Thứ Ba, 27 tháng 6, 2017

CHƯƠNG V, VI_CHIM PHỤNG THÁI LAN


CHƯƠNG V

Con đường biên giới

 
Hơn một tuần lễ nữa trôi qua mà chưa có thêm manh mối nào giúp ích cho cuộc điều tra, nghĩa là người ta vẫn chưa nhìn thấy cuối đường hầm. Tiểu Phụng bây giờ ngoan hiền còn hơn Dũng và Y-Shroc nữa. Hàng ngày đi học, tối về… chơi đùa với hai bạn và đi ngủ sớm. Cây đèn báo hiệu màu đỏ đặc biệt kia vẫn còn đó nhưng việc Phụng sử dụng liên lạc với bọn gian trở thành một giấc mơ. Theo thời gian, Phụng càng lúc càng mến chú Minh, có một lúc nằm trên giường bệnh Minh nghe con bé nói :

- Chỉ tại mình…

Minh đã hỏi ngay :

- Có chuyện gì hả Phụng ? Chú giúp gì được cho Phụng không ? Nói chú nghe đi.

- Không được chú Minh à.

Tiểu Phụng quen miệng và theo Dũng với Y-Shroc gọi Minh là Minh chứ không là Văn như mấy hôm đầu nữa. Minh mới bịa chuyện :

- Hôm qua chú nằm mơ thấy má cháu hiện về báo mộng…

Lời chàng nói có kết quả ngay. Tiểu Phụng chú ý đến từng chữ, từng âm thanh thốt ra khỏi miệng Minh :

- Chú, chú kể cháu nghe nhé.

- Dĩ nhiên, chú đâu thích giấu như Phụng – Con bé hơi đỏ mặt – Má cháu mặc bộ quần áo lụa sặc sỡ, cổ đeo xâu chuỗi lóng lánh, mắt đỏ hoe như sắp khóc. Má cháu nhờ chú chăm nom cho Tiểu Phụng vì giáo sư Vũ Anh đã mất tích và ba cháu thì…còn đang bận chuyện gia đình…

- Hừ…ba cháu…chuyện gia đình…Cháu bực lắm, tại sao người lớn lại hay làm khổ trẻ con hở chú ?

- Chú sẽ trả lời Phụng sau. Bây giờ chú thuật tiếp giấc mơ: má cháu bảo cho Phụng làm con nuôi của chú, Phụng chịu không ?

- Trời ơi ! Thật hả chú ? Phụng sung sướng quá…Ba, ba của con.

- Phụng…con... ấy mà không được, Phụng ạ. Để chú chính thức hỏi lại anh Đăng nữa chứ. Có sự đồng ý của ba Phụng sẽ danh chánh ngôn thuận hơn…

- Chỉ cần má Phụng nói là đủ rồi.

Minh hơi thẹn trong lòng vì nào có ai báo mộng cho chàng đâu. Vì muốn cứu bạn là Giáo sư Vũ Anh và muốn dứt Tiểu Phụng ra khỏi tay bọn gian mà chàng phải…lấy cả tình mẫu tử thiêng liêng của Phụng ra làm phương tiện điều tra…Nhưng là để phục vụ cho mục đích tốt thì với lương tâm, Minh không có gì xấu hổ.

- Tiểu Phụng phải nghe lời chú. Đừng trách ba. Ba Phụng cũng khổ tâm lắm khi phải xa con. Phụng hiểu chưa ?

- Vâng.

- Má Phụng nhờ chú nói lại với Phụng là đừng bao giờ sử dụng cây đèn đỏ? Chú không hiểu điều gì cả ?

- Cây đèn đỏ? Má bảo…

Phụng thất sắc khi nghe đến cây đèn đỏ. Minh vờ như vô tình hỏi :

- Đèn gì thế hả cháu ?

- Cây đèn…đèn để liên lạc…
Phụng ấp úng.

- Liên lạc với ai ?

Phụng bỗng quả quyết :

- Cháu xin lỗi là đã giấu chú chuyện này từ bấy lâu nay. Nhưng cháu tưởng là chuyện không đáng gì. Có một bọn người Thái Lan, đồng hương với má cháu liên lạc với cháu để muốn đánh cắp tài liệu khảo cứu của giáo sư Vũ Anh…

- Chúng cho cháu cái gì ?

- Chúng đưa bằng cớ chính giáo sư Vũ Anh là người giết mẹ cháu bằng liều thuốc độc đặc biệt, nhà chức trách không khám phá ra được vì ngay sau khi máu đông đặc, chất thuốc ấy đã tan biến, không lưu bã lại trong cơ thể…

- Chúng nói gạt Phụng đấy. Bằng cớ đâu ?

Tiểu Phụng cãi :

- Có thật mà chú Minh. Chúng đưa ra cho Phụng coi một cuốn phim dài chừng 5 phút, chiếu giáo sư Vũ Anh uống rượu cùng với má Phụng, sau đó má Phụng gục đầu rũ xuống ghế chết, giáo sư bồng má Phụng vào giường đặt nằm ngay ngắn như đang ngủ rồi ra đi, miệng cười khoái trá…

Con bé nói lộ rõ vẻ căm thù, tưởng chừng nếu có giáo sư Vũ Anh trước mặt nó có thể ăn tươi nuốt sống ông ngay. Minh kêu nho nhỏ :

- Phụng…Phụng…Bình tĩnh nghe chú nói: cuốn phim ấy là giả đấy. Chúng dùng xảo thuật ghép phim chụp để vu oan cho giáo sư. Có bao giờ Phụng nghe đến việc ghép phim chưa?

- Chưa…mà nếu ghép phim tại sao ta lại thấy hình ảnh liên tục ?

Hoàng Minh phải giải thích bằng khoa học thực nghiệm :

- Tiểu Phụng, cháu chưa học đến nên chưa biết. Những hình ảnh ta nhìn thấy ngoài đời lưu lại trên võng mô của ta từ 1/10 đến 1/50 giây nữa. Vì thế nếu có nhiều hơn 50 kích thích đến với mắt trong một giây đồng hồ, ta sẽ thấy hình ảnh liên tục. Như trường hợp cuộn phim kia chẳng hạn, chúng chỉ việc chụp và ghép hình từng tấm một rồi chiếu nhanh, hơn 50 hình 1 giây, tự nhiên cháu tưởng là thật.

Phụng có vẻ chưa tin lời Minh lắm. Chàng nhắc thêm :

- Cháu được đi xem ciné chưa ?

- Chưa.

- Vậy thì để lúc chú lành bệnh sẽ dẫn Phụng đi xem cho biết. Nhất là phim hoạt họa thì thấy những hình ảnh ghép rõ ràng lắm.

- Hay lắm không chú ?

- Hay chứ. Cháu sẽ muốn ít nhất mỗi tuần đi ciné một lần. Điều đó tốt vì có học phải có giải trí, nếu không rất dễ biến thành đứa trẻ ngu đần.

Chợt vui đó rồi nghĩ lại việc mình làm, Tiểu Phụng buồn ngay :

- Thế mà cháu tưởng thật, tiếp tay với bọn chúng làm hại giáo sư Vũ Anh.

- Hả ? Cháu để bọn chúng bắt cóc giáo sư ?

- Vâng, và hơn thế nữa, cháu cung cấp giờ giấc, thói quen, chỗ để tài liệu của giáo sư…

- Cháu biết mặt chúng nó không ?

Phụng nhịp ngón tay nhè nhẹ xuống mặt nệm :

- Có cũng như không vì chúng hóa trang. Có một lần một tên làm…rớt râu giả xuống cháu mới biết.

- Hai tên bắt cóc giáo sư thường đến gặp cháu hả ?

- Vâng.

- Cháu đoán ra ?

- Không, cháu nhận biết giọng nói của chúng.

- Và cháu dùng cây đèn đỏ hôm đó để liên lạc ra dấu cho bọn chúng biết trong nhà không còn tài liệu gì của giáo sư Vũ Anh ?

Tiểu Phụng tròn mắt :

- Chú đoán đúng quá. Từ hôm ấy, bọn chúng cắt đứt liên lạc luôn và cháu cũng không muốn gặp lại họ nữa…Cháu dần dần nhận biết họ là những người xấu, rất xấu dù rằng là đồng hương của má cháu.

Con thường nặng tình với mẹ hơn cha, nhất là con gái như Tiểu Phụng. Lại còn trường hợp cha…hai vợ, làm khổ con gái như ông Viễn Đăng thì làm sao cho Phụng khỏi thương mẹ nhiều hơn? Do đó, con bé cứ tưởng những người đồng hương với mẹ cũng là người tốt. Nào ngờ…

Lời tiết lộ của Phụng quá chậm. Vì sau đó, những cuộc bủa vây của Cảnh sát hướng về bọn người Thái Lan vô danh kia không thành công. Viên đá đã chìm xuống đáy ao bùn đọng, không để lại dấu vết gì.


*

Y-Shroc nhận được một bức thư màu xanh, dấu bưu điện đóng là một Tỉnh khỉ ho cò gáy ở Cao Nguyên miền Trung, nơi giáp biên giới Lào Miên và có một xưởng ráp xe hơi Toyota mới mở: Kontum. Bức thư đề gởi cho Dũng nên Y-Shroc mang thơ vào mà không xé ra đọc ngay. Tính thằng nhỏ rất nóng nảy và háo hức, nhưng được cái lịch sự.

Dũng đọc to lên những dòng nguệch ngoạc như vầy :
 
 

Dũng mến,

Tớ là Luân gởi thơ về thăm bồ đây. Kể từ ngày ba tớ đổi lên Kontum, xa bồ tớ buồn lắm. Ba tớ làm việc ở xưởng ráp xe hơi nổi tiếng mới thiết lập. Cực nhọc lắm, quần quật suốt ngày. Đến tối về ba tớ ngủ ngay không có thời giờ hỏi han trò chuyện với các con như xưa. Giá có bồ lên chơi tớ mừng chết đi được.

Từ một tuần nay, Ông Giám Đốc xưởng ra lệnh cho mọi người ở luôn trong hãng làm việc suốt đêm, ngủ 1 giờ và làm việc 23/24 giờ. Tớ cứ sợ ba gầy ốm bị bệnh, thì tớ và các em hết nhờ, ngờ đâu ba vẫn mạnh cùi cụi, hồng hào, đỏ da thắm thịt. Ba lãnh về một mớ tiền phụ trội, mua cho tớ một quần “din” mới, mặc vừa lắm. Ba má mong từ rày có dịp làm phụ trội vậy hoài để trong nhà có đồng ra đồng vào.

Hè này nếu bồ có dịp nhớ lên chơi với tớ nhé. Chúc bồ học giỏi, mạnh khỏe, vui vẻ sống lâu.




Bạn thân.  
Luân      


Đập ngay vào mắt Y-Shroc và Dũng là con số 23/24. 23 giờ làm việc 1 giờ ngủ…đó chẳng phải là kết quả sự phát minh của giáo sư Vũ Anh là gì? Xưởng ráp xe Toyota này liên hệ gì với bọn gian bắt cóc giáo sư? Phải vào hỏi ý kiến chú Minh mới được.

Hoàng Minh khuyên Dũng và Y-Shroc đi Kontum ngay. Cả Tiểu Phụng nữa. Tuy nhiên con bé phải cẩn thận vì quen mặt với bọn lưu manh người Thái Lan kia rồi. Ông Cò liền gởi điện văn xuống Ty Cảnh Sát Kontum sẵn sàng hành động.

Tiểu Phụng, Y-Shroc và Dũng đi máy bay xuống Cao Nguyên miền Trung vào đêm hôm ấy, vùng ngã ba biên giới Việt, Miên, Lào đầy âm u, bí mật.



CHƯƠNG VI
   Kontum

Ba đứa trẻ xách va li bước xuống phi cơ. Trời tờ mờ sáng. Đến đúng 7 giờ thì có xe ca của Hàng Không Việt Nam đưa ra khỏi phi trường. Và chúng thuê taxi đến nhà Luân, bạn của Dũng.

“Tốc, tốc, tốc”

Một người đàn bà trẻ tuổi, có dáng ngái ngủ bước ra mở cửa:

- Cậu hỏi ai?

- Thưa bà tôi muốn hỏi anh Luân.

- Không có ai tên Luân ở đây cả.

Cánh cửa sập lại, Tiểu Phụng ngơ ngác:

- Sao kỳ vậy hở Dũng. Đúng số nhà mà?

Dũng nhìn lại bảng số nhà rồi đập cửa lần thứ hai. Lần này cánh cửa không mở nữa, tiếng bà chủ nhà vọng ra, hơi gắt gỏng:

- Gì nữa đó?

- Thưa bác anh Luân có tên gọi ở nhà là Xạo.

- Thằng Xạo hả? Trời ơi! Để bác mở cửa. Lâu ngày không dùng đến cơ hồ bác quên luôn tên của nó trong giấy khai sanh. Các cháu đừng phiền nhá.

- Bác dạy quá lời.

Xạo được dựng đầu dậy lập tức, nó mừng muốn khóc:

- Mày đó hả Dũng? Chà, dạo này đen đi, tao nhìn không muốn ra.

- Không phải tao đen mà tại mày ở vùng cao nguyên lạnh trông trắng trẻo ra. Này Luân, mày vẫn còn giữ tên Xạo trong nhà hả? Mà tao hỏi thật, mày còn Xạo nữa không?

Luân cười nhe hàm răng sún:

- Vẫn còn đều đều.

Y-Shroc châm chọc:

- Mày còn lười đánh răng hơn tao nữa Luân. Mồm xạo tía lia thì được mà sao… sợ đánh răng cho răng sún thế này?

Luân nhìn thằng “mọi” đen đủi mà hàm răng trắng đều như răng anh Bảy chà Hynos, xấu hổ cúi đầu:

- Không phải tao ở dơ… nhưng sao tao ngại quá đi… mồm đầy xà bông cay xé…

- Mày lấy mỗi lần ít thuốc thôi… răng sạch hay không là do mình chà kỹ.

Dũng giảng hòa:

- Bỏ qua chuyện đó đi. Ba đứa tao lên đây thăm mày. Trời đất, mãi nói quên cả giới thiệu, đây là Y-Shroc, Tiểu Phụng, bạn tao…

Luân cúi mình chào một cách hài hước:

- Còn đây là Luân, tự Xạo, nổi tiếng là nói dối hay như Cuội, thầy giáo cũng không bắt bẻ được

Bốn đứa trẻ làm thân với nhau rất mau. Dũng đề cập ngay vấn đề thực tế:

- Mày cho tao ở nhờ tuần lễ chơi được không? Mày cũng gần nghỉ Noel rồi mà?

- Phải đấy. Tụi mày ăn Giáng Sinh với tao trên núi nhé,

- Ba má mày có… vui lòng không?

Luân khoa tay:

- Yên trí. Trăm điều cũng cứ trông vào một ta…

- Mày học lóm câu Kiều ở đâu vậy?

- Thì giở cuốn Kiều ra mà học.

Rồi Luân vào nhà trong nói chuyện với ba má. Chỉ hai phút sau, bà mẹ đã chạy ra bảo ba đứa:

- Các cháu cũng như thằng Xạo con bác, đừng ngại gì hết. Thăm thằng Xạo và hai bác là quí lắm rồi.

Mắt bà sáng rỡ nhìn vào chiếc đồng hồ đeo tay của Dũng, miệng không ngớt trầm trồ:

- Cháu có chiếc đồng hồ đẹp quá… có mắc tiền không, hở cháu? Lúc nào khá, bác mua cho thằng Xạo một cái…

Biết gặp phải con người lý tài, Tiểu Phụng vội vàng ghé tai Dũng thì thầm mấy câu. Dũng gật đầu, hào sảng tháo chiếc đồng hồ đeo vào cổ tay Xạo:

- Mày lấy đeo chơi. Tụi tao lên bất ngờ không có quà gì cho mày. Mày nhận đi cho tao vui, không đáng bao nhiêu.

Luân ngần ngại:

- Ai lấy kỳ quá vậy. Tao biết đồng hồ này bây giờ hơn mười ngàn.

Bà mẹ nói hớt:

- Con đừng từ chối kẻo cậu Dũng buồn. Má cho phép con nhận mà, lo gì.

Dũng tươi cười:

- Tụi cháu còn phải nhờ bác nhiều trong những ngày sắp tới. Bác tử tế, vui vẻ và… thành thực lắm. Tụi cháu quí những người như bác.

Bà gật đầu, vẻ niềm nở, hiếu khách ngời lên ánh mắt:

- Có bác đây các cháu đừng lo chi cả. Đủ hết, nơi ăn, chốn ngủ, bàn học nữa… nếu các cháu muốn…

- Cám ơn bác, tụi cháu lên đây chơi với anh Xạo, đâu phải để học.

Kể từ lúc ấy, ba đứa trẻ trở thành khách quí của ông bà Mạnh, ba má Luân. Luân dẫn cả bọn đi chơi khắp vùng. Y-Shroc một lần tỏ vẻ nóng ruột:

- Xạo này, mày dẫn tụi tao vào thăm xưởng ráp xe hơi được không?

- Để tao về hỏi lại ba tao..., hình như xin phép khó lắm… Mày thích máy móc hả Y-Shroc?

- Ừ. Tao chỉ được xem hình thôi bây giờ muốn thấy tận mắt để lúc về Sài Gòn lòe tụi bạn chơi…

Tiểu Phụng “thổi” Luân lên cho nó phổng mũi:

- Cái gì chớ về cái nói xạo là Y-Shroc phải học với Xạo rồi.

- Đúng
Xạo xác nhận với một vẻ thích thú, hãnh diện.

Cả bọn nằm dài nghỉ ngơi trên một bãi cỏ thấp, cọc còi xơ xác. Dũng mở túi xách, lấy một ổ bánh mì lớn và bốn miếng phó mát phân phát:

- Mỗi đứa một… Chúng mình bình đẳng. Tiểu Phụng đừng sợ tụi tôi con trai ăn nhanh hơn ngoạm hết phần nhé.

- Đâu có.

Dũng và Xạo nằm sát bên nhau nói chuyện về những ngày xưa còn học chung trường, chung lớp. Y-Shroc lại gần Tiểu Phụng:

- Tiểu Phụng có biết đây là quê hương của Y-Shroc không?

Phụng ngạc nhiên:

- Thật sao? Từ hôm lên đây sao không nghe Y-Shroc nói gì cả?

Y-Shroc thấp giọng:

- Nếu không phải mình đi để lột mặt nạ bọn Thái Lan mà là đi chơi thật, Y-Shroc sẽ dẫn Phụng và Dũng về sóc chơi vui hơn đây nhiều, nhất là không có chuyện… tháo đồng hồ…

Tiểu Phụng cắt ngang:

- Y-Shroc đừng nói thế, Luân nó buồn. Luân tốt lắm, nhưng ba má nó là người nghèo khổ, người ta hay ao ước những gì người ta không có. Huống chi tặng quà cho bạn là một hành vi đẹp. Y-Shroc đừng để tâm.

- Tôi không những để tâm mà còn chú ý hoài hoài nữa.

Y-Shroc đã nổi giận. Tiểu Phụng vội dịu dàng dỗ dành:

- Sóc của Y-Shroc có những gì đẹp, nói cho Phụng nghe đi? Cái gì đẹp nhất đó?

Thằng nhỏ đen đủi ngẫm nghĩ giây lát rồi reo lên:

- Đẹp nhất thì Y-Shroc không biết vì có nhiều thứ đẹp quá. Nhưng thú vị nhất trong các trò chơi của Y-Shroc là đi tắm suối…

Má Tiểu Phụng đỏ hồng. Y-Shroc hiểu ra vội xin lỗi:

- Phụng không tắm suối được hả? Phụng biết bơi không? Không biết thì nguy lắm. Y-Shroc vô tư quá…

Tiểu Phụng lắc đầu:

- Biết bơi chứ vì ở bên Thái, Phụng vẫn đi tắm suối thường mà…

Y-Shroc kể tiếp:

- Tắm suối xong, chặn suối bắt cá. Phải lấy cây khá to, khúc bằng bắp vế chặn ngang dòng suối lại. Tụi trẻ như Y-Shroc và các bạn bắt cá tài tử chỉ cần chặn một cây phía hạ lưu. Nước đến khúc cây, chảy chậm lại, cá động ở đó bắt tha hồ.

- Cá bắt xong rồi Y-Shroc làm gì?

- Nướng. Nướng thơm hơn luộc nhiều. Có điều hôm nào muối không có thì ăn nhạt vì muối ở sóc khó kiếm và mắc lắm.

- Phụng biết.

Tiếng người nói xí xô một tràng rất lạ tai. Cả bốn đứa ngưng nói chuyện, vểnh tai nghe. Mắt Y-Shroc sáng lên?

- Họ ở cùng một sóc với Y-Shroc đó.

- Thế hả?
Xạo hỏi Sao Y-Shroc biết?

- Thì họ nói Y-Shroc nghe hiểu mà.

Y-Shroc thừa thông minh để hiểu rằng ngôn ngữ sóc mình tự nó đã là một thứ mật ngữ, nghĩa là nói ra người ngoài không thể hiểu được. Chính vì ỷ y như thế mà hai người đội nón cối kia nói chuyện bô bô như chỗ không người. Mà trong óc họ, có lẽ không người thật vì họ chưa nhìn thấy bốn đứa trẻ.

Y-Shroc hỏi Xạo:

- Người có sẹo đội nón cối mặc quần áo vàng kia là ai?

- Ông Đạt đấy.

- Đạt là ông nào?

- Ông Phó Giám Đốc Xưởng ráp xe Toyota.

Y-Shroc gật đầu, nháy mắt ra hiệu cho Dũng và Tiểu Phụng. Xạo thắc mắc:

- Mày hỏi làm gì?

- Thì cho biết vậy mà.

Dũng đỡ lời cho Y-Shroc:

- Nom ông ta oai phong, lẫm liệt.

Xạo cười:

- Chúng mày có muốn gặp ông ta không? Tao đưa lại nhưng đừng bao giờ hy vọng lấy được của ông ta một cục kẹo, một cái bánh hay cả… một cái xoa đầu. Ông Đạt hà tiện từ lời nói, tiền bạc lẫn cử chỉ tỏ lòng trìu mến.

- Có thế mới chơi được với mày, Xạo. Thương mày không được đâu, cho bánh mày một lần là kỳ tới mày tìm cách… moi túi người ta lấy cho kỳ hết tiền bạc đi mua bánh mới thôi. Mày là Xạo, gạt người ta tài lắm mà.

Xạo không giận, trái lại nó nhún vai cười rất tỉnh:

- Tao thế đó, mà đành bó tay trước mấy lão này.

- Nhà ông Đạt ở đâu? Tao không thấy?

Xạo bĩu môi:

- Thấy thế nào được? Khu vực riêng biệt dành cho các viên chức tay tổ trong nhà máy mà. Này nhé, Giám đốc và Phó Giám đốc ở trong hai biệt thự song lập rộng hơn hai ngàn thước, Quản lý xưởng có một biệt thự trệt. các Kỹ sư mỗi ông một căn nhà gạch đục màu đỏ. Còn các người thợ… như ba tao thì sống như thế đó…

Dũng an ủi:

- Mày đừng buồn. Tao thấy nhà mày đầy đủ tiện nghi lắm chứ. Nếu như ở Sài Gòn, trị giá bạc triệu.

Hai người đàn ông bỏ đi, Tiểu Phụng đề nghị:

- Thôi chúng mình về nhà. Tôi đói bụng quá rồi.

Xạo không bỏ lỡ cơ hội:

- Con gái háu đói ghê nhỉ. Mới ăn bánh mì phó mát đây mà.

Nhưng ba đứa trẻ còn lại không phản ứng gì về lời nói của Xạo. Chúng như đang bận tâm suy nghĩ điều gì. Xạo buồn so hỏi:

- Tao có giúp chúng mày được gì không? Thú thực tao có cảm tưởng là không phải tụi mày lên chơi với tao… có lẽ việc riêng…

- Không, lên thăm mày thật đấy. 


Bỗng Dũng lấy vẻ mặt nghiêm trang hỏi Xạo:

- Mày có biết giữ bí mật không?

Xạo cười:

- Lời nói của tao có ai tin là thật thì giữ bí mật hay không ăn thua gì?

- Tao không đùa.

- Tao xin thề sẽ không tiết lộ điều mày nói cho bất cứ ai, kể cả ba má và các em tao.

Dũng bắt đầu vào đề:

- Bọn tao ba đứa nay kết nạp thêm người thứ tư là mày, chúng tao lên đây đi tìm chú Vũ Anh, tác giả của phương thức làm việc 23/24 mày viết trong thư…

- Ông Giám đốc đâu phải tên Vũ Anh? Ông ấy tên Vương.

- Nhưng ông Vương chỉ có thể nghĩ ra điều ấy khi… đã có loại thuốc ngủ đặc biệt của chú tao… và hiện giờ chú Vũ Anh đã bị bắt cóc. Một bọn người Thái Lan dính vào vụ này đã đào tẩu mất dạng. Tụi tao đi tìm dấu vết bọn gian.

Y-Shroc xen vào:

- Tao không giấu mày điều chi cả. Mới đây ông Phó Giám dốc của mày để lộ nhiều dấu hiệu đáng ngờ.

- Cái gì?

- Ông ta hẹn tên kia đến nhà ông 5 giờ sáng mai đừng để ai trông thấy, không tốt. Thế là nghĩa lý gì?

- … Không có nghĩa gì cả. Tao không biết.

Tiểu Phụng mạnh dạn:

- Tại sao ông ta không muốn để thiên hạ trông thấy? Ông ta có điều chi phải giấu diếm? Ồ… Hay ông ta có vợ bé?

Dũng nhìn Phụng lộ vẻ thương hại:

- Ừ, biết đâu đó hả Phụng. Nhưng có lẽ không phải, tôi linh cảm như thế. Xạo… mày dò xét dùm tao việc làm của ông Phó Đạt được không? Mày ở đây lâu quen biết nhiều người lắm mà? Hay mày vào nhà ông ta chơi đi… rồi về kể tao nghe.

- Ba má tao biết được rầy chết.

Y-Shroc giơ ngón tay trỏ lên :

- Không rầy đâu, tao bảo đảm. Ba má mày còn khen nữa là khác. Vào nhà ông Phó Giám đốc đâu phải dễ. Có… bị đòn tụi tao nói đỡ cho.

- Mày bàn cũng như không? Thôi được rồi, tao dẫn tụi bây lại nhà ông Phó Giám đốc chiều nay.

Giờ tan sở bắt đầu. Một giờ đồng hồ sau, Luân, Dũng và Y-Shroc đến trước cổng sắt nhà ông Phó. Tiểu Phụng… tự nhiên cảm thấy đau bụng phải ở nhà nằm nghỉ theo lời khuyên của Dũng. Con bé ngại chạm mặt với ông Đạt, nếu người “quen” thì gặp ngay lúc này bất lợi.

Gia nhân của ông Phó mời cả ba vào phòng khách. Điều rất lạ là ông phó Giám đốc khả kính lại chịu thân đi tiếp chuyện với mấy đứa trẻ con. Ông không phải người yêu trẻ, cũng chẳng vui tính trẻ trung. Vậy đây là một hân hạnh đặc biệt dành cho Xạo, Dũng và Y-Shroc chăng?

Vẻ mặt ông Phó Giám đốc không tươi lắm nhưng ông vội đổi thái độ bảo ba đứa:

- Tôi xin lỗi đang có chuyện bực mình trong nhà. Các cháu đừng để ý nhé. Hai cháu từ Sài Gòn lên chơi với Luân hả ?

- Vâng. Cháu là Dũng còn bạn cháu là Y-Shroc.

- Y-Shroc?

Thằng bé đen đũi cười:

- Ông Phó… nói chuyện có duyên lắm. Cháu ở cao nguyên xuống Sài Gòn học và là bạn cùng lớp với Dũng.

Y-Shroc lập tức được ông Đạt chú ý nhiều nhất. Ông hỏi:

- Cháu ở sóc nào?

- Thưa… cháu ở dưới Ban Mê Thuột, sóc của mẹ Lầm.

Xạo cười thích chí. Y-Shroc đã học được “tài năng” đặc biệt của nó năm ba phần. Nhưng con người của ông Đạt, không dễ gì ai lường gạt được. Ông bỗng nhìn thẳng vào mắt Y-Shroc nói rất lớn một câu dài lạ tai, giọng đe dọa hung dữ,

Dũng điếng hồn ngồi yên không nhúc nhích. Xạo cũng đờ người đợi phản ứng của Y-Shroc. Không hiểu thằng bạn nhỏ thật thà kia có qua cầu nổi không. Nếu biến sắc bất thường ông ta sẽ biết ngay Y-Shroc nói dối, Y-Shroc chính là người của sóc địa phương này.

Nhưng thằng bé ngơ ngác như mán về thành phố. Nó không khiếp sợ cũng chẳng hoảng hốt. Ông Đạt không bắt nọn được gì, bèn quay sang vui vẻ nói bằng tiếng Việt với ba đứa:

- Các cháu không biết tiếng địa phương của đồng bào Thượng ở đây hả? Vui lắm và giản dị lắm. Các cháu muốn học, tôi dạy cho lúc gặp họ tha hồ nói chuyện.

- Cám ơn ông… hiện giờ chắc ông cũng đang bận nhiều việc…

- Bận thì lúc nào chẳng bận. Tự nhiên… tôi thấy mến các cháu lắm. Lúc nào muốn học, các cháu cứ bảo tôi nhé.

- Vâng.

Giữa lúc ấy trong nhà ông Phó có chuyện cãi vã ồn ào. Câu chuyện về cái giếng nước chung thì phải. Không đợi ba đứa hỏi, ông Đạt đã thở dài tâm sự:

- Bên tôi và ông Giám đốc có đào một cái giếng chung. Các cháu đã biết nước ở đây thật trong sạch khó kiếm lắm. Nước suối có chứa những lá rừng từ nguồn, chẳng may nếu gặp lá độc, uống vào có thể chết được. Máy bơm sẽ đưa nước lên một hồ cao và hai nhà xài chung. Nhưng sáng nay, mấy đứa trẻ bên ấy xả đồ dơ xuống giếng…

- Ông có bảo họ biết không?

- Có chứ. Nhưng anh Giám đốc thì xin lỗi còn chị vợ… bênh con. Và hai nhà cãi vã từ sáng đến giờ. Chuyện trẻ con mất lòng người lớn, tôi buồn lắm.

Dũng xin phép ông Đạt ra về. Lúc ra vườn ngang qua một aquarium (bồn kính) nó để ý thấy những con cá nhỏ bằng ngón tay màu sắc rực rỡ rất đẹp. Vây lưng và bụng to bản, xòe ra như hai cánh bướm. Nó toan hỏi ông Đạt nhưng nghĩ sao lại thôi. Ông ta đang bận suy nghĩ, không chú ý đến mấy đứa nhỏ.

Ra đường rồi còn nghe tiếng ông ta dặn với:

- Quên nữa, các cháu nhớ lại ăn Réveillon với tôi đêm Giáng Sinh nhé.

- Tụi cháu… không dám hứa chắc. Xin cám ơn ông.

________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII, VIII


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>