Hàng năm vào dịp hè, khoảng chừng một triệu du khách tới Ba Lê đều ghé thăm ngọn tháp Eiffel.
Từ trên cao gần ba trăm thước, du khách ngắm nhìn khung cảnh nghẹt thở bên dưới đầy màu sắc rực rỡ nơi các đại lộ với bao dinh thự nguy nga và những hàng cây thẳng tắp, ngay ngắn viền khắp đường phố thủ đô Pháp quốc. Cảnh tượng huy hoàng đẹp đẽ ấy khó phai mờ trong lòng du khách và đó chính là điều mà Alexandre Gustave Eiffel mong muốn khi có ý định dựng lên ngọn tháp này – một trong những công trình xây cất vĩ đại nhất thế giới.
Danh tiếng ngọn tháp vang dội khắp nơi, nhưng ngược lại ông Eiffel, người có công sáng tạo ra nó, lại ít được biết đến. Đã có lần ông tâm sự: "Nhiều lúc tôi cũng ghét ngọn tháp đó lắm, vì hình như người ta cho là công trình của tôi chỉ vỏn vẹn có vậy. Họ đâu biết là tôi còn thực hiện được nhiều điều khác nữa."
Quả thực Eiffel tuy đã già nhưng lưng chưa còng và đôi mắt tinh anh kia vẫn tiếp tục đóng góp nhiều công trình kiến trúc vĩ đại. Là cha đẻ ra phương pháp tân tiến xây cất vật liệu bằng thép, ông phác họa và thực hiện một vài chiếc cầu lớn nhất thế giới, đồng thời sửa đổi cách thức xây cầu nghĩa là dùng thép thay cho gỗ và gạch trong thời đại "nhà chọc trời" này.
Những lúc giải trí, Eiffel khám phá nhiều phát minh mới lạ. Trong số đó phải kể tới việc tìm ra hệ thống phát âm cho phim chiếu bóng và điều quan trọng nhất là các nguyên tắc áp dụng trong cách chế tạo cánh máy bay cùng máy tầu thủy.
Người con cả của ông cho biết: "Điều đáng thán phục ở cha tôi là ông có thể chịu đựng được tất cả mọi khó khăn để thích thú thực hiện cho bằng được những gì ông muốn. Cha tôi làm việc cực nhọc chưa từng thấy, vậy mà ông lại là người sung sướng nhất."
ƯỚC MƠ VÀ THỰC HIỆN
Alexandre Gustave Eiffel sinh năm 1832 tại Dijon Pháp quốc trong một gia đình khá giả. Theo học ban kiến trúc và khi ra trường, ông làm việc cho công ty xây cất cầu cống thuộc sở hỏa xa.
Trong hai năm cần cù nghiên cứu, ông phác họa nhiều dự án không có gì đặc biệt. Mẹ ông, một nữ thương gia tháo vát cho rằng con bà sẽ chẳng đạt được là bao kết quả so với những điều nó mơ ước. Nhưng Eiffel mỉm cười, nắm lấy tay mẹ:
- Cần kiên nhẫn mẹ ạ! Con có rất nhiều ý tưởng. Rồi mẹ coi!
Năm 1850, ngành hòa xa tại Âu Châu phát triển nhanh chóng nên người ta cần xây thêm cầu mới bằng gỗ và gạch. Công tác này vừa tốn tiền vừa chậm chạp lại đòi hỏi nhiều thợ chuyên môn và giỏi. Eiffel nghĩ rằng, cầu cho xe lửa chạy thì phải làm bằng sắt mới khỏe, đồng thời công việc thực hiện sẽ nhanh hơn, vì các thanh sắt sẽ do cơ xưởng chế tạo đúng theo kích thước ấn định, rồi sau đó chỉ cần thợ thường cũng có thể ghép chúng lại dễ dàng.
Khi được mời xây cất một cây cầu dài bốn trăm tám mươi thước trên sông Garone ở Bordeaux, công ty hỏa xa giao cho Eiffel vẽ kiểu. Theo kiểu này thì mọi quy tắc xây cầu xưa nay thường được áp dụng đều bị ông bác bỏ hết, nhưng công ty vẫn chấp thuận.
Trong lúc những kỹ sư khác giầu kinh nghiệm hơn chờ đợi cây cầu của ông sụp đổ, thì các sườn sắt tiếp tục được ráp nối. Thế rồi, không những Eiffel hoàn tất công tác trong nửa thời gian dự liệu, mà phí tổn lại chỉ bằng nửa số tiền một cây cầu thường. Năm đó Eiffel mới có hai mươi chín tuổi. Ở vào tuổi này, ông đã làm đảo lộn cả một hệ thống giao thông tại Âu châu.
Suốt thời gian thực hiện cây cầu trên, Eiffel vấp phải mọi khó khăn trong cách đối xử của một nhóm công nhân bướng bỉnh. Một hôm, có người thợ rơi xuống suối, Eiffel thấy thế liền cởi quần áo nhẩy vội ngay xuống cứu và cuối cùng ông đưa được nạn nhân vào bờ. Sau khi mặc quần áo xong, ông trở lại trong sự vui mừng của mọi người. Ông thân mật:
- "Chúc tất cả gặp nhiều may mắn để còn làm việc nữa chứ. Tôi cũng ham bơi lội lắm nhưng không thích mặc nguyên cả quần áo mà bơi như vậy đâu".
Từ đó Eiffel hết gặp trở ngại do nhóm công nhân ấy gây ra.
Cuộc thành công của cây cầu sắt làm ông hết sức tin tưởng. Ông nói: "Tôi học được ở cha tôi những ý tưởng và nhận ở mẹ tôi bao bài học thiết thực về cách giải quyết mọi công việc. Sự kết hợp này thật hữu ích".
Năm 1866, ông thành lập công ty riêng lấy tên là Công Ty Eiffel. Người ta đọc thấy hàng chữ sau đây trên tấm bảng đồng gắn trước cửa phòng nơi ông làm việc: "G. Eiffel – Kiến trúc sư – Nhận mọi công tác xây cất bằng kim khí".
Hai mươi năm sau, Eiffel trở thành kỹ sư kiến trúc thành công nhất Âu Châu.
"PHẢI THỰC HIỆN CHO BẰNG ĐƯỢC"
Một lần kia, ngay sau khi công ty của ông bắt đầu hoạt động, điêu khắc gia Frédéric Auguste Bartholdi tìm đến nhờ ông giúp đỡ. Mấy năm trước, Bartholdi dự định tạc bức tượng Nữ Thần Tự Do – đài kỷ niệm đánh dấu tình hữu nghị Hoa Kỳ và Pháp – nhưng vì thiếu tiền nên chưa thực hiện được. Giờ đây việc tạc tượng mới khỏi sự. Những kiến trúc sư khác đều quả quyết là không cách nào đặt điểm tựa cho bức tượng cao tới một trăm năm mươi thước để nó có thể đương đầu với những cơn bão tố tại vịnh Nữu Ước.
Eiffel tức giận, gắt:
- Phải thực hiện bức tượng vĩ đại này cho bằng được.
Ngay sau đó ông tính toán, rồi dựng sườn bằng thép cho bức tượng. Sườn này rất nhẹ, đủ đứng vững trên một điểm tựa nhỏ nhưng thừa khả năng chịu đựng mọi cơn bão lớn.
Bartholdi khởi công với những sườn đơn giản và các cây cốt bức tượng do xưởng của Eiffel cung cấp. Kết quả là bức tượng thành công. Từ đó, các tay kiến trúc sư trên thế giới đều dùng sườn thép để thực hiện.
Cây cầu lớn nhất do Eiffel thiết lập tại Bồ Đào Nha khởi đầu cho phương pháp mới xây cầu. Chính phủ Bồ Đào Nha dự định bắc tại Oporto cây cầu một nhịp cao sáu mươi thước, dài một trăm năm mươi thước, ngang qua sông Douro nước chẩy xiết. Eiffel tới quan sát địa điểm. Viên phụ tá của ông cho biết.
- Ở vị trí này khó mà xây cầu được.
Eiffel trả lời ngay:
- Có thể chúng ta không thực hiện được lắm, nhưng cứ thử cố gắng xem sao.
Trở về Ba Lê, Eiffel cặm cụi, tính toán trong phòng làm việc. Một tuần sau, ông loan báo:
- Đã có cách giải quyết. Chúng ta sẽ làm cầu treo.
Những kỹ sư khác lại ngạc nhiên khi thấy công ty Eiffel đưa ra dự án xây cầu cho chính phủ Bồ Đào Nha với giá quá rẻ như vậy. Họ còn ngạc nhiên hơn nữa lúc nhìn hình dáng chiếc cầu bắc qua sông. Đáng lý người ta phải tốn tiền mua những đà gỗ nặng nề làm nhịp thì Eiffel lại thay thế vào đó là những dây cáp bằng thép. Chiếc cầu hoàn tất với một vòm hình bán cung to lớn nhưng nhẹ nhàng nâng đỡ nhịp cầu chính duy nhất. Như vậy, Eiffel, từ bao nhiêu năm đã dẫn đầu cách thức dùng vòm cung bằng thép để bắc cầu. Về sau, khắp Âu Châu, các kỹ sư mới rập theo khuôn mẫu đó vào công tác cầu cống.
Dù danh vọng, tiền tài lên như diều, Eiffel không buông lơi công việc. Suốt tuần lễ, hàng ngày ông chỉ nghiên cứu và vẽ các dự án mãi tận mười một giờ đêm, riêng ngày chủ nhật thì dành cho gia đình. Ông giữ thói quen đó tới khi tám mươi tuổi.
"NGỌN THÁP KỲ QUÁI"
Giữa năm 1880, chính phủ Pháp muốn mở Hội Chợ quốc tế tại Ba Lê. Eiffel đề nghị dựng một ngọn tháp bằng sắt cao tới ba trăm thước.
Sau bao cuộc thảo luận, kế hoạch của ông mới được chấp thuận. Chính phủ chỉ trả trước có một phần năm phí tổn tức là ba trăm ngàn quan, công ty Eiffel cho vay số còn lại.
Công việc bắt đầu từ tháng giêng năm 1887. Suốt trong mười hai tháng, hai trăm năm chục công nhân mới dựng được những vòm cung vĩ đại, và nối liền chúng thành tầng thứ nhất của ngọn tháp. Thành phố Ba Lê giao động. Ngọn tháp quả vĩ đại ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Thế là dư luận chống đối nổi lên như bão tố. Hàng trăm ký giả, văn nghệ sĩ ký tên vào bản thỉnh nguyện, yêu cầu triệt hạ ngọn tháp "kỳ quái" này.
Eiffel vẫn tiếp tục công việc. Hàng ngày, ông leo lên tận những đà hay dàn sắt để chỉ huy. Ông bình tĩnh trả lời: "Khi ngọn tháp này hoàn tất, mọi người sẽ hết ghét tôi ngay."
Tháng tư năm 1889, ngọn tháp mới xong hoàn toàn (1). Hai mươi mốt phát đại bác nổ vang chào mừng. Eiffel thượng lá quốc kỳ lên ngọn tháp cao nhất do con người thực hiện lần đầu tiên. Ông nói: "Giờ đây chỉ có cờ nước Pháp là ngạo nghễ tung bay trên một cột cờ cao tới ba trăm thước".
Nội trong vòng tám tháng sau ngày khai mạc (tháng 5 năm 1889), chừng hai triệu người tới chiêm ngưỡng ngọn tháp tuyệt diệu này. Giờ đây "con quái vật" đó trở thành niềm kiêu hãnh của thủ đô Ba Lê.
NIỀM VUI SAU CÙNG
Ngay bên dưới đài quan sát, Eiffel đặt một phòng làm việc. Năm 1894, lúc hưu trí, ông rời về nhà riêng và tiếp tục nghiên cứu một vấn đề nghiên cứu khá quan trọng là tìm hiểu sức gió tác dụng trên những vật liệu kiến trúc. Cuộc thí nghiệm đã giúp ông thực hiện Hầm gió. Bên trong, ông xây nhiều mô hình để đo lực của gió. Năm 1909, ông công bố dữ liệu về sức đề kháng của gió ngõ hầu giúp các kỹ sư xây "nhà chọc trời".
Thời gian này, Eiffel hạnh phúc nhất. Ông mua một trong những chiếc xe hơi do nước Pháp chế tạo lần đầu tiên, rồi dùng xe đó di chuyển trên đường phố Ba Lê trong khoảng Hầm gió đến ngọn tháp. Mọi người trong gia đình van xin ông nghỉ ngơi cho khỏe, ông nói:
- Người ta chỉ trẻ có một lần mà thôi.
Năm 1921, Eiffel hân hoan báo tin là ông sẽ viết sách. Hai năm sau cuốn này mới hoàn tất.
Năm 1923 ông mất tại Ba Lê, thọ 91 tuổi.
Giờ đây không riêng gì ngọn tháp Eiffel mà còn hàng ngàn công trình kiến trúc khác trên thế giới đều là những đài kỷ niệm ông – Một thiên tài của nhân loại.
Tác giả : Frederic Soudern. Jr
Phỏng dịch : ĐẶNG HOÀNG
_______________________
(1) Tháp Eiffel được chia thành bốn phần:
a) Tầng dưới cùng cao 57 thước.
b) Tầng thứ nhì cao 115 thước. Tính từ dưới đất trở lên.
c) Tầng thứ ba cao 276 thước.
d) Tầng trên cùng làm nơi phát tuyến, truyền hình và cột cờ.
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 50, ra ngày 6-8-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.