Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

CHƯƠNG III_NGƯỜI DƯNG KHÁC HỌ


CHƯƠNG III


Thạnh đi qua đi lại hai ba lần trước căn nhà của người y tá lạ. Thỉnh thoảng, Thạnh bắt chước mấy đứa nhỏ, dừng lại, ghé đầu vào cái tủ gương chưng mấy cái hộp có chữ nhăn nhíu và soi bóng mình trong đó. Ngôi nhà nầy mới cất trên cái nền đất cũ nhà Thạnh ngày xưa. Thạnh mơ hồ như có cái gì quen thuộc vô cùng. Chỉ hiềm là mảnh vườn sau nhà rỗng trống, trơ trọi cái khạp nước lớn và cây mãng cầu xiêm độc nhất còn thấp lè tè. Tấm bảng vẽ chữ đỏ với dấu thập tự cũng màu đỏ in hai hàng chữ: Y Tá MẪN, trị liệu và chích thuốc theo toa bác sĩ. Thạnh liếc mắt vào trong nhà. Qua bức mành mành bằng sợi ny lông xanh đỏ, thấp thoáng bóng một người đàn ông đang loay hoay bên cạnh những lọ nhỏ.

- Ủa, Thạnh…

Thạnh quay người lại. Con Bông đi đâu về, tay cầm mấy gói nhỏ, đang lõ mắt nhìn Thạnh. Thạnh cười:

- Ừa, đi chơi…

- Đi chơi, giỡn hả, bộ rảnh lắm à. Mà sao đứng đây?

Con Bông nhìn vào trong nhà người y tá rồi rụt đầu, nói tiếp:

- Thầy y tá nầy mới tới đó. Thấy mua đất cất nhà. Nếu thẩy chịu làm vườn thì giống nhà Thạnh như đúc.

Thạnh hỏi dò:

- Ừa mà Bông nè, cái ông nầy ổng có hay đi chích thuốc cho người ta không?

- Hồi đầu thì ế nhệ hà, nhưng may là đụng lúc thầy Bảy già bị đau đó, nên rồi bà con cũng phải nhờ thẩy. Mấy hồi nầy ngó bộ đắt lắm.

- Bộ thuốc của thẩy hay lắm hả?

Con Bông nhanh nhẩu tỏ vẻ biết chuyện:

- Xời ơi, chích thuốc theo toa bác sĩ mà. Hổng nghe cô nói là nếu đau yếu thì nên đưa đi y tá hoặc bác sĩ sao? Thầy Bảy nhờ bác sĩ mới lành cánh tay đó. Hôm trước, bà Năm lò than đau gì đó, ổng chích có một cây thuốc mà ngồi dậy được liền hà.

- Dóc...

- Thiệt mà, hổng tin hỏi coi. Đó, họ tới chích thuốc đó thấy hông?

Vài người che khăn bước vào nhà của người y tá. Bức màn gió vén lên và trong một phút, Thạnh thấy mặt người đàn ông đã làm thầy Bảy mất ăn mất ngủ. Ông ta còn trẻ, tóc cúp cao đen lánh, quần áo sạch sẽ, miệng cười tươi chào khách. Những tiếng nói định bệnh có pha thêm những chữ lạ giống như các âm địa danh mà Thạnh đã học ở sách địa lý vẳng ra. Thạnh lắng tai, thừ người.

- Dìa nhà Bông chơi đi. Bông làm hết cả bốn bài toán rồi, Thạnh làm xong chưa?

Thạnh sực nhớ đến mầy bài toán khó. Đâu có thì giờ nào để làm bài. Từ ngày thầy Bảy bịnh, Thạnh lo đủ thứ chuyện bấn bíu không khi nào được yên thân để ngồi làm xong xuôi các bài tập.

- Ừa, để Thạnh dìa làm bài. Thôi Bông về trước đi.

Con Bông cắm đầu chạy về nhà. Thạnh đứng ngơ ngẩn nhìn những hộp thuốc xanh đỏ đủ màu, óc bâng quơ nghĩ đến những bài toán ngày mai.

- Nè, chú, cái giống gì mà chú đứng rình nhà tui hoài vậy? Lạ lắm hả?

Thạnh giật bắn người. Người y tá đứng nhìn Thạnh. Giọng nói thì hơi gay gắt, nhưng miệng ông ta lại mỉm cười bao dung. Tự nhiên, Thạnh thấy có cảm tình với người y tá nầy. Không thấy Thạnh nói năng gì, người y tá mỉm cười lại gần hơn, hỏi:

- Ủa, sao hổng nói gì hết?

Thạnh ấp úng:

- Bị thấy lạ, tui đứng coi thử!

Người y tá lắc đầu:

- Không, chú xem nom nhà tui cẩn thận lắm mà.

Thạnh chối dài:

- Dạ đâu?

- Có mà.

- Bị, bị, hồi trước nhà tui ở đây… Má tui chết, nên bán cốt nhà. Bây giờ thấy có nhà làm lại nên tui đứng coi.

Thạnh thở ra khi thấy mình trớ đi được mà không gây nghi ngờ cho người y tá.

- Vậy hả. Cháu muốn vô nhà coi không? Bị ở có một mình nên làm hơi nhỏ. Ghét một chỗ là có cái nắp gì trục hổng lên. Định thuê thợ phá. Chú em trước ở đây chắc biết, vô coi thử đi.

Thạnh ngần ngại một giây. Nhưng để cho người y tá không nghi ngờ gì và tin tưởng Thạnh đã ở đây thật nên nó mạnh dạn bước vô nhà. Nhà chia làm hai gian, gian trong, gian ngoài. Tất cả ngăn nắp và thứ tự:

- Đây nè, chỗ này nè.

Thạnh nhìn kỹ rồi bật cười:

- Cái hầm đó mà thầy.

Thầy y tá nhìn Thạnh không hiểu. Thạnh giải thích:

- Hồi trước miệt nầy bắn nhau dữ lắm, cứ bắn ở sông cũng lạc vô. Má tui sợ nên mới làm hầm. Lúc đầu thì nói làm hầm ở ngoài sân. Nhưng nhà có hai mẹ con, chạy hổng kịp với lại sợ ma, má tui mới làm hầm gần giường. Chỗ này hồi xưa để giường đó.

- Nhưng sao lại trít cứng?

- Bị có lần nhà hàng xóm cháy chết thiêu mấy người ở dưới hầm. Họ làm hầm giữa nhà đó thầy. Má tui sợ quá, ra đào hầm ở sau vườn, bít hầm này lại.

Thầy y tá thở phào:

- Vậy mà tao cứ tưởng, sợ quá…

Người y tá nhìn thằng Thạnh, ông lại thắc mắc:

- Thôi lên nhà trên chơi.. mà, ủa, bây giờ chắc cháu ở với bà con hả? Gần đây hông? Khi nào rảnh cứ ghé lại đây chơi. Mà đứng có kêu là thầy y tá nữa, nghe nó mất tự nhiên đi, cứ gọi là chú Ba được rồi, chú thứ ba. Nghe…

- Dạ, thầy…

- Chú Ba.

Thạnh tủm tỉm cười:

- Giống chú Ba người Tàu bán quán quá à…

Thầy Ba cười:

- Ừa, mình người Việt mà, còn cái tụi ba Tàu ai cũng kêu là chú Ba hết. Nghĩ cũng tức cười.

Thạnh nhìn lom lom những chai, kim, ống chích la liệt trên bàn:

- Lạ lắm hả?

- Dạ miệt nầy đâu có ai xài mấy thứ nầy.

- Mấy đồ y cụ của người y tá đó mà. Cháu học ở đây hả? Ừa, rán học giỏi, thích học nghề này lên Sài Gòn học.

Thạnh nghe nói Sài Gòn, chợt sướng như mê đi. Nếu Thạnh được học được chích thuốc chắc oai lắm. Chớ có như thầy Bảy, ba cái lá, lá nào như lá đó, ngó làm sao đâu, hổng tin tưởng được chút nào. Thạnh nhìn thầy Ba y tá với con mắt khâm phục. Thầy đang rít một điếu thuốc lá.

- Cháu có muốn học chích thuốc không?

Thạnh trố mắt:

- Tui… Cháu mà học chích?

- Ừa, ai học mà không được. Nè mà hỏi thiệt, ở đây cháu có bà con gì không? Xin phép lại đây ở với chú cho vui cửa vui nhà. Buổi sáng đi học chữ. Buổi chiều chú dạy chích cho. Thành nghề cũng đỡ chớ. Rồi học giỏi thì lên chợ học bổ túc thêm.

Thạnh bỡ ngỡ nhìn thầy Ba. Những điều thầy Ba y tá nói là những điều mà Thạnh không bao giờ nghĩ đến. Bỏ thầy Bảy để đi ở một chỗ khác sướng hơn, đỡ khổ hơn. Thạnh lắc đầu như để xua đuổi niềm ước muốn mới mọc mầm. Thạnh đưa mắt nhìn ra bến sông. Bờ bên kia mịt mùng bởi hơi nước. Những hàng dừa lá phất phơ quen thuộc. Bỏ nếp sống cũ để tìm một hướng sống mới. Bộ óc bé nhỏ của Thạnh chưa đủ sức để thử thách với sự thay đổi lớn lao đó. Thạnh thấy mình sờ sợ.

- Chịu không?

Thạnh ngước nhìn thầy Ba, ấp úng:

- Dạ, để cháu coi thử… bị..

Rồi Thạnh đứng dậy bỏ về sau khi chào thầy Ba thật nhanh. Ra khỏi nhà thầy Ba y tá một khoảng, Thạnh dừng lại thở phào một hơi. Ngoái nhìn lại một lần căn nhà mới với tấm màn cửa xanh đỏ phất phơ, Thạnh nghe lòng dâng lên một chút tiếc nuối bâng quơ.

Về đến nhà, thầy Bảy đã ngồi chực sẵn ở đầu cầu ván. Ghe chưa kịp cột, thầy đã vọt miệng hỏi dồn:

- Sao mậy, thằng chả già hay trẻ? Thuốc men làm sao? Có đông khách không? Sao mày đi lâu quá trời?

Thạnh kể qua những gì thấy được ở nhà thầy Ba y tá, ngoại trừ việc thầy y tá quyến rũ Thạnh ở lại với thầy. Nghe xong, thầy Bảy lẳng lặng vô nhà. Thạnh không nghe thầy nói gì nữa. Chặp sau, khi Thạnh đang giặt đồ thì thấy thầy Bảy mặc áo ra ghe…


*

Quán bà Được nằm mấp mé ngay bến sông. Một mái nhà đơn lợp bằng những tàu dừa nước đã già. Bên trong chỏng chơ mấy xị đế, một hũ đậu phụng rang mặn nhỏ, mấy khô cá sặc treo lủng lẳng. Một keo đựng củ kiệu trắng dòn nằm cạnh một lọ keo khác đựng tôm khô đỏ hồng. Cạnh chiếc bàn thấp ở ngay ngoài sân, hướng về phía bờ sông, thầy Bảy già ngồi trầm ngâm bên chai rượu đế và khúc khô sặc thơm lừng. Mặt thầy đỏ au vì hơi men. Cánh tay áo bên trái lửng lơ bay bay. Thầy uống rượu để quên bớt sự đời. Nhưng càng uống thầy càng cảm thấy nỗi buồn như theo rượu ngấm vào tận xương tủy. Mọi ngày, vào giờ này tiếng thầy đã oang oang ở bên kia sông để chào mọi người, để khoe chuyến ghe đầy nhóc lá thuốc. Bây giờ, thì hết rồi. Cánh tay bị nạn đã làm tê liệt hết hai phần ba hoạt động thường lệ của thầy. Và giờ đây, một đe dọa khác sắp vùi thanh danh thầy vào quên lãng, sắp đưa thầy vào cơn túng thiếu. Càng nghĩ, thầy càng tức. Mà tại sao thằng cha y tá mắc dịch nào đó không kiếm được chỗ nào để làm ăn hay sao mà mò tới nơi đây. Không có thằng chả, dân ở đây vẫn cứ sống mạnh đùi đụi. Có ai đau yếu thì đã có thầy lo việc thang thuốc. Thằng chả tới, mang theo cả lối chữa bệnh mới mẻ, đẩy ngôi vị vua thuốc của thầy xuống, và còn đe dọa nồi cơm của thầy nữa. Danh dự của thầy bị va chạm, tự ái của thầy bị xúc phạm. Tức thật. Thầy Bảy chiêu một ngụm rượu, đặt mạnh cái ly xuống mặt bàn đánh chát.

- Lâu ngày mới thấy thầy Bảy qua đây uống rượu. Làm ăn có khá không hả thầy?

Thầy Bảy không trả lời bà Được, bởi thầy mải nhìn một người khách lạ đang xăm xúi bước vô quán. Dân ở vùng này, không có ai là thầy Bảy không quen, nhất định đây là người lạ. Chắc là thằng cha y tá. Tim thầy Bảy đập mạnh. Máu dồn lên mặt nóng rần. Tiếng bà Được nhanh nhẩu mời khách:

- A, thầy y tá, có la-de cho thầy rồi đây nầy.

Thầy y tá ngước nhìn bà Được cười cười:

- Tưởng hôm nay bà cho tui leo cây chớ. Người cứ ngầy ngật, uống chút la-de cho sảng người lại.

- Bữa nay la-de lên tám chục lận nghe.

- Sao mắc quá vậy?

- Ừa, mắc quá trời, càng ngày càng lên giá. Nếu thầy uống rượu đế thì đỡ tiền biết mấy.

Thầy y tá kéo cái ghế ngồi cạnh thầy Bảy, đổi giọng nghiêm trọng:

- Bà không biết chớ rượu đế có hại lắm. Có chất ăng-côn, đốt cháy bao tử, làm nóng phổi, sinh nhiều bệnh không hay. Uống bia có chất lúa mạch tốt lắm.

Thầy Bảy hứ một tiếng nhỏ trong cổ họng. Thằng cha nầy ỷ tướng lắm. Làm bộ hoài. Mình uống rượu cả mấy chục năm nay có ai chết hoặc bệnh tật gì đâu. Khéo bày chuyện. Ỷ mình có vài tiếng Tây tiếng u nên làm le. Thầy quay lưng giả đò nhìn ra sông để không nhìn mặt thầy y tá.

- Bà quán biết hông, hồi tôi còn học ở trường cán sự trên Sài Gòn đó, tiệc tất niên, tụi bạn rót cho một ly rượu Mỹ, nốc vô về đau cả tháng mới mạnh, từ đó kinh luôn.

Không dằn được, thầy Bảy đằng hắng giọng mai mỉa chen vô:

- Tui uống rượu cả mấy chục năm nay có sao đâu, chú em còn trẻ, không rành phong thổ. Dân ở đây ai không uống rượu thì đau chết luôn với mấy con muỗi rừng, với khí trời độc địa.. Với lại nam vô tửu như kỳ vô phong mà chú. Làm trai không uống rượu như cây cờ không có gió.

Thầy y tá trố mắt nhìn. Giọng nói của ông già không quen này ngó bộ muốn gây sự. Thầy làm lơ như không nghe thấy, tiếp tục nâng ly bia uống một hơi dài. Bà Được thấy vậy, làm bộ lảng sang chuyện khác.

- Trời mấy bữa rày coi bộ độc địa quá sức. Mấy đứa nhỏ ở nhà cứ bần thần dã dượi, đau đầu cảm nóng. Cái điệu này dám cảm mạo thương hàn lắm. Sương Cà Mâu phải biết.

- Úi, bệnh thiên thời hơi đâu mà lo, uống vài viên as-pi-rin, nếu nặng quá thì uống trụ sinh hết ngay chớ gì. Thời buổi này không như hồi xưa đâu. Ba cái lá nấu nấu uống uống, chỉ bịnh thêm. Bây giờ y học tiến bộ…

- Hừm… tiến bộ…

Thầy y tá quay lại ngạc nhiên:

- Dạ, tui nói có chi sai mà bác không bằng lòng?

Thầy Bảy không nhịn được nữa, thầy xẳng giọng:

- Chú em còn nhỏ, đừng có xách mé. Tui già đầu rồi đây nè. Làm thầy hốt thuốc cho biết bao nhiêu người. Nội dân vùng này một tay tôi chữa trị. Chú chỉ là người nhỏ, kinh nghiệm bao lăm, giỏi ra, được học một ít thuốc men, về đây giở giọng thầy đời.

Thầy y tá trố mắt nhìn thầy Bảy già. Thầy bực bội khó chịu trong lòng. Câu nào của thầy Bảy cũng móc họng. Chuyện là chuyện riêng của thầy, chớ mắc mớ chi ai mà đưa miệng. Nghĩ mình là người có ăn học, thầy đứng dậy tiến sang bàn thầy Bảy già, hằn giọng:

- Thưa bác, tui tự giới thiệu tui là y tá. Nãy giờ bác nghi ngờ lời nói của tui, nhưng tui nghĩ nghề nghiệp của tui đủ bảo đảm cho câu nói chớ.

Thầy Bảy già bật cười sằng sặc:

- Hứ… tao cũng giới thiệu với chú, tao là thầy Bảy bắt mạch hốt thuốc cho xóm này hơn ba chục năm nay rồi. Chú ở đâu tới đây mà giở giọng khoác lác.

- Tui nể bác là người lớn tuổi. Với lại tui có gì nói quá đâu. Chuyện thuốc men, tui nói theo sách vở. Xóm này suốt tháng nay cũng có kinh nghiệm về tài chữa bệnh của tui mà... Ừa, mà thầy là thầy Bảy, phải rồi. Tui nghe người ta đồn rằng, chỗ tui ở, trước kia là nhà của một người đàn bà nhờ tài hốt thuốc của thầy mà siêu thoát…

Thầy Bảy lặng người đi trong cơn giận dữ khủng khiếp. Gương mặt đỏ vì rượu bỗng tái xạm lại. Hai môi mím chặt. Cánh tay còn lại hất mạnh cái ly cạn rượu lăn lông lốc trên bàn. Bà Được cuống cuồng chạy lại chụp kịp cái ly, vừa năn nỉ can ngăn:

- Thôi tui can hai người. Chuyện đang nói chơi sao làm ra như thiệt. Đồng nghề đồng nghiệp với nhau cả mà. Hổng nên vậy.

Bà Được kéo thầy y tá ra chỗ khác. Thầy Bảy liếc nhìn cánh tay cụt của mình. Thầy muốn đứng dậy bạt tai cái thằng lếu láo, nhưng sức thầy đâu còn bao lăm. Hai chân run rẩy vì giận. Thầy thọc cánh tay còn lại vào túi áo kiếm mấy đồng bạc lẻ vứt lên bàn rồi ra bến sông. Văng vẳng lại tiếng bà Được:

- Nhịn người già cả chẳng sao. Thầy Bảy từ ngày bị thương đến rày khó tính.

Thằng Thạnh đang ngồi vo gạo ở cầu ván. Bầu trời chiều chạng vạng với những đàn chim chao cánh trên bến sông tìm lối về nhà. Mải lo chơi, Thạnh quên phứt công việc nấu cơm nướng khô. Đến khi mặt trời lặn hẳn, tan cuộc chơi, Thạnh mới sực lo âu. Rổ gạo trên tay chao rửa nhanh vội vã.

- Rầm…

Thạnh giật bắn người, chiếc rổ gạo trên tay sút ra quay tròn trên mặt sông. Những lượn sóng nhỏ dồn dập ào tới xô đẩy. Thạnh với tay, với tay. Rổ gạo đổ úp xuống. Những hạt gạo trắng lờ lấm tấm trong lòng nước rồi mất hẳn dấu tích, chỉ còn váng nước cơm đục như sữa lan rộng và cái rổ dập dềnh. Thầy Bảy già đã về. Thạnh không dám quay mặt lại.

- Hừ… Đồ phá của... Vô đây... Thạnh.

Thầy Bảy chỉ tay vào Thạnh nói lớn rồi ào vô nhà như một cơn lốc sau khi ném cho Thạnh một cái nhìn hằn học đe dọa.. Thạnh ngồi im trên cầu ván lưỡng lự. Trận đòn ngày hôm trước còn in lằn nhức nhối khắp người. Thạnh sợ đến độ run rẩy hai đầu gối. Có tiếng chén bát, bàn ghế chạm nhau loảng xoảng bên trong.

- Thạnh…

- Dạ…

Thạnh bước những bước thật chậm vào nhà. Chiếc đèn mù u soi vào gương mặt đỏ của thầy Bảy, tương phản cái đầu bạc trắng. Mắt thầy Bảy long sòng sọc trong bóng vàng của đèn. Cánh tay cụt đưa đưa và cánh tay áo phất phơ. Thạnh nghe xương sống lạnh giá và tay chân như nổi da gà.

- Mầy định hại tao hả Thạnh?... Hả…?

- Dạ…

- Chó nhà cắn chủ, nuôi ong tay áo. Mầy tư thông với thằng cha y tá làm nhục tao hả? Ai dạy mầy qua đó thắc mắc nhiều chuyện... hả? Thạnh?... Hả?

Rầm… Choảng…

Bàn ghế ly tách chạm nhau rơi bể loảng xoảng. Chưa bao giờ thầy Bảy cảm thấy giận tức như bây giờ. Máu nóng dồn ứ lên mặt, lên tay. Khúc roi mây quơ lia lịa trong khoảng không vun vút. Thầy Bảy có cảm tưởng có thể giết được thằng Thạnh tức thì. Thằng Thạnh nép sát mình vào xó cửa, mặt tái lại trong cơn sợ thất thần. Chiếc roi mây vun vút trên tấm phên che, vụt ngang cánh cửa. Tấm liếp bươm ra dưới cái quất giận dữ của thầy Bảy.

- Tao nuôi mầy, mầy phản tao hả...? Tao giết người.. à, té ra mầy quên mất ơn nghĩa.

Thầy Bảy nghiến răng trèo trẹo.

- Bữa nay một mầy một tao. Tao giết chết mầy thả xuống sông. Tao giết mày…

- Vút

- Á… ôi…

Lằn roi mây sưng vù rướm máu trên cánh tay trần. Vết roi buốt xót trong tiếng khóc. Mắt thầy Bảy long lên. Những đường gân nổi hằn trên cổ trên tay. Những nếp nhăn đe dọa trên gương mặt già, trong bóng tối, sáng của ngọn đèn dầu nhỏ tạo nên hình ảnh ghê sợ nhất. Thầy Bảy bước từng bước đến bên Thạnh. Thạnh lùi dần, lùi dần…

- Tao giết chết mầy…

Tiếng chim cú rục rã ở ngoài sông. Đôi mắt thầy Bảy như đôi mắt chim cú quắc lên. Thạnh run người chợt nghĩ thầy Bảy sẽ giết mình thật. Thạnh lùi dần ra sân. Tiếng nước vỗ vào cầu ván, tiếng những tàu lá dừa nước chạm nhau xào xạc. Ngoài bờ sông là vũng lầy bí mật đen sánh. Thạnh sợ quên cả đau, mắt chằm chằm vào cái bóng đen cao của thầy Bảy. Cánh tay áo cụt phơ phất. Thằng Thạnh liên tưởng thầy Bảy như con quỷ nhập tràng. Giọng nói của thầy lè nhè không thành tiếng. Bỗng thầy Bảy quơ roi hét lên một tiếng:

- Thạnh…

- Á…

Thạnh cũng hét lên một tiếng kinh hoàng rồi quay đầu bỏ chạy, hướng về con đường dẫn đến trường học. Hình như thầy Bảy cũng chạy đuổi theo. Thạnh sợ cắm đầu chạy không dám quay lại, hai chân tựa như bốn chân đập vào nhau. Thạnh té xuống đất. Ngồi dậy. Đứng lên… Rồi chạy... Trường học đứng im lìm với câu mù u thẳng tắp và cột cờ đen sì. Thạnh bíu vào cái cổng đóng kín.

Hình như tiếng chân đuổi theo đã đến gần. Thạnh cuống cuồng chạy thẳng.

Con đường với những hàng cây chà là sắc lá quen thuộc. Thạnh thấy yên ổn hơn khi chui vào trong đám lá rừng hỗn độn đó. Những chùm chà là chín thoang thoảng mùi thơm làm Thạnh tỉnh lại một chút. Hai bàn chân mỏi nhừ dừng lại để nhường cho nhịp tim đánh trong lồng ngực. Thạnh nghe tiếng tim mình đập liên hồi. Thạnh ngồi trốn sau một gốc chà là, nghe ngóng tiếng chân đuổi của thầy Bảy. Rượu làm thầy mất cả suy xét. Thầy chạy băng băng theo cái bóng đã mờ khuất trong bóng đêm.

Ngang qua những gốc chà là. Ngang qua những cành lá cạnh sắc cứa thịt. Thầy Bảy mò mẫm trong bóng lá dầy, miệng lảm nhảm chửi rủa tục tằn. Thằng Thạnh rạp sát người ở một gốc cây. Cứ tưởng tượng lúc bị thầy Bảy nắm được tóc, được tay là Thạnh run lên. Tim đập hồi hộp trong lồng ngực. Người Thạnh mềm đi vì sợ. Nhiều lúc Thạnh tưởng chừng như bước chân thầy Bảy đến gần sát và sắp sửa trông thấy nó đến nơi. Thạnh cố hết sức ngồi im. Một chặp sau, tiếng chửi mắng của thầy Bảy nhỏ lần. Hình như thầy lạc lối trong khu rừng chà là dày bịt, và cũng hình như thầy không còn sức để mà nói nữa. Bây giờ mà không kiếm đường về thời còn đợi bao giờ?

Thạnh nhớ tới má con Bông, nhớ đến lời người y tá hồi chiều. Nhất định là Thạnh sẽ không ở với thầy Bảy nữa. Con người bạc ác như vậy đã làm cho Thạnh sợ hãi, đã đày đọa Thạnh khổ sở cực nhọc, lại đòi giết nó nữa. Nhất định lần này Thạnh phải đi, không ai tha thiết với người mà mình ghê tởm. Thạnh sẽ xin làm việc và học việc với thầy y tá, hoặc sống với gia đình con Bông, cũng chỗ quen biết. Dù sao cuộc sống như vậy ít nhất cũng sung sướng hơn ở với thầy Bảy vừa đổi tính. Khu rừng đối với thằng Thạnh quen thuộc như nhà ở. Nó biết và định được từng vũng lầy, từng chỗ rừng thưa, từng cây chà là hư ngọn. Chả mấy chốc thằng Thạnh đã ra tới bìa rừng, chỗ thưa cây. Con đường mòn trắng mờ dẫn về nhà hoang vắng. Thạnh lắng tai nghe ngóng xem thầy Bảy đã ra khỏi rừng chưa. Không một dấu hiệu nào đáng ngại. Thạnh dợm bước. Nhưng bỗng…

- Cứu tôi với… Cứu…

Thạnh giật mình hướng lỗ tai theo chiều gió. Tiếng kêu cứu của thầy Bảy… Chết… Thạnh chợt nhớ. Chết, thầy Bảy đã rơi trúng vô mấy vũng lầy ở mé rừng rồi. Không do dự, Thạnh chạy phăng phăng về hướng tiếng kêu. Tiếng kêu mỗi lúc một to vang rền trong tiếng gió xao động. Bóng đêm phủ kín cả đường đi giữa những cành lá chà là cao to gie ngọn. Thạnh đồ chừng thầy Bảy lọt xuống vũng lầy, chỗ Thạnh và mấy đứa bạn hôm trước đến đó hái chà là. Vũng lầy nầy thông với lạch nước lên xuống của con sông lớn. Giờ nầy chắc nước bắt đầu lên. Cây càng lúc càng thưa dần. Đất ướt rượt dưới chân cho biết Thạnh đã đến gần chỗ lầy. Tiếng kêu của thầy Bảy rõ mồn một.

- Cứu tôi với…

Bỗng dưng Thạnh dừng lại ngập ngừng. Hay cứ để mặc xác thầy Bảy. Cứu thầy rồi để về thầy hành hạ Thạnh cho đến chết. Cứ kệ, làm như không biết gì hết. Thầy ở ác quá mà. Cho thầy gặp khó. Trong phút chốc, Thạnh thấy hả lòng giận tức oán hờn bấy lâu nay chất chứa. Thạnh muốn quay trở về rồi ra sao thì ra, nhưng hai chân vẫn cứ dính chặt lại một chỗ. Cứu thầy rủi mình cũng mắc kẹt trong đó thì sao. Hay mình về nhà kêu hàng xóm. Nhưng giờ này họ ngủ kỹ, đâu có ai dám ra đường.

Tiếng kêu của thầy Bảy như mỏn hơi lần. Một tàu chà là khô rơi đánh bộp trước mắt Thạnh. Thạnh ngồi bệt xuống đất, chân tay run rẩy. Tàu lá dừa cọ quẹt trong lòng tay Thạnh. Hơi sương đổ xuống ướt lạnh ngực, lưng áo. Tiếng kêu của thầy Bảy chợt chuyển thành tiếng rên rỉ từng chặp.

Một ánh vàng chói lòa hồng lên. Trái hỏa châu lạc loài phả ánh sáng rực lên rừng chà là. Bóng lá chập choạng mơ hồ. Vũng lầy ở gần Thạnh không ngờ. Thạnh đã trông thấy thầy Bảy. Bùn đã lún đến tận ngực. Cánh tay độc nhất ngọ nguậy yếu ớt cố với cành lá dừa khô mọc de cành ven vũng lầy. Mái đầu bạc lấm bùn bê bết.

Như một làn chớp từ ký ức xa xăm. Thạnh nhớ lại đêm kinh hoàng qua sông. Mái đầu bạc ánh ướt dưới bóng vàng sáng của hỏa châu. Chiếc thuyền lật với cánh tay bị thương máu chảy chan hòa. Dáng dấp đó bây giờ với ngày trước y hệt. Có khác chăng cánh tay bị thương đã nằm yên đâu đó cách xa thầy Bảy. Tiếng rên rỉ gợi trong lòng Thạnh, dội vào trái tim nhỏ bé của Thạnh một chút xót xa thương cảm. Thạnh nhớ lại lúc chiếc thuyền trôi phăng phăng, thầy Bảy đã để cho Thạnh bơi một mình tìm sự sống. Còn thầy phó mặc cho số mệnh. Như vậy đâu phải thầy không thương Thạnh. Thạnh lại nhớ những ngày đau sốt, thầy Bảy lom khom mái đầu bạc trắng bên bếp lửa sắc thuốc. Thuốc đắng, thầy mua mấy cây kẹo thèo lèo dỗ Thạnh uống thuốc. Những buổi đi hái lá. Những ngày được tiền nhiều. Những buổi
lên chợ ăn hủ tiếu. Những năm dưỡng dục. Thạnh ứa nước mắt. Một trái hỏa châu khác nổ bùng lên, sáng chói. Thạnh cúi xuống vác cành lá chà là khô men đến chỗ thầy Bảy, Thạnh vứt cành dừa nằm ngang trên mặt lầy. Bùn bắn tung tóe. Thầy Bảy bám lấy cành dừa, như được hồi sinh. Nhưng đôi mắt nhập nhòe của Thầy không biết ai là kẻ đến cạnh mình. Thầy cố hết sức la lên:

- Cứu tôi với…

Thạnh vác thêm một cành dừa khác thả lên trên cành chà là kia.. Kinh nghiệm còn sót lại trong phần óc mê hoảng mịt mùng của thầy Bảy là buông tay ngã người nhè nhẹ lên tấm thảm dừa, chà là. Thạnh cố hết sức lôi hai cành lá vô bờ. Thầy Bảy rướn người cho thân hình nằm ngang. Cánh tay còn lại làm thầy day trở khó khăn, suýt trụt lại mấy lần. Nhưng rồi cuối cùng hai bác cháu Thạnh cũng dìu được lên trên bờ. Thầy Bảy như muốn ngất đi vì mệt. Thầy bíu lấy cánh tay cứu rỗi và ngạc nhiên khi nắm phải một bàn tay nhỏ bé. Thầy hỏi:

- Ai đó, ai cứu tôi đó?

- Dạ Thạnh. Bác về được không? Hay bác nằm trên cành dừa con kéo về.

Thầy Bảy ngạc nhiên tưởng mình nghe lầm. Thầy nhướng mắt. Ánh hỏa châu lờ mờ soi rõ dáng quen thuộc. Thầy nhắm mắt. Thầy không muốn nghĩ ngợi gì nữa.

Thằng Thạnh dùng tàu lá khác kéo thầy Bảy. Lần trở ra nó tìm được con đường mòn nên đi dễ dàng hơn. Được một khoảng thầy Bảy gượng dậy. Thầy bước thấp bước cao quàng tay qua vai Thạnh. Cả hai cùng bước, không nói một lời.

__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>