CHƯƠNG I
Nắng soi chếch trên những ngọn lá. Hướng vừa nheo mắt nhìn, vừa nói :
- Chiều lắm rồi đấy “bà con”! Ai đã muốn về nào?
Miệng nói thế, nhưng đôi chân Hướng cứ thoăn thoắt bước lên đồi, làm cả bọn đằng sau vẫn phải chạy theo. Giang, đi chót hết, vờ đưa bàn tay lên miệng làm loa, kêu :
- Hướng! Đi gì mau vậy, thằng khỉ?
Văn lẩm bẩm :
- Nó dẫn cả bọn đi đâu đây ? Bộ muốn cho lạc chắc?
Hai cô con gái đi ở giữa, không nói gì, chỉ nhìn nhau cười mà nắm lấy tay nhau bước lên những cành cây ngã ngang lối mòn để đi cho kịp Hướng. Anh chàng này, ỷ là người duy nhất biết đường, nên xung phong đi trước thật nhanh.
Hướng đã dừng lại ở trên đỉnh đồi, quay lại chờ các bạn. Bốn người phía sau còn đang hì hục đi lên. Hướng bỗng che miệng cười, Huyền hỏi:
- Cái gì mà cười vậy Hướng?
- Tôi cười Huyền đấy. Dân Sàigòn có khác! Trông giống như bò lên đồi, chứ không phải đi lên đồi.
Huyền nhặt một hòn sỏi ném vào người Hướng, đỏ mặt:
- Khỉ! Nói một câu hai nghĩa nhé!
Đoan nhìn bạn, trêu:
- Tại lâu ngày rồi Huyền nó ở Sài gòn toàn đường bằng nên quen phóng xe Honda thôi.
Cả bọn cười rộ lên. Huyền nói :
- Dân tỉnh khi dễ tôi há ? Tôi cũng dân tỉnh vậy chứ bộ.
Hướng bẻ một cành cây khô nghe “rắc” một cái :
- Thôi, mình ở đây chơi một lát rồi về.
Giang bĩu môi :
- Tao chẳng hiểu ở đây có cái gì đẹp mà mày dẫn cả bọn đi muốn dại chân. Mấy khúc bánh mì bây giờ tiêu tan mất, khi tao theo mày leo lên cái đồi này.
Hướng thản nhiên nét mặt, bước tới vài bước, nói :
- Mày mới là khờ. Lại đây xem.
Cả bọn tiến đến nhìn theo tay chỉ của Hướng. Sau những cành lá, ai cũng nhận ra một dòng suối chảy lững lờ bên dưới. Nước suối trong và xanh biếc. Cảnh thì hoang và đẹp không ngờ.
Đoan kêu lên :
- Tuyệt! Hoan hô con nhà Hướng!
Huyền xuýt xoa theo :
- Tụi mình xuống đó chơi đi!
Hướng lắc đầu :
- Không được. Tôi dẫn đến cho xem thôi, giờ mà xuống đó chắc đến tối mới về lắm. Nhất là leo xuống sườn đồi bên này tôi e Huyền phải... trườn chứ không phải bò đâu.
Huyền bụm miệng cười, Hướng tiếp :
- Còn hai thằng Giang với Văn này, bảo đảm là thấy suối thế nào cũng ùm xuống tắm, mất cả buổi nữa.
- Vậy là chúng mình không xuống suối ư ?
- Có lẽ nên như vậy. Mình còn cả khối thì giờ. Tôi sẽ dẫn mấy bồ đi chơi suối một bữa. Từ sáng đến giờ tụi mình mệt quá rồi. Bây giờ nên về. Vả lại tôi lo trời sắp mưa.
Đoan nhìn lên trời. Quả thật, một vùng trời ở phía tây đen ngòm.
Cô bé nói :
- Chết! Chắc sắp mưa thật.
Hướng hỏi :
- Có ai đem áo mưa không?
Ai cũng đưa áo mưa của mình ra. Chỉ trừ Đoan là không có, Huyền nói :
- Ủa ! Đoan không có áo mưa. Lúc sáng Huyền có nghe bác dặn đem mà!
Đoan nói nhỏ :
- Có ! Nhưng mình... quên.
Thật ra, Đoan không quên. Lúc má nhắc đem áo mưa, Đoan đã viện cớ là phải đem nào bánh mì, nào nước uống trong giỏ, không còn chỗ để đựng áo mưa. Và Đoan đã lờ chiếc áo mưa để khỏi mang theo. Đoan không hiểu là mình ghét chiếc áo mưa hay là thích được dầm mưa. Nhưng Đoan nghĩ rằng đi đâu cũng kè kè bọc báo mưa trông mất tự do thế nào.
Huyền chép miệng :
- Vậy thì nếu trời mưa cô bé dầm mưa nhé!
- Không sao! Đoan thích vậy.
- Í đâu được. Mùa này mà mưa là độc lắm. Về bệnh luôn chứ đùa sao ? Mấy bồ không biết chứ ở trong Sàigòn bây giờ là mùa mưa. Ngày nào mưa cũng ngập đường sá. Nhưng mà như vậy tốt hơn. Tôi về đây mấy ngày rồi mà thấy trời khô queo. Bây giờ mà mưa thì “khỏi chê”. Nào, ai có thể nhường áo mưa cho cô bé ?
Hướng vội nói :
- Tôi! Tôi xin sẵn sàng.
Không ngờ câu nói đột ngột của Huyền được hưởng ứng, cả bọn cùng vỗ tay, Văn nói :
- Chà! Thằng khỉ đáng khen ghê!
Hướng giả vờ dậm chân tức bực :
- A, sao cứ gọi tao là thằng khỉ hở mầy ?
Văn cười :
- Ở đây ai cũng có biệt hiệu cả. Không có kêu nài. Như là nhỏ Huyền nè, bữa nào về Sàigòn mang theo biệt hiệu...
Huyền ngắt lời :
- Huyền bò.
Không ai nhịn cười được. Huyền nói :
- Tôi rất hân hạnh mà nhận tên “Huyền bò”. Ở Sàigòn bạn bè không thân thiết như ở đây. Ai cũng xem như mình đã lớn, nếu không giữ kẽ với nhau thì đối xử với nhau thật là giả dối. Tôi không tìm thấy tình bạn như thế này.
Đoan gật đầu :
- Chứ sao! Bọn mình từ nhỏ học chung một lớp, đến lớn vẫn thân thiết với nhau, phải hơn những người bạn mới quen chứ?
- Tôi muốn nghỉ hè về đây là phải đi chơi thật nhiều. Vào Sàigòn lại chắc là nhớ lắm.
Hướng nói, như để chính mình nghe:
- Ước gì cứ như thế này mãi nhỉ?
Giang đấm vào lưng bạn:
- Thằng khỉ! Mày lầm bầm gì thế? Làm thơ hả?
- Đâu có! Tao... À, tao muốn dẫn cả bọn đi về. Gần tối rồi. Quên nữa, để cho cô bé yên bụng, cô bé hãy cầm áo mưa của tôi.
Đoan cầm lấy áo mưa. Huyền trêu :
- Hướng nó muốn ngày mai đến ăn hết cây ổi của nhà Đoan đó nhé!
Văn nói :
- Nhớ chừa mấy con sâu lại...
Hướng không thua :
- … cho thằng Văn.
Nắng chỉ còn vài ánh le lói nơi góc trời đen. Cả bọn theo lối cũ, xuống đồi. Lần này Giang, Văn xuống trước, rồi đến Huyền và Đoan. Đã quen lối và cách đi nên không ai luống cuống nữa. Đi một lát bỗng Huyền quay lại, la lên :
- Chết rồi! Hướng đâu?
Bốn người dừng chân, ngạc nhiên nhìn quanh tìm Hướng. Giang đùa :
- Cọp tha nó rồi!
Văn bắt tay làm loa, kêu lớn :
- Hướng ơi... ời...
Một lát sau Hướng từ sau một thân cây to ló ra, tay còn cầm con dao nhỏ. Hướng vừa xếp dao lại, cất vào túi, vừa nói :
- Mới vắng ta có một tí đã la ầm.
Văn trợn mắt :
- Thằng khỉ! Tưởng mày bị cọp vồ chứ? Đi ăn cắp trái gì đó ?
- Hỏi làm gì? Có một thứ hoa dại rất đẹp. Cho ai nè ?
Đoan sáng mắt lên khi thấy nhánh hoa dại trong tay Hướng.
- Cho tôi đi!
Và nâng niu nhánh hoa dại, Đoan nghĩ đến tập ép hoa của mình ở nhà. Giang vẫn còn thắc mắc:
- Tao không tin là với bàn tay mạnh như cọp của mày mà phải dùng dao để cắt một cành hoa dại.
Hướng cười bí mật :
- Kệ tao, dùng dao là quyền của tao. Bây giờ, tiếp tục xuống đồi!
- Chiều lắm rồi đấy “bà con”! Ai đã muốn về nào?
Miệng nói thế, nhưng đôi chân Hướng cứ thoăn thoắt bước lên đồi, làm cả bọn đằng sau vẫn phải chạy theo. Giang, đi chót hết, vờ đưa bàn tay lên miệng làm loa, kêu :
- Hướng! Đi gì mau vậy, thằng khỉ?
Văn lẩm bẩm :
- Nó dẫn cả bọn đi đâu đây ? Bộ muốn cho lạc chắc?
Hai cô con gái đi ở giữa, không nói gì, chỉ nhìn nhau cười mà nắm lấy tay nhau bước lên những cành cây ngã ngang lối mòn để đi cho kịp Hướng. Anh chàng này, ỷ là người duy nhất biết đường, nên xung phong đi trước thật nhanh.
Hướng đã dừng lại ở trên đỉnh đồi, quay lại chờ các bạn. Bốn người phía sau còn đang hì hục đi lên. Hướng bỗng che miệng cười, Huyền hỏi:
- Cái gì mà cười vậy Hướng?
- Tôi cười Huyền đấy. Dân Sàigòn có khác! Trông giống như bò lên đồi, chứ không phải đi lên đồi.
Huyền nhặt một hòn sỏi ném vào người Hướng, đỏ mặt:
- Khỉ! Nói một câu hai nghĩa nhé!
Đoan nhìn bạn, trêu:
- Tại lâu ngày rồi Huyền nó ở Sài gòn toàn đường bằng nên quen phóng xe Honda thôi.
Cả bọn cười rộ lên. Huyền nói :
- Dân tỉnh khi dễ tôi há ? Tôi cũng dân tỉnh vậy chứ bộ.
Hướng bẻ một cành cây khô nghe “rắc” một cái :
- Thôi, mình ở đây chơi một lát rồi về.
Giang bĩu môi :
- Tao chẳng hiểu ở đây có cái gì đẹp mà mày dẫn cả bọn đi muốn dại chân. Mấy khúc bánh mì bây giờ tiêu tan mất, khi tao theo mày leo lên cái đồi này.
Hướng thản nhiên nét mặt, bước tới vài bước, nói :
- Mày mới là khờ. Lại đây xem.
Cả bọn tiến đến nhìn theo tay chỉ của Hướng. Sau những cành lá, ai cũng nhận ra một dòng suối chảy lững lờ bên dưới. Nước suối trong và xanh biếc. Cảnh thì hoang và đẹp không ngờ.
Đoan kêu lên :
- Tuyệt! Hoan hô con nhà Hướng!
Huyền xuýt xoa theo :
- Tụi mình xuống đó chơi đi!
Hướng lắc đầu :
- Không được. Tôi dẫn đến cho xem thôi, giờ mà xuống đó chắc đến tối mới về lắm. Nhất là leo xuống sườn đồi bên này tôi e Huyền phải... trườn chứ không phải bò đâu.
Huyền bụm miệng cười, Hướng tiếp :
- Còn hai thằng Giang với Văn này, bảo đảm là thấy suối thế nào cũng ùm xuống tắm, mất cả buổi nữa.
- Vậy là chúng mình không xuống suối ư ?
- Có lẽ nên như vậy. Mình còn cả khối thì giờ. Tôi sẽ dẫn mấy bồ đi chơi suối một bữa. Từ sáng đến giờ tụi mình mệt quá rồi. Bây giờ nên về. Vả lại tôi lo trời sắp mưa.
Đoan nhìn lên trời. Quả thật, một vùng trời ở phía tây đen ngòm.
Cô bé nói :
- Chết! Chắc sắp mưa thật.
Hướng hỏi :
- Có ai đem áo mưa không?
Ai cũng đưa áo mưa của mình ra. Chỉ trừ Đoan là không có, Huyền nói :
- Ủa ! Đoan không có áo mưa. Lúc sáng Huyền có nghe bác dặn đem mà!
Đoan nói nhỏ :
- Có ! Nhưng mình... quên.
Thật ra, Đoan không quên. Lúc má nhắc đem áo mưa, Đoan đã viện cớ là phải đem nào bánh mì, nào nước uống trong giỏ, không còn chỗ để đựng áo mưa. Và Đoan đã lờ chiếc áo mưa để khỏi mang theo. Đoan không hiểu là mình ghét chiếc áo mưa hay là thích được dầm mưa. Nhưng Đoan nghĩ rằng đi đâu cũng kè kè bọc báo mưa trông mất tự do thế nào.
Huyền chép miệng :
- Vậy thì nếu trời mưa cô bé dầm mưa nhé!
- Không sao! Đoan thích vậy.
- Í đâu được. Mùa này mà mưa là độc lắm. Về bệnh luôn chứ đùa sao ? Mấy bồ không biết chứ ở trong Sàigòn bây giờ là mùa mưa. Ngày nào mưa cũng ngập đường sá. Nhưng mà như vậy tốt hơn. Tôi về đây mấy ngày rồi mà thấy trời khô queo. Bây giờ mà mưa thì “khỏi chê”. Nào, ai có thể nhường áo mưa cho cô bé ?
Hướng vội nói :
- Tôi! Tôi xin sẵn sàng.
Không ngờ câu nói đột ngột của Huyền được hưởng ứng, cả bọn cùng vỗ tay, Văn nói :
- Chà! Thằng khỉ đáng khen ghê!
Hướng giả vờ dậm chân tức bực :
- A, sao cứ gọi tao là thằng khỉ hở mầy ?
Văn cười :
- Ở đây ai cũng có biệt hiệu cả. Không có kêu nài. Như là nhỏ Huyền nè, bữa nào về Sàigòn mang theo biệt hiệu...
Huyền ngắt lời :
- Huyền bò.
Không ai nhịn cười được. Huyền nói :
- Tôi rất hân hạnh mà nhận tên “Huyền bò”. Ở Sàigòn bạn bè không thân thiết như ở đây. Ai cũng xem như mình đã lớn, nếu không giữ kẽ với nhau thì đối xử với nhau thật là giả dối. Tôi không tìm thấy tình bạn như thế này.
Đoan gật đầu :
- Chứ sao! Bọn mình từ nhỏ học chung một lớp, đến lớn vẫn thân thiết với nhau, phải hơn những người bạn mới quen chứ?
- Tôi muốn nghỉ hè về đây là phải đi chơi thật nhiều. Vào Sàigòn lại chắc là nhớ lắm.
Hướng nói, như để chính mình nghe:
- Ước gì cứ như thế này mãi nhỉ?
Giang đấm vào lưng bạn:
- Thằng khỉ! Mày lầm bầm gì thế? Làm thơ hả?
- Đâu có! Tao... À, tao muốn dẫn cả bọn đi về. Gần tối rồi. Quên nữa, để cho cô bé yên bụng, cô bé hãy cầm áo mưa của tôi.
Đoan cầm lấy áo mưa. Huyền trêu :
- Hướng nó muốn ngày mai đến ăn hết cây ổi của nhà Đoan đó nhé!
Văn nói :
- Nhớ chừa mấy con sâu lại...
Hướng không thua :
- … cho thằng Văn.
Nắng chỉ còn vài ánh le lói nơi góc trời đen. Cả bọn theo lối cũ, xuống đồi. Lần này Giang, Văn xuống trước, rồi đến Huyền và Đoan. Đã quen lối và cách đi nên không ai luống cuống nữa. Đi một lát bỗng Huyền quay lại, la lên :
- Chết rồi! Hướng đâu?
Bốn người dừng chân, ngạc nhiên nhìn quanh tìm Hướng. Giang đùa :
- Cọp tha nó rồi!
Văn bắt tay làm loa, kêu lớn :
- Hướng ơi... ời...
Một lát sau Hướng từ sau một thân cây to ló ra, tay còn cầm con dao nhỏ. Hướng vừa xếp dao lại, cất vào túi, vừa nói :
- Mới vắng ta có một tí đã la ầm.
Văn trợn mắt :
- Thằng khỉ! Tưởng mày bị cọp vồ chứ? Đi ăn cắp trái gì đó ?
- Hỏi làm gì? Có một thứ hoa dại rất đẹp. Cho ai nè ?
Đoan sáng mắt lên khi thấy nhánh hoa dại trong tay Hướng.
- Cho tôi đi!
Và nâng niu nhánh hoa dại, Đoan nghĩ đến tập ép hoa của mình ở nhà. Giang vẫn còn thắc mắc:
- Tao không tin là với bàn tay mạnh như cọp của mày mà phải dùng dao để cắt một cành hoa dại.
Hướng cười bí mật :
- Kệ tao, dùng dao là quyền của tao. Bây giờ, tiếp tục xuống đồi!
*
Đoan cẩn thận đặt nhánh hoa dại ngay ngắn giữa tờ giấy báo, rồi đậy lại. Và Đoan bê một cuốn sách dầy đè lên. Chỉ độ ba, bốn ngày nữa, mở ra, Đoan sẽ được một nhánh hoa khô dễ thương và gắn vào tập ép hoa của mình.
Đoan bảo với chị Thúy :
- Hướng nó cũng thích hoa dại lắm chị Thúy ạ. Mà chiều nay nó khám phá ra thứ hoa này đẹp ghê, em chưa thấy bao giờ.
Chị Thúy nói, trong khi vẫn chăm chú với công việc của mình :
- Hướng tốt với Đoan như vậy, mà Đoan thì lơ đãng lắm! Trời không mưa thì trả áo cho nó, lại mang luôn về nhà.
Đoan chối :
- Tại... em quên.
- Lúc nào chị cũng nghe là em quên. Tập tính lại đi cô bé ! À, lúc sáng má có vẻ buồn Đoan đấy !
- Chuyện gì hở chị ?
- Má dặn Đoan mang theo áo mưa, rồi lại sợ Đoan quên, má đem áo mưa để ngay bàn nước. Thế mà cũng không đem. Má nói với chị là Đoan ít khi nào tỏ ra vâng lời má.
Đoan cúi đầu, nói nhỏ :
- Em... em không cố ý. Lúc nào em cũng muốn cho má vui. Nhưng tại vì … em rất ghét mang áo mưa.
- Một câu nói có chữ “nhưng” là một câu nói mâu thuẫn. Đoan phải chọn một trong hai điều, không bao giờ có chữ “nhưng”.
Đoan im lặng. Chị Thúy khuyên bao giờ cũng đúng. Và sự im lặng của Đoan ngầm cho chị Thúy hiểu là Đoan sẽ nghe lời chị. Chị Thúy lại tiếp tục nắn bức tượng dở dang, và Đoan ngước nhìn những cánh hoa Hoàng Hậu rơi trước hiên nhà. Đêm xuống thật bình yên. Thời gian và khung cảnh thuận tiện cho sự hồi tưởng. Đoan nhớ ngọn đồi trông xuống dòng suối. Chưa có dòng suối nào xinh như thế. Đoan thích những cảnh hoang và buồn như dòng suối đó. Hướng quả thật đã khéo lựa cảnh. Hình như tính của Hướng có vài điểm giông giống tính Đoan. Ý nghĩ này làm Đoan thấy ngộ nghĩnh. Đoan cười một mình. Chị Thúy hỏi :
- Chuyện gì mà thú vị thế?
Đoan nói lạc đi:
- À, em nghĩ đến chuyện tụi bạn cứ gọi Hướng là “thằng khỉ”.
- Ừ, nó cũng khỉ thật.
- Còn Giang là “Giang lé”, tại mắt nó hơi lác lác, Văn là “Văn ăn vụng”, và Huyền là “Huyền bò”.
- Thế Đoan là gì?
- Tụi nó bắt chước chị, gọi “cô bé“.
Chị Thúy cười :
- Vậy là tên “thằng khỉ” với “cô bé“ là nghe dễ thương nhất.
- Chẳng có hay chi cả. Em tức sao cứ gọi em là “cô bé“. Người ta cao lêu nghêu thế này mà bé gì ?
Chị Thúy trố mắt :
- Cha, bộ lớn lắm rồi sao? Năm nay bao nhiêu tuổi?
- Mười sáu tuổi tây.
- Thế là “nhớn” rồi hả cô bé?
Đoan cười:
- Ít ra cũng đến tuổi làm căn cước rồi chứ bộ!
Chị Thúy không nhịn được cười. Nhưng bỗng chị nói, giọng trầm hẳn xuống :
- Hồi bằng tuổi Đoan, chị cũng thích làm người lớn lắm. Tới chừng lớn thật, xa gia đình, ra sống bon chen với đời, mới hay mình muốn trở lại tuổi bé thơ. Nhưng khó lắm, Đoan ạ !
Chị nghiêng đầu ngắm bức tượng, thở ra :
- Đã lớn rồi, đã ra đời rồi, muốn nhỏ lại, làm nũng với ba má cũng hết được rồi! Chừ về ở với ba má ngày nào, là cố làm hết cách cho ba má vui ngày ấy. Chỉ có vậy thôi, chị thấy vẫn chưa đủ.
- Nhưng khi sống ở Sàigòn, chị cũng thấy vui chứ?
- Không vui đâu Đoan. Không có nơi nào ấm bằng nhà của ba má mình cả. Dĩ nhiên là có rất nhiều bạn, có rất nhiều sinh hoạt. Nhưng mỗi khi chỉ còn một mình, nhớ ba má, nhớ em, phát khóc được Đoan ạ!
- Sao em không nghe Huyền nó nói như chị?
- Đoan quên là Huyền sống ở Sàigòn với cả gia đình sao? Nơi đó có ba, có má, còn gì bằng? Nên nỗi nhớ của Huyền đâu có bằng nỗi nhớ của chị. Huyền nó sống như thế, là nó đã xem Sàigòn như là quê hương của nó rồi. Quê hương đâu phải chỉ là mảnh đất, mà còn bao gồm những người thân nữa.
Lại một câu chí lý. Đoan thừ người ra, suy nghĩ. Những lời nói của chị Thúy – không cãi vào đâu được – đã làm chùn ý định của Đoan. Từ khi Huyền ở Sàigòn về, Đoan có ý muốn nói với chị Thúy rằng nếu Đoan thi đậu, sẽ xin ba má cho Đoan vào học ở Sàigòn. Nghe Huyền kể những sinh hoạt trong trường của Huyền, Đoan rất ham thích và muốn mình được tham dự. Trường của Đoan, một trường tư ở thành phố nhỏ, nghèo nên thiếu phương tiện để tổ chức những sinh hoạt cho học sinh. Huyền hứa, nếu Đoan đậu có hạng, Huyền sẽ nộp đơn giùm Đoan vào trường của Huyền thật dễ dàng.
Đoan thở dài. Có lẽ phải đợi đến khi xem xong kết quả rồi mới ngỏ ý với ba má và chị được. Bây giờ nói cũng hơi sớm. Chị Thúy có nhiều tư tưởng chín chắn quá, nên ít khi Đoan dám trình bày với chị, sợ lời nói của mình quá vụng về sẽ không làm vừa lòng chị – trái ngược với những lúc vui vẻ tự nhiên, chị sẵn sàng đùa giỡn với Đoan như ngày còn thơ ấu.
Chị Thúy hình như sắp nắn xong bức tượng. Chị nói :
- Đoan này, nhìn thử xem ra hình thù gì chưa?
- Con gà – Đoan reo lên.
- Đúng rồi! Năm nay là năm Dậu, nên chị nắn con gà để cho nó đứng trên bờ tường. Chắc là ba sẽ thích thú lắm! Mỗi năm ba sẽ có một con để làm kỷ niệm.
- Em tiếc trong mười hai con giáp không có con cá để chị nắn vài chục con bỏ vào hồ nước.
Chi. Thúy cười khúc khích :
- Cần gì? Mình đã có đàn cá thật, xem vui mắt hơn. À, nói đến cá mới nhớ, Đoan đã cho cá ăn chưa nhỉ?
- Dạ rồi. Chị tưởng em đi chơi từ sáng rồi quên bầy cá của chị sao?
Chị Thúy đưa một ngón tay lên :
- Của ba, chứ không phải của chị.
Tự nhiên Đoan thấy bồi hồi. Đoan đến ngồi gần bên chị, hỏi nhỏ :
- Chị Thúy, em thấy nghỉ hè về nhà chị chỉ lo vẽ tranh, nắn tượng và trồng cây cho ba má. Ngoài những thứ đó, chị không nghĩ gì cả sao?
Chị Thúy nhìn Đoan trìu mến:
- Đoan muốn chị nghĩ gì nào ?
Đoan không đáp, yên lặng nhìn một cánh hoa nữa vừa rơi xuống trước mặt. Chị Thúy thở dài :
- Đừng bao giờ hỏi chị những câu khó trả lời nghen cô bé! Tối nay, tự nhiên chị thấy buồn buồn thế nào! Đoan vào xem ba má đã đi ngủ chưa, rồi đem đàn ra đây đàn cho chị nghe đi!
Đoan đứng dậy đi vào nhà. Ba với má vẫn còn ngồi trong phòng khách. Đoan nghe má nói với ba :
- Con Đoan nó cao lêu nghêu ghê chưa ông ?
Có tiếng ba nói hơi nhỏ :
- Mười bảy tuổi mình rồi còn gì? Nó sắp xa tôi với bà rồi!
- Ông chỉ nói bậy. Đời này chứ bộ...
- Bà mới là nghĩ bậy. Bà không nhớ là năm nay nó mà đậu Tú tài một, sẽ sang năm Tú tài toàn, rồi cũng phải vô Sàigòn học như chị Thúy của nó. Không xa nhà thì là gì?
- Ừ nhỉ!
Đoan mỉm cười, và rón rén xách cây đàn ra sân. Lúc này chị Thúy đang thận trọng đặt bức tượng lên bệ gạch và đi đến giếng múc nước rửa tay. Đoan so dây đàn vừa xong thì chị Thúy cũng đã ngồi xuống chiếc ghế mây cạnh bên :
- Mai chị sẽ nắn tượng tiếp. Bây giờ Đoan đàn bản “Romance” đi!
Những nốt nhạc cao mở đầu bài nhạc, nghe thánh thót. Không khí như đọng lại ở một nơi nào. Những cánh hoa đã ngừng rơi trước hiên nhà, chỉ còn trước gió những sợi dây leo đong đưa. Khu vườn trước mặt sũng đầy bóng tối. Tự nhiên Đoan cũng nghe lòng buồn hơn mọi khi. Âm vang của những tiếng đàn như trải ra tràn đầy cả một không gian thanh vắng.
Khi Đoan bắt đầu chuyển sang đoạn hơi vui của bản nhạc, chị Thúy nói nhỏ :
- Hình như có ai đến kìa, Đoan!
Ba con chó đang lim dim ngủ trong sân, bỗng chạy xô ra phía cổng, sủa inh tai. Có tiếng suỵt :
- Bông, Tô, Vện! Tao đây mà!
Đoan đứng dậy :
- Hướng phải không?
Người bên ngoài đáp :
- Hướng đây!
Đoan dựng đàn trên ghế, chạy ra mở cổng. Ba con chó thôi sủa, quấn quít bên chân Hướng. Đoan hỏi:
- Hướng đi bộ à? Xe đạp đâu?
- Xe bỏ ở nhà. Chào chị Thúy ạ.
Chi. Thúy tươi cười :
- Vô đây Hướng. Tối rồi mà đi đâu vậy?
Đoan vừa đóng cổng vừa nói:
- Biết rồi. Đến đòi áo mưa phải không?
Hướng gật đầu:
- Ừ, cho lại cái áo mưa đi. Mai đi họp trại.
- Mai thứ bảy mà họp trại gì? Xạo nhé!
Hướng ngơ ngác nét mặt :
- Ủa ! Mai mới thứ bảy sao ? Vậy mà cứ tưởng...
Chị Thúy nói:
- Thôi, thứ mấy thì thứ, vào đây chơi đã Hướng.
Chị Thúy chỉ một cái ghế cho Hướng ngồi, hỏi:
- Chiều nay đi chơi vui không?
- Dạ vui. Chiều nay chúng em đi ngắm suối.
Đoan cầm đàn lên gảy vài nốt :
- Đúng là ngắm suối, chứ chẳng được đến nơi, à mà Đoan không biết gọi tên suối đó là gì nữa, hở Hướng?
- Suối Dầu. Suối Dầu ở xa lắm chị Thúy ạ, chúng em phải đi bằng xe đò. Đoan nè, tại bọn mình ham ngồi tán gẫu cả buổi trưa ở trên đồi, thêm nỗi hai thằng nhóc Giang, Văn mê ngủ nên tôi không dẫn đi hết những nơi đẹp. Có nhiều nơi tôi muốn dẫn Đoan đến mà không kịp giờ.
- Thì Hướng đã hẹn có một buổi nữa mà!
- Ừ thì đành là vậy, nhưng... sợ Đoan có nhàm không?
- Làm sao mà nhàm được? Tôi thích hoa dại, ở đâu có hoa dại là được.
Hướng mở cuốn tập cầm nơi tay, lấy ra một xấp giấy mỏng, nói nhỏ:
- Cho Đoan nè! hoa dại.
- Hoa dại? – Đoan reo lên – Hái ở đâu thế?
Hướng lắc đầu:
- Không nhớ nữa. Thấy đẹp là hái, lâu ngày quên mất chỗ hái rồi.
Đoan tấm tắc nói một mình :
- Phải đóng thêm giấy vào tập hoa ép mới được.
Hướng đứng lên, đến bên chậu hoa Móng Tay.
- Đoan này, hoa Móng Tay cũng đẹp vậy.
- Nhưng Đoan không ép, vì nó không phải hoa dại, vì nó đã có tên. Tập của Đoan, chỉ toàn là hoa dại thôi.
Chị Thúy cười nhìn Hướng :
- Nhỏ Đoan, cái gì cũng phải tuyệt đối nó mới chịu.
Và chị tủm tỉm cười một mình, ý chừng chị buồn cười hai đứa nhỏ gặp nhau là nói chuyện vu vơ đâu không thôi.
Hướng bỗng nói :
- Thôi, về nha Đoan!
Đoan ngạc nhiên:
- Ủa, về hả? Bữa nào lại đi chơi, hẹn đi để nói lại với Huyền.
Hướng ngần ngại :
- Để rồi định sau. Bây giờ về nha!
Chị Thúy nhìn Đoan, cười. Đoan đưa Hướng ra cổng. Lúc trở vào, Đoan nghe chị Thúy lẩm bẩm:
- Cái thằng, thiệt tức cười.
Và Đoan chợt nhớ ra rằng Hướng đã quên không lấy áo mưa về.
*
Không biết phải gọi tên là gì, thứ tâm trạng của Đoan lúc này. Nỗi buồn chăng ? Không hẳn là thế. Chẳng có gì đáng để buồn cả. Bạn bè mới vừa kéo đến và kéo về. Mới vừa nô giỡn thỏa thích đây mà! Phải gọi là một sự trống rỗng chiếm đầy cả lòng. Một sự chán nản nào đó vây quanh khiến chân không buồn rời chiếc ghế để đi vào nhà, khiến tay không gảy nổi một nốt nhạc đủ làm xao động không khí nặng trĩu này, khiến môi không buồn cất tiếng hát đủ làm vui tai. Đoan uể oải nhắm mắt lại. Tại sao lại có những phút giây như thế này? Đoan đâu muốn làm một người mệt mỏi? Thế mà sau những lúc vui đùa với bạn bè, Đoan lại bị trả về sự trống rỗng. Phải chăng những thú vui đó quá nhàm chán? Không! Đoan vẫn yêu lũ bạn nhỏ như bao giờ. Huyền vẫn dễ thương như con chim sáo. Giang vẫn kể chuyện tếu nghe không nhịn cười được. Văn là đứa luôn luôn làm những cử chỉ khôi hài. Và Hướng lúc nào cũng đem lại cho Đoan những điều thú vị. Khó phân tích quá – cái tình cảm của Đoan. Đoan thấy mình đang rơi vào một khoảng nào đó đầy sự buồn bực, đầy những hoài nghi, và có một tí gì sự ngóng đợi. Nhưng lại không hiểu mình đợi những việc nào xảy đến ? Trong vùng đen của mắt, Đoan thấy một vòng tròn có Đoan đi luẩn quẩn trong đó, lũ bạn thân chạy nhảy vòng quanh. Đoan hoảng hốt mở vội đôi mắt ra. Ánh nắng vẫn chiếu lập lòa trên lá cây. Lũ hoa Móng Tay đỏ sắc thắm, bình thản. Và những cánh hoa Hoàng Hậu nở đầy đang chờ đêm đến rồi lại rụng rơi đầy sân nhà. Phải chăng vì khung cảnh này? Khung cảnh rộng rãi mà tù túng, thân yêu mà xa lạ? Phải chăng đã đến lúc “cô bé” cảm thấy mình muốn vượt khỏi khung cảnh này, đi đến một nơi nào xa? Phải chăng đã đến lúc con chim nhỏ muốn tìm thấy khoảng trời xanh rộng và những điều hay, lạ bên ngoài khung lồng chật hẹp? Đoan buông thõng hai tay, thở dài. Không làm sao giải thích được những mâu thuẫn hiện diện trong ý tưởng. Tự nhiên Đoan muốn khóc. Tại sao không thể giản dị như hồi còn bé – vòi vĩnh, chơi đùa và ca hát? Tại sao không thể vô tư như mới năm ngoái, năm kia? Lũ bạn thân cũng còn vô tư quá đi! Có đứa nào rắc rối như mình không? Hay là tụi nó chỉ biết đùa giỡn thỏa thích rồi về lăn ra ngủ? Có đứa nào biết rằng nhỏ Đoan – “cô bé” của tụi nó – đang mang một thứ tâm trạng kỳ cục ghê gớm, khó phân tích, khó giải nghĩa và cũng khó cảm thông? Đoan lại tưởng tượng rõ ràng cảnh vui đùa ban nãy ở trước mặt. Giá mà tụi nó có ở đây lúc này, Đoan sẽ trút hết bực bội vào tụi nó. Đoan sẽ hét to lên một tiếng, cho nhỏ “Huyền bò” giật mình mà ngưng tiếng cười giòn, cho “Giang lé” và “Văn ăn vụng” ngưng tay đánh cờ, và Hướng – a, “thằng khỉ“ đang leo chồm chổm trên cây ổi, sẽ thất kinh mà rơi xuống đất.
Ý nghĩ vừa rồi làm Đoan bỗng bật cười thành tiếng. Âm thanh nghe vỡ dòn làm tan cái không khí nãy giờ bị chùng xuống, và cũng làm tan những ấm ức vô lý trong lòng cô bé. Nếu trước mắt Đoan quả thật có Hướng vừa mới té xuống, lồm cồm ngồi dậy và mở cái miệng còn đang nhai đầy ổi trách móc Đoan thì chắc là buồn cười lắm. Tự nhiên Đoan thấy tội nghiệp Hướng. Chỉ trong ý tưởng thôi, mà Đoan thấy mình cũng quái ác. Bạn bè dễ thương như thế, mà lại không thương, cũng kỳ! Đoan tự trách mình rồi nhất quyết đứng dậy. Phải làm một cái gì cho tay chân đỡ thừa thãi. Đoan với lấy cây chổi xương trong góc cửa, bước xuống sân quét dọn những mảnh vỏ ổi mà Hướng đã ăn và xả đầy mặt đất.
Có tiếng con Bông sủa mừng. Má và chị Thúy đi chợ đã về. Tay mỗi người đều có xách một giỏ nặng trĩu. Trông Má gầy đi và hơi lom khom. Đoan đỡ lấy giỏ cho má.
- Hôm nay giỗ anh Đạm hở má?
- Ừ ! Con đã chùi lau bàn thờ chưa?
- Dạ, xong cả rồi. Tụi bạn con vừa mới kéo tới ăn ổi xả một sân, con mới quét đó.
Chị Thúy nói :
- Sao không bảo tụi nó ở lại ăn giỗ?
- Huyền nói nó sẽ trở lại. Còn ba đứa kia có việc bận.
Chị Thúy đến múc nước ở giếng lên rửa mặt. Đoan hỏi :
- Chị với má đi bộ sao trông mệt vậy?
- Ừ, ở chợ về đây hơi xa, nhưng má lại muốn đi bộ.
- Sao lạ vậy?
Chị Thúy cắn môi, nói nhỏ :
- Hình như má muốn tỏ ra là má vẫn còn mạnh khỏe lắm. Mà thật, má vẫn đi bộ giỏi, giỏi hơn cả chị... Còn ba, ừ tội nghiệp ba, ba thì yếu thấy rõ. Đoan, em có thấy như thế không?
Đoan luống cuống như bị đặt trước một câu hỏi khó trả lời. Đoan thấy hai mắt chị Thúy hơi đỏ lên. Hình như chị sợ Đoan thấy nên quay đi. Đoan nghe giọng chị như sũng ướt :
- Cứ mỗi lần giỗ anh Đạm, chị lại buồn thế nào ấy! Thương ba má vô cùng. Đã ba năm rồi, nhưng chẳng bao giờ thấy sự thương nhớ của ba má giảm một tí nào. Chắc trọn đời ba má khóc hoài cho anh ấy.
Chị Thúy thở dài :
- Nuôi con cho lớn, mạnh đứa nào đứa nấy tìm đường đi. Anh Đạm đi mãi không về nữa. Anh Tuấn, thằng Long cũng ở xa. Chị thì cũng phải đeo đuổi sự học. Mai mốt nữa đến Đoan. Đoan, em có nghĩ đến ngày xa ba má không?
Đoan thừ người đứng nhìn chị Thúy. Vừa thấy thương chị Thúy, Đoan lại thấy có một sự ngăn cách nào quá lớn khiến Đoan khó mà nói cho chị biết ý định của mình.
*
Huyền đến trễ nhất, và đi với một cô bạn. Cái miệng Huyền mở ra huyên thuyên ngay từ ngoài cổng :
- Đề nghị hôm nay khoan đi Suối Dầu. Tôi có một nơi này, kể ra ai cũng sẽ mê.
Đoan lườm một cái :
- Bốn đứa đợi nhà ngươi mỏi cả mắt, tưởng chết ở đâu rồi. Vô đây đã rồi tính sau.
Huyền nắm tay cô bạn, bước lên thềm.
Trước sân nhà Đoan đã có Hướng, Văn và Giang ngồi đợi. Huyền nói :
- Xin giới thiệu đây là Thái, học cùng lớp với tôi ở Gia Long. Còn đây là các bạn của Huyền mà Huyền thường nói với Thái đó! Anh chàng đang nhai ổi này là Hướng, anh này là Văn, đây là Giang. Còn cô bé chủ nhà đây thì chắc Thái đoán ra rồi.
Cô bạn mới quay qua nhìn Đoan, nhoẻn miệng cười:
- Thái biết rồi! Đoan phải không? Nghe Huyền nhắc Đoan hoài, và khen tài của Đoan lắm. Thái vẫn ao ước được làm quen với Đoan.
Đoan đỏ mặt:
- Trời ơi! Nhỏ Huyền nó đã nói gì? Thái mà chơi với Đoan lâu, Thái sẽ thất vọng.
Thái cười. Gương mặt của Thái thật hiền và có một vẻ gì khiến ai cũng thấy mến. Đôi mắt của Thái đen, sâu và buồn. Đoan cảm thấy khó có thể nói những lời chào hỏi khách sáo với cô bạn mới, nên chỉ biết im lặng và cười. Huyền lên tiếng:
- Thái cũng người cùng quê với mình, nhưng ở tận Vạn Giả cơ. Ở trên Sàigòn, Thái trọ nơi nhà bà dì. Hôm qua Huyền đi chợ Đầm gặp Thái, hắn rủ bữa nay về nhà chơi cho biết. Sẵn bọn mình hẹn nhau đi chơi, thôi thì kéo nhau đến nhà Thái luôn. Lâu ngày cũng nên đi xe lửa để đổi không khí một chút, đồng ý không?
Cả bọn nhìn nhau dọ ý. Đoan nói :
- Sao cũng được. Nhưng sợ cả lũ kéo đến nhà Thái rồi có gì phiền không?
Thái vội nói:
- Không đâu, chính Thái muốn mời các bạn đến mà ! Nhà Thái có một vườn dừa, tha hồ ăn. Có một cái ao để câu cá và bơi xuồng. Các bạn muốn làm gì cũng được. Ba má Thái rất thích có bạn trẻ chúng mình về chơi.
Giang vui mừng :
- Tôi xin hoan nghênh trước. Tôi rất khoái chèo xuồng. Còn phần leo cây dừa đã có thằng Văn lo.
Hướng kêu lên :
- Tao nữa chứ! Văn mày ở dưới đỡ và bổ dừa, tao leo lên hái dừa cho.
- Như thế là ai cũng bằng lòng đi rồi há! – Đoan nói – Đoan thì đi đâu cũng được. Nhưng phải vào xin phép lại đã. Má và chị Thúy vẫn nghĩ là tụi mình đi Suối Dầu.
Đoan gặp má trong nhà bếp. Cả chị Thúy cũng vừa mới đi vào, tay cầm một bó rau mới cắt sau vườn. Má bằng lòng ngay khi nghe Đoan xin đi Vạn Giả. Chị Thúy xuýt xoa:
- Đoan được đi xe lửa bằng thích nhé! Nhưng nhớ chiều phải về sớm đấy.
Đoan đáp, mặt thản nhiên :
- Tại tụi nhóc ưa rủ đi chơi thì em đi, chứ sao em chả thấy hứng thú gì hết chị Thúy à.
- Tại sao lạ vậy?
Đoan lắc đầu, sắp sửa lại những vật dụng trong chiếc giỏ mây, nói:
- Em … không biết nữa.
Đúng lúc đó cả bọn cũng vừa vào nhà chào má và chị Thúy để đi.
Lũ trẻ vui tươi như chim sáo. Chị Thúy thì thầm bên tai má:
- Sao Đoan nó buồn buồn chuyện gì vậy má?
- Chắc... nó lo kết quả thi không biết ra sao chứ gì?
- Không phải thế đâu. Nó hy vọng lắm mà. Con bé thật khó hiểu.
- Con nhớ nhắc nó đem áo mưa.
Chị Thúy toan gọi em lại, nhưng thôi. Và chị nói :
- Chắc trời không mưa đâu má. Trời khô queo cả tháng nay. Nhưng không lo, rủi có mưa thì…
Chị bỏ lửng câu nói, và tủm tỉm cười một mình...
Bên ngoài, bọn trẻ đã ra khỏi cổng và đón xe lam đi đến nhà ga. Như những con chim lâu ngày thèm bay nhảy, bọn trẻ hấp tấp mua vé, và giành nhau leo lên xe lửa. Hướng đã đề nghị rằng cho dễ dàng ngắm cảnh dọc đường và để cho thoải mái, nên mua vé đi toa... hạng ba. Sáu người tưởng được thoải mái trong toa hạng ba mới đầu rộng thênh thang. Nhưng chỉ một lúc sau, toa xe chật ních những thúng, rổ, quang gánh của những người bạn hàng. Tuy vậy, không ai cảm thấy khó chịu. Hướng lại thêm một “sáng kiến“ :
- Tụi mình đứng dậy hết, ra cửa đứng cho vui. Nhường chỗ cho các bác ngồi.
Cả bọn lại vui vẻ làm theo lời Hướng. Xe lửa rúc còi, chuyển bánh. Ba tên con trai huýt sáo vang rân.
Đoan cũng làm theo như các bạn, từ lúc ra khỏi nhà. Đoan cũng tung tăng chân sáo chạy tìm xe lửa, leo lên toa hạng ba, líu ríu tìm chỗ ngồi, và hoan hỉ đứng dậy nhường chỗ cho một bà hàng khoai. Đoan nghĩ mình cũng sống một cách nhiệt tình như mọi người. Nhưng Đoan xét lại hình như mình chỉ làm những hành động hòa hợp ấy một cách vô ý thức. Thật ra, tâm trí của Đoan đang để ở đâu đâu. Mọi vật chung quanh Đoan mang một vẻ thờ ơ. Đoan nhìn, mà không một ý tưởng nào gợn lên trong đầu. Khi bạn bè đang nói ríu rít bày tỏ sự náo nức của một kẻ được đi xa thành phố, thỉnh thoảng chêm những câu khôi hài để lại cười với nhau vui vẻ thì Đoan, cũng nhếch mép cười, nhưng không hiểu tại sao mình cười. Rồi cũng như bao lần trước, tâm trạng kỳ lạ cũ lại trở về. Một sự trống rỗng ở trong tâm hồn. Một sự chán nản vây kín tư tưởng. Đoan thấy nghẹn ngào ở cổ. Nước mắt nếu không ngăn lại, chắc sẽ ứa ra. Không lẽ cứ sống mãi trong tình trạng này? Cái gì đã thay đổi ngay trong lòng cô bé? Không lẽ cứ buồn bực vì những chuyện đáng yêu, và ngóng đợi những gì vô hình? Cuộc sống của Đoan – từ thưở nhỏ – trải ra êm đềm quá. Cho đến nay, bỗng nhiên Đoan thèm có một sự gì thay đổi. Giống như mặt nước phẳng lặng muốn có một làn gió đủ để xao động. Và trong những người đang vây quanh mình, Đoan muốn có một hình ảnh nào thật trội, để mà nghĩ đến nhiều hơn, để có một niềm hoài vọng, hay một sự lo lắng. Giống như người thầy giáo thích tìm trong đám học trò của mình một người xuất sắc. Cuộc đời, phải chi giống như truyện, giống như kịch – đừng giống như một bài thơ êm ả. Cuộc sống của Đoan không giống truyện, không giống kịch. Đoan sống giữa những người thân, yêu thương chiều chuộng Đoan – ba má, chị Thúy, anh Tuấn, anh Long. Đoan có một lũ bạn thân dễ mến – Huyền, Giang, Văn, Hướng. Tụi nó cũng như Đoan, không có gì để suy nghĩ, để lo lắng, để thắc mắc, ngóng chờ. Và cứ thế mãi sao? Đoan sẽ thi đậu, sẽ lên lớp, và sẽ sống mãi ở thành phố này – thành phố u sầu, vừa được ôm ấp bởi núi non, vừa dõi mắt háo hức nhìn ra biển cả. Rồi đời người sẽ qua. Rồi sẽ lớn, sẽ già và sẽ chết. Không có gì đặc biệt. Không như bản đàn “Romance” bỗng nhiên đổi giọng vui tươi sau những âm điệu trầm buồn.
Xe lửa đột nhiên tối om lại. Nó đang chui qua một cái hầm. Không ai nhìn thấy mặt ai. Nhưng Đoan nghe rõ ràng tiếng của Hướng, Văn và Giang đang hú lên như mọi da đỏ. Tụi nhóc thật nghịch quá chừng ! Tiếng hú làm cho không gian nghe rờn rợn. Bọn con gái nắm lấy tay nhau, vừa cười vừa sợ. Mùi than đá hăng hắc ở mũi. Đoan bỗng nghĩ ra một điều hơi ngồ ngộ: khung cảnh đang sáng bỗng tối đen lại – một sự thay đổi chăng ? Ít ra cũng làm cho cuộc hành trình đỡ nhàm chán. Trong bóng tối Đoan mỉm cười một mình, tự chế nhạo mình, sao lẩm cẩm “không giống ai”.
Đoan đang miên man suy nghĩ, thì xe lửa ra khỏi hầm, làm mắt Đoan chóa lên vì ánh sáng lại lan đầy khắp nơi. Nhưng bên tai Đoan bỗng nghe tiếng kêu van. Đoan quay lại và suýt rú lên vì một đôi mắt lèm nhèm bẩn thỉu đang hấp háy nhìn mình. Đoan hoảng hốt vịn lấy vai Huyền làm Huyền giật mình. Một người ăn xin? Vâng, một người ăn xin dẫn theo bốn người nữa. Một gia đình ăn xin. Người nào cũng có một đôi mắt lèm nhèm như vậy. Thái lanh tay bỏ vào chiếc mũ rách của người đi đầu mười đồng bạc. Ngay lúc đó, người đi cuối bắt đầu trổi đàn cò. Và đám người ấy – cả gia đình ăn xin ấy – thay nhau hát một bài cổ nhạc, và lũ lượt dắt nhau đi khắp toa xe.
Đoan cố gắng nén nỗi bàng hoàng, thở ra. Hình ảnh này không phải xa lạ gì đối với Đoan. Từ nhỏ, mỗi lần đi xe lửa với ba má, Đoan đều được trông thấy những người ăn xin như vậy. Nhưng lần này họ đã hiện ra ngay bên Đoan sau khi xe lửa vừa ra khỏi hầm khiến Đoan sợ hãi quá. Đoan cảm thấy nghẹt thở. Một nỗi lo sợ vô cớ tràn đầy tâm hồn.
Hướng toe miệng ra cười :
- Tội nghiệp cô bé, hoảng hồn chưa ?
Đoan gượng cười, không đáp, đưa mắt nhìn ra cảnh bên đường. Một thung lũng đầy hoa! Hướng chỉ tay :
- Hoa dại kìa Đoan !
- Ừ nhỉ! đẹp quá! Ước gì...
Hướng tiếp lời :
- Ước gì xe lửa ngừng ở đây nhỉ!
Thái lên tiếng :
- Xe sắp ngừng rồi đó. Sắp đến một cái ga và chúng mình sẽ đến Vạn Giả.
*
Nhà của Thái quả đúng là một nơi lý tưởng cho sự vui chơi của bọn trẻ. Sau khi đi một quãng hơi xa từ ga Vạn Giả, cả bọn đến một xóm nhà yên tĩnh. Con đường dẫn vào nhà Thái rợp mát bóng cây. Thái chỉ tay về phía trước :
- Nơi có mấy ụ rơm trước sân là nhà của Thái đó !
Nhà Thái không có vẻ khang trang như nhà của Đoan. Nó mang sắc thái chung của những nhà lân cận, ở vùng Vạn Giả này. Một căn nhà chính bằng gạch, và chung quanh là hai ba căn phụ, nhỏ, mái lợp tranh và tường bằng đất. Cũng không có những luống hoa trang trọng như ở nhà Đoan. Nhưng ở đây có cả một khoảng sân rất rộng để chất rơm và phía bên hông là một vườn dừa rất mát mẻ. Thái hân hoan dẫn cả bọn đến chào cha mẹ và giới thiệu với mấy đứa em. Nhận ra sự háo hức của mấy tên con trai, Thái vui vẻ nói:
- Ba mẹ Thái rất dễ, các bạn đừng ngại chi cả. Bây giờ mấy anh có thể leo lên hái dừa, để Thái đi nấu cơm, trưa nay chúng mình ăn cơm chung với nhau nhé !
Huyền nhanh nhẩu :
- Để bọn này phụ với Thái.
- Em Thái sẽ đi câu một ít cá ngoài ao. Tha hồ mà ăn. Huyền và Đoan nãy giờ đi xe chắc mệt lắm, lên nhà nghỉ nhé!
Và Thái kéo tay Huyền, Đoan đi lên căn nhà gạch, vào gian dùng làm phòng khách. Thái nói :
- Hai bồ ngồi ở ghế chơi cho đỡ mệt. Thái ra ngoài tí nhé !
Bóng Thái khuất sau cửa phòng. Huyền và Đoan ngồi ở bộ sa-lông kiểu cũ. Phòng khách vắng và buồn. Chừng như Huyền không chịu được không khí như vậy, nên nhớm đứng lên:
- Đi ra sân chơi, Đoan!
Đoan uể oải nói :
- Tự nhiên mình mệt thế nào ấy! Hay là Huyền đi đi, mình ngồi đây một tí rồi sẽ ra sau.
Còn lại một mình Đoan ở phòng khách. Một nỗi trống vắng lại xâm chiếm tâm hồn cô bé. Đoan ngả người trên nệm ghế, ngước mắt nhìn lên.
... Bỗng nhiên Đoan gặp… một đôi mắt đang chăm chú nhìn mình. Một đôi mắt đẹp, sâu và buồn y hệt như đôi mắt của Thái. Đôi mắt như muốn nói với Đoan điều gì. Đoan giật mình, lấy lại thế ngồi tự nhiên. Hồn phách như biến đâu mất, trong một tích tắc, rồi trở lại. Ồ, chỉ là một tấm ảnh bán thân rất lớn treo ở trên tường. Tấm ảnh của một người con trai, có đôi mắt rất đẹp và buồn, mà Đoan chắc không ai khác hơn là anh của Thái. Người con trai có gương mặt vuông vuông, sống mũi rất thanh và nhất là đôi mắt – Đoan không biết phải dùng ngôn từ nào để diễn tả. Đôi mắt như cửa sổ của một tâm hồn phải đa tình lắm. Con người này, chắc phải là một con người đặc biệt khác thường. Bỗng nhiên Đoan cảm thấy bao nhiêu sự mệt mỏi như tan biến tự lúc nào. Tay chân bỗng hết uể oải và tâm trí bỗng rỡ rạng lạ thường. Đoan đứng lên, đến ngắm kỹ bức hình và rồi nhận thấy rằng trên tường không phải chỉ có bức hình ấy , mà còn nhiều thứ nữa kích động lòng tò mò của Đoan. Một tấm huy hiệu rất đẹp, của một bút đoàn. Một bức tranh vẽ Thái đứng bên cây dừa cao, màu sắc thật khéo. Một cây đàn Tây ban cầm treo cạnh bức chân dung. Đoan lại bước đến gần chiếc bàn nhỏ kê ở góc phòng. Trên bàn có những bức tượng be bé, nét điêu khắc thanh nhã vô cùng. Một tập ảnh để cạnh đó làm Đoan thêm tò mò. Đoan cúi xuống nhìn kỹ dòng tên ở góc bìa sách : ĐOÀN HÀ NGUYỄN. Đoan mỉm cười thú vị, và nhẹ nhàng lật tập ảnh ra. Biết được tên người rồi đó nhé ! Biết cả hình của người nữa. Người – trong tấm ảnh này – đang sinh hoạt giữa đám bạn bè, trông trội hẳn đấy chứ ! Rồi kia, người đang vui tươi ngồi trên chiếc xe gắn máy trong một sân trường nào thật đẹp. Đây nữa, người đang bơi xuồng với các em. Lại có một bức ảnh người đang vẽ tranh, một bức ảnh người đang đánh đàn, rồi thì đang cúi đầu trên trang sách. Người đang sống vui vẻ quá, đang sinh hoạt nhộn nhịp quá, và những giây phút suy tư của người, cũng nghệ sĩ quá! Còn nụ cười và đôi mắt của người, có một sự thu hút nào mãnh liệt vô cùng. Đoan gấp tập ảnh lại, nhìn một lần nữa dòng tên của người. Đoàn Hà Nguyễn ! Tên người cũng hay hay như hình bóng của người vậy. Đoan nghe một nỗi gì vui vui hiện đến trong lòng. Cô bé đi lại quanh phòng để tìm thêm những điều mới lạ. Và cô bé thấy một máy thâu băng nhỏ. Lại có tên “Đoàn Hà Nguyễn” dán trên máy. Một cuộn băng đang nghe dở dang. Tánh nghịch ngợm có từ thưở nhỏ nổi dậy, Đoan nhẹ tay bấm nút. Một giọng hát trầm ấm cất lên. Một đoạn nhạc nào rất mới lạ Đoan chưa từng nghe. Những lời hát rất ngọt ngào như lời vỗ về an ủi. Những nốt nhạc thánh thót vô ngần... Người đã soạn nhạc, và đã đàn, đã hát... Đoan ngồi xuống ghế, và khép đôi mắt lại. Người như từ cõi xa xăm nào tình cờ hôm nay đến chiếm một khoảng lớn trong tâm hồn cô bé. Người là ai? – Đoàn Hà Nguyễn, một thiên thần, một nghệ sĩ, một con người. Có phải chính con người ấy, là câu trả lời cho sự buồn bực, sự hoài nghi và lòng ngóng đợi của cô bé chăng?
Đoan chợt mở mắt ra, vì linh cảm có ai đang đi vào phòng. Một đôi mắt nhìn mình. Không phải mắt của người, mà là đôi mắt Thái. Mắt Thái cũng đen, sâu và buồn như vậy. Thái hơi ngạc nhiên một chút khi nghe tiếng hát, nhưng hiểu ra ngay. Thái nắm tay Đoan, và nhìn về phía máy hát, nói:
- Anh của Thái hát đó!
Tự nhiên Đoan hơi thẹn, Đoan sợ Thái biết được nãy giờ mình đã làm gì. Phải che giấu đi, thứ tình cảm nhỏ bé đó. Đoan cố lấy vẻ mặt tự nhiên, và làm như xem mọi việc không có gì đáng kể. Và Đoan gắng hỏi bằng một giọng bình thường:
- Anh của Thái... ở đâu?
Đôi mắt của Thái chợt nhìn xuống, mày nhíu lại. Thái đáp rất nhỏ, và không nhìn Đoan :
- Anh ấy... ở xa, nhưng... có về nhà luôn. Mỗi tuần anh ấy đều có về.
Giọng của Thái có vẻ run run, nhưng Đoan không để ý. Đoan tiếp lời một cách tình cờ:
- Chủ nhật?...
Thái gật đầu vài cái thật nhẹ. Rồi Thái kéo tay Đoan:
- Đoan ra ngoài này, xem mấy anh kia đã hái được mấy trái dừa to lắm. Cả bọn đang hè nhau bổ dừa vui ghê! Thấy thiếu Đoan nên Thái vào gọi đó. Chắc hết mệt rồi chứ gì? Nếu còn mệt, bảo đảm uống một ly nước dừa là khỏe ngay. Nhưng Đoan phải hứa là tí nữa Đoan đàn cho Thái nghe nhé! Huyền quảng cáo Đoan dữ lắm đó! Phải cho người ta thưởng thức tài nghệ với.
Những lời huyên thuyên của Thái kéo Đoan ra tận gốc dừa. Dù tiếc rẻ với bài hát của Nguyễn đang nghe lỡ dở trong nhà, nhưng Đoan vẫn cố thản nhiên đi theo Thái, và giữ nét mặt vô sự nhìn các bạn đang reo hò vui vẻ. Huyền, Giang, Văn đang xúm lại bổ dừa. Còn Hướng thì đong đưa trên ngọn dừa cao. Đoan đưa tay lên miệng, làm loa gọi :
- Hướng ! Coi chừng té. Tham ăn vừa chứ! Dừa chứ không phải ổi đâu mà ăn tại chỗ nhé!
__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II