Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

CHƯƠNG IV_TIM TÍM NHƯ HOA DẠI


CHƯƠNG IV


Đoan nắn nót viết lên mảnh lụa màu xanh, những chữ “Hai con Thúy Đoan kính tặng ba má” rồi gói kín món quà bằng một tờ giấy hoa. Món quà là bức tượng của chị Thúy vừa nắn xong bức tượng cô bé ngồi đàn và một cành hoa Cúc Tím được Đoan ép dán lên một mảnh gỗ. Hai chị em đã hoàn thành món quà của mình và cùng gói chung để tặng ba má, nhưng ba má chỉ được mở ra sau khi hai chị em đã vào Sàigòn. Đoan thấy vui vui với món quà của mình, vì đó là kết quả của lòng chờ đợi từ hôm cắm cây Cúc Tím xuống đất đến ngày cây nở ra những bông hoa, được Đoan hái vào, ép cẩn thận với thuốc giữ màu và dán cứng vào mảnh gỗ bằng nhựa thông láng bóng. Đoan muốn tặng ba má một niềm vui nhỏ, bởi xét ra từ thuở bé đến giờ chỉ có ba má cho Đoan quà mà chưa bao giờ Đoan làm một cái gì để biểu lộ tình thương của mình với ba má. Bây giờ Đoan thấy chị Thúy làm việc gì cũng đúng. Chỉ trong vài tháng về nhà, chị đã làm không biết bao nhiêu là thứ để lại cho ba, cho má. Đoan mới hiểu rằng tình thương không phải giữ trong lòng là đủ, mà phải biểu lộ bằng hành động. Đoan chỉ còn vài ngày để kịp nghĩ ra rằng dãy hoa Cúc Tím kia là do Đoan săn sóc thế cho ba, từ lúc đem về đến nay nên tự tay Đoan làm một món quà nhỏ, để khi nhìn đó ba má sẽ vui. Đoan thận trọng để gói quà lên kệ tủ, nghiêng người ngắm rồi bỗng cảm thấy buồn buồn trong lòng. Mai mốt đây căn nhà nhỏ, khoảng sân hẹp và khu vườn vắng sẽ chỉ còn lại ba với má. Hai bóng già sẽ hủ hỉ với nhau và chờ đợi những lá thư, những tin vui của con và ngóng trông những ngày hè. Một sự thay đổi mà Đoan đã có lần ao ước và nay đã toại nguyện thì lại không vui. Đoan mong ngày vào Sàigòn hãy khoan đến. Xa nhà, xa ba má là một điều buồn bã biết chừng nào! Nhưng đến nay Đoan không còn một lý do nhỏ nào để đổi ý. Ai cũng mong muốn như thế vì thấy tương lai của Đoan mở ra có vẻ sáng sủa. Nhưng có ai biết những ý nghĩ phức tạp nhất đang hỗn độn trong tâm hồn cô bé. Giống như thành phố của Đoan, muốn cuộn mình ẩn dật với núi non nhưng cũng dõi mắt náo nức chờ đợi những điều mới mẻ ngoài biển khơi. Đoan biết đời học sinh chắc sẽ nhộn nhịp và linh động hơn nhưng lại luyến tiếc những cảnh cũ người quen ở nơi đây. Đoan đã liên tiếp đón nhận những sự đổi thay để cảm thấy rằng đời sống không bình lặng và nhàm chán. Những sự đổi thay xảy đến, có khi làm Đoan thú vị nhưng có lắm khi làm Đoan đau đớn. Đoan ví những diễn tiến đó cũng giống như Đoan hôm đi trên xe lửa Đoan thích thú khi đang ở trong ánh sáng thình lình chìm vào bóng tối, nhưng sau khi mở mắt Đoan đã hốt hoảng với đôi mắt nhập nhèm trước mặt mình. Một người hành khất, và cả gia đình hành khất đó với thân phận khốn khổ của họ, phải chăng là câu trả lời cho lòng náo nức của Đoan.

Đoan bước lần ra sân. Trước hiên nhà, những nụ hoa Hoàng Hậu vừa mới nở, kết đầy trên những dây leo thòng xuống, đong đưa trong gió. Đám hoa Cúc Tím mới nở, màu trông buồn nhưng chứa đầy ý nghĩa. Cả những luống hoa cũ cũng nở tươi nhờ những cơn mưa. Khu vườn nhỏ gợi cho Đoan một nỗi bâng khuâng. Đúng như chị Thúy nói, việc gì rồi cũng qua đi. Nhưng có một điều là mỗi một việc xảy ra đều để lại trong người một cảm xúc. Nếu những kỷ niệm nhỏ làm vui lòng Đoan, thì sự nằm xuống của Hướng là một mất mát to lớn, và nỗi đau khổ của Nguyễn là một dấu vết mà Đoan sẽ nhớ suốt đời. Đó là những “đổi thay” không nằm trong mơ ước, đã xảy đến làm xao động khoảng ngày bình lặng, và đã làm cho một cô bé yếu mềm, mơ mộng mất đi phần nào sự vui vẻ hồn nhiên. Đoan biết, không một ai có thể tránh được những đổi thay, những va chạm hay những nỗi bất hạnh trong cuộc đời mình. Nhưng hạnh phúc thay cho những ai biết mình đang sung sướng, hưởng hết những diễm phúc mình đang có
rồi khi mất đi, không tiếc rẻ vì mình đã xa chúng. Đoan cảm thấy đã có khi Đoan không biết rằng Đoan đang hạnh phúc với chuỗi ngày thơ dại quý báu, Đoan mơ mộng quá nhiều và Đoan muốn đổi thay. Sự đổi thay, dù không muốn, nó cũng sẽ đến. Nhưng những ngày thơ dại quý giá bây giờ không tìm lại được. Lũ bạn nhỏ không còn có một ngày nào họp mặt đông đủ, đùa nghịch và rủ nhau đi chơi. Cũng như khi Đoan sống với ba má thì không cảm thấy đầy đủ, bây giờ sắp đi xa mới nhận biết rằng mình sẽ thiếu thốn. Bây giờ Đoan thấy mình cứng rắn hơn xưa một chút. Lời Nguyễn lúc nào cũng vẳng trong tâm trí, như một nhắc nhở Tương lai ở trong tay ta, tôi chúc cô bé, trong những sinh hoạt mới, lúc nào cũng hăng say, vui tươi và nhất là có nhiều nghị lực. Hãy nghe lời tôi, vì tôi thương cô bé như thương Thái vậy... Ôi! Nguyễn đã đến, đã chiếm nhiều chỗ trong tư tưởng của cô bé, đã là câu trả lời đủ nghĩa nhất cho một sự ngóng đợi. Nguyễn là những mộng mơ diễm ảo, những thần tiên của lòng tưởng tượng, và Nguyễn cũng là thực tế, là biểu tượng của đời sống con người, nhiều khổ đau hơn là hạnh phúc.

… Có tiếng xao động trong vườn. Đoan nhíu mày nhìn ra đám lá cây đang rung rinh. Ai thế? Một bóng người thấp thoáng. Đoan nhắm mắt lại, bỗng mơ hồ nghe như mình đang hỏi :

- Ai thế?

Và có giọng trả lời :

- Hướng đây!

Hướng vẹt những cành lá bước tới. Đoan lại nghe mình hỏi :

- Hướng đi bộ à ?

- Không, Hướng đi xe đạp. Đoan lấy xe đạp của Đoan, cùng đi với Hướng lên đồi La San chơi.

- Eo ơi, leo xe đạp lên đồi La San? Hướng muốn Đoan gãy giò luôn à ?

Hướng cười giòn tan :

- Ở gần đồi La San, có một ngọn đồi nhỏ và thật xinh, là nơi ở của Hướng, Đoan đến không ?

Rồi Đoan cảm thấy mình đang đứng ở trên ngọn đồi nhỏ của Hướng. Gió thổi nghe lạnh. Và Hướng đang ngắt cho Đoan một cánh hoa.

- Cho Đoan đấy ! Hoa dại...

Đoan ngậm ngùi muốn khóc...

- Cho Đoan nè ! “Sa-bô-chê” chín.

Chị Thúy xuất hiện sau đám lá, trên tay cầm những quả “sa-bô-chê”. Chị mỉm cười với Đoan :

- Còn nhiều trái sắp chín ở trên cây. Mai mốt đi vô Sàigòn chị em mình sẽ hái. Đoan vào lấy giùm chị cái dĩa, chị sắp “sa-bô-chê” chút nữa ba má ăn.

Đoan nhìn chị Thúy, thấy thương chị hơn bao giờ. Nếu là một cô bé Tây phương, Đoan sẽ ôm chầm lấy chị để biểu lộ tình thương ấy. Nhưng Đoan vẫn đứng yên, nhìn chị bằng ánh mắt mến yêu
một ánh mắt cũng đủ nói lên tâm hồn người Và Đoan đi vào lấy cho chị Thúy một cái dĩa.

Có tiếng giép của má bước ra. Hai chị em quay lại. Đoan muốn nhìn má thật lâu để thu hết hình ảnh má vào tim. Má lên tiếng :

- Hai chị em nói đi mua đồ dùng gì đó sao bữa nay cũng chưa đi?

Chị Thúy đáp :

- Dạ con tính rủ Đoan đi chợ bây giờ đó má!

- Vậy thì con nhớ mua cho em con một ít vải trắng để may thêm áo dài đi học nghen. Con cũng vậy, mua cho đủ những vật cần dùng. Nhớ ghé hàng mực khô mua một ít để đem biếu bác Cảnh. Con đã ở trọ trong nhà bác, nay lại có thêm em con, phải đối với người ta cho phải.

Chị Thúy dạ, rồi quay sang nói với Đoan :

- Vào sửa soạn đi chợ, Đoan!

Đoan vào phòng, mặc chiếc áo dài trắng. Trên ngực áo còn thêu tên trường bằng chỉ đỏ. Ấy là một trong những dấu tích của khoảng ngày đã qua. Và trên bàn học, tập hoa ép của Đoan vẫn là một hình ảnh gợi nhớ. Hai trăm cành hoa dại ép này, Đoan sẽ mang theo không rời. Sẽ không ai tìm thấy đủ hai trăm loại đó và sẽ không ai khổ nhọc ép chúng như Hướng và Đoan đã làm. Và dù chúng có được đặt tên là gì đi nữa, chúng vẫn luôn luôn là “hoa dại”, trong tâm tư của Đoan và trong linh hồn của Hướng. Lát nữa đi chợ về, Đoan sẽ rủ chị Thúy lên thăm mộ Hướng, trên ngọn đồi nhỏ đơn sơ của Hướng. Từ ngày Hướng mất, Đoan đã khóc cho Hướng rất nhiều nước mắt, như lời Hướng ước mong. Đoan tự nhủ mình sẽ tập cứng rắn hơn xưa, để có đủ nghị lực mà làm việc và tập sống cách người lớn. Vì rồi đây Đoan sẽ lớn, cũng như mọi người. Nhưng Đoan có quyền mềm lòng mỗi khi nghĩ đến Hướng. Và chỉ mềm lòng mỗi khi nghĩ đến Hướng mà thôi. Đoan có quyền khóc khi nghĩ đến sự thiếu mặt Hướng trên cõi đời. Đoan rất ghét ai khuyên nhủ rằng “Thôi đừng buồn, đừng khóc, người chết đi rồi có sống lại được đâu!”. Đoan khóc Hướng vì thương mến người bạn nhỏ, chứ không phải để cho Hướng sống lại. Hướng nhỉ, cuộc đời một con người dù không êm ả như một bài thơ, nhưng cũng không là vở kịch hay quyển tiểu thuyết mà đợi kết cuộc rồi hài lòng hay đau khổ. Chỉ có những tình cảm và những đổi thay tiếp diễn hoài không thôi, bắt chúng ta phải tiếp đón và chống chọi. Đoan sẽ nghĩ, sẽ nhớ đến Hướng và yêu quý Hướng như yêu quý những kỷ niệm ấu thơ trải ra suốt những ngày êm ấm ở quê nhà.

Dường như có tiếng rào rạt trên mái. Và có tiếng má nói vọng vào:

- Mưa rồi Thúy ơi! Hai đứa khoan đi đã.

Chị Thúy nói :

- Không sao đâu má! Mấy bữa nay ngày nào cũng mưa, tụi con có đợi thì cũng chẳng tránh được. Để mưa dịu dịu lại tụi con đi.

- Nhưng phải nhắc con Đoan mặc áo mưa. Nó có cái tật lười không khi nào chịu đem áo mưa. Nay mai vô Sàigòn lấy ai mà nhắc.

- Dạ, nó hay quên lắm. Để con nhắc chừng luôn.

Đoan thấy nghẹn nghẹn ở cổ. Nay mai vô Sàigòn sẽ không có má nhắc đem áo mưa. Trời Sàigòn hay mưa lắm, như Huyền đã nói. Đoan phải tập thói quen đem áo mưa theo, đừng lơ đãng hay giả vờ quên để được dầm mưa. Vả lại, nếu có lỡ mắc mưa dọc đường, sẽ không còn ai nhường áo mưa cho Đoan mặc. Hướng đã mất, đã nằm yên nơi chỗ của Hướng rồi !

Sau ý nghĩ ấy, Đoan vừa khóc, vừa mặc áo mưa vào.
 

Tân Định Saigon 27-8-1973   
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh 


oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>