Người ta bảo "Sinh nghề tử nghiệp". Nếu có những nghề "ngồi mát ăn bát vàng", nghĩa là chỉ cần... ngồi chơi xơi nước mà vẫn hái ra bạc triệu, thì cũng có những nghề không phải chỉ đổi mồ hôi lấy bát cơm, mà còn có thể đổi cả mạng sống của mình nữa.
Mời bạn làm quen với các mãnh thú và giới làm "xiệc". Ở đây, chúng ta không quan niệm như một nghề sinh nhai, nhưng là một nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật, tất cần phải có sự trau dồi, tập luyện...
Phải. Chìa khóa sự thành công của thứ nghệ thuật nguy hiểm nầy – nghề tập luyện mãnh thú – chính là sự kiên nhẫn. Và, đối với Firmin Bouglione, một nhà luyện mãnh thú lừng danh, thì việc tập luyện nầy không phải là của loài mãnh thú được tập, nhưng trước tiên, phải là của người tập.
Khi người ta thấy đàn cọp của Jeff van Reen nhoài mình lăn dưới chân chủ, và nhảy "valse" theo lệnh chủ như những con ngựa hiền lành trong đám xiệc, người ta rất có thể hoài nghi về những trò nguy hiểm chết người của thứ nghề nầy. Dầu sao thì một mãnh thú, vẫn là một... mãnh thú. Nghĩa là chúng vẫn luôn giữ cái bản chất hung bạo của một "ông ba mươi" chính hiệu, bản chất của một vị chúa tể sơn lâm, do sức mạnh cũng như sự "nặng ký" của chúng. Nếu chúng đang chịu xử dịu với con người, chính là vì chúng nể nang chút quyền... tay trên mà chúng nhận ra nơi chủ của chúng. Dầu sao thì chúng vẫn có chút tin tưởng vào con người như vậy. Tuy nhiên không phải chiếc roi da hay cái dùi nhọn đã phát sinh được những "tình cảm" đó trong đầu óc con thú.
Người luyện thú biết rằng mỗi con thú có một tính tình, một bản chất riêng, tốt, xấu, hay nham hiểm. Công việc của họ trước tiên hệ tại việc biết rõ ràng cả đến những thói quen cố hữu, những tật xấu, những phản ứng nhỏ nhặt nhất nơi con thú. Thế nên, người luyện thú thiên thiên phải là một... nhà tâm lý học về loài thú.
Người luyện thú là một... anh bồi phòng
- Làm sao để có được một cuộc... chạm trán đầu tiên giữa con người và mãnh thú?
- Thưa trước tiên, người ta phải tự tìm tòi, nghiên cứu tỉ mỉ... qua cái chuồng sắt đã. Người luyện thú cho biết như vậy.
Việc đó chính người luyện thú phải tự làm lấy.
Người luyện thú, như một anh bồi phòng tuyệt diệu, tắm rửa, lau chùi, săn sóc con thú để bắt đầu làm bạn với nó.
- Nhưng con người có thể tin tưởng vào mãnh thú được không?
- Không bao giờ! Người luyện thú luôn phải giữ một uy quyền tuyệt đối trên con thú, bằng cách gây nơi nó một sự sợ hãi và kính trọng bởi sức mạnh... êm dịu và sự bình tĩnh của mình.
Sự sợ hãi... bước đầu của sự khôn ngoan.
Có lẽ hơn một lần bạn đã từng thấy một đoàn xiệc, tí hon hay vĩ đại, hay ít là trên phim ảnh. Chính trong cái chuồng vĩ đại của đám xiệc, người ta thấy được những nhà luyện thú trứ danh săn sóc những con cọp, sư tử của họ. Họ chơi giỡn với chúng, nói với chúng với một chút... kiêng nể nào đó như chúng là một con người vậy.
Chàng Tarzan danh tiếng của giới làm xiệc, Gilbert Houke, một thầy dạy cọp tuyệt luân, đã vật lộn với thú dữ, đùa với chúng bằng một phương pháp đặc biệt... êm dịu. Trò đùa giỡn nầy ngày nay đã trở nên danh tiếng khắp thế giới khiến những nhà luyện thú lừng danh phải khâm phục.
Gilbert Houke quả là một người... có nòi. Chàng là cháu nội của nhà luyện thú trứ danh Bidel, con của một thầy dạy cưỡi ngựa đã từng làm "chủ mã quan", ông Jean Houke. Chính chàng đã khám phá ra cái nghệ thuật đó. Trong đám xiệc, bao giờ chàng cũng cho trình diễn đàn ngựa trước. Nhưng chính cái chuồng sắt vĩ đại và đoàn mãnh thú trong đó mới làm chàng ưng ý. Chỉ có chúng là thu hút chàng hơn cả.
Câu chuyện sau đây, chàng đã kể lại, để nhớ đến giây phút đầu tiên chàng phải chạm trán với đàn thú dữ trong chuồng sắt. Chàng thực sự bước vào nghề dưới sự hướng dẫn của nhà luyện thú Alfred Court. Lúc chàng bước vào lồng sắt, Court đã hỏi chàng:
- Anh sợ không?
- Phải thành thực nói rằng... sợ – Houke trả lời như vậy.
- Tốt. Chúng ta vào cuộc nhé.
Và Alfred Court sau nầy đã cho biết:
- Nếu chàng trả lời không, tôi không bao giờ dám để cho chàng vào với bầy thú của tôi.
Được cứu thoát chết nhờ một con... sư tử.
Trong cái nghề nguy hiểm nầy, đôi lúc không thể tránh được việc nhà luyện thú bị đám thú dữ... "Tarzan nổi giận" tấn công. Chính Jeff van Been đã một lần được cứu thoát khỏi cuộc tấn công của một chú sư tử... vô giáo dục, do một con sư tử khác.
Lúc đó, ông đang dượt một trò gồm những động tác được lập đi lập lại nhiều lần. Trong lồng sắt có đến 10 con sư tử tất cả. Thế rồi một chú trong đám bỗng nổi hứng chồm lên lưng nhà luyện thú. "Prince", một cô sư tử... tài tử trong đám, đã nhận ra ngay hành vi hắc ám của chú sư tử nọ. Không để trễ một giây, Prince phóng người chồm lên con sư tử trở chứng. Hai con mãnh thú quần nhau, lăn lộn giữa đống mạt cưa trong một thế chiến đấu thực dữ tợn. Và thế là Prince đã cứu chủ thoát chết trong gang tấc.
Một người Anh, bạn của mãnh thú
Đó là một hiệp sĩ đầy đam mê. Năm 1768, tại Luân Đôn, ông đã cho tái sinh trò xiệc, một trò giải trí cổ thời và đặc biệc, của dân Roma, đã bị bỏ quên từ lâu.
Ông tên là Philip Astley.
Ông hơi ít may mắn, và có thể nói, suốt đời chỉ sống cho đàn ngựa.
Trong một bãi đất hoang, gần Westminster Bridge Road, Luân Đôn, Anh quốc, Astley đã thiết lập một hí trường. Chính nơi đây, toàn dân Luân Đôn, từ giới trung lưu đến bình dân đã tuôn đến xem.
Cũng chính trong khung cảnh hội chợ nầy mà các trò vui, trò hề của hí trường Philip Astley đã nhanh chóng trở nên một rạp xiệc. Tại đây, người ta không chỉ nhiệt liệt tán thưởng những hành vi gan dạ và anh dũng của thuật cỡi ngựa, nhưng còn cả những mãnh thú được huấn luyện thuần phục và những trò hề múa rối thật bay bướm nữa.
Sự chinh phục điên rồ nhất của con người
Giống ngựa hầu như không thể thiếu, và là con vật lắm trò nhất trong một đám xiệc.
Những con ngựa nòi thuộc... phái thượng lưu biết nhảy cả polka, samba và cả cha cha cha nữa! Thực sự thì không phải con vật nhảy theo điệu của ban nhạc, nhưng chính ban nhạc lại theo những nhịp điệu biến chuyển của con ngựa. Những cử điệu của con vật được người hiệp sĩ ra lệnh bằng một dụng cụ thích nhẹ lên lưng nó, nhưng khán giả rất khó nhận ra.
Còn những con ngựa quần chỉ đóng một vai trò phụ trong cuộc giải trí. Chung quanh chúng, những anh nài hay cả những... cô nài tha hồ biểu diễn. Chúng chỉ là những con tốt, những chàng phu để họ biểu diễn những trò thăng bằng mà thôi.
T.H.
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 197, ra ngày 15-3-1973)