Sống ở Pleiku đã khá lâu mà tôi chỉ biết độc nhất con đường Hoàng Diệu, đầu đường này là nhà tôi, đầu đường kia là trường Trung Học Pleiku tiếp giáp Trung Học Thánh Phaolô. Tôi chưa hề biết đến những vùng phụ cận như Trà Bá, Biển Hồ, Phú Thọ...
Tôi thật là quê! Xứng đáng với danh hiệu "nữ tướng cù lần" (!) mà các bạn gán cho tôi ngày còn đi học. Hôm nay, tôi đem các học trò đi du ngoạn lên Phú Thọ – chuyến đi xa vùng ngoại ô đầu tiên của tôi – Tôi mời một soeur đi theo để làm hướng đạo viên. Bảy giờ rưỡi xe bắt đầu chuyển bánh. Ra khỏi trạm kiểm soát đầu tỉnh, xe đi vào những khoảng đồng trống mênh mông. Bầu trời cao và thật trong, ánh sáng le lói buổi sáng tạo nên những cảm giác khó chịu trong tôi. Hai bên đường, những ống dẫn xăng (tôi đoán như vậy vì chẳng lẽ là ống dẫn nước sao?) của Mỹ màu xanh xám trông như hai thành cầu thấp bé. Thỉnh thoảng, một vài vũng nước nằm ngay bên đường. Gọi là vũng chứ cũng không nhỏ lắm đâu, nước trong thật trong, chung quanh vũng cỏ mọc xanh rì. Những đàn vịt, đàn ngỗng an nhàn ngắm mình dưới vũng, trông thật đẹp. Xe đi khoảng mười phút thì thấy thấp thoáng những ngôi nhà sàn của đồng bào Thượng. Một cô bé học trò bảo tôi : "Xe đi bắt đầu vào làng Thượng nè cô!" Tôi mỉm cười. Đối với tôi, khung cảnh này thật lạ mắt, nhưng đối với các cô bé học trò thì thật tầm thường. Những mái nhà sàn của đồng bào Thượng đã hiện ra khá nhiều. Những mái nhà sàn, dài có, ngắn có, thấp thoáng sau những khoảng đất trồng mía cao ngất trông thật nên thơ. Mái tranh màu nâu sậm vì nắng và mưa bụi, sườn gỗ màu nâu bạc vì thời gian và những cây mía cao, xanh bàng bạc trông thật đẹp. Một vẻ đẹp âm thầm, kín đáo. Đặc biệt, ngôi nhà sàn nào cũng có một nhà sàn nữa, nhỏ hơn, ngoại trừ 4 cột trụ bằng gỗ, tất cả đều bọc tôn. Tôi không phải thắc mắc lâu, học trò lại bảo tôi : "Nhà tôn đó họ để lúa đó cô!" Qua làng Thượng, có những bãi đất trống rộng mênh mông, ngút tận chân trời, màu đất nâu dưới ánh nắng gay gắt thật là khó chịu. Một lát sau, xe đi qua một cây cầu trắng dài chừng 5m, dưới cầu dòng nước trong veo. lững lờ chảy qua. Bên kia cầu, một ngôi nhà nhỏ thật nhỏ, chẳng biết của ai, hiền hòa nằm bên dòng nước, nổi bật lên trong màu xanh ngắt của cỏ cây. Cảnh thật đẹp! Sau hai mươi phút, xe quẹo vào một con đường đất, miền đất Phú Thọ, dân cư ở san sát hai bên đường, những mái nhà tranh, vách đất với một mảnh đất trồng rau ở trước sân và một hoặc hai cây mía ở cổng vào. Vườn rau xanh ngắt với những luống rau đều đặn, song song còn ướt nước tưới ban sáng. Cảnh vật thật thanh bình. Những người dân đứng trước nhà với gương mặt hiền hòa, chất phác nhìn chúng tôi đi qua với nụ cười mộc mạc làm tôi thấy thương thương. Xe tiến vào thánh đường Phú Thọ, ngôi giáo đường nhỏ bé nằm khiêm nhường trên một miếng đất rộng trải cỏ xanh rờn. Góc sân, một đoàn thể nào đó đang sửa soạn cắm trại. Như vậy, chúng tôi không thể nào nghỉ mát ở đây. Xe lại quẹo trở ra và tiến thẳng trên đường nhựa. Sau đó, xe từ từ tiến vào sân thánh đường An Mỹ. Ngôi giáo đường nằm uy nghi ngay giữa sân rộng rãi nhiều bóng cây. Đứng quay mặt vào giáo đường, bên phải là những ngôi nhà tranh vách đất hiền hòa dưới ánh nắng vàng vàng chói chói. Bên trái là một hang đá Đức Mẹ với những dây hoa giấy leo lộn xộn. Vách đá đen thật đen, những dây hoa giấy bò lên trên trông thật nên thơ. Trên cao, tượng Đức Mẹ trắng toát đứng chắp hai tay, mắt nhìn ra xa ; dải thắt lưng xanh phất phới theo chiều gió. Tôi nghe hồn nao nao khi nhìn khung cảnh này. Gần đó, một ngôi mộ sơ sài, màu vôi trắng đã rửa hết, còn lại màu xi măng trộn lẫn với cát bụi làm thành một màu nâu xám. Trên đầu ngôi mộ, một cây thập giá đứng sững, chênh vênh trên đầu một con dốc. Bóng cây thập giá đổ dài ra phía sau. Soeur Madeleine bảo tôi, đó là ngôi mộ cha Lý – Cha sở tiên khởi của xứ An Mỹ này – Bước theo bóng cây thập giá đổ dài xuống dốc, tôi tìm đến một suối nước chảy róc rách từ lòng đất, xuyên qua những tảng đá đen đen, lách qua những đám cỏ xanh rậm rạp – trôi đi – đi mãi chẳng biết đi đâu. Tôi bước một cách khó khăn xuống bờ suối. Tôi vốc nước rửa mặt, chung quanh tôi, tiếng lũ học trò ồn ào như họp chợ. Nhức đầu, tôi bước trở lên. Ánh nắng lên khá cao, tôi cảm thấy cái nóng lan tràn khắp người. Nghỉ ngơi đến chín giờ, chúng tôi bắt đầu đi bộ lên quận Lệ Trung. Tôi không xem đồng hồ nên không xác định rõ được thời gian. Chỉ biết là lâu lắm, chúng tôi mới đặt chân đến làng Lệ Trung. Những cây cao ngất với những tàn lá rậm rạp làm cho làng râm mát hẳn đi. Mỗi nhà ở cách xa nhau khá xa, có vườn trước, vườn sau, đủ thứ cây ăn trái và được bao bọc bởi một hàng rào khá vững chắc. Soeur và tôi theo chân Dans, cô bé học trò người Thượng dẫn vào nhà cô bé. Xuyên qua mấy đường rẽ ngang dọc thì đến. Đây là một ngôi nhà sàn khá cao, leo lên bằng một cây gỗ đẽo trũng từng nấc làm thang. Một người đàn ông Thượng bước ra với nụ cười cởi mở, ông ta gật đầu chào chúng tôi rồi quay sang bọn học trò Thượng, ông ông ta nói xì xồ một hồi. Bọn nhỏ nói lại. Hai bên nói vài câu, rồi học trò lại dịch ra "Ông ấy mời cô với ma soeur lên nhà chơi". Tôi nhìn soeur dò hỏi, bà gật đầu : "Mình lên chơi thử xem". Rồi soeur nhanh nhẹn leo lên trước, tôi leo một cách khó khăn trên những bậc thang nhỏ. Mấy lần tôi suýt ngã. Đôi guốc cao thật gập ghềnh. Bước vào nhà, tôi gặp một người đàn bà Thượng đang ngồi cho con bú. Thấy chúng tôi, bà ta đứng lên cười bập bẹ:
"Chao ba, chao cô".
Tôi cười với bà, bà ta cười lại rồi đến giữa nhà với chiếc chiếu trên kệ trải xuống sàn. Sàn nhà làm bằng một tấm liếp đan bằng tre, coi có vẻ mỏng manh mà chắc ghê gớm. Ngôi nhà khá dài, cách bày biện thật ngăn nắp, một đầu dùng làm bếp, ở giữa là chỗ ăn cơm và tiếp khách, đầu còn lại làm chỗ ngủ. Tôi đứng lên, bước tới gần người đàn bà, miệng cười thân thiện:
- Con bà đây hả?
- Ừ.
- Bà được mấy con?
- Năm.
- Dans là con lớn nhất hả?
- Không, co chi no nưa, chi no lây chông rôi.
- Thế à, bà có làm gì không?
- Không, ơ nha coi tui no.
- Sướng ghê bà nhỉ?
- Ừ.
Tôi chỉ vào đứa bé bà ta đang ẵm:
- Cháu được mấy tháng rồi?
- Mươi sau thang.
Trời đất, tôi suýt kêu lên thành tiếng! Mười sáu tháng mà nó yếu ớt và nhỏ bé quá mức. Tôi chắt lưỡi thương hại. Người đàn ông bước đến:
- Cô đên ăn đi.
Tôi quay lại, soeur nhìn tôi cười ; trên chiếc chiếu giữa nhà, một mâm cơm đã được bày ra từ bao giờ. Hai tô cơm lớn, hai đĩa thịt gà nấu với rau cải trắng, mấy cái bát gỗ, mấy đôi đũa, muỗng, thìa, một chai xì dầu nấm hương và một lọ ớt bột màu lợt lạt. Soeur bảo tôi : "Hoa đến ăn đi, ổng mời đó" "Ma soeur ăn đi". Nói rồi tôi đến ngồi bên soeur, chúng tôi nhìn nhau cười. Người đàn ông tiến lại, giọng khẩn khoản:
- Ba ăn đi, cô ăn đi!
Rồi quay sang bọn học trò, ông ta xì xồ một hồi. Chúng tôi được nghe thông ngôn lại:
- Ổng nói cơm mới đấy, soeur với cô đến ăn đi kẻo ổng buồn.
Chúng tôi lại nhìn nhau, sau cùng chúng tôi đành ngồi xuống chiếc chiếu. Mùi cơm mới nghe thơm thơm. Sau những lời thúc giục của bọn học trò, tôi bưng bát cơm lên nhìn mọi người cười. Bọn học trò lại giục:
- Cô ăn đi mà.
Tôi nhìn chủ nhà:
- Mời ông!
- Da, cô ăn đi.
Tôi cầm đũa gắp cơm bỏ vào miệng, hương vị cơm mới ăn nhạt nhẽo làm sao! Khó nuốt thật! Nhìn đĩa thịt gà nấu rau cải, tôi cảm thấy nhạt nhẽo không kém. Bọn học trò lại giục:
- Cô ăn canh nè cô.
- Cô ăn xì dầu nè cô.
Tôi lại cười:
- Thôi để cô ăn ớt với xì dầu.
Chúng nhao nhao đổ xì dầu vào bát làm tôi phải kêu:
- Thôi, đủ rồi.
Soeur nhìn chúng cười:
- Ớ, tụi này cứ lo cho cô hè, còn ma soeur hắn làm lơ hỉ?
Bọn học trò lại rũ ra cười. Tôi nhìn màu sắc lợt lạt của lọ ớt nghĩ thầm : ớt này thì cay cái quái gì được. Coi thường, tôi múc một muỗng thật đầy đổ vào bát cơm, trộn đều. Thật không ngờ, lờ mờ thế mà cay tợn! Khi muỗng cơm đụng tới lưỡi tôi, cái vị cay "lờ mờ" của ớt như xé lưỡi tôi, nước mắt tôi chảy ra ràn rụa, mặt tôi nóng bừng. Tôi thốt kêu:
- Xi...i...i...ít. Cay quá.
Bọn học trò ôm nhau cười. Lưỡi tôi rát bỏng. Một cảm giác đau đớn đang hành hạ trong miệng tôi. Nhìn sang soeur, bà cũng ở cảnh như tôi. Nước mắt tôi tràn ra nhiều hơn. Tôi lấy khăn tay lên lau mặt. Ngượng ghê trời ạ. Bọn học trò bảo tôi:
- Cô đưa con ăn cho, cô lấy chén khác đi.
Để mặc chúng muốn làm gì thì làm, tôi ngồi xít xoa cho đỡ đau đã. Khổ quá. Biết vậy cóc thèm ăn đồ yêu đó cho xong. Tôi lại đưa bát cơm lên miệng. Lần này tôi chẳng dám ăn ớt nữa. Ghê quá, ăn hết cơm mà lưỡi vẫn còn đau. Tôi đứng lên cười ngượng nghịu. Hai vợ chồng người chủ nhà cùng cười. Ông ta vội đi lấy cho tôi ly nước trà nóng. Uống vào, cảm giác đau đớn lại tăng thêm. Ngu quá, cay mà uống nước nóng thì quả là ngu nhất thế giới rồi. Tôi đặt chiếc ly xuống, nhìn soeur ra hiệu. Bà gật, chúng tôi đứng lên cám ơn chủ nhà rồi từ giã để ra về. Tôi nói lớn với người đàn bà:
- Côk ma. (chào bà)
Bà ta cười đáp lại:
- Côk he. (chào cô)
Chúng tôi đồng cười vui vẻ...
Tâm hồn chân thật, chất phác và hiếu khách của đồng bào miền núi làm tôi cảm động. Kỷ niệm vừa qua khó quên trong đầu óc tôi. Những tâm hồn hiền lành mộc mạc đó đã khuyến khích tôi rất nhiều trong những ngày chập chững vào đời. Cầu mong Thượng đế ban muôn hồng ân trên họ – Những ân nhân của tôi.
HOA NGUYÊN THỦY
Pleiku