Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

CHƯƠNG BA_GIÓ THOẢNG


ba


Phần vì đi đường mệt, phần vì không khí ở đây mát mẻ nên tôi đã ngủ được một giấc thật dài. Giật mình dậy chuông đồng hồ đã gõ sáu tiếng. Tôi nhìn ra cánh cửa sổ, bên ngoài trời đã xuống thấp, sương trắng mù đặc. Tôi tung chăn nhảy ra khỏi giường bước sang phòng tắm. Không ngờ lại ngủ nhiều như thế, ở đây chừng vài tháng chắc người tôi lên ký thấy rõ. Những giọt nước ấm chảy qua lòng bàn tay, vã lên mặt tôi nghe tỉnh hẳn. Bước qua hành lang về phòng, tôi nghe tiếng chim kêu ngoài xa, có lẽ sương xuống đã nhiều nên chúng rủ nhau về tìm giấc ngủ. Tôi mỉm cười một mình: Lúc lũ chim rủ nhau về tìm chỗ ngủ là lúc tôi vừa thức dậy. Cuộc sống quen thuộc hằng ngày đâu cho phép tôi ngủ muộn như thế ! 

Đêm nay tôi và ba được mời đi ăn tiệc. Nhìn mình trong tấm kính lớn trước mặt, giấc ngủ ngon lành đã cho tôi một khuôn mặt bình thản và tươi tỉnh. Chải cho mái tóc suôn sẻ, tôi phân vân không biết nên chọn chiếc áo nào để mặc đêm nay. Tôi cầm chiếc “ rốp ” màu vàng, rồi màu hồng… Cuối cùng tôi chọn chiếc áo dài trắng mới may cách đây hai tuần ở Saigon. Từ hôm may nó tới nay chưa khoác vào một lần, hôm nay mặc thử xem sao. Dưới chiếc cổ áo dài thấp ôm tròn lấy cổ tôi đeo vào một sợi dây chuyền vàng mỏng manh. Nghe đâu sợi dây chuyền này là kỷ vật của mẹ tôi để lại. Nhìn vào gương lần chót… Được lắm! Chắc ba phải thầm hãnh diện về đứa con gái cưng của ba. Khoác vội chiếc “manteau” màu tím nhạt vào người tôi dọt xuống thang lầu từng hai cấp một. Tôi thầm hổ thẹn vì giấc ngủ trễ muộn của mình. Biết đâu chẳng trễ giờ đi ăn tiệc ?! 
Xuống đến phòng ăn chính của khách sạn, tôi bắt gặp ba và Sa Lyn đang ngồi ở bàn trong cùng. Có lẽ hai người chờ tôi đã lâu. 

Ba trông thật trẻ trong bộ đồ “vét” màu xám, dáng người mảnh khảnh bặt thiệp đang cười cười gì đó với Sa Lyn. Còn Sa Lyn nổi bật trong chiếc “jupe” màu mạ non, với một dây thắt lưng làm bằng những khâu vàng óng ánh dưới ánh đèn tuyệt đẹp. Câu chuyện giữa hai người chắc phải là vui lắm, vì thấy ba không dứt nụ cười.

Thấy tôi tiến lại, ba ngẩn đầu lên :

- Đang nói về con với Sa Lyn đó.

Tôi tì tay xuống thành bàn, khuôn mặt rõ trên tấm kính ở bàn, nhí nhảnh:

- Chắc ba đang nói xấu con chớ gì ?

Sa-Lyn cười thành tiếng, đùa :

- Ừ, ông nói Kim-Anh đã lớn rồi mà còn hay nhõng nhẽo !

Quay sang ba tôi nói :

- Không biết đâu, đền ba đó !

Ba tôi và Sa Lyn đứng lên, trước khi bước đi, ba nói :

- Con có thể coi cô Sa-Lyn như một người bạn quí, chí tình. Cô ấy khen con dễ thương, và xinh như một con búp bế.

Sa-Lyn khẽ gật đầu với một nụ cười đồng ý :

- Kim-Anh đẹp tự nhiên, và dễ thương lắm !

- Chị khen quá đó chứ !

Chúng tôi bước theo ba ra ngoài khách sạn. Một vài người ngồi trong những chiếc bàn bên cạnh dán mắt vào chúng tôi. Một vài gã con trai huýt sáo nho nhỏ, vừa đủ để tôi và Sa-Lyn chú ý. Thanh niên ở đây không búng tay, hay kêu giật giọng như tụi con trai ở Saigon mỗi lần nhìn thấy một cô gái nào thật dễ thương. Có lẽ họ biết chúng tôi đang đi với ông già nên không dám lạng quạng gì, ông già mà nổi giận bất tử họ dám ăn “ba-tong” lắm !

Cũng chiếc xe khi sáng đưa tôi từ phi trường vô đây đang đợi trước cửa. Người tài xế quen thuộc mỉm cười chào chúng tôi. Lần này thời ba không cho tôi ngồi một mình lẻ loi ở băng trước nữa ! Chúng tôi dồn nhau vào băng sau. Tôi ngồi gọn lỏn vào giữa, nghe thật ấm trong khi ngoài trời sương lạnh làm mờ cửa kính. Nỗi buồn chán khi sáng đặt chân tới phi trường Liên-Khương đã biến mất nhường lại trong tôi niềm vui, mênh mang thư thái.

Chiếc xe nhẹ êm vút đi, trong ánh sáng lờ mờ của đèn đường thành phố hắt qua cửa kính, chiếu xuống mặt đường một dãy ánh đèn dài trông thật đẹp, đẹp như những sợi vàng tây quấn nhiều vòng lóng lánh trên chiếc cổ trắng mịn của Sa-Lyn. Ở Saigon những con nhỏ bạn tôi hiếm đứa đeo trang sức kiểu này. Như tôi chẳng hạn nếu đeo vòng như Sa-Lyn chắc nặng trĩu, và quê kệch. Nhưng ở Sa-Lyn thì không thế. Sa-Lyn rất tự nhiên và quý phái nên những thứ nữ trang đó đi đôi với nàng rất phù hợp. Bỗng chợt Sa-Lyn quay sang nhìn tôi :

- Chắc tôi lạ lắm phải không Kim-Anh ?

Tôi thành thật :

- Không lạ gì cả, chị đẹp lắm !

Sa-Lyn mỉm cười không nói, tôi tiếp :

- Hèn chi mấy gã con trai khi nãy ở khách sạn “nhặng” cả lên !

- Gã con trai nào lại không như thế ! Gặp gái được nước một chút là y như ong vỡ tổ. Nhiều khi mình chạy trốn không kịp. May mà có ông già kè kè một bên không thì khó mà yên.

Bữa sáng ba có nói cho tôi nghe về Sa-Lyn. Cô là người Việt gốc Chiêm Thành. Nghe đâu cô là người cuối cùng thuộc dòng dõi vua Chiêm. Những người con gái có dòng máu lai đều đẹp, tôi nói :

- Chị giống như những nàng “công chúa” Chiêm Thành được vẽ trong bức tranh xưa chưng ở bảo tàng viện. Nét đẹp quí phái, đài các mặc dù chị đang phục sức theo lối tây phương. Như ở trường Kim-Anh học, có một nhỏ bạn lai Ấn-Độ, đôi mắt và sóng mũi đẹp không chê được. Tụi Kim-Anh bầu con nhỏ làm hoa khôi của lớp.

Sa-Lyn mím môi :

- Nhiều người cũng đã khen chị như Kim-Anh.

Nói xong Sa-Lyn ngả người ra sa thành ghế im bặt. Chiếc xe quanh co hướng về phía Liên-Khương. Trên đường bóng tối mờ mờ buồn nản. Thỉnh thoảng bắt gặp những tấm quảng cáo được phết bằng lân tinh chiếu sáng ở các khúc quẹo sát lề đường. Đột nhiên ba chồm ra phía trước nói :

- Sa-Lyn định dẫn hai cha con chúng tôi đi đâu vậy ?

Hỏi thế rồi như thấy mình nói hớ, ba nhỏ giọng :

- Xin phép gọi cô bằng tên như thế cho thân mật.

Sa-Lyn tự nhiên hơn bao giờ hết:

- Tôi cũng mong như thế. Thật vô tình tôi cũng gọi ông bằng ông. Chắc cũng không thất lễ.

Thật hồn nhiên, thật dí dỏm Sa-Lyn tiếp :

- Ông yên trí, tôi không dám dẫn ông và Kim-Anh vào rừng cho cọp “đớp” đâu ! Trại chăn nuôi và đồn điền của ông Hùng tận trong Liên-Khương lận, cách đây khoảng ba bốn cây số.

Tôi xoay nhìn sang Sa-Lyn :

- Chắc hẳn phải đẹp nhất ở đây ?

Sa-Lyn :

- Một chỗ thật lý tưởng để chăn nuôi, trồng tỉa. Nhìn bao quát chung quanh thật đẹp. Khí hậu về đêm ở đây không như ở thành phố, nó thật lạnh.

- Eo ơi, như thế chịu chi nổi ?

- Không sao, Kim-Anh đã mang theo áo lạnh rồi cơ mà !

Tôi xuôi mắt nhìn ra ngoài. Dãy núi lờ mờ xa hẳn ra, hình dạng của nó khó có thể phân biệt được, bên trái những khu rừng thấp đen nghịt. Tiếng suối không đổ róc rách và êm ái như ban ngày mà hình như đổ cuồn cuộn chan chát xuống ghềnh đá.

Đèn đường thành phố đã mất hẳn từ bao giờ tôi không để ý. Chỉ còn lại ánh trăng thật nhạt, và một vài ngôi sao chỉ là những cái chấm li ti xuyên qua bầu trời sương mù. Thực là một cảnh đẹp dễ thương, ở Saigon suốt đời tôi sẽ không bao giờ có thể bắt gặp được cảnh vật nên thơ như thế.

Người tài xế cho xe quẹo vào một ngõ hẹp, Sa-Lyn đưa tay qua kiếng xe chỉ những chấm đèn điện trước mặt :

- Khu nhà có ánh sáng đó là nông trại, sau nông trại là một rừng café. Ngôi biệt thự của ông Hùng nằm đó.

Ba cúi đầu nhìn kỹ về phía trước :

- Thật lý tưởng như Sa-Lyn nói. Chắc ông Hùng đang mong chúng tôi lắm! Bậy quá chúng tôi đến hơi trễ !

- Dạ không sao ! Hôm nay có ông thị trưởng và một số quan khách. Tiếc là ông chủ tôi bận lo đón khách nên không thể đi đón ông và Kim-Anh được.

- Ông ấy làm ăn to thực ! Nhưng… chỗ này làm xưởng máy sao cho tiện ?

Sa-Lyn thật thông minh và duyên dáng trả lời câu hỏi của ba tôi :

- Thực ra nghề buôn bán hoặc trong những kỹ nghệ ai cũng đổ xô về Sàigòn hay một vài thành phố lớn. Làm như vậy có nhiều điểm lợi và cũng có thật nhiều điều thật bất lợi. Ông chủ tôi chỉ đặt văn phòng và cửa hàng tại Sàigòn. Còn ở đây ông sẽ mở xưởng chế đồ phụ tùng và ráp các loại xe gắn máy thực dụng hiện nay. Đất đai của ông ở đây còn mười mấy mẫu bỏ hoang, trong khi những trại định cư và các nhóm dân tộc thiểu số của ta thì thiếu việc làm.

Ba có vẻ thắc mắc :

- Việc làm của ông Hùng thật lý tưởng, đỡ cho bao người khỏi nạn thất nghiệp và kỹ nghệ nước mình sẽ càng thêm phát triển ! Nhưng các nhân công phần đông là người thiểu số, từ lâu không quen việc máy móc, thì làm sao đảm đang công việc cho chu toàn được ?

- Thực ra phần đông họ chỉ phụ trách công việc đồn điền thôi ! Các chuyên viên xưởng máy hầu hết người Việt. Có một số kỹ sư của mình ở ngoại quốc về, thêm những kỹ sư Nhật hướng dẫn, công việc nhờ đó sẽ được xúc tiến tốt đẹp. Từ trước tới nay ông chủ tôi gởi mua đồ ngoại quốc về ráp. Mấy tháng nay một số bộ phận xe gắn máy do kỹ sư Việt-Nam chế tạo được các kỹ sư ngoại quốc khen bền, tốt và phù hợp với nền kỹ nghệ hiện tại của Việt-Nam… Như thế chắc ông đã rõ lý do ông Hùng tổ chức cuộc biểu diễn xe gắn máy những ngày sắp tới…

- Ông Hùng mời tôi lên đây vì lý do đó. Cuộc biểu diễn do ông ấy tổ chức sẽ cho thấy những bộ phận máy móc của Việt-Nam chế tạo không thua gì của ngoại quốc ? Hoặc là cho thấy sự thất bại của ông, nếu như những bộ phận không bảo đảm. Các hãng xe ngoại quốc sẽ không cấp những mảnh bằng để ông phát triển công việc chế tạo. Và chính sự thất bại này chính quyền sẽ không cấp giấy cho ông sản xuất ?!

Sa-Lyn nghiêm trang, nhưng không kém phần dí dỏm :

- Ông Hùng như đánh vào một ván bài hên xui trong cuộc biểu diễn xe sắp tới.

Ba mỉm cười xoay qua một vấn đề khác :

- Ông chủ của cô nổi tiếng nhất cao nguyên này về giàu có. Ông sẽ còn nổi tiếng hơn khi công việc kỹ nghệ hoàn thành. Nhưng công việc hiện thời của ông như nghề chăn nuôi chẳng hạn, chắc ông đang phát triển không ngừng để cung cấp sữa thịt cho toàn thể thị xã này ?!

Mỗi câu hỏi của ba đều kèm theo nụ cười thật lịch sự, dù người đối diện có khó tính đến đâu cũng khó mà thối thoát câu trả lời. Thật nhà báo có khác !

Sa-Lyn trả lời thật khéo :

- Không hẳn thế ! Công việc gì ông Hùng cũng cho là đang thí nghiệm, gọi là để góp phần mở mang kỹ nghệ nước nhà vào thời hậu chiến. Có lẽ vì thế mà du khách đến đây, coi đồn điền ông như một chỗ nghỉ mát lý tưởng hơn là một nông trại hay một hãng chế tạo.

Tôi nghĩ ông Hùng thật may mắn được một cô thư ký thông minh và duyên dáng như Sa-Lyn. Từng câu nói vắn gọn dễ gây sự chú ý của người khác. Tiếng Sa-Lyn reo vui :

- Chúng ta đã đến rồi !

Qua khỏi vườn café rộng, xe quanh vào một đường tráng nhựa thẳng tắp, có vườn hoa chạy dài hai bên mùi thơm dịu dàng theo gió lòn qua kính xe, mang cho tôi không khí thật dễ chịu. Xe dừng lại ở một khoảng sân xi-măng rộng lớn, với dàn hoa leo màu vàng tuyệt đẹp. Đèn néon được gắn phía dưới những dàn hoa đỏ sáng rực.

Chúng tôi bước xuống. Tôi đứng nhìn quanh quất tận hưởng không khí thoải mái, mà tự nãy giờ ngồi trên xe không có. Tiếng nhạc từ bên trong biệt thự vẳng ra khi cánh cửa chính được mở. Hai người đàn ông và một người đàn bà xuống sân bước về phía chúng tôi. Trông thấy ba, người đàn ông đứng tuổi giọng tự nhiên hớn hở :

- A… ông Nghiêm đây rồi… Tôi mong anh mãi hôm nay mới hân hạnh gặp lại. Thật vừa đúng lúc, buổi tiệc trà sắp sửa khai mạc.

Nói xong ông và ba bắt tay nhau. Ông đứng tuổi này có lẽ là ông Hùng đây. Thật đúng với dự đoán của tôi. Trong khi bắt tay ba ông cười nhìn sang người đàn bà và anh chàng thanh niên đứng kế cận.

- Xin giới thiệu với anh nhà tôi… và Nghiệp, con trai lớn của tôi. Nghiệp là người nòng cốt cho cuộc biểu diễn xe gắn máy sắp tới.

Không để cho ông Hùng hết lời, Sa-Lyn cầm tay tôi :

- Giới thiệu ông chủ, Kim Anh cô bạn mới quen của tôi, con gái và là cộng tác viên của ông Nghiêm

Ông Hùng nhìn tôi bằng nụ cười đầy thiện cảm. Nghiệp, anh con trai ủa ông Hùng bước tới gần tôi, gật đầu chào :

- Hân hạnh biết cô.

Bà Hùng đưa tay ra làm một cử chỉ thân thiện :

- Thôi, tất cả chúng ta vào trong đi !

Ba dẫn tôi đi theo ông bà Hùng. Theo sau chúng tôi là Sa-Lyn và Nghiệp. Anh chàng bước từng bước thật chậm và nghiêm trang. Bóng của Nghiệp cao lớn phủ lên bóng tôi. Tôi thấy bước chân mình ngượng nghịu, như có đôi mắt của Nghiệp nhìn chăm chăm sau lưng. Hay lần đầu tiên phải giao thiệp với những người sang trọng giàu có làm tôi ngượng ngập chăng ? Ừ, mà thật thế ! Tôi thấy ở đây như có một điều gì bị đóng khung bằng những chào hỏi, cách ăn mặc, đi đứng phải cân nhắc từng li từng chút.

Khách đến dự tiệc phần đông là những người có vai vế ở thị xã này. Đàn bà cũng như đàn ông, họ đều ăn mặc thật sang trọng, lịch sự và kiểu cách. Đến nỗi tôi phải tự hỏi mình, không biết chiếc áo dài trắng tôi đang mặc trên người có lỗi thời lắm không ?!

Những chiếc bàn nối dài trên một căn phòng lộ thiên, chiếm luôn cả phòng khách, bày biện những món ăn tây phương thật nhẹ cho buổi tối, và những chai rượu đắt tiền.

Tôi trịnh trọng bước vào phòng khách. Nghiệp từ đâu nhào tới với chai rượu trên tay. Nghiệp tự nhiên như đã thân thiện với tôi từ lâu :

- Kim-Anh dùng một chút rượu cho ấm nha !

Nhìn anh ta tôi nói :

- Kim-Anh không quen dùng rượu.

- Không sao đâu ! Kim-Anh dùng một tí sẽ biết. Rượu Champagne thật nhẹ và mát.

Khẽ gật đầu, hai má tôi như nóng ran bởi nụ cười và cái nhìn thật ý nhị của Nghiệp. Sự gặp gỡ ban đầu giữa tôi và Nghiệp như một tình cờ không sửa soạn, không chuẩn bị.

Hồi nãy trước sân nhà, dưới ánh sáng của dàn hoa, vì sự ngượng ngập lúc đầu, tôi chỉ thoáng thấy Nghiệp như chiếc bóng lượn qua lượn lại trước hàng cột tranh tối tranh sáng. Giờ đây dưới ánh đèn sáng rực tôi mới dịp nhìn Nghiệp rõ hơn ! Anh khỏe mạnh, cao lớn, cao hơn tôi một cái đầu. Khuôn mặt sạm nắng, cứng rắn, mang đầy sức sống mãnh liệt. Trong bộ đồ vét màu xanh che lấp phần thân thể khỏe mạnh, Nghiệp làm tôi liên tưởng đến những tượng thần Hy-Lạp. Đôi mắt nhìn thẳng người đối diện như muốn nói hết những điều trung thực mà chàng đang có.

Mặc dù anh lăng xăng tiếp hết người này đến người khác, từng câu chào hỏi, từng cái gật đầu thật hoạt bát và lịch thiệp, tôi có cảm tưởng như Nghiệp chỉ chú ý đến tôi mà thôi.

Bằng một giọng rất ấm, anh bắt chuyện với tôi :

- Saigon mấy lúc này mưa nhiều hở Kim-Anh ?

- Mưa nắng thất thường ! Nhưng những giọt mưa ở Saigon không đẹp bằng những giọt mưa ở Đà-Lạt !

Nghiệp đưa ly rượu vừa rót cho tôi, nhìn ra xa ngoài trời :

- Ở đó cho tôi thật nhiều kỷ niệm ngày còn đi học.

Tôi cười mỉm giấu nhẹm cử chỉ vụng về trong đôi mắt Nghiệp bằng cách hất mái tóc ra phía sau nói nhỏ :

- Lâu rồi anh không về dưới đó sao ?

- Thỉnh thoảng thôi, những lần về dưới bao nhiêu công chuyện phải lo, đâu còn thời giờ để sống lại những ngày cũ nữa.

Tôi xoay ly rượu trong tay, màu vàng của rượu thật đẹp, óng ánh đôi mắt của Nghiệp bên trong. Tôi nói :

- Ngày tháng thường làm ngày vui ấu thời qua đi, thường làm cho kỷ niệm mòn hao. Dù mình muốn tìm con đường cũ trở về thăm lại ngôi trường, hàng cây điệp rũ lá, nhưng con đường cũ đã bít lối, chỉ còn những nuối tiếc.

Nở nụ cười thật kín đáo, Nghiệp nhìn tôi như muốn thu gọn lại.

- Ở đây ồn ào quá ! Mình ra bên ngoài có lẽ thú hơn.

Tôi gật đầu bước theo Nghiệp qua dãy nhà lộ thiên. Qua khoảng đường nhỏ lót từng miếng gạch một trên sân cỏ, khu vườn rộng, gió thênh thang lướt về qua từng kẽ lá. Tôi kéo cổ áo lên cao che bớt cái lạnh đang ôm khoảng trống trên thân thể. Hương phong lan thoang thoảng đưa qua, đem cho tôi không khí thật dễ chịu, không như đứng trong phòng khách chộn rộn và bực bội.

Bước đến cạnh một chiếc ghế đá Nghiệp lơ lửng :

- Kim Anh thấy ở đây ra sao ?

- Buồn ! Nhưng thơ mộng.

- Nó có thể làm cho ta quên đi những mệt mỏi bủa vây hằng ngày khi đặt chân vào đây. Cũng như giờ phút này tôi không muốn nghĩ tới những nguy hiểm, khi cuộc biểu diễn xe sắp được tổ chức.

Khi đặt chân đến đây tôi có nghe ông Hùng nói Nghiệp là người nòng cốt trong cuộc biểu diễn xe sắp tới. Tôi đã thầm phục lòng can đảm của anh, một con người thích đùa giỡn với tốc độ.

Ngồi xuống băng đá tôi hỏi :

- Anh không nghĩ đến những nguy hiểm tình cờ có thể xảy ra trong cuộc biểu diễn đó. ?

Nghiệp tự tin nói :

- Thực ra không có gì đáng sợ, để mà lo lắng hay nghĩ đến nguy hiểm, khi người ta đã coi nó như một thói quen. Tôi đã từng chiếm nhiều giải đua xe gắn máy tổ chức ở Saigon. Lần này không phải đua để chiếm giải làm rạng danh cho cá nhân tôi, mà là một cuộc biểu diễn đem lại thắng lợi cho gia đình.

Sau câu nói Nghiệp yên lặng nắm tay tôi. Một thoáng bối rối tôi nhìn xuống bãi cỏ mềm mại dưới chân. Nếu là ban ngày tôi sẽ thấy bãi cỏ xanh mượt như cánh đồng chạy dài ngút mắt đến một chân trời thật hồng. Chân trời đó tôi và Nghiệp gặp nhau chỉ vài phút trước đây, nhưng đã đem đến cho tôi nỗi xao xuyến kỳ lạ. Bàn tay rắn chắc của anh như dìu tôi bay nhẹ lơ lửng, tôi bềnh bồng như những đám mây buổi sáng thật hồng. Sự cứng rắn và can đảm của anh làm tôi thấy mình nhỏ nhoi và yếu đuối như cỏ non dựa vào thân cây lớn.

Bỗng dưng tôi cảm thấy lo lắng cho anh, giọng thật nhỏ :

- Anh quá tự tin về việc làm của mình ! Những bộ phận xe gắn máy do hãng anh chế tạo đủ bảo đảm an toàn không ?

- Hy vọng lắm chứ !

Trên khuôn mặt của anh ngời sáng tin tưởng, không một điều gì có thể làm mất niềm tin đó được. Nếu cuộc biểu diễn xe sắp tới thành công không nói gì, nhưng nếu vì một vài sơ suất nào đó mà thất bại, thì không biết khuôn mặt anh có ngời sáng tin tưởng như bây giờ không ?! Nhưng dù gì đi nữa tôi vẫn cảm phục chí quả cảm và lòng cương quyết của anh.

Đang nói chuyện với Nghiệp bỗng bắt gặp một bóng người mảnh khảnh từ phòng tiệc bước ra vườn. Nhìn quanh quất một chút cái bóng mảnh khảnh đó từ từ tiến lại chỗ chúng tôi. Đứng cạnh bên tôi, gần nhóm hoa phong lan, Sa-Lyn nhỏ giọng:

- Kim-Anh, ba cô đang tìm ở trỏng !

- Chuyện gì vậy chị ?

- Ba Kim-Anh có vẻ hơi lo vì không thấy Kim-Anh.

Giọng nói Sa-Lyn mang một chút gì lạnh nhạt. Tôi nghe như gió từ bên kia đồi thông thổi về lạnh rát trên khuôn mặt. Khuôn mặt Sa-Lyn không có nét gì thay đổi, những vòng dây chuyền dưới cổ nàng rung nhẹ lóng lánh như muốn nói lên sự kiêu kỳ, bực tức đang có trong nàng. Tôi đứng lên. Nghiệp vẫn ngồi nhìn Sa-Lyn. Nàng nhìn tôi :

- Kim-Anh biết đường vào rồi chứ ?

Tôi chỉ gật đầu cười mỉm, tiến thẳng về phía căn nhà lộ thiên. Sau lưng tôi tiếng cười Sa-Lyn vang nhẹ như gió đuổi theo. Tiếng cười như có cái gì thật mỉa mai, đắc thắng. Bước qua phòng khách, tôi cảm thấy cả người choáng váng, có một chút gì uất nghẹn ở cổ… Giữa đám đông người sang trọng, giữa tiếng cười rạng rỡ, tiếng rượu khui nổ chan chát, tôi như bị lạc lõng, bị khai trừ. Tôi đâu còn nhỏ dại gì để người ta bỏ quên, tôi cũng đang có mặt trong cái thế giới hào nhoáng vui vẻ này. Không ai có thể ra lệnh hay sai khiến gì tôi. Tôi phải tự do trong ý muốn của riêng tôi chứ ?!

Gặp ba ở phòng khách, đôi mắt ba nhìn thẳng vào tôi, dò xét. Tôi tảng lờ nhìn về một hướng khác. Không biết tôi có còn là tôi nữa không ? Tôi không hiểu nổi tôi nữa thì đừng nói chi đôi mắt của ba chỉ dò xét thoáng qua. Tự dưng Nghiệp chợt đến với tôi đêm nay, một vài phút giây dưới khu vườn đầy hoa phong lan, đã len vào tim tôi một hương thơm thật nhẹ. Từ một khoảng trời nào đó chợt dưng hiện ra trong hồn tôi khung trời thật đẹp đầy dẫy cỏ xanh, và mây hồng.

Tôi nhìn ly rượu màu vàng sóng sánh trên tay, đôi mắt của tôi hiện ra trong đó thật xa xôi, bỗng chốc như muốn khép lại… 

___________________________________________________ 
Xem tiếp  CHƯƠNG BỐN

 
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>