Lãnh binh của Pháp tên là Tấn xin Đề đốc Ohier đừng xử tử, bảo đảm rằng sẽ thuyết phục để cụ Nguyễn Trung Trực trở thành một người cộng sự đắc lực, rất cần thiết đối với nhà nước Pháp lúc bấy giờ.
Sau khi cân nhắc lợi hại, Ohier cương quyết giải cụ về Rạch Giá để thi hành bản án xử tử.
Ngày trở lại Rạch Giá, cụ Nguyễn mặc áo vạt hò. Nhà cầm quyền địa phương lúc bấy giờ dùng thủ đoạn chánh trị, tỏ ra tương đối dễ dãi. Vì vậy, dân bổn phố được phép hành lễ tế sống cụ. Cụ mặc áo dài, đội khăn đóng, dự buổi tiệc cuối cùng. Từng manh chiếu trải nối nhau ngoài đường. Trên đó đầy rượu thịt hoa quả của dân chúng đem lại hiến dâng.
Ngày 27-9-1868.
Pháp trường là vùng đất cất sở Bưu Điện và Mật thám (lúc trước của Pháp). Lính Pháp canh phòng cẩn mật, tuyệt đối không dùng lính Mã tà nào. Có lẽ giặc hãy còn giựt mình về bài học lính Mã tà làm phản.
Đao phủ là một người Miên tên Tưa. Dân Rạch Giá gọi y là Bòn Tưa (Bòn có nghĩa như anh hai) (1). Hắn lấy việc chém người làm kế sanh nhai, ăn tiền công của Pháp, cứ một quan một đầu người.
Bòn Tưa xách gươm lại gần cụ Nguyễn Trung Trực. Hắn sợ sệt, quì xuống lạy, xin lỗi. Đây là lần đầu tiên mà hắn sợ người sắp chết.
Cụ Nguyễn Trung Trực nói:
- Mầy làm theo pháp luật thì mầy không có tội gì hết. Nhưng mà mầy phải chém cho tốt bằng không tao vặn họng mầy.
27 tháng 9.
Một ngày tang tóc cho toàn thể dân tộc!
Xác cụ Nguyễn Trung Trực được chôn tử tế, cách lầu ông Chánh chừng 70 thước. Giặc xây gạch chung quanh mộ.
Dân làng Vĩnh Thanh Vân (tỉnh lỵ Rạch Giá) thờ cụ tại đình gần mé biển, chung với cụ Phó cơ Nguyễn Hiền Điều và Nam Hải Đại tướng quân (Thần cá ông).
Hằng năm, cuộc tế lễ cử hành rất long trọng, thành kính, nửa công khai, nửa bí mật.
Mãi đến năm 1920, viên chủ tỉnh người Pháp đến dự cuộc tế thần. Viên chủ tỉnh này rất rành chữ Nho. Thấy trên cột ghi câu đối của cụ Huỳnh Mẫn Đạt điếu rằng:
Hỏa Hồng Nhật Tảo Oanh Thiên địa
Kiếm bạc Kiên Giang khấp Quỉ Thần
Viên chủ tỉnh bảo vị hương chức đưa sắc thần cho y xem. Y nói một câu:
- Nguyễn Trung Trực làm nghịch với nhà nước Lang Sa. Tại sao hương chức lại thờ như vậy?
Rồi y lạnh lùng đi về dinh.
Hương chức làng và hương chức đình vô cùng hoảng sợ. Ông Hương Cả My đích thân đến gặp chủ tỉnh để giãi bày khéo léo như vầy:
- Làng tôi thờ ông Nguyễn là thờ chữ Trung. Ngày xưa ông Nguyễn hưởng ơn mưa móc của triều đình thì trung với triều đình. Ngày nay hương chức làng hưởng công ơn của người Lang Sa thì cũng nguyện giữ chữ trung với người Lang Sa.
Dường như lúc ấy viên chỉ tỉnh gật đầu.
Nhưng hương chức làng không kéo dài tình trạng. Họ làm tấm biển lớn treo trước đình đề mấy chữ : Nam Hải Đại tướng quân" (ý muốn nói thờ thần cá ông).
Việc rắc rối ấy thấu tai ông Le Nestour, viên chủ sự ty thương chánh Rạch Giá. Ông này có vợ Việt Nam, bấy lâu nay lập đồn điền ở Hòn Tre và vùng Tânm Điền (Rạch Giồng) gần chợ Rạch Giá.
Ông Le Nestour thỉnh sắc cụ Nguyễn vô đình Tân Điền mà thờ. Dân chúng lo ngại. Ông nói:
- Thằng chủ tỉnh vô tới đây làm khó dễ thì tôi kiện nó tới trời.
Ngoài vùng Tân Điền, ở Rạch Giá còn rất nhiều đình thờ "thần vọng" nghĩa là chưa có sắc chánh thức. Họ ngấm ngầm truyền miệng rằng đình làng mình thờ cụ Nguyễn thí dụ như đình làng Vĩnh Hòa (rạch thầy Quơn).
Chuyện cụ Nguyễn đã trở thành truyện cổ tích bất hủ như truyện Tấm Cám... gieo vào lòng người dân đau khổ vì nạn ngoại xâm một niềm an ủi, tin tưởng sâu đậm. Lúc mệt mỏi vì sanh kế cũng như lúc rảnh việc nghỉ ngơi, các cụ già thường kể lại cho con cháu rằng:
- Tại đất Rạch Giá mình đây có một lần ông Nguyễn, hồi xưa kia...
__________
(1) Có người nói tên đao phủ này tên Côi.MỘNG UYÊN LONG
(Rạch Giá)
(Viết theo Sơn Nam và Ngọc Linh)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 127, ra ngày 1-8-1974)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.