Thứ Tư, 28 tháng 3, 2018

CHƯƠNG 1, 2, 3_BÔNG UẤT KIM HƯƠNG ĐEN


Chương 1


Ai cũng biết là có rất ít người được hưởng một cuộc sống thật sự sung sướng trên thế giới này. Nhưng, Văn-Bách lại là một trong số người may mắn ấy. Văn-Bách sống ở Đốc, một tỉnh lỵ nhỏ của Vương quốc Hòa Lan. Anh là một Y sĩ trẻ tuổi nhất tỉnh nhà, nhưng sau khi cha anh qua đời, đã bỏ nghề y sĩ.

Cha của Văn-Bách lúc sinh thời, là một thương gia được nhiều người biết tiếng. Trong cuộc sống ông đã dành dụm được một ít tiền bạc dự định sẽ dành tất cả sản nghiệp mồ hôi nước mắt cho Văn-Bách sau này. Cho nên, khi gần qua đời, ông kêu Văn-Bách đến gần:  

- Con yêu dấu của cha! Từ khi mẹ con qua đời đến bây giờ, cha chỉ còn mỗi mình con. Nay cha biết cha không còn sống được bao lâu nữa, cha cầu mong cho con may mắn nhiều trên đường đời. Như cha, suốt ngày trong văn phòng, cha biết đó không phải là một đời sống sung sướng. Cha cầu mong con không phải như cha, một thương gia, cũng sẽ không như chú Vũ-Bình, một chính trị gia nổi tiếng. Đó là những đời sống bận rộn và phiền toái vô cùng. Cha mong con sẽ có một đời sống êm đềm và yên lành hơn cha, hơn hết cả mọi người. Đó mới là đời sống sung sướng. Cha đã dành dụm được một tí tiền, một gia tài nhỏ cho con, con có thể hưởng dụng suốt đời.
Bây giờ là năm 1670. 

Ít lâu sau, cha Văn-Bách qua đời. Chàng trơ trọi trong ngôi nhà rộng lớn của cha để lại với một bà quản gia già giúp việc. Văn-Bách đóng cửa phòng mạch, chỉ nhận chữa bệnh cho mọi người với tính cách giúp đỡ mà thôi. Ngoài ra, anh không còn cách nào để qua thời giờ. Cuối cùng, anh quyết định dành hết thời giờ rảnh rỗi để trồng hoa Uất Kim Hương. Sau nhà Văn-Bách có một thửa vườn khá lớn, Văn-Bách lo sưu tầm các giống mới lạ về gây trong vườn. Có thể nói vườn hoa của chàng không thua bất cứ vườn hoa nào khác. Anh trồng riêng các giống hoa này trong một căn phòng kính. 


Cũng nên biết thời kỳ này, dân Hòa Lan rất ít trồng hoa Uất Kim Hương và người ta đã dành những phần thưởng lớn trao cho bất cứ ai gây được giống Uất Kim Hương mới hay một màu sắc mới lạ. 


Cạnh nhà Văn-Bách là nhà của Ba Tốn. Ông ta cũng là một nhà chuyên trồng hoa và sinh sống nhờ nghề bán hoa. Ba Tốn không được giàu có như Văn-Bách. Ông ta lo sợ rằng người thanh niên giàu có kia sẽ trồng được những loại hoa tốt hơn của mình, nhất là hoa Uất Kim Hương. Ba Tốn luôn theo dõi công việc trồng hoa của Văn-Bách, không bỏ sót một cử chỉ nào của chàng. Muốn cho việc theo dõi được dễ dàng, ông ta mua ngay một cái ống nhòm, để có thể quan sát ngay cả trong nhà kính qua khung cửa sổ nhà Văn-Bách. Trong căn phòng đó, Văn-Bách đang làm việc với những hạt giống và những bọc nhỏ bằng kính (hoa Uất Kim Hương được mọc lên trong những bọc kính ấy). Cho đến một ngày kia, Ba Tốn thấy vườn hoa nhà Văn-Bách đã nở đầy những bông hoa rực rỡ, kiêu sa. Ngay đêm hôm ấy, ông ta bắt một cặp mèo, lấy dây buộc chúng vào với nhau rồi ném qua bờ tường nhà Văn-Bách. 


Hai con mèo rớt xuống vườn, vùng vẫy cố thoát khỏi sợi dây buộc và làm nát gần hết những bông hoa của Văn-Bách. Sáng hôm sau thấy cảnh tượng ấy, Văn-Bách buồn lắm. Hai con mèo đã cắn đứt dây bỏ đi từ lúc nào rồi. Chàng nhờ bà quản gia già canh giữ vườn hoa cẩn thận hơn, hầu tránh chuyện rủi ro đáng tiếc như vừa rồi. 


Trong thời gian đó, một giải thưởng lớn nhất sẽ được trao cho người nào có thể trồng được cây hoa Uất-Kim-Hương màu đen, thật đen, và không được dùng bất cứ một phẩm chất nào cả. Nghĩa là nó phải được trồng tự nhiên, với đất, nước và ánh sáng. Giải thưởng này lên tới một trăm ngàn đồng tiền vàng và người trao giải thưởng ấy là ông Hoàng-Thế-Diễn, Hội trưởng Hội trồng hoa của Hòa-Lan ở Hà-Lâm. 


Biết được tin ấy, Văn-Bách bắt tay ngay vào công việc trồng hoa Uất-Kim-Hương đen. Ban đầu, anh trồng được những cây Uất-Kim-Hương màu đỏ thẫm. Sau đó, từ những cây đỏ thẫm anh trồng thành những cây màu nâu. Năm sau, anh đã có những cây Uất-Kim-Hương thật nâu. Anh rất có hy vọng thành công. 


Ba Tốn cũng không kém gì Văn-Bách. Trong thời gian này, ông ta cũng trồng hoa Uất-Kim-Hương đen để mong đoạt được giải thưởng kếch sù kia. Những cây Uất-Kim-Hương của ông cũng đã trở thành màu nâu nhưng chỉ là màu nâu lạt. Không như Văn-Bách, Ba Tốn chán nản rồi đâm ra tức giận, bỏ luôn công việc đang làm dở dang ấy. Ông ta không biết làm gì hơn ngoài việc dòm ngó Văn-Bách. Ông ngồi nơi cửa sổ với chiếc ống nhòm và nhìn Văn-Bách cặm cụi trong phòng với những bọc kính và những hạt giống của anh. Anh hỗn hợp loại Uất-Kim-Hương nầy với loại Uất-Kim-Hương kia hầu có thể tạo ra một loại Uất-Kim-Hương hoa đen. Càng xem xét Văn-Bách làm việc, Ba Tốn càng ghen ghét với anh hơn. 


Vào dịp ấy, Phạm Vũ Bình đến Đốc. Ông là một chính trị gia có lập trường đối lập với chính quyền Hòa Lan lúc bấy giờ. 


Vũ Bình đến nhà Văn-Bách vào buổi chiều. Bấy giờ là tháng Giêng 1672. Bước vào nhà, Vũ Bình lặng người đi một lúc, ông nhìn toàn thể gian phòng, vẫn cái bàn ấy, ghế ấy, đồ vật ấy, bao nhiêu thứ gợi lại cho ông hình ảnh của người bạn thân thiết của ông. Văn-Bách đứng cạnh ông, yên lặng. Một lúc, Vũ Bình quay sang Văn Bách, trìu mến: 


- Chú muốn nói chuyệm riêng với cháu vài phút. 


Văn Bách đáp: 


- Mời chú sang phòng ương hạt giống của cháu. 


Cả hai chú cháu đều không biết rằng: trong lúc đó, mọi cử chỉ của họ đều lọt vào mắt Ba Tốn, đang ngồi sau cửa sổ với chiếc ống dòm. 


Văn Bách cầm lấy một cây đèn và dẫn Vũ Bình đến phòng hạt giống. Ở đây bày biện đơn sơ một chiếc giường nhỏ, một cái tủ, một cái bàn và vài thứ lặt vặt. Một cái hộp lớn để ở giữa bàn với những hạt giống và bầu kính ở trong. Lúc này, Ba Tốn quan sát cẩn thận hơn lúc nào hết. Hắn nhìn thấy ánh đèn lọt vào trong phòng qua cánh cửa mở, rồi chú cháu Văn Bách bước vào. Ba Tốn nhìn Vũ Bình chăm chú nhất vì hắn biết Vũ Bình là người như thế nào rồi. 


Vũ Bình nói chuyện gì với Văn-Bách trông có vẻ bí mật lắm. Ba Tốn không thể đoán những lời đối thoại của hai người. Nhưng sau đó, hắn thấy Vũ Bình lấy từ trong người ra một số những giấy tờ và bỏ tất cả vào một phong bì lớn dán kín lại rồi đưa cho Văn Bách, dặn dò một vài điều gì đó. Ba Tốn đoán là những giấy tờ rất quan trọng có liên quan đến chính trị. Nhưng hắn không hiểu tại sao những giấy tờ ấy lại được đưa cho Văn Bách, một người không lấy gì làm thích thú với những vấn đề chính trị cả. 


Ba Tốn cũng dư biết rằng dân chúng Hòa Lan không ưa gì Vũ Bình. Càng ngày họ càng ghét ông ta nhiều hơn vì đường lối chính trị của ông. Có lẽ những tờ giấy ấy có chứa đưng một vài bí mật chính trị nào đó mà Vũ Bình cần giữ bí mật. 


Văn Bách sau đó cầm phong bì bỏ vào trong hộp đựng bầu kính Uất Kim Hương của anh rồi đóng lại. Vũ Bình dặn dò một vài điều nữa rồi bắt tay Văn Bách một cách thân mật. Hai người bước ra khỏi phòng, cánh cửa khép kín lại. Một lát sau đó, Vũ Bình lên đường. 


Những điều Ba Tốn đoán rất đúng với sự thực. Những tờ giấy mà Vũ Bình đã đưa cho Văn Bách là mật thư gởi cho Hoàng Đế nước Pháp. Nhưng Vũ Bình đã cẩn thận không nói gì với đứa con của bạn ông cả. Ông chỉ dặn chàng hãy gìn giữ chúng cẩn thận, không được đưa cho một ai ngoại trừ chính tay một người thân tín do ông gởi tới. 


Về phần Văn Bách, anh bỏ phong bì bí mật vào đáy hộp và không quan tâm đến nó nữa.

Chương 2 

  Vào ngày 20 tháng 8 năm 1671, tại Hạ Ngân, thủ đô Hòa Lan. Trên đường phố, đầy những người mang vũ khí, lăng xăng chạy qua chạy lại trước cửa chính nhà giam. 

Bên ngoài nhà giam, nơi cửa chính: một đại đội kỵ mã vất vả ngăn chặn đám đông dân chúng đang muốn ùa vào bên trong. Và bên trong nhà giam là Vũ Bình và em ông ta, Vũ Bảo. 


Tiêng của đám đông dân chúng vang lên: 


- Anh em Vũ Bình không thể thoát được! Giết chúng ngay đi ! 


Toán binh lính dàn hàng ngang bên ngoài nhà giam vẫn không xê dịch. Họ đang cố gắng ngăn cản sự cuồng nộ của đám đông. Tiếng la của đám đông vẫn không ngớt vang lên: 


- Giết ngay anh em tên Vũ Bình! 


Viên Đại úy chỉ huy đội lính thúc ngựa tiến tới, hét lớn: 


- Mấy người muốn gì? 


- Chúng tôi muốn anh em Vũ Bình! Chúng tôi muốn giết họ! 


Viên Đại úy nói lớn: 


- Tôi ra lệnh không một ai được đến gần nhà giam, nếu mấy người không nghe, bắt buộc tôi phải nổ súng. 


Đám đông lùi lại, viên Đại úy dõng dạc tiếp: 


- Anh em Vũ Bình sẽ được pháp luật xét xử, ngoài ra không ai được đụng chạm tới họ. 


Lúc ấy, bên trong nhà giam, Vũ Bình đang nằm trên giường bệnh. Vũ Bảo đứng bên cạnh: 


- Anh Vũ Bình, cảm thấy đỡ nhiều không? Hiện giờ có một chiếc xe đợi ta ở cửa sau. Tất cả đã sẵn sàng để chúng ta có thể trốn ngay đi được. 


Vũ Bình mệt nhọc hỏi em: 


- Anh nghe có những tiếng la ó ở bên ngoài. Anh không nghe lầm đấy chứ? 


- Vâng! Đám đông dân chúng. Họ muốn giết chúng ta vì những lá thư của ta gởi cho Hoàng đế Pháp quốc đã bị bại lộ. 


Vũ Bảo nghiến răng tiếp: 


- Em thực không hiểu tại sao họ lại biết chúng ta viết những lá thư đó. Chắc hẳn phải có ai tố cáo? À nầy, hiện giờ anh giấu chúng ở đâu, hả anh? 


- Thì vẫn ở nhà cháu Văn Bách! Anh đã đưa hết cả cho nó giữ! 


Vũ Bảo chau mày: 


- Văn Bách. Em không tin là nó lại nỡ hại chúng ta! 


- Đừng nghĩ xấu cho nó, Bảo! 


Vũ Bảo xua tay: 


- Ồ, không! Không phải! Nhưng nguy hiểm cho nó quá. Nó không biết một tý gì về vấn đề này. Nhưng nếu những mật thư ấy bị tìm thấy trong nhà nó, chắc chắn nó sẽ bị giết chết hoặc ít nhất cũng bị tống giam. 


Từ phía dưới đường, tiếng la ó của đám đông lại vang lên: 


- Giết chết anh em Vũ Bình đi ! Đồ phản trắc! 


Trong phòng, Vũ Bảo hối hả: 


- Anh Bình! Những lá thứ ấy phải được thủ tiêu. Chúng ta phải báo cho cháu Văn Bách biết ngay. Càng sớm càng tốt. 


Vũ Bình hỏi: 


- Nhưng, nhờ ai được bây giờ? 


Vũ Bảo nói ngay: 


- Nhờ chú Chánh, người giúp việc của em, chú ấy hiện có mặt ở đây. Lẹ lên, anh Vũ Bình! 


Vũ Bình cầm lấy quyển thánh kinh của ông đang để trên bàn. Ông xé ngay một tờ của quyển sách và gượng ngồi dậy, viết vào đó: 


20 tháng 8 năm 1672 

Cháu Văn Bách mến, 


Cháu hãy đốt ngay những lá thư mà chú đã đưa cho cháu, đừng xem những gì viết trong đó. Nó không có lợi gì cho cháu khi biết những điều trong đó. Thủ tiêu nó là cháu đã cứu được mang sống và danh dự của Vũ Bình, Vũ Bảo. 


Vũ Bình     
Vũ Bảo cầm lá thư đưa cho người giúp việc trung thành của mình: 

- Chú đem ngay đến cho Văn Bách nhé! 


Chánh lo lắng: 


- Thưa vâng! Tôi hiểu... nhưng còn ông...? 


- Cám ơn chú! Để mặc chúng tôi lo, chú cứ yên tâm! 


Chánh ngần ngừ một lát, rồi vụt chạy đi. 


Bên ngoài, tiếng la hét vẫn tiếp tục. Vũ Bảo đỡ anh đứng dậy: 


- Chúng ta phải trốn mau. 


Một người đàn ông len lỏi qua đám đông, tiến tới trước mặt viên Đại úy, nói lớn: 


- Tôi đem tới một sắc lệnh của chánh quyền ở đây. Lệnh truyền cho Đại úy rút binh về. 


Đám đông dân chúng nhốn nháo, họ ùa đến gần toán lính. Viên Sĩ Quan hét lớn: 


- Dừng lại! Không tôi sẽ bắn... 


Tiếng người đàn ông vang lên: 


- Xin Đại úy hãy đọc sắc lệnh và cho lính rút lui ngay lập tức! 


Viên Sĩ Quan thoáng thất vọng lẩm bẩm: 


"Nghĩa là anh em Vũ Bình phải chết. Nhưng lệnh là lệnh! Phải tuân hành." 


Ông ghìm cương ngựa hét lớn: 


- Anh em binh sĩ, quay lại. Đi! 


Đám lính và toán kỵ mã lục tục di chuyển. 


Vũ Bình bước xuống giường, Vũ Bảo khoác lên người anh tấm áo choàng. Cả hai rời khỏi căn phòng. Vũ Bảo nói với anh: 


- Cháu Mỹ Lan đang đợi chúng ta ở cầu thang. Chắc nó nóng lòng lắm. 


- Làm gì vậy? 


- Anh không biết ư? Nó giúp chúng ta trốn đấy! 


- Ồ ! 


Mỹ Lan đã đứng dưới chân cầu thang. Nàng là con gái của vị quản ngục Nguyễn Quân. Nàng xinh đẹp lắm và khoảng mười tám tuổi. Trông thấy Vũ Bình và Vũ Bảo, Mỹ Lan hấp tấp chạy đến: 


- Hai chú ơi! 


- Gì đó, cháu? 


- Hai chú đừng nên ra ngoài và xuống dưới đường. Những ngườI lính đã dời đi rồi, dân chúng sẽ giết hai chú nếu họ nhìn thấy hai chú. 


- Vậy chúng ta chịu chết hay sao? 


- Không, hai chú sẽ đi bằng cửa sau, trông ra một con đường nhỏ. Cháu đã dặn sẵn người đánh xe đợi hai chú ngoài đó. Mau đi hai chú! 


- Liệu cha cháu có mở cửa cho không? 


- Cháu biết cha cháu không đời nào mở cửa đâu, nhưng cháu đã lấy được chìa khóa của cha cháu rồi. Đây này, chú! 


Vũ Bình cảm động: 


- Ồ, cháu tôi! Chú không biết làm sao để cám ơn cháu cho được. Cháu tốt quá! Chú không còn gì cả ngoại trừ cuốn thánh kinh mà cháu có thể tìm thấy ngay trong phòng chú. Chú biết cháu không đọc được nhưng chú tin rằng một người nào đó rồi đây sẽ dạy cháu. Đó là quà tặng cuối cùng của một người đàn ông đang cố gắng cứu lấy quốc gia mình. Sau cùng, chú hy vọng nó sẽ mang lại cho cháu những điều tốt đẹp. 


- Cháu cám ơn chú, cháu sẽ giữ nó luôn luôn, cháu mong ước sẽ biết được cách đọc nó. 


Tiếng hò hét của dân chúng càng lúc càng tới gần hơn. Mỹ Lan giục: 


- Họ tới kìa! Nhanh lên mấy chú! 


Ba người bước nhanh xuống thang lầu, họ băng qua một cái sân nhỏ. Một cái cửa nhỏ đã mở sẵn, họ đi qua và băng sang đường. Một cỗ xe đang đợi sẵn. 


- Hai chú đi bình an. Cháu phải về kẻo cha cháu mong. 


- Tạm biệt cháu ! Vũ Bình, Vũ Bảo cùng nói.


- Nhanh lên! Dân chúng đang phá cửa vào kìa! 


Chuyến xe lăn bánh, chạy được một lúc, Vũ Bình, Vũ Bảo đã đến cổng sau cùng của thành phố, nhưng cánh cổng đã đóng kín. Người đánh xe giục giã: 


- Mở mau! Mở cửa ra! Mở cổng ra! 


Một người đàn ông chạy ra, ý chừng như là người gác cổng. Người đánh xe la lớn: 


- Chúng tôi có chuyện gấp! Mở cổng ra! 


- Không thể mở được, chìa khóa đã bị lấy mất rồi! 


Tình hình nguy cấp, biết chần chờ mãi cũng không yên, Vũ Bảo thò đầu ra khỏi xe kêu: 


- Xà ích, chúng ta cố gắng đi qua cổng khác vậy. 


Chiếc xe quay đầu lại. Bốn con ngựa lồng lên một lúc rồi vụt chạy. Tiếng vó ngựa lộp cộp nghe rộn rã cả một góc phố. Bỗng một vài người võ trang xuất hiện chung quanh ngã tư, rồi một số khác ùa ra bao vây chiếc xe, Vũ Bảo hối thúc: 


- Nhanh lên! Nhanh lên! 


Một người đàn ông đứng giữa đường dang hai tay cảm chiếc xe, hét lớn: 


- Đứng lại! 


Chiếc xe vụt qua. Người đàn ông bị hất văng xuống mặt lộ, bánh xe cán qua người gã. Một tiếng thét rùng rợn vang lên. Nhiều người nữa, túa ra đường càng lúc càng đông. Vũ Bình ngồi trong xe hốt hoảng: 


- Dừng lại! Chúng ta phải rời chiếc xe này ngay! 


Một người đã bám vào một con ngựa đi đầu và ghì nó lại. Chiếc xe cố lết đi một khoảng rồi dừng lại. Dân chúng kéo Vũ Bình, Vũ Bảo ra khỏi cỗ xe. Vũ Bảo hốt hoảng: 


- Anh tôi! Anh tôi đâu? 


Vũ Bình lúc ấy đã nằm chết sóng soài trên mặt đường. Một người cầm khẩu súng chĩa vào đầu Vũ Bảo nhưng khẩu súng không nhả đạn. Hắn đưa khẩu súng lên cao đánh Vũ Bảo gục xuống đất. 


Chẳng bao lâu, xác của hai anh em Vũ Bình đã bị đem treo lên một cành cây đại bên ngoài nhà ngục. Việc làm ghê rợn của dân chúng đã hoàn tất. 



Chương 3 

Trong thời gian dân chúng ở Hạ Ngân tìm giết Vũ Bình và Vũ Bảo thì Chánh đang trên đường đến Đốc. Tới một khúc sông, Chánh bỏ ngựa của mình trong một căn lều và di chuyển bằng thuyền nhỏ dọc theo con sông. Ngồi trên thuyền, anh nhìn thấy thành phố Đốc nằm dưới chân ngọn đồi phía bên kia sông. Những căn nhà đỏ tuyệt đẹp đang soi mình bên bờ nước như để phô trương vẻ đẹp của mình. Trên sườn đồi, một ngôi nhà rộng lớn nổi bật giữa những căn nhà chung quanh, với một vài ngọn cây cao ngất. Đó là nhà của Văn Bách. 

Chánh rời chiếc thuyền nhỏ, đi bộ về phía nhà Văn Bách. 


Lúc ấy, Văn Bách đang ngắm nhìn ba bầu kính nhỏ cầm trên tay ở trong phòng hạt giống của anh. Càng nhìn, Văn Bách càng tin tưởng rằng anh sẽ tạo ra được giống hoa Uất-Kim-Hương Đen. Anh đã tìm ra bí quyết trồng hoa Uất Kim Hương rồi. Hiện giờ anh chỉ còn giữ ba bồn thủy tinh Uất Kim Hương tốt nhất mà anh hy vọng một trong chúng sẽ mọc lên thẳng tắp, đẹp và mang màu đen tuyền. Chàng đặt tên cho ba cây này là: Mai Chi (tên của mẹ anh), Văn Điền (tên của cha anh) và Vũ Bình (tên người bạn thân nhất của cha anh). 


Nếu Văn Bách chiếm được giải thưởng một trăm ngàn đồng tiền vàng với hoa Uất Kim Hương Đen, anh dự định sẽ lấy số tiền đó tặng cho người nghèo, cho những cô nhi viện hoặc ký nhi viện ở Đốc. Tất cả những nhà trồng hoa Uất Kim Hương trên thế giới sẽ biết đến tên anh. Hoa Uất Kim Hương sẽ được gọi là Uất Kim Hương Đen của Văn Bách. Mà không! Có lẽ anh chỉ dành năm mươi ngàn đồng tiền vàng cho những người khốn khổ ở Đốc, còn năm mươi ngàn kia, anh sẽ dùng để gây một loại Uất Kim Hương khác nữa. Bất giác, Văn Bách hớn hở la lên: 


- Ồ! Những cây hoa xinh đẹp của tôi! 


Ngay lúc đó, tiếng chuông vang lên. Bà quản gia già xuất hiện nơi cửa. Văn Bách vội hỏi: 


- Ai vậy? 


Bà quản gia đáp: 


- Một người đàn ông từ Hạ Ngân đến, ông ta có một lá thư để đưa cho cậu. ông ta tên Chánh. 


- Chánh hả? Đúng là người giúp việc của chú Vũ Bảo rồi!... Nói với anh ấy đợi cháu một chút nhé! 


Văn Bách đang loay hoay cất ba bầu kính Uất Kim Hương thì Chánh thình lình bước vào phòng: 


- Ông Bách! Chuyện này gấp lắm không thể chần chờ được. 


Văn Bách giật mình quay lại, tay vẫn cầm ba bọc kính, hơi chau cặp lông mày: 


- Có việc gì mà anh có vẻ vội thế? 


- Việc gấp lắm! Xin ông đọc ngay tờ giấy này. 


Văn Bách mỉm cười: 


- Được ! Tôi đọc liền đây ! 


Anh nhận lá thư nơi tay Chánh, để lên bàn và cẩn thận đặt những bầu kính bên cạnh: 


- Phải cẩn thận như thế chúng sẽ không bị hư. 


Đoạn, anh cầm lá thư, chưa kịp đọc thì bà giúp việc bỗng chạy vụt vào hớt hải: 


- Cậu ơi, cậu ! Trốn ngay đi lập tức! 


- Lại chuyện gì nữa thế? 


Bà quản gia hấp tấp: 


- Chung quanh nhà đầy những lính... 


Nghe nói, Chánh tái mặt. Văn Bách bình tĩnh hơn, cất tiếng hỏi: 


- Họ muốn gì thế? 


- Họ muốn bắt cậu đó. Cậu phải trốn ! Trốn ngay bây giờ ! Nhảy ra cửa sổ chạy ra cổng sau đi. 


Văn Bách do dự. Người đàn bà van nài: 


- Mau lên cậu! Họ tới kìa ! 


Văn Bách suy nghĩ một chút rồi nói: 


- Cháu cần phải giấu những bọc hoa của cháu vào trong vườn đã. 


Lúc ấy, Chánh đã bỏ ra ngoài. Văn Bách nhìn quanh phòng cố tìm một mảnh giấy để bao bọc bầu kính của mình lại. Nhìn quanh quất, anh không thấy mảnh giấy nào ngoài lá thư đang cầm trên tay. Không cần nghĩ đó là lá thư gì, anh đặt ngay ba bầu hoa vào lá thư, gói lại rồi bỏ nhanhh vào túi áo khoác ngoài của mình. Ngay lúc đó, một người Sĩ Quan cùng sáu người lính theo sau, bước vào, viên sĩ quan hỏi: 


- Ông là Văn Bách? 


- Phải, chính tôi! 


- Ông làm ơn trao những bức thư chính trị hiện ở trong nhà ông cho tôi. 


Văn Bách ngạc nhiên: 


- Những bức thư nào? Tôi không hiểu ông muốn nói gì cả? 


Viên sĩ quan gằn giọng: 


- Tôi muốn nói những bức thư mà ông Phạm Vũ Bình đã đưa cho ông hồi tháng giêng đấy. 


- Lá thư ấy ư? 


- Phải? Ông đừng giấu diếm vô ích! 


Văn Bách mỉm cười: 


- Thưa ông, tôi không thể đưa cho ông những lá thư đó được. Chú Bình đã dặn tôi không được đưa chúng cho bất cứ một ai nếu không phải là chính chú ấy hay người tín cẩn do chú ấy sai tới. Còn bức thư có liên quan đến chính trị hay không, tôi không biết? 


Viên sĩ quan gầm lên: 


- À, ông nhất định không đưa? 


- Thưa ông không! Tôi chỉ vâng lời chú tôi! 


Viên sĩ quan chỉ vào cái hộp đang để trên bàn: 


- Nhưng tôi ra lệnh cho anh phải mở hộp này ra ! Nếu ông không tuân hành, tôi sẽ đích thân mở nó ra đó. 


- Tôi cấm ông đụng đến cái hộp! 


Văn Bách định bước tới giữ lấy cái hộp thì bị hai người lính chận lại. Anh chưa biết phải xử sự ra sao thì viên sĩ quan đã mở nắp hộp. Ông ta lấy phong bì ra, chăm chú nhìn một cách khoái trí: 


- Tốt lắm, lời tố cáo quả không sai. Đây rồi ! 


Văn Bách chồm tới, thảng thốt: 


- Ông nói gì? Ai tố cáo? 


- Đừng cố tìm hiểu vô ích! Anh sẽ không biết gì đâu. Đi theo chúng tôi, bây giờ anh là tù nhân của tôi! 


- Tù nhân của ông? Tôi làm gì nên tội chứ? 


- Quan tòa sẽ nói với anh chuyện đó. Tôi chỉ biết là tôi có lệnh bắt anh. 


Biết không thể nói gì hơn, Văn Bách hỏi: 


- Nhà giam ở đâu thưa ông? 


- Ở Hạ Ngân. 


Bà quản gia già đứng bên cạnh nghẹn ngào: 


- Thưa cậu... 


Văn Bách quay sang bà, trìu mến: 


- Bà yên tâm, đừng lo gì về cháu hết! Bà cứ lo mọi việc thường nhật đi nhé! Cháu tin là sẽ không có chuyện gì đâu. Cháu sẽ ráng về sớm. 


Văn Bách chào tạm biệt bà quản gia. Sau đó, anh đi theo toán lính ra ngoài, bước lên một cỗ xe ngựa đã chờ sẵn. 


Chính Ba Tốn đã tố cáo với chánh quyền về những lá mật thư trong nhà Văn Bách. Bằng cái ống nhòm, hắn đã nhìn thấy Vũ Bình đưa những lá thư cho Văn Bách. Hắn nghĩ rằng, đó hẳn phải là những bí mật về các vấn đề trong chính trường. 


Ba Tốn nghĩ ngay ra một kế hoạch: hắn sẽ tố cáo với chánh quyền địa phương về việc này. Văn Bách sẽ bị bắt, và khi đó, hắn sẽ lẻn vào nhà anh để tìm những bầu kính Uất Kim Hương Đen của Văn Bách và dĩ nhiên hắn sẽ chiếm lấy giải thưởng trăm ngàn đồng tiền vàng một cách dễ dàng. 


Ba Tốn đã chứng kiến cảnh những người lính đến bắt Văn Bách. Chiều đến, người quản gia già đóng cửa lại. Màn đêm buông xuống, những vì sao lấp lánh thật đẹp trên nền trời. Cảnh vật chìm dần trong im lặng và dưới xa, âm thanh ồn ào của thành phố đã ngưng bặt. 


Ba Tốn xách một cái đèn nhỏ, trèo nhanh qua bờ tường. Hắn mạnh dạn mở cánh cửa sổ và bước vào nhà Văn Bách. Ba Tốn đi rón rén như một con mèo. Hắn bước chầm chậm lên cầu thang không gây một tiếng động. Vào phòng ương hạt giống, cửa không khóa, hắn nhìn thấy cái hộp trên bàn. Hắn mừng rỡ mở nắp. Hộp trống không. 


Ba Tốn cáu kỉnh lục soát mọi nơi trong phòng, không bỏ sót một xó xỉnh nào. Nhưng không tìm thấy một bầu kính Uất Kim Hương Đen nào hết. Hắn cố gắng tìm một lần nữa. Vô ích, bọc Uất Kim Hương Đen không có trong phòng. Mồ hôi Ba Tốn nhỏ ra từng giọt. Hắn đã thấy rõ ràng Văn Bách còn giữ lại ba bầu kính kia mà! Không lẽ những bọc kia đã được mang đi? Nhưng mang đi thì mang đi đâu nhỉ? Hay Văn Bách đã mang chúng đến Hạ Ngân? Đến Hạ Ngân?... Phải theo Văn Bách đến Hạ Ngân mới được.


Trong khi dân chúng ùa vào nhà giam để tìm Vũ Bình, và Vũ Bảo, Mỹ Lan và cha nàng, ông Nguyễn Quân, nấp trong một cái hầm dưới cầu thang. Một lát sau, không tìm thấy hai anh em Vũ Bình đâu cả, đám đông bỏ đi dần. Sau một thời gian khá lâu, Nguyễn Quân và con gái mới ra ngoài, một cỗ xe ngựa dừng lại ở cổng chính của nhà giam và Văn Bách được dẫn vào, viên sĩ quan theo sau: 

- Mặt nào thế? 


Viên sĩ quan cười vui và vỗ vai viên cai ngục: 


- Hắn là bạn của anh em lão Vũ Bình đấy. 


- Bạn của Vũ Bình? Hà! Có sẵn một phòng cho hắn đây. 


Nguyễn Quân bật tiếng cười lớn khi dẫn Văn Bách vào phòng giam, Mỹ Lan cùng đi với họ, cầm đèn soi đường cho cha mình và Văn Bách. Ánh đèn vàng chập chờn chiếu lên gương mặt xinh đẹp của nàng. Nàng nhìn không chớp người thanh niên không may này. Bỗng nhiên, nàng cảm thấy thương hại anh ta. 


Khi đã vào trong phòng giam, ông Nguyễn Quân nói : 


- Kia là giường của anh. 


Và ông chỉ cho Văn Bách một tấm chăn len dầy ở bên cạnh. Cánh cửa phòng giam khép lại. Mỹ Lan đã tắt đèn sau khi bước ra. Bóng tối lại bao trùm mọi vật.
Văn Bách nằm dài trên giường, không chợp mắt. Anh thao thức nhìn qua cánh cửa sổ rộng, bóng của những ngọn cây nổi bật trên nền trời đầy sao. Tiếng côn trùng, tiếng cú kêu đêm văng vẳng đâu đó, nghe buồn lạ. Hàng giờ trôi qua, mắt Văn Bách vẫn không rời cánh cửa sổ. Bầu trời bắt đầu trở màu xám. Mặt trời đã ló dạng. Văn Bách rời khỏi giường, anh bước đến bên cửa sổ. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt anh là trên một ngọn cây cao ở cuối sân, treo toòng teng hai xác chết. Dưới chân ngọn cây, ghim một tờ giấy lớn, trên đó viết hai hàng chữ: 

“Phạm Vũ Bình và Phạm Vũ Bảo
Kẻ thù của dân chúng."
Văn Bách đọc xong những hàng chữ ấy, không dằn được cơn xúc động, bật khóc lớn. Thôi, thế là hết! Những người thân thiết nhất đời của anh đều đã mất, người chú mà anh hằng quý mến không còn nữa. 

Cánh cửa phòng giam chợt mở, ông Nguyễn Quân bước vào: 


- Làm gì mà ồn ào mới lúc sáng sớm như thế nầy? Có im ngay không? 


Văn Bách ngước mắt về phía hai tử thi như thầm hỏi. 


- À, đó là số phận dành cho kẻ phản nghịch đã cả gan viết những lá thư không được phép viết đấy. Và số phận tương tự cũng có thể xảy ra cho những ai dám giữ những lá thư đó. Giản dị chỉ có thế! 


Nói rồi, viên cai ngục cười gằn, đóng sập cửa lại. Văn Bách ngồi phịch xuống sàn đất, tai ù lên. Anh thừ người bất động như thế một lúc lâu, rồi loạng choạng đứng dậy. Toàn thân Văn Bách mệt mỏi, rã rời. Anh lấy trong chiếc áo khoác ngoài ra bao giấy đựng ba bầu kính Uất Kim Hương, ngắm nhìn chúng thật lâu. 


Tất cả những sự gian lao, cực nhọc anh đã trải qua để tạo ra ba bầu kính này đều là công dã tràng xe cát. Trong nhà giam tối tăm này làm sao tìm được thứ đất anh mong muốn đây, làm sao anh có thể trồng được những cây hoa Uất Kim Hương yêu quý của mình? 


Chiều hôm ấy, ông Nguyễn Quân mang thức ăn đến cho Văn Bách. Vừa khi mở cửa phòng giam, Nguyễn Quân chợt thấy đau nhói nơi cánh tay mặt, ông hét lên đau đớn khụy xuống đất, ôm lấy cánh tay. Văn Bách không lợi dụng cơ hội đó để trốn thoát, mà lại chạy đến bên Nguyễn Quân. 


Vừa lúc đó, Mỹ Lan cũng nghe tiếng thét của cha, vội chạy đến và chợt đứng sững lại, Văn Bách đang khom lưng bên ông Nguyễn Quân. Nàng nghĩ ngay rằng Văn Bách đã đánh cha nàng. Sống ở đây đã lâu, nàng dư biết chuyện gì sẽ xảy ra mỗi ngày khi ông Nguyễn Quân đụng độ với tù nhân. Nghe tiếng động, Văn Bách ngửng lên, thấy rõ Mỹ Lan đang đứng trước mặt, mở lớn đôi mắt nhìn anh run sợ. Văn Bách hiểu ý, vội nói: 


- Ông ấy bị thương, tôi đang cố giúp ông ta đây. 


Đoạn anh tiếp: 


- Ông ta bị gãy tay. 


Bấy giờ, Mỹ Lan mới chợt hiểu, lắp bắp: 


- Cám ơn anh! Cám ơn anh nhiều! Phải làm sao đây, thưa anh? 


Văn Bách khẽ nâng cánh tay của Nguyễn Quân lên xem xét, ông này rên lên đau đớn. 


- Phải chữa ngay mới được. 


Mỹ Lan ngây thơ hỏi: 


- Chữa sao? thưa anh? Anh là bác sĩ hả? 


- Vâng! Vài năm trước đây kìa, còn bây giờ... 


Nguyễn Quân nhăn nhó: 


- Anh có cách nào chữa cho cánh tay tôi không? Đau quá! 


- Vâng! Tôi cần hai miếng gỗ hay khúc cây gì cũng được và một ít vải. Ông chỉ bị gãy xương thôi. Không nặng lắm đâu. 


- Đỡ cha đứng lên, Mỹ Lan! 


Mỹ Lan và Văn Bách dìu ông Nguyễn Quân đứng dậy, để ông ngồi lên giường. Sau đó, Mỹ Lan tất tả chạy đi và mang lại hai khúc gỗ và một ít vải rách. Văn Bách đặt khớp xương của Nguyễn Quân cho đúng chỗ cũ. Nguyễn Quân thét lên vì đau đớn, nhắm nghiền đôi mắt lại, hàm răng nghiến chặt, rồi ông mê đi không còn biết gì nữa. Văn Bách lẹ tay đặt hai khúc gỗ thẳng theo cánh tay rồi lấy vải buộc lại. Mỹ Lan đứng bên cạnh nhìn Văn Bách băng bó, vừa lo lắng về vết thương của cha, vừa suy nghĩ mông lung. Bất chợt, nàng ngồi xuống bên Văn Bách nói nhỏ: 


- Tôi muốn giúp đỡ anh. Ngày mai anh sẽ phải ra tòa án và chắc chắn anh sẽ bị xử treo cổ... như anh em ông Vũ Bình vậy. Anh có thể trốn đi ngay bây giờ, trước khi cha tôi tỉnh lại. 


Văn Bách quay lại ngạc nhiên nhìn Mỹ Lan. Mỹ Lan chớp mau đôi mắt, quay đi, tránh tia nhìn soi mói của người thanh niên trẻ tuổi. Nàng ấp úng: 


- Anh đi mau đi kẻo trễ ! 


Văn Bách lắc đầu: 


- Không! Nếu tôi trốn đi, họ sẽ cho rằng cô đã để tôi trốn. Tôi không muốn làm như vậy. 


- Không sao! Tôi sẽ nói là tôi cản anh lại không được. 


- Họ không tin đâu. Tôi không muốn làm phiền cô, Mỹ Lan ạ. Tôi không đi đâu hết. 


- Trời ơi! Đây là dịp may cuối cùng của anh. Ngày mai anh sẽ... 


Văn Bách gắt: 


- Tôi bảo không là không! Ô kìa, sao Mỹ Lan lại khóc? 


Mỹ Lan lau vội nước mắt: 


- Anh hãy nói nho nhỏ chứ. Tôi không muốn cha tôi biết tôi và anh đang nói chuyện với nhau. 


- Sao vậy? 


Mỹ Lan đứng lên nói nhỏ: 


- Ông sẽ không cho phép tôi đến đây lần nữa. 


Văn Bách mừng rỡ: 


- Cô có đến nói chuyện với tôi lần nữa không? 


- Có. 


Lúc ấy ông Nguyễn Quân cựa mình, mở mắt nói, giọng hơi gay gắt: 


- Anh nói gì với con tôi đó? 


Mỹ Lan vội đỡ lời: 


- Ông bác sĩ nói là cha phải nằm im bất động, đừng cựa quậy mạnh. 


- Và cha cấm con không được nói chuyện với tên tù nhân này và bất cứ một tù nhân nào khác. 


Văn Bách hơi bất bình, nhưng anh ráng giữ bình tĩnh nói: 


- Hiện giờ, ông phải tạm nằm yên trên giường cho đến khi lành vết thương. Đó là lời khuyên của tôi. 


- Được rồi! 


Ngày hôm sau, Văn Bách được đưa ra trước tòa án. Anh bị tra hỏi đủ điều, nhưng Văn Bách một mực khẳng định rằng anh không biết trong lá thư kia đã viết những gì. Sau đó, tòa án trả anh lại nhà giam và bản án sẽ gửi đến sau. 


Khoảng nửa giờ sau, một vị sĩ quan phi ngựa đến trại giam, đem theo án lệnh của phiên tòa. Mỹ Lan mở cửa phòng giam Văn Bách cho viên sĩ quan bước vào, nàng bước theo sau. Ông Nguyễn Quân vẫn nằm thiêm thiếp trên giường, cánh tay sưng to. Viên sĩ quan chào Văn Bách rồi đọc lớn án lịnh của vị thẩm phán: 


"Bị can Văn Bách sẽ bị dẫn đến pháp trường hành quyết ". 


Văn Bách đứng bất động, lắng tai nghe từng lời viên sĩ quan nói. Anh cảm thấy ngạc nhiên hơn là đau khổ. Trong lúc đó, Mỹ Lan nức nở khóc bên cha nàng. Viên sĩ quan hỏi :


- Anh có điều gì cần nói không? 


- Ồ, không! Tôi chỉ không ngờ. Không bao giờ tôi tin rằng "nó" là nguyên nhân cái chết của tôi. Thưa ông, vào ngày nào tôi phải rơi đầu? 


Viên sĩ quan rất lấy làm lạ trước thái độ thản nhiên của Văn Bách: 


- Ngay ngày hôm nay. 


- Vào giờ nào đó, thưa ông? 


- Đúng mười hai giờ trưa. 


- A! Tôi nghe đồng hồ đánh mười tiếng cách đây cũng đã lâu. Tôi không còn nhiều thì giờ mấy! Cám ơn ông! Tôi không còn gì để nói nữa. 


Viên sĩ quan chào Văn Bách, bước ra ngoài. Mỹ Lan đóng cánh cửa, đoạn quay lại. Qua giòng lệ nhòa, nàng thấy Văn Bách dang hai tay ôm lấy đầu, dáng dấp trông rất thương hại. Nàng kêu khẽ: 


- Anh Bách! 


Văn Bách ngửng lên: 


- Kìa, đừng khóc, tại sao Mỹ Lan lại khóc? 


- Anh hãy nói cho tôi biết bất cứ chuyện gì anh cần, tôi sẽ cố gắng giúp anh, anh Bách ạ! 


- Được rồi, đưa bàn tay của Mỹ Lan cho tôi đi và tôi mong Mỹ Lan sẽ không cười về những gì tôi sẽ nói ra nhé. 


- Cười? Anh không thấy em đang khóc sao? 


Tiếng em thoát ra từ miệng Mỹ Lan một cách thật bất ngờ khiến Văn Bách cảm động: 


- Mỹ Lan, chưa bao giờ anh được gặp một người con gái xinh đẹp như em cả... 


- Ồ, anh Bách ! 


- Không! Em hãy để anh nói!... Anh không còn ở lại trên cõi đời này lâu nữa ! Mỹ Lan, đời anh đã mất mát quá nhiều rồi, chỉ mong có được những điều an ủi. Từ khi anh gặp em, anh thích nhìn mái tóc của em Mỹ Lan ạ ! Mỹ Lan, anh cô độc quá ! Em nhận làm em gái anh nhé. 


- Vâng ! 


Đồng hồ văng vẳng đánh mười một tiếng. Nắm chặt tay Mỹ Lan, Văn Bách run run xúc động: 


- Phải tranh thủ thời gian. 


Anh đưa tay lấy bao giấy trong túi áo ngoài: ba bầu kính vẫn nằm yên trong mảnh giấy. 


- Em gái yêu quý của anh! Anh vẫn luôn luôn yêu quý những bông hoa, nhất là hoa Uất Kim Hương. Anh mong là anh sẽ được nhìn thấy những cây Uất Kim Hương này mọc như thế nào... nhưng tiếc quá! Ba bọc kính này là ba bọc kính Uất Kim Hương Đen, anh đã gieo mầm chúng cả năm nay đó. Em thay anh trồng cho chúng được tốt nhé! Em bỏ ba bọc kính này xuống dưới đất sâu độ một tấc rồi tưới nước đều là được! Khi chúng mọc lên, đen, thẳng, em cứ việc đem nó đi mà lãnh thưởng. 


- Giải thưởng của Hội trồng hoa hả anh? 


- Phải! Một trăm ngàn đồng tiền vàng sẽ được trao cho bất cứ người nào trồng được hoa Uất Kim Hương Đen nên anh dành cho em những cây hoa này. Đó là một món quà tặng xinh đẹp cho em. Và khi em lập gia đình, ước mong của anh là em sẽ gặp một thanh niên trẻ tuổi, anh tuấn, và người thanh niên có diễm phúc ấy phải thật lòng yêu em..., yêu thật thắm thiết như anh yêu những bông hoa vậy. 


- Nhưng anh à, em không muốn... 


- Hãy để cho anh nói! Anh không có anh em trai, không có chị em gái, không còn một người thân nào trên cõi đời này nữa. Anh chỉ mong ước rằng khi những cây Uất Kim Hương mọc lên, em sẽ gọi chúng bằng tên của em và anh " Uất Kim Hương Mỹ Lan - Văn Bách." Cho anh một cây bút, một mảnh giấy, anh sẽ viết những điều ấy vào cho em. 


Mỹ Lan ngần ngừ giây lát rồi chạy đi. Lúc sau, nàng trở lại với một quyển sách trên tay. Nàng đưa quyển sách cho Văn Bách. 


Đây là quyển thánh kinh của ông Vũ Bình đã tặng cho em đấy. Anh muốn gì cứ viết vào. Em không đọc được nhưng em sẽ nhờ một người nào đó đọc cho em. Văn Bách cầm lấy bút, cắm đầu hý hoáy viết:
Ngày 25 tháng 8 năm 1672
Vào ngày này, tôi có cho Mỹ Lan ba bầu kính mà tôi tin tưởng nó sẽ mọc thành hoa Uất Kim Hương Đen vào tháng năm tới. Nhờ nó, tôi có thể được lãnh giải thưởng một trăm ngàn đồng tiền vàng của Hội trồng hoa ở Hạ Ngân. Tôi muốn số tiền đó sẽ được trao cho Nguyễn Thị Mỹ Lan vào ngày lễ cưới của cô. Người chồng của cô phải có số tuổi khoảng bằng tuổi tôi, tức là 26 đến 28. Người ấy phải thật lòng yêu cô và được cô yêu lại. Và tôi muốn khi bông hoa nở nó sẽ được gọi là "Hoa Uất Kim Hương của Mỹ Lan - Văn Bách". Tên của tôi và cô hợp lại. Cuối cùng, tôi cầu chúc Mỹ Lan được hạnh phúc đời đời bên chồng."
Văn Bách đọc lại những gì anh đã viết cho Mỹ Lan nghe. Đọc xong, anh hỏi: 

- Em có bằng lòng không? 


Mỹ Lan buồn rầu đáp: 


- Không! Số tiền đó không thuộc về em được. Và em không bao giờ yêu người thanh niên nào cả, cũng như không bao giờ chịu thành hôn với ai hết. Em... 


Chợt, tiếng chân nghe rộn trên cầu thang, Mỹ Lan vội nói: 


- Em sẽ làm bất cứ việc gì anh muốn... ngoại trừ việc hôn nhân. Em nghe anh, em sẽ trồng những bọc kính này. 


Nàng muốn nói nàng yêu Văn Bách nhưng lại không dám. Mỹ Lan nghẹn ngào xúc động: 


- Anh Bách! Vĩnh biệt anh! 


- Mỹ Lan! 


Viên sĩ quan kia đã trở lại, có những người lính theo sau. Họ bước vào phòng giam, dẫn anh đi. Mỹ Lan lúc đó đang quỳ bên giường, gục đầu lên cánh tay ông Nguyễn Quân. Mái tóc vàng của nàng xõa trên gương mặt, đôi mắt khép lại, những giọt lệ lăn dài trên đôi má. Bàn tay của nàng vẫn giữ lấy ba bầu kính, đặt bên cạnh trái tim mình. Trong những ngón tay đẹp ấy là tờ giấy, tờ giấy ấy nếu Văn Bách được đọc trước đây, có lẽ nó đã cứu được mạng sống và những bông Uất Kim Hương yêu quý của anh.
 _________________________________________________________  

Xem tiếp  CHƯƠNG 4, 5, 6


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>