Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

Mưa Cao Nguyên


Tôi vớ lấy khẩu súng săn rồi lặng lẽ bước ra khỏi nhà. Kể từ khi tới đây tôi chưa có dịp nào thuận tiện để đi săn cả. Rừng núi cao nguyên vào mùa này mưa như trút, mưa nhạt nhòa cả cảnh vật. Đến bây giờ trời mới sáng sủa một chút, tôi mang ngay đồ nghề lên đường, đồ nghề đây chỉ vỏn vẹn một khẩu súng và ít đạn. Tôi được tới đây cũng là một nỗi may mắn hiếm có. Nguyên bác tôi tình cờ ghé thăm sau mấy ngày ở lại nhà tôi chơi, ngỏ ý muốn mời mấy cháu theo bác lên cao nguyên chơi. Trong anh em tôi chỉ có mình tôi là muốn lên. Thực ra tôi cũng không muốn ở chơi một miền núi rừng heo hút nhưng có lẽ vì những thú vật, chim muông thúc dục tôi đồng ý thì đúng hơn. Chẳng còn lạ gì khi tôi có súng s8an mà chưa bao giờ được sử dụng cho sướng tay. Lên đây, cũng là một dịp may cho tôi vậy. Và cái dịp may ấy, có ngờ đâu lại là cả một câu chuyện...

*

Khi tôi mới lên đây Đức là người bạn đầu tiên của tôi. Tên anh là Đức nhưng thực ra anh lại là một thiếu niên thượng. Anh nói rất sõi tiếng Việt, có lẽ ở gần nhiều người Việt và chính những người đó đã gọi anh là Đức, thay vì phải gọi tên của anh, một tên của người thượng mà họ không quen gọi, nghe nó có vẻ làm sao! Da Đức ngăm đen, mớ tóc dài phất phơ làm tăng thêm vẻ rừng rú. Mắt anh to mà đen, đôi mắt ấy đập ngay vào nhãn tuyến của người khác. Người anh dong dỏng cao, toàn thân như chứa đựng một sức lực tiềm tàng của những người gần gũi với thiên nhiên từ thuở còn bé. Đó chính là vài nét sơ lược về Đức mà tôi muốn nói ra ít nhiều. Tôi còn nhớ hôm mới quen nhau Đức nói chuyện huyên thuyên. Anh kể chuyện có duyên lắm, nhất là về rừng rú, phong tục của những người dân thiểu số. Nghe Đức kể mà tôi cũng biết được ít nhiều về những gì ở đây vậy. Tôi chơi với Đức đây cũng là vì Đức rất tốt nhịn. Thật thế, tôi có nhiều tính xấu lắm. Tôi thích hơn người, tôi cứng đầu khó bảo, tôi hay bắt nạt những người yếu đuối, tôi lười biếng... Tôi biết rằng tôi có tính xấu nhưng tôi ích kỷ, tôi cho rằng nó chả hại cho tôi tý nào. Không có gì bắt tôi phải rũ bỏ những tính ấy. Giờ tôi đang nghỉ hè, còn lúc đi học, ở lớp tôi chả chơi thân được với tất cả anh em bạn. Họ chơi với tôi được một thời gian rồi cũng phải lánh xa. Bạn tôi chỉ còn là những người tâm tính như tôi mới họa may có thể chơi được lâu, nhưng cũng không gọi được là suốt năm học. Bây giờ tôi ở vùng này xa cách nhà tôi một khoảng đường dài, nhưng tính tôi không vì miền lạ mà thay đổi. Tôi còn nhớ cách đây mấy hôm, khi trông thấy một đứa trẻ ôm một con gà đá, tôi đã chạy lại định giựt. Không ngờ một đám thiếu niên thượng trông thấy chạy lại bênh vực đứa trẻ. Nếu không có Đức chạy lại thì cuộc ẩu đả đã xảy ra rồi. Lúc ấy tôi ức quá. Những thiếu niên thượng bỏ ra về, chỉ còn một mình Đức bên tôi. Tôi nhìn Đức bằng ánh mắt giận dữ mặc dầu tôi biết rằng Đức không dính dáng gì đến chuyện đó cả. Tôi nói to lên cốt để cho Đức nghe rõ : "Một lũ mọi mà cũng lên nước!!" Nhưng Đức không có một phản ứng gì cả. Mãi đến lúc chia tay về nhà Đức mới bảo tôi : "Chúc bồ nguôi giận nhá" Tôi không có một lý do gì để giận Đức nhưng sao tôi vẫn tưng tức Đức.

*

Tôi đi được một quãng đường thì gặp Đức. Đức giơ tay chào tôi:

- Bồ đi săn đó hả?

Tôi gật đầu chỉ tay vào khẩu súng:

- Súng săn chim đấy.

- Cho tôi cùng đi nhá.

- Đi thì đi.

Tôi cần Đức đi cùng cũng là vì tôi sợ lạc đường. Đức ở đây từ thuở nhỏ chắc chắn phải thông thạo rừng núi ở đây. Hai chúng tôi lặng lẽ cất bước về khu rừng. Một ý nghĩ thoáng qua, tôi hất hàm hỏi Đức:

- Rừng ở đây có nguy hiểm không?

Đức lắc đầu:

- Rừng này không nguy hiểm đâu. Bồ đừng lo.

- Thế hả.

- Trước kia rừng này cũng có một ít thú dữ. Sau chúng bị mấy tay thiện xạ trừ khử dần. Cuối cùng chỉ còn có một con, người ta biết rõ như vậy, một con báo. Báo bị săn đuổi cả chục lần nhưng đều thoát cả. Người ta lập bẫy nhử mồi. Báo mắc lừa mò tới bị bắn mù một bên mắt. Sau đó ít lâu không ai thấy nó đâu nữa. Có người bảo nó chết rồi, có người bảo nó chạy sang miền khác. Nhưng dù sao con vật tinh ranh ấy cũng đã tởn đến giả. Bồ thử tưởng tượng coi, một phát đạn xuyên mắt, đau lắm chớ.

Đức ngừng kể chuyện. Lúc đó tôi dồn tất cả ý nghĩ về con báo. Chắc nó ghê gớm lắm. Nhưng chả cần, nó đi đâu rồi còn gì. Nhớ tới con dao trong túi quần, tôi vội rút ra cốt để khoe Đức. Đức trông thấy xuýt xoa hỏi tôi:

- Dao này của bồ đó hả?

Tôi hãnh diện:

- Chớ sao.

Dứt lời, tôi bấm bật lưỡi dao. Lưỡi dao trắng bóng, sáng ngời hiện ra.

- Dao bấm!

Tôi không nói gì cả nhưng lúc ấy tôi sướng lắm. Tôi hãnh diện vì con dao bấm quý giá này. Hai chúng tôi đã đi đến khu rừng, tôi cầm dao phóng vụt vào một thân cây gần đấy. Nhưng dao bị trợt rớt xuống đất. Tôi ngượng chín người quay nhìn Đức, Đức vẫn thản nhiên.

Khu rừng với những cây cao vòi vọi, cỏ hoa mọc nhan nhản khắp nơi. Mặc dầu bữa nay trời nắng ráo mà mặt đất vẫn ẩm ướt, nhiều nơi lại có cả vũng nước. Mặt đất thì như bị lún xuống nếu tôi không cẩn thận bước đi hết sức nhẹ nhàng. Tôi ngắm nhìn từng tảng lá cây, từng đóa hoa rừng một cách thích thú.

Tôi nghĩ đến cú phóng dao lúc nãy mà ngượng thầm. Tôi lại rút dao ra, tôi cần phải phóng lại để cho Đức biết. "Tách", con dao bật lưỡi. Tôi ngắm kỹ vào một thân cây. Con dao lao đi trong nháy mắt đã cắm phập vào cây, nhưng sai vị trí đã định nên lại ở phía thân cây trên cao. Bây giờ làm thế nào để lấy xuống đây. Đúng lúc ấy, Đức leo vụt lên cây nhanh như cắt. Mặc dầu thân ướt át nhưng Đức leo vững chãi khác thường. Thoáng một cái, con dao đã được mang xuống.

Đức trao con dao cho tôi:

- Bồ nhớ đừng phóng ẩu, chẳng hạn lúc đi đường. Trúng người thì khổ.

Thật Đức nói trúng tâm lý tôi. Nhưng sao tôi cảm thấy khó chịu. Tôi giật con dao khỏi tay Đức:

- Ối giời! Khỏi cần khuyên.

Tôi đút dao vào túi quần lặng lẽ đi theo Đức. Thỉnh thoảng bóng con chồn chạy vụt qua, len lỏi giữa những kẽ lá rủ sát mặt đất. Từ đấy câu chuyện giữa tôi và Đức có vẻ nhạt nhẽo. Chính tôi tạo ra cái nhạt nhẽo ấy thì mới đúng.

*

Bữa nay là ngày thứ hai tôi và Đức lại vào rừng. Lần trước tôi chưa muốn bắn một phát đạn nào vì tôi còn muốn đi xem rừng cho sướng mắt đã. Giờ đây tôi rất sẵn sàng, tôi đã cẩn thận lau dầu vào súng mặc dầu lâu lắm tôi mới có dịp dùng nó.

- Này bồ trông kìa!

Tôi trông theo hướng tay Đức chỉ. Một con chim lạ mầu sắc rực rỡ đang mớm mồi cho bầy chim con trong tổ. Con chim ở cách tôi không xa. May bữa nay tôi lại đi cùng Đức, đây chính là một dịp để tôi khoe tài bắn súng. Trong khi Đức đang chăm chú nhìn con chim thì tôi cũng lên súng, sẵn sàng ở thế nhả đạn.

- Này bồ coi này.

Tôi vừa nhắm vừa gọi Đức.

Nhưng đến khi tôi vừa đặt tay vào cò thì một bàn tay cứng như sắt kéo giật tôi lại. Hóa ra Đức. Đức giơ tay phác một cử chỉ ngăn cản:

- Bồ đừng bắn.

Tôi hằn học hỏi:

- Tại sao?

Đức nói chậm rãi.

- Bồ bắn nó làm gì, tội nghiệp! Trước kia tôi cũng ham đi săn chim lắm, ham kinh khủng. Nhưng một ngày nọ lang thang trong rừng tôi trông thấy một con chim đẹp lắm. Tôi giương tên bắn. Chim trúng tên nhưng quái ác thay, nó bị mắc giữa những lùm cây. Tôi phải trèo lên để lấy và tôi thấy...

- Thấy cái gì?

- Một tổ chim con, phải một tổ chim con. Chim con thì kêu gào ầm ĩ, có lẽ chúng đói mồi. Nhưng chim mẹ chết rồi còn gì. Từ đấy tôi không ưa bắn chim nữa. Nhất là mấy thứ này đâu làm hại mình. Nếu bắn thì bắn diều hâu còn hơn. Bồ thấy không?

Tôi cười khẩy:

- Thương tâm quá nhỉ. Bồ nói chuyện nghe chịu không nổi.

- Nhưng bắn nó vô ích.

- Hà! Hà! Để tôi thử khẩu súng này một chút chứ. Hồ mới tới đến giờ tôi chưa bắn phát nào cả...

Đức cắt ngang:

- Bồ quên! Bồ bắn một phát chỉ thiên làm mọi người xôn xao, bữa nọ đó. Vả lại lát nữa đây thiếu gì mồi.

Tôi không nói gì nữa. Tôi lặng lẽ đặt súng nhắm kỹ con chim. Chim vẫn chưa bay, có lẽ nó không hay biết gì cả. Nó còn mải mớm mồi.

- Đừng!

Khẩu súng của tôi bị gạt rơi xuống đất. Lần này tôi tức quá, tôi lừ lừ nhìn Đức:

- Sao anh cản tôi hoài vậy?

Đức nói thản nhiên:

- Bồ đừng bắn nó. Tôi không thích bồ bắn nó.

- Hừ, sao đạo đức thế.

- Không phải như vậy, nhưng...

Nhìn vẻ mặt Đức tự nhiên quá, tôi tức ngùn ngụt:

- Mày muốn ăn thua đủ phải không?

- Xin bồ bớt nóng.

Con chim vỗ cánh bay đi.

Tôi sấn lại phía Đức quát ầm lên:

- Phải không?

- Đừng bồ.

Tôi tung một cú đấm vào mặt Đức nhưng Đức nhẹ nhàng tránh khỏi. Đức lanh lẹ như một con sóc. Như một con thú dữ tôi lao vào Đức.

Nhưng Đức lùi lại, đồng thời đưa một tay ra phía trước đỡ. Tôi chạm phải tay Đức, và vì mặt đất hơi trơn, tôi ngã sóng soài. Người tôi lấm đất be bét.

Tôi loạng choạng đứng dậy. Giờ đây trước tôi là khuôn mặt Đức. Sao tôi thấy Đức đáng ghét thế.

- Mày đi đi, không ai chơi với mày nữa!

Tôi tức giận xách súng bỏ đi. Khuôn mặt người thiếu niên thượng thoáng vẻ hớt hải âu lo. Đức chạy lại níu lấy tay tôi:

- Bồ, bồ đừng giận.

Tôi quay lại nhìn Đức:

Tao chả cần làm bạn với mày. Không khiến...

Câu nói bỏ lửng. Tôi hất tay Đức và rảo bước. Lá cây rừng hơi rì rào, tiếng động nghe mơ hồ. Tôi mỉm cười nghĩ đến Đức : chắc mày đau khổ lắm.

- Minh! Minh!

Tiếng Đức gọi sau lưng. Tôi vẫn lặng lẽ bước không thèm ngoái cổ lại.

*

Tôi đã giận Đức được bốn ngày rồi. Lỡ gặp nhau, tôi làm vẻ phớt tỉnh như không. Tôi biết rằng Đức cũng muốn làm thân lại lắm, nhưng tôi thì lại không muốn tí nào. Tôi giận Đức, cơn giận ấy chưa nguôi. Tôi còn nhớ rõ sau hôm x6ảy ra vụ cãi nhau giữa tôi và Đức, tôi đã nghĩ cách trả thù Đức cho bõ ghét. Ba Đức thích chơi những loại hoa. Vì thế trong vườn đa số cây ông trồng đều là cây hoa cả. Ông yêu hoa như yêu con, những lúc rảnh rỗi ông thường bỏ ra hằng giờ để săn sóc chúng. Sáng chiều ông lại giao cho Đức tưới nước. Những lúc ông vắng nhà, Đức luôn luôn chịu trách nhiệm về vườn cây này.

Đó chỉ là một khoảng đất hẹp ngăn cách với nhà bác tôi bởi một hàng giậu thưa hết sức sơ sài. Từ bên này người ta có thể nhảy qua bên kia thực dễ dàng. Tôi chả cần phải nhảy hay leo gì cả. Tôi khum sát người xuống, tôi đã nghĩ ra cách trả thù, tôi với tay bứt mấy cây hoa gần đó. Cây bị bứt rễ nằm lăn lóc trên mặt đất.

Tôi sung sướng nhìn chiến thắng của mình. Chắc chắn Đức bị đánh vì tội không trông nom để gà lạ vào phá phách. Tôi hành động như thế mà không một ai hay. Hàng rào nhà Đức thì thưa lại sơ sài, thế nào ba Đức cũng cho là gà phá phách.

Quả thật như thế, tôi chả phải chờ lâu. Đến chiều hôm ấy, Đức bị đòn dữ dội. Tiếng hét la quát tháo của ba Đức nghe rõ mồn một. Tôi cười mừng cho chiến thắng của mình...

Tiếng người gọi làm tôi quay phắt người lại. Đức đứng ngoài hàng rào chõ vào nói với tôi:

- Này bồ, con báo chột đã về rồi. Một người bị báo vồ gẫy chân đó Minh ạ. Mấy người ở buôn bàn tán xì xào lắm. Hình như họ định đặt bẫy gì đó. Tôi khuyên bồ nghỉ đi săn ít lâu đi.

- Đi về đi. Đừng có làm quen.

Lời nói sẵng, vẻ mặt lạnh lùng của tôi làm Đức tiu nghỉu bỏ về. Tôi nhìn theo bóng dáng người thiếu niên thượng khuất dần. Mày muốn cho tao không đi rừng thì có, tao bắn chim dữ quá mà!

*

Tôi quanh quẩn giữa những bụi cây lá rừng nhan nhản. Con chim vừa bị bắn rớt rơi ngay đây mà sao tôi kiếm vẫn chẳng thấy. Hay nó đã bị lá cây che khuất. Tôi dùng tay bới từng tảng lá ra, những bụi gai cứa vào tay tôi đau nhói. Hoài công! Chả có gì cả! Tôi chán nản xách súng trở lại. Những cây rừng cao vòi vọi, những tàng lá cây bụi cây rậm rạp như ôm bọc lấy tôi. Tôi chán nản khác thường. Rừng không một tiếng chim hót, đâu đây những tiếng rì rào của lá cây bị thổi. Văng vẳng tiếng nước chảy róc rách. Trời đã về chiều, chắc mọi người giờ này đang ăn cơm. Tôi ham chơi quá! Tôi đi biền biệt từ trưa đến giờ, lang thang giữa cả một giải rừng. Càng lang thang nhiều tôi càng lý thú. Những chỗ rừng sâu có thật nhiều thú vật. Tôi bỏ chiếc mũ ra, đầu tôi ướt đẫm mồ hôi. Cảnh vật sao hoang vắng quá!

Tôi chợt nhớ tới con báo chột. Lời Đức nói là sự thật. Con báo đã trở về, người ta bàn tán xôn xao, người ta lập bẫy bắt nó nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả gì. Nếu bây giờ tôi không đi săn nữa thì đúng là tôi nghe lời Đức. Không, không thể thế được, một ý nghĩ thoáng qua tâm trí tôi : dã thú ưa đi săn ban đêm. Nhưng tôi lại vào sâu trong rừng, nhỡ chạm ngay chỗ ẩn náu của báo...

Tôi chúm môi huýt một bản nhạc vui vui, tạo cho mình nỗi phấn khởi. Nhưng lúc này tôi mệt quá, tôi cất bước chậm chạp như một bà già. Nỗi lo lắng dù sao cũng bớt ngự trị trong trí óc tôi...

Nhiều tiếng sột soạt làm tôi giật nẩy người. Chuyện gì xẩy ra vậy? Tôi không định rõ được tiếng động ấy phát xuất từ đâu nữa. Tôi chỉ cảm thấy sợ lắm, một sự sợ hãi đến rợn người. Tay tôi nắm chặt lấy khẩu súng. Và... khi ấy, khi tôi cố sức trấn tĩnh lại thì, trước mặt tôi : một con báo. Phải, một con báo, nhưng cành lá che khuất chỉ để lộ ra đầu nó. Một mắt vàng xanh như thôi miên lấy tôi. Còn mắt bên kia? Trời ơi! Báo chột! Sao lúc ấy tôi sợ quá. Tôi run lên bần bật, chân tôi quýnh lại. Tay tôi đánh rớt khẩu súng từ lúc nào. Con vật nhìn tôi, một mắt lừ lừ, cái miệng hơi mở ra gừ gừ như sẵn sàng ăn tươi nuốt sống tôi. Lá cây rung động.

Đến bây giờ tôi mới nhận thấy những lời nói của tôi lúc trước khi ấy sao "hăng" thế. Tao mà gặp hổ báo, tao đánh tay đôi. "Tác dăng" mà. Sức mấy sợ nó. Nhưng bây giờ tôi đã làm được gì. Tôi đứng trân mắt nhìn con vật. Mồ hôi ướt đẫm cả lưng. Mình làm sao thế này? Tiếng chuyển mình của báo làm tôi thót người. Tôi phóng mình chạy bất kể cỏ cây gai rừng đầy rẫy. Huỵch! Chưa chạy được một tí nào tôi đã vướng rễ cây ngã lăn. Sợ quá, tôi đâm liều. Con dao bấm rớt trên mặt đất làm tôi chợt nhớ đến nó, tôi vớ vội bấm "tách". Tôi chưa kịp nhổm dậy thì con báo đã lao tới rồi. Hai bàn chân đầy móng vuốt cào soạt lên bả vai tôi. Tôi hét lên đau đớn. Dao trong tay, tôi đâm túi bụi vào con vật. Như không biết sợ là gì, con báo lăn xả vào ngoạm lấy chân tôi. Tôi cuống cuồng né tránh ngã lộn. Quần áo rách tả tơi, máu đầy mình tôi bật dậy chống đỡ... Vầm!!! Hông tôi đau rợn người. Tôi đánh rớt dao ngã quỵ xuống.

Đúng lúc ấy, khi sự nguy hiểm tưởng đã gần kề, tôi còn đủ sức nhận thấy một thiếu niên thượng lao vào. Thiếu niên bình tĩnh nhìn con vật coi thường, khinh mạn nó. Tôi kịp nhận ra : Đức! Phải rồi chính Đức!...

Đức lùi lại mấy bước, con dao dài lưỡi chĩa ra đằng trước ở thế sẵn sàng xáp chiến. Con vật thấy người lạ ở gần mình thì bỏ tôi chồm tới phía Đức. Tôi thấy Đức lẹ làng quá. Đức nhìn con vật cười. Một nhát! Hai nhát!... Con dao trong tay Đức đâm liên tiếp vào mãnh thú. Con báo lồng lên dữ tợn. Tôi cố gượng ngồi dậy để giúp sức Đức nhưng không được. Toàn thân tôi ỉu xuống. Tôi chỉ còn biết ngước mắt nhìn người và vật đang quần thảo. Sao giờ đây tôi hối hận quá. Giữa tôi và Đức là cả một sự cách biệt. Đức có đủ tính tốt, còn tôi, thật tôi quá xấu xa, ti tiện. Tôi hối hận.  Tôi sẽ rũ sạch mọi tính xấu của mình Trời ơi! Con báo quơ bàn chân đầy vuốt vào mặt Đức. Đức né sang một bên rồi đâm một nhát thật mạnh. Lưỡi dao cắm phập vào bụng con vật chỉ còn lộ cán ra ngoài.

Máu đỏ phun ướt đẫm cả người Đức. Mặt Đức, chân tay Đức dính đầy máu. Đức tay không. Con báo chưa chết lao vụt tới. Sao nó khỏe quá. Tôi thấy người và vật quần thảo trên mặt đất hung bạo hơn bao giờ hết. Con báo đè hẳn lên người Đức. Đức rút được con dao ra. Tôi không trông thấy người Đức đâu nữa, cánh tay Đức vòng lên quơ trong khoảng không vài cái rồi đâm một nhát vào cổ họng con thú. Con vật gầm vang rồi gục xuống.

Tôi không thấy Đức trở dậy. Đức sao thế? Xin Đức tha thứ cho tôi những lỗi lầm ngày trước. Giờ đây Đức vẫn nằm yên, bất động, máu đầy người, máu của những vết thương lẫn máu của con vật. Đức bỏ tôi rồi sao?

Mưa bất chợt ào xuống. Mưa ào ào bao phủ miền cao nguyên núi rừng. Người tôi lạnh ngắt. Tôi thoáng trông thấy, qua màn mưa mờ ảo, những bóng người mỗi lúc một tiến gần hơn, núi rừng trùng điệp lờ mờ khi ẩn khi hiện. Mưa thật to. Tôi giơ một tay làm hiệu cho đám người nhìn thấy dễ dàng hơn. Tôi đây này mấy ông! Tiếng kêu gọi của tôi lạc lõng tan biến vào khoảng không gian đang bị cơn mưa cao nguyên chế ngự.

Mưa tàn bạo hơn bao giờ hết. Tôi gục xuống thiếp đi.


HOÀNG ĐẠI NGUYỄN THI HÙNG    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 165, ra ngày 15-11-1971)

oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>