6
Lúc
nầy em mới thấy cái phòng ở tầng lầu ba thật là xa. Nhưng phải rán,
phải lên đến đó để gặp Ái, để kể những giờ phút vui vẻ ở cái trại gia
súc nhỏ của chú Giao, những chú gà tre lông dài, xanh đen, những chị gà
mái đẻ toạt cái trứng vỡ toang trên nền rơm vì cứng đầu, không ngồi yên
trong thùng, những thiếm vịt tơ lúc nào cũng nguây nguẩy cái đuôi và
chiếc miệng luôn luôn xàm xạp như một nhà ngoại giao đắc thời ngay cả
khi ăn. Em phóng lên thang lầu với bao nỗi nôn nao, suýt chút nữa thì
đâm sầm vào nhỏ Hạnh cũng từ trên phóng xuống. Cô nàng nhe răng cười:
- Mặt chú mày mắc cười quá!
Em giơ tay chùi chùi lên khuôn mặt nóng ran vì nắng:
- Sao?
Bàn tay con bé khoa tròn trên má diễn tả:
- Hai má mi đỏ ghê đi, bộ dang nắng dữ hả?
Em bật cười:
- Ừ, chơi đã luôn… Em trỏ ngón tay lên trên – có thấy Ái ở trên phòng không?
Mắt Hạnh thoáng ngơ ngác:
- Ái về rồi mà!
Sửng sốt, em cắm đầu chạy thẳng lên trên sau khi thốt:
- Sao lạ vậy… Ái nói với An tuần tới Ba Má Ái mới rước mà?... Để lên xem…
Em
chậm bước, thở hào hển trước vẻ im vắng của căn phòng. Chắc chắn cô bé
về rồi. Vậy mà Ái bảo hai tuần Ba Má mới rước. Cô bé nầy bí mật ghê ta.
Kệ! Em chơi một mình vậy, thế là buổi chiều chủ nhật nầy không gặp Ái
rồi. Vất phịch chiếc giỏ xuống bàn, em mệt mỏi ngả lưng trên giường. Căn
phòng tối sầm vì mấy cánh cửa đóng kín mít nhưng cũng không thoát khỏi
đôi mắt lờ đờ của bác nắng tinh quái dòm lén vào phòng qua mấy khoảng hở
của khung cửa sổ nhìn ra ngoài vườn. Em buồn ngủ quá. Có tiếng chuông
tan giờ cơm chiều và tiếng chuông nhà thờ trầm trầm từ xa vẳng lại như
xuyên qua tiếng rộn rã của các nhánh điệp bên ngoài. Chắc cũng khoảng 6
giờ.
*
Tiếng
động đậy ở đầu giường rõ rệt hơn, em vẫn giả bộ nằm yên, muốn cười ghê
vậy đó, nhỏ Ái chứ ai. Nhưng em còn hơi giận giận đó, nói với người ta
là hổng có về mà về mất đất! Hình như cô nàng vẫn còn đứng ở đầu giường,
không biết để làm gì nhỉ? A, em có trò chơi nầy rồi, em vờ như còn ngủ,
lăn qua một cái rồi bất thình lình giơ cả hai tay chộp lấy mặt cô bé.
Ái lanh mắt, nghiêng mặt tránh rồi vừa phá ra cười, cô bé vừa chạy vòng
lại giường em lấy hết sức bình sinh ngồi ình xuống một cái thật mạnh cho
cái giường rung rinh không ngừng:
- Ê, lêu lêu, vậy mà làm bộ ngủ?
Em cười một cái rồi quay vô trong, làm như ngủ tiếp. Ái tức mình, cô bé lay tay em:
- Thôi, dậy đi nào. Ái mượn cái nầy một chút…
Em hổng thèm quay mặt ra:
- Hông, người ta mắc ngủ.
- Ái mượn cái nầy thật mà…
Cô bé tha thiết quá, lần nầy em ngồi dậy:
- Cái gì?
- Xuống xe bưng chồng tập với Ái đi…
- Sao hổng kêu chú tài bưng?
Ái có vẻ giận giận:
- Thì Ái mượn An một chút thôi mà, ma soeur không cho chú tài vô trường…
Em giảng hòa bằng cách cười, tuột xuống giường:
- Ừ, thì nói vậy chứ An đi đây, nhưng phải rửa mặt đã…
Con bé nghiêm mặt làm chị hai nhìn theo em khuất ở phòng cuối dãy:
- Lười ghê cơ, áo quần cũng chưa thay mà phòng cũng hổng mở cửa nữa…
A, mới xa có một bữa mà cô nàng làm tàng dữ. Em vào trong lau mặt rồi trở ra cùng Ái bước xuống lầu, tiếp tục câu chuyện:
- Tại An lên, An không thấy Ái đâu, An giận mà buồn ghê!
Cô bé sợ hãi nắm tay em, nhỏ nhẹ:
- Không đâu, An à, tại tuần đầu Ba Má rước về đặng sắm tập sách, tuần sau nhất định phải ở lại đây đó.
- À, mà hồi nãy Ái làm gì ở đầu giường An vậy?
Cô bé nhìn em, tủm tỉm:
- Ờ, Ái nhìn An ngủ. Ái khoái nhìn ai ngủ ghê, dễ thương là.
- Nhưng mà lúc đó An thức rồi. Á… lêu lêu Ái chơi…
Ái
không nói nữa, kéo em chạy băng qua cái sân xi măng, đến phòng khách,
ra ngoài xe Ái. Ái tươi cười với bác tài trong lúc em cúi đầu chào bác:
- Bạn cháu đây ạ.
Trong lúc em ngơ ngẩn nhìn chiếc xe bóng loáng, kềnh càng thì Ái ra sau, khệ nệ ôm hai chồng tập, con bé tíu tít đưa em:
- Đây nầy, An ôm chồng tập nầy đi.
Rồi
cô bé lôi chồng tập thứ hai ra ôm lấy, sau cùng cửa xe đóng lại. Hai
đứa còn chào bác tài một cái rồi mới vào trong. Ái nói, như giải thích:
- Tại Ba Má Ái bận nên chỉ có bác tài đưa Ái đến đây thôi…
Em
im lặng với nhiều ý nghĩ ngổn ngang. Bóng tối bắt đầu phủ lên trường,
bao lấy những khu sáng ánh đèn từ phòng khách, phòng Giám Đốc đến nhà
nguyện, nhà cơm. Ái níu tay em, hai đứa đứng lại nghỉ dưới chân thang
lầu. Cô bé thở một hơi mạnh, vui vẻ chỉ ngôi nhà nguyện có bóng đèn đỏ
lấp lóe:
- Ái chưa bao giờ lên đó cả.
Em chưa muốn trả lời vội:
- Thì đi lên, Ái ạ…
Con bé vẫn thắc mắc, nối chân em, đôi mắt làm như cái gì nghi ngờ:
- Không biết người ta làm gì ở trỏng, hén?
Em cười khẽ:
- Bộ Ái muốn vào đó?
- Nhưng mà để làm gì đã chớ?
Tự dưng em thấy mình có bổn phận nói cho Ái biết.
Cô
bé à một tiếng khẽ trong bóng tối. Em nhìn Ái thật nhanh. Đôi mắt cô bé
vừa thành hình một tình cảm thành kính sâu xa. Em đoán cô bé còn nhiều
thắc mắc lắm, như thuở nhỏ lần đầu tiên đi nhà thờ với chú Giao, thiếm
Giao, em đã hỏi thiếm lung tung, sau cùng chú đứng kế bên phì cười: “Cái
con bé nầy, sao hỏi gì mà dữ thế?”
Nhưng
sự im lặng lại được chính cô bé đánh tan khi lên đến phòng ánh sáng vừa
tỏa khắp căn phòng thì như nỗi vui đã ùa đầy lòng. Cô bé xếp gọn gàng
hai chồng tập nói huyên thuyên:
- An nầy! An học bài thứ hai chưa?
- Rồi chứ?
- Học bài thứ ba chưa?
- Chưa. Mai học.
Cô bé nheo nheo mắt tinh nghịch:
- Ừ! Ái cũng vậy…
Mặt thoáng lên ánh suy nghĩ, Ái nói nho nhỏ nửa rủ rê, nửa năn nỉ:
- An nầy, mình ra nhìn nhà nguyện đi…
Chắc lại hỏi nữa chứ gì? Em hơi ngạc nhiên nhìn Ái bước ra ngoài rồi cũng vội vã chạy theo khi nghe tiếng cô bé suýt xoa:
- Á, đẹp quá!!
Em
biết mình hơi cao khi chỉ phải nhón 2 ngón chân để nhìn lên phía ngoài
bao lơn. Ấy mà soeur Sabine cứ trêu em muôn đời phải nhón cả 5 ngón chân
ấy chứ. Bên ngoài, chưa bao giờ khung cảnh dễ thương như thế nầy, phía
trên là mây mấy tầng, phía dưới là một góc mặt trời sắp lặn, tung ra
những ánh vàng chói huy hoàng. Hệt như những bức tranh vẽ hay hay chi
lạ. Ái hạ tầm mắt xuống nhà nguyện ; cô bé thoáng ngơ ngác chỉ những
bóng đen sắp hàng lặng lẽ tiến vào trong:
- Kìa, ai vậy hả An?
- Mấy chị đệ tử, họ đi cầu nguyện đó Ái ạ…
Im lặng một lát, cô bé lại hỏi:
- Cầu nguyện cho ai, với lại cầu nguyện cái gì?
-
Cầu nguyện sự bình an, hạnh phúc và nhiều thứ nữa cho những người thân
hoặc là cho tất cả mọi người hoặc là cho xứ sở, quê hương…
Câu nói thoáng vẻ buồn của em làm cho Ái quay lại nhìn em chăm chú, giọng cô bé nhẹ đi:
- Ái… cầu nguyện được không?
- Được chứ.
Ái reo lên như khám phá được một điều hay ho:
- À mà hình như phải có đọc kinh nữa, kinh trong lớp hả An?
- Thường thì kinh trong lớp, Ái ạ… Ái thuộc chưa?
Cô bé vui vẻ:
- Thuộc. Ái đọc cho An nghe nha?
Không
đợi em trả lời, cô bé se sẽ chắp tay, ngước lên nhìn rất nhanh những vì
sao mới mọc trên trời rồi cúi xuống và bằng giọng ấm áp, rõ ràng, cô bé
đọc từ đầu đến cuối bài kinh Kính mừng. Xong, Ái làm dấu Thánh giá rồi
kéo tay em đi, đôi mắt cô bé long lanh vui mừng:
- Ái thuộc chứ hả? Thôi hai đứa mình đi “cầu nguyện” đi.
Chữ
cầu nguyện được cô bé lặp đi lặp lại một cách trang trọng làm em cảm
động vô cùng. Hai đứa siết tay nhau, băng qua những hành lang tối đen
cũng như những khoảng sáng lờ mờ. Tới nơi, hai đứa dừng lại, chỉ biết
vừa cười vừa thở, Ái áp tay lên má:
- Tự dưng tay Ái lạnh ngắt à…
- Tại hai đứa mình chạy nhiều đó Ái.
Ái tươi cười, sửa lại:
- Không phải, tại Ái sắp “cầu nguyện”.
Em
bước vào, chấm tay làm dấu rồi quỳ xuống, cô bé cũng làm theo. Đây là
thời gian và vị trí của niềm tin và sự sống trong hồn. Con đến đây cầu
nguyện cho Ba, cho Me kính yêu không phải với tâm hồn đau đớn cũng không
phải đến van xin, kêu cứu vì những hình ảnh quá khứ như xưa mà rất mực
bình an, rất mực bền lặng, hết lòng mong mỏi cho sự an thỏa song thân.
Em
ra được một lúc thì Ái cũng đi ra. Chúng em chầm chậm đi về phòng. Trời
hẳn trong ghê lắm vì sao rải rác khắp cả như vừa được tung ra từ một
cây pháo bông có ánh sáng đời đời. Giọng Ái chợt vang lên, trong trẻo:
- An nầy, hồi nãy An cầu nguyện gì vậy?
Cái cười em có một chút tối:
- Cầu nguyện cho những điều sung sướng cho Ba, Me nơi cõi Vĩnh Cửu. Còn Ái?
Tiếng cô bé đều đặn:
- Ái cầu nguyện được ở gần Ba Má mãi mãi, dù Ba Má giàu hay nghèo, hay sao đi nữa… và Ba Má thương Ái nữa.
Đó
là điều cầu nguyện của người còn đủ Ba Mẹ. Em ngước nhìn lên trời. Đêm
nay có hai vì sao nhỏ nằm cạnh nhau trên trời. Một vì sao ưu tư và một
vì sao đang buồn.
7
- Ái nầy, đôi giầy An đâu?
Vừa lom khom trên sàn nhà lạnh ngắt sáng sớm, em vừa hỏi Ái ; con bé cũng đang vội vã xỏ chiếc tất thứ hai vào chân và đáp:
- Ái nhớ là An hay nhét dưới gầm giường mà.
Tiếng chuông giục giã học sinh ra sắp hàng dưới trường càng làm em quýnh thêm:
- Ái rán nhớ xem có gặp đâu không?
Con bé vỗ trán như người lớn, rồi bật cười:
- A, Ái nhớ ra rồi, ở trong hộc tủ Ái, ngăn cuối cùng.
Em chỉ kịp nhảy bổ tới, giở tủ Ái ra để bắt gặp đôi giày chễm chệ trong ngăn ngoài. Vừa mang, em vừa trách:
- Ái ác ghê, làm người ta sợ muốn chết, xuống trễ làm sao dám vào xem lễ?
Con bé tỉnh bơ cho gấu áo mặc vào trong váy:
- A, cái đó tại An…
- Thôi đi xuống đã…
Cho chìa khóa vào ổ, khóa lại rồi hai đưa vội vã xuống sân. Con bé Ái khơi chuyện:
- Hồi tối An nhớ cái gì không?
Em ngơ ngác:
- Cái gì?
Con bé chậm rãi:
-
Ái hỏi hồi hôm qua Hòa đưa cho An gói gì, An không chịu trả lời… Ái
giấu giày bắt An khai rồi hai đứa quên luôn… Bây giờ An cũng chưa nói
nữa, giận ghê…
Em chối phắt:
- Hòa đưa cho An cái gì đâu?
Con bé tức tối, dẩu môi:
- Chính mắt Ái thấy mà…
Chịu, em đành cười:
- Thôi để lát tan lễ, An nói…
Có bóng soeur Agathe bên hàng học sinh đứng nghiêm chỉnh giữa sân trường tờ mờ sáng. Ái nghiêng đầu nhìn từ xa rồi chạy lại:
- Thục, Hạnh kìa, mình đến đó đi An.
Đoàn
học sinh bắt đầu di động tiến qua nhà thờ bên nhà phước. Đó là sự im
lặng giả tạo che giấu bầu không khí rộn rã bên trong. Những ánh mắt sí
sọn, những tiếng cười, nói khe khẽ. Nhưng chiếc váy phất phơ nhẹ nhàng
nổi dưới áo cánh trắng, cổ tròn tăng thêm vẻ bầu bĩnh của những khuôn
mặt.
Em
nhìn sang Ái. Bắt đầu từ lúc bước chân vào nhà thờ, đôi mắt cô bé trở
nên long lanh xa vời, vừa có vẻ chiêm ngưỡng, vừa có vẻ quan sát. Khi
tất cả lặng lẽ quỳ xuống trong buổi thánh lễ và tiếng dương cầm, đại
phong cầm rền lên, Ái quay nhìn sang em cười nhẹ rồi quay đi. Nụ cười
với muôn vàn ý nghĩa nhưng không giấu được nỗi xao xuyến, là tâm hồn của
con sông êm ả, trầm lặng khi nỗi phiền sầu trôi dạt đại dương. Là tâm
trạng bồi hồi trong thánh ca réo rắt. Là nỗi vui. Là nỗi buồn. Là giọt
lệ nhỏ xuống nụ cười. Là một lần nhìn lại, một lần ăn năn, một lần thống
hối. Tất cả linh hồn chúng em ở phút giây nầy trong sự an nghỉ thoáng
chốc
hiện tại và cho sự an nghỉ đời đời.
Buổi
lễ tan, những tia nắng mới đến sưởi ấm bầu không khí ngai ngái lạnh lóe
lên rực rỡ như sứ giả của huy hoàng. Hai đứa siết chặt tay len lỏi
trong đoàn người xáo xác như chim non rời tổ. Ái hỏi:
- Ban nãy An ngậm cái gì vậy?
Em cười nho nhỏ:
- Bánh… Bánh thánh… Chúa ngự vào linh hồn mình dưới hình thức bánh thánh.
Lặng im một lát, Ái như nhớ ra:
- A, An hứa gì… nhớ không?
Em giương mắt ngạc nhiên rồi tủm tỉm:
- Nhớ chứ!... Đi nhanh lên phòng đi… An nói cho nghe…
Bây
giờ lên đến lầu ba không còn cực nhọc đối với em. Có lẽ nhờ Ái líu lo
bên cạnh và nhờ cả dự tính của em sắp thành hình. Em giao hẹn với Ái khi
loay hoay mở cửa phòng:
- Ái đứng ngoài nầy đi… chừng nào An nói vô thì vô nghe!
Con bé dẫy nẩy, vòi vĩnh:
- Thôi… cho Ái vô đi mà… có sao đâu?
Em lắc đầu lia lịa:
- Á! Hổng được… cái nầy… bí mật.
Thấy em cả quyết, cô bé vờ giận dỗi, quay đi:
- Thôi thì vô đi… Ái hổng vô đâu!
Khép
cửa phòng lại, em đến hộc bàn dở ra một chiếc hộp nhỏ trắng, cả tờ giấy
hoa và một sợi dây màu hồng. Chỉ một lát sau, với một chút khéo léo,
chiếc hộp được gói lại cẩn thận với chiếc nơ to trên góc và đặt ở trên
bàn Ái, em tiến đến mở cả những cửa phòng và nói như ra lệnh… khởi hành:
- Rồi! Vào đi.
Cô bé nện mạnh chân, phụng phịu đóng sầm cửa. Em khoái chí, trêu:
- Á, cũng biết giận nữa ta.
Như linh cảm có vật lạ trên bàn, Ái tiến nhanh đến, nâng lên:
- Cái gì đấy An?
Em nghiêm mặt, nhẹ nhàng:
- Ái nhớ hôm nay ngày gì nào?
Đôi mắt Ái long lanh nhẩm tính rồi khẽ reo:
- Á! Có phải đây là…
Em đến bên Ái, thương mến:
- Phải, quà sinh nhật cho Ái đó!!
Lần nầy cô bé cười cả bằng mắt ; cô bé giục giặc tay em, cảm động:
- Trời ơi, An tốt quá, hộp đẹp quá à…
Rồi lần mở hộp, mắt Ái thoáng buồn:
- Không biết… À, chả bao giờ Ba Má nhớ ngày sinh nhật của Ái cả…
Em lăng lắc đầu dõi theo bàn tay run run hồi hộp của cô bé:
- Không… Ái không được buồn chứ… ngày vui của Ái mà.
Ái kề đầu bên em, cô bé thỏ thẻ:
- Ừ, Ái sẽ không buồn… suốt ngày như hôm nay…
Bức
tượng Đức Mẹ nho nhỏ từ từ hé ra cùng một lúc tiếng “A!” vui mừng mà
cảm động của cô bé. Ái quay mặt nhìn sâu vào mắt em nghiêm nghị, rồi nhẹ
mỉm cười. Đôi mắt cô bé chợt sáng lên kỳ diệu như quỹ đạo trăng sao rồi
nhòe nhoẹt bởi một vài giọt nước mắt lóng lánh đằm thắm vướng trên mi,
từ từ chảy xuống đôi má còn căng ra cho một nụ cười. Bàn tay ấm áp cô bé
siết lấy em:
- Cám ơn An, thật nhiều…
Em đỡ lấy bức tượng trên tay Ái, đặt lên bàn cô bé, nói để quên:
- Ái nầy… đố Ái biết tượng nầy để làm gì?
Ái trả lời liền:
- Để đặt trên bàn học như mấy soeur chứ gì.
-
Còn một “để làm gì” quan trọng nữa Ái ạ. – em se sẽ giọng – Hôm mình
cầu nguyện, An quên nói Ái nghe, có nhiều nơi để cầu nguyện, miễn với
một chút yên lặng, với lòng thành kính và sự tin tưởng. An muốn Ái cầu
nguyện với Đức Mẹ, một biểu hiệu của dịu dàng, âu yếm như người mẹ thật
trong những lúc buồn lòng…
Mắt cô bé đã mở to chăm chú từ lúc em nhắc đến chữ cầu nguyện để cuối cùng, cô bé reo lên lần nữa và xúc động lập lại:
- Trời ơi! Vậy hả?... Cám ơn An… cám ơn Như An của Ái…
8
Chúng
em đã đóng cả cửa phòng nhưng mưa vẫn ồ ạt tạt lên bên ngoài như tìm cơ
hội để chui vào. Những lằn chớp lóe lên chói lọi rồi tiếp đến những
tiếng nổ kinh hồn rung chuyển cả không gian. Ái buông tay bịt chặt hai
lỗ tai, tiếp tục bật hộp quẹt mồi lên đèn cầy trong căn phòng tối om om,
mãi mà không cháy. Cô bé sợ hãi đưa mắt tìm em đang thu mình trên một
góc giường:
- An à, bật dùm Ái đi…
- Chắc cái đó hết xăng – Em thò chân xuống giường – để An lấy hộp quẹt giấy bên phòng nhỏ Hạnh.
Cô
bé lăng xăng ngóng theo em vừa bước khỏi cửa, tay vuốt mái tóc rối bời
vì gió phần phật tứ phía vây lấy hành lang lầu 3, nói với theo trong
tiếng mưa át:
- Về lẹ nghe An…
Em vừa trở lại phòng thì thấy Ái chờ sẵn ở cửa lo lắng:
- Có không?
- Có. Thôi mình vào phòng đi Ái…
Que
diêm kêu một tiếng xoẹt rõ to khi lướt trên bìa hộp, ánh sáng tỏa ra
trên cây nến đỏ ấm áp như xua đuổi vẻ lạnh lẽo căn phòng. Ái vẫn còn
đứng ngoài cửa, tiếng hơi to:
- Ái đóng cửa nha.
Em chưa kịp ừ thì cánh cửa thừa dịp cô bé hỏi và bị các cơn gió đẩy đóng sầm vào ngón tay Ái bấu lên mép cửa. Cô bé kinh hoàng:
- An ơi!
Mặt và tay em lạnh đi, đỡ Ái vừa ngã xuống bên cửa lên giường:
- Có sao… có sao không Ái? An kêu ma soeur nghe… Trời ơi!
Mắt Ái nhòe những nước mắt, siết ngón tay bị dập đau đớn nhưng vẫn lắc đầu:
- Thôi… đừng kêu… ôi chao! Ái đau quá.
Em nài nỉ khi thấy ngón tay tím lè và sưng lên của Ái:
- Để An… kêu ma soeur nha… chứ biết làm sao!
Cô bé quyết liệt:
- Không… An kêu Ái giận An à… Kiếm chai dầu dùm Ái đi…
Chừng như đã bớt, Ái ngồi lên giơ bàn tay những ngón tím bầm ra ánh đèn, giọng run run như sắp khóc nữa:
- Ghê quá hả An?... Trời ơi…
Em vỗ về:
- Không sao đâu… để An xức dầu… hết liền mà…
Em
nghiêng chai dầu, chấm lên tay rồi vuốt lên chỗ bầm cô bé nhè nhẹ dịu
dàng. Quả nhiên, cô bé dõi theo và không rưng rưng nữa mặc dầu mặt vẫn
thỉnh thoảng nhăn lên vì bị đau. Xong, em thở phào đứng lên cất chai
dầu:
- Thôi Ái nằm im đi… lát nữa hết… làm người ta sợ quá chừng…
Ái
đưa tay áo quệt ngang mắt, định nói câu gì nữa nhưng hình như có tiếng
ma soeur vang ngoài cửa, không nghe rõ vì tiếng mưa to quá, câu nói được
lập lại lần nữa, đúng là tiếng soeur Sabine!
- Thắp đèn lên, các con… coi chừng mưa tạt.
Em tuột vội xuống đất chạy ra gọi soeur, lần nầy thận trọng giữ chặt mép cửa. Em sợ bác cửa vô tình nầy ghê lắm cơ:
- Ma soeur.
Soeur đã đi một quãng xa nhưng nghe em gọi nên trở lại, vừa đưa tay giữ chiếc lúp, vừa cười:
- Gì đó con?
Em được dịp nhõng nhẽo:
- Ma soeur vô phòng con chơi chút đi, trời mưa mà cúp điện nữa, con sợ… quá!
Ma soeur chìu em lắm mà, em biết, quả nhiên ma soeur bước vào, giải thích:
- Vì soeur giám thị bận nên soeur lên thăm chừng các em nội trú đó.
Vừa ngồi xuống ghế em vừa kéo ở bàn học ra, soeur vừa nhìn em cười:
- Ở hai chị em mà sợ gì… ma soeur đi một mình mà chẳng sợ gì hết…
Cái giọng từ từ của ma soeur hiền dịu chi lạ. Em chỉ Ái, tíu tít:
- Ái mới bị kẹt tay đó ma soeur, cô nàng khóc quá chừng…, con cũng sợ luôn.
Em
chưa nói hết câu, ma soeur đã vội chạy tới bên giường Ái, ra vẻ quan
trọng – mấy soeur bao giờ cũng cũng lo lắng cho học trò cả – :
- Đâu, đưa ma soeur coi.
Soi bàn tay cô bé ngồi im lặng nãy giờ ra ánh nến, ma soeur cau mày:
- Chà! Bầm dữ há… xức gì chưa con…
Soeur quay hỏi Ái, nhìn cô bé dạ ngoan ngoãn ma soeur chợt mỉm cười:
- À! Cô nầy mới vào phải không?
Em đáp thay Ái:
- Dạ, sao ma soeur biết?
Ma soeur lúc nào cũng cười:
-
Tại hồi sáng, ma soeur thấy… Ái ngồi nói chuyện với người Má, rồi gặp
một lần nữa ở phòng soeur Giám Đốc. Ma soeur chú ý vì cả hai lần đều
thấy cô nầy khóc…
Chuyện
gì xảy ra với Ái? Mặt em hình như tái đi, nhìn Ái. Em biết cô bé cũng
đang lặng người trong tối vì hai bàn tay vuốt lung tung trên tóc. Em
trấn tĩnh bằng nụ cười với ma soeur:
- Dạ, Ái nhõng nhẽo lắm ma soeur, con cứ phải dỗ hoài à.
Ma soeur nhìn tập vở gọn gàng trên bàn rồi lại hỏi:
- Mưa mà không có điện như vậy chắc tụi con không học được hả?
Em cười tươi:
- Dạ không, tụi con mới thi tam cá nguyệt nên rảnh lắm, cũng may…
Ma soeur như chợt nhớ ra:
- À, trường tuần tới có tổ chức đi Ô Quắn ngày Chủ Nhật cho mấy em nội trú, các con có tính đi không?
Cái tin bất ngờ quá, em reo lên:
- Trời ơi, sao con hổng biết… chắc con đi liền, mà phải xin phép chú thiếm nữa…
Ma soeur nhìn Ái:
- Còn con có đi không?
Giọng cô bé nhỏ nhẹ:
- Dạ, để con xin Ba Má…
Chừng như ngồi đã lâu, ma soeur đứng lên cười nhìn cả hai đứa:
-
Thôi để ma soeur đi nha – Ma soeur nhìn Ái – nhớ cẩn thận, mấy soeur
không thể theo sát mấy con được, bề gì mấy soeur cũng có trách nhiệm…
Em
bước theo ma soeur để đóng cửa vừa dạ một tiếng rập ràng với tiếng của
Ái. Có một thứ im lặng lạ lùng đã ở lại trong phòng khi ma soeur bước
ra. Em không chịu nổi sự im lặng đó:
- Chuyện gì thế Ái?
Chưa
bao giờ em thấy Ái sợ hãi thế nầy, hai bàn tay ôm lấy mặt một cách vô
vọng. Nhát cuốc của em đã bổ trúng mạch suối và nước đang phun lên. Ái
ngước lên, đôi mắt mà em đã ví như “khoảng tối có nhiều bóng lá râm”
chợt sáng lên thần tình như đính bởi hàng vạn hạt long lanh:
- Ái muốn giấu An, Ái không muốn An biết nhưng cuối cùng An cũng biết…
Như
không dằn được nỗi xúc động òa vỡ trong lòng, Ái bất thần tuột xuống
giường, chạy đến bên em cúi đầu bên ngọn nến đỏ trên bàn học, hai bàn
tay siết lấy hai bàn tay, cô bé nức nở không ngừng:
- Như An… Như An của Ái… cho Ái khất một lần… Ái không thể nào kể được lúc nầy…
Từng
giọt nước mắt mồn một rỏ xuống một bên vai như lôi cả tảng buồn sầu. Em
để yên tay em, quay nhìn Ái thẳng thắn nhưng dịu dàng:
-
An sẽ không bao giờ hỏi Ái nữa đâu… Ái đừng sợ… Như An đã từng yêu cầu
Ái đừng hỏi đến Ba Me của An, Ái cứ khóc một lần cho vơi cạn nỗi buồn…
rồi chúng mình đi ngủ.
Những
giọt nến nhỏ xuống lặng lẽ với những giọt nước mắt. Chỉ có mưa giông ầm
ĩ đêm nay. Hai cái bóng mờ nhạt lung linh theo ánh nến in trên vách
chợt im sững như cái bóng tượng đá. Có hai vì sao cùng khóc mờ trong
trời mưa.
Lát sau, Ái đưa tay quệt nước mắt, cô bé gượng cười:
- Nghĩ Ái cũng lạ lùng thật, tự dưng ngồi khóc không đâu.
Em lo lắng nhìn Ái:
- An nghĩ Ái nên đi ngủ đi.
Em tiến đến bỏ mùng dùm Ái, vừa nói:
- Rồi, Ái lên ngủ đi… An tắt đèn cho.
Nhưng cô bé vẫn ngồi im ở bàn học, se sẽ lắc đầu:
- Ái biết… có lên bây giờ Ái cũng không ngủ được.
Đôi mắt ướt của cô bé nhìn em van nài:
- An nầy, ngồi đây kể chuyện cho Ái nghe… chiều Ái một lần cuối thôi mà…
Chữ “lần cuối” như tiếng kêu thương, em đến ngồi bên Ái:
- Chuyện gì nào?
Cô bé nghiêng đầu, thủ thỉ:
- Chuyện gia đình An, cái trại gia súc đó…
Cái
trại gia súc – bốn tiếng đó như nhắc nhở cả một khung trời chạy nhảy,
nô đùa tung tăng, một địa đàng không trái cấm, không rắn độc mà chỉ có
cây trái bốn mùa ngon ngọt và lũ súc vật hiền hòa, dễ yêu. Em chớp mắt
thật nhanh như để nhớ lại rồi bắt đầu kể huyên thuyên. Từ những khoanh
thân chuối mỏng xắt ngọt lịm lùa vào máng đến lũ gà giò háu ăn nhưng
lịch sự với các cô gà mái. Từ những quả trứng tròn trĩnh, âm ấm nằm trên
lớp rơm trong những cái thùng gỗ đến lũ gà con bụ bẫm mới nở, ló ra
chiếc mỏ hồng hồng và đôi mắt lay láy như hai hạt cườm dưới cánh gà mẹ.
Từ những câu trao đổi vui vẻ của chú thiếm Giao quần quật suốt ngày
trong
các chuồng gia súc đến đứa con trai sáu tuổi kháu khỉnh làm linh mục
giả đút bánh hoài vào miệng giáo dân Như An quỳ trước mặt rước lễ, để
khi bánh hết, linh mục tí hon quẳng chiếc hộp bánh xuống, lăn đùng ra
đất dẫy nẩy bắt đền.
Ái
ngồi yên chăm chú nghe và nét tươi tỉnh lần lần phủ đều khuôn mặt trong
những cái cười gượng đến những nụ cười to vui vẻ. Nhưng em vẫn bắt gặp
những phút cô bé lơ đễnh nhìn sững vào một vật gì hoặc ngước lên trần
nhà ra dáng nghĩ. Những lúc ấy em hỏi:
- Nghĩ gì thế Ái?
Sau một chút giật mình, cô bé lại nhẹ nhàng lắc đầu:
- Không có gì đâu… An kể tiếp Ái nghe.
Sau
mỗi câu, em lại dừng lại chờ Ái cho biết ý kiến, để được biết cô bé đã
hoàn toàn hòa mình vào câu chuyện nhưng ở câu cuối, Ái chỉ nhìn em bằng
ánh mắt tinh quái, long lanh. Sau cùng cô bé điềm tĩnh, thong thả ngửa
một bàn tay lên bàn, dưới tượng Đức Mẹ và nói:
- An nầy, đặt bàn tay của An lên tay Ái đi rồi bình tĩnh cho Ái hỏi…
Tay cô bé co lại với những ngón ấp yêu siết chặt bàn tay em, giọng Ái tha thiết:
- Từ đầu đến giờ Ái không nghe An nhắc tới Ba Me của An… tại sao vậy?
Thoắt
chốc, em nghe rùng mình khắp cả châu thân, nhưng ngọn nến được Ái khêu
ra ánh sáng và ấm áp đã lan tỏa, cảm giác ấy cũng đột khởi rồi tan biến.
Em lặng đi nhìn Ái, rồi thở dài:
-
Thế nào rồi cũng cho Ái biết một lần. Ái nghe đây: An không còn Ba cũng
không còn Me sau một chuyến máy bay định mệnh, vậy thôi.
Tay
Ái rời ra, cô bé nhìn chăm chú bức tượng Đức Mẹ, hai tay loay hoay xếp
bừa một tờ giấy. Em biết Ái suy nghĩ chuyện gì quan trọng lắm, và sau
cùng, cô bé mím môi:
- Nhất định sau câu chuyện nầy, Ái sẽ để An ngủ…
Không nhìn em, Ái tiếp tục, mắt cô bé bắt đầu lóng lánh nước mắt như chảy ra từ một tượng đá:
-
Ái sẽ kể câu chuyện của Ái ban sáng. Câu chuyện như được dựa theo cốt
chuyện của một vở kịch hoặc một quyển tiểu thuyết, hoang mang và đau đớn
quá, Ái đã khóc. Một người đàn bà lạ đã đến đây – Ái ngước nhìn lên
trần nhà – Bà ấy nói Ái là con ruột bà ấy. Bà ấy nói khi mới sinh Ái, đã
vì theo lời của Ba Ái hiện giờ nên được bà ấy đem tráo vào đứa bé yểu
mệnh của Má Ái hiện giờ, sinh cùng một lúc với Ái, với lời hứa của Ba Ái
khi nào Má Ái qua khỏi lúc sinh đẻ hiểm nghèo và hoàn toàn bình phục
thì sẽ trả Ái lại. Bà ấy nói nhưng Ba Má Ái đã quên lời, đã giấu Ái biệt
tích mười mấy năm. Bà ấy nói bà đã đi tìm và nhờ một sự tình cờ
được biết Ái ở nơi đây… Bà ấy nói bây giờ là lúc Ái phải quyết định. Bà
chỉ còn có Ái…
Em lẳng lặng nghe trong nỗi sững sờ, sau cùng em chỉ biết hỏi:
- Bà ấy ra sao hả Ái?
- Khoảng 40 tuổi, mặc áo bà ba xám và choàng khăn quàng có những ô vuông màu nâu đỏ.
Em im lặng. Ái lại tiếp tục:
-
Soeur Giám Đốc đã biết được chuyện Ái vì khi bà kể có cả mặt soeur. Khi
bà về, ma soeur đã khuyên Ái nên trình bày cho Ba Má Ái biết rồi hãy
tùy theo thái độ Ba Má mà quyết định… Ái rối trí quá… Bà ấy đã ôm mặt Ái
mà chảy nước mắt. Ái linh cảm đúng là người Mẹ kính yêu và hết lòng
thương con của Ái… Bà sẽ trở lại vào Chủ Nhật sau…
Em nhận thấy không thể phán đoán và dự phần quyết định quan hệ của Ái nên chỉ biết an ủi:
- Ái cũng nên hỏi đến ý kiến người lớn, đừng quyết định vội, Ái ạ…
Ái như chợt nhớ lại khi có tiếng chuông reo 9 giờ dưới trường giục học sinh đi ngủ:
- À, An phải đi ngủ chứ hả? Mai còn phải đi học.
Em
lẳng lặng lên giường với bao ý nghĩ xoắn lấy khối óc. Ái cũng đứng lên
sửa soạn lên giường, cô bé chỉ ánh nến trên bàn nhìn em:
- Cho Ái để nến suốt đêm nay nha… chắc Ái không ngủ được.
- An sao cũng được… Ái phải coi chừng sức khỏe đó, mình còn đang học tập…
*
Bầu
không khí lành lạnh nửa đêm kéo em ra khỏi giấc ngủ. Mưa đã nhẹ hột và
tiếng mấy chiếc lá ngoài vườn chạm vào nhau nghe sột soạt rõ to. Em với
tay lấy chiếc mền và bất ngờ khám phá ra một bóng người lung linh trên
vách, có sợ hãi một chút nhưng rồi em cũng nhận ra bóng của Ái. Cô bé
làm gì nhỉ? Em nhè nhẹ nằm xuống vì sợ cô bé hay em thức để nhìn thấy
một cảnh, mà nỗi xúc động đã để lại trong tim một cảm giác lạ lùng không
bao giờ phai.
Cây
sáp đỏ đã cháy già nửa, một cô bé tóc dài xõa vai, quỳ âm thầm trước
bức tượng Đức Mẹ nhỏ xíu, hai bàn tay mũm mĩm chắp lại khít khao trong
khoảng thời gian trầm mặc. A! Ái đang cầu nguyện, tội nghiệp cô bé, em
chỉ tiếc là không giúp Ái được gì ngoài những lời an ủi chân thành,
nhưng em đã đem đến ái người Mẹ thiêng liêng để cô bé tìm thấy sự an ủi
trong cơn túng quẩn đức tin.
Thật
lâu, thật lâu chiếc bóng nhỏ bé ấy mới lay động và lời nguyện thoát ra
khỏi đôi môi động đậy, bay đi to nhỏ dạt dào như khơi dậy sự linh động
thính giác:
-
Thưa Mẹ, con đã cầu nguyện đủ điều… Nhưng xin Mẹ trong lúc dìu dắt con
đi theo đường Mẹ đã định… đừng bắt con rời bỏ… Như An quý thương…
Một
cái gì chận lấy con tim làm em nghẹn thở. Ái ơi! Tại sao Ái lại cầu như
thế, lại nguyện như thế, hay là Ái biết rằng sắp bỏ Như An của Ái mà
đi??
9
Ánh
mặt trời xế trưa nơi bãi biển chói lọi như đổ lửa. Từ phía cái quán nhỏ
trên ghềnh đá cao, soeur Sabine từ từ leo xuống những tấc đá vuông vắn,
khi gần tới chỗ nơi tụi em đang vui đùa, hai tay soeur đập vào nhau:
- Về thôi các con, muộn rồi.
Tiếng Thục liến khỉ:
- Cho tụi con chơi một chút nữa thôi ma soeur…
Ma soeur hòa nhã:
- Thôi về đi để Ba Má các con lo…
Có
vài tiếng chắc lưỡi tiếc rẻ, vài khuôn mặt phụng phịu, nhưng tất cả đều
vâng lời đi thay áo. Ma soeur tỉ mỉ nhặt tất cả giầy dép của bọn ở bãi
cho vào tấm drap to ban nãy tụi em ngồi rồi đi lên. Ma soeur có vẻ ngạc
nhiên khi nhìn thấy em đầu tiên:
- Ủa, con thay áo gì mà mau vậy?
Em tủm tỉm khi sờ lên khuôn mặt nóng bỏng vì nắng bể:
- Dạ con nghe ma soeur gọi con phóng lên thay liền.
Rồi em đỡ lấy chiếc túi trong tay soeur:
- Dạ để con xách cho ma soeur.
Ma soeur hiền từ:
- Thôi để ma soeur xách, nặng lắm con…
Bên
gộp đá cao, ma soeur đứng quay lưng về phía trời biển xanh thẳm bao la.
Áo, lúp theo gió phất phới bay, khuôn mặt đỏ hồng vì rám một ít nắng,
ma soeur hệt như những thánh nữ trong những bức hình. Em nói ý nghĩ đó
với ma soeur, ma soeur ký nhẹ trên đầu em mắng yêu:
- Con bé nầy, giàu tưởng tượng thì thôi…
Ma
soeur lững thững tiến về xe bỏ mình em dưới một mô đất cao vòi vọi. Tự
dưng hình ảnh Ái đến với em thật vội vàng. Chắc giờ nầy cô bé đang ở nhà
Ba Má và giải quyết một nghịch cảnh. Cũng tự dưng thấy buồn lòng, em
ném những bước chân bừa lên lối đi vòng quanh mô đất, lững thững ra tuốt
mỏm đá ngoài biển. Một chiếc lều ai chắn ngay lối đi, bên trong có
những tiếng cười đùa ồn ào, chắc một nhóm bạn thân tổ chức cuộc cắm trại
ngoài bể. Em sững người đôi chút rồi lại cúi xuống, bước đi. Một vòng
hoa tím mọc lan man dưới chân bên kia. Thận trọng nhưng thích thú, em
nhoài người bứt một cánh cả hoa và lá, lững thững băng qua cái ô cửa
vuông vuông,
trèo lên một hòn đá nằm cao nhất. Trời xanh trên cao, hoa tím trong
tay, mầu trắng của áo hòa hợp trong tiếng gió bể phần phật mới buồn làm
sao chứ. Nhưng em muốn gần biển một chút, những tảng đá rải dài dưới kia
chẳng hạn. Em lại leo xuống, những ngón tay bám vào đá nhọn hoắt nên
xước đi một tí, nhưng chẳng sao, em tìm được một chỗ ngắm bể thật lý
tưởng, một cái hốc đá mát rợi chỉ hứng gió bể mà không thèm hứng ánh mặt
trời. Em thả mái tóc ướt những nước ra, những sợi tóc đùa trên vai buồn
buồn. A, dễ thương ghê, sóng bắt đầu to, đập vào các phiến đá sủi bọt
tung tóe rồi lại lui ra. Em ngắm kỹ những bọt bể lăn tăn rồi tan dần,
người ta vẫn ví nhiều thứ với bọt bể, em lại nghĩ đến Ái, giá có Ái đây
nhỉ? Một thoáng
buồn.
Chắc
xe sửa soạn về, em đứng lên ngẩn ngơ với cành hoa tím trong tay. Thôi
lên đi nào. Em vội vã trèo lên. Có tiếng reo của bọn Thục Hạnh, hai đứa
có vẻ như tìm ai nhưng đứng trên mỏm đá cao thì làm sao nhìn được hốc đá
em ngồi chứ. Thục chạy đến:
- Chui vào góc nào vậy? Làm ta kiếm thấy mồ…
Hạnh tủm tỉm cười khi nghe em kể chuyện cái hốc đá:
- A! Thi sĩ mà…
Ba
đứa vòng qua phía bên kia mô đất trở về xe. Bận nầy em tìm thấy những
cái hoa vàng. Em không thích màu vàng đâu, nhưng vẫn hái. Không chừng về
gặp Ái và được dịp tặng cô bé. “Quà ở Ô Quắn đó nha!”. Chắc Ái vui vẻ
lắm. Bỗng nhiên em muốn cười một cái với soeur Sabine đằng xe, nhưng
soeur đã cười trước khi em đến gần.
- Suýt chút nữa ma soeur bỏ quên con lại rồi.
Tiếng láu lỉnh của con bé Thục khi hai đứa leo lên xe:
- Sao ma soeur không bỏ nó lại Cấp cho đáng tội… đi lang thang.
Em phát nhẹ vào lưng con bé trong lúc ma soeur giảng hòa:
- Thôi, con…
Xe
bắt đầu chạy, vài cái tay vẫy vẫy giã từ biển, giã từ sóng. Bác mặt
trời soi bóng trên mặt nước lăn tăn lấp lánh ánh nắng như những con rắn
pha lê đội vương miện bạc rướn lên bờ. Chiếc xe lúc la lúc lắc trên
khoảng đường đi lông chông đá, mấy nhỏ bạn thiu thiu ngủ với mấy sợi tóc
trên mặt, em chồm vào tờ giấy ma soeur đang xem:
- Cái gì vậy, ma soeur?
Ma soeur lật xem ở phía cuối tờ:
- À bài nói về Pasteur, không biết chị nào bỏ trên xe.
Ma soeur chỉ tay:
- Con đọc thử xem, thư của Pasteur viết cho vợ sau khi ba ông mất.
Em nhướng mắt giây lâu rồi chỉ vào một đoạn:
-
Da, con hiểu được câu nầy “…A! Đây con trai Ba! Đây là tên của Ba! Ô!
Ba đáng thương! Anh rất lấy làm sung sướng để mà nghĩ rằng anh có thể
đem đến cho ông vài sự hài lòng…”
Em thở dài, ma soeur chống tay lên cằm, nhìn em:
- Bộ con buồn?
- Dạ. Tại khi Ba con mất, con đã không thể nói một câu như vậy.
Đến lượt ma soeur thở dài:
- Ma soeur hiểu nỗi buồn của những người không còn đủ Ba Me.
Em cười buồn, nghĩ đến Ái:
- Thưa ma soeur, những người còn đủ Ba Me vẫn có nhiều nỗi buồn to tát lắm ạ.
Ma soeur tát khẽ vào má em:
- Con bé lý sự.
Rồi
ma soeur im lặng, quay sang lần những hạt chuỗi bóng ngời trên tay.
Thành phố Cấp quay lưng lại phía sau. Mây bỗng cuồn cuộn xuất hiện trên
trời, chẳng mấy chốc xám nghịt rồi những hạt mưa bắt đầu rơi. Khung cảnh
hai bên đường thật đẹp. nhưng ảo não vô cùng. Những thửa ruộng xanh
mướt kỳ lạ vươn lên sau mỗi đợt gió chia từng vuông nhỏ tới sát chân
núi. Những dãy núi liên miên bất tận trong một khoảng đường xe chạy. Các
cụm mây phủ khuất ngọn núi trắng như tơ nõn dưới bầu trời xám đen lất
phất mưa lạnh trông buồn thật buồn. Có cụm bay dật dờ trên cao, có cụm
hạ xuống thật thấp len lỏi giữa các ngọn như từ trong núi đi ra, khác
hẳn với mặt
trời quang đãng của buổi sáng. Hai cái hoa tím vàng bắt đầu rũ xuống
ngủ trên tay. Chắc không còn đẹp khi cho Ái. Nhưng sao em không muốn bỏ
đi. Em vẫn muốn giữ lại một di vật liên lạc giữa hai phương trời cùng
nhớ cùng thương. Phương trời Trần Thúy Ái ở với phương trời có mây biển
xanh và có sóng dạt dào.
*
Mấy nhỏ bạn lục đục thức dậy khi chiếc xe hòa mình vào không khí ấm áp của thành phố.
Trời
tối hẳn, những khoảng đèn xanh đỏ trên các góc phố góc đường nhấp nháy
tưng bừng. Nhỏ Hạnh thúc cùi chỏ khi nhìn đôi mắt lờ đờ của em:
- Bộ hổng ngủ hả nhỏ?
Em chống tay ngồi lại ngay ngắn:
- Ừ! Tại hổng buồn ngủ.
- Chứ sao cái mặt mi thế kia?
Em
chỉ cười. Em đã mệt nhoài trong nỗi chờ đợi và hồi hộp mỗi lúc một tăng
trong khoảng đường bể – thành phố dài dịu vợi. Em tự hỏi em phải làm gì
nếu có một cuộc tranh chấp tình thương giữa ba má cũ và ba má hiện tại
mãnh liệt trong Ái. Em đã tự hỏi phải làm gì nếu gặp trong phòng một
Thúy Ái đau đớn, khổ sở. Và em phải làm gì khi cô bé vì trong nỗi dằn
vặt tột cùng đã lẳng lặng ra đi, từ chối tình thương của cả hai bên. Em
sẽ phải khổ chỉ vì em thương Ái vô cùng.
Chiếc
xe bò vào cái sân trường tối đen rồi dừng lại trước khi chui vào nhà
xe. Mấy nhỏ bạn kéo xuống huyên náo với những gương mặt tay chân bình
thường trắng trẻo lúc thúc mãi trong tối, nay đen sạm lại, rắn rỏi dưới
mái tóc còn nồng nồng gió bể. Luôn luôn là kẻ vội vàng, em lặng lẽ rời
xe, phóng một mạch lên lầu, em nôn nao với ý nghĩ nhất định sẽ không
thay áo liền, sẽ kể chuyện mưa, kể chuyện nắng, chuyện vui đùa ở bể cho
Ái nghe. Em tin sẽ gặp một Thúy Ái hồn nhiên, tươi tỉnh vì mọi việc đã
giải quyết ổn thỏa. Không có lý do gì mà gương mặt của người bạn thương
mến lại có thể ủ dột nữa.
Em
vất chiếc túi xuống đất, tức tối muốn khóc khi nhận ra căn phòng tối im
ỉm. Vừa lạ lùng, vừa giận dỗi, em cho chìa khóa vào ổ, xoay đi một
vòng.
Đầu
diêm sinh chạm phải bìa hộp và đã bựt cháy. Không còn gì bực tức và
buồn bã cho bằng đoán trước rằng, đúng hơn là lo sợ rằng sẽ không gặp Ái
mà điều đó vẫn xảy ra. Và hơn cả điều em dự tưởng là đồ đạc Ái trong
phòng không những biến mất mà cả những gì còn lại của trường, của em,
được sắp xếp ngăn nắp, thứ tự. Từ hai chiếc giường căng vải thẳng băng
đến cái bàn trống sạch của Ái, cái bàn có hai chồng tập cao vút chễm chệ
của em và đặc biệt là thêm lọ trầu bà đã để bên Ái có những cành lá bò
dài an nhàn trên chiếc lọ thủy tinh chứa những viên cuội trắng trong.
Nỗi lo buồn chợt bừng dậy như cơn sóng biển. Em muốn khóc òa lên cho
hả cơn uất ức, muốn đập vỡ một vật mỏng manh như cái lọ trầu bà kia
chẳng hạn. Tiếng vỡ của nó hòa với nước mắt của em chắc là bớt cơn buồn
phiền nhiều lắm. Mắt em hoa lên, em tưởng đã nghiến răng cầm nó lên và
giáng xuống, em tưởng chừng đã nghe tiếng xoảng ròn rã như tiếng cười
dài chế nhạo. Nhưng không, chiếc lọ vẫn còn nguyên khi em bình tĩnh đặt
xuống bàn. Nước có sóng sánh một chút và từ từ lăn trên phiến lá cong
cong yểu điệu như những giọt nước mắt trên cánh mi cong. Một giọt rời
khỏi lá và phóng xuống nhòe ướt một góc của cánh thư ai đặt trên bàn.
Phong thư đặt úp xuống, trên góc mang một nét chữ quen quen: Trần Thúy
Ái. Phía giữa nét chữ có vẻ nắn nót và to hơn: Phạm Nguyễn Như An. Em
nhắm mắt thật lâu để trấn
tỉnh ý nghĩ loạn xạ trong đầu óc, rồi bóc ra xem:
Ngày… tháng… năm…
Như An của Ái,
Ái
đã bắt đầu muốn khóc từ lúc cho đồ vào va-li và khóa lại. Căn phòng
vắng lặng ghê người. Ái ngồi đây, nơi bàn học của Như An, chờ đợi vô
vọng bóng dáng Như An, lắng nghe từng tiếng lá, tiếng chân. Bây giờ nếu ở
Ô Quắn chắc Như An cũng phải thấp thỏm, buồn bã như Ái. Nếu có ai hỏi
Ái muốn điều gì lúc nầy, Ái sẽ nói liền: xin cho Ái được gặp Như An của
Ái, để Ái tâm sự một lần cuối, nhìn Như An cười, Như An nói, Như An dỗi
một lần cuối rồi vĩnh viễn ra đi… theo Má ruột của Ái.
Đến
đây chắc Như An sẽ tròn mắt ngạc nhiên vì chả hiểu sao cả - Ái vẫn nhớ
cái tròn mắt của Như An nó dễ thương vô cùng – Vâng, Như An ạ, Ái sẽ
theo Má ruột của Ái mà ra đi. Chắc Như An sẽ nghĩ rằng Ái đang cười và
sung sướng? Không đâu Như An ơi, nỗi buồn bã đã lấn át tất cả. Trong đầu
Ái vẫn còn vang dội cuộc nói chuyện với Ba Má cũ ban sáng. Những khuôn
mặt lạnh nhạt, những câu nói dửng dưng nhưng lúc ấy, những cử chỉ đó đối
với Ái tàn nhẫn gấp ngàn lần mắng Ái, Ái nghĩ giá lúc ấy Ái khóc được.
An có thể tưởng tượng được khi Ái trình bày mọi việc xảy ra hôm chủ nhật
tuần rồi với Ba Má cũ của Ái, Ba đã thản nhiên nhìn nhận rằng
có sự thật như vậy và còn cho biết, đúng hơn là đính chính, không phải
ông giấu Ái biệt tích nhưng vì thất lạc địa chỉ của Má ruột Ái và tuy
còn quá nhỏ nhưng Ái cũng có công cứu sống được Má cũ của Ái nên Ba Má
cũ “đành” nuôi Ái đến lớn khôn, sẽ cho Ái đi tìm, dưới danh nghĩa đứa
con cưng duy nhất của ông bà kỹ sư Phùng.
Ái
đã muốn được chết đi lúc đó, muốn… với tất cả tuyệt vọng, nhìn được nụ
cười tươi tắn trên khuôn mặt của “Ba” Ái để Ái có thể ôm chầm lấy Ba,
dụi đầu trong Ba mà cười qua nước mắt: “Ba đùa cho con sợ đó hả Ba?...
Ba làm con sợ quá!” và Ba sẽ siết lấy Ái mà đáp: “Ấy vậy mà chó con cũng
chảy nước mắt, tội nghiệp chưa!” Nhưng Ba chỉ thản nhiên ngồi xuống
chiếc ghế sa-lông trong cái phòng khách lộng lẫy, búng tàn thuốc vào cái
lọ sứ cổ đắt tiền. Ái đã cầu cứu nhìn sang Má, chỉ muốn van xin: “Má à,
có phải Ba Má nói đùa đấy không, con van xin Ba Má dừng lại lối trừng
phạt tàn ác nầy”. Nhưng Má chỉ che mặt dưới bàn tay rớm
những giọt nước mắt. Chắc để nhớ đứa con bạc mệnh chứ không phải để cho
Ái vì khuôn mặt lạnh lùng ấy lúc ngước lên nhìn Ái lại còn lạnh lùng
thêm. Tiếng Ba Má lúc nầy sao mỉa mai, đau xót quá hả Như An.
Như
An ơi! Giá có Như An lúc đó, Như An xuất hiện lúc đó cho Ái được khóc
thỏa thê với Như An, chắc Như An không bao giờ từ chối với Ái như “Ba
Má” đã từ chối với Ái đâu phải không? Chỉ tưởng tượng rằng Như An đang
gật mạnh đầu, mà Ái có thể vui vẻ rồi đây.
Như
An ơi! Chắc muôn đời Như An không biết được nỗi đau lòng của kẻ bị bỏ
rơi như Ái, muôn đời Như An không biết giọt nước mắt nghẹn lại trên mi
vì quá đỗi đắng cay như Ái. Thế là Ái không còn phải lựa chọn quyết định
gì cả hả An? Nhưng nếu cho Ái quyết định thì Ái sẽ nhất định theo Má
ruột của Ái, dù chính bà không chăm lo, săn sóc Ái từ thuở lọt lòng như
ông bà Kỹ sư, chính bà không tự tay dưỡng nuôi và cho Ái ăn học. Nhưng ở
nơi bà, lần đầu tiên Ái gặp, Ái đã biết thế nào là tình mẫu tử, thế nào
là tâm trạng chim mẹ xẻ thân mình cho lũ chim non no lòng. An ơi! An có
thể tưởng tượng được sự hồi hộp của Ái khi biết giây phút tới đây
Thúy Ái của Như An sẽ lao vào vòng tay gầy guộc của Má ruột Ái từ từ
siết lại như sợ Ái thoát mất cùng với tiếng “A! Con tôi” đầy tình thâm
và những giọt nước mắt xuất phát từ quả tim có những rung cảm chan chứa,
dịu dàng. Ở Má, Ái biết thế nào là tình cốt nhục, tình huyết thống. Ở
ông bà Kỹ sư, Ái biết được một hành động ân nghĩa quá ư cao thượng.
Như An của Ái,
Ngày
nào hai đứa lần đầu tiên “cầu nguyện” – tiếng nầy Ái vẫn thương nó lắm –
Ái đã nói với Mẹ, với Chúa xin Ái được ở kề cận suốt đời bên Má Ba, dù
có ra sao đi nữa, thì An ạ, có phải đây là một điều cho Ái được hãnh
diện – với riêng An – là Má Ba ruột Ái nghèo vô cùng, không bằng một góc
ông bà Kỹ sư, như có lần Ái đã tả với An, nhưng Ái vẫn thương quý vô
cùng. Vì Ái chỉ là một con người. Ái lớn lên và được nuôi dưỡng bằng
tình thương. Vật chất nếu có cũng chỉ dự một phần rất nhỏ vào đời sống.
Có tình thương, người ta sẽ lấp được khoảng thiếu thốn của vật chất dễ
dàng, nhưng sự thiếu thốn tình thương thì không
thế.
Như An của Ái,
Phải
thú nhận lúc đầu Ái vẫn còn hy vọng lôi kéo được tình thương của Ba, Má
cũ nhiều lắm vì quả thật không còn gì đáng sợ cho bằng về sống với
người Má ruột xa lạ trong sự ngờ vực mình là một nạn nhân trong những
mưu toan người lớn: Ông bà Kỹ sư đã là hình ảnh và tình thương mà Ái
dành cho, nghĩ đến trong mười mấy năm trời đằng đẵng. An ơi, nghĩ sao
khi hình ảnh song thân hiện tại thoắt chốc bừng vỡ để thay thế bằng hình
ảnh người lạ mặt. Ái đã run rẩy, quay quắt với hình ảnh người đàn bà lạ
mặt. An ơi, có can đảm nào chỉ gặp người ấy một lần mà định mệnh đã
thay đổi, thay đổi tất cả để Ái có thể trở thành con và phải đi theo
người ta không?
Đó
là những ý nghĩ đã theo đuổi Ái trong suốt quãng đường tới đây, đã làm
Ái lo lắng, sợ hãi muốn khóc vì tưởng tượng ra một tổ chức bất lương nào
đó. Nhưng bây giờ thì Ái đã hoàn toàn bình tĩnh rồi An ạ. Cái gì đã làm
Ái bình tĩnh thế hả An! Một đốm ánh tình thương đã lóe sáng trong mắt
Má ruột Ái. Hai bàn tay run rẩy vô cảm giác bưng lấy khuôn mặt Ái. Tất
cả không chứng minh cho một liên hệ máu huyết sao hả An??
Như
An ạ, Ái sắp đi đây, thật không còn gì để Ái luyến tiếc hơn là ngôi
trường thân yêu và Như An của Ái. Có phải khi nào phải rời bỏ thì người
ta hay nhớ lại không An? Ái nhớ lại tất cả… từ lúc hai đứa mình gặp nhau
lần đầu đến lúc hai đứa giận nhau và thân nhau nhất trên đời. Ái nhớ
thật nhớ lần mình cầu nguyện hai mái đầu nhỏ bé, lặng lẽ trong ngôi giáo
đường trang nghiêm, trầm lặng cho đến hôm đi lễ, giọng cha đọc phúc âm
như dòng mật chảy xuống con tim và tiếng đại phong cầm van vỉ, thiết tha
như thống hối tội tình. Tất cả đã buộc chặt tim Ái bằng một dải lụa mềm
dịu, chả bao giờ Ái muốn cởi ra nhưng nhớ tới lại buồn
bã.
An
ạ, cứ mỗi lần muốn chấm dứt thư thì lòng Ái đau nhói lên. Bức tượng Đức
Mẹ đã gói lại rồi sao Ái vẫn muốn lấy ra, xem lại, để nhớ lại hôm Như
An tặng Ái đem đến Ái một người mẹ tinh thần thiêng liêng, những câu Như
An nói, ánh mắt Như An cười, cả lúc Như An ngủ. Như An ơi, Ái đã được
Mẹ chấp nhận lời nguyện theo đúng con đường Mẹ định nhưng ở gần Như An
suốt đời thì không. Mẹ chỉ cho Ái được chọn một trong hai mà thôi. Nghĩ
mà buồn khôn xiết kể.
Thư
đã dài, Ái sắp theo Má đi xa, về một vùng yêu thương chính thống của
Ái, nơi đó có Ba ruột Ái đang chờ. Thôi Ái dừng nha. Cầu nguyện Mẹ phù
hộ cho Như An của con.
Thương
TRẦN THÚY ÁI
TB.
Như An, ngón tay Ái lành rồi. Chỗ tím ít dần. Nếu có An, Ái sẽ co ra,
co vào cho An xem, bây giờ nghĩ lại Ái vẫn còn sợ đó. Cũng nhờ Như An đó
thôi.
Em
ép cái thư vào ngực. Nước mắt bị nén lại bây giờ bắt đầu trào ra. Tình
bạn, tình thương giữa hai đứa em chóng vánh, mong manh như bọt bể, như
hai cái hoa tím vàng ngủ say trên tay, như gió lốc, như cơn mưa qua và
như mây trên núi. Mây có quyến luyến núi, núi có mến thương mây nhưng
nào núi có giữ mây được đâu… !!!
14-8-70
LINH HƯƠNG
(bút nhóm Thương Linh)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 139, ra ngày 15-10-1970)
Tranh bìa của Vi Vi : Tuổi trẻ mong manh |