Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Đoạn Đường Tuổi Nhỏ


Năm giờ đúng. Chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa ba sẽ đi làm về. Sau bữa cơm, ba sẽ ra ngồi nơi ghế dựa ở phòng khách, và gọi Yên đến.
 
Chuyện đó đã thành một cái lệ mỗi ngày, thường Yên chẳng có gì phải bận tâm. Nhưng chiều nay lại khác, cậu thấy ngại làm sao lúc đối diện với ba, nghe ba hỏi. Rồi cậu sẽ trả lời thế nào cho suông? Viện dẫn lý do nầy duyên cớ nọ, hay cậu cứ đứng trơ ra mà chịu? Ba sẽ gắt gỏng, mắng cho cậu một mách?
 
Ước chi ba sẽ bận việc gì đó mà bỏ quên Yên buổi tối nay. Nhưng chắc khó thể có, khi ba lúc nào như cũng chú tâm đến cậu.
 
Giờ phút này Yên mới nghe hối hận về sự bê bối “bốc đồng” của mình. Cũng tại mấy thằng bạn nữa! Ai xui tụi nó tới rủ ren mình, cho mình bỏ đi theo. Lâu lâu phá lệ một bữa chẳng lẽ gặp xui xẻo, mình đã nghĩ vậy mới thuận theo tụi nó, dè đâu rồi gặp xui xẻo thật! Phải chi lúc ấy mình cứ nhất quyết không nghe lời tụi bạn, ở nhà lo xong việc mình đã, thì bây giờ mình đâu phải mang cái tâm trạng bất ổn nầy. Mình thật có lỗi! Nhưng lạ quá, mình biết là mình có lỗi, đáng bị rầy rà, tại sao mình cứ không muốn ai biết đến cái lỗi của mình, không muốn ai rầy mắng mình?
 
Thôi, chuyện đã lỡ không thể nào thay đổi được, mình có băn khoăn lắm cũng vô ích. Mặc kệ tới đâu hay tới đó vậy, rồi ba có đánh mắng mình thế nào cũng cam!
 
Nắm soải tay trên bộ đi-văn, Yên nhắm mắt cố xua những lo nghĩ ra khỏi hồn, và chìm trong sự yên vắng của căn phòng rộng. Yên vắng, cậu chỉ có cảm tưởng như thế giữa căn phòng có riêng mình, nhưng thật ra xung quanh vẫn vang những tiếng động: Tiếng xe cộ từ ngoài đường vọng vào ; tiếng người léo nhéo ở phố bên ; tiếng má khua soong chảo lẻng xẻng dưới bếp ; và gần hơn, đều đều hơn, tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ treo tường… Bao nhiêu âm thanh quyện lấy nhau ồn ào không dứt.
 
Nhưng ngộ, sao có nhiều lúc mình như quên khuấy tất cả, không nghe gì, mình tưởng như chỉ có mình mình trong yên vắng, chỉ nghe có tiếng nói thầm lặng của ý nghĩ mình thôi. Như vậy, khi mải nghĩ mình có thể không nghe gì? Ngược lại khi mải nghe mình có thể không nghĩ gì? Vậy bây giờ mình cứ tiếp tục “mải nghe” đi! A, mình thử đoán xem nằm đây mình nghe được tất cả bao nhiêu tiếng động?
 
Yên mỉm cười, nhẩm đếm từ tiếng động lớn tới tiếng động nhỏ…
 
Bỗng, cậu ngồi bật dậy, nhíu mày, lắng tai nghe kỹ hơn: Hình như vẳng đâu đây có một thứ tiếng động lạ lắm. Không phải tiếng kêu cũng không phải tiếng khua động. Yên chẳng biết phải gọi nó là tiếng gì. Nó thật khẽ, chỉ chợt đưa đến tai cậu một thoáng rồi lẫn mất như cơn gió thoảng qua. Bây giờ thì cố cách mấy, cậu cũng không nghe lại được để suy nghiệm. Có lẽ cậu đã nghe lầm chăng?
 
Ngoáy ngoáy lỗ tai, Yên thử nằm xuống ở vị thế cũ. Được một lúc:
 
- A, đúng là mình không lầm!
 
Quả vậy, tiếng động lần nầy Yên nghe rõ hơn, liên tục kéo dài, tuy nhiều lúc bị tiếng xe chạy ngoài đường át mất. Nhưng cậu vẫn không định được nó xuất phát từ chỗ nào. Điều chắc chắn là nó không xa chỗ cậu nằm, không chừng ở ngay dưới sàn đi-văn nữa!
 
Bộ đi-văn hơi thấp, dưới sàn tối mờ mờ, Yên cúi nhìn thử chẳng thấy được chi. Cậu vào phòng ngủ lấy ra cây đèn pin.
 
Mọp người sát sàn gạch, Yên rọi đèn vào đáy đi-văn quan sát kỹ. Ánh đèn pin quét qua từng khoảng cho cậu thấy rõ lớp bụi bặm phủ trên nền gạch Tàu, những sợi tơ nhện mắc loạn dưới đáy đi-văn, mấy con gián bị động chạy rối. Ngoài ra, chẳng có gì lạ cả. Vậy cái gì phát ra tiếng động nọ? Nó ở chỗ nào?
 
Thật ra Yên đã đoán được phần nào về tiếng động lạ. Chính vì thế cậu thấy cần phải tìm cho ra gấp nơi xuất phát nó.
 
Nằm trên đi-văn nghe “nó”, nhưng rồi tìm khắp đi-văn không thấy “nó”, vậy chắc “nó” ở một chỗ gần đi-văn chứ không phải trên đi-văn? Yên nhìn quanh phòng: Phố cũ, trần ván, vách ván, thật dễ cho “nó” xâm nhập.
 
- Lũ ma, lũ quỉ, bây ở đâu? Thử làm mạnh lên cho tao nghe coi!
 
Yên lẩm bẩm. Chợt cậu đứng ngay lại, rồi hơi khom người xuống, lấy tay che tai, xê dịch từ từ bước chân về phía một đầu đi-văn. Được vài bước cậu đứng lại, nghe ngóng, rồi tiếp tục bước. Thình lình, cậu la hoảng lên, nhảy lại cái tủ đứng ở gần đó:
 
- Thôi chết rồi! Má ơi má!
 
*
 
Hai con số không tròn vo dính lại như cặp kính gãy gọng, nằm xéo bên lề bài vạn vật có vẽ hình mấy con ong: ong chúa, ong thợ, ong con… Yên mở rộng tập cho ba coi, và nói:
 
- Ba, bữa nay con bị không điểm vạn vật!
 
Ba nhìn cuốn tập rồi nhìn cậu, ngạc nhiên. Có cái gì là lạ trong thái độ đường hoàng thú lỗi của cậu.
 
Đúng như lệ thường, sau bữa cơm chiều, lúc nhà đã lên đèn, má đã rỗi rảnh ngồi vá may ở đi-văn nơi phòng khách, ba ra ngồi vào ghế dựa cạnh đó, sửa soạn gọi Yên đến để hỏi chuyện học trong trường, lật xem tập vở của cậu. Nhưng lần nầy ba chưa kịp lên tiếng, đoạn Yên như chực sẵn, đã mang tập đến mạnh dạn thưa trước.
 
Ba hơi nhíu mày. Vậy là thế nào? Xưa nay Yên vẫn học rất khá. Thường khi bài vở cậu luôn được điểm cao, thỉnh thoảng mới có một lần điểm thấp. Những lần như vậy cậu tỏ ra xấu hổ, và sợ phải đem trình với ba. Thế mà hôm nay cậu lại xem như không trước cái kém bất thường của mình?
 
Kẻ có lỗi mà biết thẹn, muốn che giấu không cho ai hay, hoặc nói ra một cách ngượng ngập, tức là biết nhìn nhận cái lỗi của mình, tự hối, hẳn sẽ cố tránh về sau. Trái lại kẻ lầm lỗi mà cứ thản nhiên, là đã trở nên trơ lì, chắc sẽ không ngại chi chuyện tái phạm. Yên đã tệ đến mức đó sao?
 
Ba chợt nghe bực tức, muốn quát nạt, hạch hỏi thằng con cho ra lẽ. Nhưng rồi ba cố dằn. Chắc phải có một lý do nào xui nó như vậy. Ba thấy cần phải từ từ dò ra.
 
Ba hỏi:
 
- Con không thuộc bài bị giáo sư cho không điểm, hay tại lầm lỗi gì?
 
Yên:
 
- Dạ con không thuộc bài ba. Chiều qua có mấy đứa bạn tới rủ đi chơi, con nghe theo, bỏ không học bài, tưởng lâu lâu làm biếng một lần không sao, ai dè.. hì hì xui xẻo quá!
 
Má dường như cũng nhận ra Yên tối nay có vẻ bương bướng thế nào qua mấy lời cậu nói. Má dừng kim may, quay sang:
 
- Con tệ như vậy mà có thể cười được sao Yên? Con không còn biết xấu về chuyện đó?
 
Yên vẫn không tắt nụ cười nhếch trên môi:
 
- Má khó quá! Lâu lắm con mới bị “ăn hột vịt”, có chi đáng xấu đâu má?... Con có cái nầy ngộ lắm, nếu con đưa má coi, chắc má sẽ không còn mắng con là quá tệ!
 
- Cái gì?
 
Yên bước lại bàn học rút lấy một cuốn tập đem lại trao cho má. Má xem ngoài xem trong tập một hồi, rồi nhìn ba chăm chăm, muốn nói gì lại lưỡng lự. Ba hỏi:
 
- Cái gì đó?
 
Má chìa cuốn tập:
 
- Tập ở đâu mà nó kiếm thấy nè!
 
Ba vói lấy cuốn tập trong tay má. Tập đã quá cũ. Bìa bao bằng giấy “thế giới tự do” đã bẩn vàng. Giữa bìa, một mảnh giấy nhãn chữ ghi còn đọc rõ được: trường tiểu học Châu Thành. Lớp sơ đẳng 1. Tập toán đố. Của trò Nguyễn-Thanh-Đạm. Bên trong giấy đã ngã màu ngà ngà, các góc bị cuốn cả. Ở đầu mỗi trang đều có ghi tên, thói quen của các cậu học trò tiểu học hồi trước. Chữ viết trong tập không xấu lắm, nhưng lem luốc. Các bài toán mười bài hết tám bị phê sai, năm điểm, hai điểm và không thiếu những con không điểm.
 
Ba lật xem cuốn tập từ trang đầu đến trang cuối, rồi bật cười:
 
- Đúng là cuốn tập của ba học hồi nhỏ đó Yên! Ba đã hiểu ý con. Xem cuốn tập nầy, con có quyền nghĩ rằng hồi trước ba học dở như vậy, bây giờ con có kém một chút cũng chẳng có gì đáng nói phải không? Và ba không thể mở miệng rầy rà chi con được phải không?
 
Đúng là ba đã nói trúng tim đen Yên. Nhưng nếu vừa rồi cậu có vẻ hóm hỉnh, thì bây giờ cậu lại nghe hôi hối, chỉ biết lặng thinh trước câu hỏi của ba. Bản tính ngoan hiền khiến cậu tự thấy là mình không phải trong chuyện nầy. Tránh ánh mắt của ba, Yên quay sang má. Nhưng bắt gặp má nhìn mình có vẻ trách móc, cậu cúi đầu.
 
Ba cười:
 
- Con đừng sợ, ba không giận con đâu! Sự thật ý nghĩ của con cũng có lý đó chứ!
 
Trỏ cái ghế kế bên, ba bảo:
 
- Con ngồi xuống đó đi. Con làm ba nhớ chuyện mình hồi nhỏ. Ba sẽ kể lại cho con nghe, không giấu cái gì!
 

Yên vâng theo. Ba mân mê cuốn tập cũ, trầm giọng như nói với chính mình:
 
- Ờ, hồi nhỏ ba học rất tệ, nhất là từ lớp dự bị (lớp hai) tới lớp nhì. Ngày nào như ngày nấy, ba cứ đi chơi rong trong xóm, gần giờ cơm mới về ăn, gần giờ học mới sửa soạn cắp sách đến trường.
 
Không bao giờ ba học bài. Vào lớp không bao giờ ba chịu theo dõi lời thầy cô giảng dạy, cứ ngồi mãi nhớ đâu đâu hay nói chuyện với mấy đứa bạn kế bên. Bài vở ba chỉ chép chỉ làm cho lấy lệ, thầy cô hỏi đến là chịu phạt, không một chút nghĩ suy xấu hổ.
 
Ở nhà hình như chẳng ai biết đến sự hư hỏng đó của ba. Ba tự do rong chơi thả cửa. Việc học hành ba tự lo liệu lấy một mình.
 
Yên xen hỏi:
 
- Vậy chứ ông nội bà nội đâu sao không để ý đến ba?
 
- Con quên rồi sao, ba từng cho biết, là ông nội con mất sớm. Bà nội, cô hai con và ba chung đậu nơi nhà ông bà cố. Thường khi bà nội phải chạy đầu nầy đầu kia lo kiếm chút tiền chi dụng. Nhiều lúc bà bỏ hai đứa con ở nhà, đi biệt cả năm mười hôm. Những lần như vậy, đêm đầu tiên vắng mẹ bao giờ ba cũng ra ngồi nơi ngạch cửa cái đã đóng kín khóc mùi mẫn. Ông bà cố, các dì, dỗ mãi không được, giận mắng cái thằng nhõng nhẽo, bỏ mặc ba một hồi. Khóc đã tự nhiên hết nước mắt, ba mới chịu vào giường ngủ cho. Hôm sau thì đã quen đi, ngày rong chơi, đêm yên ngủ, ba chẳng nhớ gì tới bà nội nữa, hay có nhớ cũng chỉ rưng rưng nước mắt khóc thầm một chút thôi.
 
- Đó là những lúc bà nội đi vắng, còn…
 
- Lúc ở nhà bà nội cũng săn sóc cô hai và ba lắm chứ, nhưng chỉ để ý ở manh quần tấm áo, ở sự đói no của các con thôi. Một phần cũng tại bà phải “đầu tắt mặt tối” với chuyện bếp núc, có rảnh rang đâu.
 
Hồi ba mới vào học lớp đồng ấu, tối tối bà nội cũng có kèm dạy thêm cho ba đọc suông, viết cứng, cộng trừ rành. Tới chừng thấy ba học đã khá, bà như tin tưởng ba sẽ giữ được mức độ đó hoài, không cần để tâm theo dõi sát nữa!
 
- Có một điều con lấy làm lạ lắm: Theo cuốn tập nầy, và theo lời ba kể thì hồi trước ba học không được xuất sắc, thế sao trong tủ sách ở nhà, có mấy quyển tự điển, sách học con thấy ghi là phần thưởng danh dự, phần thưởng hạng nhất của Tổng Thống, của ông nầy ông kia tặng cho ba, cho trò Nguyễn-Thanh-Đạm?
 
- À, điều đó chứng tỏ một phần mức học hết sức bất thường của ba: lúc nào dở thì dở tệ, lúc nào cố gắng vươn lên thì cũng chẳng kém thua ai hết. Năm lên tới lớp nhứt, khá lớn rồi, ba biết nghĩ hơn, biết nhìn lại cái thằng mình hơn. Nhất là một lần ba bị cô giáo mắng là thằng lười. Cô bảo thêm với cả lớp:
 
- Nó học được lắm chứ, chỉ tại không biết cố!
 
Và thằng bạn kế bên, ba còn nhớ nó tên Bé Ngô, đã bảo ba:
 
- Phải tao được như mầy, tao ráng học lắm!
 
Giờ về hôm ấy tự nhiên ba xét lại cái tệ của mình mà buồn thật buồn.
 
Năm ấy ba bị ở lại. Nhưng năm sau ba vụt học hành sáng chói. Cuối năm ba chiếm phần thưởng danh dự nhất trường, và thi đậu vào đệ thất với thứ hạng rất cao.
 
- Từ đó ba học xuất sắc luôn?
 
- Không! Phải được như vậy thì ra đời ba hẳn “đỡ khổ” hơn bây giờ! Con người ba kỳ lắm, cứ hay chạy theo những thú vui đáng lẽ chỉ dành giải trí đôi lúc. Cũng tại trong các thú vui đó ba vẫn chơi rất trội. Nó xui ba thích thú, say mê.
 
Vào trung học ba gặp một lớp toàn “dân” đá banh. Ba gia nhập hội banh lớp, và được kể vào hàng cầu thủ không thể thiếu mỗi lần ra quân. Đi học, những hôm có giờ rảnh nhiều là ba và các bạn kéo nhau ra sân banh dợt. Trời nắng đổ lửa hay mưa rầm rầm cũng chơi không biết mệt. Sau đó cả bọn hè ra sông tắm.
 
Nhiều khi sân banh có trực thăng đáp, không có chỗ đá, bọn ba đạp xe đạp ra nghĩa địa ngoại ô đá đỡ. Quần banh trong khoảnh đất hẹp, nhiều lúc phải chạy len giữa các gò mả, bọn ba vẫn thấy hào hứng vô cùng.
 
Chuyện học thành ra không còn quan trọng đối với ba. Theo như các bạn, ba cứ nhủ thầm là mình học lớp dưới, có thi cử gì đâu phải lo nhiều. Ba không chịu biết rằng lớp dưới là cái nền của lớp trên, ở dưới có vững lên trên mới không ngã. Có nhiều môn mà mình chú tâm ngay ở bài đầu tiên, về sau mới hiểu mới khá được, như sinh ngữ chẳng hạn. Tiếc thay ba đã đánh giá nhẹ tất cả!
 
Tuy không đến nỗi tệ như mấy năm đầu tiểu học, nhưng ở đây bài vở ba cũng chỉ làm chỉ học như để trả nợ. Có bao nhiêu học bấy nhiêu làm bấy nhiêu cho xong, không cần tìm hiểu, luyện thêm gì. Ba phải thu xếp để có thì giờ đi chơi, để tính đến chuyện gặp gỡ các bạn trên sân cỏ.
 
Cũng có những môn học ba vẫn giữ được hạng cao. Nhưng đó là những môn hợp với tài vặt của ba, những môn không cần cố gắng: luận, vẽ, các bài học có tính cách thuộc lòng, thể dục… Nói tóm lại, ba học hành hết sức “tài tử”!
 
Cuối năm đệ thất, đệ lục ba còn lãnh thưởng, từ năm đệ ngũ trở đi ba đã chìm mất!
 
Ngừng một lúc, như dành im lặng cho sự hối tiếc dâng lên, rồi ba tiếp:
 
- Con thấy đó, ba hiện tại chỉ là một công chức nhỏ, lương hướng gói ghém đủ xài. Ấy là tại ngày xưa ba học hành chẳng ra chi. Nếu hồi đó ba cố gắng thì giờ có phải khá hơn không chứ?
 
Nhiều lúc ba ngẫm lại mà tiếc thầm. Ba thấy mình đã bỏ phí rất nhiều những gì có thể làm ở tuổi nhỏ. Nhưng đường đời đã đi qua làm thế nào quay trở lại từ đầu, để đi lại những bước chân cho đúng hướng?
 
À, nhưng may ba còn có con! Ba không đi lại được đoạn đường tuổi nhỏ, nhưng con của ba thì đang đi và sẽ còn đi. Ba đã đặt ba vào con. Nghĩa là con phải hiểu rằng, trong con còn có “cái ba” nữa! Ba nhất quyết không để cho con sa vào những lỗi lầm ba đã trải qua. Ba hay khuyên nhủ con, bắt con phải như thế nầy thế kia là vì lẽ đó.
 
Ừ, con cứ nhìn vào cuốn tập nầy của ba, cứ nhớ luôn những hư hỏng của ba vừa kể. Nhìn vào, nhớ đến để tránh vấp nhằm, chứ không phải để bắt chước, hoặc để vịn vào đó mà cho rằng mình có quyền lỡ lầm, dù là lỡ lầm đôi chút, nghe Yên!
 
Ba vỗ nhẹ lên đầu Yên, lắc lắc. Cậu ngước nhìn ba, và như chìm trong ánh mắt thương yêu.
 
Ba hắng giọng:
 
- Ba kềm giữ con bây giờ, để mai sau con làm nên, hầu no ấm tấm thân, đó chỉ là một phần mong muốn. Ba còn có ý nầy: Con phải học lên cao, cố chiếm một địa vị kha khá, chỗ quan trọng là để giúp đời. Nếu con có đức độ, mà địa vị con thấp, bất quá con không làm hại ai, chứ giúp ích được gì cho ai? Trái lại nếu con có một chức vị cao trong xã hội, con có thể đem đức độ của con mà phụng sự đời một cách hữu hiệu hơn.
 
Như ba, nhiều khi đi ra ngoài, ba gặp một tên nào đó lên mặt phách lối húng hiếp người, ba hết sức tức giận. Nhưng rồi ba chỉ biết bất bình thầm vậy thôi, chứ dám làm chi! Những lúc ấy, ba ước sao ba được là ông nầy ông kia để “ra tay nghĩa hiệp”. Chợt nhớ lại thân phận mình, ba lắc đầu!
 
Yên, con phải học cao, phải khá ở mai hậu, để không bị ai bắt nạt, để mạnh dạn can thiệp khi gặp chuyện trái tai gai mắt! Ba tin tưởng ở con!
 
Yên nắm tay ba:
 
- Con xin nghe lời ba! Con xin lỗi ba vừa rồi đã có những ý nghĩ không tốt đối với ba. Con thật đáng đánh đòn!
 
Ba mỉm cười xiết tay Yên:
 
- Ba không trách gì con hết. Con hiểu ba, nghe lời ba là ba vui sướng lắm rồi!... À, cuốn tập nầy ba cất kín dưới đáy tủ kia sao con tìm thấy được?
 
- Mối vô tủ ba à! Trong lúc “tản cư” đồ đạc trong tủ con bắt gặp cuốn tập.
 
- Cha chả, lại mối! Chúng có cắn phá gì nhiều không?
 
- Chúng chỉ ăn sơ sơ mấy cuốn sách dưới đáy tủ.
 
- Làm sao con hay được?
 
- Con nghe tiếng chúng nhai giấy răng rắc răng rắc mà không biết chúng ở đâu, cố tìm một hồi mới ra chỗ. Con dọn đồ đạc, giết sạch cả đàn mối trên trăm con. Bây giờ nghĩ lại thì phải cám ơn chúng.
 
Má nãy giờ ngồi im vá may, nghe hai cha con đối đáp, giờ mới lên tiếng:
 
- Thằng kỳ chưa! Cám ơn lũ mối cái gì?
 
Yên cười:
 
- Dạ thì nhờ có chúng con mới tìm thấy cuốn tập của ba, mới được nghe ba kể chuyện cũ, mới được học ở ba nhiều điều hay. Bây giờ thì con hiểu rồi má à!
 
- Con hiểu sao?
 
- Con hiểu rằng, hoàn cảnh sống của ba khác với con. Ba hồi trước thiếu thốn nhiều chuyện. Con bây giờ thì quá đầy đủ, ba má luôn chú tâm chăm sóc con từ chút. Bởi vậy con không thể vì lẽ gì mà bê bối được!
 
Má gật đầu:
 
- Con hiểu vậy là phải. Hãy nghe lời ba cố học cho nên người. Đừng soi mói chuyện cũ của ba rồi sanh ý quấy. Ba con ngày trước có tệ cũng tại sống nhằm hoàn cảnh không mấy may. Sự nên hư của con người có lệ thuộc vào hoàn cảnh sống phần nào. Cũng như, đồng thời là một khối sắt, nếu ở trong một xưởng chế tạo máy móc thì trở thành một cái gì đáng giá, nếu ở trong một lò rèn, đố khỏi trở thành một cái cuốc tầm thường…
 
Ba cười:
 
- Mình muốn bảo tôi là cái cuốc hả?
 
Má nhoẻn miệng:
 
- Mình không chịu? Mỗi ngày hai buổi mình cuốc tới sở, rồi lại cuốc về, vậy không phải cái cuốc thì là cái gì chứ?
 
 
NGUYỄN VĂN NGHỆ      
 
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 210, ra ngày 1-10-1973)
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>