Các em thân mến,
Trong hai số báo Thiếu Nhi vừa qua, chúng tôi có nói chuyện với các em về tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái.
Tình yêu con của cha mẹ thật bao la.
Nhưng ở cái tuổi còn trẻ của các em, các em có thể không hiểu được cha mẹ. Một ngày kia, khi các em đã trưởng thành, các em lập gia đình và ra sống riêng, xa cha mẹ, những người đã nuôi nấng các em, những người đã nưng niu, lo lắng giúp đỡ các em, chừng ấy các em mới thấy giá trị của hai chữ cha mẹ. Lúc đó, các em cũng lo cho con cái, các em mới hiểu rõ tất cả những công việc và trách nhiệm mà cha mẹ đã dành cho các em trong suốt thời gian hai mươi lăm hay ba mươi năm.
Trong lúc nuôi con, lo lắng cho con, các em thấy rõ tình yêu vô bờ bến của cha mẹ, trong khi cha mẹ lo sự ăn, mặc cùng sự học hành của các em, để các em, khi lớn lên các em có đủ sức lực, tài trí tự mưu sinh và chống chỏi với đời.
Các em có nhiều may mắn, hết sức may mắn có được cha mẹ. Các em hãy nhìn đời sống của các trẻ mồ côi, sống lang thang ở đầu đường xó chợ, hoặc tại các trại cô nhi, các em sẽ thấy thấm thía giá trị của hai chữ mẹ cha.
Cha mẹ lúc nào cũng muốn cho con mình trở nên người xứng đáng trong xã hội, có tương lai tốt đẹp hơn đời sống hiện tại của cha mẹ, cha mẹ sẵn sàng hy sinh bất cứ cái gì, kể cả tính mạng mình, cho đứa con.
Các em còn trẻ, Các em có nhiều ước mơ. Các em nghĩ đến tương lai và các em làm việc cho tương lai của các em.
Các em mơ ước trở thành một danh nhân, một giáo sư tăm tiếng, một nhà kỹ nghệ giàu có, hay một nghệ sĩ lẫy lừng, khi lớn lên, các em gặp thực tế phũ phàng, giấc mộng không thành, các em bớt ước mơ, nhưng lúc đó cha mẹ vẫn nghĩ đến tương lai các em.
Cha mẹ rất đau lòng thấy con cái mình học hành không tấn tới. Cha mẹ sẽ khổ sở, thất vọng khi biết con cái lêu lổng, chơi bời, làm hư cả tương lai.
Các em thường trách cha mẹ quá nghiêm khắc với con cái. Mỗi lần đi chơi với bạn bè, bơi lội hay đá banh, mỗi lần đi mua sắm vật gì, các em lúc nào cũng phải xin phép hoặc hỏi ý kiến cha mẹ. Như vậy quá phiền phức cho các em.
Các em có biết đâu, đấy là cha mẹ lo cho các em. Sự kinh nghiệm của cha mẹ rất cần thiết cho các em. Đừng cho rằng cha mẹ "hủ lậu" hay "chậm tiến".
Các em hãy đọc và suy nghĩ chín chắn những giòng dưới đây:
Con cái nghĩ gì về người cha
Khi 6 tuổi : mình nghĩ. Ba tôi cái gì cũng biết hết.
10 tuổi : Ba tôi biết nhiều lắm.
15 tuổi : Ba tôi biết cái gì, tôi biết cái nấy.
20 tuổi : chắc chắn, Ba tôi không biết bao nhiêu.
30 tuổi : mình có thể cứ hỏi ý kiến ông cụ.
40 tuổi : dù sao đi nữa, ông cụ cũng có kinh nghiệm.
50 tuổi : ông cụ cái gì cũng biết.
60 tuổi : tiếc quá, phải chi bây giờ mình còn có thể hỏi ý kiến ông cụ.
Trên đây là những ý nghĩ của bác sĩ Paul Noel trong một quyển sách giáo dục của ông.
Các em thân mến,
Cha mẹ các em lúc nào cũng lo nghĩ đến các em, điều mà các em ít khi để ý đến.
Ngày nào các em còn được nghe lời khuyên, ý kiến của cha mẹ, các em còn có phúc đấy. Tất cả mọi sự đều có đoạn kết. Những lời khuyên của cha mẹ cũng vậy.
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 66, ra ngày 26-11-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.