Nắng sớm trải
vàng trên những dãy nhà cao thành phố, bầu trời trong và mát rượi. Ngộ như
người nhàn hạ thả dọc theo một bên lề đường hướng về chợ Bến Thành. Qua ngang
những góc đường, trên những vỉa hè, ngày ngày vẫn những khuôn mặt khốn khổ, vất
vả như Ngộ. Những gánh hàng rong đặt ở một vài góc
đường, rải rác người mua. Những người đàn bà bán hàng cũng uể oải theo sự mua
bán rời rạc. Bác bán bánh mì ổ với một cần xé to được ràng kỹ sau yên xe, vừa
đạp chậm vừa rao inh ỏi. Tiếng rao của bác không thua gì chiếc kèn hơi, lúc
trước bác dùng nó để thay thế tiếng rao mỗi sớm đạp quanh trong những khu xóm
lao động. Những bác phu xích lô ngồi trong quán cóc mở sớm, trên miệng bập điếu
thuốc, mắt ngóng ra đường chờ đợi người khách đầu tiên. Những khuôn mặt đó, vẫn
còn một tâm hồn thảnh thơi sau khi gác công việc trở về nhà. Còn Ngộ lúc nào
cũng chừng như áy náy, lo lắng vì việc làm không lương thiện của ông bà Bảy
giao cho.
Trên đường đi
Ngộ không dám ngước lên nhìn thẳng vào ai hết! Ánh mắt nào cũng làm Ngộ lo sợ,
tưởng chừng như những ánh mắt đó thấy rõ ràng việc nó sắp sửa làm. Từ hôm thằng
Hạo bị bắt vì giựt hụt cái bóp của ông Mỹ đến nay, Ngộ phải đi làm ăn một mình.
Ngộ không tin việc làm của mình sẽ được trơn tru như mấy thằng nhỏ cùng ở chung
nhà ông bà Bảy. Tụi nó đứa nào cũng quá quen với công việc, tối mò về con ngõ
đều đưa đầy đủ số tiền góp trong ngày ông bà Bảy ấn định.
Đến con đường
thành phố chính, Ngộ thả chậm lại những bước chân trên vỉa hè. Hàng sách, hàng
vải và nhiều hàng tạp nhạp khác bày bán dài dài trên lề đường chỉ chừa lối đi
một khoảng nhỏ. Những tiền giấy sáng choang trong đầu Ngộ từ nơi những túi quần
khách hàng móc ra, đến người bán thối lại. Ngộ nhìn sững. Ngộ chần chừ đứng lại
bao lần và lần nào Ngộ cũng giả lơ đôi mắt xuống đường đi thẳng.
Ngọn roi cá
đuối của mụ Bảy hiện lớn trong đầu Ngộ vừa khuyến khích vừa hăm dọa. Đôi mắt
nghiêm nghị của ông cảnh sát trong phòng tạm giam hôm nào như bắt Ngộ dừng tay
lại. Ngộ không nhớ nổi, không đếm được bao nhiêu lần nó đã đi đi, lại lại trên
vỉa hè này. Đôi chân mỏi đuối, hai tay xuội lơ, đôi mắt muốn nhắm lại để không
thấy những đồng tiền vung vãi từ những cánh tay sang giàu này, đến những cánh
tay giàu sang khác. Ngộ nhớ đến Hạo, thằng bạn nhỏ thân nhất của nó cùng ở
trong con ngõ tối. Không có một con đường nào Hạo thèm rảo chân đến ba, bốn lần,
cũng không chậm rãi, quá nhút nhát như Ngộ. Ở nơi thằng Hạo có nhiều điều rất
lạ, từ chuyện nó không thèm xớ rớ đến một người Việt nào trên đường cũng là một
chuyện khó hiểu! Những cái bóp đầy ứ tiền của người ngoại quốc mới làm mồi cho
Hạo mà thôi.
Ngộ mang thắc
mắc đó hỏi Hạo:
- Sao lúc nào
tao cũng thấy mầy tránh né người mình, chỉ đụng đến mấy ông Mỹ to lớn kềnh
càng. Rủi có hôm không may mấy ổng tóm được, chỉ một bạt tai thôi, mầy cũng đủ
té lăn ra chết quá Hạo ơi!
Hạo cười
cười:
- Tao tự hứa
như vậy.
- Sao mày
không tự hứa bỏ luôn cái nghề móc túi này cho rảnh?
- Muốn lắm!
Nhưng đợi dịp tao mày trốn xa nhà ông bà Bảy đã.
- Lúc nào mày
cũng nói như vậy hết à! Mình bỏ đi biệt còn lâu ổng mới tìm cho ra. Hay là mầy
còn thích cái nghề này nên chưa muốn rời vợ chồng ông
Bảy?
Ngộ nghi ngờ
người bạn nhỏ của mình. Lần đó, giọng thằng Hạo chùng xuống:
- Mầy hiền
quá Ngộ ơi! Ông bà Bảy là con cọp dữ mà mình đang ngồi trước mặt họ. Phải đợi
đến lúc nào con cọp quên phứt mình đi mới tìm đường chạy được. Mầy thấy, có ai
ưa được cái nghề xấu xa của mình đâu! Lúc nào cũng sợ sệt, lúc nào cũng không
dám ngẩng mặt lên nhìn những người chung quanh. Như thế đó nên không bao giờ
tao dám lớ quớ đến người mình dù họ có sang trọng mấy đi nữa.
Hạo nói một
hơi dài và kể cho Ngộ nghe lần đầu nó đi làm ăn một mình, nó cũng sợ hãi và lo
âu như Ngộ bây giờ.
Một buổi
chiều Hạo đứng lấm lét trước một quán ăn sang trọng. Nó chờ đợi những người
khách lơ đễnh từ trong quán bước ra. Bất cứ cái bóng nào xuất hiện nơi cửa kính
quán ăn Hạo cũng nhìn chằm chằm không tha. Một dịp may đến với Hạo, từ trong
quán một đôi vợ chồng đi với hai người con bước ra. Đứa con gái lớn độ chừng
12, 13 tuổi đi bên người mẹ, còn đứa nhỏ được người chồng bồng trên tay. Hai
ông bà nói đủ thứ chuyện. Hạo không nghe được câu chuyện của họ, nhưng Hạo biết
chắc là vui lắm, vì đứa con gái lúc nào cũng cười luôn miệng. Hạo cố chờ đợi
xem người đàn ông có để ý gì đến mình không, nhưng người đàn ông vẫn vui vẻ nói
chuyện, không một mảy may biết có người rình rập.
Hạo lẹ chân
trờ tới. Nhưng không may cho Hạo, đứa con gái đi bên cạnh người đàn bà thoáng
thấy hét lên:
- Ba! Thằng
nhỏ móc túi kìa.
Người đàn ông
quay lại thật lẹ, xiết chặt cườm tay Hạo vặn chéo. Cái bóp da đen sóng sánh rơi
xuống hè đường. Người đàn ông vẫn còn nắm cổ tay Hạo, ông nghiêng người xuống
lượm cái bóp bỏ vào túi quần sau. Người vợ đứng sựng lại nhíu mày nhìn Hạo. Đứa
con gái đưa đôi mắt khinh bỉ.
Khuôn mặt Hạo
xám ngắt, nó muốn nói một câu gì đó để người đàn ông buông tha nhưng lưỡi nó
ríu lại. Hạo chờ đợi bàn tay rắn rỏi của ông giáng mạnh xuống khuôn mặt. Nhưng
không, ông nới rộng bàn tay xiết chặt và thả lỏng cánh tay Hạo xuống.
Tiếng người
vợ vang lên trong trẻo:
- Thôi tha
cho thằng nhỏ đi mình.
Những người
đang ăn trong quán đổ ra, người đi đường dừng lại ; đôi mắt ai cũng lườm nhìn
Hạo khó chịu. Hạo chôn chân cứng ngắc, đôi mắt nó nhìn xuống lòng đường nghe
cay. Hạo nghe trong đám đông có nhiều tiếng nói:
- Đánh bàn
tay nó cho nhừ ra, cho thiệt nhão để khỏi móc túi.
- Con nhà ai
mới chút tuổi đầu bàn tay đã dính keo! Kêu lính xúc nó bỏ bót cho rồi!
Người đàn ông
không giống những người chung quanh chút nào. Ông có đôi mắt rộng lượng của bầu
trời xanh trong khi người chung quanh có đôi mắt hẹp và tối. Giọng ông trầm
xuống:
- Thôi em nhỏ
đi đi! Ráng kiếm một nghề khác sinh sống nghen.
Sự việc xảy
ra trái với suy nghĩ Hạo đang có! Sự việc trái ngược như cái tát tai vào sự ích
kỷ, hạn hẹp chung quanh. Hạo “dạ” lí nhí trong miệng, bờ môi bậm cứng cho khỏi
bật tiếng khóc. Hạo ngẩng mặt lên để nhìn thấy rõ những người quá tốt với mình,
nhưng nó chỉ nhìn thấy sau lưng hai vợ chồng và hai đứa con gái đã sang đến bên
kia đường.
Người đàn ông
mà Hạo kể đó, không bắt buộc Hạo phải giữ lời hứa, nhưng chính Hạo tự hứa với
nó không bao giờ lạng quạng đến một người Việt nào hết. Với người ngoại quốc
hạo cũng thấy áy náy.
Nghĩ đến
người bạn nhỏ của mình, từ sớm đến giờ Ngộ đã qua thật nhiều con đường và đã
bao lần nó chần chừ đứng lại trước những dịp may, nhưng lần nào cũng có một
điều gì đó bắt nó đi thẳng.
Ngộ đảo ngược
con đường Lê Lợi một lần nữa, xong nó quay vòng về hướng chợ cũ. Nơi đây lúc
nào cũng đông người, từ sáng tinh mơ đến chiều xẩm tối may ra Ngộ kiếm được
chút đỉnh gì chăng? Dọc trên một hè đường rộng, những gian hàng thú vật được
bày bán như một sở thú nhỏ : Những con sóc quẩn quanh trong chuồng sắt ; một
vài chú khỉ nhe răng, trợn mắt như muốn nhát người đi đường ; những chú gà tre
oai phuông như một ông tướng, lưỡi kiếm là đôi cựa dài vuốt nhọn, khinh bạc
không thèm nhìn ai, chỉ chú ý đến những hột lúa vung vãi cạnh đó. Còn những chú
chó, cao có, lùn có, vằn vện, đốm ; những chú chó đốm ở đây đáng nghi! Người
bán ở đây có thể lấy mực tàu vẽ đốm lên mình chó. Người mua khoái chó đẹp đem
về vài ngày sau tắm rửa chó sẽ bạc phếch như bông. Một lần Ngộ nghe Hạo kể như
thế, nó không nín cười được khi nhìn một chú chó đốm đang đưa đôi mắt nâu ngó
ra đường.
Cũng vỉa hè
này xa xa một chút, Ngộ chú ý một đám đông đang quây tròn. Không hiểu người ta
đang coi gì ở đó? Ngộ bước tới chen chân với những người đã đứng trước, cho nửa
thân mình vào phía bên trong. Đó là một đoàn hát nhỏ của người bán thuốc dạo.
Trước mặt Ngộ, những chai lọ, những gói giấy kiếng màu được sắp gọn gàng vào
một chỗ. Bên cạnh đống thuốc, một cô gái trạc tuổi Ngộ, trong bộ đồ màu hồng đã
cũ, nhưng sạch sẽ. Con nhỏ có đôi mắt sáng lóng lánh như hai ngôi sao, cái
miệng lúc nào cũng cười chúm chím với chú chó to lớn đang nép đầu trong đôi tay
nhỏ. Người bán thuốc dạo là một ông lão khỏe mạnh, đầu tóc bạc trắng búi lại một
cục ở sau gáy. Chòm râu ông để dài cùng với màu tóc. Đôi mắt ông sáng trưng,
chứ không đờ đẫn thảm sầu như vài ông lão Ngộ gặp trên đường. Bộ đồ bà ba màu
nâu, quần rộng bó túm càng làm tăng vẻ quắc thước, khỏe mạnh nơi ông. Ông bước
những bước chững chạc vòng quanh đám khán giả vỉa hè, với giọng quảng cáo thuốc
nghe như tiếng chuông kêu.
Nói về đủ thứ
thuốc, về cách trị bệnh của mỗi loại xong, ông lão xuống giọng hết sức chân
thành:
- Đoàn bán
thuốc dạo chúng tôi đã đi khắp miền lục tỉnh, đâu đâu cũng được bà con, cô bác
tín nhiệm! Hôm nay chúng tôi đáo về thành phố vừa bán vừa quảng cáo thuốc người
mình. Chúng tôi lấy công làm lời, không mua một bán hai như những đoàn bán
thuốc dạo khác. Mời bà con, cô bác nhanh tay, chỉ còn độ chục chai nữa là hết.
Không hiểu có
phải ông lão bán thuốc dạo rao hàng hấp dẫn, hay những chai thuốc bổ gì đó
quyến rũ mà sau khi ông nói dứt câu, có tiếng người nhao nhao kêu mua:
- Lấy một
chai đi bác.
- Thầy Hai
bên này một chai.
- Thêm một
chai nữa đi bác.
- A, cô Tư thêm
một chai nữa. Bà con cô bác lẹ lẹ nhanh tay chỉ còn một vài chai nữa thôi.
Con nhỏ đi
theo ông lão thật tự nhiên và lanh lẹ! Mỗi chai thuốc được bán đi đều kèm theo
nụ cười làm mát lòng người mua. Tuần tự, người này mua, kẻ khác mua ; con nhỏ
lui tới uyển chuyển trong vòng tròn người, chiếc nơ bươm bướm màu hồng kẹp dính
vào mái tóc rung rinh theo ngọn gió nhẹ, như muốn bay lên khoảng trời xanh
trong vắt trên cao. Một thoáng, những chai thuốc bổ hết, giọng con nhỏ vang lên
thật trong:
- Vàng đâu ra
chào bà con cô bác.
Chú chó to
lớn tự nãy giờ nằm lì cạnh đống thuốc vụt đứng dậy bước tới khoảng giữa vòng
tròn sân. Con nhỏ ngồi thụp xuống bên cạnh đưa bàn tay vuốt nhẹ dưới cổ con
Vàng nói:
- Vàng đi một
vòng cám ơn bà con cô bác nghen. Giỏi, đứng lên.
Như nghe được
tiếng con nhỏ, chú Vàng đứng thẳng bằng hai chân sau, hai chân trước co quắp
trước ngực khập khễnh thân mình bước đi. Đám con nít ngồi chồm hổm vòng quanh
phía trước vỗ tay reo khuyến khích. Người lớn đứng vòng ngoài đưa mắt ngạc
nhiên, chắc lưỡi khen. Con Vàng làm xong phận
sự, cúi mọp thân xuống chào mọi người, mỗi lần cúi xuống chiếc vòng lục lạc
trên cổ vang lên những tiếng rộn vui.
Sau màn trình
diễn của con Vàng lại đến màn quảng cáo thuốc. Ông lão lại lui tới trong vòng
tròn người, từng cử chỉ, điệu bộ của ông coi vẫn còn lôi cuốn được người nghe.
Có một vài người đã bỏ đi, nhưng một thoáng sau họ lại quay lui, để xem còn thứ
thuốc nào tốt họ cần đến.
Ngộ đứng
nghiêng người về phía trước, hai tay thọc sâu vào túi quần. Đôi mắt nó mở lớn
nhìn những đồng tiền để bừa bộn trong cái giỏ đan, bên cạnh những chai thuốc.
Ngộ bỗng dưng ngán ngẩm cái nghề của nó hơn bao giờ! Phải chi nó kiếm được đồng
tiền một cách tự do và lương thiện như thế. Dưới mắt Ngộ, một nghề mới lạ và
thích thú. Đoàn bán thuốc dạo vỏn vẹn chỉ có ba người kể luôn con Vàng. Họ rày
đây mai đó, cuộc sống lúc nào cũng tươi vui, như giờ phút này Ngộ thấy họ không
một chút bận tâm buồn phiền trên mặt. Họ tranh thủ kiếm sống thật hồn nhiên,
không quần quật, không cúi lòn, không một ông chủ để họ tranh đua xu nịnh. Tất
cả thân chủ của họ đều là khách, những người khách cởi mở thân thiện. Phải chi
Ngộ được cuộc sống dễ thương như ông lão và con nhỏ đó! Ngộ sẽ không nghe bức
rức dày vò trước những cặp mắt đổ dồn, Ngộ sẽ ngẩng mặt tươi vui như con nhỏ
trong đoàn bán thuốc dạo, bờ môi như lúc nào cũng có nụ hoa hồng nhiều cánh dễ
thương quá đỗi.
Trong vòng
tròn người, ông lão và con nhỏ không còn chào mời thuốc nữa. Ông lão đưa mắt
sáng đảo một vòng chung quanh:
- Cám ơn bà
con, cô bác đã mua thuốc của chúng tôi. Để đáp lại thịnh tình nồng hậu đó, một
nghệ sĩ nhỏ trong đoàn bán thuốc dạo của chúng tôi, em Thanh Nhã,
xin trình diễn một bài ca mang tựa “Kiếp tằm”.
Ngộ cũng như
bao đứa nhỏ khác náo nức theo lời giới thiệu của ông lão. Sau lời giới thiệu,
con nhỏ tên Thanh Nhã nở nụ cười chào mọi người. Đôi mắt sáng
như hai ngôi sao và nụ cười mở ra, Ngộ tưởng chừng nụ cười đó đang cười với
mình.
Ông lão bước
tới chỗ để mấy chai thuốc lấy cây đờn một dây, và ngồi xếp bằng xuống chiếc chiếu
trải rộng cạnh đó. Cây đờn độc huyền được đặt ngang trên đùi ông ; sợi dây mỏng
manh bắt đầu vang tiếng nhạc thênh thang bay vút lên cao, dặt dìu, ảo não khi
tiếng nhạc xuống thấp. Tiếng đờn độc huyền ở cung bậc nào nghe cũng buồn. Năm
ngón tay điêu luyện của ông lão uốn nắn trên cần trúc. Con nhỏ Thanh Nhã
thả đôi mắt lơ lửng, bàn chân nhịp xuống vỉa hè. Lời ca quấn tròn bờ môi hồng
nhỏ. Bài ca đã buồn, tiếng đờn độc huyền càng buồn làm cho đám khán giả vỉa hè
nghe như chết lặng.
Từ khi tiếng
ca vang lên, những đứa nhỏ ngồi chồm hổm chung quanh bỗng im phắt, cũng như
những người lớn đứng vòng ngoài. Họ lặng yên nghe theo câu chuyện trong bài ca
con nhỏ Thanh Nhã kể. Cho đến khi câu cuối của bài ca chấm
dứt, tiếng đờn độc huyền của ông lão bán thuốc dạo vẫn còn vương vấn người
nghe.
Vòng tròn
người trên vỉa hè bắt đầu tản rộng và thưa ra. Trên vỉa hè còn lại một vài đứa
nhỏ chưa muốn dợm chân bước đi. Chúng đứng nhìn ông lão đang ngồi xếp lại những
chai thuốc bỏ vào thùng sữa và con nhỏ Thanh
Nhã đang ngồi đưa mắt giỡn với
con Vàng.
Ngộ vẫn còn
đứng dưới bờ thành phía bên trong lề đường, cách chỗ ông lão và con nhỏ Thanh Nhã
không xa lắm. Cái giỏ đan đựng tiền vẫn còn để nằm trên một thùng sữa, những tờ
giấy bạc nằm phơi dưới nắng làm Ngộ phát thèm! Ngọn roi cá đuối của ông bà Bảy
hiện lớn trong đầu Ngộ, ngọn roi mỏng manh từ từ lớn dần, lớn dần vừa hăm dọa,
vừa khuyến khích. Ngộ cúi gầm mặt xuống nhìn những ô gạch vuông trên vỉa hè,
tránh đôi mắt sáng của con nhỏ Thanh
Nhã tình cờ ngước lên.
Con nhỏ không
nhìn Ngộ lâu, đưa mắt sang ông lão:
- Ngoại à, ở
đây người ta mua thuốc mình nhiều ghê hén ngoại?
Ông lão cắm
cúi thu dọn, nói:
- Lâu lâu ông
cháu mình trở lại đây một lần họ mới mua như vậy đó, chứ ở đây hoài ế ẩm lắm
con ơi!
Thanh Nhã đưa mắt nhìn ra con đường rộng:
- Ở đây rộng
thênh thang và đông người. Ngoại và con bán không được chỗ này dời đi chỗ khác!
Chứ về những miệt lục tỉnh sao con ngán ơi là ngán! Ngoại nhớ kỳ về Vĩnh Long
hôn? Có bữa hổng bán được chai thuốc nào hết, trong khi con Vàng đi mỏi cả đôi
chân sau thiệt là tội nghiệp, còn con ca khan cả cổ cũng hổng ai mua nổi một
chai dầu gió. Thiệt rầu thúi ruột hén ngoại?!
Ông lão bán
thuốc dạo cười rung hàm râu trắng:
- Lâu lâu về
đây một lần thì được, nhưng ở hoài thì không! Ở quê mình dù có hôm không bán
được đi nữa, nhưng vẫn có gạo, có khoai của bà con người ta cho cũng còn sống
đỡ, còn trên này bán không được, chắc có nước nhịn ăn!
Hai ông cháu
Nhã mải nói chuyện không để ý gì đến Ngộ. Đôi mắt Ngộ lâu lâu vẫn liếc vào
chiếc giỏ đan đựng tiền. Ngộ chỉ cần có hai trăm thôi, số tiền không lấy gì làm
lớn lắm với những người có mức sống bình thường ở thành phố ; nhưng với Ngộ là
cả một số tiền lớn, sẽ đổi được nhiều thứ : Bữa cơm tối nay ở nhà vợ chồng ông
Bảy sẽ được đầy đủ, ngọn roi cá đuối sẽ yên lành máng trên vách không vun vút
giận dữ để lại những dấu vết thâm tím trên da thịt nó.
Bằng một thúc
đẩy nào đó, Ngộ bước tới lẹ làng chiếc giỏ đan đựng tiền trên thùng sữa. Không
ai thấy hành động của Ngộ, nhưng còn con Vàng. Chú chó tinh khôn lẹ như chớp
phóng tới, cái mỏ dài thượt của nó quạp vào phía sau lưng Ngộ dính cứng chiếc
áo.
Một tiếng hét
vang trong trẻo:
- Vàng, làm
gì đó?
Chú chó tinh
khôn vẫn ngậm cứng chiếc áo của Ngộ, làm mặt nó không còn một chút máu, đứng
chôn cứng xuống vỉa hè. Ông lão bán thuốc dạo đang cắm cúi xếp thuốc ngẩng mặt
lên. Con nhỏ Thanh Nhã thoắt chạy tới trước mặt Ngộ.
- Thả người
ta ra Vàng, làm gì cắn người ta hoài vậy?
Con Vàng nhả chiếc áo Ngộ ra, nhưng đôi
mắt nâu của nó vẫn mở lớn canh chừng như không muốn cho Ngộ chạy. Thanh Nhã
nhìn cử chỉ ngượng ngập đau khổ của Ngộ, con nhỏ buồn cười quá đỗi. Đôi mắt Nhã
bỗng mở sáng khi nhìn thấy tờ giấy một trăm đỏ nằm dưới chân Ngộ. Không giận dữ
như Ngộ nghĩ trong đầu, con nhỏ hồn nhiên kêu lên:
- Chứ bộ định
lấy tiền của ngoại tui hả?
Ông lão bán
thuốc dạo nghe vậy đứng lên bước tới chỗ Ngộ. Khuôn mặt ông không một chút thay
đổi ; đôi mắt ông lúc nào cũng sáng trưng làm người đối diện bối rối. Ngộ thấy
thấp thoáng đôi mắt nghiêm nghị của người cảnh sát hôm nào ở phòng tạm giam ;
nhưng đôi mắt ông lão ở đây khác người cảnh sát, có một chút gì trìu mến bên
trong hơn là nghiêm khắc đến phát sợ. Ông lão khom người lượm tờ giấy bạc dưới
chân Ngộ, giọng ông nhẹ hẳn lại:
- Con túng
lắm phải không?
Ngộ không nói
một lý do nào hết, giọng nó thảm não, sợ sệt:
- Dạ.
Nắng vàng
rạng rỡ trên đầu Ngộ, trên hai khuôn mặt ông cháu Nhã. Thằng nhỏ đứng trước mặt
ông là một đứa trẻ không may, và trên dải đất này biết bao đứa trẻ không may
như thế. Chiến tranh kéo dài đã sinh ra trăm ngàn nỗi khốn đốn mà chính tuổi
nhỏ cũng tham dự, chia phần. Trước những khốn đốn, tuổi nhỏ bao giờ cũng quá
tội tình. Người lớn, một số đông đã ích kỷ không dám nhìn thẳng vào sự thật,
nói thật với tuổi nhỏ. Họ đã vẽ bày nỗi vui rộn rã, sự sung túc bên cạnh những
khốn đốn bất hạnh ; những điều không thực trước một sự thật bi đát. Không một
đứa nhỏ nào sinh ra tự bản chất nó xấu, vì cuộc sống chung quanh thiếu ý thức,
vô trách nhiệm mới sinh ra cái xấu cho chúng mà thôi.
Ông lão nhẹ
vuốt chòm râu bạc:
- Con có còn
ai thân thích không?
Ngộ không
hiểu ông lão hỏi mình như thế để làm chi, giọng ông trìu mến càng làm Ngộ thêm
phần lúng túng. Nó thành thật:
- Dạ, con có
mỗi một mình và vài người bạn.
Con nhỏ Thanh Nhã
nghe nói vậy, giọng con nhỏ bỗng dưng quen thân:
- Anh giống
tui, nhưng tui may mắn còn ngoại thương yêu.
Ông lão đưa
tờ giấy bạc ra trước mặt Ngộ:
- Ông cho
con, hãy cầm lấy. Con hãy cố gắng vươn lên.
Ngộ do dự,
Nhã cười tươi:
- Ngoại tui
cho anh đó, cầm lấy đi.
Ngộ cầm tờ giấy
bạc trong tay, đôi mắt nó nhòa đi. Hai hàm răng nó kềm cứng lại để khỏi bật
khóc. Những trận đòn trên vỉa hè, những ngọn roi cá đuối của ông bà Bảy rát đau
trên thân thể chưa bao giờ làm Ngộ đổ một giọt nước mắt. Nhưng lòng nhân ái của
ông cháu Nhã đã làm Ngộ khóc, lần đầu từ ngày nó trốn khỏi viện cô nhi.
Ngoài đường,
nắng đổ lung linh theo hai cái bóng của ông cháu Nhã. Đôi vai ông lão nặng trĩu
gánh thuốc, còn Nhã và con Vàng rảo chậm theo sau. Ngộ đứng trên vỉa hè không
biết là bao lâu, đến khi hai cái bóng ông cháu người bán thuốc dạo khuất một
ngả, Ngộ mới lê đôi chân mỏi đuối trên đường. Ngộ đã có một quyết định: không
bao giờ nó đặt chân về ngôi nhà vợ chồng ông bà Bảy nữa. Tiếng ông lão trìu mến
âm vang trong đầu Ngộ:
- “Con hãy cố
gắng vươn lên.”
NGỌC PHƯƠNG
(Trích từ tạp
chí Tuổi Hoa số 223, ra ngày 1-6-1974)