Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

Nửa Đêm Kể Truyện


Chú Hai ngồi nơi thềm nhà, ngắm mãi con sáo đen trong chiếc lồng tre treo lơ lửng trên nhánh mãng cầu gần đấy. Nghe chú huýt gió, con sáo như nhận ra tiếng chủ, nó gật gật cái đầu, cất giọng líu lo đáp lại.

Con sáo trâu này chú Hai nuôi nó từ khi còn non nớt cho đến giờ cũng khá lâu. Nó dạn dĩ dễ thương làm sao! Khi chú lại gần nó, nó không hề sợ hãi, trái lại nó nũng nịu nhảy bám lên tay chú những lúc chú đưa tay vào lồng để treo chuối cho nó ăn hay thay nước cho nó uống. Nó thích đứng trên thanh tre vắt ngang giữa lồng, đảo mắt nhìn trời, nhìn mây, đoạn hót lên khúc nhạc vui tươi rộn rã quen thuộc của giống nòi nó. Thỉnh thoảng nó nhảy vội xuống, toan đuổi theo một con bướm rực rỡ vừa thấy lả lướt bay ngang. Nhưng vướng phải chấn song, và cánh bướm đã chấp chới bay đi xa rồi, nó lại thản nhiên trở về chỗ cũ.

Con vật dạn dĩ như vậy, song chú Hai chẳng dám cho nó ra khỏi lồng. Ở châu thành để nó bay nhảy thong thả chỉ tổ làm mồi cho lũ mèo không thì cũng bị trẻ con chốp mất. Nó ở trong chiếc lồng chắc chắn như thế mà có hôm chú Hai còn bắt gặp con mèo vằn của ai lại rình rập bên nó nữa chứ! Chú đã giận dữ vác chổi rượt "tên trộm" một phen chạy cong đuôi...

Một lần khác, nó lại bị đám trẻ nghịch ngợm hàng xóm bao quanh chọc phá. Chú Hai hay chuyện mách với ba má chúng cho chúng bị đòn "nứt đít" ra mới không dám bén mảng tới nữa.

Chú Hai rất quý con sáo. Từ ngày thiếm hai qua đời, chú chỉ còn đứa con trai độc nhất và con chim nhỏ nầy để làm nguồn vui sống. Trưa nào làm việc ở xưởng ra chú Hai cũng không quên ghé qua chợ mua vài quả chuối, ít trái ớt hiểm cho con sáo. Đôi khi chú bảo Quốc, con chú, phải đi kiếm cào cào, châu chấu ở tận đồng cỏ xa về cho nó ăn thêm mập mạnh. Tối đến, tự tay chú xách lồng chim vào nhà, phủ lên lồng một cái mùng bằng vải thô để cản gió lạnh, đồng thời che mắt bọn chuột nhắt chuyên ăn vụng chuối của con chim. Mỗi tháng chú lột lưỡi nó một lần. Công việc này gây nhiều đau đớn cho con vật, song nhờ đó hiện thời nó đã nói được vài ba tiếng người khiến chú Hai càng cưng quý nó hơn.

Chiều nay, như bao chiều khác, chú Hai lại bắc ghế đẩu ngồi tréo ngoải nơi thềm nhà, ngắm nghía con chim của mình. Được một lúc, chú quay đầu gọi vọng vào trong:

- Quốc ơi!

Có tiếng dạ thanh thanh kéo dài của một cậu bé. Chú bảo:

- Lấy cho ba trái chuối cho con sáo ăn coi nào!

Một lúc sau, Quốc bước ra trao cho ba một quả chuối xiêm và nói:

- Tối rồi cho nó ăn làm chi ba?

Chú Hai đứng lên tiếp lấy, tươi cười:

- Ậy, cho nó ăn kẻo tối nó đói bụng. Con đói còn có thể lục cơm ăn, chứ nó đói thì chỉ có nước... khóc thầm!

Đoạn chú bước lại mở cửa lồng, lòn tay vào trong loay hoay buộc trái chuối vào một song tre. Công việc chưa xong bỗng nhiên chú la oải lên, cúi nhìn xuống: Một bầy kiến lửa đỏ rần thi nhau bu cắn chân chú.

- Giống mắc dịch!

Chú Hai xuýt xoa, giậm chân bình bịch cho lũ kiến gan góc rơi xuống đất.

Không ngờ những cử động ấy khiến cái lồng chim mắc trong tay chú bị chao đi, đồng thời cái móc sắt để treo lồng vuột khỏi nhánh cây. Chú Hai kịp quay nhìn lên thì cả chiếc lồng nặng nề đã rơi đổ xuống mặt đất. Con sáo hoảng hốt bay vụt ra khỏi lồng, đáp lên hàng rào gần đó. Chú Hai kêu lên một tiếng:

- Chết!

Và vội vã chạy đến chụp bắt con chim. Bình thường nó dạn thế, nhưng bây giờ có lẽ vì quá khiếp đảm trước sự việc vừa xẩy ra mà nó không hiểu tí gì, nên đâm ra nhát sợ cả chú Hai. Bàn tay của chú vừa chạm vào lông nó đã phóng vút sang nhà bên cạnh. Chú Hai thét bảo:

- Nó qua nhà dượng Năm rồi, đuổi theo mau, Quốc!

Rồi không để đứa con kịp tuân lệnh, chú nhẩy ra mở tung cửa rào.

Có tiếng reo của thằng Cường con dượng Năm, bên ngôi nhà kia:

- A! Mình bắt được con sáo!

Chú Hai tái mặt xông vào. Thấy con chim của mình đang vùng vẫy kêu la trong đôi bàn tay nắm chặt của cậu bé, chú lấy vẻ mặt tươi cười nhỏ nhẹ:
 
- Con sáo của tôi làm xẩy đấy. Cháu cho tôi xin lại nhé!
 
Cường đang cười vui, bỗng xịu mặt, rút tay lại như muốn che giấu con chim đi:
 
- Không! Của tôi bắt được, tôi không trả ai hết! 

Dượng Năm từ trong bước ra, cất tiếng hỏi:

- Gì thế?

Chú Hai cúi chào đoạn phân trần:

- Dạ, con sáo nầy tôi lỡ làm xẩy, may nhờ cháu đây bắt được. Mong dượng làm ơn nói cháu cho tôi xin lại, tôi cám ơn lắm!

Cường chợt khóc òa lên:

- Không đâu ba ơi! Con bắt được nó thì nó là của con. Con để con nuôi.

- Thôi nín!

Dượng Năm bảo con, rồi quay sang chú Hai:

- Lúc trước tôi nói hết lời hỏi mua con sáo, anh không chịu bán nay nó xẩy, con tôi bắt được, anh không có quyền gì đòi lại. Tuy nhiên, tôi cũng trả cho anh số tiền tôi đã định bỏ ra mua nó khi trước đây. 

Dứt lời, dượng đưa tay vào túi quần toan móc bóp lấy bạc, chú Hai vội nói:

- Xin dượng nghĩ lại. Con sáo nầy tôi thương nó lắm. Tôi không muốn xa nó một ngày nữa là...

Dượng Năm ngắt lời:

- Nhưng bây giờ nó đã thuộc quyền của tôi.

Chú Hai thấy nóng mặt:

- Sao lại thuộc quyền dượng?

- Vì nếu con tôi không bắt được, con sáo cũng bay mất...

Chú Hai không thể nào dằn được tính nóng nảy cố hữu. Chú giận dữ nói to:

- Người lớn gì mà ăn nói ngang quá vậy? Chẳng thà con sáo của tôi bay mất. Còn ai bắt được phải trả lại tôi chứ!

Bị chạm tự ái, và cũng chợt nhớ đến những xích mích thường xẩy ra giữa hai nhà, dượng Năm gằn giọng:

- À, anh nhục mạ tôi phải không?

Rồi đột nhiên dượng giựt lấy con sáo trên tay con, giơ thẳng cánh vật mạnh nó xuống nền gạch. Con chim vô tội kêu lên một tiếng bi thảm run rẩy một chốc, và sau cùng nằm yên. Dượng Năm hất hàm:

- Đấy, trả anh đấy!

Chú Hai sửng sốt lặng người. Chú vụt quay lưng trở ra sau khi ném một tia nhìn căm tức về phía Dượng Năm. Thấy Quốc lấp ló nơi cửa chú nạt lớn:

- Đi về!

Thằng Cường bỗng rùng mình. Nó nhận thấy cái nhìn của chú Hai như chứa đựng một lời hăm dọa ghê gớm. Nó hối hận nghĩ thầm:

- Cũng vì mình quen tánh làm nũng mà ba sắp phải chịu một tai họa gì đây?

Trong lúc ấy, cha con chú Hai vẹt đàn trẻ hiếu kỳ tụ họp lố nhố trước sân, hằn học trở về nhà.

Quốc đem cất chiếc lồng tre vào xó bếp, khi chú Hai thẫn thờ đứng lặng trước mái hiên. Chú nhìn quanh, trong lòng vụt cảm thấy hình như thiếu thốn một cái gì. Cây mãng cầu giờ đây đơn lẻ quá, đâu còn chiếc lồng bầu bạn, đâu còn tiếng ca vui vẻ của con chim đáng thương khi nào! Cành lá run lên như thổn thức, thì thào như cầu nguyện.

Từ lúc xẩy ra câu chuyện đáng buồn ấy, chú Hai thường rầy mắng con nhiều lần một cách vô cớ. Dù bị mắng oan uổng, Quốc vẫn lặng thinh hứng chịu, vì biết đây là do nỗi phẫn uất chứa đầy trong tâm não cha mình gây nên. Thật thế, lòng chú Hai hiện giờ như một hỏa lò nóng bỏng, bừng bừng những tia lửa căm giận. Cũng giờ nầy ở bao chiều trước, chú được vui vẻ bận rộn với con sáo: nào đem lồng vào treo lên sà nhà, nào giăng mùng, đuổi chuột cho nó. Bây giờ thì hết cả! Thời gian sao kéo dài và trống rỗng thế kia? Tâm tư tựa hồ rơi vào lạc lõng, chú Hai không biết phải làm gì cho vơi phiền muộn. Chú bực tức quát mắng đứa con, như chính nó là nguyên nhân đem sự đau xót cho lòng mình.

Trời chập tối, sau khi thắp nhang trên bàn thờ xong, chú Hai bảo con cùng đi ngủ. Chú muốn ngủ sớm để lãng quên bao nhiêu sự việc đã xẩy ra, nhưng không thể nào chợp mắt được, đầu óc cứ rối bời những ý nghĩ thù hận quay cuồng. Trái lại, Quốc vừa ngả lưng bên cha một chốc đã ngáy to.

Trong khi ấy không gian vẫn âm thầm đi dần vào khuya vắng. Đâu đây thoảng tiếng thạch sùng tặc lưỡi tiếc thương. Bên hè đàn dế canh thâu lại trổi giọng âu sầu. Gió buốt lướt qua ngàn cây, xao xác. Có tiếng chim heo kêu thét trên trời cao lạc lối hay bơ vơ trong đêm lạnh? Chú Hai nhỏm người lên. Tiếng kêu não nuột gợi cho chú hình ảnh con sáo đem nằm oằn oại ban chiều...

Mãi lâu chú Hai mới thiếp đi trong mệt mỏi.

Nhưng liền sau đó, đột nhiên chú tung chăn ngồi dậy, nhẹ nhàng bước xuống đất. Lặng lẽ như chiếc bóng, chú mặc nhanh bộ đồ đen, rút khẽ con dao nhỏ giắt trên đầu giường bỏ vào túi, đoạn mở cửa sau bước ra ngoài.

Trời tối mịt, chú Hai cố mở rộng hai mắt để nhìn rõ mọi vật. Chú tiến đến dãy rào ngăn sân sau nhà mình với sân mé sau nhà dượng Năm và leo chuyền sang bên kia. Công việc thật dễ dàng, vì rào làm bằng cây đóng rất thấp. Lập tức, chú Hai lần tới cửa sau nhà người hàng xóm. Thình lình một con chó từ đâu nhẩy xổ đến bên chú, sủa vang. Chú Hai cúi nhặt một nhánh cây nằm vướng dưới chân, thẳng tay vụt thật mạnh vào lưng con vật. Nó kêu lên ăng ẳng mấy tiếng, cúp đuôi lẩn mất vào bóng đêm. Liền đó có tiếng động trong nhà, tiếng guốc lê lẹp kẹp, tiếng mở cửa rồi một người hiện ra: chị ở. Một tay cầm cây đèn, một tay che mắt, chị ta dọ dẫm bước ra hỏi lớn:

- Có chuyện gì thế, Tô tô?

Chú Hai vội nép mình sau cái lu nước cao ở sát bên hông chị. Chú nhìn quanh, mắt sáng lên, vớ lấy cái ky hốt rác dựng kề đấy. Đợi chị ở xây lưng lại, chú đứng bật dậy cầm ky quạt mạnh về phía ngọn đèn. Ánh lửa yếu ớt tắt phụt. Nhanh như cắt, chú lách mình vào trong, tai còn nghe chị ở càu nhàu:

- Gớm, gió mạnh quá!

Đặt nhẹ cái ky xuống sàn gạch, chú Hai khoan khoái nghĩ thầm:

- Không ngờ mọi việc đều êm xuôi như mình đã nghĩ!

Móc túi quần lấy con dao nhỏ, cầm lăm le, chú rón rén tiến lên nhà trên.

Có tiếng ngáy vang từ một gian phòng. Chú Hai hồi hộp xô cửa bước vào.

Đây rồi, dượng Năm, gã hàng xóm hiểm ác! Y đang say sưa với giấc ngủ bình thản vô tâm.

Hai tay y buông thõng, chính những cánh tay tàn nhẫn đã giết chết con sáo vô tội ban chiều.

Chú Hai giận sôi lên, chú siết mạnh cán dao, vụt giơ cao khỏi đầu, hét to một tiếng, hạ xuống...

Nhưng ngay lúc đó, một bàn tay lạnh ngắt của ai đã nắm lấy cườm tay chú, giữ chặt lại...

- Ba ơi ba! Tỉnh dậy ba!

Chú Hai giật mình thức giấc. Thì ra đó chỉ là một giấc mơ.

Mồ hôi ướt đẫm áo, chú gượng mỉm cười trước nét mặt lo lắng của Quốc.

- Ba mớ hả con? Không sao, con nằm ngủ lại đi!

Quốc nằm xuống và hỏi:

- Ba mơ thấy chi vậy ba?  
 
Chú Hai trầm tư một lúc lâu, rồi chậm rãi nói:

- Con hãy nghe câu chuyện ba sắp kể đây, sẽ rõ giấc mơ mà ba vừa trải qua như thế nào.

Chú hắng giọng, bắt đầu kể:

- Vào đời nhà Tùy bên Trung quốc, tại thành Lạc dương có một người trai tráng tên là Vương Thế Sung tánh tình khí khái lại rất giỏi võ nghệ.

Một hôm Thế Sung sắp sửa vào rừng săn bắn độ nhựt như mọi khi, bỗng có anh họ là Vương Minh Đức đến viếng. Sau tuần trà nước, Minh Đức hỏi em:

- Em còn nhớ con chim anh võ của mẹ anh chứ?

- Ồ sao lại không? Nó vẫn còn khỏe và nói nhiều như trước hở anh?

Minh Đức gật đầu buồn bã:

- Vâng. Nhưng nó đã cắn đứt dây buộc cẳng bay mất rồi.

Thế Sung sửng sốt:

- Con chim ấy rất dạn và mến bác gái, có lý nào nó lại bay đi luôn. Hay nó bị lạc ở phương nào?

- Anh cũng nghĩ thế. Hiện giờ mẹ anh vì thương tiếc nó quá mà nhuốm bệnh. Anh không thể ngồi yên nên đến nhờ em đi tìm hộ cho. Em thường đi đây đó chắc phải rành đường đi nước bước hơn anh. Mong em vui lòng giúp giùm, anh muôn vàn cảm tạ.

Minh Đức là người ân giúp đỡ Thế Sung luôn nên được chàng nhận lời ngay.

Khi Minh Đức đã ra về, Thế Sung bèn sắm sửa xách lồng đi tìm con chim anh võ. Song trọn ngày đó, chàng lùng kiếm khắp thành, vẫn không thấy dạng con chim đâu.

Sáng hôm sau, Thế Sung lại tiếp tục công việc anh mình giao phó. Lần nầy chàng đổi hướng, lần sang các làng mạc kế cận. Đi đến xế trưa, trải qua suốt mấy dặm đường, nhưng kết quả cũng như hôm trước. Trời nắng hừng hực, Thế Sung mệt nhọc ngả ngồi dưới một tàng cây. Giữa lúc tràn đầy chán nản, chàng chợt thấy một đám trẻ xúm xít quanh một gốc cổ thụ, tranh nhau bàn bạc, chỉ trỏ lên một nhánh rậm lá. Thế Sung lấy làm lạ nên lại gần chúng xem có chuyện gì.

Bỗng chàng kêu lên mừng rỡ. Chính con chim anh võ của mẹ Minh Đức đang đậu trên nhánh cây kia. Thấy mặt Thế Sung, con chim khôn ngoan kia ngó xuống gọi:

- Chú Sung, cứu tôi vơi! Tôi bị vướng trên nầy, bực lắm, bực lắm!

Thế Sung bèn bỏ lồng, leo lên gỡ dây cho con vật. Được thong thả, nó bay đáp xuống đất, tự nhẩy vào lồng. Thế Sung xách lồng trở về, lòng vui vô hạn.

Khi đi ngang qua nhà Thủy Yếu, một trọc phú ở gần đấy, Thế Sung gặp hắn đang đứng chơi ngoài sân. Thấy chàng xách chiếc lồng nhốt con chim đẹp, Thủy Yếu gọi lại đòi xem, đoạn hỏi:

- Con chim này biết nói chứ?

Thế Sung chưa kịp đáp, con anh võ vụt bảo:

- Thôi về, chú Sung.

Thủy Yếu thích thú cười hô hố, rồi bảo:

- Cậu hãy bán nó cho tôi đi. Tôi trả ba trăm lượng bạc,

Thế Sung lắc đầu:

- Thưa ông dầu ba ngàn lượng tôi cũng không bán, vì con chim nầy của bác tôi, bả thương yêu nó lắm.

Quen thói hống hách hiếp người, dùng tiền bạc để đánh đổi được tất cả, nay trước câu nói ngạo nghễ của Thế Sung, Thủy Yếu giận đỏ mặt. Thình lình hắn chụp bắt con chim anh võ, nắm cẳng xé tét nó ra làm hai mảnh, quẳng đi xong ngang nhiên quay vào nhà.
 
Thế Sung vô cùng tức giận. Chú lặng nhìn theo bóng dáng tên trọc phú, rồi lầm lũi về nhá.
 
Đêm ấy, Thế Sung mài gươm thật bén, trở lại nhà Thủy Yếu...
 
Nghe chú Hai kể đến đấy, Quốc bỗng rùng mình kêu lên:
 
- Thôi con đã biết rõ giấc mơ của ba, và ý định nung nấu trong lòng ba rồi.
 
Cậu bé cầm tay cha, van lơn:
 
- Đừng làm thế ba ạ! Xin ba nghe con thuật lại một câu chuyện mà thầy con đã kể cho chúng con trong lớp:
 
- Một vị vua nọ, có mười chiếc lọ cổ hết sức đẹp. Đức vua quý chúng hơn tất cả mọi vật trên đời. Ngài đặt chúng trong tủ kính chạm trổ tinh vi, giao cho một thị thần tin cẩn mỗi ngày phải lau chùi chúng đến bóng như gương.
 
Chẳng may một hôm viên thị thần lỡ tay đánh vỡ mất một cái. Thế là nhà vua nổi trận lôi đình, thét võ sĩ đem chém đầu tên quan vô ý. Giữa lúc nguy cấp, may thay có một quan đại thần bước ra quỳ tâu rằng:
 
- Muôn tâu bệ hạ, xin bệ hạ tha tội cho viên thị thần, và truyền dẫn hạ thần đến nơi để lọ cổ. Thần sẽ có cách làm cho chiếc lọ vỡ lành lại như xưa.

Nhà vua mừng rỡ thuận ý. Khi đã đứng trước chiếc tủ đựng lọ quý, quan đại thần ngắm nghía một lúc, rồi đột nhiên xô đổ chiếc tủ, làm vỡ nát chín cái lọ còn lại, đoạn phủ phục chịu tội:

- Xin bệ hạ cứ giết hạ thần. Sở dĩ hạ thần hành động như vậy là để cứu chín mạng người sắp chết oan vì chín cái lọ quý giá đó.

Nhà vua chợt tỉnh ngộ, tha tội cho quan đại thần và cả viên thị vệ vì ngài thừa hiểu rằng:

"MẠNG NGƯỜI LUÔN QUÝ HƠN VẬT"

Câu chuyện đơn giản vừa dứt, chú Hai cảm động ôm choàng lấy Quốc:

- Con có lý. Ba sẽ bỏ cái ý định trả thù ghê gớm kia. Nhưng nếu còn ai chạm đến con chim thứ hai của ba, ba sẽ không nhịn đâu!

Quốc ngạc nhiên:

- Con chim thứ hai nào ba?

Chú Hai mỉm cười:

- Thì chính con chim Quốc đang nằm bên ba đây.

Quốc cười vui sung sướng trong lòng cha.

Bao nhiêu oán hận tiêu tan, chú Hai thiếp dần vào giấc ngủ yên lành.


NGUYỄN VĂN NGHỆ      

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Chiếc Áo Màu Thiên Thanh")

Không có nhận xét nào:

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>