Em biết mình đã phạm một lỗi rất nặng. Lúc nãy xin phép mẹ tới nhà bạn, em đã cúi mặt tránh đôi mắt của mẹ nhìn em dò hỏi:
– Con tới nhà bạn làm chi?
Em ấp úng:
– Thưa… mẹ… con tới nhờ chị ấy giảng giùm bài toán.
Em không ngờ mình nói dối được với mẹ như thế, em suýt bật khóc nhưng tiếng mẹ êm ái:
– Thôi được, đi nhớ về sớm ăn cơm nghe con.
Em thưa nhỏ xin phép mẹ rồi lẳng lặng dắt xe đạp ra cửa, lòng nặng
trĩu. Em biết, với mẹ không tội gì tày trời bằng tội nói dối. Nếu mẹ
biết được, hẳn mẹ buồn và giận em lắm, biết thế nhưng em…
Đã 4 giờ chiều trời vẫn còn nắng gắt. Em dừng xe trước Cô nhi viện. Tiếng trẻ reo làm u già chạy ra, u gắt:
– Chúng bay có im không? Rồi quay sang em:
– Cô hỏi ai?
Em cảm thấy lo sợ – u già này hẳn khó tính lắm – nhưng rồi em bình tĩnh:
– Thưa bà, cho cháu vào gặp bà giám đốc viện.
U già nhướng cặp mắt nhìn em đoạn mở cổng. Có lẽ u già đoán được em
tới đây với mục đích gì. Theo chân u già, em vào “phòng đợi”. Em chưa
kịp quan sát thì bà giám đốc vào. Đó là một người đàn bà đứng tuổi có
gương mặt phúc hậu. Sau khi nghe em trình bày, bà giám đốc vui vẻ, ân
cần dẫn em đi xem khắp Cô nhi viện. Ở đây, có nhiều phòng lớn nhỏ khác
nhau. Trên cửa mỗi phòng treo một tấm bảng chữ lớn để phân biệt. Nào là
phòng ngủ, phòng ăn, phòng hớt tóc, phòng nữ công… Lúc đầu em hơi bỡ ngỡ
với không khí ở đây nhưng dần dần đi khắp viện em thấy gần gũi và yêu
thương lạ.
Đến phòng các em nhỏ, bà giám đốc bảo em:
– Các em của cháu đây, để tôi giới thiệu với các em nào!
Em theo bà giám đốc vào phòng. Các em đang nằm la lết nghịch phá trên sàn nhà. Bà giám đốc gọi lớn:
– Má ơi!
Tức thì các em chạy túa lại rồi mấy chục cái miệng đồng thanh:
– Má ơi! Má ơi!
Bà giám đốc bế em nhỏ nhất rồi nói với các em:
– Má giới thiệu với các con, đây là chị Ánh. Từ nay chị Ánh sẽ dạy các con học, bày các con hát, các con chịu không?
Các em reo to:
– Dạ chịu!
– Giờ các con hát cám ơn chị đi nào.
Lập tức các em nắm tay đi vòng tròn quanh em cất tiếng hát:
– Cám ơn, cám ơn cô!
Cám ơn, cám ơn nhiều!
Cám ơn, cám ơn lắm!
Cám ơn, cám ơn đời đời!
Cám ơn, cám ơn lắm!
Cám ơn, cám ơn đời đời!
……………………………
Những tiếng hát ngây thơ, lời lẽ chân thành làm em xúc động vô vàn,
tự nhiên em nghe cay cay ở mắt. Các em vẫn vây quanh em hát mãi điệp
khúc “Cám ơn”. Em chợt để ý ở góc phòng một em bé trai buồn bã đưa mắt
nhìn em. Đôi mắt u buồn ấy như có gì thu hút khiến em để ý. Tại sao em
bé ấy không lại với em như các em khác nhỉ? Khi các em chấm dứt bài “Cám
ơn”, chúng ôm chầm lấy em, đứa nắm tay, đứa kéo vạt áo dài. Em vẫy tay
gọi em bé trai ở góc phòng nhưng em đã xúc động đến dường nào khi thấy
thằng bé nhìn vào đôi chân của nó rồi buồn bã lắc đầu. Em chợt hiểu, có
lẽ biết không tranh được với những đứa bé mạnh khỏe, lành lặn khác nên
thằng bé chỉ ngồi một chỗ đưa mắt nhìn thôi. Em định lại chỗ thằng bé
ngồi. Như biết trước ý định của em nó tránh qua chỗ khác bằng một thế đi
khó khăn. Em còn ngạc nhiên thì nghe tiếng bà giám đốc:
– Thằng bé đó ngoan lắm nhưng nó hay tủi. Bố mẹ nó còn nhưng không muốn nuôi mới gởi vô cho tôi đó.
Thời gian trôi qua nhanh, em chưa kịp làm quen với các em đã tới giờ
về. Mặc dù muốn ở lại với các em nhưng em không muốn mẹ phiền trách “đi
mà quên cả ngày giờ về”, câu mà mẹ thường rầy em khi em đi về trễ.
Các em đưa em ra tận cổng. Những bàn tay vẫy vẫy, những lời nói ngây thơ:
– Mai chị đến chơi nghen!
– Mai dạy tụi em học nghe chị!
– Đừng quên nghe chị… chị!
Em mỉm cười vẫy tay hứa hẹn. Trời chiều gió mát, nghĩ tới thau áo
quần ở nhà em đạp xe thật mau. Tiếng cười, nói của các em còn văng vẳng
từ xa…
*
– Các em xếp hàng mau nào. Bé Thu qua bên này, em không nhớ hàng sao? Chị Diệu giúp em này nhé!
Các em xếp thành hai hàng. Em lần lượt cho từng em lên rửa mặt, cắt móng tay rồi giao chị Diệu chải đầu. Trước khi cho các em vui học, em muốn chúng được sạch sẽ, gọn gàng sau giấc ngủ trưa. Các em được tắm rửa sạch sẽ trông đứa nào cũng dễ thương, thông minh.
– Bây giờ các em nắm tay nhau thành vòng tròn, chúng ta bắt đầu nhé!
– Hát hở chị? Thích quá!
– Các em thuộc bài nào hát chị nghe rồi chị bày những bài khác, các em chịu không? Bắt đầu nhé!
Các em đồng thanh “dạ” rồi điệp khúc bài “Cám ơn” vang lên. Không em
nào bảo em nào, hễ nói hát là hát “cám ơn”. Những tiếng hát ngây thơ ấy
chỉ để hát “cám ơn” sao? Không một bài hát nào vui tươi dành cho các em
sao? Em tự hỏi trong khi điệp khúc “Cám ơn” vẫn kéo dài, bài hát không
biết chấm dứt chỗ nào. Cứ hết cảm ơn bác, rồi cô, rồi chị, anh và tiếp
tục trở lại.
Em ra dấu cho các em ngừng, lũ trẻ xô đẩy nhau cười khúc khích.
– Thôi chừ chị bày các em hát bài “Ta ca hát” nghe.
Các em vừa hát theo vừa vỗ tay:
– Tang tang, tang tình tang, tính
Ta ca, ta hát vang lên
Hát lên cho đời tươi thắm
Hát lên cho quên nhọc nhằn.
Cùng nhau ta ca hát lên,
Cho át tiếng chim trong rừng,
Cho tiếng suối reo phải ngừng,
Cho rừng xanh đón chờ ta.
La la la.
Hát lên cho đời tươi thắm
Hát lên cho quên nhọc nhằn.
Cùng nhau ta ca hát lên,
Cho át tiếng chim trong rừng,
Cho tiếng suối reo phải ngừng,
Cho rừng xanh đón chờ ta.
La la la.
Những giọng hát thanh tao cao vút, âm thanh thật dễ thương. Bài ca
ngắn dễ hát làm các em thích thú và mau thuộc. Các em vừa thuộc bài hát
thì tới giờ ăn. Các em vừa ăn vừa cười, nói hồn nhiên. Em chọn bàn có
thằng bé với đôi mắt buồn hôm qua. Chị Liên và Diệu lăng xăng múc thức
ăn cho các em. Cu Xam – tên thằng bé – hôm nay không còn lẩn trốn em
nữa. Em hỏi:
– Sao lúc nãy em không ra tập hát?
Cu Xam nhai vội miếng cơm trong miệng:
– Em không thích hát. Bao giờ chị mới dạy tụi em học? Em chỉ thích học thôi.
– Chị muốn chơi, bày các em hát ít hôm cho quen rồi tuần sau sẽ dạy các em học.
Cu Xam buồn xụ mặt:
– Lâu thế chị! Nhỡ mai mốt chị không tới rồi ai dạy tụi em học?
Đó là nỗi lo ngại của em, em biết không thể nào dối mẹ mãi để tới chơi và dạy các em được. Tuy nhiên em nói để trấn an cu Xam:
– Chị ở đây chơi với các em lâu lắm. Nếu em muốn mai chị sẽ bắt đầu dạy.
Cu Xam nắm chặt tay em:
– Thật nghe chị, đừng bao giờ bỏ tụi em nghe chị.
Em gật đầu tránh đôi mắt thằng bé – đôi mắt vừa lóe lên niềm hy vọng,
tin tưởng – Em chỉ cầu mong sao niềm hy vọng ấy không quá mỏng manh.
*
Vừa dắt xe vào cổng gặp bé An nhìn em lấm lét, em đã biết có chuyện
chi rồi. Em e ngại bước vào nhà. Mẹ ngồi trên sập, bên chiếc roi mây nằm
ngạo nghễ. Em run sợ trước gương mặt lạnh lùng của mẹ và chưa kịp thưa
một tiếng mẹ đã hỏi:
– Đi chơi đâu về thế con?
Giọng mẹ vẫn êm dịu nhưng em nghẹn ngào không trả lời được. Thấy em đứng im, nước mắt ràn rụa mẹ tức giận quát:
– Tao hỏi sao không trả lời? Cả chiều nay mi đi đâu? Hừ! Xin phép tới
nhà con Hảo làm toán mà nó tới đây hỏi. Nói dối cha mẹ được à?
Em cúi gầm mặt khóc nức nở. Em không biết giải thích sao cho mẹ hiểu
em cả. Sự im lặng của em như dầu chế vào ngọn lửa giận dữ trong lòng mẹ.
em không còn biết gì nữa khi mẹ xoay mình lấy chiếc roi mây.
*
Em thức giấc và cảm thấy đau đớn khắp mình. Mẹ và bé An nằm cạnh có
lẽ đã ngủ. Nhớ lại trận đòn hồi chiều em tủi thân lại khóc. Em không
trách giận mẹ nhưng em trách em. Việc làm có gì đáng ngại mà em lại giấu
mẹ. Thật ra, em cũng muốn nói với mẹ từ lâu nhưng em sợ mẹ không cho em
thực hiện ý muốn của mình. Đã nhiều lần em xin phép mẹ nhưng lần nào mẹ
cũng bảo để thời giờ học hành. Lại nữa mẹ cứ cho rằng em còn bé, để
những việc ấy cho người lớn. Đành rằng người lớn có đủ phương tiện để
giúp các em nhưng chỉ về phương diện vật chất mà các em cần được an ủi
về tinh thần. Khả năng của em chỉ từng đó nhưng với tất cả thiện chí,
với tất cả tấm lòng, em hy vọng sẽ đem đến cho các em những niềm vui
nhỏ. Ít nhất như vậy em mới tìm thấy phần nào ý nghĩa trong cuộc sống
của mình. Không ai hưởng hạnh phúc bên cạnh sự đau khổ của người khác mà
cảm thấy sung sướng thoải mái được. Em không muốn cuộc sống của em quá
bình thản, đều đặn, ngày hai buổi đến trường, em cũng không thích dạo
phố. Những tưởng thời giờ em dành cho các em không làm cản trở việc học,
thế mà mẹ nào hiểu cho em.
Em nhớ tới cu Xam, nhớ tới ngày mai thằng bé sẽ đợi em ở cổng từ trưa
tới chiều để mong em tới dạy học nhưng chắc gì em tới được. Tội nghiệp
cu Xam là bao! Không thấy em tới hẳn cu Xam buồn và thất vọng lắm. Mãi
nghĩ ngợi em chợt nghe tiếng khóc nho nhỏ của mẹ. Em biết từ chiều tới
chừ mẹ buồn em lắm. Chưa khi nào mẹ đánh em như hôm nay. Em hối hận vô
cùng. Mẹ thương em, lo lắng cho em biết bao thế mà em chỉ luôn làm buồn
lòng mẹ. Em muốn xin lỗi mẹ và hứa từ rày không nói dối mẹ để đi đâu
nữa. Hay em bỏ ý định kia đi, nghe lời mẹ để mẹ vui lòng. Không có em sẽ
có người khác. Nhưng làm sao em quên được các em. Một bé Thu lém lỉnh,
một cu Sắt nghịch ngợm, một bé Ti hát hay… Chỉ một hai bữa mà hầu như em
thuộc gần hết cá tính đặc biệt của mỗi đứa. Như có gì ràng buộc em, làm
em không thể nào nghĩ chuyện bỏ các em ấy được. Em còn nhớ lời bà giám
đốc: “Cô chắc các em ngoan và vui hơn trước nhiều”. Em làm không phải để
được khen nhưng có gì làm em sung sướng. Tuy nhiên, em cũng không được
làm buồn lòng mẹ. Còn nghĩ tới các em, muốn mẹ hết buồn hết giận, ngay
chừ em phải nói thật và xin lỗi mẹ.
*
Em đã đưa mẹ tới gặp các em. Hẳn mẹ vui sướng lắm – các em ngoan
ngoãn cả – Đi bên em mẹ im lặng, em đoán được phần nào những ý nghĩ
trong đầu mẹ hiện chừ. Em còn nhớ nỗi xúc động trên gương mặt mẹ khi vào
phòng các em sơ sinh. Nét hân hoan, vui sướng khi các em vây quanh mẹ
ca hát. Con biết gặp các em rồi mẹ sẽ thấy rằng con mẹ quá đầy đủ, hạnh
phúc và mẹ bằng lòng sự chia sớt đó phải không mẹ? Con bắt đầu tin tưởng
ở những bước đầu của con vì bên cạnh con luôn luôn có mẹ.
Em tung tăng nhảy chân sáo vào nhà. Mẹ cười với em khi thấy ba và bé
An đang “nhăn nhó” chờ ở cửa vì đói bụng. Có ai biết rằng em đang vui
sướng lắm không?
Trần thị Hậu
(Trưng Vương)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 130, ra ngày 1-6-1970)