Gió ở đâu thổi về lồng lộng, vi vu suốt ngày trong ngọn thông. Bây giờ là cuối Hạ. Nắng Đàlạt vừa ấm để làm khô ráo thành phố tổ chim. Ông Ba Đôn bước ra sân, vươn vai, rồi nhìn trời nhìn đất. Tiếng bà Ba Đôn trong nhà vọng ra:
- Mình dậy rồi đó, hả? Chiều nay mình dọn giùm em cái hầm dưới nhà nghen. Có mấy cần xé khoai tây và hành, em định cho xuống dưới đó, khỏi chật nhà.
- Ừ... Anh cũng tính làm đó, nhưng có cài tuộc-vít anh phải đi trả cho chú Trường. Lát về anh làm liền.
Nguyên lai, gia đình ông Đôn ở tận lục tỉnh. Mấy năm gần đây không được khỏe trong người, ông xin đổi lên Đàlạt. Và mới dọn lên được hơn tháng nay. Ông bà không có con cái, nhưng không vì thế mà gia đình ông thiếu hạnh phúc. Hai vợ chồng thuê được một căn nhà xinh xinh, trên một quả đồi nhỏ, sống như một đôi vợ chồng son. Ban ngày ông đi làm, ở nhà bà lo dọn dẹp nhà cửa, cơm nước tiêm tất, rồi đợi ông về. Ăn uống xong bà xuống bếp rửa chén bát thì ông cũng kéo cái ghế xích-đu lại ngồi kế bên, đọc báo cho bà cùng nghe. Ông coi đó như một bổn phận phải làm, và không bỏ sót ngày nào...
Từ nhà ông Trường về, ông Đôn thấy một đứa trong đám con của ông bạn cùng sở, người ngoài Bắc di cư vô đây, là ông Lô, đang chơi thả diều. Thằng bé này, ông không nhớ tên, vì con ông Lô cả chục đứa sàn sàn như nhau.
- Chào cưng. À, cháu tên gì, ha?
- Dạ không dám chào bác. Cháu là Toe. Kìa bác xem : con diều của cháu cao ghê không?
Ông Ba Đôn gật gù cái đầu:
- Hay đa. Hay đa. Cháu có viết gì trển không? Hồi con nít qua mê chơi cái này lắm nghe. Chơi khỏi ăn lận.
Thằng bé đồng ý, gật đầu lia lịa:
- Đúng đó bác. Mấy ông lớn, ông nào cũng thích chơi diều. Bên Nhật có ông vua mê diều, quên cả ngai vàng, phải ba ông cận thần mổ bụng can mới chịu thôi. Bên Mỹ có ông Ben-gia-min Fờ-răng-kanh (Benjamin Franklin) xưa cũng khoái diều; ông ta còn cột vào dây diều một cái chìa khóa nữa kia. Cháu học ở trường, cháu biết mà...
- Chìa khóa, hả ? Ông cột để chi vậy?
Thằng Toe lắc đầu:
- Cháu không nhớ nữa. Hình như ông ấy thí nghiệm cài gì đó. Cháu cũng muốn cột thử một cái vào con diều của cháu, nhưng nhà cháu không có chìa khóa.
- Lạ hôn? Ông tìm cái kiểu gì vậy cà?
Ông Ba Đôn lẩm bẩm trong miệng, rồi thừ ra, suy nghĩ. Một lát chợt ông nói:
- Nè Toe, qua có một chìa khóa cửa hầm. Cháu có chắc là nếu qua buộc nó vào con diều này, thì mình sẽ biết được điều mà ông Fờ... Fờ-răng-kanh tìm thấy hôn?
- Cháu không chắc... Nhưng ta cứ thử xem sao, bác Ba.
Rồi thằng bé bắt đầu cuốn dây lại, hạ con diều xuống. Trong lúc đó thì ông ba Đôn hối hả về nhà lấy chìa khóa ở cửa hầm. Ông khóa trái cửa lại, bỏ chìa vào túi rồi nói một mình : "Mình lấy đại. Chừng nào em Ba muốn xuống hầm, mình sẽ trả lại" Rồi ông chạy ra với thằng Toe.
Ông Đôn buộc cái chìa khóa vào sợi dây cách một đoạn chừng sải tay dưới con diều, và thằng Toe nắm sợi dây, chạy.
Con diều bắt gió, lên dần. Thằng Toe hét to:
- Lên rồi đó, bác Ba! Nó chịu lên thiệt rồi đó!
Ông Đôn nhìn theo con diều, cười hể hả. Một lát sau, ông ngập ngừng... đề nghị:
- Né Toe, cháu, cháu... cho qua cầm chút coi?
Thằng bé giật giật sợi dây, mắt vẫn không rời con diều.
- Dạ được. Bác lại đây. Mà bác đang tháo dây nhanh quá, nó "tôm-bê" xuống bây giờ.
Ông Ba nói nhanh:
- Yên chí mà, cưng. Qua chơi diều có hạng ở lục tỉnh, qua biết neo diều mà.
Con diều được gió đã lên cao, cao mãi. Nó đảo nhè nhẹ trên không. Chùm đuôi bay phần phật, xao xác, trộn vào với tiếng gió reo trong ngọn thông. Cuộn dây trong tay ông nhỏ dần theo sức lên của con diều.
Thằng Toe nheo mắt, ngẩng mặt lên:
- Nếu không có ánh nắng thì khó mà nhìn thấy cái chìa khóa, bác Ba nhỉ? Để cháu nghĩ xem. Chắc cháu sẽ nhớ ra được cái gì đã xảy ra với con diều của ông Fờ-răng-Kanh.
Con diều lên cao thiệt. Chiếc chìa khóa mạ kền, chói ánh nắng, đang lấp lánh như một chấm sao giữa bầu trời xanh thẳm. Một già một trẻ say sưa với con diều giấy. Thằng Toe vừa nhìn vừa cố moi óc nhớ lại điều đã học... Ông già thì như đang nhìn thấy dĩ vãng xa xưa của mình "chạy ra" theo sợi dây, bò lên với con diều...
Chợt có tiếng the thé gọi con về ăn cơm của bà Lô. Thằng Toe giật mình, quay nhìn ông Ba.
- Ấy chết! Cháu phải về ăn cơm kẻo muộn rồi. Bây giờ mà cuộn được con diều xuống sao kịp?
Ông Ba Đôn cũng đã tỉnh mộng.
- À... à, Hay thôi, cháu cứ về đi. Qua mượn chơi lát rồi qua cất cho, nghen?
Thằng bé chịu. Và nó chạy về với mâm cơm đang chờ đợi ở nhà...
Đang tính cuốn dây lại thì một ngọn gió ở đâu chợt thốc tới, con diều đảo mạnh và giựt cuộn dây khỏi tay ông, chạy rê trên cỏ. Ông Ba lật đật chạy theo chụp. Nhưng muộn rồi! Dây không có người neo, lại gặp gió mạnh, con diều lộn ngược lên, đảo qua đảo lại, rồi thấp dần. Nó chao xuống như một chiếc lá khô...
Ông Ba nhắm mắt lại, rên nho nhỏ trong miệng "Tao xá mày, mày đừng vướng ngọn thông, khổ cho tao lắm đa...". Đến khi mở hai mắt ra, con diều đã vắt vẻo tuốt trên ngọn một cây thông già! Sợi dây cũng vướng rối trên cành, ngoằn ngoèo như sợi tơ hồng trên bụi chè mận hảo.
- Xui... thiệt là xui. Nhưng bề nào mình cũng phải gỡ con diều xuống cho thằng nhỏ chớ?
Ông nghĩ tới việc trèo lên, và đưa con mắt ước lượng chiều cao. Chợt mặt ông ỉu xìu! Trự thông nầy cao quá, mà con diều thì tọa tuốt trên cao. Thân cây cũng bự quá cỡ.
- Chắc thằng nhỏ hổng khóc đâu. Chắc mai mình phải làm con khác thường nó quá.
Ông Ba Đôn bỏ con diều với cây thông, lủi thủi về nhà. Nhà vắng hoe. Tìm trong tìm ngoài không thấy bà Ba đâu hết. Ông gọi to : "Em Ba à... Mình đâu rồi?..." không có tiếng đáp lại. Ông nhìn ra ngoài vườn cũng không thấy. Em Ba đi đâu cà? Bây giờ quá giờ cơm rồi, mọi hôm giờ nầy em có nhà mà. Lại tới nhà chị Trường chắc?
Ông chạy lại máy điện thoại, quay số...
- A-lô. Thiếm Trường đó phải hôn? Chào thiếm... Có nhà tui đẳng không, thiếm?... Định nói tiếp thì tai ông chợt nghe mấy tiếng "cạch... cạch!" từ sau nhà vọng tới. "Thiếm làm ơn chờ tui chút... Hình như có ai gõ cửa sau nhà tui" Nhưng khi ra mở, chẳng thấy ai cả. "Kỳ hông? Rõ ràng mình nghe tiếng gõ cửa mà..." Rồi ông chạy lại máy điện thoại.
- Thiếm, nhà tui có đẳng hông?
- Không anh à. Từ sáng giờ tôi có thấy chỉ đâu. Anh hỏi đàng chị Đoản chưa?
- Dạ chưa. Tui gọi ngay giờ. Cám ơn nghe thiếm... Ông lại quay số. Từ đầu dây bên kia, tiếng bà Đoản nói:
- Chị Ba không lại đây anh Ba à.
- Cám ơn thiếm...
Chưa dứt câu, ông lại nghe "cạch!... cạch!" sau nhà. "Thiếm chờ tui lát, có ai gõ cửa sau nhà tui."
Nhưng một lần nữa, ông mở cửa nhìn mà không thấy bóng dáng một người nào! Bà Đoản tiếp lời trong máy:
- Anh Ba... Anh hỏi đằng anh chị Hách coi? Hồi sáng nay tui có gặp chị ngoài chợ, rồi thôi.
Gọi nhà ông bà Hách không có. Nhà bà Bạch, ông Lục cũng không nốt. Cả cái cửa sau cũng chẳng có ai, dầu mỗi lần cầm lấy máy nói thì ông lại nghe hai ba tiếng "cạch... cạch!" vẳng tới.
"Còn mỗi nhà chị Thanh thôi. Mình thử hỏi lần cuối cùng... Ủa! Lại "cạch... cạch..." nữa. Nhà này có ma sao chớ?
Đằng bà Thanh trả lời:
- Không anh à. Anh hỏi khắp rồi à? Bây giờ trễ rồi đó, nhưng tôi chắc không có gì xui xẻo xảy tới cho chị đâu.
- Tui hổng biết. Nhưng, có cái gì thiệt là kỳ ở đây chị à. Tui nghe cạch cạch ở cửa sau hoài mà năm bận ra hổng thấy ma nào ráo trọi!
- Lạ vậy! Để tôi nói lại với nhà tôi và mấy người quen nữa lại đằng anh xem thế nào. Tôi chắc không có chi đáng sợ đâu.
Chỉ một lát sau thì ông Thanh và mấy người đàn ông tới. Họ nối đuôi nhau vào nhà bếp. Mặt người nào cũng có vẻ lo âu. Ông Lục hỏi trước:
- Anh gặp chị Ba lần cuối lúc nào anh Đôn?
- Một lát sau khi ngủ dậy. Khi đó nhà tui đang gọt khoai trong bếp, còn tui sang chú Trường trả cái tuộc-vít. Về được phần đường tui gặp thằng nhỏ con anh Lô đang... Nghe coi! Mấy anh nghe tiếng gõ hông?
Ông Hách nhìn vào phía nhà trong nói:
- Nghe tiếng thì y như từ phía chân thang đưa tới. Vô thử coi.
Họ kéo nhau vào. Đồ đạc ở đây không có gì xê xích. Mấy người sắp trèo lên gác thì "cạch cạch!" Lần nầy lớn hơn.
- Hình như từ dưới hầm chứa đồ! Ông Hách nói xong, cúi xuống gọi to:
- Ê! Có ai trỏng đó??
- Chào anh – tiếng trả lời vọng lên nho nhỏ – Cho tôi ra khỏi đây đi...
Ông Ba Đôn reo lên:
- Chèn đéc ơi! Em Ba đó mà! Mình làm anh hết hồn hết vía. Lên đi, trễ giờ cơm rồi đó mình.
- Đâu được! Cửa đóng làm sao tui leo lên?
- Ý mẹ ơi! Có ai như tui không nè!...
Ông Đoản ngạc nhiên hỏi lại:
- Chi vậy, anh Ba?
- Cái... cái chìa khóa cửa hầm. Nó đang đeo tòn teng ngoài ngọn thông, đồi bên kia kìa.
- Ai chơi cái gì ác ôn vậy? Chìa khóa sao lại trên ngọn cây thông được!
- Vậy đó! Tui... tự tui thấy cái thằng Toe... Ui, mà chuyện dài lắm, anh Trường à. Có cả ông Fờ-răng-Kanh nhúng vô trỏng nữa, giờ tui chưa nói được. Mấy anh làm sao giúp tui thọc cái chìa khóa xuống cho nhà tui ra đã nè...
Trời đã chạng vạng tối.
Đám đàn ông lại kéo ra sân, người đi tìm thang, kẻ đi lấy đèn "bin". Xong họ kéo nhau ra đồi đi về phía cây thông có con diều lủng lẳng.
Phải mất một giờ vất vả, họ mới chộp được cái chìa khóa, và gỡ luôn được con diều xuống cho thằng Toe. Ông Ba Đôn hể hả cười : "Tui nghĩ nếu không có mấy anh tiếp tay thì tui hỏng biết xoay trở làm sao. Thiệt cám ơn mấy anh hết sức vậy đó."
Ông về gần tới nhà thì ông Lô, ba thằng Toe, nghe chuyện cũng tới hỏi thăm:
- Kìa! Bác Ba. Bác gái đã về chưa hả bác?
- Rồi... Rồi... tui nhốt bả dưới hầm... Hà...Hà... À, có con diều của thằng nhỏ nhà anh, nãy tui hứa cầm dùm nó đây.
- Chết chửa? Vậy mà anh còn nhớ tới con diều được. Xin cám ơn anh nhé. Thôi, cho tôi gửi lời thăm bác gái.
Bà ba chun lên khỏi hầm, hí hửng không kém gì ông Ba. "Tui dọn xong được cái hầm lâu rồi nhưng hổng tài nào ra khỏi được. Tui không hiểu chuyện chi hết, đoán rằng khóa bị kẹt."
- Ồ, anh rầu hết sức đó mình. tại cái thằng nhỏ bày đặt. Mình sợ lắm phải hôn?
- Hông sao đâu, mình à. Em lại dọn được căn hầm, mình khỏi mất công.
Rồi bà nói với mọi người:
- Mời mấy anh ngồi chơi. Tui xin phép xuống làm cơm. Đói bụng quá rồi.
*
Cơm nước xong thì đã gần 10 giờ khuya. Hai ông bà quyết định : để chén bát sáng mai rửa. Rồi họ vào phòng ngủ. Nhưng lên giường rồi mà ông Ba vẫn thắc mắc về vụ "chìa khóa" của ông Fờ-răng-Kanh. Kéo chiếc chăn dạ lên tận cổ, ông Ba quay nói vọng sang giường bà:
- Nè mình ngủ chưa? Mình biết cái ông Fờ-răng-Kanh ông cột chìa khóa vô con diều để chi không?
- Phải ông người "Guê-Kỳ" hông? À, ừ... hồi sáng em có liếc qua báo con nít, hình như có nói tới ổng ở trong đó.
Ông Ba nhổm dậy hỏi:
- Con nít nào nói? Thằng Toe hả?
- Coi, lãng nhách hông! Em nói tờ báo, chứ con nít con nẻ gì. Để em đi tìm coi.
Nói rồi bà Ba tuột xuống giường ra phòng khách. Một phút sau bà chạy vào tay cầm tập báo.
- À, Tuổi Hoa. Báo con nít mà... Để em đọc mình nghe, nghe hông?
Ông Ba lại nằm xuống, kéo chăn lên cổ rồi gối lên hai bàn tay đan nhau sau gáy.
- Ừa, mình đọc lớn lớn chút, tui nghe.
Bà ba sửa lại ngọn đèn ngủ, rồi nhấp giọng đọc:
- "Ông Benjamin - Franklin với phát minh quan trọng:
Cột thu lôi (*)
"Ben (tên gọi thân mật của Benjamin - Franklin) tin rằng những lằn chớp lòe sáng trên trời vào ngày mưa là do những dòng điện trong không gian chạm nhau và phát ra lửa. Ông cố tìm cách truyền được dòng điện ấy xuống để chứng minh cho thuyết của mình. Có một điều làm Ben để ý , là sét chỉ nhằm vào những vật cao và nhọn – như tháp nhà thờ... – mà giáng xuống! Ông bèn nghĩ tới việc làm một con diều đặc biệt để làm "mồi" dẫn điện.
"Con diều của Ben được làm bằng một vuông khăn lụa (thay vì giấy như của chúng ta thường chơi) sườn là hai thanh gỗ bách-hương cột chéo nhau. Ở phía trên ông cột thêm một đoạn thép nhọn, cao chừng 30 phân. Phía dưới cuối cuộn dây, chỗ tay cầm, ông cột vào một chiếc chìa khóa (sắt) bằng 1 giải lụa. Còn thì đại khái cũng như bao con diều giấy khác..."
Ở giường bên kia, ông Ba "À" một tiếng dài. Bà Ba như không nghe, đọc tiếp:
" ... Một buổi chiều vần vũ mây đen, Ben và con trai là William (lúc này đã 21 tuổi đầu) dắt nhau ra cánh đồng cỏ để bắt đầu cuộc thí nghiệm. Họ đi lén để tránh những cặp mắt tò mò của mọi người vì hai lẽ : cả hai cha con đều đã quá tuổi chơi diều – có tiếng ông Ba Đôn cười – và họ cần giữ bí mật vì cuộc thí nghiệm chắc sẽ có những việc mà một người ngoài trông vào sẽ cho là kỳ dị, lẩm cẩm rồi chế nhạo làm ông thối chí!
Mưa lất phất. Gió thổi lồng lộng trong cánh đồng vắng. Bầu trời như hạ thấp xuống đen kịt những mây là mây. Con diều của Ben đã được tung lên, được gió đang lên cao. Ben theo dõi con diều và cố lái nó "chun" vào trong những đám mây đen nơi có thể phát ra những lằn chớp... Nhưng chờ mãi mà chẳng có gì xảy ra cả. Ben đã thất vọng. Ông định trao con diều lại cho William để William cuộn lại và về thay đồ vì quần áo đã thấm ướt. Chợt Ben mở to mắt nhìn : Những sợi xơ nhỏ ở dây diều bỗng nhiên dựng đứng cả lên như đám lông trên lưng một con chó vừa nhảy xô ra "mừng" khách lạ!..."
Ông Ba lại nhỏm người dậy, hỏi vọng sang:
- Ủa! Chi... kỳ vậy? Bộ... ma hả?
- Ai... biết... yên, để em đọc tiếp coi.
" ... Ben hét to lên : William! Có việc làm rồi đó!"
Lúc bấy giờ Ben nhận biết có một luồng điện đã truyền xuống qua chìa khóa và đang giựt râm ran trong tay ông. Ben cũng đang sướng tê người đi... Mưa rơi nặng hạt hơn. Sợi dây diều ướt sũng, những giọt nước đọng ở dây thi nhau chạy xuống. Dòng điện vẫn truyền xuống đều, rần rần tê buốt tay Ben. Ông hét William mang chai nước tới - Ben cho mang chai theo vì ông đã trù tính cẩn thận cho cuộc thí nghiệm - và ông đã "nhốt" được dòng điện vào một chai thủy tinh đầy nước."
Bà Ba chợt ngừng đọc vì bà cũng vừa nghe biết – không phải dòng điện – mà là một tràng tiếng râm ran như tiếng sấm vọng tới. Bà hạ sách xuống, lắng nghe... Rồi bỗng bà xếp mạnh cuốn báo lại nói một mình : "Quỷ nà... ngủ hồi nào hổng cho hay."
Ra là tiếng ngáy của ông Ba.
Ant. THUẦN
Viết theo một truyện của
O.R. WORK
---------------------
(*) Cả đoạn này được dịch trong cuốn "B. F. of oldphiladelphia" của Margase Cousin
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 20, ra ngày 25-8-1964)