CHƯƠNG V
Ba ngày qua, Minh luôn luôn trong trạng thái mơ màng đến nỗi anh bạn để ý
hỏi:
- Kìa, cậu thủy thủ
trẻ! Suy nghĩ gì đó hở?
Minh chối biến:
- Em có nghĩ gì đâu…
- Không nghĩ gì, thiếu
chút nữa là mày dẫm đúng vào thùng dầu hắc sôi sục rồi. Thôi, cậu bé! Đừng mơ
mộng nữa, đưa anh cái kéo coi, mau lên nào!
Anh ta sốt sắng với
việc của Minh hơn cả chính Minh. Anh không bỏ phí một phút nào, cứ chốc chốc
lại lên tiếng cắt đặt nó:
- Đưa anh cái đục coi!
Rồi thì:
- Đừng giỡn chớ! Trét
dầu kiểu đó sao cho kín được? Vậy mà đòi làm thủy thủ. Coi thử còn nhiều ít mở
bò trong xô, em Minh!
Hay:
- Một miếng ván nữa, em
ơi! Chịu khó cho kịp vài ngày nữa, hạ thủy cho rồi!
Minh vâng lời anh ta
như cái máy, như kẻ vô hồn.
Công việc tiến đều, con
thuyền được hàn vá hoàn tất, sơn phết lại gần như mới, sẵn sàng vượt sóng theo ý
cậu chủ nhỏ của nó lâu nay.
Trong lúc đó, cái chai
trôi dần xa bờ biển Ý Đại Lợi và bắt đầu cuộc phiêu lưu. Nó trôi nổi bềnh bồng
trên đầu sóng, mất hút giữa trời nước mênh mông, về phía Nam rồi nó xa hẳn lộ trình
của các tàu hàng tiến gần các tàu đánh cá. Và rồi, một ngày nọ, nó lọt trong
tấm lưới khổng lồ và lẫn lộn trong đàn cá vùng vẫy, sau cùng nằm la liệt trên
sàn tàu. Chuyến phiêu lưu của cái chai chấm dứt tại đây, trong hầm tàu giữa cá
và nước đá chăng? Không, do một sự tình cờ, một anh thợ chài trông thấy nó
trong khi chọn cá, nhưng vì nó bị một lớp rong rêu phủ kín, bao quanh, nên anh
ta nắm lấy cổ chai, vứt lại xuống lòng biển cả không chút do dự. Nó lại lênh
đênh lần nữa…
Và cứ hướng Nam trôi
xuôi, rong rêu dần dần rời khỏi cái chai, bấy giờ chai phơi ra lấp lánh, lửng
lơ trên sóng nước lôi cuốn theo một số hải âu. Đàn chim bay là là theo cái chai
như thể hộ tống một vật lạ. Rồi chai gặp một đàn cá heo xinh đẹp, bờ lưng tròn
trĩnh, xương sống cong vòng, chúng nhảy lên khỏi mặt nước và rớt xuống như quả
ngư lôi rồi lại trồi lên.
Cuối cùng chai dạt đến
bờ biển Sardaigne, vướng trong một đống sắt rỉ sét đầy rong xanh. Đó là một con
tàu Tây Ban Nha chở vàng bị đắm từ nhiều thế kỷ trôi qua… Chai lăn qua, lăn lại
trên sàn gỗ mục nát của boong tàu và bị kẹt dưới một khẩu súng đại bác bằng đồng,
nòng súng vẫn còn chĩa ra khỏi cái lỗ khoét ở thành tàu.
Xác tàu quái quỉ này
nửa chìm, nửa nổi với bộ xương cột buồm sừng sững như có vẻ luyến tiếc buổi xa
xưa, khi nó còn tung hoành trên sóng nước. Vào một đêm gió lớn, xác tàu chìm
ngập dưới làn nước dâng cao ; nhờ vậy, cái chai lại trôi dạt theo thủy triều
ngang qua mỏm đất phía nam của đảo, vào vịnh Ca-li-a-ri.
Từ trên mỏm đá cao, hai
thằng bé con của hai dân chài cùng một lúc nhìn thấy cái chai. Cũng như đã nhiều
lần chúng đến đây và vớt được nhiều thứ khác, song lần này chúng không thể xác
định cái vật sáng lóng lánh đó là cái gì. Thế là chúng nhảy ùm xuống nước cùng
một lúc, cố hết sức để bơi ra chiếm cho được món quà kỳ lạ. Sau một hồi xô đẩy,
giành nhau dữ dội, đứa nhỏ hơn vớt được cái chai. Nó ôm khư khư vào lòng bơi
sải dọc theo những tảng đá và lên bờ. Chỉ giây sau, bạn nó theo kịp:
- Đưa cho tao coi thử
cái gì, nào?
- Mày không được động
đến, nó là của tao!
- Tao chỉ coi thử thôi!
- Thì cứ coi đi!
Thật là một con thuyền
quá đẹp, đầy đủ buồm, lái, thủy thủ, đèn, cờ, v.v… nom linh động như một con
thuyền buồm thu nhỏ – chúng không nhận ra mảnh giấy. Bỗng đứa lớn nảy ra sáng
kiến : nó rủ bạn đánh một ván cờ thử thời vận, nếu thằng nhỏ thắng thì lấy con
dao 3 lưỡi của nó, còn nó thắng thì nó sẽ được cái chai. Sau một hồi do dự,
thằng bé nhận lời thách thức, vì xem ra, con dao 3 lưỡi cũng đáng giá đối với
nó.
Thế là trận chiến bắt
đầu : một cái que vạch lên mặt cát ướt, những viên sỏi trắng là quân cờ của
thằng lớn, sỏi đen là quân cờ của thằng bé.
Mươi phút sau, chúng
tập trung hết tâm trí vào các thế cờ và cái chai bị bỏ quên. Thoạt tiên, sóng
lại gần, quét lên cái chai một lượt bọt trắng xóa như thăm dò rồi vội vàng lùi
ra. Lần thứ hai, sóng bạo dạn hơn và bốn năm lần nữa, sóng cuốn cái chai xuống biển,
đưa đi. Cuộc phiêu lưu lại bắt đầu, hai đứa trẻ vẫn chưa hay biết, cho đến khi
chúng bị ướt đẫm vì sóng lớn thêm, và chợt nhớ thì không còn thấy cái chai đâu
nữa.
Trên một con thuyền
tiến về hướng Xanh Ma-xim, ông chủ tàu và người thủy thủ thấy cái chai trôi
lềnh bềnh trước mặt. Ông chủ ra lệnh tắt máy và người thủy thủ nhảy xuống, vớt
cái chai đem lên thuyền, ông chủ đưa tay kéo anh ta lên. Ông bảo người thủy thủ:
- Nếu nó đáng giá, tao
sẽ chia cho mày.
Họ lại tiếp tục công
việc. Một giờ sau, thuyền bỏ neo và bận rộn với những thúng cá chài được, ông
ta suýt quên đi cái chai có con thuyền xinh đẹp bên trong.
- Đây không phải lần
đầu tiên tao vớt cái chai như thế này, nhưng con thuyền trong lòng chai thì quả
đặc biệt. A! Tên nào khéo tay dữ! Mà nó không hạp với mình đâu. Để tao đem lại
cho ông người Anh. Chắc ông ta thích.
“Ông người Anh” đây
thật ra là một họa sĩ hữu danh và vốn là người Pháp. Song dân chài ở Xanh
Ma-xim gọi ông người Anh vì ông
luôn luôn xách kè kè cái dù màu xanh lá cây bên mình, dù trời nắng hay mát, có
mưa hay không. Ông ta cũng là tay sưu tầm tất cả những gì liên quan đến biển cả.
Vì vậy, lão dân chài
đến ngôi biệt thự của ông ta cùng với cái chai. Lão bảo là lão tặng ông
ta. Ông người Anh thích lắm, săm soi cái chai một cách trìu mến như cô tiểu chủ
vuốt ve con mèo xinh đẹp của mình.
- Bao nhiêu đây?
- Ơ, không, tôi xin
biếu ông!
Dĩ nhiên, đời nào có
chuyện tặng không giữa hai bên? Ông người Anh rất lịch sự, không thể trả giá
một món quà tặng và 10 phút sau, người dân chài hớn hở ra về với một nắm tiền
giấy, rất đáng công.
Còn lại một mình, ông
người Anh thận trọng cạy cái nút có trét sáp quanh miệng chai, cẩn thận dùng
một cái que dài, cời cái giấy xếp tư dưới đáy thuyền ra, tò mò, hồi hộp đọc:
“Tôi tên Minh, Hà-Đình-Minh, tôi 14 tuổi. Cha tôi tên
Hà-Đình-Hải làm nghề đánh cá. Tôi làm việc cực nhọc để giúp gia đình tôi, tôi không
than phiền gì, song có một điều, tôi ao ước được có một chiếc thuyền thật sự,
với cột buồm bóng loáng, một cánh buồm tam giác xinh đẹp…Ô! Nếu tôi có được phép
mầu… Tôi vẫn hy vọng, tuy tôi biết là vô lý. Có con thuyền như thế, tôi sẽ dùng
để làm gì? Tôi quí lắm, tôi sẽ lớn phổng lên. Tôi xin cám ơn người đọc, tôi chỉ
ao ước suông thế thôi, vì với gia cảnh tôi, cho tới khi tôi bạc tóc, chắc không
bao giờ có.”
Bên dưới ghi địa chỉ
của người viết bức thư kỳ quặc. Ông người Anh mơ màng. Thật y như một chú nhỏ
gửi thư cho ông già Noel! Một ý nghĩ chợt đến trong đầu người họa sĩ giầu sụ :
Ồ! Ta có thể làm một ông già Noel lắm chớ, sao không?
Họa sĩ không có vợ con.
Lại cũng ít giao thiệp, bạn bè. Ồ! Họa sĩ nghĩ thành tiếng:
- Chú bé xa lạ kia ơi!
Ta sẽ giúp chú đạt được ước vọng, chú sẽ được như ý muốn!
__________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI