CHƯƠNG III
Sáng hôm sau, y hẹn, Minh đến kho hàng sớm để uống café sáng với bạn và chuẩn
bị việc trục chiếc thuyền của mình lên.
- Sao, em nói con thuyền hiện chìm lỉm chỗ cầu neo số
1 phải không?
- Đúng vậy đó, anh ơi!
- Tốt lắm. Để đó tao lo cho! Phần em, cứ đi dạo một
vòng thành phố như thường lệ…
- Em phải phụ với anh chớ?
- Khỏi! Mình tao đủ rồi. Hãy lo phần em đi!
Minh vẫn có lệ mỗi sáng dạo quanh một vòng thành phố,
không phải dạo chơi mà là để bán những cái chai trong lòng có con thuyền do bạn
nó làm.
Công việc không khó khăn chi : Minh chỉ việc rao lên
và cho khách hàng xem món quà xinh đẹp. Đôi khi, gặp khách sang không mặc cả,
Minh rất sung sướng đem về cho bạn những món tiền đáng kể. Minh hỏi lại:
- Mà sáng nay anh bảo em đem chai nào đi bán đây? Cái
anh vừa làm xong hôm qua hay chiếc “La Belle”?
- Bán chiếc mới làm, để chiếc “La Belle” lại.
La Belle là chiếc thuyền kiểu Y Pha Nho có 4 buồm lại
được anh ta trang hoàng tuyệt hảo, một công trình đặc biệt của anh ta. Minh rất
ngạc nhiên thấy anh không hề nghĩ đến việc đem bán nó như mấy chiếc kia. Song
Minh không bao giờ gạn hỏi lý do.
Trèo lên những bậc cấp ở bến tàu, chỗ tụ họp của du
khách, Minh bắt đầu rao hàng. Đường phố cũng bắt đầu tấp nập, dọc theo lề đầy
nhóc những chiếc vespa và lambretta lao vun vút, ngược xuôi. Minh đi sát lề
đường để tránh những chiếc xe gắn máy leo lề qua mặt xe ba bánh.
Dưới Khải hoàn môn, con đường được lát bằng gạch men.
Minh muốn bói một quẻ xem sao. Nó nhắm mắt lại đếm 3 tiếng, bước 3 bước, nó tin
là nếu chân mình đặt đúng trên đường viền xi măng quanh tấm gạch men tức là nó
sẽ may mắn hôm nay. (Minh cũng nghĩ rằng nếu anh bạn mà trông thấy trò này, anh
ta sẽ giễu nó ngay). Cuộc thử thời vận thất bại : chân Minh đặt ngoài vòng mong
muốn!
Minh nhìn quanh công viên : du khách ngược xuôi, vai
mang máy ảnh, mắt mang kính mát. Một con bé tóc vàng đang rải mẩu vụn bánh mì
cho bồ câu, thấy Minh liền bỏ trò chơi, chạy ù lại bên cha trong khi cha nó
đang chụp ảnh cái vòi nước hình cá heo. “Ba ơi!” đứa trẻ nũng nịu, kéo tay cha
về phía Minh. Minh không hiểu ngôn ngữ của cha con họ, song nó biết rằng con bé
đang vòi cha mua cái chai có đựng con thuyền xinh xắn bên trong. Minh liền đưa
ra cho họ xem, nét mặt tươi tỉnh, vì nó biết rằng người ta không ưa nhìn nét
mặt cau có của kẻ bán hàng. Cùng một lúc Minh cảm thấy phấn khởi lên vì nghĩ
rằng có thể trò bói toán của mình là thứ nhảm nhí, không đáng tin. Mình gặp hên
rồi đây! Minh tự nhủ, còn đứa trẻ thì kéo áo cha, không ngớt kêu “ba, ba!”
Tội nghiệp Minh, nó quá tin tưởng : ông khách là
người Mỹ với đôi má đỏ hồng không rộng rãi với con như nó tưởng (vậy mà người
ta bảo những người to béo rất hào phóng!) Đứa con gái thất vọng không kém gì
Minh, trở lại với đàn bồ câu.
Đồng hồ các nhà thờ thi nhau đổ : 9 giờ rồi! Minh
vòng quanh công viên lần thứ hai, đưa cho du khách xem tỉ mỉ cái chai lần thứ
sáu mươi mấy chi đó và toét miệng cười cũng ngần ấy lần không kém.
Khi đồng hồ gõ 12 tiếng, Minh cảm thấy rã rời cả toàn
thân. “Nhớ trở về ăn trưa nhé?” Minh như nghe văng vẳng bên tai giọng gã đàn
ông căn dặn. Đôi chân bỏng rát, Minh lê về bến. Ngang một công viên nhỏ, nó
thấy Bình đang ngồi dựa vào bồn nước. Bình cất tiếng:
- Tao đợi mày đó, Minh ơi!
Bình là một thiếu niên cao lớn, đôi chân dài ngoẵng,
vừa đúng 16 tuổi. Áo nó cụt ngủn, mầu đỏ mà bám nhiều bụi đến nỗi hóa ra mầu
rượu chát, lông mày với khuôn mặt đầy tàn nhang cũng đầy bụi là bụi. Đôi mắt nó
chiếu cái nhìn vừa buồn rầu vừa hung tợn, nụ cười nhếch lên khỏi vành môi, nom
giống như một con ngựa trông thật khó chịu, và mỗi lúc cười, Bình để lộ khoảng
trống của hai cái răng. Bình cười nham nhở, lặp lại:
- Ê. Tao đang chờ mày đó, bồ Minh!
- Để tao yên, tao không bồ bịch với mày đâu!
- Nghe tao nói đây, Minh! Tao…
- Không, tao không muốn nghe mày nói gì hết.
Giọng Minh cương quyết, dấm dẳng.
- Mày hãy nghe đã, nào! Tao có chuyện hay lắm…
- Tao biết chuyện hay của mày mà! Mà tao không muốn,
nghe chưa? Tao đã nghe mày nói nhiều lần rồi…
- Ít nhất – Bình gằn giọng – mày phải biết nghĩ đến quyền
lợi chớ?
- Mặc tao, nếu tao không nghĩ đến quyền lợi. có can
gì mày không?
- Nhưng cũng có quyền lợi tao trong đó – Bình dịu lại
một chút – Việc quan trọng cho cả hai đứa mình… Hãy biết điều! Nhận lời làm
việc với tao đi!
- Không! Không bao giờ!
- Thôi đi, đừng có ngốc quá như vậy. Tao thuê mày và
trả tiền sòng phẳng ; tao sẽ có nhiều tiền lắm, nghe Minh : mỗi gói thuốc lá
tao trả mày 2 cắc. Phải nắm lấy cơ hội tốt chớ? Thuốc lá Mỹ…
- Đã nói không , đừng có nhiều lời, mất công. Tao
không ưng dính vô đồ lậu…
- Tao sẽ trả 3 cắc, bằng lòng chưa?
- Không phải chuyện 3 hay 2 cắc. Tao không ưng dính…
- Nếu vậy, mày sẽ biết tay tao!
Bình đổi giọng, dọa dẫm, nom mặt nó lúc này càng
giống mặt ngựa hơn. Dù vậy, Minh cố gắng để không tỏ ra sợ hãi. Đột
nhiên, Bình đứng lên, kéo quần, tiến lại gần Minh:
- Sao? Vẫn từ chối, hử? Mày thích làm mọi cho thằng
lạ mặt hơn hợp tác với anh em nhà há? Mày biết tung tích nó
ra sao không? Mày không thấy nó cứ lẩn quẩn dưới bến sao? À, coi chừng cảnh sát
tóm cổ có ngày à!
- Cái gì? Sao lại cảnh sát tóm cổ người ta? Mày nói
gì vậy?
Giọng lững lờ, Bình cười khẩy:
- Thì vậy đó, tao có nói tiếng Tàu đâu, mày nghe rõ
mà? Đây này : tao cấm mày giao du với thằng cha đó…
- Mày quyền gì mà cấm tao? Anh ấy đối với tao như
bạn, tao cần tình bạn…
- Hừ, tình bạn! Hắn sai mày đi bán ba cái chai có
thuyền bên trong, rồi được đồng nào, nạp hết cho hắn. Tình bạn! Đừng có ngốc,
em ơi! Dẹp lại, cộng tác với tao…
- Đừng có hòng lôi tao vô việc bất lương, thà tao
chịu đói, nghèo…
- Nhất định hả? – Mắt long sòng sọc, Bình gặng.
Song dáng bộ hung hãn của nó không làm Minh do dự khi
quyết định. Với Minh, to lớn chưa chắc đã can đảm và khỏe mạnh. Nó tìm chỗ an
toàn để đặt cái chai rồi nghênh chiến liền. Bình không nói gì nữa, lao về phía
địch thủ.
Minh nhanh nhẹn tránh được và dùng hai tay ôm chặt
Bình, thằng này mất đà quờ quạng, hai cánh tay khẳng khiu của Bình khoa tứ tung
trong không khí một chút rồi chộp cổ Minh. Cả hai đứa ngã lăn xuống đất, ghì
chặt nhau, trận đấu diễn ra trên lề đường, không có trọng tài.
Minh chợt kêu to lên : Bình giật tóc nó, đấm vào mặt
nó túi bụi, song vẫn không làm Minh phải đầu hàng. Minh cảm thấy đau ê ẩm,
nhưng vì danh dự mình – và cả của người bạn lạ mặt nữa – phải chiến đấu tới
cùng. Bình vừa đấm vừa la:
- Đầu hàng chưa? Nghe tao chưa?
- Thằng hèn! Đừng hòng tao sợ mày…
Minh hổn hển thở, trả lời đứt quãng. Biết rằng Minh
đã thấm đòn, nhưng vẫn không tuân phục mình, Bình càng điên tiết lên. Nó buông
địch thủ ra – một ý nghĩ tai quái vừa lóe sáng trong đầu nó : nó đứng lên, và
mặc kệ Minh phản đối, nó chạy bay lại chỗ cái chai, dùng đôi giày rách đạp dẫm
lên cho kỳ cái chai vỡ vụn, thuyền bè bên trong nát bét ra.
Rồi tên vô lại đốt thuốc hút – thứ thuốc lá Mỹ lậu
thuế – trong khi Minh không sao cầm nước mắt được nữa. Không phải nó khóc vì
đau mà vì tiếc cái chai, bao nhiêu là công trình của bạn nó? – người bạn vong
niên mà nó vẫn chưa biết tên cho đến hôm nay – Bình đắc ý lắm : nó đi ngang
Minh, phà khói vào mặt Minh, giọng chế giễu:
- Hẹn lần sau, chuột nhắt nhé!
Lần này, nó bỏ đi luôn mặc Minh ngồi thẫn thờ với cái
chai nát vụn.
*
- Kìa, em về trễ vậy? Lại có gì đây?
Minh đứng lặng, đầu cúi thấp, tay buông xuôi trước
căn lều, dáng bộ thiểu não. Nhờ lời khuyến khích của bạn, nó nghẹn ngào kể lại
chuyện xảy ra. Anh ta không chút gì giận dữ hết:
- Đừng buồn, em ạ! Một ngày kia em sẽ hiểu việc đời
hơn. Chai bằng thủy tinh, mà thủy tinh thì phải vỡ, một ngày nào đó, không sớm
thì muộn, đó là số phận của nó. Em đói bụng chứ? Thôi, ngồi xuống, ăn đi!
- Em không đói!
- Sao lại không? Ăn đi! Phải nghe lời anh! Đây, cá
mòi cũng ngon lắm, Minh ơi!
Minh tuân lời anh ta. Giọng vui vẻ, anh ta tiếp:
- Sao? Bộ em quên con thuyền chìm của em rồi sao?
- Anh vớt nó lên rồi hở?
- Phải! Hiện nó nằm phơi bụng ngoài nắng. Ôi chào!
Tình trạng nó thật đáng ngại : như cái áo cũ lâu năm vậy đó, Minh ơi! Thôi, cứ
ăn xong rồi tính. Trước hết, phải nậy bùn ở đáy thuyền ra hết rồi mới lo việc
sửa chữa nó. Hơi lâu một chút, nhưng rồi cũng xong.
Thế là, sau bữa ăn, cả hai sóng bước bên nhau, băng
qua kho hàng đến cầu neo dưới ánh nắng gay gắt của buổi xế. Giờ làm việc bắt
đầu, các công nhân đang cưa đục trên khung tàu. Không khí nóng bỏng, trộn lẫn
mùi gỗ ẩm ướt, mùi dầu hắc và rong biển. Anh ta lên tiếng khi thấy Minh lầm lỳ
bên cạnh:
- Sao câm như cá vậy, hở cậu thủy thủ? Anh cấm em
nghĩ đến cái chai, không tiếc làm chi việc đã rồi, không phải lỗi em. Coi kìa :
chiếc thuyền của em nằm phơi bụng như con ếch coi hay không? Ta sẽ tắm rửa, cạo
sạch bùn cho nó. Nào, bắt đầu!...
Hai người hì hục cho đến khi mặt trời lặn vẫn chưa
xong : Minh thì đi tới đi lui từ nước đến thuyền, tay xách xô nước biển để rửa
sạch con thuyền trong khi bạn nó thì đục, cạo, chà rửa và nậy bỏ những tấm ván
mục và bùn ở đáy thuyền.
Cho tới gần khuya, đói meo, cả hai mới về lều. Minh
giữ ý không đi mau vì bạn nó đi khập khiễng, kéo lê một chân thật khó nhọc. Tội
nghiệp anh ta!
Anh bị gãy hai chỗ ở ống quyển, mỗi lúc lên cơn ho
anh gập người lại, dáng bộ thảm não làm sao. Chính vì tai nạn ấy, anh bị đuổi
khỏi tàu và sau khi rời bệnh viện, anh nhận chân gác kho khiêm nhường này.
Trong bữa ăn, anh ta tâm sự:
- Không phải là một tai nạn thường, em ạ! Anh bị một
vố nặng lần đó. Anh có sức khỏe, dễ gì thua ai? Nhưng đối thủ của anh là đứa
hèn hạ : thừa lúc nắp hầm tàu mở, nó xô anh xuống. Tên khốn kiếp! Nếu mà cứ
đường hoàng đánh nhau thì đâu đến nỗi? Anh thề sẽ trả thù này! Bởi vậy, anh
phải theo dõi…
Thình lình, anh ta đổi giọng trong lúc Minh ái ngại,
thương, giận trong lòng ; và nó chợt hiểu cái lý do khiến anh ta đòi biết những
tin tức tàu cập bến. Minh đưa đề nghị:
- Em đi mua tờ báo chớ?
- Thôi, khuya quá rồi, em à.
- Chưa đâu, em có thể tìm ra chỗ còn bán.
Vậy là việc đọc báo để biết tin tức tàu bè lại diễn
ra như thường lệ. Vẫn không có tin tức của chiếc tàu mà trên đó, kẻ thù anh ta
đang có mặt. Người bạn lớn tuổi hỏi Minh:
- Này, nếu em có thể ngủ lại đây mà không bị nhà rầy
thì…
- Sao không được, nếu em muốn em có thể ngủ lại đây.
Nhưng để làm gì?
- Mỗi đêm phải đi tuần vài ba lần, mà hôm nay, chân
anh nhức quá…
- Em sẽ đi thay anh.
- Không, lần này để anh đi, gần sáng đã. Giờ thì cứ
ngủ trước đi!
Minh sung sướng vì được ngủ lại nhà bạn. Nhưng
rất lâu, nó cứ trăn trở không chợp mắt. Bạn nó hỏi:
- Sao vậy? Đất cứng quá, không bằng ngủ ở giường nhà
mày chớ gì?
- Không đâu, em không ngủ được vì nghĩ đến tai nạn
của anh. Anh ơi!... Em muốn biết…
- Bỏ qua đi…
- Nhưng tại sao chớ? Chả lẽ tự nhiên mà đánh nhau?
Người đó là ai?
- Hắn là cai tàu, sếp của thủy thủ đoàn. Anh đã cho
hắn một bài học đích đáng. Hắn rất độc ác, ưa hành hạ kẻ yếu. Lạ quá : hình như
trên đời có những kẻ ưa hành hạ người yếu, bắt nạt…
Minh chợt nhớ đến Bình. À, tên này giống Bình chăng?
Người đàn ông tiếp:
- Hắn rất mạnh và lại hay lạm dụng sức mạnh. Hắn đánh
túi bụi vào kẻ dưới quyền. Tao tức lắm, nhất là khi hắn hành hạ một đứa trẻ,
hắn đá thằng bé lọt xuống biển. Gây gổ cùng khắp, bắt nạt cùng khắp. Cho đến
một hôm, tao điên tiết, tao nện cho hắn một trận nên thân. Hắn chùn đi ít lâu.
Tao tưởng đã cải hóa hắn nào ngờ tên hèn hạ trả thù lén… Nhưng không sao, trái
đất tròn mà. Tao sẽ phục thù, em ạ! Tao sẽ có dịp phục thù! Thôi, ngủ đi em,
khuya quá rồi đó!
Quay đầu về phía vách ván, Minh gối lên cái sắc của
bạn nó. Trước cửa lều anh ta ngồi trầm tư, thanh củi đỏ hồng một đầu trong tay
: anh ta sắp châm điếu thuốc trong khi bóng tối tỏa rộng vây quanh.
*
Mỗi lần đến giờ đi tuần, anh bạn lại gọi Minh dậy,
còn anh ta vẫn thức, tỉnh táo suốt đêm.
Anh ta ngáp dài, bảo Minh:
- Bao nhiêu việc cũ hiện ra trong đầu tao suốt đêm.
Bây giờ thì lại cảm thấy buồn ngủ...
- Em phải về nhà một chút coi có gì không. – Minh
vươn vai, nói.
- Đúng đó, em nên về nhà. Chốc nữa sẽ trở lại lo vụ
con thuyền.
Cậu con trai băng hẻm, về nhà. Cha nó đang chống cùi
chỏ trên bàn, ăn xúp. Lũ em vẫn còn ngủ vùi, chị Mai nó thì đi chợ. Ông già vui
vẻ:
- Mày về đó hở Minh? Chuyến này cha gặp hên : đầy
nhóc cá. Tao mới sai chị mày đem đến nhà nguyện dâng một con cá thu thật to.
Rồi ông chợt nhớ, hỏi:
- Sao, con thuyền của mày ra sao rồi? Tao nghe nói…
- Ba khỏi lo : con và anh bạn con sửa gần xong rồi…
- Sao con ưng mua việc làm chi? Con đi đánh cá với ba…
- Con không muốn làm nghề chài lưới, con mơ ước trở
thành thủy thủ, ba biết rõ mà?
- Ừ, thì vậy đó! Ba không ngăn con, con được tự do
trong việc chọn nghề hợp với sở thích…
Một chốc sau, Minh trở lại bến tàu cùng bạn tiếp tục
việc hàn vá chiếc thuyền hư, rồi chiều về lại ghé quán mua thức ăn, thuốc lá và
tờ báo như thói quen. Bên đống lửa bập bùng, Minh kể cho bạn nghe những lời cha
nói và nguyện vọng của mình. Gã đàn ông chăm chú lắng tai nghe, đầu gật gù.
- … Ba em nói là nghề nào cũng tốt, song em thì em ưa
làm thủy thủ hơn đánh cá. Em giống như anh…
- Anh lênh đênh trên mặt biển khắp mọi nơi, không
phải anh mơ làm thủy thủ mà tại vì anh muốn được đi đây, đi kia, Minh ạ!...
- Và bây giờ anh ở lại đây?
- Đó là vì cái tai nạn ngoài ý muốn : tên khốn đã xô
anh từ trên cao 6 thước xuống hầm tàu. Chà, không hiểu sao tao lại còn sống
được… Mà thôi, gác nó lại, cái chuyện khốn kiếp ấy. Cho em hay : anh không thể
ở mãi một nơi đâu, dù là anh biết chỉ khi nào đặt chân lên đất liền, ta mới có
tình bạn…
- Ủa, vậy trên tàu thì…
- Rồi em sẽ biết, sau này… Ở đây, anh được gặp em…
Tình bạn là cái gì kỳ diệu, nặng trĩu như… như cái neo tàu. Một ngày kia lớn
lên em sẽ thấy. Ờ, lớn lên, em sẽ hiểu.
Minh không hiểu hết những lời úp mở của anh ta, song
một điều chắc chắn là anh ta có cảm tình với Minh, coi Minh như bạn. Minh sung
sướng cảm thấy vậy, nhất là khi Minh thấy anh chui vào lều giây lát và khi trở
ra, anh ta đưa cho Minh cái chai bên trong đựng con tàu Y Pha Nho đặc biệt. Ban
đầu, Minh ngỡ anh ta đưa để Minh đem bán như những lần kia, song nó ngạc nhiên
và sung sướng biết bao khi anh ta khẳng định:
- Không, không bán, của em đó, Minh ơi!
- Anh cho em? – Minh ấp úng hỏi.
- Phải! Chúng ta là bạn mà! Em đã xử tốt với anh, em
giúp anh đủ việc, em bênh vực anh, chịu đòn vì anh… Anh nghèo lắm, đâu có gì để
tặng em cho xứng đáng…
- Nhưng… nhưng anh cũng tốt với em lắm…
- Nghe đây! Anh cho em, song đừng giữ nó, hãy bán đi,
kiếm chút đỉnh tiền cho chị và các em của em. Hiểu không?
Quả thật Minh chưa bao giờ dám mơ đến món quà xinh
đẹp thế. Tuy nhiên nó vừa sung sướng vừa lo lắng : tặng món quà này có nghĩa là
anh ta sắp bỏ nó ra đi chăng? Nó cần phải hỏi để biết rõ, nó không thể chịu nổi
sự úp mở này.
- Không đâu, anh chưa đi đâu.
Anh ta chưa đi, và như vậy không có nghĩa là anh ta
không đi. Tại sao? Vì tình bạn giữa đôi bên? Vì cái chân chưa lành hẳn hay vì
anh ta cần trốn tránh chi đây? Biết chừng đâu? Thằng Bình độc ác nó đã gieo vào
lòng Minh một mối lo âu : cảnh sát đang dò la tung tích bạn Minh? Trông dáng bộ
tư lự của Minh, bạn nó liền hỏi:
- Sao? Em còn gì phải bận tâm chăng? Anh đã nói, anh
còn ở lại đây mà!
- Thật khó nói ra… em lo thật đó, anh ơi! Em lo cho
anh…
- Chuyện gì? Anh rất an toàn trong kho hàng…
- Dạ, em lo cho anh, thằng Bình…
- Nó làm gì anh?
- Nó không làm gì anh, nó nói thôi, vậy em mới lo…
- Nó nói gì?
- Nó nói anh đang trốn tránh pháp luật, là cảnh sát
đang lùng bắt anh…
Anh bạn cười rộ lên:
- Đừng lo, em Minh ơi! Anh không có gì tội lỗi mà
trốn tránh cảnh sát. Ở đây hay ở chỗ nào cũng vậy. Em yên lòng đi!
- Thật không anh?
- Em muốn anh thề không? Anh xin thề cho em vững
lòng, đây…
- Em muốn anh giơ cả hai tay lên kia.
Anh bạn làm theo lời Minh. Chưa bao giờ thằng bé thấy
hài lòng như thế.
Trong màn đêm tĩnh lặng có tiếng còi tàu vừa hụ lên.
Có chiếc tàu nào đến eo biển, sắp vào bến. Nhìn vào đồng hồ tay – vật quí duy
nhất của mình, gã đàn ông bảo Minh:
- 10 giờ rồi, em nên về ngủ đi.
- Đêm nay anh cần em đi tuần thay anh không?
- Khỏi, anh làm được.
Minh chợt do dự:
- Này, em muốn hỏi anh một chuyện.
- Còn chuyện gì đây?
- Thằng Bình… tại sao nó lại nói vu cho anh làm gì
vậy? Em không hiểu nổi.
- À, tại sao hở? Vậy tại sao nó rủ rê em làm chuyện
bất lương? Ở đời có một số người như vậy đó. Điều cần là ta phải tránh xa họ,
có những kẻ làm xằng và không muốn thấy ai tốt hơn mình... Thôi, về đi em. Đừng
thắc mắc làm chi. Ta phải gắng sống lương thiện, kiếm tiền bằng mồ hôi và sức
lực của ta, dù nghèo ta có thể yên vui suốt đời, hiểu không?
__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV