Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

Hoa Hồng Màu Trắng


 - Mày đi đâu cho khuất mắt tao đi, đồ ăn hại...

Nga nghẹn ngào nép sát vào ngực ba tức tưởi, đôi môi Nga run lên từng chặp. Nga chỉ biết khóc, chỉ có khóc mới nguôi đi hờn tủi.

Nào phải Nga làm chi nên tội, hồi sáng Nga xin má Nga (kế mẫu) tiền để đóng học phí tháng tư, đã 10 tây rồi. Ông hiệu trưởng cứ hăm dọa Nga hoài, ngày nào vào lớp cũng bị thầy kêu lên văn phòng hạch hỏi. Cả tuần nay Nga ngần ngừ chưa dám xin vì ba Nga bệnh, không chạy xích lô được. Thế nên gia đình Nga luôn luôn có chuyện buồn. Ở lớp bạn bè dần dần xa lánh Nga, lúc nào cũng nhìn Nga bằng cặp mắt soi bói như muốn lột trần tư tưởng của Nga. Những lần như thế Nga chỉ im lặng, len lén cúi mặt xuống đất đi vào lớp. Trước kia lớp học đối với Nga là cả một lâu đài thần tiên, còn bây giờ với Nga nó chỉ là địa ngục. Sự học của Nga càng sút kém: tháng trước Nga đứng nhất, sau trụt đến năm và bây giờ là thứ 17. Lúc nghe thầy đọc vị thứ, cả người Nga run lên, mắt Nga mở lớn nhưng em không thấy gì cả, Nga hình dung đến khuôn mặt khắc khổ của ba và những lằn roi của bà mẹ kế, những tiếng chửi rủa... Nước mắt Nga trào ra, em gục đầu xuống bàn nức nở. Trống trường đã điểm và các bạn Nga đã về gần hết mà Nga vẫn không hay. Thầy giáo thấy vậy đến bên Nga khẽ hỏi:

- Nga!... Con làm sao thế?

Không đợi Nga trả lời, thầy tiếp:

- Thầy biết con đang buồn vì tháng nầy con đứng xa, nhưng con đừng nản, còn có cả một thời gian để học và để đứng cao, miễn con đừng xao lãng việc học là được rồi. Con người ta có chí thì nên con ạ.

Nga ngước lên nhìn thầy rồi đột nhiên ôm cặp bỏ chạy khiến thầy nhìn theo ái ngại.

*

Vừa bước vào nhà, Nga đã nghe tiếng quát của dì Bảy:

- Này! Tôi nói cho ông biết, bây giờ con Nga nó hư quá chẳng làm được gì cả; ông thấy không? Cơm nước tôi lo, quần áo giặt giũ tôi lo. Cái gì cũng tôi hết, nó chỉ việc ăn rồi ẵm em, gánh vài đôi nước thôi mà cũng chẳng xong. Hồi sáng này tôi giao cho nó gánh đủ năm đôi nước rồi mới đi học, thế mà mới có ba đôi là nó quẳng thùng ra đó, nó dành cho tôi chắc? Con ông nó có hiếu với tôi thế đó, gớm, con với cái, khổ không?

Giọng ba Nga ôn tồn:

- Thì đến giờ đi học cho con nó đi, về gánh cũng chẳng muộn, bà sao...

- Sao cái gì? Tôi biết mà, hễ nói động tới nó là ông bênh, còn tôi là đồ bỏ hay sao? Dầu gì tôi cũng phải có quyền làm mẹ với nó chứ.

Ba Nga lắc đầu chán nản:

- Vâng, bà là mẹ, tôi có nói gì đâu.

Dì Bảy lại the thé:

- Còn ông, độ rày tiến đưa cho tôi đã giảm xuống gần nửa, thế mà ông còn rượu chè tối ngày, khổ thân tôi quá...

Nga lảo đảo bước vô nhà, ba em kêu lại:

- Nga! Mầy lại đây tao biểu.

Nga sợ sệt bước đến trong khi dì Bảy nguýt một cái rồi ngó mặt ra đường.

- Mầy về mấy giờ đó?

Nga ngước nhìn đồng hồ rồi nói khẽ:

- Dạ hơn mười hai giờ rưỡi rồi ba.

- Đi học giờ này mới về, coi chừng đó. Học hành độ rày ra sao... Đưa sổ đây tao coi.

Tay Nga run run mở cặp:

- Đây ba...

Rồi im lặng chờ lời trách mắng.

Ba Nga liệng quyển sổ xuống bàn:

- Nga! Sao mày học hành tệ quá vậy. Tao cho mày đi học chớ phải đi chơi sao? Liệu đó, tao cho nghỉ học bây giờ.

Nga tái mặt nhìn ông, gương mặt đỏ rực hằn nét giận dữ. Chạm phải cái nhìn của ba, Nga cúi xuống.

Có tiếng dì Bảy:

- Đó ông thấy chưa? Tôi nói có sai đâu...

Rồi bà ngoe nguẩy đi xuống.

Ba Nga rút phắt cây roi quất túi bụi vào mình Nga, bao nhiêu tức giận ông liền đổ trút lên cô bé. Em cắn răng chịu đau không dám làm gì cả. Một hồi như đã mỏi tay, ba Nga dừng lại. Chợt nhìn Nga, thấy tấm thân tiều tụy của con, lòng ông se lại, đôi dòng lệ chảy dài trên đôi má nhăn nheo. Quá xúc động, Nga chạy tới ôm chầm lấy ba. Ba Nga ôm Nga vào lòng, đặt nhẹ trên trán Nga một nụ hôn. Nga sung sướng miệng mỉm cười chua xót.

Đêm đó Nga không ngủ được, lằn roi hồi trưa làm Nga đau nhức, lăn lộn hoài, mãi tới gần sáng em mới thiếp đi. Trong mơ em thấy mẹ dắt em đi chơi. Xuống bãi biển, bà dắt em ra ngoài xa. Bỗng nhiên mẹ và em chìm xuống. Nga hoảng hốt kêu lên:

- Mẹ ơi!...

Nga chới với...

Em giựt mình tỉnh giấc, Nga ôn lại giấc mơ và nhớ mẹ thật nhiều. Ôi! Mẹ của con, mẹ của bé Nga hôi năm năm trước...

Xa xa có tiếng ai ru con:

- "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng".

Nga lại khóc. Bây giờ em mới biết và mới hiểu nỗi khổ của những người mất mẹ. Một cành hoa hồng trắng đã tự cài lên áo em rồi.

- "Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng"...


HỒNG LIÊN        
(Bảo Lộc)           

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 140, ra ngày 1-11-1970)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>