác thằn lằn khám phá ra một hành khách đi lậu thuế thì nguy! 

Không nghi ngờ gì nữa, Thoại đang lạc vào xứ khổng lồ. Lạc vào xứ khổng lồ? Chao ơi! Thế giới mà nó tưởng chỉ có trong thần thoại, trong cổ tích thôi chứ. Thoại liên tưởng đến chàng Guiliver và những chuyến phiêu lưu dị kỳ. Nó đâm ra hứng thú vô cùng.

Bây giờ nắng đã lên cao. Trời xanh thắm, gió mát. Thoại nhìn quanh quất. Cảnh vắng teo. Bụng đói cồn cào, Thoại nhăn nhó vì không tìm được chút gì để ăn cả. Thình lình có tiếng động cơ vang lên. Một chiếc khu trục cơ đang vù vù bay đến. Thoại mừng quá reo lên kêu cứu. Nó cởi áo ra và quơ qua quơ lại. Máy bay đến gần làm Thoại vỡ mộng. Cái mà Thoại ngỡ là chiếc máy bay thực ra là một gã chuồn chuồn. Gã đã đến và đáp xuống phía trước Thoại một khoảng khá xa. Tuy vậy hơi gió do đôi cánh to tường của gã tạo nên cũng đủ khiến Thoại cơ hồ đứng không vững. Một tia sáng lóe lên trong óc, Thoại chạy vụt đến bên gã chuồn chuồn rồi nhảy phóc lên ngồi vắt vẻo ở cuối đuôi. Chẳng mấy chốc gã chuồn chuồn lại cất cánh tiếp tục cuộc hành trình mang theo một hành khách bất đắc dĩ.

Gió lồng lộng thổi vào Thoại khiến nó không dám khinh suất vội vã ôm chặt lấy đuôi gã chuồn chuồn. “Phi cơ” bay lượn cùng khắp. Thoại sướng mê tơi vì khung cảnh bên dưới Thoại tuyệt vời quá. Ngang qua một vườn hoa vĩ đại khoe màu, Thoại say sưa ngắm các chú bướm khổng lồ lượn quanh hoa ve vãn. Gã chuồn chuồn trông vậy mà cũng có tâm hồn nghệ sĩ ghê gớm. Gã tà tà lượn qua lượn lại vườn hoa rồi sau cùng mới chịu đáp xuống một bãi cỏ non. Thoại trèo xuống ngay. Nó không quên cám ơn bác chuồn chuồn dù gã không hề bận tâm về sự hiện diện của một hành khách tí hon trên đuôi gã nãy giờ.

Đói bụng quá, Thoại gặm đại vài cọng cỏ, ngon thật. Thoại tha hồ no nê. Vấn đề lương thực như vậy coi như đã tạm xong. Thoại yên tâm đi dạo cùng khắp.

Khi vượt khỏi cánh đồng cỏ non Thoại gặp ba chú kiến đang loay hoay khiêng mồi về “nhà”. Chú kiến đi đầu có vẻ yếu đuối, chân chú ta như muốn khụy xuống đi không nổi. Bản tính hào hiệp nổi dậy, Thoại vội chạy đến phụ một tay, nhưng chợt một tiếng quát thật to khiến Thoại giật mình sựng người lại.

- Đứng yên!

Quái lạ! Ai nói vậy? Thoại nhìn quanh quất. Chẳng có bóng người nào cả. Không lẽ kiến biết nói?

- Ăn cướp hả.

Đúng rồi! Kiến đầu đàn quát. Trời đất! Kiến biết nói nhưng Thoại không suy nghĩ lâu, nó đang bực mình về lời lẽ của chú Kiến vừa rồi. Rõ là làm ơn mang oán. Bọn Kiến mất lịch sự thật.

- Câm hở?

- Ừ.

- Ha! Ha! Câm mà biết nói.

Ba chú Kiến khoái trá cười vang. Thoại tức lắm nhưng cố làm thinh.

- Hỏi thiệt. Chú mày là cái giống gì vậy? Ở đâu tới?

- Người.

- Lạ thật. Tôi chưa nghe đến giống này bao giờ.

Một chú Kiến đề nghị:
 
- Hay ta bắt tên này về để ở sở thú coi chơi.
 
- Ý kiến hay!
 
- Nhào vô, anh em.
 
Thoại né tránh thật lẹ. Nó quyết tâm trả đòn một cách đích đáng. Thoại hét:
 
- Ba đứa đánh một hèn lắm!
 
- Nó nói cái gì vậy?
 
- Nó muốn một chọi một đấy.
 
- Ối! Cái thằng bá láp. Bộ nó không biết dân tộc mình mang một đức tính kiêu hùng sao: đoàn kết.
 
- Đúng. Đoàn kết đi liền với sự trường tồn của dân tộc.
 
- Hợp quần gây sức mạnh mà lỵ.
 
Thoại giận sôi. Thừa lúc cả ba đang huênh hoang chọc ghẹo, Thoại lao người vào chú đầu đàn đấm thiệt mạnh. Hai con còn lại hùa vô cứu. Chú kiến trong tay Thoại đột nhiên cứng đơ. Thoại hoảng hốt bỏ chạy. Hai con kiến còn lại không buồn đuổi theo. Chúng còn đang săn sóc đồng bọn.
 
Chạy một quãng xa không thấy ai đuổi theo, Thoại mới yên tâm lững thững bước. Trời nước mây. Tất cả đều đẹp. Thoại thầm nghĩ đến việc vừa qua mà mỉm cười. May thật, suýt nữa là khốn rồi. Nhưng Thoại đã lầm và hàng ngàn tiếng reo hò phía sau thay câu trả lời cho nó. Đông ơi là đông, kiến ở đâu mà đông thế. Hình như chúng đi trả thù cho đồng bọn. Thoại nhận ra hai tên đi đầu chính là hai con khi nãy. Chúng đang chỉ trỏ bàn định một việc gì. Thoại sợ quá, bỏ chạy. Đàn kiến ùn ùn rượt theo.
 
Tới một dòng sông Thoại mừng rỡ với hy vọng lũ Kiến tận đường - Nhưng, hình như bọn Kiến liều chết nhảy đại xuống sông. Thoại thắc mắc đến ngẩn người không hiểu bọn chúng làm chi cả. Trong khoảnh khắc lũ kiến đã tạo nên một cái cầu nổi và chiếc cầu nổi này có nhiệm vụ đưa đồng bọn sang sống. Bí đường rồi, Thoại vội chạy men theo sông rồi tìm một chiếc lá, leo lên, chèo ra giữa dòng. Bọn Kiến la ó rầm trời, đuổi theo.
 
Nhưng đột nhiên lũ Kiến chạy tán loạn lui về phía bên kia sông. Thoại ngơ ngác, mãi đến lúc mây đen kéo đến xám xịt cả bầu trời, Thoại mới hiểu khả năng thiên phú của lũ Kiến. Thoại muốn quay thuyền vào bờ nhưng không được. Mưa đã kéo đến, vội vã, dữ dội. Chiếc thuyền lá chòng chành muốn chìm khiến Thoại càng sợ hãi - Nước đã vào thuyền. Càng lúc càng nhiều, tỉ lệ với độ chìm của thuyền lá. Thoại mệt mỏi. Hy vọng thoát chết thật mỏng manh. Chiếc thuyền lá bị lật nhào hất tung Thoại xuống sông.
 
Chao ôi! Thoại trông thấy những họng cá đen ngòm đang đợi sẵn. Những hàm răng ngó phát ghê, Sắc, nhọn tựa lưỡi hái của tử thần.
 
Thoại rú lên...
 
*
 
- Gì vậy con?
 
Thoại thức  giấc. Mình mẩy sũng ướt mồ hôi. Người mẹ mắng yêu:
 
- Gớm! Con trai con đứa lớn cái đầu rồi mà còn mớ ngủ.
 
Thoại ấp úng:
 
- Ơ... ơ... dạ... con...
 
- Thôi đi ông tướng! Dậy mà đón giao thừa.
 
Thì ra đó chỉ là một giấc mơ. Thoại mừng rỡ "dạ" một tiếng thật to trước vẻ ngơ ngác của người mẹ. Nhưng rồi bà cũng nở một nụ cười. Đầu năm mờ!
 
*
 
Câu chuyện đến đây tạm kết thúc vì chẳng còn gì lạ lùng đáng nói cả. Duy chỉ có một điều ngạc nhiên là khi Thoại kiểm điểm những chi tiết trong giấc mơ thì thấy rất phù hợp thực tế: từ chỗ trốn con mèo đầu tiên, đến ổ nhện, phi trường chuồn chuồn, vườn hoa... Và, sau rốt là cơn mưa thoảng qua đêm rồi.
 
Thoại ngẩn người tự hỏi:
 
- Ta mơ hay tỉnh đây...
 
 
Saigon đầu xuân 1973      
NGUYỄN LẠI BÌNH     
 
(Trích từ bán nguyệt san Thằng Bờm số 22, ra ngày 1-3-1973)
 

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2025

Làm Người... Ta Phải...


Bà tôi thường quan niệm rằng "Làm người ai cũng phải nên... lao động" Tôi rất ghét quan niệm đó. Tôi có địa vị, tiếng tăm... há không đủ rồi sao? Bất tất phải nghe lời một bà cụ già lẩm cẩm? Hôm vừa rồi, trong bữa ăn, bà tôi bảo tôi rằng:
 
- Cháu cần phải làm một việc gì, hay cố tập làm cho được một dụng cụ gì đó, chẳng hạn lấy đất sét nặn một cái dĩa, cưa ván gỗ đóng một cái bàn hay sơn cánh cửa... hoặc lấy vải kia cắt ra mà may một cái quần đùi, cùng lắm là chiếc khăn tay thử xem nào! Con trai con tráng mà lười biếng mỗi chút mỗi nhờ người khác chẳng đáng thẹn lắm ru?
 
Úi trời ơi! Tôi : một nhà văn, không những thế, tôi còn có bằng cấp đại học hẳn hoi mà lại đi hạ mình làm những công việc tay chân "hạ tiện" đó ư? Đâu có được! Nhưng tôi chưa kịp há miệng cãi một lời thì bà tôi đã nghiêm nghị tiếp:
 
- Bà thừa biết cháu nghĩ gì rồi, ai cũng nhận cháu là kẻ có tài, một nhà văn nổi tiếng... ngay bà, bà cũng công nhận điều đó nữa. Bà còn nhận rằng cái tài hút thuốc lá của cháu thì quả là ăn đứt mọi người, bằng cớ là tàn thuốc lá và khói thuốc lá của cháu ngập phòng. Nhưng theo ý bà thì cháu cần làm một việc gì, một vật gì cụ thể, một vật có thể sờ, nắm được, thấy được và là một vật thiết dụng kia. Cháu biết tại sao không" Đây, hãy nghe câu chuyện sau đây...
 
Chuyện gì? Chuyện gì mà bà tôi kể cho tôi nghe để cốt giải thích cho tôi về quan niệm "làm người phải nên... lao động" tôi nghĩ thầm trong bụng, lòng không vui nhưng kiên nhẫn lắng tai.
 
- Ngày xưa...
 
Mới nghe tới đó tôi nghĩ thầm thêm: "Trời ơi! Hết chuyện rồi bà đi kể chuyện cổ tích cho một nhà văn nổi tiếng" song vẫn không hề phản đối, để xem câu chuyện ra sao.
 
- Xưa lắm có một vị hoàng tử xứ Ba Tư cảm mến con gái bác chăn cừu. Chàng tâu với phụ vương rằng:
 
- Kính tâu phụ vương, con yêu cô gái chăn cừu và muốn được cùng nàng...
 
Chợt nghe qua, "mặt rồng" đổi sắc, ngài đập bàn quát lên:
 
- Ta đây là vua nước Ba Tư giàu có, con sẽ nối ngôi ta sau này. Hỡi vị hoàng tử ngu dại, si mê kia! Chớ yêu không phải chỗ! Dễ thường các đại thần, tể tướng hết nhẵn con gái rồi sao mà con lại...
 
- Kính tâu phụ vương! Con biết rằng việc này làm phật ý phụ vương, nhưng con nào muốn vậy. Khốn thay! Con rất mến nàng, kính xin phụ vương chấp thuận cho con cưới nàng làm vợ.
 
- Ta không cho! Ta không cho! Ta không muốn có con dâu hạ tiện, con kẻ chăn cừu!
 
- Như vậy thì con xin thề : con không lấy vợ từ giờ cho tới chết.
 
Nhà vua sửng sốt! Ôi chao! Nó là con mà nó không lấy vợ lấy ai nối ngôi ta về sau? Mà ta có một mình nó chứ phải nhiều nhõi gì cho cam! Ta cần có cháu bế mà! Ấy vậy là đức vua đành nhượng bộ. Ngài đấu dịu:
 
- Thôi! Cha cũng chiều con. Muốn lấy ai thì lấy. Duyên nợ với nhau, cha không cấm!
 
Nói đoạn, ngài cho gọi quân hầu đến truyền rằng:
 
- Ngươi kíp đến nhà gã chăn cừu, nói với hắn là Hoàng tử muốn cưới con gái hắn.
 
Quân hầu tuân lệnh đến nhà cô gái báo tin. Gã tưởng cô gái phải mừng rơn lên, ai ngờ cô điềm nhiên hỏi lại:
 
- Hoàng tử "nhà anh" có biết qua một nghề lao động nào không? 

- Hử? Cô hỏi cái gì?
 
Tên quân hầu tưởng mình nghe lầm, hỏi lại. Cô gái hỏi to:
 
- Hoàng tử "nhà anh" có biết qua một nghề lao động nào không? 

- Trời ơi! Cô rõ dở hơi! Cô há không biết rằng ngài sẽ thay vua cha trị vì vương quốc Ba Tư mênh mông, giàu có này ư? Ngài là vua, ngài cần gì phải...
 
- Biết vậy! Nhưng nếu hoàng tử "nhà anh" không biết một nghề lao động nào thì đừng hòng cưới được tôi. Tôi muốn thế. Hãy về báo tin đó cho ngài.
 
Tên quân hầu lủi thủi trở về, lòng đầy kinh ngạc. Nghe lời tuyên bố ngạo mạn của cô gái qua tên quân hầu kể lại - đức vua tưởng máu sô lên sùng sục trong huyết quản, quay lại con mỉa mai giọng, hỏi rằng:
 
- Thế nào? Hoàng tử duy nhất của ta! Con không hề biết một nghề lao động nào hết, con tính sao đây? Bỏ ý định ngông cuồng rồ dại kia chưa?
 
- Kính tâu phụ vương! Cũng chẳng khó khăn chi, con sẽ cố học lấy một nghề lao động vậy.
 
Hoàng tử nói bằng giọng rất tự nhiên, không phật ý chút nào. Thế rồi, chàng học nghề dệt thảm rơm, dệt rất nhiều loại, nhiều cỡ, nhiều mầu, nhiều kiểu. Chỉ trong ba ngày, chàng đã lành nghề, chàng dệt những tấm thảm tuyệt đẹp, cho tên quân hầu mang đến giao tận tay cô gái và nói rằng:
 
- Chính Hoàng tử đã thân hành dệt những tấm thảm rơm kia xin mang lại biếu cô, đó là bằng cớ về một nghề lao động vậy.
 
Cô gái lấy làm vừa ý.
 
Thế là hôn lễ tiến hành.
 
Họ rất hợp nhau.
 
*
 
Một hôm kia, Hoàng tử dạo chơi ở kinh thành Bagdad, vui chân dừng lại ở một hiệu ăn trông rất sạch sẽ, thanh lịch, và sau cùng hoàng tử bước vào trong, ngồi xuống một cái bàn, toan cất tiếng gọi thức ăn... Hoàng tử không ngờ rằng mình đã vô tình lọt vào sào huyệt của bọn bất lương, chuyên giết người, cướp của.
 
 Chúng bắt hoàng tử nhốt vào một ngục tối rất lớn cùng với nhiều người khác, cũng là nạn nhân của chúng và vốn là người có địa vị trong vùng.
 
Chúng đem những người béo mập ra giết đi, lấy thịt nuôi những kẻ gầy ốm nhất, coi đó như một trò tiêu khiển vậy. Hoàng tử là người gầy nhất trong số những người gầy lại không ai biết chàng là hoàng tử, nên chàng không bị chúng giết ngay. Hoàng tử lập mưu nói với bọn cướp:
 
- Tôi là thợ chuyên dệt thảm rơm, loại đắt tiền nhất, nhà vua vẫn mua thảm do tay tôi dệt. 

Bọn cướp liền mang rơm đến bảo chàng dệt thảm ngay. Trong ba hôm, hoàng tử dệt xong ba tấm thảm cực kỳ khéo đẹp. Hoàng tử bảo bọn chúng:
 
- Các ông mang những tấm thảm này đến dâng cho đức vua, thế nào ngài cũng trả cho các ông mỗi tấm một đồng vàng.
 
Thế là bọn cướp mắc mưu chàng. Thoạt trông thấy những thảm đó, nhà vua đoán ngay con trai chắc đang lâm nguy, ngài bèn gọi dâu đến phán rằng:
 
- Có người mang dâng ta mấy tấm thảm, ta đoán chắc do chồng con dệt, con có đồng ý với ta không?
 
Nàng cầm từng tấm lên xem rất kỹ và quả nhiên nhận thấy trong những đường dệt tinh vi đó có mật thư của chồng mình bằng chữ Ba Tư, lập tức nàng đọc cho vua cha nghe.
 
Đức vua liền phái rất nhiều quân lính đến ngay sào huyệt bọn cướp, vây bắt chúng không chừa sót một mạng nào và giải thoát hoàng tử cùng tất cả những nạn nhân của chúng, bị giam từ lâu. 

Hoàng tử trở về cung điện với cha và vợ.
 
Thoạt thấy nàng, hoàng tử làm một cử chỉ ưu ái và rất "hạ mình": Chàng quỳ xuống hôn chân vợ mà rằng:
 
- Anh rất cảm phục và biết ơn em, chính nhờ em mà anh sống đến ngày nay đó. Em đúng là vợ hiền của anh.
 
Riêng đức vua, ngài rất hài lòng về người con dâu khôn ngoan, vốn là con gái nhà chăn cừu nghèo khổ xưa kia.
 
*
 
- Đó, cháu thấy chưa? (bà tôi dịu dàng hỏi) Cháu đã biết cái lẽ tại sao bà vẫn cho rằng ai cũng phải biết một nghề lao động để phòng thân không?
 
- Cháu biết rõ lắm rồi - tôi vui vẻ nói - cháu sẽ để dành tiền, mua cưa, gỗ, ít tấm ván mỏng, trổ tài đóng vài chiếc ghế, song trước hết cháu đóng ngay cái giá đựng sách cho bà xem.
 
 
MINH QUÂN          
(phóng tác theo một truyện ngắn
 của William Sarnaoy) 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Xanh số 38, ra ngày 1-3-1967)
 


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>