Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

CHƯƠNG BA_THOÁNG MÂY BAY


BA

Cổng trường thi chật ních những người là người. Hôm nay là ngày kéo bảng mà. Bốn năm ngày nay, những thầy, cô tú đơn tương lai rủ nhau ăn chực nằm chờ ở cổng trường với cái tâm trạng lo lắng hồi hộp chưa từng thấy trong đời. Thi cử làm cho học sinh xuống ký còn chờ kết quả thi thì làm tim các cô cậu cứ như là thắt lại.

Thảo đứng trong đám người đông đúc ấy, và cũng hồi hộp chẳng kém ai. Thi xong, Thảo ngồi xét lại bài vở của mình, thấy cũng có vẻ… khá lắm, nếu Thảo là giám khảo thì Thảo sẽ chấm đậu đấy. Bài Quốc văn năm nay cho dễ, Trần Tế Xương lại là tác giả thầy giảng kỹ nhất, đọc đầu bài xong, Thảo cười toe, cầm bút làm liền.

Bài toán cũng khá ; gì chứ Thảo là một cây toán, tuy mấy ngày ôn thi cuối Thảo có bị phân tâm, nhưng chưa sao, căn bản về toán của Thảo vững lắm, câu quỹ tích nhiều vậy mà Thảo múa bút một cái là ra ngay. Có mỗi bài lý hóa làm Thảo hơi lo, không biết số phận nó như thế nào khi ra mắt vị giáo sư chấm thi Hôm thi lý hóa về, Thảo vò đầu bứt tai, bực mình quá sức ! Sai hết hai câu giáo khoa, còn bài toán thì hỏng một câu. Nhưng rồi khi tính điểm Thảo lại yên tâm, mình làm đúng hơn một nửa cơ mà, và Thảo tự cho bài lý hóa của mình 11 điểm, Thảo nghĩ nó xứng đáng được nhiều điểm hơn, nhưng cứ rút bớt đi cho ăn chắc.

Có bóng Tuấn ở tuốt ngoài lề đường, Thảo gọi to nhưng Tuấn không nghe thấy, bởi lúc ấy cổng trường ồn ào còn hơn một cái chợ, ai cũng nói như hét vào tai nhau, đứng chờ mãi mà không nói thì… lo lắm, nói chuyện cho qua thì giờ và cũng là một cách để tự trấn an. Gọi không được, Thảo giơ tay vẫy làm hiệu. Tức mình, tên Tuấn « cù lần » cứ quay đi đâu ấy. Cuối cùng Thảo đành lấy sức chen ra. Thật là khổ, chen gần chết mới vào sát được cổng trường, bây giờ phải bỏ chỗ tốt. Vài tên bị Thảo chen, cằn nhằn um sùm làm Thảo phải luôn miệng xin lỗi.

Thảo đến sau lưng rồi mà Tuấn không biết, hình như anh chàng vừa thoáng thấy một bóng áo xanh phóng Honda nên quay cổ nhìn theo. Thảo mím môi, vỗ mạnh vào vai chàng ta. Tuấn giật mình nhận ra Thảo, hắn tỏ vẻ tức mình :

- Thế là mày làm mất rồi !

Thảo ngạc nhiên :

- Mất cái gì ?

- Vân !

- Vân nào ?

- Vân Hội Việt Mỹ ấy !

Thảo chợt nhớ thì ra cô bé áo xanh vừa phóng xe chạy qua là Vân, cô bé nhỏ nhắn có đôi mắt lấp lánh như sao Thảo gặp hôm sinh nhật Tuấn. Không ngờ Tuấn nhà ta mà lại « ác liệt » thế. Thảo bực mình :

- Vân với mây gì ! Lúc khác ! Bây giờ để ý cái bảng kết quả người ta sắp treo đi là vừa. Thế nào ? Liệu đậu không ?

Nghe đến kết quả, Tuấn sực tỉnh :

- Ừ nhỉ ! Chắc tao đậu, nhưng mà lo quá Thảo à !

- Lo cái nỗi gì !

- Hôm thi có thằng « cọp-pi » bài lý hóa của tao, tao sợ bị loại.


Tuy chả hiểu các ngài giám khảo chấm bài làm sao, Thảo cũng cứ trấn an bạn:

- Không sao đâu. Ai lại ác như vậy, mấy ông thầy cũng mong để đức lại cho con chứ, yên tâm, bài mày "suya" là thế nào cũng đậu.

Tuấn nhỏ giọng :

- Tao mong đậu ghê. Chị Tâm tao bảo nếu hai đứa mình đậu hết chị sẽ dẫn tụi mình đi pic-nic một ngày.

Thảo hỏi dồn :

- Thật hở ? Thật hở ? Cầu trời tụi mình đậu hết, vui biết bao nhiêu.

Đôi bạn đang bi bô trò chuyện thì cổng trường hé mở. Một ông khệ nệ vác chiếc bảng có đóng lưới mắt cáo dán những tờ giấy quay ronéo chữ chi chít. Trong một giây tất cả ngừng bặt, ngần ấy con tim như ngừng đập để rồi sau đó reo hò lên như có loạn, không ai bảo ai, và cùng không ai nhường nhịn ai, tất cả tranh nhau chen lấn kịch liệt như những chiến sĩ dũng cảm quyết lăn sả vào giết cho kỳ được quân thù. Ông kia loay hoay mãi vẫn chưa treo được cái bảng lên vì người ta có để cho ông treo đâu, người thì xô đẩy, người thì đòi nâng cái bảng lên cao, người khác lại nhất định kéo xuống xem ngay cho nóng sốt. Những cậu ở vòng ngoài sốt ruột, chen lấn kịch liệt, tiếng nói, tiếng hét inh ỏi. Cả một khối người hỗn độn ấy dồn lại như những đợt sóng ngoài khơi.

Thảo bấm tay Tuấn :

- Mỗi thằng tự động chen vào nghe. Thằng nào vào trước coi cho cả hai.

Tuấn yên lặng gật đầu. Lúc đó, ông kia đã treo xong được tấm bảng kết quả vào cái móc sắt trên tường. Thoát nạn, ông vội lui dần rồi biến mất sau cánh cổng trường, để lại bên ngoài một đám học sinh chen lấn kịch liệt.

Thảo cố sức chen được nửa chừng thì tuột mất một chiếc dép. Thật xui ! Đôi dép mẹ mới mua cho mới tiếc chứ. Nhưng thôi, đành vậy ! Thế là một chân đất, một chân dép, anh chàng hăng hái chen tiếp.

Đến sát chân tường, thật là giai đoạn quyết liệt ! Người ta chụm đầu vào nhau, người ta đứng trên lưng nhau, người ta nằm nhoài trên vai nhau, anh khác ma lanh chui qua chân những người khác rồi nhô đầu lên. Mấy anh chàng cận thị thật là khổ ! Có anh bị chen văng mất kính, kêu la chói lói, anh khác tay cầm kính gẫy giọng nghẹn ngào không nói nên lời. Đó là mấy « tai nạn » tương đối nặng, còn bị đứt cúc áo, rách quần, mất dép, bị dẫm phải chân là chuyện thường.

Thảo nhắm mắt, thu hết « tàn lực » vẹt mạnh hai « địch thủ » ở hai bên bắn ra ngoài, anh chàng lọt ngay vào trong, sát chân tường. Bảng ngay trước mắt ! Thảo mừng húm cúi đầu nhìn, nhưng chỉ thấy toàn tóc là tóc, vì ngay lúc ấy mấy chục cái đầu cũng châu vào một lúc. Thảo thử đến hai ba lần mà đầu cũng vẫn bị hất ra ngoài. « Sức cùng lực kiệt » rồi mà vẫn chưa ăn thua gì ! Thảo cắn môi nghĩ kế. Bất chợt anh chàng vung tay ký liên tiếp thật mạnh xuống mấy cái đầu phía trước rồi rụt tay thật nhanh. Trúng kế, mấy cậu bị ký đầu quay lại chửi bới um sùm, nhưng ai chửi người ấy… nghe, vì có ai mà để ý. Phần Thảo, thừa cơ hội « địch » chia trí, lập tức chui đầu vào sát bảng kết quả, mắt liếc thật nhanh tìm kiếm.

Trời đất ! Thảo đậu rồi ! Tên Thảo hiện rõ trước mắt Thảo, trông xinh xắn, dễ thương mà lại oai phong lẫm liệt làm sao đâu ấy ! Ủa ! Mà lại đậu bình thứ nữa chứ ! Thảo bứt tai bứt tóc như gặp phải chuyện đau khổ lắm vậy. Thảo tròn mắt nhìn lại lần nữa. Phải, đích thị là đậu bình thứ. Bất giác Thảo cười khì khì làm cho mấy tên ở ngoài tức mình, một tên la lớn :

- Ê, đậu, rớt gì thì coi xong cũng ra cho người ta coi với chứ. Làm gì cười như đười ươi vậy ?

Thảo không giận chút nào, khi vui người ta dễ trở nên từ bi hỉ xả. Nhưng Thảo vẫn không ra vội, còn phải xem cho Tuấn nữa chứ. Liếc sang tờ bên cạnh, một dãy tên Tuấn đập vào mắt Thảo làm anh chàng căng mắt ra nhìn. Đây rồi, Phạm Anh Tuấn, anh chàng đậu thứ. Vậy cũng vui, đậu là sướng rồi .

Xong xuôi, Thảo huỳnh huỵch chen ra. Anh chàng bật cười khi thấy Tuấn chới với trong đám đông, còn tuốt luốt ở bên ngoài. Cho đáng ! Ngày thường cứ hay bắt nạt Thảo, thử xem khi hữu sự ai khỏe hơn ai.

Thảo hét to :

- Đậu rồi !

Nhưng Tuấn có nghe thấy gì đâu. Anh chàng đang một tay nắm vai tên đằng trước, một tay gạt anh chàng bên cạnh, tả xung hữu đột như chiến sĩ giữa trận tiền. Biết gọi nữa cũng vô ích, Thảo bặm môi tiếp tục lấy sức chen ra. Những dòng mồ hôi rủ nhau bò liên miên trên lưng Thảo làm anh chàng có cảm tưởng như lưng mình đầy những sâu róm. Thảo chen tới sát bên Tuấn rồi mà anh chàng vẫn chưa biết gì, mắt Tuấn hoa lên rồi còn đâu ! Trước mặt Tuấn bây giờ chỉ toàn là những người là người, hàng hàng lớp lớp, mà tên nào cũng xứng đáng là địch thủ của mình. Tấm bảng kết quả ở xa như sáng chói dưới ánh mặt trời, đích điểm của những sĩ tử, sau khi đã thi văn, bây giờ phải thi võ. Thảo tức cười quá ! Một ý tưởng tinh nghịch thoáng qua đầu, Thảo giơ tay đấm vào vai Tuấn một phát.

Tức thì anh chàng sửng cồ lên, mặt đỏ tía tai, anh chàng giơ nắm đấm lên, miệng lảm nhảm :

- Mày ! Mày ! Mày đánh ông !

Nhưng Thảo đã nắm cánh tay bạn lôi tuột ra ngoài. Đến lúc này Tuấn mới nhận ra Thảo, hỏi dồn :

- Sao, xem được chưa ? Đậu không ?

Nhưng Thảo nín thinh, càng lôi khỏe. Cho đến lúc ra sát lề đường, Thảo mới đưa tay vuốt mồ hôi, miệng cười toe, bảo bạn :

- Đậu rồi !

Tuấn chưa mừng ngay, hỏi tiếp :

- Mày đậu hay tao đậu ?

Thảo nhìn bạn, thương mến :

- Một đứa đậu thì đâu đáng mừng. Đằng này cả hai đứa mới vui chứ !

Tức thì Tuấn nhảy cẫng lên, ôm lấy bạn :

- Mày nói thật hả ? Vui quá ! Vui kinh khủng.

Mặc cho bạn nhảy nhót, ba hoa, Thảo lấy vẻ mặt nghiêm trang, đứng im. Thảo nghĩ mình phải có thái độ người lớn mới được. Đằng nào bây giờ mình cũng là một cậu Tú, lại có một tâm hồn bắt đầu biết yêu thương nữa. Mình người lớn rồi, không nhảy nhót như trẻ con được.

Tuấn đã lấy lại bình tĩnh. Và tính đa nghi của anh chàng bắt đầu hoạt động. Anh chàng nghĩ : « Mình chưa nhìn tận mắt tên mình trên bảng kết quả mà. Biết đâu Thảo nó chẳng nhìn lộn, trong lúc vội vã, chen chúc, lẫn lộn là chuyện thường, nhất là con trai tên Tuấn thì đâu có thiếu giống ».

Bèn quay sang bạn, hỏi :

- Mày xem kỹ chưa ?

- Sao lại không kỹ, Phạm Anh Tuấn rõ ràng.

Tuấn vẫn nghi ngờ :

- Nhưng mày có xem nơi sinh tử tế không ?

Thảo bắt đầu cáu :

- Thưa, cháu xem rõ rồi ạ. Ông sinh ở Gia Định thành, người ta đánh máy rõ rệt.

- Thế còn số báo danh ?

Thảo cáu thực sự :

- Đã thế mày chen vào mà xem đi. Người ta đã bảo đậu rồi là đậu, mắt mũi người ta sáng sủa thế này, lại giữa ban ngày ban mặt chứ đêm hôm gì mà lẫn với lộn.

Thấy bạn bực mình, Tuấn ân hận. Nhưng nghĩ lại thì… vẫn đáng nghi lắm ! Mình chưa xem tận mắt mà ! Bây giờ thơ thới hân hoan ra về, khoe hết mọi người, khao, thưởng lung tung, rồi mấy hôm nữa được tin mình trượt vỏ chuối thì không biết để đâu cho hết quê. Bởi vậy mặt anh chàng trở nên thảm hại vô cùng, anh chàng nói với bạn bằng một giọng sầu não :

- Có lẽ tao phải chen vào thật ! Phải xem tận mắt cho nó yên lòng, mày đừng giận tao.

Thảo đưa mắt nhìn Tuấn : đầu bù tóc rối, miệng méo xẹo, bả vai áo rách mất một miếng, quần ống cao ống thấp ! Thật lem luốc quá sức ! Đang giận, Thảo bỗng thấy thương hại, dịu giọng bảo bạn :

- Tao thấy mày đậu thật đấy. Tên họ, ngày sinh, nơi sinh. Số báo danh rõ ràng. Nhưng nếu muốn cho chắc chắn, mày vào xem lại cũng nên lắm.

« Được lời như cởi tấm lòng », Tuấn quay ngoắt người lại, nhìn đám đông ào ạt phía trước như để lượng sức « địch » rồi bặm môi, nhào vô chen tiếp.

Còn mình Thảo, anh chàng lắc đầu tỏ vẻ thương hại cho bạn, người ta đã xem cho rõ ràng như vậy còn không tin. Đã thế cứ để cho chen vào, có mệt cũng đáng kiếp. Bây giờ thì Thảo ung dung lắm, mình đỗ Bình thứ cơ mà, mọi người chắc phải phục lắm. Bé Thanh hết dám nói là mình ăn hại.

Bỗng nhiên, Thảo thấy hình như mặt mình lạnh hẳn đi. Thật chết, lúc nãy vào xem, thấy mình đậu Bình thứ, Thảo mừng quá quên cả việc xem số báo danh. Ấy, xem cho bạn thì kỹ mà xem cho mình thì cuống.

Anh chàng nhìn lại cái thân hình tiều tụy của mình, với đôi dép còn lại một chiếc, rồi quay mình, gọi lớn :

- Tuấn ơi, đợi tao với.

Và cứ thế, một chân đất, một chân dép, Thảo lại huỳnh huỵch chen vào, lẫn lộn trong một rừng người chôn bôn hối hả.

*

- Nhanh tay một chút, Tuấn ơi !

Chị Tâm vừa giục em, vừa thoăn thoắt xếp đồ vào hai cái giỏ nylon. Chao ơi là nhiều thứ : mấy cái bánh mì dài vàng sậm, nửa cái giò còn gói trong lá, ba hộp thịt, rồi nào là dưa, cà, dao… đủ thứ. Thảo ngây người đứng nhìn ! Sao mà chị Tâm khéo quá thế ? Ngần ấy thứ lỉnh kỉnh, chỉ một thoáng sau đã nằm gọn ghẽ trong giỏ. Giá mà Thảo phải xếp nhỉ ! Không biết đến bao giờ mới xong, và chắc là còn dư ra ngoài ít ra hai cái bánh mì.

- Ơ kìa, Thảo ! Giúp tao một tay với !

Thảo giật mình bước vội về phía Tuấn. Anh chàng đang loay hoay với cái lều, gấp mãi không xong. Thảo trêu :

- Thế kiến thức hướng đạo sinh mày cất đâu hết rồi ?

Tuấn cãi :

- Lều hướng đạo khác ! Cái lều quỉ này may kiểu gì kỳ quá !

Chị Tâm nghe thấy, phì cười :

- Cái lều hách vậy mà Tuấn lại kêu là lều quỉ.. Ngày ở Đalat bọn chị đi chơi rừng chuyên môn đem nó đi theo đấy. Bởi vậy chị quí lắm, hôm về Saigon tuy hành lý đã nặng, chị vẫn cố vác cái « lều quỉ » theo.

Chị Tâm nhắc lại hai tiếng « lều quỉ » một cách thích thú. Tuấn biết bị trêu, tức mình :

- Đi pic-nic mà đem theo làm chi, có phải cắm trại đâu mà vác lều theo nặng thấy mồ.

Chị Tâm dỗ ngọt :

- Thôi, chịu khó đi cậu. Rồi khi căng nó lên, cậu mới thấy thích thú.

Thảo vừa giúp Tuấn gấp lều, vừa ngắm nghía. Quả nhiên cái lều may thứ vải nhựa mỏng, màu cam nhạt, trông tươi tắn, không giống màu xám xịt của những chiếc lều nhà binh hay hướng đạo. Buộc xong nút dây cuối cùng, cả hai đứng dậy. Tuấn vươn vai :

- Rồi, xong. Khiếp !

Ba chị em vào xin phép ba má Tuấn, hai ông bà cười dễ dãi nói :

- Tâm nhớ dắt hai em về sớm nhé.

Tuấn huých tay Thảo, nói nhỏ :

- Gớm hai ông bà cho bọn mình là trẻ lên ba không bằng. Chẳng biết ai phải dắt ai.

Thảo muốn cười, nhưng mím môi, cố nín.

Ba chị em ra lấy xe. Chiếc Mobylette của Thảo gửi lại ở nhà Tuấn. Tuấn đi Honda, chở theo lều và một chiếc giỏ. Thảo đi chiếc Suzuki của chị Tâm, chở chị và một chiếc giỏ nữa. Thảo có vẻ cảm động, và anh chàng thấy mình quan trọng : làm tài xế cho chị Tâm cơ mà.

Hai chiếc xe song đôi, nhắm hướng xa lộ Saigon - Biên Hòa. Buổi sáng hôm nay có nắng nhẹ, gió mát và trên trời thì mây xanh ngát mắt. Thảo thấy lòng rộn rã reo vui, anh chàng nghe rõ cả tiếng tim mình đập mạnh, hơi thở khác thường. Thảo muốn phóng xe thật nhanh và lái thật bay bướm, nhưng nghĩ lại, Thảo thấy không nên. Chị Tâm đâu có phải trẻ con mà trổ tài phóng xe với chị ? Mà mình cũng đâu còn trẻ con nữa ! Bởi vậy cách tốt nhất là đi cho thật nghiêm trang và đúng luật đi đường. Người lớn không còn bồng bột hay khoe những cái nhỏ nhặt nữa. Nghĩ vậy, Thảo mím môi mím lợi, hai mắt nhìn thẳng phía trước, đầu giữ ngay ngắn, không quay qua quay lại, dáng người ngay thẳng, đường hoàng. Nhưng mới được một lúc thì chị Tâm nói một câu làm Thảo cụt hứng :

- Thảo ngồi cứ như là ông tượng gỗ ấy.

À, thế tức là chị Tâm chê mình nhát đây, đi xe sợ ngã phải ngồi thật vững. Thảo đâu có tệ như thế ! Phải cho chị ấy biết mới được. Thế là hùng hổ, anh chàng rồ ga lên, nghiêng người sang bên trái, chiếc xe nghiêng theo, loáng một cái xe của Thảo phóng vút qua xe Tuấn đang chạy phía trước. Tóc chị Tâm bay ra phía sau mặt ! Thảo cứ lầm lì phóng tiếp. Có tiếng chị Tâm kêu hốt hoảng :

- Thảo ! Chạy chậm chút nào, chị sợ quá !

Chị Tâm đã biết sợ ! Thảo thích lắm, như thế chị mới phục Thảo, mới không chê Thảo chứ. Anh chàng để nhỏ ga cho chiếc xe chạy chậm lại. Tuấn lướt xe từ phía sau tới :

- Khỉ ! Điên à ?

Nhưng Thảo không trả lời, chỉ mím miệng cười. Giọng chị Tâm còn hổn hển :

- Ông tướng làm cho chị hết hồn ! Sao tự nhiên lại chạy nhanh như vậy ?

Thảo cười :

- Tại Thảo muốn trêu chị, làm cho chị sợ.

- Vậy thì chị sợ rồi đấy. Tha cho chị đi nhé.

Giọng chị ngọt ngào, Thảo tự ái được vuốt ve, cho là mình oai lắm, cứ toe miệng cười mãi.

Hai chiếc xe ngoan ngoãn nối đuôi nhau chạy qua ngã thư Thủ Đức, nhắm hướng Suối Tiên, chẳng mấy chốc đã đến nơi. Gửi xe ở cái quán nhỏ bên ven đường, ba chị em đi bộ tiến sâu vào phía trong. Tuấn hăm hở vác lều chạy trước, anh chàng tỏ vẻ thành thạo, quay lại đằng sau nói :

- Phía bên tay trái có một khu đất trống đẹp lắm chị à, mình ở đấy suốt ngày cũng không chán. Bọn em cắm trại ở đó hoài.

Chị Tâm vui vẻ nắm tay Thảo, rảo bước, chị thoăn thoắt nhảy qua những mô đất gồ ghề trên đường đi, làm Thảo phục hết sức. Ở nhà Thảo cứ ngỡ là mình với Tuấn phải đỡ chị cơ đấy. Như hiểu được ý nghĩ của Thảo, chị Tâm bảo :

- Chị đi bộ leo đồi, lội suối quen rồi, ngày ở Đàlạt tuần nào chị chả đi chơi đồi hay thung lũng với các bạn.

Ngừng một chút, chị tiếp :

- Nhưng mà cũng mệt rồi đấy Thảo ạ, chị em mình đi chậm lại một chút, mặc cho cu Tuấn vào dọn chỗ trước. Chị cũng muốn thử tài tháo vát của nó xem sao.

Hai chị em chậm bước. Một luồng gió thổi tạt qua, mát ơi là mát. Thảo thấy đất trời hôm nay sao trong sáng và tươi đẹp quá. Một bụi sim dại lả lơi theo chiều gió. Thảo cúi xuống ngắt một bông sim tím, đưa chị Tâm :

- Thảo tặng chị.

Chị Tâm mỉm cười, cầm lấy bông hoa, ngắm nhìn những cánh hoa tím mỏng manh, chị buột khen :

- Bông hoa đẹp quá ! Cảm ơn Thảo nhé.

Thảo nói một câu rất… cải lương :

- Nhưng không hoa nào đẹp bằng chị !

Chị Tâm tròn mắt nhìn Thảo cười ròn :

- Em của chị xem vậy mà gớm lắm nhé ! Đã nói với cô bạn nào như vậy chưa ?

Tự nhiên Thảo thấy ngượng, mặt nóng ran, hình như lúc ấy hai má Thảo đỏ bừng lên thì phải. Chị Tâm dịu dàng :

- Có gì đâu ! Lớn rồi, cậu nào chẳng có một vài cô bạn gái. Hôm nào dẫn mấy cô lại chơi với chị đi nào.

Thảo tức quá. Chị Tâm, Thảo chả có bạn gái nào hết, Thảo cũng chả muốn quen với cô nào nữa. Thảo chỉ có chị, sao chị không hiểu như thế ?

Có tiếng hú của Tuấn ở xa xa, chị Tâm kéo Thảo chạy nhanh :

- Tuấn gọi, mau chân lên Thảo.

Hai chị em chạy sát nhau, chân Thảo chạy nhanh và máu Thảo cũng chạy nhanh trong huyết quản.

Bóng Tuấn hiện ra phía trước. Anh chàng đang lui cui tháo dây buộc lều. Thấy hai người chạy tới, Tuấn nói to :

- May quá, hôm nay không có ai xí trước chỗ này, bọn mình tha hồ tung hoành.

Thảo ngồi xuống bên cạnh bạn :

- Dựng lều chỗ nào đây ?

Tuấn tỏ vẻ thông thạo, đưa tay chỉ sang bên phải :

- Đằng kia có cây điều cành mọc đâm ngang ra, coi ngộ mà mát lắm. Mình dựng lều ngay dưới cành cây ấy.

Ba chị em cắm lều thật nhanh. Nhìn chiếc lều mới căng phẳng phiu, Tuấn xoa tay khoái chí :

- Bọn mình vô địch về nghề cắm lều mất thôi.

Nhưng chị Tâm đã cầm quả banh tung lên, gọi to :

- Đứng đấy mà khen nhau mãi, ra đây chơi ném banh đi.

Ba người chơi banh chuyền : hai người đứng hai đầu chuyền banh cho nhau, người còn lại đứng ở giữa phải cướp cho được trái banh, ai bị mất banh, phải ra giữa thay thế cho người kia. Chị Tâm tình nguyện đứng giữa trước. Trái banh chuyền qua, chuyền lại, Tuấn khoái chí cười nắc nẻ. Nhưng Thảo thì thương chị Tâm lắm ! Chị chạy sang bên này, rồi lại sang bên kia, đến mấy mươi lần mà chả tranh banh được. Thảo đâu nỡ thế, phải « hy sinh » cứu chị mới được. Bởi thế, lừa cho trái banh vừa bay đến, Thảo giơ hai tay tạt mạnh nó về phía trước. Sợ Tuấn biết, mà cũng sợ luôn cả chị Tâm nữa, Thảo giả bộ la lớn :

- Ui chao, đau tay quá ! Mày dại quá Tuấn ơi, ném mạnh như thế thì ai bắt được trái banh.

Và Thảo với bộ mặt đau khổ nhưng trong lòng lại vui sướng chạy ra đứng thay chỗ cho chị.

Tuấn vô tình không hay biết, anh chàng càng ném khỏe và rất hãnh diện là mình không bị phạt đứng giữa lần nào. Nhưng cử chỉ của Thảo làm sao qua được đôi mắt tinh anh của chị Tâm. Bởi thế, buổi trưa sau khi ăn uống xong xuôi, nhân lúc Tuấn ra suối vớt cá lòng tong, chỉ còn lại Thảo với chị Tâm trong lều, chị Tâm vừa bứt sợi cỏ trước mặt, vừa hỏi :

- Sao lúc sáng Thảo vờ bắt hụt banh thế ?

Thảo chối phắt :

- Đâu có ! Tuấn nó ném mạnh thế, sức có gấp đôi Thảo cũng chả bắt được.

Nhưng chị Tâm nhìn sâu vào mắt Thảo, chậm rãi :

- Tại sao phải nói dối chị ? Có gì đâu !

Ừ nhỉ ! Có gì đâu phải giấu. Thảo bẽn lẽn cúi đầu nói nhỏ :

- Tại Thảo thương chị. Thảo không muốn chị chạy nhiều, mệt lắm.

Chị Tâm có vẻ cảm động, chị nắm nhẹ tay Thảo, nói :

- Thế Thảo chạy thì không mệt à ?

Thảo thấy mình là một anh hùng, mà anh hùng thì có sá gì cái chuyện phải chạy qua chạy lại giành trái banh, đáp liền :

- Không ! Thảo là con trai chạy mấy vòng thì có thấm tháp gì.

Rồi thật thà, Thảo kể lể :

- Có lần nhà bị cúp nước, mẹ nhờ Thảo ra tận « phông-tên » đầu đường xách nước. Thảo xách cả chục đôi cũng chỉ hơi mỏi một bên vai.

Chị Tâm vui vẻ hỏi :

- Thế Thảo không mắc cỡ à ?

Thảo trợn đôi lông mày :

- Giúp mẹ thì có gì mà phải mắc cỡ.

Rồi anh chàng nhỏ giọng :

- Hôm ấy mấy đứa con gái hàng xóm nó có cười Thảo đấy, nhưng Thảo đứng lại mắng liền. Chúng nó tịt mất, nhưng từ đấy ghét Thảo lắm.


Chị Tâm thấy Thảo còn đơn sơ quá, hỏi tiếp :

- Thế Thảo không để ý đến cô nào à ?

Thảo bậm môi, quả quyết :

- Không !

Nhưng rồi nghĩ làm sao, Thảo thở dài một cái rất là người lớn, nhẹ giọng :

- Chị xem, tim Thảo cứng như đá, thế mà Thảo cũng vừa để ý đến một người rồi đấy.

Chị Tâm cười thật tươi :

- Cậu nào mà chả thế. Tuấn cũng vậy, chị biết nó mến cô bé Vân học cùng lớp ở Hội Việt Mỹ với nó lắm. Những tình cảm thơ trẻ như thế thật đẹp.

Nhưng chị định nói, « nhưng không bền vững » thì Thảo cướp lời :

- Chuyện của Tuấn thế nào Thảo chả biết, nhưng với Thảo, Thảo không trẻ con đâu. Thương ai là Thảo thương suốt đời.

Chị Tâm suýt cười, nhưng giữ được. Thật ra thì đã có Tuấn tỉ tê với chị là đã « thương suốt đời » một cô bé khác, nhưng chỉ được chừng hơn một tháng sau, chị hỏi lại thì Tuấn chép miệng một cách chán nản và trả lời rất nghiêm trang, như một ông cụ non :

- Em với cô bé ấy không hợp.

Chữ « không hợp » ấy, sau này Tuấn mới giải thích là đã có lần Tuấn rủ cô bé đi ăn kem nhưng cô nhất định không đi, viện cớ là cô có hẹn với mấy cô bạn khác đi sắm vải may áo. Thế là hai bên giận nhau và chỉ một tuần sau, Tuấn quen Vân.

Nhưng chị Tâm không ngờ rằng trong lúc chị tức cười như vậy thì tim Thảo nhảy loạn xạ. Thảo đang bộc lộ cả tâm hồn mình cho người Thảo thương mến. Hồi hộp, Thảo hỏi :

- Thế… thế chị Tâm hiện giờ có ai thương không ?

Vô tình, chị Tâm trả lời :

- Chị mới thương một người, Thảo ạ, chị lớn rồi, cũng đã đến tuổi yêu thương.

Tim Thảo như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Thảo hỏi :

- Khi thương người ta chị thấy thế nào ?

Câu hỏi ngớ ngẩn làm chị Tâm một lần nữa suýt cười, nhưng chị không muốn làm buồn lòng cậu em trai mới nhận, thành thử trả lời :

- Khi thương người ta thì lúc xa chị thấy nhớ, lúc gần chị thấy vui, và chị quí mến tất cả những gì thuộc về người ấy, chị thích nghe tất cả những câu chuyện liên quan đến người ấy. Đêm đêm, chị cầu nguyện cho người ấy được mọi điều sung sướng và chị với người ấy được gần nhau mãi mãi.

Thảo vừa thở vừa nói :

- Khi thương ai, Thảo cũng vậy.

- Nhưng Thảo còn nhỏ mà.

- Không, Thảo lớn rồi. Thảo đã biết thế nào là nhớ, là thương.

Có tiếng Tuấn vừa chạy vừa reo :

- A ha, chị Tâm ơi, Thảo ơi ! Tuấn vớt được ba con cá.

Dịp may đã hết rồi, Thảo giơ tay bứt một bông hoa ngoài cửa lều, ném vội vào lòng chị Tâm, nói nhanh :

- Thảo tặng chị .

Chị Tâm ngạc nhiên ! Buổi sáng Thảo đã « Thảo tặng chị » một bông hoa, bây giờ lại một lần nữa « Thảo tặng chị » bông thứ hai, tặng bằng cách ném thật vội. Kỳ nhỉ !

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG BỐN
oncopy="return false" onpaste="return false" oncut="return false"> /body>