- Ê, tụi bây chạy mau. Ông già Bắc ra kìa.
Cả bọn bốn thằng chăn trâu nhẩy vội lên bờ, chạy ra ruộng. Một ông cụ già đạp xe ra. Tuy chúng kêu là cụ nhưng ông chưa già lắm, chòm râu còn ngắn đen, nét mặt vui tươi và khỏe mạnh. Cụ có vẻ phúc hậu nữa. Vừa dựng xe đạp vào gốc cây ổi bên bờ sông cụ vừa nói đủ để bốn đứa chăn trâu đang đứng trên bờ ruộng nghe thấy:
- Này các chú, thuyền của tôi buộc ở đây có gì đâu mà các chú phá phách vậy, lần này là lần cuối tôi bỏ qua cho, nếu các chú không chừa tôi sẽ vào mách ba má các chú đấy.
Bồn thằng chăn trâu cởi trần trùng trục, đen xạm và gầy gò đưa mắt nhìn nhau rồi phá lên cười. Tiếng cười đầy vẻ cải lương và chế nhạo.
- Khỏi sợ tui bay.
- Như ta đây, a a , chưa bao giờ biết sợ a a...
Chúng lại cười như khuyến khích cho cái giọng hát bội của thằng Lùn. Thằng Lùn cái bụng nó đen và căng to lên. Có lẽ nó ăn khỏe lắm. Nhưng chân tay nó vẫn nhỏ bé và khẳng khiu. Tóc nó rối bù, mặt mũi lem luốc. Thế mà nó chăn cả một bầy trâu chín mười con. Nó hay ca vọng cổ nhất, mỗi lần nghe nó gân cổ lên ca bài Lương-Sơn-Bá Chúc-Anh-Đài:
- Anh-Đài ơi, từ nay muốn gặp nhau... vùi chôn nơi đáy mộ hoang tàn.
Sau tiếng xuống cuối cùng tụi trẻ vỗ tay tán thưởng. Được hứng nó càng gân cổ lên ca nốt sáu câu rất mùi.
Ngày nào cũng vậy sáng sớm người ta thấy chúng đang bơi lội ở con rạch bên cạnh hàng rào kẽm gai ấp Tân Sinh, hoặc chúng đang đắp bờ tát mấy vũng trâu đằm. Vũng nước đen trên mặt từng đàn muỗi đậu, làm gì có cá mà lúc nào cũng thấy chúng tát. Buổi trưa chúng ra sông leo lên thuyền của ông già Bắc, chúng lục lọi tìm những con cá còn sót lại trong lòng thuyền. Nếu hứng chúng chèo thuyền ra sông để tắm. Một toán đứng trên, còn một toán ở dưới nước, chúng chia quân đánh giặc. Đứa ở dưới cố leo lên thuyền, đứa ở trên cố đẩy xuống. Thường chúng không chia rõ bên nào quân ta, bên nào giặc. Một thằng ở dưới leo lên được lại đẩy những thằng còn lại. Chúng la hét như đang đánh một trận thủy chiến. Chiếc thuyền tròng trành, nước tràn vào.
- Bớ quân sĩ.
- Dạ.
- Chúng ta phải chiến thắng nghe.
- Dạ.
Toán ở trên không kém:
- Quân ta đâu.
- Dạ.
Trận thủy chiến chỉ chấm dứt khi nào chúng đã hò khan cả cổ và bụng đau vì ngâm ở dưới nước quá lâu.
Chiếc thuyền con bây giờ ngập nước gần chìm và xơ xác. Nhiều khi chúng còn cạy cả những tấm ván mang về làm củi thổi. Ông cụ Bắc rất buồn vì tụi trẻ khó nói. Nhưng chưa lần nào ông đánh chúng. Chúng phá, ông chữa. Khi nào ra làm cá được nhiều ông còn bán rẻ cho chúng. Nhưng bà cụ thì chúng sợ. Bà cụ người bé loắt choắt, nhanh nhẹn và nói luôn hồi. Mỗi lần bà cụ ra gặp chúng là bà nhiếc:
- Chúng bây là con nhà mất dạy. Thuyền bè của bà để đây có động tới tụi bây không mà tụi bây phá.
Dù nhiếc mắng thế nào chúng chỉ nhe răng ra cười trơ tráo.
Nhưng năm nay chúng bắt đầu đi học. Má chúng đã mua cho mỗi đứa một bộ đồ mới bằng vải bông có chim cò sặc sỡ, vài cuốn tập 50 trương, bút mực. Nhưng chúng lo sợ. Chúng sống từ lúc lên 5 lên 6 chỉ mặc một chiếc quần đùi trễ dưới rún, lúc nào cũng cởi trần và đầu không bao giờ đội nón. Mười hai tuổi rồi còn gì? Mỗi lần chúng thấy mấy đứa nhỏ bằng tuổi chúng áo quần tươm tất, chân mang dép, đầu đội nón, tay cắp sách mỗi sáng đến trường là chúng thèm. Chúng ao ước được như vậy. Chúng thích có làn da trắng hồng, có chiếc sơ mi trắng và có chiếc cặp ni-lon để đi học. Nhiều khi chúng đứng trước cổng trường nhìn vào sân chơi, sao mà đẹp thế! Với trí óc non nớt chúng nghĩ nếu vào được trong đó, thầy cô sẽ lo cho chúng có áo đẹp, có làn da trắng và có đủ thứ như những đứa học sinh kia. Thế giới thần tiên kia đối với chúng còn quá xa xôi. Nhà chúng nghèo. Ba thằng Lùn không làm gì ngoài ngồi ở tiệm cà phê của chú Tàu từ sáng tới tối. Má nó đi bán ngoài chợ. Mỗi buổi sáng má nó ra sông mua cá của ông già Bắc rồi gánh ra chợ bán lại. Công việc nhà giao cho con Tũn, nó vừa trông hai đứa em nhỏ vừa lo cơm nước. Bỗng nhiên thằng Lùn nhớ lại một hôm nó về đến nhà thấy má nó đang khóc bên đứa em út nằm trên chiếc chõng tre. Em nó đã chết đuối. Vì con Tũn ham chơi để em nó bò ra sân và lăn xuống mương nước trước cửa nhà. Mãi đến khi má nó về mới hay, thì em nó chỉ còn là cái xác lạnh ngắt và xám xịt. Nghĩ đến đấy mắt thằng Lùn nóng và nó đã khóc.
- Sao mày khóc Lùn?
- Xạo mày, tao đau mắt chứ.
Tiếng thằng Tý hỏi làm nó giật mình và nó lau vội mắt.
- Sáng mai tao đi học rồi.
- Tao cũng vậy.
- Sáng nay má tao dẫn tao ra thầy. Thầy bảo tao lớn rồi phải đi học.
- Tao cũng vậy.
Sáng hôm sau thằng Lùn nôn nao khi mặc vào bộ đồ mới. Chân mang dép. Má nó dắt đến trường. Lùn bước ngập ngừng không dám đi mau sợ mấy cuốn tập trên tay rơi mất. Trong sân trường học sinh đang nô đùa, nó vui nhưng lại sợ. Một vài đứa cũng như nó đứng nép vào chân người lớn tuổi. Có đứa khóc đòi về.
Thằng Lùn đứng ôm chân má nó, khi một hồi trống vang lên, má nó dẫn nó vào hàng và ra về. Nó khóc, không chịu vào lớp học. Nhưng một bàn tay êm dịu xoa đầu nó. Nó ngửng mặt lên. Cô giáo nhìn nó cười và dịu dàng nói:
- Sao trò khóc?
Cả lớp học nhìn nó tỏ vẻ ái ngại. Nhưng qua ngày hôm sau và những ngày kế tiếp nó thích đến trường để gặp tụi thằng Minh, thằng Hùng để chơi đá cầu, đá banh. Nó bắt đầu hiểu rằng trường học là nơi vui thú nhất. Về nhà nó trông em nhỏ và quét dọn nhà cửa, phải mất mấy ngày nó mới quét sạch được. Cái sân đầy phân gà, vịt, heo hôi hám bây giờ đã sạch sẽ hơn. Má nó tỏ vẻ hài lòng, ba nó đã bắt đầu đi cày. Gia đình nó êm ấm hơn trước.
Vào những ngày nghỉ học nó cùng chúng bạn ra đồng đá banh chứ không phá thuyền của ông già Bắc nữa vì thầy cô chúng dạy rằng: Phải biết kính trọng tài sản của người khác.
Vì vậy bà cụ Bắc không còn mắng chúng là : "Tụi mất dậy" nữa.
Vũ văn Hàm