Thứ Năm, 31 tháng 10, 2024

Hoa Sầu Đông


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thuở nhỏ lên tám tuổi
Còn cắp sách đến trường
Chưa biết nhung, biết nhớ
Được mẹ thương rất thương

Đi học ngang qua ruộng
Về đi tắt dọc đường
Nhặt sầu đông tím rụng
Thơm hơi còn đưa hương

Nhưng... một hôm trở bệnh
Phải ở lì trong phòng
Nhớ thầy cô, lớp học
Nhớ cả hoa sầu đông

Em biết nhung, biết nhớ
Hoa sầu đông! Hoa ơi!!
Hoa vừa đang độ chín
Có nhớ ta ngậm ngùi??

Năm sau lên chín tuổi
Lên tỉnh học lớp nhì
Bỏ sầu đông ở lại
Hoa có nhớ người đi??

                            THƠ THƠ
                             (Hoa Nắng)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 49, ra ngày 30-7-1972)
 

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2024

Hương Thơ Ấu

 

Từ một góc trời nào xa thẳm, xanh lơ của thiên đàng ngà ngọc tuổi ấu thơ, em hình dung thấy NT. Con bé như một nàng tiên nương theo cánh gió, bay dật dờ trước mặt rồi phút chốc càng xa. Xa em mãi cũng như ra khỏi quãng đời thơ ấu của em, của NT.

Em ngậm ngùi nuối tiếc chuỗi ngày thần thánh ấy. Tháng ngày của tuổi nhỏ được ướp bằng hương thơm mật ngọt.. Em và NT đắm chìm trong đó, sung sướng hưởng trọn vẹn những gì đẹp nhất của tuổi rong chơi.

Thời gian vẫn lặng rót từng giọt đều qua ngày tháng. Em hững hờ để dòng nước thời gian cuốn trôi tuổi nhỏ qua mau. Bây giờ ngày tháng đó đã bỏ xa em, em mới thấy tiếc và nhớ nhung thật nhiều.

Ngoảnh nhìn lại con đường đã qua, để lại bao kỷ niệm trong khung trời ấu thơ yếu dấu ấy. Em nghe nhớ thương vời vợi và xao xuyến khôn nguôi. Kỷ niệm thật mơ hồ, thật mong manh, nhưng vô tận. Và mỗi lần nghĩ đến NT là em nghe kỷ niệm như trải dài ra trước mặt.

... Ngày tháng đó êm đềm như một áng mây thu xanh, ngọt ngào như bầu trời mùa hạ và dịu dàng như nắng ấm mùa xuân. Nhưng cũng có chít ít rét buốt của gió đông đã mang đến nhớ nhung trong em, chất ngất. Đó là lần con bé NT bỏ em ra đi...

Ngày đó, em còn nhớ. Con bé đến bảo với em rằng con bé phải đi xa. Em đã chẳng ngờ đến sự việc đó bao giờ. Thế nên em đã sững sờ thật lâu trước cái tin bất ngờ đó. Điều mà em không hề nghĩ tới là sẽ có một ngày hai đứa phải xa nhau. Ngày đó đã tới, nhưng tới sớm quá làm cho em thấy ngỡ ngàng. Tưởng như đó không phải là sự thực. Nhưng sự thật vẫn đến với em và làm em đau lòng không ít.

Ngày mà chúng em xa nhau là lúc em đang còn ngồi ở ghế Đệ lục. Cái năm mà tình bạn giữa NT và em đang đến hồi thân thiết. Hơn nữa nhà chúng em lại gần nhau - chỉ cách một con đường - thế nên bông hoa tình bạn của NT và em mỗi ngày một nẩy nở, tươi thắm như những cành hoa phượng nở rộ trên con đường nhà em mỗi độ hè về. Con đường xinh xinh đó đã in đầy vết chân em cùng bạn em. NT thường bảo rằng "H ơi! Ta thương mi như thương con đường Phượng". NT đã đặt cho "con đường của chúng em" một cái tên, ngồ ngộ làm sao ấy! Và em cũng yêu con đường Phượng như yêu NT, em muốn bảo với con bé như thế. Nhưng bây giờ bạn em đã xa em. Một con đường dài gấp trăm, nghìn lần con đường bé bỏng này đã ngăn cách chúng em. Em nhớ lắm NT. Em thương lắm NT và để những giọt nước mắt rơi xuống trang giấy này... cũng vì NT, cho NT đó! NT có biết không và có thương "con H hiền lành" của NT. À, và còn cho nữa con đường Phượng thân yêu của chúng ta. Vì NT có biết không? Từ lúc NT bỏ H, bỏ trường, bỏ tất cả để theo ba mẹ đi xa, con đường của chúng ta... đáng thương lắm, NT ạ! Không hiểu nó có biết nhớ thương? Hay là vì ảnh hưởng của súng đạn và thuốc khai quang mà phượng bị chết rất nhiều - có lẽ điều này đúng - NT ơi! Mình đã có lần suýt khóc khi thấy phượng đã chẳng nở một bông hoa nào trong vụ hè năm đó. NT biết không? Những cây phượng đều trơ lá xác xơ như vào mùa Đông vậy đó. Mình muốn NT hiểu rằng chúng nhớ thương NT đó, chúng nhớ thương người bạn chân thành đã bỏ chúng mà đi. Vì NT thấy không? Những cành trơ lá cho thấy chúng đã ốm đi vì,,, thương nhớ, thương nhớ thời quá khứ vàng son rực rỡ với những bông hoa đỏ thắm, thương nhớ người bạn bỏ nó ra đi. NT coi đó, con đường Phượng rất đỗi chung tình. Vì thế NT hãy thương yêu nó nhé, nhớ mãi Huế nhé. Và nhất là phải dành "cảm tình đặc biệt" cho con đường với những hàng cây sum suê lá, đã làm dù che cho chúng ta mỗi lúc tới trường. NT hãy hứa rằng NT không bao giờ quên những nơi đã để lại nhiều kỷ niệm của hai đứa. Và đừng bao giờ quên H cả, phải nhớ H nhất đấy! Nhiều nhất đấy nhà.

Bây giờ em đang ngồi nơi bàn học, có cửa sổ đối diện với con đường thân yêu. Buổi trưa. Mùa hè lên thật đầy trong nắng. Bóng nắng vừa chớm gay gắt của những ngày đầu mùa... Thêm một mùa hè nữa lại về với học trò, với Nt, với em. Và bầu trời xanh ngát ngoài kia đang gây cho em một ít xao động trong hồn. Đã bốn mùa hè em xa vắng NT, đã mấy mùa hè em một mình đếm thương đếm nhớ. Em tự thấy trống vắng và cô đơn chi lạ. Một sự trống vắng không gì lấp được và nhung nhớ thì ngút ngàn. Và còn buồn. Và muốn khóc khi nghe tiếng gió reo vui trên hàng Phượng, khi thấy nắng ngập ngừng trước cổng. Nắng lan dài như nỗi vui của nó, như điệu buồn của em.

Đôi khi em rất yêu bóng nắng. Màu nắng vàng thân mến của mùa hè cơ hồ như vương mang kỷ niệm. Kỷ niệm thì đẹp, thì buồn và luôn luôn đáng yêu.

Nhìn ra bóng nắng, em mơ hồ như thấy một buổi chiều. Buổi chiều có nắng hanh vàng mơn man với gió. Có gió đùa qua hàng cây. Và lá cây thì thầm cùng hai cô bé. Em và NT chụm đầu vào nhau nghe từng lời ca hát của thiên nhiên, của hồn nhiên tuổi thơ ngọt ngào như trái thương yêu vừa chín. Bông hoa tình bạn của chúng em đã nở. Trái tình bạn kết bằng mật yêu thương đang tỏa hương, sực nức. Em và Nt đắm chìm trong bể yêu thương... Một buổi chiều đẹp, từng buổi chiều ngây ngất hương tình bạn, say mê hương thơ ấu. Rồi từng ngày, từng chiều qua. Em và NT rất mến. Và hình như yêu chúng mất rồi...

Rồi cũng có một ngày tuổi nhỏ bỏ ra đi. Đó chính là ngày con bé NT bỏ đi xa. Bây giờ chưa hẳn em đã là... người lớn, nhưng cũng chẳng còn bé bỏng gì nữa. Thế thì tuổi nhỏ đã bỏ em rồi chăng? Trong một vài lần mơ mộng em tập làm người lớn đấy! - Em đã mơ về tuổi ngọc rất nhiều. Dù không hay còn trong tuổi hồn nhiên em cũng xin thơ ngây đừng bao giờ mất. Để cho hương mật ngọt thắm mãi môi hồng. Và một lần nhìn về quá khứ em bắt gặp NT cùng tuổi nhỏ thân yêu đang cười với em. Tuổi nhỏ sẽ bất diệt với kỷ niệm ngày xưa, với NT thân mến và một đôi khi hiện về theo bóng nắng ngập ngừng đã làm em muốn khóc. Và nhớ. Và buồn một nỗi buồn xa vắng...


THÙY HẠNH        

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 163, ra ngày 15-10-1971)

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Thơ Học Trò

 


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thơ học trò em làm bằng xác lá
Không cao kỳ, không khách sáo đâu anh
Thơ của em được viết với mực xanh
Nên vụng dại đừng cười em anh nhé!

Những giờ học trôi dần qua lặng lẽ
Nhìn sân trường đôi ba lá me khô
Em cầu mong mình luôn mãi học trò
Để âu yếm thương màu xanh, phấn bảng

Có những lúc em quên nghe thầy giảng
Mà vu vơ theo dõi cánh chim bay
Rồi ước mơ em gom góp thật đầy
Quên thực tại đang ngồi trong lớp học

Bị thầy mắng mà em không dám khóc
Sợ bạn cười mình có tính mộng mơ
Hay lo ra và luôn mãi thẫn thờ
Như thi sĩ ru hồn theo mây gió

Em buồn quá nghe hồn mình nức nở
Vì học trò mà cứ thích làm thơ
Thôi từ nay xin hai tiếng giã từ
Để quay về với mực xanh giấy trắng.

                                   HOÀI HUYỀN THANH

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 138, ra ngày 1-10-1970)

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

Thằng Bạn Mới

 

Trông mặt thằng "ranh con" ấy đáng ghét quá... Thu nghĩ thầm như vậy.

Cái thằng... thấy chỉ muốn thoi cho mấy quả, Thu nhất định tuyên bố với các "đảng viên" của Thu là không cho đứa nào chơi với thằng "ranh con" nầy. Trông nó có vẻ "khinh người" lắm. Nó từ đâu tới? Thu cũng mù tịt. Thu chỉ biết một hôm có chiếc xe vận tải chở đồ đạc và một ít người đến đỗ ở trước cửa căn nhà ông Tám đề biển: "Cho thuê". Rồi bọn người ấy khuân đồ vào nhà. Ít lâu sau, Thu thấy xuất hiện thằng "ranh con" nầy. Thu ghét nó quá đi! Ai đời Thu chơi "Tắc-Dăng", chơi đấu kiếm, hay chơi trò mọi da đỏ bắn nhau "pằng pằng" nó cứ đứng cười, hàm răng trắng mà đều của nó cứ nhe ra, cặp mắt nó híp lại... Chao ôi đến dễ ghét. Đúng nó là dân "khinh người" rồi, nhất định không thèm cho nó nhập bọn...

Thu thực hành ngay ý định, nghĩa là chạy đi tìm thằng Hích, thằng Kính, thằng Lợi, con Thủy, con Yến tất cả những "đảng viên" của đảng "Chim Xanh" để dặn chúng đừng chơi với thằng "ranh con" nầy. Nhất định là chúng nghe lời Thu "rốp rốp" rồi (Ậy! Bao giờ Thu lại chả "oai". Nữ Chúa đảng "Chim Xanh" mà!).

*

Mặt trăng vàng ánh tròn trặn vừa lên khỏi nóc nhà bác Chín là Thu học hết bài vở. Thu vội vàng xếp đống sách vào ngăn kéo rồi chui vào kẹt tủ lấy thanh kiếm gỗ. Thu cũng xuống "tấn" múa may vù vù và vận "nội công" đánh ra những "chưởng" kêu "phì phì" (bắt chước chú ba tầu hát xiệc Sơn Đông mà). Thu thấy mình "oai phong lẫm liệt" quá... Thé là... Vù một cái, Thu phóng xuống cầu thang chạy biến ra vườn hoa. Tụi "đảng viên" của Thu đã ở đấy rồi, chúng đang vật nhau, hò hét ầm ĩ...

- Ê, chúng mầy ơi...

- A! "Nữ Chúa" đến!

- Sao muộn thế thưa "Nữ Chúa"?

Thằng Hích vừa nói, vừa làm bộ khoanh tay, khòm lưng ra dáng kính cẩn làm bọn trẻ được dịp cười bò... Thu vui vẻ trả lời các bạn:

- Ừ, hôm nay "Nữ Chúa" bận học bài địa lý khó quá, học mãi giờ này mới thuộc chúng mày ạ.

- Thôi xí xóa, bi giờ mình chơi "cao bồi" đi - Thằng Kính đề nghị.

Hích gạt ngang:

- Hong, chơi Tắc-dăng khoái hơn chứ.

Thằng Lợi lắc đầu:

- Chơi đấu kiếm thú hơn. Tụi bây ngu như bò con ấy...

- Ừ! Chơi đấu kiếm... Tao đồng ý với thằng Lợi.

- A ha! Chơi đấu kiếm, "Nữ Chúa" đồng ý rồi đó nhé... 

Rồi mỗi đứa nhận một tên của các tay võ hiệp cho "oai":

- Tao là "Ca ra mút"

- Tui là "Đát-ta-nhăng"

- Tớ là "Tôn Tẫn"

Mỏa là "Quan Công"

Thế rồi chúng vui vẻ mỗi đứa cầm một thanh kiếm gỗ xúm vào nhau , thỉnh thoảng chúng lại lăn tròn trên cỏ hò hét ầm ĩ.

Thầy cảnh binh cũng vì mến trẻ nên để mặc chúng nghịch ngợm vui đùa.
 

"Địch thù" của Thu là thằng Hích vì hai đứa đã "ăn khớp" với nhau rồi. Thỉnh thoảng, liếc nhìn bóng mình in dưới đất Thu thấy "oai" tệ! Cũng dạng chân, cũng đâm chém, đỡ gạt, chẳng khác gì một tay "hiệp sĩ", thú ghê. Thế mà cậu cứ cấm chơi trò đấu kiếm, tức thật! Nhưng có hại gì, mỗi tối khi học bài xong, Thu lại rủ các "đảng viên" của mình ra đây đấu kiếm. Nếu thoáng thấy bóng cậu, Thu quẳng luôn kiếm gỗ đi rồi vờ ngồi chơi mát thì cậu có biết đằng trời...!

Đang mải mê đấu kiếm, chợt một câu nói có vẻ rụt rè làm Thu và cả bọn chùn tay:

- Cho em... chơi với!...

Thu quay lại và nhận ngay ra thằng "ranh con" mới đến. A, thằng nầy hết "khinh người" rồi... Sao hôm nay nó lễ phép quá vậy kìa... Chắc nó không có bạn đấy. Nhác trông ánh mắt thèm muốn và gương mặt đỏ bừng vì ngượng nghịu của thằng bé, Thu lại đâm ra thương hại... Bao nhiêu ác cảm buổi đầu vụt tan biến đi mất... Thu ngọt ngào:

- Ừ chơi thì chơi nhưng thuộc loại "lính mới tò te" nghe không? À mà mầy không có kiếm, làm sao đây?

Thằng "ranh con" tươi cười, giọng nhõng nhẽo:

- Hong, chơi đấu kiếm chả thích, nhỡ đâm vào mắt thì chết... Ba em cấm... Nhưng em còn nhiều trò hay lắm cơ... Bây giờ mình chơi "bịt mắt bắt dê" nghe.

Nói xong nó giơ tay ra đếm:

- Một, hai, ba... Mười người đủ lắm rồi, chơi đi!...

Thu muốn biết trò chơi nầy thế nào nên gật gù đồng ý:

- Ừ, thì "bịt mắt bắt dê". Nào bắt đầu.

Thế là, theo sự chỉ dẫn của thằng "ranh con" bọn trẻ bắt đầu mở cuộc chơi...
 

Trò chơi nầy vui quá. Thu thấy thích vô cùng. Chán trò "bịt mắt bắt dê", chúng xoay ra "cướp cờ" rồi "bổ ốc"... Thằng bạn mới còn bảo chúng nhiều trò vui chơi lạ lùng khác nữa. Thu thấy phục thằng bạn mới quá... "Nó hơn mình nhiều, chính nó mới xứng đáng làm đảng trưởng đảng Chim Xanh". Thu nghĩ thầm như vậy nhưng chẳng nói ra...

Tự nhiên Thu thấy buồn cười vì sự thay đổi mau lẹ đó... Thu cười nhe răng. Thằng "ranh con" quay lại ngơ ngác:

- Thu cười gì em? Thu không chơi nữa sao?...

Thu lắc đầu, không nói, nắm chặt lấy bàn tay nó nở nụ cười thân mật. Thu thì thầm:

- Em ngoan lắm... Cho phép em nhập bọn luôn đó. Mai mình lại tiếp tục...

Hai đứa nắm tay nhau cười... Ánh trăng sáng vằng vặc trên nền trời trong vắt như đang cười với chúng nó...


HOÀNG THI TRANG      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 28, ra ngày 25-5-1965)

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2024

Thu Mưa



 viết cho em tôi và những ngày xa cách

Buổi sáng trời có mây xám che kín, âm u như những ngày mùa đông của một thành phố cao nguyên đất đỏ. Em ôm tập vở, đi dưới những hàng cây xanh chạy dài, con đường có đầy lá ẩm ướt rã mục, từng lớp chồng chất lên nhau. Bước chân em dẫm thật êm lên chúng, lững thững dò từng vết lá mòn. Nắng vẫn không lên để làm tan những hạt sương bám trên cỏ, gió rất nhẹ, hiu hắt vừa đủ làm cho áo em bay, em thầm mong trời cứ như thế mãi mãi ; em chẳng thích nắng lên, em ghét nắng lắm kia ; trời cứ âm u đầy những sợi mây lẻ loi đi lang thang khắp nơi, em ngước mắt nhìn, hai hàng cây xa xa như đan thành một vòng cung hun hút.

Mưa rất nhẹ khi em vừa quanh lối rẽ để vào lớp học, tà áo trắng lấm tấm bụi mưa, em đưa tay lên tóc, tóc em cũng ẩm nước, em thầm tiếc bộ áo trắng mới tinh mới mặc sáng nay, phí quá, em thầm trách ông trời và chợt mỉm cười vu vơ. Lớp học tư gia bé xíu, nhỏ nhắn và gọn xinh ; em bước vào lớp và quen lệ ngó lên chiếc đồng hồ trên tường, đã tám giờ mười, ồ, chả có hôm nào mà em đến đúng giờ học.

Chiếc bàn chữ nhật có sáu chiếc ghế đã kín mất bốn. Hai chiếc còn lại một của thầy và một của em. Có tiếng khúc khích cười của mấy nhỏ bạn:

- Nàng thơ tới, nàng thơ hôm nay xinh ghê.

Em hơi mỉm cười với các bạn rồi ngồi vào chỗ của mình. Trong lớp học em vẫn được tiếng là ngoan nhất đấy. Thầy vẫn khen em hiền, nhưng giá thầy biết ở nhà em nghịch còn hơn gấu nữa thì thầy sẽ hết khen ngay.

Thầy bắt đầu giảng bài, giọng thầy chậm, rõ ràng, năm đứa em ngồi chăm chỉ nghe nhưng có đôi lúc em bắt gặp mình lơ đãng, nhìn ra ngoài trời đang có những hạt mưa nhè nhẹ. Thầy hơi cười, nhưng ánh mắt thầy bao dung nhìn em.

- Con nhỏ, không lo nghe học lát nữa làm bài tập lại ngồi cắn bút.

Mấy nhỏ bạn nhìn em cười tinh quái, à thi sĩ đang làm thơ đấy. Mặt em hơi nóng lên, em nhìn bạn vẻ như muốn thách đố và mắt em nheo lại chế diễu. Ghê nhỉ. Thầy làm nghiêm bảo cả lũ:

- Yên nào, chả chịu học hành gì cả, dốt thì chả ai bằng mà cứ...

Tụi em lén nhìn nhau, đứa nào cũng cố giấu một nụ cười. Thầy nói thế chứ thầy thương bọn em lắm. Năm rường cột của nước nhà mà.
 
Bây giờ là giờ tập đọc, thầy đọc trước bọn em đọc sau. Trời, Anh văn mới khó làm sao, em chả ghét gì hơn phải tập đọc nó. Chữ thì cứ ngọng nghịu trong cổ họng chả chịu đi ra ngoài. Bài tập đọc hơi khó, mặt đứa nào cũng ra vẻ người lớn, nhíu nhíu cặp lông mày. Thầy nhìn nét mặt từng đứa, chừng như thầy muốn cười ghê lắm. Em giả vờ chăm chú nhìn vào vở, một tay chống lên bàn, một tay lùa vào vuốt ve mái tóc. Tật em thế đấy, chả bao giờ ngồi ngay ngắn khoanh tay trên bàn cả. Họa có là ông trời đi vắng.

Đọc chung xong, thầy gắt từng đứa đọc riêng để kiểm soát. Thu khá nhất bọn, đọc to, rõ ràng từng chữ, thầy có vẻ hài lòng ; Kim hơi lúng túng một vài chỗ nhưng cũng lưu loát. Đến em, thầy cười cười. Biết cái tật con nhỏ hay khớp, thầy hay làm một vài cử chỉ khuyến khích cho em đỡ sợ : nào, đến lượt Thùy. Em cố gắng đọc cho xuôi bài tập đọc, sao hôm bay em bết thế nhỉ, em đọc sai nhiều chỗ, trật cả giọng. Thầy nghiêm nghị nhắc:

- Không phải thế, sai rồi. He is worried about the long grasses on his lawn. Đọc lại đi.

Em lắm bắp đọc lại suốt câu, nó vẫn thế nào ấy. Thầy cau mày:

- Thùy hư nhé, đọc còn sai nhiều lắm.

Em cúi mặt, nỗi buồn chợt lan nhè nhẹ vào lòng, chỉ có mơ mộng nhìn trời là hay thôi, mình chả được tích sự gì hết. Mái tóc xõa ra che lấp hết nửa khuôn mặt em, giọng thầy êm ái:

- Thầy chê những khuyết điểm để em tập sửa đổi lại, thầy không muốn chê các em để các em buồn, các em phải nhìn vào sự thật chứ.

Em tì cằm vào tay, tránh đôi mắt thầy. Vẫn biết là thế nhưng em cứ hay buồn, chỉ một chút vu vơ cũng đủ làm em băn khoăn suốt buổi.

Sắp hết giờ học, bài cũng xong, năm đứa ngồi khoanh tay nghe thầy nói. Thầy nhắc lại những điều quan trọng và cần thiết của môn học, phê bình từng người một. Đôi mắt em đăm đăm nhìn xuống mặt vàn gỗ nâu bóng, em thấy cả khuôn mặt em mờ mờ phản chiếu lại. Em lại lơ đãng rồi, mặt em chắc có vẻ buồn lắm trong lúc ấy. Thầy nhìn em mà em chả hay biết. Hoa ngồi cạnh khẽ cấu em:

- Thầy nhìn kìa.

Em hơi giật mình nhìn lên rồi nhoẻn miệng cười. Thầy dịu dàng bảo:

- Thùy học khá hơn trước nhiều, nhưng vẫn còn kém lắm, phải gắng thêm nhé, về nhà phải học nhiều vào.

Thu lém lỉnh:

- Thưa thầy, học nhiều đâu có thì giờ làm thơ.

Em lườm Thu một cái, con bé không kém vênh mặt lên nhìn lại. Thầy khẽ cười rồi bảo:

- Thôi, các em về.

Chúng em ôm sách vở đứng lên, năm cái mồm cùng tíu tít:

- Thưa thầy em về.

- Thưa thầy em về.

Thầy gật đầu, mỉm cười với chúng em, nụ cười thật dễ mến. Em đẩy cánh cửa bước ra, gió thổi lành lạnh, trời có hé một chút nắng rồi lại biến mất, mây đã sáng hơn. Em chậm rãi bước, Kim đi song song, em hỏi:

- Hôm nay không ai đón à.

Kim cười:

- Ừ, ba Kim mắc bận.

Em nhìn trời, vơ vẩn, như thế này không biết có mưa không nhỉ, chả thấy một gợn mây xanh nào cả. Em phân vân không biết nên về nhà hay ra bưu điện bỏ lá thư gửi cho nhỏ bạn, con đường về nhà hàng cây xanh rợp bóng, em ngần ngừ rồi lại thôi. Trời thật đẹp, mà về nhà chả có chuyện gì làm cả, ra bưu điện vậy. Kim nắm tay em:

- Kim về nha.

- Ừ.

Hai đứa chia tay, em lững thững đi một mình, ông trời rõ đáng ghét. Bây giờ thì những cụm mây đã chuyển màu, nắng hắt xuống mặt đường, viền cỏ xanh ngả nghiêng theo gió, chả còn một hạt sương nào trên lá cỏ. Em ghé vào hiệu tạp hóa hỏi mua mấy cuốn vở trắng, cũng cần phải thay vở cả rồi. Cô bán hàng gói lại, em đỡ lấy và tiếp tục con đường dài, gió cứ làm tóc em bay, rồi thì về nhà lại gỡ bằng thích.

Bưu điện vắng ngắt, vài ba người lính ngồi hí hoáy viết ở chiếc bàn con cũ kỹ. Em ghé lại quầy tem hỏi mua một ít loại ba đồng. Cô bán tem đang dán thư bảo đảm dấm dẳng hỏi lại:

- Sáu chục con tem hay sáu chục đồng?

Em bực mình, trời, đâu lại có người tiếp khách dễ thương thế. Em hơi mím môi, chả thèm nhã nhặn nữa em đáp trống không:

- Sáu chục đồng.

Em bỏ mấy con tem vào chiếc ví đựng bút xong bỏ vào chợ xem các mẫu hàng. Chợ thưa thớt người, những bạn hàng ngồi xúm vào tán gẫu. Chán thật, em lủi thủi ra về. Nắng lên rực rỡ, em là chúa ghét nắng. Mái tóc của em cứ hoe hoe, chả chịu đen, tại ông trời, ôi chao, sao mà nắng đáng ghét thế hở nắng?

*

Buổi chiều bao giờ cũng có vẻ u tối và hay mưa hơn sáng, nhưng em lại chả thích buổi chiều. Suốt cả ngày thành phố bị khuấy động ồn ào nên trời chiều có vẻ mất đi sự thanh khiết yên tĩnh như những sáng tinh mơ. Trời chiều thì buồn, em mong trời mưa nhưng chả có, ông trời cứ mờ mờ, mịt mịt cho bao nhiêu người lo lắng và chả thèm động đậy gì cả. Em ngồi tì tay vào cằm nhấm nhấm mấy cái móng. Chả bao giờ em bỏ được tật nhấm móng tay, em lại còn ưa bú ngón út nữa cơ ; hồi có anh Đan thì anh ấy hay la và chế nhạo, còn bây giờ thì chả ai khuyên bảo hay săn sóc em cả. Em buồn ghê đi, chẳng có chuyện gì mà làm, bài vở tháng hè chả có gì, học đi học lại mãi phát chán. Em ngóng mãi một cụm mây đen xám chuyển động trên nền trời. Hình ông Tề Thiên này, ông Trư Bát Giới này, cả ông Tam Tạng đội mão Tì lư nữa chứ. Nhưng chả bao giờ các ông ấy đứng lâu đâu, một tí thôi là hết rồi thì lại có cả đoàn tiên nữ múa trên trời, có xe rồng kết ngọc, có nhiều dải lụa bay phấp phới. Nhìn lâu mỏi mắt em cúi mặt chớp chớp mắt mấy cái cho đỡ mỏi, đến khi ngẩng lên thì chả thấy tiên nữ đâu nữa, chỉ có một con khủng long to tướng đang đánh nhau với sư tử, ghê quá, em trố mắt nhìn. Xem này, cái đầu sư tử bỗng nhiên tan dần tan dần rồi biến mất, con khủng long từ từ tiến đến, rồi con khủng long biến theo, bây giờ cả hai con hợp thành một vùng núi non mênh mông không một bóng người. Em nhìn mãi chỉ thấy những quả đồi từ từ xẹp xuống, mấy hòn đá lăn hoài, kỳ cục, em chả thích, em chỉ ưa nhìn thấy tiên nữ thôi. Tiên nữ lả lướt, mặc áo mây trắng như tuyết, có quàng lụa mỏng như tơ trời vậy đó. Mây đen khiếp quá, áo tiên nữ bẩn, tiên nữ trốn mất rồi, em cũng chả thèm xem nữa, mỏi cổ ơi là mỏi chớ phải chơi sao.

Em bỏ cửa sổ quay vào ngồi bên bàn học, mấy cuốn vở buồn tênh chả được em ngó ngàng tới. Em duỗi dài tay trên mặt bàn rồi gối đầu lên, dễ chịu ghê đi. Mắt em lơ đãng nhìn lên tường, bức tranh lập thể Picasso của em như muốn rớt xuống. Tranh của em vẽ đấy nhé, nhiều lúc chả làm gì, em lôi tube mầu ra hí hoáy chấm chấm, quẹt quẹt lên bìa cứng gọi là vẽ tranh ; em chả biết vẽ gì cả, thấy người ta bôi mầu hỗn độn lên bức vẽ em cũng bắt chước. Hộp mầu có 12 mầu thì em dùng đủ cả 12. Mầu nào cũng nhòe nhoẹt nước. Em đem trát tất cả vào mảnh bìa cứng, chả cần biết mầu có hợp không, cũng chả biết em vẽ gì nữa. Thế rồi, bức vẽ khô, em đắc chí treo lên tường ngắm nghía. Em vẽ cũng khá đấy chứ. Khoảng xanh xanh bên này là rừng cây nè, rồi mặt trời đỏ đỏ hồng hồng trên cao, hoa thì vàng, có một cái nhà cháy bốc lửa đỏ rực, khói thì đen cả lá cây đấy thôi. Em nghĩ mãi mới đặt tên cho bức vẽ là "Sương mù trên non cao". Chà chà, chẳng thấy sương đâu hết, mà cần gì, tranh lập thể trừu tượng, ai muốn nhìn ra sao thì nhìn chứ.

Trời hình như mưa lâm râm, em bỏ bàn học đi ra cửa, chỉ có vài giọt mưa không đủ làm ẩm áo. Giậu tường vi bắt đầu sẫm màu lại, trời không còn xám nữa mà đen nghịt. Em đứng yên ở cửa rất lâu, mấy giọt nước bám trên lá cây từ từ rơi xuống đều đặn. Trong lòng em bỗng mênh mông nỗi nhớ nhà, mi em hơi cay cay, trong bóng tối dần dần chiếm lấy căn phòng, em đứng lặng nghe từng giọt nước mắt mình lăn dài trên má. Gió đêm mơn man những sợi tóc rối, em cảm thấy hết tất cả nỗi buồn phiền tủi hổ đang lần lượt kéo nhau về ngự trong mắt em. Có tiếng bác gọi em sang ăn cơm tối, em không đáp, em chẳng muốn nói gì cả. Đứng tựa người ở cửa, em chỉ muốn được quên và quên thật nhiều những chuyện đã qua...

Đã ba hôm, em với người chị dâu xa nhau.

Em đưa tay xoa nhẹ bờ vai, đã ba hôm nay, những dấu răng cắn còn bầm tím. Sáu vết răng nằm thành một vòng trên vai em. Chưa bao giờ em bị cắn đau như thế. Chuyện thật ngắn ngủi, em và chị đùa giỡn, em cắn chị vào tay, em biết em chống không lại nên cắn thật mạnh để giành ưu thế. Chị cũng cắn lại em. Hai đứa khi buông nhau ra đều muốn khóc. Cuộc vui đùa đã thành cuộc gây chiến. Em mở áo xem, vai em sáu nốt răng tím bầm. Em không thấy tay chị nhưng em biết em cắn đau. Em chỉ không ngờ chuyện lại to như thế. Chị ban đầu nhìn em, rồi bỗng giận.

- Đồ khỉ, cắn người ta đau thấy mồ.

Em cười đáp lại:

- Còn mình không cắn lại hay sao, sáu vết răng chứ ít gì.

Trong lòng, em tự nhiên không nghĩ gì hết, em cho là một cuộc vui đùa như bao lần em và chị đã vui chơi. Hai đứa tuổi xuýt xoát, kề cận giúp cho em và chị gần nhau hơn thì nay chính điều ấy làm cho xa nhau.

Chị lẳng lặng bỏ qua hàng xóm, em ngồi một mình nghĩ rằng chị đi để khỏi tức mà gây với em, chỉ một lát, em thấy chị khóc trước nhà. Em sững sờ, mặc cho chị la hét em ngồi cứng. Em biết, chuyện không còn cứu vãn được.

Sáu vết răng nằm lì trên vai em không chịu tan, mỗi ngày một đen thêm, chung quanh ửng hồng như những lần em chủng đậu. Chắc nó chả nhức bằng em cắn chị mặc dù đêm ngủ em phải tránh không dám nằm nghiêng nhiều. Sáu vết răng chả làm em đau đớn, em chỉ đau vì những lời chị đã nói, và nói lúc vắng mặt em.

Thói quen đọc sách trước khi đi ngủ đã hại em.

Khi chị trở về nhà, lầm lì không nói với em một câu, em cũng im lặng. Bác gọi em thì thầm là em cắn chị đau lắm, sưng cả tay lên, bác dường như muốn em xin lỗi chị. Em cười gượng suy nghĩ rất lâu. Em chả muốn xé chuyện cho to, chị tát em mấy cái vào mặt cũng chả làm em đau xót bằng chị qua khóc kể với hàng xóm. Chuyện gì rồi thì cũng đến tai người ngoài. Em ngồi rất lâu trước trang sách, em chả học được chữ gì. Đầu óc em hỗn loạn, cuối cùng em quyết định không xin lỗi, ai muốn nghĩ sao về em thì nghĩ, em chẳng cần biết. Em xếp sách vở lại, sửa soạn đi ngủ.

Chả còn cuốn sách nào chưa đọc cả, em lục mấy cuốn Tuổi Hoa cũ xem lại vậy. Những truyện ngắn tạm làm em nguôi đi nỗi buồn, em thiu thiu ngủ, cuốn sách vẫn cầm ở tay. Đúng lúc đó, tự nhiên em giật mình mở mắt, em nghe tiếng chị vọng qua vách phòng đến tai em, đến bây giờ em đã quên đi phần nào rồi, em chẳng muốn nhớ những lời chị nói. Chị hình như bảo với em gái chị rất nhiều về em. R8àng em là đồ cà chớn, đồ tự kiêu, em có nhiều cái (?) mà chị không thèm nói ra sợ em mất mặt, em ra vẻ dìm chị trước mắt hai bác. Chị bảo em đúng là đồ gì mới cắn như thế, chị ghét em, chả muốn nhìn đến mặt em nữa. Em nằm lặng yên, cơn buồn ngủ tan biến mất, em mở to mắt nhìn ngọn đèn, tim em đập mạnh, em cảm thấy khó thở. Nếu chỉ có thế thôi thì em không buồn, nhưng chị đã nói đến những người thân yêu của em. Sao mỗi lần cãi nhau với em là chị nhắc anh Quang, dù anh chưa cưới chị nhưng ba má em đã coi chị là dâu. Tại sao khi ở nhà chị không nói gì mà lúc ở hàng xóm về chị khóc và hét lên không thèm lấy anh Quang nữa? Và mấy đứa em của em, chị mỉa mai, mai mốt về nhà đó chịu sao nổi, còn bốn cái mồm nữa.

Nghĩ đến đây, nước mắt em muốn trào ra, trời ơi, những đứa em của em, chúng nó còn bé bỏng, tuổi lên năm lên bẩy chúng nó đã biết gì chị dâu em chồng. Tim em đau nhói, cuốn sách như nặng thêm mấy kí, tay em cứng ngắc, em nằm bất động, lúc đó em hiểu cảm giác người như hóa đá ra sao. Em là một người em chồng độc ác lắm sao?

Chị đã yên lặng từ lâu mà em nghe mạch máu chạy dồn dập trong đầu. Mặt em nóng bừng, ngực em đầy ứ hơi thở. Phải một lúc lâu em mới bình tĩnh lại, em ngước nhìn chiếc mùng trắng xóa trong bóng đêm. Em thao thức thật lâu không ngủ được. Em mong được nhắm mắt ngủ ngay để khỏi phải suy nghĩ nhiều: "Chị thật trẻ con và chị nói lúc chị đang nóng giận". Em cố gắng nghĩ thế và quên đi. Bốn góc mùng vuông vắn gói em lại làm em có cảm tưởng đang nằm trong một quan tài trắng. Nước mắt từ từ ứa nhỏ trên mặt gối. Trong bóng đêm em đau đớn băn khoăn sao em hèn thế, em hay khóc thế. Em vùi đầu vào chiếc gối, áp má thật chặt và nghe từng giọt nước mắt ướt dần.

Cah3 bao giờ em có thể quên được thân phận em chỉ là một kẻ ở nhờ...

Em đưa tay xoa nhẹ bờ vai, vẫn còn đau, em cúi mặt nhìn những ngón chân em lờ mờ trong bóng tối. Mấy hôm nay em chả dám mặc bộ áo thật ngắn tay. Em không muốn ai thấy vai em như thế. Trời hình như sắp mưa lớn, những giọt mưa bắn qua khung cửa vào bàn, em vẫn đứng nguyên không nhúc nhích. Có tiếng chân bác lẹp xẹp đi qua.

- Thùy, sao con không đi ăn cơm, trời sắp mưa lớn rồi, bác gọi con nãy giờ mà chẳng thấy trả lời, con làm sao thế?

Em ngẩng mặt nhìn bác, nói nhỏ:

- Thưa bác, cháu ăn cơm chiều ở nhà bác B. rồi, bác cứ dùng cơm đừng chờ cháu.

Bác nhìn em vẻ nghi ngờ:

- Thật không, hay là cháu buồn gì đấy, đi qua ăn cơm với bác nào.

- Thưa bác, cháu nói thật, đâu có gì mà cháu phải buồn.

- Thật nghe, cháu nói thật hả?

- Vâng, cháu nói dối làm gì.

Tiếng chân bác xa dần, em úp mặt vào bàn tay, chả có gì mà cháu buồn, vâng, em chả có gì buồn cả. Mưa bắn tung tóe trên mảnh sân gạch, đôi má em lạnh buốt. Chả bao giờ con gái bố được buồn nữa bố ơi.

*

Mưa suốt cả ngày nghỉ học, em vu vơ ngắm khung trời đục ; chả biết làm gì để giết thì giờ, có bao nhiêu sách đọc hết cả, em thèm ghê gớm có một cái gì để xem. Mấy cuốn vở nằm ngay ngắn trên bàn, em chả muốn đụng đến chúng tí nào cả, ơi sao mà buồn thế này không biết. Em bâng khuâng đi ra rồi đi vào, trời mưa đàn chim sẻ trốn đâu cả, nắm cơm trắng nhòe nhoẹt dưới mưa. Em nhớ tiếng chim sẻ hót quá đi, nhớ những buổi sáng chúng ríu rít đánh thức em cho khỏi trễ buổi học, những lúc chúng háo hức chờ em tung nắm cơm trắng nõn ra sân là sà xuống mổ. Ai lại đi nuôi chim sẻ nhỉ, ấy thế mà ngày nào sân nhà em cũng có khối chim sẻ đến chơi. Cạy trứng cá trái đỏ quanh năm chín rụng đầy sân chúng chả thèm nhìn tới. Ồ, cái con mèo của bác em, em ghét nó cay đắng. Nó cứ chực rình bắt những con chim sẻ hồn nhiên nhai ngấu nghiến. Em đã thấy nó cắn chú sẻ vô tội máu giây đỏ lòm. Nó bắt thằn lằn, cắc kè để ăn, ôi chà, sao mà nó gớm thế nhỉ, em ghét nó, em chỉ muốn tát cho nó mấy cái rồi đuổi đi. Cái thứ gì mà hỗn như gấu.

Trời mưa làm em nhớ nhà kinh khủng, em lôi mấy tờ báo Anh ra xem hình. Em chả xem được báo tiếng Anh đâu, nhưng cứ vừa xem hình vừa nghĩ thì cũng được. Báo ngoại quốc in thật đẹp, mầu sáng mà tranh vẽ cũng dễ thương. Kia là anh chàng Sư tử chổng đuôi cười với hai con chuột, bên cạnh có thêm chú nhái - mấy cái đuôi chuột bé tí trông đến hay - mấy cây nấm to đỏ như son lấm tấm trắng, mấy chú chuột đùa chán chê nằm ễnh bụng ra, em chỉ muốn dí tay vào cho thủng cái bụng xinh xinh tròn quay đó. Nhưng mà dí mãi thì đến rách giấy mất. Lại còn hình ông già râu dài đến chân bên má có gắn một bông hoa đỏm dáng, chú chó Dougal có bộ lông dài phết đất đứng nhìn đầu cái chiếc lược xinh xinh. Em thích ngắm những hình ảnh đó, thật hồn nhiên và dễ thương.

Nhưng mà những hình ảnh đó chả giữ được em lâu, em lại bắt đầu buồn rồi đây, em nhớ bạn em quá, cô bạn tròn như quả trứng gà, có khuôn mặt xinh như con poupée. Cô bạn chiều em lắm, khi em khóc thì dỗ em, khi em đòi ăn thì mua kẹo cho em, cô bạn may cho em bộ quần áo mầu hồng rộng ơi là rộng. Cô bạn bảo đồ hippy đấy. Em mặc vào chả thấy chân tay đâu. Em nhớ mẹ em, em thích làm nũng với mẹ, em thích lục giỏ mẹ đi chợ về. Em thích được hơi hơi nóng đầu để mẹ khỏi bắt làm việc, mẹ cho em ăn cháo ngon ơi là ngon. Ôi chao, em nhớ quá đi mất, em chả muốn đi học nữa, em chỉ muốn bay về ngay nhà để thấy lũ em nó reo "chị Thùy về, chị Thùy về" xong rồi em sẽ leo một mạch lên căn gác nhỏ của em, thăm chiếc giường em đã bỏ trống lâu nay. Em ở với bố chả bao giờ em phải thấp thỏm lo âu ngày mai ngày mốt có còn tiền không để đi học.

Trời cứ mưa mãi, em cứ ngóng hoài ra sân, có một chiếc máy bay chở hành khách bay trên trời, em ngước mắt nhìn theo cho đến khi nó khuất vào mây xa. Em gọi thầm chả biết chuyến bay từ đâu đến, có mang người thân yêu nào đến với em hay không. Đàn chim vỗ cánh bay trong cơn mưa nhẹ, mưa chả làm áo em ướt được nhưng chúng nó thì chắc phải lạnh và ướt ghê lắm. Em mơ đến những chuyện thần tiên có những chiếc thảm thần bay trên không như chiếc máy bay hồi nãy chìm vào trong mây, em mơ ước một ngày em thành nàng tiên có đôi cánh mỏng trắng như cánh loài thiên nga, có chiếc đũa thần bay đi ban phước cho mọi người. Em chỉ thích đi dự tiệc ở cánh đồng thần tiên, bên giòng sông Ngân hà lấp lánh đêm đêm cùng tiên nga múa hát. Nhưng ông trời cứ mưa mãi nên em chả làm tiên nga gì, rồi nhấm mãi mấy cái móng tay cụt ngủn.

Nhớ đến cô bạn, em hí hoáy lấy giấy bút ra làm thơ gửi, xóa xóa bôi bôi mãi nát cả tờ giấy cũng chả xong, em buông bút thở dài nhìn ra ngoài trời, mấy tờ giấy gió thổi bay phất phơ rơi cả xuống đất em cũng chả thèm nhặt. Biết thế em chả đùa với chị cho xong, bây giờ giận nhau chả còn biết nói gì, em mất cả vẻ tự nhiên trong gia đình. Bỗng nhiên em có cảm giác ai cũng lạnh nhạt với em hết. Mỗi lần vuốt ve những vết răng trên vai lòng em buồn nhè nhẹ. Em nghĩ giá bây giờ có hòa lại chắc cũng chẳng được như xưa. Có một cái gì vừa vỡ tan trong em. Em chả giận, em cũng chả nghĩ nữa, em thấy chán tất cả. Anh Đan bao giờ cũng dạy em đức tính nhẫn nhịn, em cứ để mặc ai muốn nói gì thì nói, anh Đan bảo họ nói chán họ sẽ nghĩ lại, ừ, mà giá như họ không nghĩ lại thì đã sao nhỉ.

Nhà vắng ơi là vắng, bác đi làm, ai cũng đi chơi, em thơ thẩn từ phòng này qua phòng kia, cả con mèo michou đáng ghét cũng biến mất, nó chả ưa gì em đâu. Em giận nó cứ leo vào cửa phòng em rồi ra không được chui xuống gầm giường kêu meo meo rầm rĩ, nửa đêm em phải thức dậy mở cửa cho nó ra ngoài bảo sao em không tức. Bây giờ thì em mong có nó bên cạnh cho đỡ sợ hãi trong khung cảnh buồn tẻ này. Em mờ radio để được yên tâm hơn. Chương trình nhạc mới nghe chẳng dễ chịu tí nào em cũng cứ mở, cho có cảm giác là không ở một mình mà. Em gọi michou ơi michou hoài chả thấy nó, ai cũng ghét em hết, sao em lại khó thương đến thế nhỉ.

Bây giờ mưa đan nhè nhẹ ngoài trời, em đi mặc chiếc áo dài trắng, ôm cuốn sách và ví đựng bút theo. Mưa lâm râm chả cần phải mang áo khoác, em ghét chiếc manteau của em nó vừa nặng vừa khó xếp, kỷ niệm của anh Quang trước ngày đi Mỹ đấy. Em chỉ thích xếp kỷ niệm đó vào móc áo trong tủ thôi. Có tí mưa mà cũng rộn ràng áo với mũ, tiểu thư quá đi mất. Em khép cửa lại và bắt đầu xuống phố, dự định sẽ mua một ít đồ dùng. Bác mà thấy em đi thế này là em bị rầy, sao mà chả mang áo mũ gì hết, lại chả chịu mặc áo mầu, bác thì thời tiết nào phải mặc y phục đó, mầu sắc đó, nên vẫn thường trách em chả biết ăn mặc. Em chỉ thích áo trắng, mầu áo giản dị và dễ mặc. Em xếp chiếc áo mầu thật kỹ trong tủ áo chả muốn ngó đến, em mặc á mầu trông xấu xí chi lạ.

Con đường ướt nước loang loáng, mưa nhỏ đều trên hàng cây, em nép mình qua những cánh lá, chợt nhớ những buổi sáng thư thả đến trường. Ngày mai chúa nhật, mốt mới bắt đầu đi học, em nghe thèm không khí rộn rã tiếng nói cười, tuổi học trò thấp thoáng về những ngày xưa ngây ngất. Qua khúc quanh đến con đường đầy hoa li ti như hạt đậu vàng nuột nà. Những chiều em đi học qua hoa rơi đầy trên lối đi, lá vương trên tóc em để đến trường, đám bạn cười gỡ xuống những điểm lá vàng lấm tấm. Chân em bước đều trên viền cỏ ướt, đường ra phố chẳng còn xa, em chợt quên hết những dự định ban đầu. Nhớ về quận Ban mê hiu hắt của những ngày mưa dầm lê thê, em bâng quơ ngắt những lá non bên vệ đường vò nát. Ơi thành phố đất đỏ của yêu thương, của cha mẹ, của bạn bè, của những chiều nắng vàng hiu hắt trên cành lá, hai hàng cây sầu đông rụng đầy hoa, những sáng trời mưa run rẩy trong lớp áo ấm đến trường. Ơi thành phố của tuổi chim non, của sân trường phượng đỏ. Em đi có biết bao giờ em trở lại thật gần.

Mây trắng đan từng sợi bay trên nền trời xám, phố vắng ngắt, em qua những gian hàng một cách vô thức. Một đứa bé mời em mua những con thú bằng cao su mềm. Em chú ý đến một con dơi đen rung động đôi cánh như đang bay, có vẻ linh động thật sự. Em hỏi:

- Bao nhiêu con dơi này?

Chú bé đáp, giọng khàn khàn yếu đuối:

- Năm chục đồng.

Em nhìn sững đôi mắt đen của chú bé, bây giờ em mới để ý, chú bé đi khập khiễng. Một thoáng lạnh chạy dài khắp thân thể, em nghĩ đến đứa em trai em, nghĩa trang chiều giã từ Ban mê còn hiu hắt đầy sương trắng. Lòng em nhói đau khi nghĩ đến gói xương vụn moi móc từ lòng phi cơ của hàng không VN cháy nát về, vuông vắn như một chiếc gối trắng nằm trong lòng quan tài. Tất cả những gì sót lại của em trai em đó, khuôn mặt chú bé vẫn ngước nhìn em chờ đợi, nước mắt em dâng ngập ứ, em vội vã cầm con dơi đen và trao tiền cho chú bé. Con dơi run đôi cánh trong tay em, em muốn vứt nó đi, em thấy bây giờ nó kinh khiếp quá.

Gió có mang theo những lời thì thầm cầu nguyện của một chiều mưa, em bước những bước chân nặng trĩu. Xa thật rồi, từng tuổi yêu thương ngày nào, em đã bay thật xa, em đã đi qua biển yêu thương mà không dừng lại.

Gió trút những hạt mưa trên cành lá rơi xuống tóc em. Những hạt nước tinh khiết của biển trời. Em gọi thầm mẹ ơi, bố ơi và muốn thành một loài chim bay về tổ ấm thương yêu.

Con đường em đi nhạt nhòa dưới hàng mi ướt đẫm.


THỤY ĐỖ   

(Trích từ bán nguyện san Tuổi Hoa số 186, ra ngày 1-10-1972)


Thứ Năm, 24 tháng 10, 2024

Con Sứa



 Chúng ta thường gặp sứa trôi bồng bềnh trên mặt nước hay nằm trên bãi cát ven biển. Sứa có hình nấm, óng ánh và trong suốt mà người ta tin rằng đó chính là thủy tinh do bàn tay nghệ sĩ huyền nhiệm của biển khơi tạo thành.

Nếu đụng vào chúng tức khắc chúng ta hết muốn tìm hiểu chúng kỹ lưỡng bằng xúc giác vì đầu ngón tay chúng ta sẽ nhức nhối như bị lửa bỏng.

Trên đầu chúng (phần hình chiếc dù hay cái chuông) thường được bao bọc bởi chất kim tuyến tím hay xanh lơ. Tuy vậy khi phơi gió chúng vẫn bị mất đi hình dáng tròn trịa hòa hợp và vẻ óng ánh của chúng để thối thân thành khối chất sền sệt coi hết sức thảm thương.

Sứa là xoang trường động vật (như san hô) và cũng như bọt biển hay sao biển sứa thuộc nhóm thực trùng.

Sứa là loài vật có hai mặt da và hai trục đối xứng chứng tỏ đã có một cơ thể phức tạp trong giai tầng động vật. Ở đây phần hình chuông được treo một lưỡi chuông mà tận đỉnh lưỡi chuông này là cái miệng. Phần hình chuông được gắn nhiều sợi tua. Chính giữa là bao tử được nối kết với các bộ phận khác của chuông bởi những rãnh xương.

Người ta có thể thấy chung quanh mu chuông của nhiều loại sứa một lớp mỏng rời gọi là màng.

Nơi tất cả mọi loại sứa đều có những khoang sắc tố giúp chúng giữ thăng bằng khi trôi lềnh bềnh, và một hệ thống thần kinh gồm hai sợi xoắn ràng buộc với các cơ quan cảm giác dù rất là sơ sài nhưng thật bén nhậy khi bị đụng tới hay gặp các chất hóa học.

Về cách dinh dưỡng, có người tin là vì sứa trong suốt nên được tạo thành bởi tổ hợp ánh sáng và sóng quang. Nhưng thực tế chúng đã tỏ ra rất tham ăn và ăn hầu như không ngừng. Không những chúng ăn loài phù du mà khi có thể chúng còn ngốn luôn những con cá nhỏ. Những sợi tua mang con mồi sống động vào bên trong chuông. Lưỡi chuông lập tức quấn lấy con mồi và thanh toán hết. Sứa di chuyển rất đặc biệt. Nó tiến tới bằng cách giương lên cụp xuống phần hình chuông.

Khi đụng vào sứa vô ý hay cố ý chúng ta cảm thấy như bị lửa bỏng là vì chất bỏng được tiết ra bởi những hạch đặc biệt. Chất này trải rộng quanh con sứa để giết hoặc làm tê liệt những nạn nhân bé nhỏ của nó và làm tiêu tán ý định thủ tiêu nó của những kẻ thù đang đói bụng.

Đôi khi sứa trôi bồng bềnh hàng ngàn con trên mặt bể vào lúc dịu sóng hoàng hôn hay ban đêm : mặt biển như được thắp sáng bởi những tia bạc lân tinh ma quái tựa hồ như bóng của những bữa tiệc liên hoan kỳ lạ nào đó dưới biển sâu được chiếu lên mặt nước.
 

LÊ XUÂN NHO sưu tầm     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 10, ra ngày 17-10-1971)

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

Cầu Vồng

 

 Ngày xưa, cho những gì mến thương.

Lũ học trò hơi nhốn nháo, có đứa e ngại cắn móng tay, có đứa ngước nhìn bầu trời xám đục. Mưa nhỏ hạt, cơn mưa đến bất chợt khi tiếng chuông ra về reo vang. Những sợi mưa mỏng giăng giăng như muốn chắn lối không cho lũ nhỏ về. Nhỏ Thanh giơ tay ra ngoài trời: "Mưa ít sỉn hà, chạy về nhà kịp đó Nga". Một tay kéo cao hai ống quần, một tay đỡ cái cặp ở trên đầu che mưa, Thạnh chạy băng băng trên con đường đất. Những vệt bùn nhỏ bắn lên chiếc quần trắng. Nga chạy theo sau: Đợi tao với Thạnh. Rồi một vài đứa bậm môi, hơi tiếc chiếc quần trắng tinh sẽ đầy hoa bùn, nhưng cuối cùng cũng chạy ra khỏi cổng trường. Tôi lững thững đi theo sau lũ học trò. Con Mơ tròn mắt nhìn tôi, hỏi: Trời mưa mà cô cũng về. Tôi cười: Mưa tạnh rồi, mà dù có mưa cô cũng về để nấu cơm ăn chớ. Mơ cho cô ăn cơm không nè? Con Mơ cúi đầu bẽn lẽn. Tôi nhìn bâng khuâng: Nhà em ở xa không Mơ? Dạ hơi xa, ở bên kia sông đó cô, căn nhà có bụi tre đằng trước là nhà em đó. Mơ ngập ngừng, hình như định nói gì. Phải cô ở nhà bà Bảy? Sao em biết? Con Mơ cười nhẹ. Dạ em nghe con Thạnh nói. Bữa nào rảnh lại nhà cô chơi nha Mơ. Dạ thưa cô em về. Tôi gật đầu. Không hiểu Mơ có dám đến nhà tôi chơi không? Hôm nọ, con Thạnh cũng đến, nhưng lấp ló ngoài rào. Khi tôi ra, con nhỏ ù té chạy. Ngày mai vào lớp, tôi hỏi con Thạnh. Con nhỏ đỏ mặt, ấp úng đáp: Dạ... em sợ... cô la. Tôi cười: Ngày xưa tôi còn nhỏ, vẫn hay đứng lấp ló ngoài hàng rào nhà cô giáo, rồi cũng ù té chạy. Đến ngày nay, tôi làm cô giáo, học trò của tôi lấp ló ngoài cổng, không dám vào... Ôi, cái vòng tròn cứ quay mãi...

Tôi bước trên con đường đất nhớp nhúa vì cơn mưa. Tôi vén tà áo sau, nhưng một vài vết bùn đã lấm lem. Bực mình, tôi buông thả, mặc kệ ra sao thì ra. Giá hôm nay tôi mặc chiếc áo đen, khi không lại chọn chiếc áo màu xanh lơ, ưng ý nhất. Hạt mưa nhỏ bay lất phất. Cánh đồng bao la, cơn gió chiều man mát, bầu trời trải rộng. Chiếc cầu vồng năm sắc hiện rõ trong đám mây. Cong, đẹp đẽ, như chiếc cổng thiên đàng. Ngày xưa khi tôi còn bé, tôi thích thú ngắm nhìn cầu vồng sau cơn mưa. Màu sắc rực rỡ thu hút tôi, tôi say mê ngắm, dệt biết bao thần thoại, thiên tiên múa ca. Mẹ tôi vẫn dọa. "Con mà lười học, làm biếng, cãi lời cha, lời mẹ, mai sau chết phải đi cầu vồng, té xuống hố sâu, đầy cá sấu". Chao ôi, cầu vồng của tôi đẹp thế kia mà sao "dữ" quá. Nhưng tôi lại mơ chiếc cầu xinh đẹp đó chỉ để tiên nga đi mà thôi, chứ kẻ độc ác sẽ bị xuống địa ngục. Và không hiểu sao tôi mê chiếc cầu xinh xắn đó, mơ được dạo trên cầu. Và mỗi bước chân có một tiếng nhạc khánh reo vang như chiếc cầu của nàng Tây Thi. Tôi tên Kiều My, là chiếc cầu đẹp, tôi là chiếc cầu vồng năm sắc đó. Tuổi nhỏ của tôi là đó, mơ mộng như thế đó. Khi lớn lên, chiếc cầu vồng bị biến mất trong tâm hồn tôi, thay vào đó là những bài học, bài làm, những định đề, công thức, những kỳ thi mệt mỏi, khó khăn, tôi đã quên mất chiếc cầu xinh đẹp. Bầu trời thành phố nhỏ hẹp, bị chọc thủng. Chiếc cầu không trọn vẹn trong mắt tôi ngày xưa, và bây giờ, chiếc cầu xinh đẹp đó hoàn toàn trước mắt tôi. Ngày xưa, cô bé dễ thương bên cửa sổ ngắm chiếc cầu năm sắc, ngày nay, một cô giáo nghiêm nghị vẫy tay chào chiếc cầu vồng ngày xưa. Bỗng dưng, tôi thích hát bâng quơ. Ngày xưa còn thơ, thường hay mộng mơ, và hay hỏi má em, má ơi ngày sau, đời con sẽ ra sao. Và sung sướng thay mẹ em khẽ khuyên bảo rằng: Biết ra sao ngày sau... Vâng biết ra sao ngày sau. Vẫy tay chào chiếc cầu vồng mến thương ngày xưa...


KHƯƠNG HOÀI - NGUYÊN KHANG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 111, ra ngày 12-10-1973)
 

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2024

Mộng Ảo

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Ngỡ rụng xuống đời giọt bâng khuâng
Vừa hay lá nép lại một lần
Qua cơn mộng ảo trăng và sóng
Có ngập ngừng nhìn quá phân vân

Bé có hay trăng treo giữa non
Cạnh mấy chùm sao rắc bóng buồn
Rồi mai mốt bé về thăm lại
Mấy thủa ấu thời với nguyệt giang

Bước ai nhè nhẹ mộng thần tiên
Chắp cánh ngoan ngoan giấc mơ hiền
Tiên cô mới xuống từ trên ấy
Cài tóc bé bằng hoa vườn thiêng

Có cả đào tiên và cả tơ
Tơ trời mềm xinh cài tóc mơ
Chị Hằng gởi xuống đem tặng bé
Mấy nụ sao trời công chúa thơ

Công chúa điểm trang mộng mị huyền
Đêm trăng vừa sáng hồn uyên nguyên
Mười ngón chân non hồng trên cỏ
Dẫm cõi sương hồng giữa khuôn viên

Thỏ thẻ bờ môi ngậm kẹo trời
Kẹo bằng sương ngọt với mây trôi
Ngọt như mộng ảo và sao sáng
Tỏa hương ngào ngạt giữ trong đời

Ôi đừng tỉnh mộng, đừng tỉnh mộng
Bé cứ mơ hoài giấc thiên thai
Cho tiên với xuống chùm sao ngọt
Mai có u hoài ngại ngần thôi.

                                    VŨ-T-CA-DAO
                                       (bn Hoa Tiên)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 64, ra ngày 12-11-1972)


Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2024

Trên Đám Lá Xanh

 

- Chị Hoài ơi, mau lên 7 giờ rồi!

- Chờ tí, gớm cái con bé này hôm nay làm gì mà nhắng lên thế!

Chả thèm nghe lời chị Hoài, Khánh vẫn cắm cúi bước nhanh đến trường. Mọi hôm giờ này Khánh vẫn còn dềnh dàng vừa đi vừa nói chuyện với chị Hoài, nhưng hôm nay sao Khánh cảm thấy nôn nao lạ, linh tính như báo cho Khánh biết có chuyện lạ sắp xảy đến cho Khánh. Khoảng cách giữa Khánh và chị Hoài xa dần, mặc cho chị Hoài réo gọi, Khánh vẫn thoăn thoắt bước đi. Kìa, trường kia rồi, màu ngói đỏ thân yêu như đón chào Khánh. Nhìn lên chiếc đồng hồ lớn trước cửa trường, Khánh thấy còn sớm chán. Vào lớp Khánh vội vã cất cặp, vừa mở hộc bàn lên, Khánh để ý đến một mảnh giấy nhỏ nằm gọn ở trong. Ngạc nhiên, Khánh cầm lên xem, hàng chữ nhỏ nhắn hiện ra trước mắt Khánh: "Chị nào ngồi chỗ này buổi sáng cho em làm quen với - Thùy". À, có thế chứ, thảo nào Khánh cứ thây băn khoăn từ sáng đến giờ. Thùy, cái tên nghe hiền quá, chắc cô bé ngồi đây dễ thương lắm nhỉ? Phải khoe với Thục mới được. Khánh và Thục chơi thân nhau từ năm đệ thất, năm nào hai đứa cũng ngồi cạnh nhau - để dễ tâm sự - Thục bảo Khánh thế. Từ trước đến giờ chưa có điều gì hai đứa giấu nhau, ngay cả những chuyện riêng tư. Tội nghiệp Thục của Khánh, Thục bị tật ở chân từ hồi nhỏ. Nhưng chuyện đó chẳng có nghĩa gì với tình bạn hai đứa, Khánh Thục vẫn dính nhau như keo, làm cả lớp gọi hai đứa là "vợ chồng". Có hôm hai đứa đùa lấy giấy ra làm hôn thú, tờ hôn thú ấy, Khánh còn giữ. Nhưng cô nàng đâu rồi kìa? À, tuốt dãy lớp bên kia, phải ra đỡ Thục mới được. Thấy Khánh, mắt Thục sáng lên, Khánh tíu tít khoe:

- Thục ơi, Khánh có thư làm quen của cô bé buổi chiều nè!

Tuy vui Khánh cũng kịp để ý tới nét mặt thay đổi của Thục, nét vui mừng trên mặt Thục vụt tắt theo câu nói của Khánh. Hoảng hốt, Khánh nắm tay Thục hỏi dồn:

- Thục, Thục làm sao thế, mệt hở, để Khánh dìu vào lớp nhé?

Thục gỡ nhẹ tay Khánh:

- Kệ Thục, chả sao cả, Khánh đi vào lớp đi!

Ngạc nhiên, Khánh cố hỏi:

- Thục giận Khánh hả? Sao thế? Sao Thục giấu Khánh?

Thục vẫn cúi đầu, nhưng đôi mắt Thục đã long lanh nước mắt. Giữa lúc ấy tiếng chuông vào học vang lên cắt đứt câu chuyện hai người.

*

Gia long, ngày... tháng...

Chị Khánh thương,

Nhận được thư chị em mừng quá, em cứ sợ chị không thèm chơi với em chứ! Em, con bé vô duyên bạc phước này đã bị nhiều người khinh rẻ chẳng thèm chơi nên em cứ sợ chị sẽ như mọi người, tẩy chay em. Nào ngờ chị đã hồi âm. Lạy trời... Em buồn lắm chị ơi, đời em là một chuỗi ngày buồn tủi đau thương từ ngày... chị ơi, sao nhắc lại em muốn rơi nước mắt quá. Thôi bức thư đầu tiên em chả muốn làm chị buồn theo em đâu. Chị thương, chị hứa là sẽ an ủi khi em buồn đi, chị đừng bỏ rơi em nhé. Mọi người đều ghét bỏ em nên em cô độc lắm. Chị là nguồn an ủi duy nhất của em đó.

Trong lớp em ít giao thiệp, chẳng thích chơi với ai, nên chả ai thèm hiểu em, họ cho em là làm phách chỉ vì em ít nói quá. Nhưng nếu chị hiểu hoàn cảnh em... Em sẽ kể cho chị nghe một ngày gần đây với điều kiện chị đừng bỏ rơi em, chị nhé. À, hôm nay phát bài kiểm Toán đó chị, em được 18, mừng ghê chị ơi. Trong lớp em khá toán nhưng dốt về Sinh ngữ, chị chỉ cho em nhé. Mai sau chắc em theo ban B quá, có khó không hở chị? Thôi thư dài rồi em ngừng bút chị nhé. Thương chị.

THÙY.      

Gia long, ngày... tháng...

Chị Khánh thương,

Chị an ủi làm em hết buồn, em cám ơn chị lắm. Từ ngày... đau thương ấy đến giờ em mới tìm được nguồn vui sống. Chị Khánh, chị là bà tiên hiện đến, giúp em thoát khỏi hoàn cảnh u tối đau buồn đó, chị biết không? Chắc chị sốt ruột lắm vì em cứ bảo hoàn cảnh buồn mà chả nói cho chị biết nhỉ? Em xin kể đây... chị thương, em mồ côi mẹ chị ạ, người mẹ em thương kính nhất đời đã ra đi mãi mãi, không trở lại với em nữa chị ơi! Em còn nhớ rõ... Hôm ấy cả nhà em đang vui vẻ quây quần ngắm thác Cam ly. Em quên nói với chị: ba mẹ thương yêu em vô cùng, em bơi lội trong hạnh phúc như con cá nhỏ trong đại dương. Vì mẹ quá thương em, mà vô tình em đã giết mẹ chị ơi! Chị biết không, thấy nhánh lan với những cánh tím nhạt đậu vào cành khô như những con bướm nhỏ đang bay lượn vướng vào khe đá, em ham quá. Thấy vậy mẹ cố vươn người ra hái cho em. Trượt chân mẹ rớt xuống vực thẳm, nước sủi bọt trắng xóa như nấm mồ vĩ đại chôn mẹ. Quá đau đớn em đứng lặng đến mấy phút sau mới trấn tĩnh được. Em gào lên gọi mẹ, định nhảy xuống theo mẹ cho rồi, nhưng ba giữ lại, mắt ba thật buồn, ba không nói gì nhưng em đọc trong mắt ba: Mày là đứa giết mẹ! Mấy ngày sau ba cứ bỏ lì em mãi, ba ở trong phòng riêng không ra. Sau đó ba đi làm xa lâu lâu mới về thăm em. Lần chót ba về cùng một người đàn bà trẻ đẹp hơn mẹ em nhiều, nhưng đó chỉ là nét đẹp sắc sảo, làm sao so sánh với vẻ phúc hậu của mẹ em? Ba bảo em gọi người đó là mẹ. Không, không đời nào em chịu nhận bà ấy là mẹ. Mẹ em hiền thục, sinh ra em đâu phải người đàn bà trang sức lòe loẹt này! Em chỉ có thể gọi bà í là dì Thanh thôi. Mấy ngày đầu dì chiều em lắm, muốn gì được nấy, nhưng em nào có muốn điều gì? Em chỉ mong mẹ sống lại, ai làm cho mong ước em thành? Dì Thanh đâu có quyền phép đó? Dần dà ba em đi mãi, chỉ còn mình dì với em ở nhà, dì bắt đầu giở trò đàn áp nhất là từ khi có bé Mai ra đời. Chị ơi!

Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời mẹ ghẻ có thương con chồng!

Dì bắt em làm đủ mọi chuyện. May quá dì còn cho em học để ngày ngày em còn gặp chị. Chả biết chừng nào dì bắt em nghỉ đây chị ơi! Thôi buồn quá, em chả viết nữa đâu, em khóc đây... chị có lau nước mắt cho em không chị Khánh?

THÙY      

Khánh đặt tờ thư xuống bàn, nghe lòng buồn tê tái. Ở đời sao lắm hoàn cảnh éo le thế này! Thùy còn nhỏ quá, biết gì, thế mà... Một tiếng động khẽ sau lưng Khánh, Khánh quay lại, Thục đang nhìn qua khung cửa. Đôi mắt Thục hình như rướm lệ, sao thế này? Khánh nắm tay Thục: "Thục, chuyện gì vậy?"

Không trả lời, Thục cúi mặt, mái tóc đổ dài rung thao tiếng nấc.

Vừa đến lớp Khánh quăng vội cặp trên bàn, giở hộc tủ lên. Nét thất vọng hiện rõ trên mặt Khánh. Lá thư Khánh gửi cho Thùy mấy hôm nay vẫn nằm chễm chệ ở trong. Kỳ quá nhỉ? Sao cô bé không đọc mà cũng chẳng trả lời? Trí óc Khánh làm việc thật vội vã: hay Thùy giận Khánh? Nhưng Khánh có làm gì đâu, nhận được thư Thùy, Khánh đã viết thư an ủi Thùy liền, chả lẽ những lời trong thư làm Thùy tủi thân, chắc không đâu, Khánh đã hết sức tế nhị cơ mà! Hay cô giám thị xét hộc bàn thấy thư Thùy vứt đi ; chả có lẽ, nếu vậy cô đã vứt luôn thư Khánh gửi cho Thùy chứ sao lại để đây? Hay... hay cô bé nghỉ học mất rồi? Ừ nhỉ, với bà dì ghẻ thâm độc ấy có lẽ Thùy phải ở nhà quá! Tôi nghiệp cô bé, chắc Thùy buồn lắm...

Nguyên ngày hôm ấy Khánh bồn chồn không yên, mặc cô giáo giảng bài trên bảng, đầu óc Khánh chẳng nhận được lời nào của cô cả. Chính cô cũng phải lấy làm lạ, mọi hôm Khánh hoạt động lắm cơ. Cô gọi Khánh lên hỏi nhưng Khánh chả dám nói gì, nước mắt Khánh đã vòng quanh mi mất rồi! Nhìn sang Thục, Khánh thoáng thấy vẻ thương cảm của Thục, nhưng nét ấy chỉ như cơn mưa rào trong ngày nắng hạ, khuôn mặt Thục trở lại vẻ buồn bã, nét mặt mà Khánh thấy Thục có từ hồi Khánh nhận được thư Thùy. Chán nản, Khánh xách cặp ra về, đầu óc suy nghĩ mông lung. Ra khỏi trường một quãng Khánh mới nhớ ra gói quà Khánh định tặng Thùy. May quá, tí nữa Khánh quên mất tiêu rồi! Dưới lớp giấy bao, cái tựa "Bông hồng cài áo" nổi bật lên trước mặt Khánh. Chắc Thùy sẽ khóc khi nhận được món quà này, nhưng cô bé khóc thế, nỗi buồn sẽ tan theo nước mắt. Khánh vội vã quay trở vào. Trường vắng hoe chẳng còn ai, nhưng sao Khánh thoáng thấy bóng người trong lớp. Ủa! Thục! Cô nàng làm gì vậy? Khánh phải chạy lại òa một tiếng cho cô nàng giật mình chơi mới được. Khánh rón rén tiến lại gần, Thục vẫn vô tình quay lưng về Khánh. Nhưng... Thục bỗng quay ngoắt mặt lại, người giật mình không phải là Thục mà chính là Khánh... Khánh vừa thấy Thục vơ gọn thư Khánh viết cho Thùy lúc nãy vào cặp. Thảo nào, mấy ngày nay Khánh không nhận được thư Thùy... thế mà Khánh cứ tưởng... Cắm đầu chạy ra cửa, Khánh không dám quay lại nhìn một lần nữa con  người độc ác ấy. Từ trước đến nay Khánh vẫn nghĩ là Thục thương Khánh, ai ngờ, Thục... không còn can đảm nghĩ tiếp, mặt Khánh đã tràn đầy nước mắt rồi!

Mấy hôm nay Khánh ốm liệt giường, trông cô bé hốc hác, gầy yếu không còn vẻ tinh anh gì của ngày trước, mái tóc thường ngày vẫn được Khánh thắt bím nay để xõa trên gối, càng làm vẻ mặt Khánh thêm xanh xao. Khánh biết mình chẳng ốm đau gì đâu, Khánh chỉ đau... khổ đấy thôi. Mà làm sao Khánh chống chỏi với số mệnh cho được khi người Khánh yêu quí nhất đời lại nỡ đối xử với Khánh thế! Mặc cho mẹ thang thuốc săn sóc đêm ngày, Khánh không ăn nổi miếng cơm nào. Cứ chợp mắt là Khánh thấy hình ảnh Thùy khóc lóc đau khổ, hình ảnh Thục vơ gọn lá thư Khánh vào cặp. Mẹ ơi, con biết thế này làm khổ mẹ lắm, nhưng làm sao bây giờ hở mẹ? Giá con nói cho mẹ nghe được... Nước mắt Khánh lại ứa ra ướt đầm chiếc gối...

- Kìa Khánh sao lại khóc, con phải vui lên chứ, Thục đến thăm con này!

Chùi vội dòng nước mắt, Khánh quay lại: Thục với chiếc nạng quen thuộc đứng ở ngưỡng cửa buồng từ lúc nào! Khánh nhìn mẹ trách móc:

- Con đã bảo mẹ rồi, sao mẹ lại cho người ta lại đây?

- Tội nghiệp Thục con ạ, Thục năn nỉ mẹ mãi mấy hôm nay đấy. Thục muốn gặp con lắm mà với lại mẹ thấy thư nào Thục gửi tới đây con đều xé cả, chả đọc cái nào, mà con cứ khóc mãi... Thôi mẹ ra nhé, Thục an ủi Khánh dùm bác nghe cháu!

Nói xong, mẹ kín đáo khép cửa ra ngoài. Trong buồng chỉ còn hai đứa ; không đáp lại cái nhìn đầy hối hận của Thục, Khánh quay mặt vào tường, thổn thức:

- Thục còn đến đây làm gì?

Thục ngồi ghé xuống giường Khánh, nắm chặt lấy bàn tay búp măng của Khánh, nhìn sâu vào mắt Khánh, giọng Thục như ngấm nước mắt:

- Thục không dám xin Khánh tha lỗi cho Thục, Thục biết Khánh giận Thục lắm, Thục chỉ xin bày tỏ cho Khánh rõ tại sao Thục lại hành động điên rồ cho Khánh nghe thôi, và Khánh nghe xong xin Khánh đi học trở lại nhé, Khánh hứa với Thục đi...
 
 
Khánh biết đấy, Thục, con bé tật nguyền xấu xí bị cô độc từ nhỏ, ngay từ lúc đủ trí khôn để nhận xét Thục đã thấy mọi người nhìn Thục với cặp mắt nửa khinh bỉ, nửa thương hại, hững hờ. Thục hiểu lắm chứ, những ánh mắt ấy như bảo cho Thục biết tật nguyền là khổ sở nhất trên đời. Những ánh mắt ấy không đem cho Thục tình thương gì, chỉ làm cho Thục ngày thêm tự ti mặc cảm. Mặc cảm của kẻ bị bỏ rơi. Ngoài gia đình ra Thục bị cô đơn vây hãm khắp nơi, nó bủa vây Thục, nhốt Thục trong vùng tăm tối ấy. Ở trường bạn bè khinh bỉ Thục, không cho Thục nhập bọn với họ trong bất cứ trò chơi nào, họ lấy gạch ném Thục, miệng chọc ghẹo Thục ầm ĩ. Thục nghe chúng nó bảo: "Con què, con què, ra chỗ khác". Những tiếng ấy như xoáy vào tâm can Thục, Thục xa lánh mọi người từ dạo đó. Tới khi thi đỗ vào Gia Long, bản tính trầm mặc, e dè làm Thục chẳng dám quen ai, ngoại trừ Khánh. Phải, Khánh đến với Thục như dòng nước mát chảy vào sa mạc cằn cỗi tâm hồn, đem yên vui, đem quân bằng, tươi mát đến cho Thục, cho Thục làm quen với mắt môi hồng của tuổi thơ ngà ngọc, tặng Thục hồn nhiên, trong trắng của tình bạn giữa hai đứa.

Ngoài gia đình ra, Khánh là người duy nhất cho Thục tình thương chân thật, Khánh biết không? Khánh như bà Tiên, như Bụt đã hiện ra cho con Tấm mọi sự sung sướng khi Tấm khóc, Khánh đã an ủi Thục lúc Thục buồn, Thục tủi. Khánh đối với Thục tế nhị lắm, thông minh lắm. Nhưng Khánh đối với mọi người cũng tế nhị như vậy làm Thục lo sợ, Thục sợ mất Khánh yêu quí của Thục. Phải, Khánh xinh tươi thế, được bao nhiêu người yêu mến, làm sao Thục giữ Khánh cho được, Thục vụng về lắm! Chúng mình còn mấy tháng nữa chia tay rồi Khánh nhỉ, ba năm trôi qua chóng quá! (Hay tại Thục sống trong sung sướng nên cảm thấy ngắn?) Thục biết khuynh hướng của hai đứa mình khác nhau, chắc chúng ta không theo cùng một ban được. Định mệnh khắt khe quá Khánh nhỉ, cho chúng mình gặp nhau làm gì rồi bắt hai đứa chia tay? Kahn1h ơi, Thục muốn tận hưởng những ngày còn lại, Thục muốn những buổi học năm nay Khánh của riêng Thục, tất cả tâm hồn Khánh, Thục muốn chiếm giữ tất cả. Thục độc tài lắm, ích kỷ lắm, chỉ vì Thục thương Khánh quá đó thôi. Vì thế khi nghe Khánh bảo có Thùy làm quen, Thục buồn ghê lắm, Khánh đâu có biết nỗi khổ của  Thục, Khánh vô tư quá! Thục có cảm tưởng Khánh có mới nới cũ, Khánh quên Thục rồi để ngồi viết thư cho Thùy. Không đời nào Thục chịu để tình thương của mình chia đôi, xẻ ba như thế, Thục phải giữ nó lại với bất cứ giá nào vì nó là lẽ sống của Thục, Khánh ơi! Thục lại thấy Khánh đọc thư Thùy và buồn rầu theo lời lẽ trong thư. Thục không muốn Khánh mất vẻ vui đùa trên khuôn mặt, Thục mong Khánh mãi mãi là cô bé Alice nhởn nhơ giữa bầy thú vật, ngây thơ, duyên dáng. Thục giận Khánh rồi đó, giận vô lý nhưng mãnh liệt lắm Khánh ạ, sự ghen hờn chiếm tâm hồn Thục mắc dù Thục biết ghen như vậy là vô lý, vô lý của tuổi học trò, cái ghen hờn ấy có đáng trách không hở Khánh? Thục lập mưu bầy kế, trong đầu óc tăm tối của Thục, Thục tưởng cố giữ được Khánh mãi mãi, ai ngờ... Khánh ơi, Khánh có hiểu giùm Thục không? Bây giờ Thục đã biết lỗi Thục rồi, Thục đã sai lầm khi đánh nước cờ ấy. Thục hiểu con người ta không phải chỉ sống vì tình bạn, còn nhiều tình thương khác cần thiết nữa Khánh nhỉ? Nếu ghen bậy như thế, mai sau Thục sẽ tiến tới ghen cả với anh chị, ba mẹ, thầy cô Khánh nữa sao? Thục tỉnh ngộ rồi Khánh ạ, vả lại giờ đây Thục mới hiểu thương nhau là phải hy sinh cho nhau Khánh nhỉ? Có hy sinh tình thương mới bền vững, ích kỷ chỉ là nhất thời làm sao nắm giữ được tình thương? Khánh ơi, Thục làm thế Khánh có hiểu giùm Thục không hở Khánh?

Tiếng Thục êm đềm rồi dứt hẳn. Khánh im lặng nghĩ miên man. Không ngờ Thục lại bị dằn vặt thế! Khánh ngước lên nhìn khuôn mặt đầm đìa nước mắt của Thục:

- Khánh hiểu lầm Thục, giờ Khánh chả dám giận nữa đâu, mình thương nhau như cũ Thục nhé! 
 
Nước mắt còn rưng rưng nhưng nụ cười Thục tươi sáng hơn lúc nào hết, Thục chẳng nói được câu nào, chỉ nghèn nghẹn gật đầu.

Khánh tiếp:

- Nhưng hoàn cảnh của Thùy đáng thương lắm cơ! Chờ Khánh tí nhé!

Khánh chạy vội đi lấy hai lá thư cho Thục. Khánh hết mệt từ bao giờ, và cảm thấy khỏe ghê gớm (!). Coi xong Thục trả lại Khánh, ngập ngừng bảo:

- Hay... hay...

- Gì hở Thục?

- Hay hai đứa mình nhận Thùy làm em nhé!

Khánh mỉm cười không đáp. Ngoài kia nắng đang reo trên đám lá xanh như mừng lây với hai cô bé...


THÙY DƯƠNG        

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 134, ra ngày 1-8-1970)


Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

Bài Thơ Lý Tưởng

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Cho em đó, một gia đình yêu dấu
Đủ ông bà, đủ cha mẹ anh em
Nơi đầm ấm cho tuổi thơ nương náu
Bao tình thương, bao hạnh phúc êm đềm!

Cho em đó, một ngôi trường cao quý
Em cắp sách vào, mỗi buổi ban mai
Có thầy cô giảng những bài luân lý
Có bạn bè... thân mến chẳng phôi phai

Cho em đó, khu vườn hoa thơm ngát
Vô đi em! Vạch một lối thiên đàng
Hãy bình tĩnh tiến lên - đừng ngơ ngác
Em vào đời chắc sẽ bớt hoang mang

Cho em đó, tháng ngày tràn nhựa sống
Vẫn cười vui mặc con tạo cứ xoay
Sách vở ngoan hiền - niềm tin trải rộng
Cố học rồi mai mốt đẹp tương lai

Thôi trao em tất cả vùng mơ ấy
Dù dòng đời còn tiếp nối triền miên
Xin lòng em đừng bao giờ sóng dậy
Xin mắt em không rớt lệ ưu phiền!

                                             TẠ LỆ VÂN
                       (Lớp 9A2 trung học Hoàng Diệu-BX)
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 60, ra ngày 15-10-1972)
 

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

Cây Ô-liu

 

Từ hồi xa xưa, các bộ lạc miền Trung Đông đã khám phá ra nguồn thực phẩm vô tận của cây ô liu, nên họ khai thác triệt để loại cây này. Họ coi nó như là một loại cây thiêng mà thần thánh đã ban cho nhân loại, để nuôi dượng con người trên mặt đất. Cũng vì vậy mà có biết bao nhiêu huyền thoại đã đặt ra về giống cây này. Nó còn được dùng để làm biểu hiệu cho khoa học, mỹ thuật, thành công, chiến thắng và hòa bình thịnh vượng.

Theo cựu ước của Thiên chúa giáo thì con người xúc phạm đến Thượng đế nên ngài phạt nhân loại bằng một cơn hồng thủy vĩ đại. Nước biển dâng lên, mưa trên trời tuôn xuống đủ 7 đêm 7 ngày, ngập lụt hết, ngoài ra còn có những trận cuồng phong gây nên những làn sóng thần vĩ đại xô ngập tất cả mọi kiến trúc vững chắc nhất của loài người. Do đó mọi sinh vật đều bị tiêu diệt. Riêng có gia đình ông Noé, người được coi như công chính trước mặt Thượng đế, ông được ngài báo trước hình phạt sẽ xẩy ra. Ông Noé đóng 1 con tầu cho gia đình và các súc vật ông mang theo trú ngụ. Sau trận hồng thủy này, ông thả một đôi chim câu ra để thăm dò tình hình. Quả nhiên đôi chim bay về, miệng ngậm cành ô liu non xanh ngắt, chứng tỏ cho chủ biết hình phạt đã chấm dứt và cuộc sống hòa bình sung mãn đã bắt đầu. Hình ảnh này ngày nay còn được dùng để chỉ một nền hòa bình thịnh vượng.

Tại Hy Lạp, La Mã ngày xưa, cây ô liu dùng để dâng hiến cho thần Minerva, Athena. Cành ô liu kết thành những vương miện đội cho những anh hùng chiến thắng ngoài mặt trận trở về, và những lực sĩ chiếm giải vô địch tại các thế vận hội, tương tự như ngày nay chúng ta choàng vòng hoa cho các chiến sĩ hay các khách danh dự.

Ngoài những thần thoại kể trên, về phương diện thực vật học, ô liu thuộc về loại cây trái nhiều ruột, có tên khoa học là "Oléa". Đây là một loại cây bốn mùa xanh tươi, thân to, chắc, mọc xoắn và cành lớn và cứng. Ở những nơi có điều kiện thích hợp về đất đai, về khí hậu, ô liu cao tới 30 thước, trung bình thì chỉ cao từ 4, 6 thước. Lá ô liu mọc thưa thớt, dài như lưỡi giáo, khá dầy. Mặt trên xanh xám, mặt dưới xanh lợt. Rễ ăn lan rất rộng.

Mùa hoa ô liu bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6 mới tàn. Có nơi không nở vào những tháng trên mà lại tùy theo khí hậu dịu mát của vùng đó. Hoa ô liu mọc từng chùm, rất thơm, mỗi hoa có 4 cánh mầu sữa trắng, 2 nhị đực, 1 nhị cái. Trái ô liu khi còn xanh, mầu xanh thẫm, hình bầu dục, lúc chín đổi sang mầu đen lợt. Tháng 9 thì trái già và bắt đầu chín cho tới giáp mùa đông.

Gỗ ô liu rất cứng, mịn, không mấy khi có mắt nên được dùng để đóng tủ bàn ghế quí và nhất là để chạm những đồ vật có giá trị. Trung bình nó có thể sống trên 2 trăm năm. Tại nhiều nơi có đất và khí hậu tốt như ven bờ sông miền Trung Đông có cây sống từ 5 đến 8 trăm năm. Vì ở đây khí hậu chỉ ở mức 15° đến 25° là cùng.

Vùng trồng ô liu thích hợp nhất và có thể đạt đến một kết quả khả quan cho các mùa trái là vùng khí hậu êm dịu, đất mềm, không ẩm ướt. Những nơi có khí hậu nóng quá hay lạnh quá hoặc những vùng dại gió, có gió bể thổi hơi mặn vào đều không thích hợp cho loại cây này. Ngoài ra, ô liu cũng cần được săn sóc kỹ càng, trung bình mỗi năm bón phân 1 lần và phải trừ tuyệt tất cả những cây chùm gửi sống bám trên thân cây ô liu. Trồng ô liu chừng 8 năm thì có trái. Trong vòng 30 năm đầu, cây ô liu có trái rất sai, sau đó giảm dần dần cho tới khi cây già cỗi.

Trái ô liu dùng để ép dầu khi còn xanh. Đây là một loại trái cây có nhiều dầu nhất trong tất cả các loại trái có dầu như thầu dầu, mè, đậu phọng v.v... Phương pháp ép dầu thì đại loại xưa cũng như nay không mấy thay đổi, chỉ có dụng cụ là được tân trang bằng máy móc để thay thế nhân công và gia súc.

Sau khi trái ô liu đã được rửa sạch và lau chùi khô ráo, người ta để nguyên hột, đập dập cho vào túi vải hay máy dùng một sức nặng để ép. Nước chảy ra là dầu.

Sau khi ép, dầu chưa dùng được, cần được dự trữ tại một nơi tháng khí, có nhiều ánh sáng với một nhiệt độ trung bình từ 16-18° trong vòng 1 tuần lễ. Khi thấy dầu trong và có màu vàng trắng, đưa ra lọc lại một lần nữa cho thật tinh khiết, lúc đó mới đem ra dùng. Ngoài công dụng rất hữu ích là làm thực phẩm cho người, dầu ô liu còn được dùng trong kỹ nghệ, đều chế savon, mỡ hóa học, thắp đèn v.v...

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 61, ra ngày 22-10-1972)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>