Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Lá tủi thân


Một

“Có lẽ trong xóm, gia đình em là gia đình đông nhất. Ngoài ông bà nội, ba má, chúng em có tất cả chín anh chị em, em là thứ bảy.

Năm nay, ông bà nội em đã già lắm rồi, có đến sáu mươi. Râu ông nội em bạc trắng, em vẫn thường vuốt ve mỗi khi ông ẵm. Bà nội em ưa nhai trầu, lúc nào miệng cũng tóp tép, răng chưa rụng bao nhiêu. Ông bà cũng còn có dáng khỏe mạnh, còn cuốc xới rau trái được. Việc đồng áng thì giao cho ba em từ ngày má em sinh con Tám, em kế em. Ba em mạnh khỏe lắm, da đen đủi, bóng lộn. Nhất là khi ba em làm việc ngoài đồng nắng, mồ hôi nhễ nhại, xem ba hệt như pho tượng đồng đen. Em thường gặp ba với hình ảnh đó vào những trưa đi học về. Thấy em, ba hay cười, quệt mồ hôi, rồi hai cha con đưa nhau về dùng cơm. Đi bên ba, em thấy mình nhỏ bé hẳn và thấy vững lòng vì được chở che. Má em trái lại, người gầy, xương xương, nhưng được cái ít khi đau ốm, em chưa thấy má bệnh đến hai ngày bao giờ, chỉ sơ sơ một ngày, xông một nồi nước là hết. Má em ngày ngày ra ngoài sạp bưởi bán, nhờ trời, má không nói thách, nhiều người tin cậy, nên cửa hàng đắt lắm. Vườn bưởi nhà em thật hữu ích.

Anh Hai em năm nay đã lên đại học, đi dạy học tư, tháng tháng vẫn đưa cho ba má em chút ít tiền kiếm được. Anh hiền lắm, hay chỉ bảo thêm cho các em, lại không đánh chúng em bao giờ, chỉ dịu ngọt dạy dỗ. Em ưng anh Hai nhất nhà. Chị ba em cũng còn đi học, ngồi lớp đệ nhất trường công. Chị ấy thích sau này sẽ thành dược sĩ gì đó, nhưng nghe đâu học khó mà tốn lắm, không biết rồi chị có được toại ý không, vì nhà em chỉ đủ ăn. Chị Tư em nghỉ học từ năm đệ ngũ, phụ với má em ngoài hàng hay lo việc bếp núc. Kế là anh Năm. Anh này ngộ ghê, học chẳng có môn nào khá cả, trừ môn quốc văn. Ông nội em bảo anh giống ông hồi nhỏ, không ưa toán, chỉ ham văn chương thơ phú. Anh Sáu mới mười ba tuổi, học đệ lục, siêng lắm. Chưa bao giờ phiếu điểm của anh có điểm nhỏ, toàn là nhất nhì. Em bắt chước anh Sáu, cố chăm học, nên không đến nỗi nào. Những đứa dưới em, có con Tám, thằng Chín, thằng Mười, ngồi lớp ba, tư, mẫu giáo trường làng. Má em thường gọi thằng Mười là út, má nói, nhất định má không sinh nữa, chín đứa đủ rồi, sinh nhiều chỉ thêm khổ, nuôi nhọc.

Tuy đông người thế, nhưng gia đình em không ưa xảy ra những chuyện xích mích, cho dù là giữa những đứa nhỏ như từ em trở xuống. Chúng em được anh Hai dạy bảo nhiều nên biết thương ông bà cha mẹ, không gây gổ nhau. Lúc nào gia đình cũng vui vẻ, nhất là vào bữa cơm. Thôi thì chuyện còn hơn pháo tết.

Gia đình em không giàu tiền của, ruộng vườn, nhưng lắm yêu thương hạnh phúc. Em mong sao đừng bao giờ em phải mất đi một người thân yêu trong gia đình. Có lúc em đã nghĩ rằng con người sẽ không chết nữa.”


Hai

Con Lá đọc lại một lần bài luận, sửa lỗi chính tả, chấm phết, rồi mới gấp để vào tập, mai góp. Cực ghê, làm luận tưởng tượng không gì khó bằng. Phải tự đặt ra cái thế giới nho nhỏ, phải sắp đặt, lại phải diễn tả ra. Đề luận cô cho kỳ ghê : “Tả những người thân yêu trong gia đình em”. Con Lá phải nghĩ mãi mới tưởng tượng mà đặt ra bài luận. Vì nếu tả chính gia đình nó, con bé chỉ viết được vài ba dòng. “Tả những người thân yêu trong gia đình em”, gia đình con Lá có ai đâu mà tả. Chỉ có ba nó với nó. Nhập đề hai dòng, tả ba nó hai dòng, nó hai dòng nữa, kết luận hai dòng nữa. Ngắn ngủn. Điểm nhỏ là chắc rồi. Mà con Lá đâu bao giờ muốn điểm nhỏ, nó muốn làm vui ba nó, hơn nữa, ba nó thường bảo : “Gắng học bây giờ, ngày sau sẽ đỡ khổ cực”. Nhà chỉ có hai cha con, con Lá không nghe lời ba thì nghe lời ai bây giờ.

Chợt có tiếng của ông Năm đờn:

- Học rồi chưa Lá, ra dợt lại bản nhạc coi.

Con Lá dạ một tiếng, rồi vội bỏ tập vô cặp, đến bên ba. Ông Năm đờn đã ôm cây đờn cũ ngồi trên chõng đợi tự bao giờ. Con Lá ngồi xuống cạnh ba, chiếc chõng kêu cót két. Ông Năm đờn hỏi con Lá:

- Mày thuộc bài rồi hả Lá?

Lá đáp:

- Con làm luận chớ không phải học bài, mà xong rồi.

- Thế bài nhạc mày thuộc chưa?

Con Lá nhăn mặt:

- Con ghét ca tân nhạc quá ba, ca vọng cổ đi ba…

- Vọng cổ gì, lóng này họ ít ưa vọng cổ rồi. Mày không thấy hôm mày ca bài “Hàn Mặc Tử” người ta cho quá cỡ đó sao. Đó là mày còn ca trật, tao còn đờn chưa rành. Chớ giờ mình dợt lại cho hay, dám được nhiều tiền lắm nghe con…

Con Lá nhìn lên mặt ba, vết thẹo dài kéo từ gò má lên tới giáp mí mắt trái, nhắc con bé nhớ lại ngày ba nó bị nạn, té từ ngọn dừa xuống bụi, bị đui luôn. Vết thẹo hằn trên mặt, ba nó chẳng được thấy một lần. Con Lá thấy tội ba ghê. Rất nhiều lần, nó thấy chán và gớm tởm cái “nghề” mà cha con nó đang làm, là đờn hát xin tiền bố thí của hành khách xe đò. Con Lá nhớ như in những cặp mắt khinh khi, những cái bĩu môi của khách đi xe. Nó muốn khóc, nhưng nghĩ lại ba, con Lá cố quên đi tủi nhục, rán sức.

Thấy con Lá ngồi im không nói, ông Năm đờn tưởng nó bỏ đi đâu, hỏi:

- Mày đâu rồi Lá?

Con Lá giật mình đáp:

- Con nè ba.

Ông Năm đờn nói:

- Ca nghe, tao đờn đó.

Con Lá dạ nhỏ trong họng, đợi ba dạo mấy khúc nhạc đầu, xong, nó bắt nhịp:

- Ai mua trăng tôi bán trăng cho… trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ…

Lúc này, ngoài trời trăng cũng đã lên cao. Con Lá nhìn ra, nó thấy con trăng đậu trên ngọn cau nhà ai xa lắc. Nó nghĩ đến cái ông Hàn Mặc Tử nào đó, mà có lần ba nó kể chuyện, chắc đã làm thơ lúc nhìn trăng như nó lúc này. Nhưng con Lá không nghĩ đó là Hàn Mặc Tử, nó nghĩ là ba nó. Vì ba nó mới thực khổ cực, khổ cực như người thơ ngày xưa vậy. Bị cùi và bị đui có hơn gì nhau đâu.


Ba

Xe chạy đến chợ Đồn thì dừng lại, chờ xe ngược chiều qua hết. Người tài xế vừa đạp thắng, xe chưa dừng hẳn, những bà, những cô, những bé gái, bé trai, tay nâng cao từng rổ bánh kẹo, bưởi, mía ghim, ùa ra vây quanh xe mời mọc. Những tiếng rao quen thuộc:

- Mía ghim đây…

- Bưởi ổi đây…

- Bánh mì nóng đây…

Buổi sáng, nắng vừa lên, chói sáng nhưng không nóng. Cô Tiên với tay kéo tấm mành gỗ che một phần cửa xe. Nắng chỉ còn bám lên những thanh gỗ vô tri, cũ mèm. Một bé gái đưa rổ mận lên ngang cửa sổ xe, mời:

- Mua dùm em chục mận, cô Hai… mận cù lao mới hái…

Cô Tiên lắc đầu từ chối. Con bé bưng rổ đi nơi khác. Những tiếng mời rao vẫn vọng đều đều:

- Cô Ba mua dùm ổ bánh đi cô Ba…

- Thầy Hai mua dùm miếng bưởi xẻ, ngọt lắm…

Tiếng còi xe phía chiều ngược thật nhộn. Sáng chủ nhật, hành khách đi Sàigòn nhiều, nãy giờ có đến mấy chuyến xe liên tiếp, xe đò, xe hơi nhà, xe gắn máy cũng lắm. Điệu này chắc phải đến mười lăm phút mới hết xe chiều ngược. Cô Tiên lơ đãng nhìn sang bên kia đường. Gió thổi nhẹ làm vài sợi tóc cô lòa xòa. Chợt từ phía cuối xe có tiếng đờn ca. Cô Tiên ngoái lại, cô chỉ thấy một người mù tay ôm đàn, và mái tóc của một bé gái. Con bé đang ca bài Hàn Mặc Tử, người đàn ông mù, chắc là ba nó, đàn theo. Con bé ca thật ngọt, một tay nâng cao chiếc nón cũ xin tiền. Cô nghe đâu tiếng quen quen…

- Đường lên dốc đá… nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa…

Con bé đã ca lần thứ hai, và người đàn ông mù cũng được nó dẫn lại gần cửa sổ xe, chỗ cô Tiên ngồi. Cô lấy trong hộp ít tiền lẻ, đợi con bé đưa chiếc nón cũ lên, cô bỏ tiền vào, mấy đồng bạc cắc kêu leng keng. Cô liếc nhìn con bé, nhưng chiếc nón che khuất. Đợi đến lúc nó dắt ba đi nơi khác, cô mới thấy rõ. Và trời ơi! Con Lá! Đứa học trò giỏi nhất lớp cô, đứa học trò ngoan nhất lớp cô, đứa học trò có giọng ca hay nhất lớp cô đang đứng dưới kia, một tay dắt ba, một tay cầm nón xin tiền.

Cô Tiên dụi mắt sợ mình nhìn lầm. Nhưng rõ ràng là con Lá. Vậy mà hôm nào trả luận, cô hỏi có phải gia đình nó tả trong bài luận là thật, con bé trả lời phải. Cô đinh ninh nó sung sướng, có dè đâu. Có lẽ con bé tủi thân, không dám nói thật, sợ cô cười.

Con Lá vẫn cất tiếng, những đồng tiền cắc bố thí rớt thêm vào chiếc nón. Con bé hát như cái máy, miệng hát nhưng mắt ngó đâu đâu. Nó lơ đãng nhìn lên xe, nhìn xuống đường, nhìn ra cầu, nhìn xuống mé sông. Làm như với nó, công việc không là một ý muốn, mà là bắt buộc. Con Lá từ từ nhìn lại phía sau, cô Tiên thấy nó nhìn dần về phía mình. Cô sợ con bé thấy, vội kéo mành cửa xuống, nhưng cô mới vừa với tay níu mành cửa, cô đã nghe con Lá kêu một tiếng “ý” rồi không ca thêm nữa, dắt vội ba nó lủi vào lề. Ông Năm đờn bước vội theo con hỏi:

- Xe chạy rồi hả?

Con lá dối:

- Dạ, xe chạy rồi…

Mắt nó đỏ hoe, mặt nó bừng bừng nóng. Nó chỉ muốn chạy thật nhanh về nếu không vướng chuyện phải dắt ba nó. Con Lá nói:

- Mình về nghe ba.

- Gì kỳ vậy, mới có ba chuyến xe mà đã đòi về…

- Con nóng đầu quá, ba…

Ông Năm đờn lắc đầu chán nản. Con Lá nói thêm:

- Ngày mai con nghỉ học, ba…

- Chi vậy?

- Để ở nhà hát thế bữa nay…

Ông Năm đờn biết tính con, ưa thay đổi. Ông tưởng con Lá nóng đầu thiệt, chịu về. Con bé được ba ưng, dắt ba về thiệt lẹ.

Đằng này, đoàn xe cũng bắt đầu qua cầu. Tiếng máy xe nổ ầm ĩ.


Bốn

- Trong lớp cháu, em Lá là đứa học trò khá nhất đó bác.

- Cám ơn cô, đó cũng là nhờ cô dạy dỗ. Chớ tôi từ ngày đui mù tới giờ, không kèm cho nó được chữ nào, chỉ biết khuyên nó…

- Thấy em chịu học, cháu mến lắm. Em cũng mến cháu nữa. vậy mà không hiểu sao, mới thấy cháu ngồi trên xe, em đã bỏ chạy… Rồi lại nghỉ học mấy ngày…

- Nó sợ cô cười đó thôi, con bé còn nhỏ mà nhiều lúc như người lớn vậy, tự ái, ngồi khóc một mình. Về, nó có kể cho tôi nghe chuyện thấy cố…

- Tội nghiệp em, có lẽ vì thế mà em nghỉ học…


- Chút nó về, nhờ cô nói dùm tôi. Chớ tôi nói sao nó cũng không chịu đi học nữa. Cô tội nghiệp dùm tôi, có mình nó, mà ngày sau nó thất học, chắc tôi ân hận lắm…

Cô Tiên nhìn vào gương mặt người cha khốn nạn, có đôi giọt nước mắt ứa ra từ đôi mắt mù lòa. Cô an ủi:

- Bác để cháu lo cho, rồi thế nào em cũng đi học lại…

Ngoài ngõ có tiếng con Lá:

- Ông Bảy hết đế rồi, ba ơi…

Rồi nó chạy xộc vào nhà, tay cầm chai xá xị không. Cô Tiên gọi:

- Lá.

Con Lá đứng sựng lại, nhìn cô. Tay nó nắm cứng chai xá xị không, như để nương tựa. Rồi không biết nghĩ sao, con bé òa ra khóc. Cô Tiên bước đến dìu nó ngồi xuống cạnh mình, đưa tay vuốt lại làn tóc rối cho con bé, hỏi:

- Cô có làm gì đâu mà em sợ vậy…

Con Lá cúi gầm mặt không nói, cô Tiên lại thêm:

- Nghèo đâu phải xấu em. Biết giúp cha mẹ trong việc sinh nhai là quý lắm, sao em lại mắc cỡ…

Bấy giờ con Lá mới nói:

- Bị… có con bạn nói em là… đồ ăn xin…

- Đứa nào vậy, nói cô biết coi?

- Cô đừng phạt nó mới được…

- Ừ.

- Con Nhạn đó cô…

- Rồi tại vậy mà em cho đi ca kiếm tiền là xấu hả?

- …

- Nếu cô nói việc em làm là một việc tốt, em có tin không?

Con Lá tròn mắt, nhìn cô. Nước mắt nó đọng quanh mi, nó không đáp mà hỏi lại:

- Thiệt không cô?

Cô Tiên cười:

- Sao lại không thiệt? Em biết giúp đỡ ba để kiếm sống là tốt lắm. Ai biết chuyện cũng phải khen em hết. Nào, trả lời cô coi, cô nói vậy em tin không?

Con Lá vẫn nhìn cô không chớp, nó chưa đáp vội, liếc nhìn ba. Ông Năm đờn ngồi cạnh đó, không biết đang nghĩ gì, mặt buồn thiu. Con Lá thấy tội ba nó quá, đáp:

- Em tin…

Cô Tiên cười, con Lá cười theo. Nó lại nhìn ba, và nó thấy ba nó cũng nhếch mép cười nữa. Cô Tiên dỗ:

- Ngày mai đi học nghe Lá, mai có giờ luận đó…

- Cô cho tả gì thì tả chớ đừng bắt tả chuyện nhà nữa nghe cô, khó tả quá…

Cô Tiên nhớ lại bài luận của con Lá hôm trước, cô trêu:

- Khó mà em tưởng tượng được là : “Có lẽ trong xóm, gia đình em là gia đình đông nhất…”

Con Lá cười. Ông Năm đờn tuy không hiểu rõ, cũng cười theo. Ông nói:

- Đông gì, nhà có hai cha con…


NGUYỄN THÁI HẢI


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 198, ra ngày 1-4-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>