Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

Làm Cho Kỳ Được Mới Thôi


Trong thị trấn nhỏ của chúng tôi không ai biết bà bá tước đó ở đâu tới. Có lẽ bà là người ngoại quốc vì bà rán nói cho đúng giọng. Chắc bà giàu có vì dinh thự to lớn, gia nhân đông. Nhưng bà không tiếp ai hết, không giao du với ai hết (...)

Bà luôn luôn cầm một chiếc gậy để chống mà cũng để trị những đứa trẻ nghịch ngợm, cần phải uốn nắn theo ý bà. Tôi tinh mắt mà lanh chân, luôn luôn tránh được chiếc gậy đó. Vậy mà một hôm, năm tôi mười bốn tuổi muốn đi đường tắt, tôi vừa nhảy qua hàng rào của bà, thì ở đâu bà đập cho tôi một cái vào đầu, tôi kêu "ái" và nhảy lùi tới gần một thước.

Bà bảo:

- Này cháu, già muốn nói với cháu điều này.

Tôi tưởng bà sẽ thuyết cho tôi về cái tội nhảy qua hàng rào nhà người khác, nhưng bà cố ngó tôi, hơi mỉm cười, có vẻ thay đổi ý kiến.

- Phải cháu ở căn nhà sơn xanh bên kia không? Nhà có trồng liễu ở ngoài vườn đó?

- Dạ phải.

- Chính cháu săn sóc, tưới, xén và hớt bồn cỏ đó phải không?

- Dạ phải.

- Được lắm. Chú làm vườn của già nghỉ việc rồi. Sáng thứ năm, bảy giờ cháu lại đây nghe. Né đừng có kiếm chuyện nói rằng mắc việc này việc nọ, già đã thấy thứ năm nào cháu cũng lê la, lang thang trong xóm.

Tôi không dám cãi bà nên thứ năm đó tôi lại hớt đi hớt lại ba lần bồn cỏ của bà rồi bà mới vừa lòng. Kế đó bà bắt tôi bò đi nhổ những cỏ ngú, đầu gối tôi xanh như bồn cỏ vậy. Sau cùng bà đứng dưới hiên gọi tôi vô.

- Cháu muốn lãnh công bao nhiêu đây?

- Cháu đâu biết được. Có lẽ 50 quan...?

- Theo ý cháu thì công việc cháu làm đáng 50 quan hả?

- Dạ... nghĩa là... vào khoảng đó vậy mà!

- Được. Đây là số 50 quan mà cháu cho là đáng công cháu. Già thêm vào đó 150 quan nữa, công của già đã theo gót, coi chừng cháu suốt buổi. Bây giờ già cho cháu hay cách thức chúng mình làm việc chung với nhau ra sao nghen. Có bao nhiêu người làm thì có bấy nhiêu cách hớt bồn cỏ. Và công việc của họ đáng giá cũng rất khác nhau, từ 1 xu tới 500 quan. Công việc của cháu hôm nay đáng giá 300 quan nếu cháu... tự làm lấy một mình, không có già theo gót, chỉ bảo. Muốn lãnh được 400 quan thì công việc phải gần như hoàn toàn, hớt một bồn cỏ mà tốn công như vậy thì già cho là điên. Còn như muốn cho công việc đáng 500 quan... thì chúng ta đừng nên nghĩ tới: không thể làm được. Vậy từ nay mỗi tuần cháu lại hớt bồn cỏ cho già một lần và cháu định công việc của cháu đáng bao nhiêu, già sẽ trả bấy nhiêu.

Tôi đi về với 200 quan trong túi, có cảm tưởng rằng mình giàu nhất đời, và quyết tâm tuần sau phải moi được 400 quan của bà ta mới nghe. Hỡi ơi! Tuần sau tôi không đạt được giá 300 quan nữa. Khi hớt lần thứ nhì, nghị lực của tôi bắt đầu giảm đi.

- Cũng chỉ đáng 200 quan! Thế này thì già chắc phải mướn người khác thôi, cháu ơi!

- Dạ, nhưng tuần sau cháu sẽ cố gắng hơn.

Tôi không nhớ đã làm cách nào mà giữ được lời hứa. Khi hớt lại bồn cỏ lần cuối cùng, tôi đã mệt đừ, vậy mà vẫn còn gắng sức thêm được nữa. Lần đầu tiên thấy cảm giác thắng lợi đó, tôi mừng rỡ, không do dự gì cả, xin bà 300 quan.

Bốn hay năm thứ năm sau, tôi định giá công việc của tôi là 300 quan, có lần là 350 quan. Làm được ít lâu, tôi biết rõ bồn cỏ đó: chỗ nào mặt đất gồ ghề, chỗ nào tôi phải hớt cụt, chỗ nào phải để cỏ cao, như ở gần mép, như vậy đường cong toàn thể bồn cỏ sẽ điều hòa hơn. Càng quen với công việc tôi càng nhận định rõ được một "công việc đáng 400 quan" thì phải ra sao. Và tuần nào tôi cũng quyết tâm thực hiện cho được cái mẫu mực mà tôi đã tính trước trong đầu. Nhưng khi kiếm cho được 300 quan hoặc 350 quan, tôi thấy mệt quá rồi, nên quên cái dự định cố vượt mức đó.

Bà bá tước khi trả tiền cho tôi, bảo:

- Cháu có vẻ mừng ở mức 350 quan!

Nhìn số tiền đó, tôi mừng quá, không nhớ rằng mình đã nhắm cao hơn nữa, nên đáp:

- Cháu cũng có cảm tưởng như vậy!

Bà an ủi tôi:

- Có gì đâu mà phải tự trách mình. Xét cho kĩ thì hạng người hớt một bồn cỏ mà đáng được lãnh 400 quan đâu có nhiều gì.

Mới đầu nghe lời đó, tôi cũng thấy mát ruột. Nhưng rồi trong lòng tôi có sự thay đổi lần lần mà tôi không ngờ, sau cùng tôi thấy bực mình về lời đó và tôi quyết tâm kiếm cho được 400 quan, muốn ra sao thì ra.

Một buổi đêm thứ năm tôi rán quên sự thất bại trong ngày để ngủ một giấc, thì ý nghĩ đó hiện lên, mạnh mẽ vô cùng, tôi nhổm dậy, xúc động đến nghẹt thở.

Phải đạt cho được 500 quan chứ không phải 400 quan! Phải làm cho được việc mà không ai làm được chính vì lẽ rằng nó không làm được.

Tôi biết những nỗi khó khăn tôi phải vượt. Chẳng hạn có vài chỗ, sâu bọ giun dế đã đùn đất lên, phải san cho phẳng. Có lẽ bà bá tước chưa nhận thấy những chỗ đó vì nó nhỏ quá: nhưng tôi đi chân không, tôi biết và tôi phải sửa sang cho bằng phẳng.

Thứ năm sau trước hết tôi dùng một cái hủ lô (rouleau) để san cho phẳng những chỗ đất đùn lên đó. Sau hai giờ làm việc, tôi chán nản, gần chín giờ sáng tôi đã tính bỏ dở! Rồi chỉ nhờ một sự ngẫu nhiên lạ lùng, tôi bỗng đổi ý. Xong việc san bằng hủ lô đó rồi, tôi ngồi nghỉ dưới gốc một cây dẻ và ngủ thiếp đi một lát. Tỉnh dậy thấy bồn cỏ đẹp quá, đi chân không lên thấy êm quá tôi nóng nảy muốn tiếp tục công trình của tôi. 

Khoảng tám giờ tối, mọi việc hoàn thành. Tôi hãnh diện quá, quên mệt, chạy lại cửa phòng bà bá tước:

- Hôm nay đáng giá bao nhiêu đây?

Tôi rán tĩnh lại một chút, làm ra vẻ nghiêm trang và đáp:

- 500 quan!

- 500 quan? Cháu muốn nói 400 quan đấy chăng? Già nhắc lại: Không sao đạt được mức 500 quan, không thể được mà.

- Dạ, được chứ! Chứng cớ là cháu làm được rồi đấy.

- A! Từ khi khai thiên lập địa tới nay, mới có một bồn cỏ mà một người làm vườn bỏ công sửa sang đáng tới 500 quan, phải đi coi cho biết mới được.

Trong ánh hoàng hôn sắp tắt, chúng tôi cùng đi coi khắp một vòng bồn cỏ. Chính tôi mà cũng ngạc nhiên vô cùng không thể tưởng tượng nổi một công trình như vậy.

Bà đặt tay lên vai tôi, bảo:

- Này em, già không hiểu em đã có nghị lực mạnh ra sao mà thành công một cách tuyệt vời như vậy.

Chính tôi, tôi cũng không hiểu nữa. Mà giá có hiểu thì cũng không thể giảng được vì cảm động quá khi nghe bà bảo rằng tôi đã thành công.

Bà nói tiếp:

- Già đoán được cảm xúc của em khi em quyết định làm cho được một công việc mà già cho là không làm nổi. Chắc lần đầu có quyết tâm đó, em đã sung sướng lắm, mà cũng hơi kinh hãi một chút. Già đoán có đúng không?

Thấy cái vẻ kinh hãi trên nét mặt tôi, bà biết rằng bà đã đoán đúng.

- Già biết được như vậy là vì hầu hết chúng ta đều có cảm xúc đó. Chúng ta có lúc bỗng cảm thấy bừng phát trong lòng mình cái ý muốn tự tay làm một công trình lớn lao. Ta được hưởng niềm sung sướng kỳ diệu. Rồi hạnh phúc đó tan dần đi vì chúng ta tự nhủ: "Không, mình không làm nổi, việc đó không thể làm được!" Mỗi khi có một tiếng tự đáy lòng em bảo em rằng: "Không thể làm được" thì em nhớ phải xét cho kĩ, đừng vội tin nó nhé.

Từ buổi đó đến nay đã trên một phần tư thế kỷ rồi, mỗi lần tôi thấy hết phương, cùng đường, không còn chút hi vọng nào cả ở chân trời thì mấy tiếng "không thể làm được" lại hiện lên trong óc tôi, tôi lại cảm thấy trong lòng bừng hăng lên, như có một sự thúc đẩy kì diệu bất ngờ nào đó, và tôi hiểu thêm một lần nữa rằng con đường duy nhất có thể đạt được ngay trong cái thiên nan vạn nan, không thể làm được đó.


Richard Thurman    
NGUYỄN HIẾN LÊ    


(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>